Sức Mạnh Của Ngôn Ngữ Không Lời

Chương 10: Truyền Tải Thông Điệp Không Lời

Người ta nói với tôi rằng Paul - một quản lý cấp cao tôi sắp huấn luyện - là một người giao tiếp kém. Sau khi quan sát buổi họp do anh chủ trì, tôi hoàn toàn thừa nhận điều đó. Vấn đề không nằm ở những gì Paul nói (bởi từng lời nói của anh đều được chọn lọc và luyện tập rất kỹ), mà vấn đề ở ngôn ngữ hình thể anh thể hiện. Mọi cử chỉ của Paul đều rất máy móc, nó như “tố cáo” rằng anh không hề thoải mái và thuyết phục trước những gì mình nói. Và vấn đề nữa Paul mắc phải là thời điểm. Khi một người đưa ra cử chỉ trước hoặc ngay lúc nói thì người đó được cho là cởi mở và thẳng thắn. Nhưng nếu người đó nói xong rồi mới đưa ra động tác, như Paul, thì sẽ bị người nghe cho là giả tạo. Và thế là cho dù những gì anh trình bày là thật đến đâu đi nữa, người nghe vẫn nghi ngờ. Câu hỏi đặt ra: Tôi có thể giúp gì cho Paul không? Câu trả lời: Có, nhưng không nhiều.

Dĩ nhiên, tôi có thể tìm cách khiến cho các động tác của Paul bớt cứng nhắc và thời điểm đưa ra cử chỉ cũng linh động hơn, nhưng những gì anh cần là phải có niềm đam mê thật sự!

Tôi đã biết được rất nhiều điều thú vị khi nắm giữ vai trò là một nhà trị liệu, một diễn giả và một huấn luyện viên. Hơn hết thảy, tôi học được rằng nền tảng để có được ngôn ngữ hình thể hiệu quả chính là sự chân thật. Nếu bạn không tin vào thông điệp mà bạn đang truyền tải, không quan tâm đến đối tượng bạn đang hướng đến, hoặc không hề sử dụng sản phẩm hay dịch vụ mà bạn đang quảng bá, thì ngôn ngữ hình thể của bạn sẽ có lúc để lộ sự thật ấy.

Đến với chương này, bạn sẽ học được cách khiến ngôn ngữ hình thể của bạn trở nên sống động và hiệu quả hơn. Nếu bạn đang cố lừa dối người nào đó rằng những việc làm của bạn là chân thật thì bạn sẽ cần nhiều hơn là vài ba cử chỉ không lời. Nhưng nếu bạn muốn bộc lộ chính mình thông qua ngôn ngữ hình thể thì chỉ một vài cử chỉ cũng đủ làm nên điều đó. Bạn sẽ học được cách tạo ấn tượng tích cực chỉ trong một vài khoảnh khắc và biết dùng cử chỉ nào thích hợp nhất để xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và khách hàng. Không những thế, bạn còn biết được những kinh nghiệm cần thiết để có được sự tự tin nếu bạn phải thuyết trình trước đám đông.

Hãy bắt đầu bằng việc mọi người diễn dịch ngôn ngữ hình thể của bạn ra sao nhé!

Mọi người hiểu ngôn ngữ hình thể của bạn như thế nào?

Để thay đổi ngôn ngữ hình thể của bản thân, đầu tiên bạn phải hiểu được những gì cơ thể mình lên tiếng. Điều này không đơn giản như bạn nghĩ. Hãy lấy Sara làm ví dụ. Là phó chủ tịch của một công ty có tiếng, Sara than phiền rằng cô luôn bị những người có vị trí cao hơn xem thường. "Tôi không hiểu mình đã làm sai điều gì. Tôi thông minh, nhiệt tình và chăm chỉ, nhưng tại sao mọi người lại không đón nhận tôi?"- Cô tâm sự.

Đúng là cô ấy không nhận ra lý do, nhưng nếu bạn chứng kiến những cử chỉ của cô ấy, chắc chắn bạn sẽ hiểu vấn đề nằm ở đâu.

Trong suốt buổi nói chuyện với tôi, mắt Sara liên tục đảo khắp phòng như thể tìm kiếm điều gì đó, tay cô ngọ nguậy và nhịp nhịp các ngón tay lên bàn. Mặc dù chỉ nói chuyện với Sara khoảng một tiếng đồng hồ nhưng tôi có cảm giác bồn chồn hệt như các đồng nghiệp của cô khi nói chuyện với cô ấy vậy.

