Tam Hạ Nam Đường

Hồi Thứ Năm Mươi Bảy

Tin tức Dương Diên Chiêu bị giết đồn đến Giải Sơn trại, bọn Nhạc Thắng, Mạnh Lương kêu khóc om sòm.

Mạnh Lương nói với chư tướng:

- Nay thượng quan đã bị chết oan, bọn ta đây cũng chẳng làm gì, chi bằng phân nhau đi các nơi làm ăn thì hơn.

Nhạc Thắng nói:

- Lời tướng quân rất phải.

Bèn khiến Lưu Siêu, Trương Cái xuống dưới núi, lập một cái miếu thờ Dương Diên Chiêu, và lập hai cái cốt tượng hình Dương Diên Chiêu và Tiêu Táng mà thờ, còn bọn Nhạc Thắng và Mạnh Lương thì về lại Thái Hành Sơn làm tướng cướp mà nuôi nhau.

Bấy giờ Tiêu Táng bị đày ở Đăng Châu nghe Dương Diên Chiêu bị giết thì cũng vượt ngục mà trốn đi.

Bấy giờ Vương Khâm thấy Dương Diên Chiêu đã chết liền viết thơ sai người tâm phúc đem qua Bắc Phiên nói rõ cho Tiêu Hậu biết.

Tiêu Hậu xem xong mừng rỡ, nói với Tiêu Thiên Tử:

- Nay Vương Khâm gởi thơ về nói rõ ràng tình hình nước Tống đang nguy khốn như vậy. Chúng ta nên khởi binh đánh một trận xem sao.

Sư Cải tâu:

- Họ Dương tuy mất, song nước Tống binh tướng còn nhiều nếu ta dẫn binh chinh phạt e chưa chắc thắng. Vậy phải lập kế gạt Tống chúa ra khỏi triều đình, rồi vây bắt.

Tiêu Hậu hỏi:

- Khanh có kế gì gạt Tống chúa hãy nói cho ta nghe thử?

Sư Cải tâu:

- Nay Ngụy phủ là Lăng tẩm của Tấn Đế, lâu ngày bỏ hoang. Nay khiến người trồng thêm hoa thơm cỏ lạ rồi đồn đại trời xuống điềm lành, mưa rượu ngọt, cây hóa huỳnh tương, bày điều quái lạ như vậy. Lại khiến một người đem tin cho Vương Khâm hay, bảo Vương Khâm xúi vua Tống ra đó mà xem, rồi ta kéo binh vây bắt. Nước Tống mất vua thì còn gì mà giữ được giang sơn.

Tiêu Hậu theo kế liền viết thơ sai người đến Biện Kinh tin cho Vương Khâm hay trước, rồi chọn người đến Ngụy phủ sửa sang lăng tẩm, đào lập vườn. Một mặt sai Tiêu Thiên Tả dẫn binh mã đến đó phục sẵn.

Chưa đầy một tháng, tin tức đồn đến Biện Kinh.

Vua Chơn Tôn hỏi quần thần:

- Nay Ngụy phủ có điềm lạ như vậy, các khanh xét thấy thế nào?

Vương Khâm bước tâu:

- Nay Ngụy phủ có điềm lạ như vậy, ắt lòng trời muốn cho nước Tống giàu mạnh, Bắc Phiên chẳng dám lăm le bờ cõi nữa.

Vua Chơn Tôn mừng rỡ, nói:

- Đất Ngụy gần cõi Phiên mà lúc này là lúc chiến tranh, nếu trẫm ngự giá ra đó ai dám đi theo để bảo giá?

Vương Khâm tâu:

- Bệ hạ nên khiến phò mã Khấu Thừa gìn giữ kinh thành rồi ra đi ắt vô sự.

Bát Vương thấy can không được, buồn bực lui ra.

Vua Chơn Tôn liền hạ chỉ sai Hô Diên Táng làm bảo giá.

Đại tướng quân, Quang Châu Tiết, Vương Toàn Tiết, Trịnh Châu Tiết đều theo hộ giá.

Bọn Hô Diên Táng vâng mạng sắm sửa sẵn sàng, cách vài hôm sau rời Biện Kinh, có Bát Vương và văn võ bá quan theo hầu.

Đi được mấy ngày đã đến Ngụy Châu, vào lúc tiết trời nắng ráo, xe giá vào ngự phủ đồn trú.

Vua Chơn Tôn bèn dắt quần thần đi xem phong cảnh, quả nhiên thấy cây lá tốt tươi, nước xanh leo lẻo, vua bèn khiến múc nước ao lên nếm, thì quả có bay mùi rượu, quân sĩ bẻ lá cây mà ngửi thì chẳng có chi lạ.

Bát Vương tâu:

- Bệ hạ vì điềm lành mà muốn đến đây xem, nay thấy chẳng có gì đáng lưu ý, vậy xin Bệ hạ sớm trở về cung, kẻo lầm kế giặc.

