Tại tôi

Chương 4

Buổi sớm mai, lối 8 giờ rưỡi, trời nắng chang chang dọi xuống đường tráng nhựa làm bốc hơi nóng nực khó chịu hết sức.

Như Thạch đạp xe máy trên khúc đường từ nhà gare xe điện Bà Chiểu vô nhà việc Bình Hòa xã. Chân đạp nhẹ nhẹ tay mặt nắm xe mà kềm, tay trái cầm một gói ngoài bao giấy trắng. Tuy xe chạy chậm chậm, nhưng vì bị trời nắng nên chàng đổ mồ hôi chảy từ trên mái tóc xuống tới hai bên gò má. Về gần tới nhà việc Bình Hòa chàng nghe phía sau lưng có tiếng kèn xe hơi, nên lật đật ép xe qua phía tay mặt mà tránh.

Xe hơi chạy ngang qua, thì chàng nghe có tiếng kêu tên chàng rồi lại thấy xe thắng lại và ngừng phía trước, cách ít chục thước mà đợi chàng.

Như Thạch đạp xe tới, thấy vợ chồng ông Huyện Khoan ngồi trên xe hơi, thì ngừng xe nhảy xuống mà chào.

Ông Huyện đưa tay ra cửa xe, nắm tay Như Thạch và cười và hỏi:

- Mạnh giỏi hả? Toa đi đâu đây?

- Moa đi về nhà moa.

- Nhà toa ở đâu?

- Ở phía sau rạp hát thầy Cai đây.

- Á. Mấy tháng nay nghe toa về ở trong Bà Chiểu mà có dè toa ờ chỗ nầy đâu Toa mướn nhà mà ở hay là ở phố?

- Ở phố.

- Đằng sau rạp hát có phố hay sao?

- Có phố vách ván nho nhỏ.

- À! Mà bữa nay chúa nhật toa đi đâu đây?

- Ra ngoài Dakao mua thuốc về cho mafemme uống.

Bà huyện nghe như vậy mới hỏi.

- Bà Đốc đau hay sao?

- Thưa phải. Hơn một tháng nay nhà tôi đau rề rề hoài, không ra thăm bà được, xin bà tha lỗi.

- Bà Đốc đau bịnh gì?

- Gần ngày sanh rồi, nên trong mình mệt nhọc ăn ngủ không được. Chiều hôm qua nó đi cho coi mạch thì Đốc-tơ nói trái tim nó yếu lắm, nên phải mệt hoài.

- Khổ chưa! Anh phải ráng lo thuốc men chớ gần ngày sanh mà bịnh như vậy không tốt.

- Tôi lo lắm chớ.

Ông huyện tiếp:

- Mà toa coi bộ cũng không được mạnh, lúc nầy toa ốm hơn hồi trước nhiều.

- Moa mạnh, chớ có đau gì đâu.

- Toa dạy trường Vân Thế mà toa làm việc nhiều hay ít?

- Moa xin dạy nửa chừng, mấy lớp đều có sẵn thầy rồi hết. Ông hiệu trưởng vị tình cho moa dạy phụ mỗi tuần lễ có 6 giờ nên có công việc gì nhiều lắm đâu.

- Trời ơi! Toa dạy một tuần có 6 giờ, rồi làm sao có đủ lương cho toa xài.

- Mỗi tháng chừng bốn năm chục. Có nhiều thì xài nhiều, có ít thì xài ít, không hại gì. Có lẽ chừng khai trường năm tới, ông hiệu trưởng sắp đặt giáo sư lại rồi moa mới dạy nhiều giờ được.

- Moa coi đó không phải là cách sanh hoạt rồi.

- Không, đó cũng là một cách sanh hoạt chớ.

- Theo ý moa, thì toa cũng đứng lập ra một nhà trường của toa, rồi toa làm Cai trường coi mới được.

- Tiền!

- A! Đó là một vấn đề, toa thấy chưa?

- Moa thấy lắm chớ.

- Nếu toa thấy thì toa phải công nhận lời moa khuyên toa hồi trước không phải là lời nói bậy.

- Phải lời toa khuyên đúng lắm chớ, song đúng với người thường, mà không hạp với óc của moa.

Ông Huyện rún vai rồi ngó vợ mà cười.