Sara nghĩ mình là người nhiệt tình và sốt sắng, nhưng các cử chỉ của cô ấy lại bị người khác cho là thiếu kiên nhẫn và căng thẳng.

Đây là vấn đề chung của ngôn ngữ hình thể. Các cử chỉ của bạn có thể không truyền tải nội dung mà bạn muốn biểu lộ. Chẳng hạn, dáng bạn đi nặng nề do mệt mỏi, nhưng người khác lại nghĩ bạn không hứng thú. Bạn đứng khoanh tay cho thoải mái (hoặc do lạnh) thì người khác lại nghĩ rằng bạn bất đồng và khó gần. Khi bạn buông xuôi tay hai bên người hoặc cho tay vào túi thì người ta lại nghĩ rằng bạn đang bất an, trong khi thực tế không phải vậy.

Đối với ngôn ngữ hình thể, cảm giác của chủ thể không phải là vấn đề mà vấn đề nằm ở chỗ đối phương tiếp nhận cử chỉ ấy ra sao. Chính tiềm thức sẽ đưa ra cách diễn dịch những cử chỉ ấy dựa trên phản ứng xúc cảm có từ rất lâu, vốn chẳng thay đổi gì nhiều kể từ khi con người bắt đầu giao tiếp với nhau.

HÃY THỬ

Nếu phải chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn, một cuộc họp, hay một bài thuyết trình quan trọng nào đó, bạn hãy luyện tập trước máy quay. Sau đó xem lại đoạn băng và cố gắng đánh giá thật khách quan. Nếu có thể, bạn hãy thuê một người hướng dẫn riêng. Nếu bạn nhớ được những gì chúng tôi gợi ý trong cuốn sách này, bạn cũng có thể tự đánh giá được chính mình.

Bảy giây để tạo ấn tượng tích cực đầu tiên

Trong buổi hội nghị, bạn quay sang nhìn người kế bên. Anh ấy cũng quay lại nhìn bạn. Trong phút chốc, bộ não của bạn bắt đầu đưa ra hàng ngàn câu hỏi thắc mắc. Anh ấy là người bạn nên kết thân hay tránh xa? Bạn nên phớt lờ hay tỏ ra thân thiện? Anh ấy là người tốt hay người xấu?... Sau khoảng bảy giây, bạn đã có câu trả lời. Chắc chắn suy nghĩ của bạn về anh ấy sẽ thay đổi khi bạn biết rõ người đó hơn, nhưng ấn tượng đầu tiên luôn đọng mãi.

Trong lúc bạn đang đánh giá anh ấy thì anh ấy cũng tìm cách dò xét bạn.

Trong kinh doanh, ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Khi một người nào đó đã “dán nhãn” cho bạn là thích hay không thích thì mọi việc bạn làm đều được nhìn nhận qua lăng kính đó. Nếu thích bạn, người ấy sẽ nhìn thấy những điểm tốt nhất ở bạn. Ngược lại, nếu không thích hoặc không tin bạn thì mỗi hành động của bạn đều bị người ấy săm soi, dò xét.

Mặc dù bạn không thể ngăn cản người khác đưa ra những quyết định tức thời, bởi điều này như một cơ chế đã được lập trình sẵn trong não bộ con người, nhưng bạn có thể làm cho những quyết định đó trở nên chính xác và hiệu quả hơn.

Cử chỉ không lời tác động mạnh lên ấn tượng đầu tiên của con người hơn là lời nói. Các nghiên cứu cho thấy cử chỉ không lời để lại ấn tượng mạnh gấp bốn lần so với những gì bạn nói. May thay, các nhân tố không lời mà một số người nghĩ về bạn lại cũng là những gì mà người khác tìm kiếm ở bạn theo bản năng.

Không ai trong chúng ta không muốn giao tiếp và làm ăn với những người đáng tin và nhiệt tình, những người làm ta cảm thấy thoải mái và tự tin. Đó cũng là những yếu tố chúng ta có thể thể hiện qua cử chỉ ngay ở bảy giây quan trọng đầu tiên. Mỗi một cuộc gặp, từ các buổi hội nghị, họp mặt đến những buổi huấn luyện, hoặc ăn trưa với đối tác, đều đem đến cho chúng ta những cơ hội gặp gỡ, kết nối và mở rộng các mối quan hệ.

