Tại tôi

Chương 11

Gần bốn giờ chiều, trời đã nhạt nắng cô Thanh Nguyên rửa mặt, chải đầu thoa son, cô mặc một cái áo đầm màu xanh nhạt, thêu bông trắng, kêu sơp-phơ đem xe hơi ra cho cô đi xuống Sài Gòn. Cô ôm cái bóp và lên xe bộ tướng dịu dàng, gương mặt lại hùng tráng, cái vẻ thanh nhã lẫn với vẻ can cường, làm cho nhan sắc của cô có cái đẹp khác hơn cái đẹp của gái khác.

Xuống tới Sài Gòn cô ghé vào một tiệm sách đường Catinal lựa mua mấy số nhựt báo rồi gần năm giờ cô mới trở lên Tân Định đậu xe trước cửa trường Vân Thế chờ rước cha. Cô ngồi trên xe đọc nhựt báo, người với xe qua lại dập dìu, cô không thèm ngó ai hết, dường như cô ngồi giữa một đống cát ngoài sa mạc.

Tan học Tự Cường ra khỏi trường, ông ngó thấy con thì cười, và bước lên xe hỏi: “Bữa nay trời tốt, con muốn đi chơi hay không?”.

Thanh Nguyên lắc đầu và đáp: “Có chỗ nào vui cho bằng nhà mình, có ai nói chuyện vui cho bằng ba”.

Tự Cường lấy làm đắc ý, chúm chím cười rồi biểu sơp-phơ chạy về.

Xe về gần tới nhà, cha con Tự Cường thấy có cái xe hơi lạ đậu ngoài lộ ngay cửa, chừng vô sân Thanh Nguyên dòm thấy Hữu Nhơn đương đứng trước hàng ba với một bà già và một người đàn bà xồn xồn thì cô châu mày, cô giục giặc không muốn xuống xe, cô để cho cha xuống trước, cô thủng thẳng xuống sau, một tay cầm cái bóp, một tay ôm sắp nhựt báo.

Hữu Nhơn với hai người đàn bà thủng thẳng đi lại thềm nhà, chừng cha con Tự Cường vô tới thì Hữu Nhơn chào và nói: “Thưa ông, có bà ngoại với má của cháu lên thăm ông và cô Thanh Nguyên cho biết nhau”.

Tự Cường bắt tay Hữu Nhơn và cúi đầu chào hai bà, cô Thanh Nguyên cũng bắt tay Hữu Nhơn không bợ ngợ chi hết và cúi đầu chào hai bà nhưng mắt ngó hai bà trân trân, không ké né, không sụt sè như gái khác. Tự Cường mời khách vô nhà và dắt hết qua phòng khách. Ông mời hai bà ngồi một bên còn bên nầy ông ngồi với Hữu Nhơn. Thanh Nguyên cất nhựt trình, kêu bồi rót nước trà rồi cô ngồi ghế canapé để ngang phía trong gần với cô Phụng một bên và Hữu Nhơn một bên. Bà Cả Kim với cô Phụng ngó cô không nháy mắt.

Thanh Nguyên không đợi khách mở lời, cô khởi đầu hỏi Hữu Nhơn rất chậm hẩm: “Anh không được thơ em hay sao?”

Hữu Nhơn đáp giọng nghe rất buồn thảm: “Có”

Thanh Nguyên cười và ngó ngay Hữu Nhơn hỏi nữa:

- Có được thơ của em sao anh còn dắt hai bà lên làm chi? Đường xa đi mệt nhọc quá.

- Bà ngoại với má tôi muốn lên thăm đặng biết mặt cô một chút.

Thanh Nguyên ngó hai bà cười và nói: “Cháu rất cám ơn hai bà chẳng nệ đường xa đến thăm cháu nhưng cháu xin phép nói phứt cho hai bà biết, ví dầu hai bà thấy cháu mà bằng lòng đi nữa, cháu cũng xin hai bà đừng tính cưới cháu cho anh Hữu Nhơn, bởi vì cháu đã nhứt định không lấy chồng, dầu ai cháu cũng không ưng, chớ không phải mình anh Hữu Nhơn đâu”. Hữu Nhơn ngồi ứa nước mắt không nói được một tiếng.

Bà Cả Kim thấy bộ dạn dĩ, nghe giọng cứng cỏi bà lấy làm lạ, không dè trong đời lại có hạng gái như vầy, bởi vậy bà ngó Thanh Nguyên không nháy mắt, ngó mặt mày, ngó miệng nói, ngó mắt liếc.