Bà Huyện nói:

- Bữa nay vợ chồng tôi mắc đi Gò Vấp có chuyện gấp, để bữa nào rảnh tôi sẽ vô thăm hai ông bà. Anh về nói giùm tôi có lời chúc bà Đốc mạnh nghe.

- Cám ơn.

Xe hơi chạy đi, Như Thạch leo lên xe máy đạp mà về nhà.

Mấy tháng nay Như Thạch dạy học tại trường “Vân Thế” vì lương ít nên phải mướn mà căn phố nhỏ, mỗi tháng có 5 đồng mà ở sau rạp hát thầy Cai gần ngả ba đường vô đồng ông Cộ. Nhờ miền ấy cao ráo lại có cây nhiều, nên chỗ ở sạch sẽ mát mẻ, nhưng mà phố chật hẹp quá, lại bữa nào đi dạy, phải đạp xe máy ra tới Tân Định, đường đi xa nên ở trong nhà thì tù túng, còn đi làm việc thì mệt nhọc.

Như Thạch về tới cửa, thì nhảy xuống xe gọn gàng, rồi dắt xe đem vô nhà mà dựng dựa vách.

Cô Nhung đương nằm tại bộ ván dầu nhỏ lót phía sau cái bàn viết, cô thấy chồng về thì cô lồm cồm ngồi dậy, ngó chồng với cặp mắt trõm lơ, song cũng cười mà nói: anh đi nắng mệt nên đổ mồ hôi quá Thằng bé đi chợ chưa về, vậy anh cởi áo đi để em múc nước đặng anh rửa mặt cho mát”.

Như Thạch xua tay mà đáp: “Em khỏi nhọc lòng. Em cứ nằm nghỉ, để rồi anh đi ra sau anh rửa.

Chàng để nón trắng trên bàn viết rồi cầm gói thuốc đưa cho vợ mà nói tiếp:

- Bữa nay em khoẻ hơn hôm qua hay là cũng vậy.

- Em khoẻ ạ.

- Anh coi sắc mặt em cũng mệt quá, chớ có khoẻ dâu. Em mở thuốc mà uống liền đi.

Cô Nhung mở gói thuốc, còn Như Thạch đi vô buồng cởi áo rồi đi thẳng ra sau bếp mà rửa mặt. Chừng chàng trở ra, cô Nhung hỏi:

- Anh mua hết bao nhiêu tiền?

- Ve thuốc tới 3 đồng rưỡi, còn cái hộp đó có một đồng tám.

- Tốn hao nhiều quá! Hôm qua Đốc-tơ coi mạch hết 3 đồng, bữa nay mua thuốc hết 5 đồng mấy nữa.

- Đau thì phải tốn tiền thuốc chớ sao em. Em đừng có lo như vậy, phải để trí bình tĩnh cho khoẻ, chớ em lo thì em mệt, rồi bịnh càng thêm nữa.

-         Nhà mình không tiền, em không lo sao được.

-         Em để mặc anh lo, em cứ nằm nghỉ cho khỏe đừng lo gì hết, Đốc-tơ đã nói em đau trái tim. Vậy em không nên lo.

- Em trông đẻ cho mau đặng em mướn vú nuôi em nhỏ rồi em đi kiếm công việc làm mà giúp với anh.

- Đẻ rồi em phải ở nhà nuôi con, chớ đi làm giống gì.

Như Thạch rót một ly nước trà bưng lại đưa cho vợ và nói: “Em mở cái hộp lấy một viên thuốc mà uống trước đi. Chừng gần ăn cơm rồi em sẽ uống ve thuốc kia”.

Cô Nhung vâng lời chồng, lấy một viên thuốc mà uống. Như Thạch biểu vợ nằm xuống mà nghỉ, rồi chàng ngồi một bên và nói rằng:

- Anh mới gặp hai vợ chồng anh huyện Khoan hồi nãy đây.

- Anh gặp ở đâu?

- Gặp trước nhà việc Bình Hòa.

- Thế không đi kiếm thăm mình ạ?

- Không. Đi đâu trong Gò Vấp. Gặp hỏi lơ là rồi đi luôn.

- May a! Nếu ghé thăm mình càng khổ.

- Khổ cái gì?

- Nhà mình lôi thôi, nếu Vợ chồng quan Huyện ghé thì em hổ quá.