Vua Chơn Tôn nghe nói, cũng nghi ngờ, bèn hạ chỉ di giá trở về. Chẳng ngờ quân Bắc Phiên thám thính, thấy chúa tôi nhà Tống đã vào Ngụy phủ, nên báo cho Tiêu Thiên Tả và Thổ Kim Tú dẫn mười muôn binh mã, vây chặt bốn phía.

Vua Chơn Tôn cả kinh, nói:

- Trẫm chẳng nghe lời các khanh can gián, hôm nay bị vây biết làm sao thoát khỏi.

Bát Vương nói:

- Binh Phiên đã lập kế đưa chúng ta vào lưới, Bệ hạ phải truyền cho các tướng giữ bốn cửa phủ cho nghiêm ngặt, rồi sai người về Biện kinh cầu cứu.

Vua Chơn Tôn liền khiến Hô Diên Táng cho quân giữ các cửa, trong lúc binh Phiên đông như kiến cỏ, ai nấy đều khiếp sợ.

Tướng Phiên là Thổ kim Tú, giục ngựa xông ra nói lớn:

- Vua tôi nước Tống các ngươi đã trúng kế sa vào lưới rập sao không chịu đầu hàng cho khỏi chết?

Hô Diên Táng nổi giận xông ngựa ra đánh với Kim Tú một hồi. Hô Diên Táng đuối sức quay ngựa bỏ chạy bị quân Phiên dùng cung tên bắn như mưa, trúng vào con ngựa Hô Diên Táng, làm cho Hô Diên Táng té nhào xuống đất bị quân Phiên áp đến bắt sống.

Vua Chơn Tôn hay tin thất kinh. Bát Vương tâu:

- Việc đã gấp xin Bệ hạ sai người đến các trấn gần đây cầu viện binh cứu.

Vua Chơn Tôn y lời, sai người ra đi.

Bấy giờ quân Phiên bắt được Hô Diên Táng, bèn bỏ vào xa giải về U Châu nạp cho Tiêu Hậu.

Thấy vua Chơn Tôn buồn bã, Bát Vương tâu:

- Triều đình tin tức không thông, còn ở đây chẳng ai dám ra đánh, nay phải tìm cho được họ Dương thì mới phá nổi quân Phiên.

Chơn Tôn nói:

- Họ Dương biết đâu mà tìm bây giờ?

Bát Vương tâu:

- Xin Bệ hạ viết một bức thơ, sai người đi tìm khắp thiên hạ may ra gặp được.

Vua Chơn Tôn làm thinh, vào trong trướng nghĩ thầm:

- Lời tâu của Bát Vương thật đáng nghi lắm, tại sao đã giết Dương Diên Chiêu, chặt đầu đem về, lại còn bảo là đi tìm trong thiên hạ?

Nghĩ rồi, liền đòi quân Thị Thần vào hỏi:

- Các khanh nghe lời tâu của Bát Vương có gì nghi ngờ chăng?

Quan Thị Thần tâu:

- Có khi Bát Vương biết đặng tin tức của Dương Diên Chiêu nên mới tâu như vậy. Xin Bệ hạ hãy phát thơ sai người ra Nhữ Châu mà hỏi, thì sẽ biết rõ.

Vua Chơn Tôn nghe lời, viết thơ và hỏi các tướng:

- Có ai dám vì trẫm mà thoát vây đến Nhữ Châu chăng?

Vương Toàn Tiết bước ra xin đi. Vua Chơn Tôn sai Lý Ninh yểm trợ ra khỏi thành.

Vương Toàn Tiết may mắn thoát ra được liền nhắm Nhữ Châu đi tới.

Lời Bàn

Trong lúc hoạn nạn mới thấy được quyền uy không phải là lẽ sống.

Vua Chơn Tôn trong lúc không gặp hoạn nạn, nghe lời bọn ninh thần, giết hại các tôi trung, dùng quyền uy để trấn áp mọi người, rồi đến lúc hoạn nạn lại cầu cứu các trung thần để bảo vệ mình. Như vậy kẻ thiếu sáng suốt chỉ thấy quyền uy trong lúc thái bình mà không thấy nguy hiểm trong lúc hoạn nạn.

Người có bản lĩnh, có tinh thần sáng suốt, không cậy vào quyền uy trong lúc thái bình, mà nghĩ đến việc nguy hiểm trong lúc hoạn nạn.

Từ xưa đến nay, những kẻ cầm quyền, nắm quyền lực trong tay, ít ai biết lo xa, lúc thái bình nghĩ đến lúc nguy khốn, chỉ nhìn vào sự việc trước mắt, đến lúc tình thế diễn biến, không còn quyền nữa thì mới ăn năn hối hận.

Tội nghiệp cho những kẻ trung quân ái quốc như họ Dương, suốt đời chịu nhẫn nhục để đuổi theo một ước vọng vì nước vì dân, nên dù khổ cực đến đâu cũng không xa rời mục đích của mình.