Tam Hạ Nam Đường

Hồi Thứ Năm Mươi

Bấy giờ vua Thái Tôn lâm bệnh nặng, nên triệu Khấu Chuẩn và Bát Vương vào trối rằng:

- Tiên Đế đem thiên hạ mà giao cho trẫm chưởng lý, nay đã được hai mươi năm, trẫm định nhường ngôi lại cho Bát Vương, để khỏi trái lệnh của Hoàng Thái Hậu.

Bát Vương nghe nói tâu:

-  Nay Hoàng Tử của Bệ hạ đã khôn lớn, và lòng người cũng phục, xin Bệ hạ hãy nhường ngôi lại cho Thất Vương thì phải hơn.

Vua Thái Tôn ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi Khấu Chuẩn:

- Khanh xem thử ngôi báu của trẫm đáng giao lại cho ai?

Khấu Chuẩn tâu:

- Bệ hạ vì thiên hạ mà chọn chúa thì chẳng nên tính với đàn bà trong cung, và cũng chẳng nên bàn với cận thần. Chỉ có Bệ hạ suy xét trông cậy vào ai thì trao cho kẻ đó mà thôi.

Vua Thái Tôn nói:

- Nay Bát Vương không chịu làm vua, thì trẫm phải lập Nguyên Khản lên ngôi báu mà giữ xã tắc.

Khấu Chuẩn tâu:

- Không ai biết con mình bằng cha. Bệ hạ đã thấy được người đáng kế vị, xin lập thừa kế cho xong. vua Thái Tôn nói với Bát Vương:

- Bệnh trẫm nay đã gần ngày, khanh hãy ráng mà giúp cho em của khanh. Tiên đế cũng thường nói đời nào cũng có tôi nịnh làm loạn việc nước. Nay trẫm cho khanh lệnh miễn tử, nếu gặp gian thần thì được quyền trị tội, còn như con Dương Nghiệp là Dương Chiêu, người ấy nên trọng dụng chớ bạc đãi.

Bát Vương tuân chỉ.

Vua Thái Tôn băng hà. Quần thần lập Nguyên Khản lên tức vị, lấy hiệu là Chơn Tôn Hoàng Đế, tôn mẹ là Lý thị làm Hoàng Thái Hậu, phò linh cữu vua Thái Tôn mai táng nơi Yên Lăng.

Vua Chơn Tôn lên ngôi phong cho Vương Khâm là Su mật sứ, phong cho Bát Vương làm Thiên ý Vương, còn bao nhiêu văn võ đều được thăng chức.

Lúc ấy Tống Kỳ bước ra tâu:

- Tôi mang ơn Tiên Đế, nay đã cao tuổi, nếu còn ở lại cũng vô ích cho triều đình, xin Bệ hạ cho tôi về quê dưỡng lão.

Vua Chơn Tôn nói:

- Trẫm mới lên ngôi, nhờ các khanh phò tá, sao lại bỏ trẫm ra đi sớm vậy?

Tống Kỳ tâu:

- Nay trong trào không thiếu người tài, tôi già yếu đâu còn đủ sức lo việc lớn.

Vua Chơn Tôn thấy Tống Kỳ đã quyết ý nên phải nhận lời.

Tông Kỳ lạy tạ ơn vua rồi trở về điền lý.

Mấy ngày hôm sau Lữ Môn Chánh và Trường Tề Hiền cũng đều dâng biểu từ quan. Từ đó việc triều chính đều giao cho một tay Vương Khâm bảo quản.

Ngày kia, Bát Vương vừa ở trong trào đi ra, bỗng có một người đón trước xe dâng cáo trạng kêu oan.

Bát Vương hỏi:

- Ngươi là ai, có việc gì mà kêu oan?