Cô Phụng muốn nghe Thanh Nguyên nói chuyện nữa nên cô hỏi:

- Nghe nói cháu đã có hứa ưng thằng Nhơn, sao bây giờ cháu nói như vậy?

- Cháu đã có cắt nghĩa trong thơ, tại cháu có một việc riêng làm cháu không muốn lấy chồng, nên cháu xin hủy lời hứa.

- Chắc có ai ghét thằng Nhơn, họ rơi thơ nói xấu nó việc chi đó, nên cháu không ưng chớ gì.

- Ồ! Cháu được thơ rơi rồi cháu tin lời họ thêu dệt sao? Bà coi cháu thấp thỏi quá! Từ nhỏ chí lớn cháu quen thói minh bạch, cháu có chịu việc mờ ám đâu. Nếu cháu có tiếp được thơ rơi thì cháu gởi xuống cho anh Hữu Nhơn coi chớ cháu sợ gì ảnh mà phải giấu kiếm điều nói dối.

- Vậy chớ tại sao cháu chê thằng Nhơn?

- Cháu có chê ảnh về chỗ nào đâu... À. Có! Cháu chê lắm, mà cháu chê hết thảy đàn ông con trai chớ không phải chê một mình ảnh.

- Tại sao mà chê?

- Tại cái chế độ gia đình Việt Nam hẹp hòi lắm.

- Chế độ gia đình là cái gì?

- Bà không biết hay sao? Chế độ gia đình là cái thể thức của người mình bày đặt để kềm chế con cháu trong nhà. Mà cái thể thức ấy hủ lậu thấp thỏi quá làm cho con cháu phải bực tức, phải đau đớn, có nhiều khi phải chết nữa.

Thanh Nguyên nói tới đây thì cô nổi giận, mặt ửng đỏ, mắt sáng lòa, trán đổ mồ hôi, làm cho cô có cái vẻ hùng tráng lạ lùng.

Bà Cả Kim thấy vậy bà chúm chím cười, rồi bà thủng thẳng nói rằng: “Người Việt Nam phải theo lễ nghĩa người Việt Nam chớ sao, nếu không giữ lễ nghĩa thì coi sao được”.

Thanh Nguyên đứng dậy ngó ngay bà và đáp: “Lễ nghĩa. Vậy chớ nước khác họ không theo lễ nghĩa của mình rồi họ dã man hết hay sao? Cháu xin thưa thiệt với bà cháu không thèm lấy chồng là tại cái ghê gớm của lễ nghĩa đó. Cháu nhứt định ở một mình đặng khỏi mang vào cổ vòng lễ nghĩa ấy, đặng cháu hưởng tự do, đặng cháu giữ trong sạch”.

Bà Cả với cô Phụng nghe những lời oán trách phong tục như vậy, tuy không hiểu cho đáo để, song cũng biết không hạp với ý trí của mình, nhưng vì không quen nghị luận về những vấn đề gia đình hoặc xã hội, nên không kiếm được lời cãi. Hai mẹ ngó chừng Hữu Nhơn thấy chàng buồn thiu. Cô Phụng không chịu được, mới nắm tay và khuyên Thanh Nguyên ngồi lại và nói rằng: “Nói chuyện nghe chơi chớ có việc chi đâu mà cháu giận. Thôi, cháu ngồi lại cho tôi nói một chút. Thằng Nhơn nó thương cháu lắm. Nó nói nó cưới không được cháu nó buồn chắc chết. Vợ chồng tôi có một mình nó nên tôi cưng nó lắm, hễ thấy nó buồn tôi chịu không được. Vậy tôi khuyên cháu suy nghĩ lại. Tôi hứa chắc nếu cháu ưng thằng Nhơn, tôi cưới cháu về tôi cũng cưng như tôi cưng nó vậy. Tôi không phải như người ta, tôi không gắt gao với nàng dâu đâu mà sợ.”

Thanh Nguyên cười ngất đáp:

- Cháu nói rõ quá, mà bà không thấu hiểu ý cháu. Cháu nói vì cháu oán cái chế độ gia đình nên cháu không lấy chồng. Chừng nào người mình phá hủy cái chế độ hủ lậu ấy, họa may cháu mới tính chuyện gia thất.

- Thì tôi nói làm dâu tôi không bó buộc gì đâu mà ngại.