Dưới đây là sáu phương pháp hữu hiệu giúp bạn tạo được ấn tượng tốt đẹp ngay từ những giây đầu tiên.

1. Biết điều chỉnh thái độ

Mọi người luôn để ý đến thái độ của bạn. Vì vậy, trước khi quay sang chào hỏi một ai đó, hoặc trước khi bước vào văn phòng phỏng vấn, hay bước lên bục thuyết trình, bạn hãy nghĩ đến một tình huống và chọn ra một thái độ mà bạn muốn thể hiện. Những thái độ thu hút sự chú ý của người khác bao gồm: tò mò, thân thiện, vui vẻ, kiên nhẫn, dễ gần, nồng nhiệt. Thái độ khiến người khác khó chịu bao gồm giận dữ, thiếu kiên nhẫn, chán nản, kiêu ngạo, sợ sệt, giả dối và nghi ngờ.

2. Mỉm cười

Nụ cười được xem như một lời mời, một dấu hiệu chào đón, nó cho thấy bạn "thân thiện và dễ gần".

3. Nhìn vào mắt đối phương

Nhìn vào mắt người khác thể hiện sự quan tâm và cởi mở. Để tăng hiệu quả của ánh nhìn, hãy tập chú ý màu mắt của bất cứ người nào bạn gặp.

4. Nhướn lông mày

Hãy mở mắt to hơn bình thường một chút để thực hiện cử chỉ nhướn lông mày nhanh. Đó là dấu hiệu thể hiện sự thừa nhận và thông hiểu.

5. Bắt tay

Đây là cách nhanh nhất để thiết lập mối quan hệ, đồng thời cũng là cử chỉ hiệu quả nhất. Nghiên cứu cho thấy bạn phải mất trung bình ba tiếng đồng hồ nói chuyện liên tục, tương đương một cái bắt tay, để phát triển một mối quan hệ nào đó.

6. Hơi nghiêng người về phía trước

Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang quan tâm và hứng thú. Nhưng đừng quên tôn trọng không gian riêng của người khác. Điều này có nghĩa là trong hầu hết các cuộc giao tiếp công việc, hãy giữ khoảng cách nửa mét với đối tác của bạn.

HÃY THỬ

Một khi đã vượt qua được bài kiểm tra bảy giây và bắt chuyện được với đối phương, bạn có thể tạo thêm ấn tượng với họ bằng cách sử dụng thủ thuật nhỏ sau: hãy thường xuyên lặp lại tên người ấy trong lúc nói chuyện. Và khi làm thế, hãy chạm nhẹ vào tay đối phương nhằm biểu lộ sự thân thiện mỗi khi bạn gọi tên họ.

Việc gọi tên đối phương sẽ mang lại những cảm xúc tích cực trong lòng họ. Những cảm xúc tích cực này sẽ kết nối (hoặc đọng lại) trong người ấy khi bạn chạm vào tay họ. Trong những lần gặp gỡ tiếp theo, bạn có thể gợi lại ấn tượng ban đầu bằng cách chạm nhẹ vào tay người ấy một lần nữa.

Ngôn ngữ hình thể trong mắt khách hàng

Chúng ta đều đã hoặc sẽ có lúc gặp phải những nhân viên có cung cách phục vụ khách hàng rất kém. Đó có thể là một nhân viên bán hàng vừa tiếp chuyện với bạn vừa “buôn” điện thoại cá nhân. Đó cũng có thể là một nhân viên lễ tân tiếp đón bạn bằng một bộ mặt thờ ơ và khó chịu, hay một viên quản lý luôn đảo mắt, thở dài khi nghe bạn hỏi thêm thông tin nào đó… Tất cả những tình huống như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống.

Ralph là một doanh nhân giỏi đã gầy dựng tên tuổi và sự nghiệp nhờ vào kỹ năng quản lý của mình. Tuy nhiên, một điểm yếu của anh khi thuyết trình trước khách hàng là không mấy quan tâm đến ngôn ngữ hình thể. Những gì anh có được đơn thuần chỉ dựa vào năng lực nghề nghiệp của bản thân. Tại sao anh cần phải quan tâm đến ngôn ngữ hình thể và các mối quan hệ với khách hàng?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem qua ví dụ sau:

Trong tất cả các công việc cần kỹ năng chuyên môn, thì lĩnh vực y tế luôn được mọi người đặt hàng đầu trong danh sách bình chọn (Không ai muốn một bác sĩ thiếu chuyên môn chữa trị cho mình). Tuy nhiên qua nghiên cứu nguyên nhân khiến bệnh nhân kiện bác sĩ cho thấy, các kỹ năng cơ bản trong giao tiếp (hay còn gọi là sự đồng cảm trong điều trị)cũng quan trọng không kém kỹ năng chuyên môn.