Người ấy khóc và thưa:

- Tôi là con thợ bạc ngày trước Tân chúa nghe lời Vương Khâm đòi cha tôi vào cung, bảo làm một cái bầu rượu hai ngăn, để lập mưu hại điện hạ. Khi làm xong, Vương Khâm sợ lậu chuyện nên giết cha tôi cho kín miệng. Bởi vậy, oan ức không biết đâu mà tố cáo, nên tôi phải lạy cầu điện hạ mà minh oan.

Bát Vương nổi giận nói:

- Hèn chi trong lúc đãi tiệc thấy rượu ấy, ta đã nghi rồi, lại có Vương Khâm đứng một bên tiệc mà điều độ việc ấy, thiệt là không dè nó bày mưu độc thế ấy?

Bát Vương nói rồi khiến tả hửu tiếp lấy tờ cáo trạng, lại lấy ra mười lạng vàng ròng mà cho người con tên thợ bạc, rồi quay ngựa xe giá trở về triều, vừa gặp Vương Khâm đang ở nơi điện nghị việc với vua, Bát Vương liền bước tới tâu:

Tôi ra tới Ngọ môn gặp một ngừơi dâng tờ văn trạng mà cáo Vương Khâm. vì sự mưu hại cha nó tên thợ bạc họ Hồ. Tôi thấy việc oan khuất như vậy nên phải trở vào mà tâu cho Bệ hạ rõ.

Chơn Tôn nghe cả kinh, hỏi:

- Vương Xu mật thường ở bên trẫm, có đâu lại sanh ra việc ấy? Vương huynh chớ có nghe chi lời đứa gian.

Bát Vương cười nói:

- Cũng vì tôi mà ra việc mưu hại tên thợ bạc ấy, tôi đã lấy lòng trung mà đãi Bệ hạ sao Bệ hạ lại nghi ngờ và nghe lời sàm nịnh làm chi, mà muốn giết anh em xương thịt của mình?

Nếu như Thái Tổ Hoàng Đế mà chẳng linh thì xã tắc còn gì? Sao Bệ hạ chẳng nghĩ? Phải chi tôi có ý muốn làm vua thì có đâu ngày nay Bệ hạ đặng lên ngôi báu.

Khi ấy Vương Khâm bước ra tâu: ấy là Bát vương ỷ thế mà muốn hại tôi nên mới kiếm chuyện như vậy mà thôi, chớ lý đâu mưu giết người lúc nọ sao chẳng cáo, để cho Bệ hạ đã lên ngôi cả rồi, mới đến Ngọ môn mà báng Thiên tử như vậy sao?

Bát Vương nổi giận rút cây kim giản ra nhắm ngay mặt

Vương Khâm mà đánh, Vương Khâm tránh chẳng kịp, trúng nhằm sống mũi huyết lưu mãn địa, liền đứng dậy bụm mặt mà chạy dài. Bát Vương liền rượt theo. Chơn Tôn vội vã bước xuống kim giai cản Bát Vương lại và khuyên:

- Muôn việc cũng xin vì tình trẫm mà tha hắn một phen.

Bát Vương liền đứng lại chỉ Vương Khâm mắng:

- Đồ súc sanh! Nếu ngươi còn như vậy, ắt ta giết ngươi. Nay ta dung cho ngươi khỏi chết là may cho ngươi đó.

Nói rồi giận dỗi quay quả lui về, Vương Khâm bèn quì trước mặt vua mà thỉnh tội.

Chơn Tôn nói:

- Bát Vương là tôi yêu của Tiên Đế, trẫm còn phải nhường huống chi là ngươi, tự hậu như có việc chi phải tránh đi cho khỏi

Vương Khâm cúi đầu lui ra, và lầm hầm oán hận Bát Vương, muốn lo kế mà trả thù, bèn viết một bức thơ sai người tâm phúc suốt đêm qua U Châu ra mắt Tiêu Hậu mà tâu rằng:

- Nay Tống Quốc Thái Tôn đã an giá, tân quân mới tức vị, trong trào không có tướng giỏi, nếu thừa dịp này phát binh qua đánh, Trung Nguyên ắt về tay Bệ hạ.