- Sao mà hổ? Em còn theo thường tình quá! Mình nghèo thì tự nhiên nhà mình lôi thôi. Mà mình không nhơ bẩn, lương tâm mình vẫn thư thái, thì mình dám ngó ngay mọi người, không sợ ai hết, có hổ chi đâu hở em. Họ ở nhà tốt mà chắc gì cái óc họ hơn mình được.

- Vâng.

- Nếu anh chịu làm như họ, thì anh cao sang hơn họ nhiều lắm. Tại anh không thèm làm chớ.

Như Thạch ngó ra lộ thì thấy anh Tự Cường là một vị giáo sư dạy chung một trường với mình, dạy về khoa sử-ký với địa-dư, đương đi thẩn thơ, tay có ôm hai cuốn sách, đi mà cứ dòm vô dãy phố, chàng bèn bước ra cửa mà kêu hỏi:  “Chào anh, anh đi vô trong nầy có việc chi?”

Tự Cường niên kỷ có lẽ hơn Như Thạch cũng vài tuổi mà thôi, chớ không lớn hơn nhiều, nhưng mà vóc cao, người mập, trán rộng, da đen cặp mắt có vẻ nghiêm nghị và kiêu ngạo, y phục lôi thôi nên không có mòi chưng diện. Chàng vừa thấy Như Thạch thì nhích miệng cười, giở nón chào rồi thủng thẳng và đi vô cửa nói:

- May có anh ở nhà đây. Tôi đi kiếm anh mà thăm anh và đàm luận chơi.

- À, nếu vậy thì mời anh vô nhà. Tôi rất cám ơn anh có tình chiếu cố. Sao anh biết nhà tôi ở đây?

- Bữa hổm nói chuyện anh có chỉ chừng, nên tôi mới biết mà vô đây chớ.

Tự Cường bước vô nhà. Cô Nhung ráng đứng dậy chấp tay cúi đầu chào.

Như Thạch chỉ vợ mà nói với bạn: “Vợ của tôi”. Tự Cường cúi đầu đáp lễ và nói: “Tôi lấy làm vinh hạnh mà được biết bà và cúi xin bà tín nhiệm cái ý thành kính của tôi”.

Như Thạch day lại nói với vợ: “Đây là anh Tự Cường, bạn đồng nghiệp của tôi đi Pháp học lấy được bằng cử nhân về khoa văn chương hiện đang dạy một trường với tôi”.

Cô Nhung cúi đầu thi lễ và nói: “Chồng em được làm bạn với ông thì em vinh hạnh lắm. Em kính chúc cho ông mỗi ngày một thêm cao sang thêm hạnh phúc. Em xin mời ông ngồi. Vợ chồng em không có nhà tử tế mà tiếp rước ông, thật em ái ngại quá.

Thiệt trong nhà chẳng có vật chi xứng đáng, phía trước ngay cửa thì có một cái bàn viết bằng cây dầu với một cặp ghế bằng mây, dựa vách buồng thì lót một bộ ván dầu nhỏ giá chừng năm đồng bạc, còn trong buồng thì chỉ có một cái giường cây để ngủ.

Như Thạch kéo một ghế để trước bàn viết mời Tự Cường ngồi, chàng cũng ngồi cái ghế để phía trong, rồi cười và nói:

- Thật là nhà cửa lôi thôi lắm, xin anh chớ chấp.

- Tại sao mà tôi chấp? Trước khi vô đây tôi vẫn biết anh không phải là ở nhà lầu, bởi vì nếu anh ở nhà lầu, thì bao giờ anh thèm đi dạy học lãnh lương mỗi tháng có ít chục đồng bạc. Anh có được căn phố mà ở mát mẻ như vầy thì anh sung sướng hơn tôi nhiều quá, tôi không có nhà cửa, phố xá chi hết mới nói làm sao.

- Vậy chớ anh ở đâu.

- Tôi mướn một căn phòng khách sạn tôi ở, mỗi ngày tôi đi ăn cơm quán.

Cô Nhung nghe như vậy thì hỏi:

- Thế thì ông chưa có vợ à?

- Thưa chưa, mà chắc chẳng bao giờ có.

- Em không hiểu sao ông lại nói thế. Thủy chung gì rồi ông cũng phải có gia thất với người ta chớ.