Ngoài việc chẩn đoán và điều trị không đúng thì một nguyên nhân thường thấy trong hầu hết các vụ kiện đó chính là mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Và một phần quan trọng trong mối quan hệ đó có liên quan đến kỹ năng giao tiếp không lời. Một nghiên cứu cho thấy hơn 50% trong tổng số 263 bệnh nhân kiện bác sĩ cho biết họ cảm thấy thất vọng với vị bác sĩ đó đến mức họ phải kiện người đó trước khi mọi chuyện được sáng tỏ.

Trở lại câu chuyện của Ralph. Anh không phải là bác sĩ. Nhưng nếu bạn là Ralph và cho rằng mối quan hệ với khách hàng chẳng mấy quan trọng đối với công việc của mình thì bạn nên nghĩ lại. Dù đó là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hay lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, tôi đều thấy trong mối quan hệ với khách hàng, ngôn ngữ hình thể luôn là yếu tố quan trọng đưa đến thành công.

Sau đây là một số nguyên tắc cơ bản bạn có thể áp dụng vào ngành nghề của mình, bất kể ở lĩnh vực nào. Hãy xem những điểm tương đồng về mối quan hệ giữa bệnh nhân/bác sĩ và công việc của bạn qua những phát hiện sau:

■ Các bệnh nhân nói rằng họ hài lòng hơn khi thấy bác sĩ có những cử chỉ thể hiện sự quan tâm như cúi người về phía họ, gật đầu, tiếp xúc với họ gần hơn và nhìn biểu đồ bệnh án ít hơn.

■ Điều quan trọng khác trong các cuộc gặp giữa bác sĩ với bệnh nhân là lời chào đầu tiên của bác sĩ.

■ Bác sĩ có cho thấy sự quan tâm bằng cách bắt tay, nhìn vào mắt người bệnh, và nở một nụ cười ấm áp không?

■ Các bệnh nhân tâm sự rằng họ có cảm tình với những bác sĩ ngồi hơn là những bác sĩ đứng. Đó là vì tư thế ngồi thể hiện sự quan tâm và thái độ chú ý vào những gì người bệnh nói. Ngược lại tư thế đứng lại cho thấy thái độ kiểm soát và cái nhìn của người trên đối với kẻ dưới.

■ Những bác sĩ hay nhìn đồng hồ, nhịp nhịp ngón tay và nhìn ra cửa thường tạo ấn tượng là họ đang vội hoặc không có thời gian dành cho người bệnh.

■ Nếu một bác sĩ đứng quay ngang với người bệnh, không cúi người về phía bệnh nhân hoặc có vẻ khó chịu khi khám bệnh thì ngôn ngữ hình thể của họ sẽ bộc lộ điều đó mà không cần phải nói ra.

■ Ngôn ngữ hình thể kém có thể làm hỏng mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Điều thú vị là những bác sĩ có ngôn ngữ cử chỉ khéo léo thường mang lại sự hài lòng và chiếm được tình cảm của bệnh nhân nhiều hơn. Những cử chỉ này được xem là dấu hiệu thể hiện sự quan tâm. Và dù bạn là bác sĩ, nhân viên bán hàng, giáo viên, huấn luyện viên, nhà đàm phán, trưởng nhóm hoặc là người quản lý cấp cao đi nữa, thì sự quan tâm vẫn là nhân tố quan trọng trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Xin kết thúc nội dung này bằng câu nói của Mark Twain: "Mọi người không quan tâm bạn biết gì về họ, họ chỉ cần biết bạn quan tâm tới họ bao nhiêu mà thôi!”.