Tiêu Hậu đặng tin ấy bèn thương nghị với quần thần.

Tiêu Thiên Hữu bước ra tâu:

- Gia Luật Hưu Ca đồn binh tại Vân Châu, đã nhiều phen xin cử binh phạt Tống, song chưa có dịp, nay Trong Quốc mới gặp việc tang, vậy thì phải thừa lúc không dự bị mà dấy binh thì ắt thành công lớn.

Tiêu Thiên Hữu nói chưa dứt lời thì có Quyện liêm tướng quân là Thổ Kim Tú bước ra tâu:

- Tống chúa khéo dùng người lắm, những tướng trấn thủ biên đình đều rất hùng hổ, lời Vương Khâm nói đó chưa đủ chi làm tin, nếu mà cử binh thì chưa biết hơn thua. Tôi có một kế chẳng hao binh động chúng nó mà làm cho Tống Quốc phải nạp hết chín châu đất Sơn hậu về cho Bệ hạ.

Tiêu Hậu nghe tấu liền hỏi:

- Khanh có kế chi mà hay như vậy?

Kim Tú nói:

- Bệ hạ phải viết một bức thư sai người đem qua Tống Quốc, còn tôi với Ma Lý Chiêu Kiết và Ma Lý Khánh Kiết dẫn năm ngàn binh kỵ đến vây Hà Đông mà thi bắn để dò xét tình hình bên Tống. Nếu gặp thời cơ, thu đoạt giang sơn nhà Tống không khó.

Tiêu Hậu nghe theo, liền viết một bức thơ sai sứ đem qua Tống Quốc.

Vua Chơn Tôn xem thơ, liền hỏi quần thần có ai biết ý định của Thiên chúa như thế nào chăng?

Khấu Chuẩn tâu:

- Cứ theo lời thơ thì chúa nước Liêu có vẻ kiêu ngạo. Nay trong nước ta nhân tài đầy đủ, há sợ nước Liêu sao?

Bát Vương tâu:

- Xin để cho tôi qua Vô Nịnh Phủ mà dò hỏi xem tình thế ra sao?

Vua Chơn Tôn:

- Ấy là việc quan trọng, khanh đi hết lòng dò xét mới được.

Bát Vương vâng lệnh đến ra mắt Dương Lệnh bà và hỏi thăm tin tức Dương phò mã.

Dương Lệnh bà nói:

- Lục Lang từ ngày phạm tội bị đày ra Trình Châu đến nay không thấy trở về, nay điện hạ đến đây, mụ không biết gì cả.

Bát Vương nói:

Tân quân tức vị đã hạ chiếu tha cho Lục Lang rồi, lẽ phải về triều mà cứu giá, tại sao phải ẩn mặt như vậy?

Thái Quân nghe nói thưa:

- Xin điện hạ hoãn lại vài ngày, đặng tôi sai người đi Trịnh Châu thăm dò thử.

Bát Vương từ biệt ra về, tâu với vua Chơn Tôn:

- Quận Mã nay không biết ở đâu, gia đình không rõ tin tức.

Vua Chơn Tôn đang rất lo lắng, bỗng có tin:

- Binh Liêu tràn qua Trấn Dương, cướp phá rất hung hăng, xin Bệ hạ sai người đi đánh dẹp.

Vua Chơn Tôn hỏi:

- Có ai dám lãnh binh dẹp loạn chăng? ".

Khấu Chuẩn tâu:

- Nay có Giáo Liên Sứ là Giả Năng, văn võ toàn tài, đáng trách nhiệm ấy.

Vua Chơn Tôn liền hạ chỉ sai Giả Năng dẫn binh một muôn, hiệp với Khấu Chuẩn và Tấn Dương mà ngăn giặc.

Giả Năng và Khấu Chuẩn dẫn binh nhắm Hà Đông kéo tới. Bấy giờ, Dương lệnh bà nghe tin, trên bàn với Lục Lang:

- Giả Năng không phải tay đối thủ với Liêu tướng, nay tân quân mới lên ngôi, con hãy ra giúp người.