- Thưa không, tôi sẽ độc thân cô lập trọn đời.

- Thế à! Chắc là ông chê phụ nữ đời nay chẳng có ai đáng làm bạn trăm năm với ông.

- Thưa không phải vậy. Phụ nữ đời nào cũng vậy, có kẻ xấu mà cũng có người tốt, tôi đâu dám chê. Tôi tự quyết không lấy vợ là vì tôi thấy nhân tình giả dối, dua nịnh, tham lam thái quá, những việc đáng khinh bỉ thiên hạ lại tranh đua mà làm, những việc đáng tôn trọng thiên hạ lại ngó lơ bỏ dẹp. Nếu tôi lập gia thất thì tôi phải đem thân mà lăn lộn trong cái vòng nhơn tình tanh hôi ấy. Tôi phải buộc mình làm những việc tôi không muốn làm, tôi phải ép trí mà vui với những việc tôi chê tôi ghét, thành ra đời của tôi là đời lại cái[1], người của tôi là người hai lòng, không có chủ hướng, không có nhân phẩm gì hết, vì vậy đó nên tôi nhứt định không lập gia thất, để một mình đặng hưởng tự do hoàn toàn, muốn thì làm, trái thì cãi, không sợ ai, không vị ai, không dính dấp một chút chi với xã hội hết!

- Té ra ông là người chán đời.

- Không phải tôi chán đời. Tôi muốn giải thoát cái thói thấp hèn của đời chớ.

- Vưng em hiểu rồi, ý muốn thoát tục. Em mong cho ông đạt được cái mục đích cao thượng ấy.

- Tôi rất cám ơn bà.

Thằng Sung là đứa tớ, đi chợ về, tay xách một cái giỏ vô cửa, rồi đi thẳng xuống nhà bếp. Cô Nhung đi theo coi bộ mệt nhọc ột ệt lắm.

Tự Cường ngó theo cô và nói:

- Tôi coi bộ madame mệt nhọc lắm. Anh phải lo thuốc men, chớ có thai nghén mà mệt nhọc như vậy chắc là không tốt.

- Hơn một tháng nay nhà tôi ăn ngủ không được cứ mệt hoài.

- Sao anh không rước Đốc-tơ coi mạch cho madame rồi mua thuốc cho madame uống?

- Chiều hôm qua tôi có đem đi Đốc-tơ. Ổng coi mạch rồi nói nhà tôi đau trái tim.

- Cha chả! Nếu vậy thì anh phải đem vô nhà thương nằm nghỉ, hoặc đem ra mé biển cho hứng gió mới được:

- Tôi cũng muốn như vậy, ngặt vì nhà tôi nó không chịu, nó nói đi nhà thương hay đi hứng gió đều tốn hao lung quá.

- Phải tốn chớ sao.

- Anh cũng biết tôi dạy mỗi tuần có sáu giờ nên số lương ít quá. Tốn hao nhiều tôi chịu sao nổi.

Tự Cường gật đầu ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng.

- Phải, anh lương ít quá xài lớn sao đặng... Tôi chắc lúc nầy anh phải chịu khổ tâm lắm.

- Phải tôi khổ tâm lắm, khổ đủ mọi phương diện.

Tự Cường châu mày, ngó ra ngoài sân rồi thở dài nói rằng: “Tại muốn lập gia thất nên mới có những cái khổ ấy. Nếu độc thân cô lập thì có khổ như vậy đâu”.

Như Thạch trợn mắt đáp rằng:

- Không, tuy khổ, song tôi có ăn năn chút nào đâu. Về gia thất thì chí của tôi vẫn còn hăng hái luôn luôn, mà vợ tôi cũng không buồn, không ngã lòng. Vợ chồng tôi mà thương yêu nhau hoài, thì khổ gì cũng không sợ.

- Tôi khen anh lắm, khen cái đức tính của anh về sự bền dai của gia thất.

- Anh chưa có vợ, nhứt là anh chưa có một người đồng tâm đồng chí, nên anh chưa được nếm mùi ngọt bùi trong gia thất. Có khổ cái mùi ấy càng thêm thơm tho, bởi vậy khổ mà tôi vui, chớ tôi không nao núng chi hết.

