obby quì gối sát bên xác người chết và anh chẳng còn nghi ngờ gì nữa: người gặp nạn đã sang thế giới bên kia. Sự hồi tỉnh ngắn ngủi, câu nói cuối cùng và rồi… sự kết thúc.
Để tìm ra miếng vải phủ mặt cho người chết, Bobby mạnh bạo thọc tay vào túi anh ta, lấy ra một chiếc khăn mùi xoa rồi trải ra đắp lên khuôn mặt đã khô cứng vào lúc ấy.
Bất chợt, khi rút chiếc khăn ra, anh thấy văng ra theo một tấm ảnh. Anh nhặt tấm ảnh lên và đưa mắt nhìn.
Ảnh một người đàn bà có gương mặt xinh đẹp đáng chú ý. “Gương mặt đó - Bobby thầm nghĩ - nếu ai đã nhìn thì khó mà quên được". Anh nhét lại tấm ảnh vào đúng cái túi nơi mà tấm ảnh văng ra, rồi anh ngồi yên chờ đợi.
Những phút chờ đợi trôi qua thật chậm chạp... Chàng trẻ tuổi sốt ruột đứng ngồi chẳng yên. Anh nhớ đến lời hứa của mình với cha là sẽ đánh đàn oóc phục vụ cho phần nhạc lễ vào buổi sáu giờ chiều nay, vậy mà giờ đây đã là sáu giờ kém mười! Anh tiếc là đã không nhờ người thầy thuốc báo cho cha mình biết về sự việc xẩy ra.
Vào lúc này mục sư Thomas Jones tỏ ra rất phiền muộn. Ông vốn là người hay lo lắng, chuyện nhỏ mọn cũng có thế làm ông bồn chồn phát ốm lên được. Bobby thì nghĩ: “Người cha khốn khổ của mình đến phát điên lên mất thôi. Giá như không có lời hứa trước thì sự phiền muộn của ông cũng chẳng đến mức căng thẳng. Đến là khổ khi mà ông vẫn còn coi mình như một đứa trẻ còn đang bú mẹ!"
Vốn là người con hiếu thảo và rất yêu thương cha mình, nhưng Bobby đã không tránh khỏi cảm thấy khó chịu bực tức khi thấy ý chí tạo dựng cuộc sống tự lập của mình luôn bị những ý nghĩ thiển cận của cha mình kiềm chế. Còn ngài Jones thì lúc nào cũng cho rằng cậu con trai thứ tư của mình hãy còn trẻ người non dạ. Và bởi vậy mà cha con ngày thường hay xung khắc với nhau.
Bobby đứng dậy, đi đi lại lại, nôn nóng. Vừa lúc ấy thì anh nghe thấy tiếng động phía trên vách đá. Ngước mắt nhìn lên, anh vui mừng nhận ra có người đến cứu.
Chẳng phải là thầy thuốc mà là một người đàn ông mặc quần thể thao bóng gôn mà anh chưa từng gặp bao giờ.
- Điều gì xẩy ra vậy? - Người mới đến hỏi - Có ai bị tai nạn chăng?
Dưới ánh sáng mờ nhạt lúc chiều hôm. Bobby chẳng nhìn được rõ mặt người mới đến, mà chỉ nhận ra một bóng dáng cao và nghe thấy một giọng nói đàn ông phát âm cao và dễ nghe.
Bobby kể cho người mới đến mọi tình tiết và hỏi anh ta có biết chuyện gì đã xảy ra khi anh đến.
- Không, không hề biết.
- Thật đáng buồn! - Bobby phàn nàn - Tôi có việc bận, người ta chờ tôi vào lúc sáu giờ.
- Và anh không muốn bỏ đi...
- Không, tôi không muốn bỏ mặc người gặp nạn. Anh ta đã chết, tôi chẳng làm gì để cứu được anh ta, tuy nhiên tôi chẳng nỡ...
- Anh đừng băn khoăn gì nữa. Tôi sẽ xuống và trông thay cho anh, chờ người cứu nạn tới.
- Anh giúp được tôi thế sao? - Bobby vui mừng nói đầy vẻ biết ơn - Anh thông cảm, cha tôi đang chờ tôi. Lúc này ông đang mong và lo lắng. Anh đã nhìn thấy lối xuống chưa? Theo con đường nhỏ rẽ trái một quãng rồi sẽ thấy lối xuống bên phải.