HÃY THỬ

Thử tưởng tượng bạn là một khách hàng đang sử dụng dịch vụ do chính bạn cung cấp. Hãy đánh giá mức độ lịch thiệp, tinh thần phục vụ và sự tôn trọng mà bạn thể hiện. Tiếp đó, hãy nghĩ về vai trò của ngôn ngữ không lời trong cách đánh giá của người khác về bạn. Nếu thông điệp bạn đưa ra không nhất quán (chẳng hạn khi nói "Tôi rất vui vì được phục vụ ông/bà" mà cử chỉ và thái độ của bạn hoàn toàn trái ngược) thì tất cả những lời nói hoa mỹ đều trở nên vô nghĩa. Khách hàng cho rằng những gì cơ thể bạn “nói” mới là thông điệp thật sự.

Ngôn ngữ hình thể khi thuyết trình

Cho dù bạn đang diễn thuyết trước 500 khán thính giả hay quảng cáo một sản phẩm/dịch vụ với khách hàng tiềm năng, hoặc trình bày ý tưởng trước nhóm của mình đi nữa thì đừng quên rằng bạn đang đứng trước một đám đông. Mọi cử chỉ của bạn đều lọt vào tầm mắt của những người tham dự. Họ sẽ xét đoán bạn qua vẻ bề ngoài và ngôn ngữ hình thể. Điều này diễn ra rất nhanh. Thông thường khán giả sẽ đưa ra kết luận về bạn cũng như bài thuyết trình của bạn trước khi bạn có cơ hội tỏa sáng qua nội dung trình bày.

Nói thế không có nghĩa là lời nói của bạn không quan trọng. Rõ ràng nếu bạn muốn thuyết phục người khác, khiến họ cảm động hoặc tạo động lực cho họ hành động, bạn cần chuẩn bị nội dung phát ngôn của mình thật kỹ càng. Bên cạnh đó, do ngôn ngữ hình thể tác động trực tiếp lên ấn tượng ban đầu của đối phương nên bạn cũng cần chú ý những điều nên và không nên sau:

Nên bước ra để cử tọa nhìn thấy toàn thân của bạn.

Không nên đứng giấu mình sau bục thuyết trình.

Nên chia đều trọng tâm ở hai chân, chân dang ngang vai, đầu gối hơi chùng.

Không nên đổi chân thường xuyên, nếu không trông bạn sẽ có vẻ bối rối và kém tự tin.

Nên sử dụng tư thế mở. Đứng ưỡn người và thân trên thả lỏng. Thường xuyên sử dụng chuyển động của tay và lòng bàn tay.

Không nên để tay quá sát cơ thể. Bàn tay đan lại sau lưng sẽ khiến bạn giống như đang bị bắt; còn bàn tay đan lại siết chặt ở phía trước sẽ khiến bạn có vẻ thiếu tự tin.

Nên nhìn vào khán giả. Nhìn mọi người trong khán phòng ít nhất ba hay năm giây để tạo sự nối kết.

Không nên lướt nhìn khán giả hoặc nhìn chăm chăm vào một điểm trong phòng.

Nên di chuyển. Con người luôn vận động. Bộ não của chúng ta được lập trình để làm điều đó.

■ Tuy nhiên, không nên di chuyển liên tục. Biết khi nào cần và không cần di chuyển sẽ tăng hiệu quả cho bài diễn thuyết của bạn. Chẳng hạn, bạn nên đứng im khi muốn nhấn mạnh vấn đề.

HÃY THỬ

Lần tới, khi chuẩn bị bài thuyết trình trước bất kỳ lượng khán giả nào, bạn hãy bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu của mình. Dù mục tiêu là bán hàng, đề nghị thăng chức hoặc thuyết phục tổ chức thay đổi cách quản lý… bạn hãy xem đó là khuôn khổ để bạn có thể lựa chọn ngôn ngữ hình thể phù hợp.

Nếu muốn biểu lộ quyền hạn và sự kiểm soát, bạn hãy bỏ qua các quy tắc vừa được trình bày ở trên. Bằng cách đứng đằng sau bục diễn thuyết, hạn chế đưa ra các dấu hiệu không lời và tránh nhìn khán giả, bạn sẽ thể hiện được uy quyền của mình. Nhưng nếu bạn muốn thể hiện sự chân thành, say mê với những gì mình đưa ra, bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn bằng cách luôn nhớ những chỉ dẫn trên.

Ngôn ngữ không lời của cấp lãnh đạo

Dù ở bất cứ nơi đâu, để có được thành công, người ta cần biết khuyến khích nhân viên và biết cách hợp tác sao cho cả hai bên cùng có lợi. Bạn không thể buộc một người quan tâm hoặc chia sẻ ý tưởng với người khác, nhưng bạn có thể tác động lên hành vi của họ và động viên họ đạt được những thành tích lớn lao hơn.