- Nếu cháu làm dâu cháu có sợ ai bó buộc cháu đâu! Cháu không chịu mà bó buộc sao được. Cháu ghét là ghét cái chế độ gia đình, chớ có phải cháu sợ làm dâu nên không dám lấy chồng đâu. Tuy bà dễ với dâu, mà cái chế độ gia đình còn sờ sờ đó, nó cứ trói buộc dâu bà hoài thì dâu bà có tự do đâu.

- Tôi hứa chắc tôi sẽ để cho cháu thong thả. Không phải tôi khoe, song luôn miệng tôi nói cho cháu rõ. Má tôi đây là một bà điền chủ lớn, mỗi năm góp huê lợi đến ba chục ngàn giạ lúa. Má tôi sinh có mình tôi, rồi tôi cũng sinh có một mình thằng Nhơn, bởi vậy gia tài của má tôi ngày sau về thằng nầy hưởng trọn. Nhà tôi như vậy lẽ nào tôi bắt dâu con cực khổ hay sao mà sợ.

- Bà tưởng giàu có mà con cháu có hạnh phúc hay sao? Trong mấy nhà giàu cái chế độ gia đình lại còn gắt gao độc ác hơn trong mấy nhà nghèo nữa. Bà nói rõ việc nhà của bà cho cháu hiểu, cháu cám ơn bà lắm. Tiếc rằng bà nói sai chỗ, xin bà kiếm con gái khác mà nói có lẽ công hiệu hơn.

Thanh Nguyên nói lời đó cô liền đứng dậy đưa tay nắm tay Hữu Nhơn và nói: “Tôi nực quá nói chuyện nữa không tiện. Vậy cháu xin vô lễ với hai bà và em cũng xin lỗi anh mà đi chơi cho mát”.

Cô Phụng còn ráng hỏi:

- Thiệt cháu nhứt định không ưng thằng Nhơn hay sao?

- Cháu đã tỏ ý ấy rõ ràng nhiều lần rồi.

- Tôi xin cháu thương giùm nó.

- Cháu có ghét ảnh đâu.

- Cháu cứu giùm nó kẻo nó buồn tội nghiệp.

- À cứu! Cháu có tài phép gì cứu thiên hạ được. Huống chi thân cháu đây có biết ai cứu hay không. Nay cháu dám lãnh cứu người khác.

Thanh Nguyên cúi đầu chào hai bà và bước ra sân lên xe hơi đi.

Mẹ con bà Cả nhìn nhau hơi hổ thẹn.

Tự Cường mời khách uống nước.

Bà Cả hỏi Tự Cường: “Bà ở nhà đi đâu vắng?”. Tự Cường châu mày suy nghĩ rồi đáp:

- Thưa, tôi không có vợ.

- Không có vợ, sao lại có con? Thế khi bà mất hay sao chớ?

- Thưa phải. Mất hồi con Thanh Nguyên mới có năm sáu tháng.

- Hèn chi! Ông là đờn ông, mà ông nuôi con gái biểu sao tánh nó không giống con trai cho được. Cháu học giỏi nên nói chuyện nghe dạn dĩ quá.

- Thưa, nuôi con, tôi để tánh ý nó tự do phát ra, tôi chẳng chịu kềm chế sợ mất cái chơn tánh của con.

- Cháu nó nói như vậy, còn ông là cha mẹ ông liệu định thế nào?

- Việc vợ chồng là việc trăm năm của nó, tôi phải để nó thong thả mà định, chớ tôi định sao được. Bữa hổm có trước mặt cháu Hữu Nhơn đây nó nói nó muốn ưng cháu Hữu Nhơn làm chồng. Tôi khuyên hai đàng phải suy nghĩ, chớ tôi không cản. Bữa nay nó nói vì nó ghét chế độ gia đình nên nó không thèm lấy chồng thì thôi, chớ tôi ép sao được.

Cô Phụng đã không hiểu tâm hồn, lại cũng không rõ thái độ của Tự Cường nên cô xen vô nói:

- Tôi nghe con tôi nói mấy năm nay nó thường tới lui nhà ông chơi. Có lẽ ông biết rõ tánh ý nó. Nó thiệt thà lắm. Không biết tại sao nó lại thương cháu ở nhà đây. Nó sồng sồng quyết một phải cưới cho được nó mới chịu, chớ nó không đành nơi nào khác. Xin ông thương giùm nó.

- Thương thì thương, mà bây giờ biết làm sao. Tôi đã nói chẳng bao giờ tôi chịu ép con tôi, dầu có việc gì cũng vậy.