- Anh nói hữu lý! Nhưng theo tôi nghĩ vì tôi không muốn chịu khổ, mà cũng không muốn nếm ngọt bùi, tôi chỉ muốn trí thơ thới, thân tự do cho khỏi sa vào nhơn tình thế tục.

- Anh tu hay sao?

- Tu làm chi? Tôi có tu đâu, tôi lập chí chớ.

- Nếu anh lập chí, tôi e một ngày kia anh gặp một người đàn bà đồng chí với anh rồi anh cũng phải bước chân vào vòng gia thất như tôi vậy.

- Có lẽ, nhưng mà đàn bà có chí lập gia thất thì nhiều, còn đàn bà có chí tuyệt gia thất thì ít. Tôi tưởng trọn đời tôi cũng chưa gặp ai đồng chí với tôi.

- Biết chừng đâu. Nếu anh có chí đó, thì người khác cũng có vậy chớ. Đàn bà đời nay họ có học thức, họ không triết lý cũng như mình, chứ không phải lù mù như hồi xưa vậy đâu.

- Để rồi coi. Chưa thí nghiệm thì chẳng nên nói quả quyết. Lấy việc của anh mà suy thì đủ thấy gặp người đồng chí không phải dễ. Anh phải ra Bắc mới gặp được.

- Anh nói lầm. Đồng tâm đồng chí không phải dễ kiếm, bởi vậy gặp rồi làm sao mà bỏ được. Tiếc cho cái đời nầy còn có nhiều người không thấu hiểu việc ấy.

- Người ta không đồng chí với anh thì thế nào người ta hiểu được.

Như Thạch gật đầu, ngồi suy nghĩ.

Tự Cường đứng dậy thọc tay vào túi quần, đi tới đi lui, đi một hồi rồi cười và nói: “Quen với nhau đã mấy tháng rồi, vô trường thường hay bàn luận với nhau. Tôi biết ý anh cũng như ý tôi, ghét nhơn tình, khinh thế tục. Nhưng mà tôi không dè chúng ta có chỗ nghịch nhau, là anh ưa gia thất còn tôi ghét gia thất. Trong khi hai đứa mình, ai phải, ai quấy? Ai cũng giành phải hết, không ai chịu quấy. Thôi, chúng ta phải cung kính cái đức tin, chẳng nên cãi với nhau làm chi. Phải hay là quấy để sau có đủ kinh nghiệm rồi chúng ta sẽ thấy. Bây giờ chúng ta nói chuyện hiện tại nghe chơi. Nghe nói hồi trước anh làm giáo sư, dạy trường nhà nước ngoài Bắc Việt anh được một cái địa vị an ổn quá, tại sao anh bỏ đi, rồi về trong nầy dạy trường tư, lương bổng ít mà phải chịu khổ cực như vậy?”

Như Thạch thở dài đáp:

- Việc nhà của tôi kỳ cục lắm. nói ra nghe thêm buồn.

- Thấy chưa? Tại ban đầu anh đi sái đường nên mới có sự kỳ cục làm anh buồn đó.

- Mỗi người có một ý riêng nên đi riêng một đường, chớ nào phải đi sái. Phận anh thì anh khinh bỉ nhơn tình thế tục, anh quyết thoát ra ngoài vòng mà đứng một mình, anh không muốn chung lộn với người đời. Còn phận tôi thì tôi cũng khinh bỉ nhơn tình thế tục như anh, song tôi lại muốn đem thân chung chạ với người đời, chung chạ mà tôi không làm những việc thấp hèn như họ. Trái lại, tôi công kích những việc thấp hèn ấy, tôi nêu một thái độ thanh cao, tôi giữ một cử chỉ chánh trực, làm cho người đời mở mắt mà thấy những thành kiến quấy của gia đình, những phong tục xấu của xã hội, rồi sửa đổi cho đời trở nên vui vẻ cao thượng.

- Khó lắm! Cái mục đích của anh tôi coi khó đạt được.

- Phải làm thử coi, chớ thấy khó rồi do dự không làm, làm sao mà thành được.

- Đời thấp hèn dơ dáy, mình lánh thì hay hơn, mình giữ phận mình cho cao, ai thấp mặc kệ họ, hơi đâu mà lo.

- Nói như anh thì vị kỷ quá.

- Nếu mỗi người đều làm như tôi hết, đời cũng trở nên vui vẻ cao thượng chớ.