Để trở thành một nhà lãnh đạo thành công, bạn cần biết cách sử dụng ngôn ngữ hình thể với cấp dưới và hiểu được ý nghĩa đằng sau mỗi lời nói của họ. Bên cạnh đó, bạn cũng phải không ngừng thể hiện cảm xúc của bản thân, và bộc lộ kỳ vọng của chính mình. (Tất cả các nhà lãnh đạo đều thể hiện sự nhiệt tình, nồng hậu và tự tin, hay sự ngạo mạn, thờ ơ và khó chịu thông qua nét mặt, cử chỉ, sự va chạm và cách sử dụng không gian của họ).

Khi ngôn ngữ hình thể mâu thuẫn với lời nói của bạn, những người nói chuyện với bạn sẽ trở nên bối rối. Cử chỉ không đồng bộ với lời nói khiến việc tạo dựng niềm tin trong các mối quan hệ trở nên thực sự khó khăn. Đây là một thực tế, cho dù bạn là giám đốc, trưởng bộ phận, trưởng nhóm hay giám sát viên cấp thấp nhất đi chăng nữa.

Hãy xem ví dụ sau: Giám đốc điều hành của một công ty dầu khí đến nhà máy trong bộ trang phục đắt tiền để nói về khó khăn của công ty với trưởng các bộ phận, kỹ sư và nhân viên kho hàng. Trong khi đó những công nhân này đang mặc quần áo chống cháy màu xanh. Chưa hết, sau khi tự giới thiệu, ông ấy bước lên phía trước và tháo chiếc đồng hồ đeo tay (có lẽ hiệu Rolex) và đặt nó trên bục thuyết trình. Từ đó suy ra, thông điệp mà ông ấy muốn gửi đến nhân viên của mình là: "Tôi rất bận, tôi không hề thích bước vào nơi dơ bẩn này, và tôi chỉ có chính xác hai mươi phút để nói chuyện với mọi người mà thôi".Thông điệp đó hoàn toàn khác với từ ngữ ông ấy sử dụng để bắt đầu cho bài nói của mình: "Tôi rất vui vì đã có mặt ở đây cùng các bạn".

Theo bạn, đâu là thông điệp mà những công nhân nhà máy lọc dầu cho là thật - lời nói của vị giám đốc hay ngôn ngữ hình thể của ông ấy?

Ngôn ngữ hình thể tập thể

Không một nhà lãnh đạo nào có thể thành công một mình, dù thông minh đến đâu chăng nữa. Thực tế cho thấy, nhà lãnh đạo tài ba là người luôn biết hợp tác, biết cách làm cho mọi người cảm thấy họ là tất cả đối với đội nhóm. Mọi người làm việc cho ông chủ, nhưng lại làm việc cùng với người lãnh đạo.

HÃY THỬ

❑ Khi gặp riêng một thành viên trong nhóm hoặc một đồng nghiệp nào đó, hãy nhớ rằng ngôn ngữ hình thể của bạn giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ này. Nếu bạn kết hợp những thông điệp không lời tích cực dưới đây vào buổi nói chuyện của mình thì bạn đang gửi tín hiệu tin tưởng và tôn trọng.

❑ Ngồi đối mặt với đối phương. Thậm chí cử chỉ hơi xoay người của bạn cũng biểu lộ sự thiếu quan tâm và khiến đối phương không muốn nói nữa.

❑ Dẹp bỏ các vật cản che khuất tầm nhìn giữa bạn và đối phương. Dời điện thoại hoặc chồng hồ sơ ra khỏi bàn. Tốt hơn là hãy bước ra khỏi chỗ ngồi sau bàn làm việc của bạn.

❑ Luôn nhìn vào mắt đối phương. Đối phương sẽ cho rằng bạn không lắng nghe (hoặc không hứng thú) nếu mắt bạn cứ đảo khắp phòng hoặc liên tục nhìn vào đống giấy tờ hay màn hình máy tính.

❑ Sử dụng các cử chỉ để lộ lòng bàn tay khi nói. Chúng biểu lộ sự chân thành và cởi mở của bạn.

❑ Đồng bộ ngôn ngữ hình thể của bạn với đối phương. Khéo léo bắt chước tư thế đứng, cử chỉ tay và nét mặt của họ.