Hữu Nhơn nghe mấy lời ấy thì hết trông cậy nữa, nên chàng lấy khăn đắp vô mặt mà khóc.

Mẹ con bà Cả ngồi buồn hiu, còn Tự Cường cũng không vui.

Trời đã tối rồi nên bồi đốt đèn lên.

Tự Cường thấy khách không chịu về, không lẽ ngồi lặng thinh cứ ngó nhau hoài nên ông hỏi: “Hai bà ở Ô Môn mà ở tại chợ hay ở trong làng?”

Cô Phụng đáp: “Nhà tôi ở xa chợ chừng một ngàn ngoài thước, ở về làng Thới An”.

Tự Cường châu mày ngó bà Cả rồi hỏi: “Làng Thới An, phải thuộc tổng Định Thới hay không?”

Bà Cả gật đầu đáp: “Thưa phải, sao ông biết?”

- Thưa tôi biết. Nếu bà ở làng Thới An chắc bà biết bà Cả Kim?

Bà Cả chưng hửng, bà nhìn Tự Cường rồi cười đáp: “Bà Cả Kim là tôi đây. Sao ông biết tên tôi mà hỏi?”

Bây giờ Tự Cường chưng hửng, ông vừa nghe nói thì ông vùng đứng dậy ngó bà Cả trân trân. Ông châu mày suy nghĩ một chút, rồi thủng thẳng ngồi lại lắc đầu nói tiếp: “Cuộc đời kỳ quá! Làm sao mà đoán trước cho được”.

Bà Cả cũng còn cười và hỏi: “Ông nói việc gì mà kỳ?”

Tự Cường lặng thinh một hồi rồi hỏi lại:

- Bà có biết con Thanh Nguyên là con của ai hay không?

- Ông khéo hỏi trặc trẹo không! Con của ông chớ con của ai.

- Không. Không phải con của tôi... Nó là con của anh Như Thạch, cháu nội bà đó.

- Trời đất ôi! Ông nói thiệt hay là nói chơi?

- Tôi đâu dám nói chơi với bà.

- Con của thằng Thạch sao lại lọt vào tay ông nuôi?

- Lúc anh Như Thạch gần chết, ảnh có viết thơ cho bà mà nói chuyện con nhỏ. Bà không lên lại cũng không trả lời, cùng thế ảnh phải cậy tôi nuôi giùm nên tôi nuôi từ hồi đó cho tới bây giờ.

- Bất nhân dữ hôn! Vậy mà em tôi nó kiếm hết sức song kiếm không ra mối... À, à! Ông làm giáo sư, phải hồi con tôi chết ông lo chôn cất nó hay không?

- Thưa phải.

- Tôi nhớ năm đó em tôi nó hay tin thằng Thạch chết nó chạy lên hỏi thăm. Nó nghe thằng Thạch có con, nó muốn tìm đặng bắt đem về cho tôi nuôi. Nó hỏi thăm ông, sao ông lại nói ông không biết con nhỏ lưu lạc về đâu?

- Vì tôi tuân theo lời anh Như Thạch trối nên phải giấu.

- Cha chả, em tôi nó hay việc này chắc nó trách ông lung lắm. Mười mấy năm nay nó kiếm con nhỏ hết sức, mà kiếm không được. Tôi tình cờ lại kiếm được thiệt là may quá... Hèn gì hồi nãy nói chuyện cái miệng nó giống hệt cái miệng thằng cha nó... Ý mà cái trán nó cũng giống, tới tướng đi cũng giống quá... Thôi để tôi ở đây tôi chờ nó về đặng tôi nhìn nó, rồi tôi nói với ông đem nó về dưới.

Cô Phụng nguýt mẹ rồi nói:

- Hứ! Nhìn giống gì kỳ cục vậy mà nhìn.

- Sao mà kỳ cục? Con cháu thì nhìn, chớ kỳ giống gì.

- Sao má dám chắc nó là cháu nội của má?

- Ông giáo sư mới nói đó.

- Ai nói việc gì má cũng tin hết. Má giàu có lớn, ai lại không muốn nhận làm con cháu má. Ông giáo sư nói cô Thanh Nguyên là con của thằng Ba. Nói thì nói vậy chớ có bằng cớ gì đâu mà mình dám tin.