Cuối cùng. người đàn ông đã xuống được khoảnh mặt bằng hẹp nơi có Bobby và người gặp nạn. Anh ta khoảng ba lăm tuổi, mặt đầy đặn, nhẵn nhụi. Anh ta nòi:
- Tôi là người ở xa mới đến ở vùng này. Tên tôi là Bassington - ffrench. Tôi đang đi tìm thuê một nơi ở trong vùng này. Thật là một tai nạn khủng khiếp. Có phải anh ta ngã từ trên vách đá lăn xuống vực?
- Đúng vậy. Khi có sương mù chỗ này quả là một khu vực nguy hiểm. Tôi rời đi đây. Chào anh và cám ơn.
- Xin đừng cám ơn làm gì. Chỉ là lẽ đương nhiên thôi. Chẳng ai lỡ bỏ mặc người lâm nạn một mình…
Bobby leo theo vách núi dốc đứng, lên đến đường mòn. Anh chạy vội về giáo khu. Để tranh thủ thời gian anh đi theo đường tắt, nhảy qua tường của nghĩa địa chứ không đi vòng quanh theo hàng rào. Nhìn qua cửa sổ ở kho đồ thờ, mục sư chứng kiến những hành động táo bạo của con mình và ông đã nổi giận.
Đã sáu giờ năm phút mà chuông nhà thờ vẫn còn rung. Mục sư đành nén giận, xếp mọi chuyện mắng mỏ, giáo dục con mình lại. Ông cho buổi lễ được bắt đầu.
Bobby ngồi vào ghế, tay ấn vào các phím của cây đàn ac-mô-ni-um. Vừa ở nơi người bị nạn về anh thương cảm chọn bản nhạc phù hợp. Anh dạo bản Khúc đưa đám của Chopin.
Sau buổi lễ, mục sư gọi con trai của mình lại để giáo dục, nhắc nhở bổn phận của anh ta.
- Bobby này, nếu con thấy chẳng thể làm tốt được việc cha giao cho thì tốt nhất là con nên thôi đi… Con năn nỉ xin được ngồi dạo đàn ac-mô-ni-um phục vụ lúc hành lễ. Việc đó cha chẳng hề bắt buộc con... nhưng nếu con thích vui chơi hơn...
- Xin cha thứ lỗi cho con - Bobby bao giờ cũng nói với giọng nói vui vẻ lễ độ cho dù cha anh có mắng mỏ nghiêm khắc ở mức độ nào cũng vậy - Lần này chẳng phải lỗi tự con gây nên. Con chẳng nỡ bỏ mặc một người chết vì tai nạn.
- Con gặp người chết vì tai nạn thế nào?
- Anh ta ngã từ trên vách đá rớt xuống vực. Chắc là cha cũng biết chỗ vực sâu ấy...
- Lạy chúa! Cái chết mới thê thảm làm sao! Người bị nạn chết ngay ư?
- Không, anh ta chết sau khi bác sĩ Thomas rời đi tìm cách cứu chữa. Con chẳng nỡ bỏ mặc anh ta nằm đấy một mình. May thay có một người đi dạo qua đã thay thế con, túc trực bên người bị nạn chờ người đến cấp cứu.
Mục sư thở dài buồn bã rồi nói với con:
- Bobby con, thái độ và cách sống của con làm cho cha sầu não vô cùng. Vừa rồi con đã đối đầu với cái chết mà thái độ con vẫn cứ thản nhiên! Dường như con còn lấy đó làm vui nữa là khác... với những người còn trẻ như các con, chẳng còn điều gì trên cõi đời này là thiêng liêng nữa sao?
Bobby cảm thấy rất bực bội với những lời nói của cha mình, nhưng anh nghĩ rằng mọi sự tranh cãi với cha chỉ là vô ích. Vả lại anh cũng muốn giấu cha mình những ý nghĩ và tình cảm riêng, nên trước sau anh chỉ một mực xin lỗi cha bằng những lời lẽ nhẹ nhàng.
Hai cha con đi cùng trên đường về nhà. Mỗi người có sự suy nghĩ của riêng mình.
Mục sư thì nghĩ: "Chẳng biết đến bao giờ Bobby mới trở thành chín chắn và tìm được việc làm?"
Bobby thì lại nghĩ thầm: "Chẳng biết mình còn phải sống phụ thuộc vào cha đến bao giờ?"
Ngoài những niềm sầu tư của mỗi người thường là chẳng bao giờ hoà hợp với nhau hai cha con mục sư luôn dành cho nhau những tình cảm yêu thương trìu mến.