Lục Lang nói:

- Lời mẫu thân đã dạy, con xin hết sức giữ tròn trách nhiệm.

Lục Lang vừa dứt thì Bát Nương và Cửu Muội bước ra thưa:

- Hai em xin đi theo cùng giúp sức đại ca.

Lục Lang nói:

- Hai em là đàn bà con gái đi sao tiện?

Bát Nương thưa:

- Chị em tôi sẽ giả dạng đàn ông thì ai biết được.

Lục Lang tức cười, nhưng chiều ý hai em, từ biệt Dương lệnh, rồi ba anh em nhắm Tấn Dương thẳng tới.

Bấy giờ tướng Liêu là Thổ Kim Tú, đã bố trí doanh trại tại đất Hà Đông, ngày thường cướp phá lê dân cùng binh sĩ vui chơi ăn uống, bỗng nghe có quân Tống kéo đến, liền thương nghị với bọn Ma Lý Chiêu Kiết:

- Nay binh Tống không có cha con họ Dương thì không còn ai tài giỏi. Nếu chúng nó ra đây chúng ta quyết đánh cho một trận để tiêu tan uy thế.

Chiêu Kiết nói:

- Nước Tống hiện nội tình rắc rối, các trung thần nghĩa sĩ bỏ chức về quê, thì làm gì có đủ sức mạnh.

Hôm sau, Kim Tú tìm nơi đất rộng dựng một cây cờ Đại Liêu cao chót vót, để khiêu khích binh Tống.

Tướng Liêu là Thổ Kim Tú, Ma Lý Chiêu Kiết và Ma Lý Khánh Kiết đều cưỡi ngựa đứng trước trận, còn binh Tống thì Khấu Chuẩn, Giả Năng cũng lướt ngựa tới giáp chiến.

Khấu Chuẩn nói:

- Nước Liêu của ngươi cũng là một tiểu quốc, nay Tống trào vua mới lên ngôi, các ngươi dám đem binh xâm phạm bờ cõi giết hại dân ta, còn dám khiêu khích dựng cờ đại Liêu, nhục mạ binh tướng của ta sao.

Thổ Kim Tú nói:

- Tân chúa các ngươi mới lên ngôi mà quần thần bỏ ấn về quê, như vậy thì còn giá trị gì mà gọi là đại quốc.

Khấu Chuẩn nói:

- Các ngươi là nước nhỏ, lợi dụng thời gian Tống chúa mới lên ngôi, mà phá phách như vậy, thật đáng tội.

Thổ Kim Tú nói:

- Các ngươi có giỏi thì đấu chiến với ta, không hơi đâu mà cãi lẽ.

Vừa dứt lời, đã thấy Ma Lý Chiêu Kiết vỗ ngựa xông ra giáp chiến.

Lời Bàn

Giá trị con người không phải ở chức quyền, mà do tình cảm và đạo nghĩa làm người.

Con của người thợ bạc là dân thường trong xã hội, thế mà khi có bị chết oan, vì lòng hiếu thảo, tình máu mủ đệ đơn đến triều đình kêu oan. Hành động ấy rõ ràng là do đạo làm người. Kẻ biết phụng sự đạo làm người thì dù là một dân giã, cũng được mọi người kính trọng và thương xót.

Còn như Thất Vương, con một vị vua lại lập kế giết anh mình để đoạt ngôi vị thì nhân tính thật không bằng một người con của kẻ dân giã. Giá trị làm người không phải ở chức vị, quyền thế, mà ở tấm lòng. Đừng bảo kẻ dân giã giá trị không bằng kẻ quyền quí giàu sang.

Đánh giá ngột con người phải nhìn vào nhân tính. Đây là một tấm gương cho kẻ nhìn đời chỉ thấy quyền quí cao sang mà tôn trọng. Phải biết giá trị con người là ở đạo nghĩa.