Tự Cường giận đỏ mặt, ông ngó ngay cô Phụng nói lớn: “Mấy lời bà nói đó, theo bà thì không quan hệ gì, chớ theo tôi thì nhục nhã cho tôi lắm. Tôi xin tỏ thiệt cho bà hiểu, vì bà Cả đây là mẹ của một người bạn thiết tôi, lại vì bà là chị ruột của người bạn ấy nữa, nên tôi phải cung kính. Nếu người nào khác tới nhà tôi mà nói như vậy, thì nãy giờ tôi tôi đã xô ra ngoài sân rồi. Tuy cha con tôi nghèo, song có phải thấy giàu mà ham như họ vậy đâu. Bà tưởng lầm, lầm xa lắm. Tôi mà thưa cho bà Cả hay con Thanh Nguyên là con của anh Như Thạch, ấy là vì bây giờ con nhỏ cũng biết việc ấy rồi, nên tôi không cần phải giấu. Đã vậy cháu Hữu Nhơn quyết cưới nó nên tôi phải nói cội rễ của nó đặng cháu Hữu Nhơn đừng có hy vọng nữa. Tại vậy đó nên tôi phải nói thiệt, chớ có phải tôi mưu sự đặng cho con Thanh Nguyên lãnh gia tài đâu. Tôi làm phước nói giùm cho bà biết: “Nếu bà còn ngồi nán lại đây, con Thanh Nguyên về mà nó hay hai bà là bà nội và cô nó, tôi e sợ nó nói mích lòng chớ không phải nó nhìn mà lãnh gia tài đâu. Tôi tưởng hai bà nên tránh nó mà về trước tốt hơn”.

Cô Phụng đứng dậy nói: “Thôi, về má, ở đây có ích gì. Thằng Nhơn cũng về, con. Về rồi má kiếm chỗ khác má cưới cho, thiếu gì con gái mà lo. Ông giáo sư đã nói như vậy, mình còn nói giống gì nữa”.

Bà Cả nói:

- Tao muốn ngồi nán lại đặng chờ con nhỏ về tao hỏi nó một chút.

- Thôi, má muốn ở đó thì ở, tôi về à.

Tự Cường chúm chím cười rồi đứng dậy lại bàn viết mở nhựt trình coi.

Cô Phụng bước lại cúi đầu chào kiếu chủ nhà. Bà Cả và Hữu Nhơn thấy vậy phải ép lòng đứng dậy mà từ giã Tự Cường. Hữu Nhơn không khóc nữa, nhưng cặp mắt đỏ au.

Tự Cường giữ lễ, nên phải đưa khách ra cửa. Lúc bước xuống thềm, bà Cả day lại nói: “Để ít bữa rồi tôi sẽ trở lên nữa”.

Tự Cường day mặt chỗ khác không nói chi hết.

Bà Cả với con cháu lên xe trở xuống Sài Gòn. Đồng hồ chợ Bến Thành chỉ bảy giờ rưỡi. Sơp-phơ hỏi coi chạy đi kiếm khách sạn mướn phòng mà nghỉ hay là phải đi đâu. Cô Phụng bảo về luôn Ô Môn. Sơp-phơ xin cho đi ăn cơm một chút rồi về.

Xe hơi ngừng trước một tiệm cơm ở đường D’Espange. Cô Phụng hỏi bà Cả ăn cơm hay không thì bà nói không đói. Cô hỏi Hữu Nhơn thì chàng cũng lắc đầu.

Cô leo xuống đi mua thịt với ba ổ bánh mì. Chừng cô trở lại, bà Cả nói thằng Nhơn nó nóng hầm. “Bị đi ngày nay nắng gió chớ gì”.

Cô Phụng rờ trán con, thiệt nó nóng nhiều lắm. Cô hỏi: “Con nóng mà về ban đêm được hôn? Hay là con muốn mướn phòng nghỉ rồi sáng mai về”.

Hữu Nhơn lắc đầu đáp cụt ngủn “Về”.

Sơp-phơ ăn cơm rồi mới đổ xăng đi về. Xe xuống khỏi Cai Lậy thì trời xáng xuống một đám mưa thiệt lớn. Tuy xe giương mui lại bao lá phủ, song bị gió lòn nên giọt mưa nhiễu vô xe làm cho áo quần phải ướt nhiều ít. Hữu Nhơn lạnh run lập cập mà ngoài da thì nóng hự. Mẹ con bà Cả lấy làm lo sợ và hối hận về nghe lời Hữu Nhơn đi về trong lúc ban đêm.

Trời mưa luôn luôn, xe về tới nhà trời vẫn còn mưa lớn. Hữu Nhơn vô nhà nằm dụi trên giường run. Cha mẹ thay áo quần cho chàng, chàng mê man không biết gì hết.