- Làm như anh đã không thấy chỗ nào vui, thử hỏi đời vui làm sao được.

- Tại anh không thấy cái vui của tôi. Tôi vui lắm chớ, tôi vui về tinh thần nên người ngoài khó thấy, chớ không phải vui về vật chất như anh mà dễ thấy.

Như Thạch ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi mới đáp:

- Anh nói phải, tôi vui về vật chất, tại vui như vậy nên mới có chỗ buồn.

- À bây giờ anh mới thấy rõ cái chủ nghĩa của anh là một món khí giới hai lưỡi. Nó làm anh vui, mà nó cũng làm anh buồn được.

- Phải. Mà bây giờ tôi không thể bỏ chủ nghĩa hiểm nghèo ấy được. Đã nếm lỡ nước đời rồi thì phải uống cạn ly, chớ không phép thối thoát.

- Thối thoát sao được chớ.

Cô Nhung bưng ra hai tách nước trà mời khách với chồng uống, làm cho câu chuyện đàm luận của hai người phải dứt.

Tự Cường uống nước rồi nói nữa:

- Tôi coi bề của anh khó quá. Phải liệu thế nào, chớ để như vầy không được.

- Tôi nói thiệt với anh, bà già tôi giàu lớn, nhưng vì tôi trái phong tục. Tôi kết hôn tự do, nên bà già tôi giận mà từ tôi. Cái khổ của tôi tự tôi làm ra, chớ nếu tôi quật lụy phong tục thì thân tôi sung sướng lắm.

- A vậy hả? Té ra anh bị hại vì cái phong tục.

- Phải.

Tự Cường không nói chuyện nữa, bước ra cửa đứng ngó mông một hồi rồi từ giã vợ chồng Như Thạch và ôm hai cuốn sách đi về.

Chiều bữa sau Như Thạch đi dạy học về, thấy vợ cũng còn mệt như mấy bữa trước, nhưng mà hỏi thì cô Nhung lại nói khỏe. Chàng thay đồ ra ngồi một bên với vợ mà nói:

- Có một việc kỳ quá, làm cho anh bối rối hết sức.

- Có việc gì xin anh nói cho em biết?

- Hồi chiều nay anh đang dạy học, anh có tiếp được cái thơ của nhà thơ phát, có dán cò hẳn hòi. Anh xé bao thì không có thơ mà lại có cái măn-đa năm chục đồng bạc. Anh coi con dấu đóng ngoài bao thì gởi tại nhà dây thép chính Sài Gòn. Măn-đa cũng mua tại Sài Gòn để tên họ anh rõ ràng song không có biên tên người gởi. Anh không hiểu ai làm việc cắc cớ như vậy. Gởi bạc cho anh làm gì?

- Em tưởng có lẽ má hay cậu Hội đồng gởi cho anh đó chăng.

- Không phải, má với cậu Hội đồng có biết anh ở Sài Gòn đâu mà gởi. Anh nghi anh Tự Cường lắm. Hôm qua ảnh có vô thăm mình. Ảnh thấy em bịnh, mà ảnh lại nghe anh than túng. Ảnh ăn lương tới một trăm rưỡi, mà ảnh không có vợ con. Ảnh xài tiền không hết. Ảnh muốn giúp đỡ mình, song ảnh sợ đưa tiền ra thì mình ái ngại không chịu lấy, nên ảnh làm như vậy chớ gì.

- Thế thì anh đi kiếm hỏi ảnh coi phải bạc của ảnh gởi hay không?

- Hồi nãy tan học, anh có gặp ảnh tại trường. Anh thuật chuyện anh được cái măn-đa kỳ cục cho ảnh coi nữa. Coi bộ ảnh không lấy chuyện ấy làm lạ mà ảnh lại nói: “Bây giờ có biết ai gởi đâu mà trả, thôi cứ lãnh bạc mà xài, chừng nào biết được người gởi sẽ hay”.

- Nếu thiệt anh Tự Cường muốn giúp mình, mà dùng cách kín đáo như vậy thì ảnh cao thượng quá.

- Thiệt lúc nầy em đau, nếu có tiền cho em nằm nhà thương dưỡng bịnh thì tốt lắm. Ngặt vì người ta giúp mình cao thượng như vậy, nếu mình nhận lãnh thì mình thấp hèn.

- Vâng, lãnh thì mình hèn lắm. Mà bây giờ mình biết ai gởi mà trả.

- Hồi nãy đi về dọc đường anh có nghĩ: “Ở Sài Gòn mấy người anh quen nhiều là ông huyện Khoan còn người biết cái khổ của anh trong lúc nầy là anh Tự Cường, ấy vậy hai người đó gởi bạc cho anh, chớ không lẽ người nào khác. Vậy anh kiếm hai người đó mà hỏi gắt, nếu họ từ chối thì anh sẽ đến nhà dây thép xin coi tên người mua măn-đa, tự nhiên phải lòi ra ai gởi.

- Anh tính như thế đúng lắm.

Sáng bữa sau Như Thạch không có dạy học nhưng chừng tan học, thì chàng đạp xe máy đi ra đường đón Tự Cường. Gặp nhau chào hỏi rồi hai người thủng thẳng đi bộ nói chuyện. Như Thạch hỏi:

- Anh phải nói thiệt cho tôi biết coi cái măn-đa tôi đưa cho anh hồi chiều hôm qua đó phải của anh gởi hay không?

- Không, tôi gởi làm chi? Tại sao anh hỏi kỳ cục vậy?

- Gia đạo của tôi duy có một mình anh biết mà thôi, tôi chắc anh muốn giúp tôi nên anh làm như vậy, chớ không phải ai khác. Nếu anh chối thì tôi sẽ xuống nhà dây thép tôi xin coi tên người mua măn-đa rồi tôi trả lại.

Tự Cường nghe Như Thạch nói hơi quả quyết quá thì cười ngất mà đáp:

- Anh lanh quá! Anh làm như vậy thì tôi phải chịu phép chớ chối sao được. Tôi xin anh tha cái lỗi giả dối cho tôi tuy hai đứa mình bất đồng chủ nghĩa nhưng hôm qua tôi thấy chị bịnh n0hiều, còn anh túng rối, tôi chịu không được. Tôi muốn trao tiền cho anh đặng anh đem chị đi nhà thương nằm dưỡng bịnh mà tôi sợ anh ái ngại không chịu lấy, nên tôi làm như vậy đó, chớ không phải tôi giả dối đặng khinh bỉ anh đâu.

- Anh biết thương tôi như vậy, tôi cảm ơn anh lắm. Thiệt lúc nầy vợ tôi đau mà tôi không có tiền. Nếu anh giúp tôi ân nghĩa lớn lắm. Ngặt vì tôi thọ của anh, rồi biết chừng nào mới trả lại cho anh được.

- Ối! Hơi nào mà lo việc đó. Anh còn lo như vậy tức nhiên anh chưa thoát thường tình. Tôi dư, anh thiếu tôi sớt bớt cho anh. Anh cứ lãnh măn-đa đó đi rồi đem đóng tiền nhà thương cho chị nằm, đừng ngại chi hết. Anh ăn lương ít, nếu anh cần dùng, thì mỗi tháng tôi sớt bớt cho anh năm bảy chục đồng bạc được.

- Anh thiệt t0ình đãi tôi, nếu tôi theo thường tình ái ngại hoài té ra tôi xưa quá. Vậy tôi chịu lấy và tôi thay mặt cho vợ tôi mà cám ơn anh, nếu nó hết bịnh ấy là nhờ anh.

- Thôi, thôi, đừng có bắt chước thế tình mà nói những tiếng “Cám ơn” những tiếng “Nhờ cậy” nghe kỳ cục quá. Bọn mình phải nói, phải làm khác hẳn thiên hạ chớ, những câu đặt sẵn từ đời thượng cổ để nói mà chơi chớ không có ý nghĩa gì đọc lại làm chi. Anh đi lãnh măn-đa rồi đem chị vô nhà thương liền đi.

Tự Cường bắt tay từ giã Như Thạch rồi đi tuốt.

Như Thạch đi lãnh măn-đa rồi về thuật lại cho vợ nghe. Cô Nhung cười và nói: “Anh Tự Cường cao quá, mà anh làm ra cho rõ rệt thì anh cũng khỏi thấp”.

Chiều bữa đó Như Thạch đem vợ vô nhà thương Bà Chiểu nằm...

 

[1] đồng tính luyến ái