❑ Gật đầu. Dấu hiệu này khuyến khích mọi người tiếp tục nói và cũng thể hiện sự thích thú của bạn trước câu chuyện của họ.

Những kỳ vọng chứa đựng trong ngôn ngữ hình thể

Pygmalion in the Classroom là một trong những ấn phẩm gây tranh cãi nhất trong lịch sử nghiên cứu giáo dục. Chủ đề chính của cuốn sách là: Từ kỳ vọng của giáo viên đến thành công của học sinh. Người ta đưa cho các giáo viên danh sách một số học sinh được đánh giá là giỏi và yêu cầu họ đặt ra những kết quả cao nhất các học sinh này cần đạt được. Vào cuối năm, chỉ số IQ của những học sinh ấy tăng lên rõ rệt.

HÃY THỬ

Tưởng tượng rằng bạn biết các nhân viên của mình là những người có năng lực. Và đây là bí mật mà bạn không thể nói ra với những nhân viên ấy. Nhưng bạn có thể dùng ngôn ngữ hình thể để thể hiện. Vậy, dấu hiệu không lời nào bạn sẽ sử dụng để nhân viên của bạn biết họ đặc biệt? Giao tiếp qua ánh mắt? Gật đầu cảm kích? Hay mỉm cười? Một khi bạn đã có được ý tưởng về điều nên làm thì trong một tuần hãy âm thầm đối xử với nhân viên của mình như thể họ là những “ngôi sao triển vọng”. Hãy xem có phải có ít nhất vài người bắt đầu sống với những kỳ vọng mà ngôn ngữ hình thể của bạn truyền tải hay không.

Thực ra, những học sinh đó được chọn một cách ngẫu nhiên chứ không phải từ kết quả của bất cứ bài kiểm tra nào. Đó chính là niềm tin của các giáo viên rằng họ phải có trách nhiệm trông đợi những kết quả xuất sắc nhất ở các học sinh này. Người ta chưa bao giờ nói với lũ trẻ là chúng giỏi cả, nhưng thông điệp này đã được khéo léo truyền tới chúng thông qua ngôn ngữ không lời như nét mặt, cử chỉ, sự tiếp xúc...

Trang phục phù hợp

Joyce, bạn tôi, vừa là một nhà giáo dục vừa là một doanh nhân. Một trong những bí quyết góp phần cho thành công của cô ấy chính là cách ăn mặc. Thậm chí khi đi nghỉ mát, Joyce vẫn mang theo bộ trang phục công sở và đôi giày cao gót. Phương châm của cô ấy là "Hãy mặc đẹp vì bạn không bao giờ biết được mình sẽ gặp những ai!" Đúng vậy!

Công việc và những mối quan hệ khiến bạn không thể không giao tiếp. Việc Joyce mang theo trang phục công sở cũng có chủ đích riêng.

Tục ngữ có câu "Đừng đánh giá một cuốn sách thông qua bìa của nó". Nhưng phải công nhận rằng, bìa sách luôn là yếu tố trước tiên tác động vào trực giác người mua cũng như người đọc sách. Trong cuộc sống cũng vậy, người ta thường đánh giá người khác, ở một mức độ nào đó, qua vẻ bề ngoài của họ. Bởi thế, các nhà tư vấn nghề nghiệp vẫn khuyên khách hàng rằng hãy ăn mặc phù hợp với công việc họ muốn, chứ không phải công việc hiện tại của họ. Điều này sẽ tạo nên thuận lợi ban đầu cho họ.

Những năm qua, trang phục nơi công sở đã có nhiều thay đổi. Có những nơi, nhân viên không bị buộc phải mặc đồng phục trang trọng nữa. Nhưng chính vì thế, một vài người có lựa chọn thật khó hiểu. Một quản lý nói với tôi: "Ngày nay, cách ăn mặc khi làm việc không giống như trước kia nữa. Thực ra, hầu hết các khách hàng của tôi đều bộc lộ quan điểm chung khi nói về thời trang, nhưng cũng có một số người không có khiếu thẩm mỹ cho lắm, dù trong các cuộc hẹn quan trọng".

Trang phục thể hiện phong cách riêng của bạn. Việc ăn mặc thoải mái có thể tăng hiệu quả công việc, nhưng liệu đi dép xỏ ngón, mặc áo thun, quần jeans, những bộ đồ lòe loẹt, hở hang có phải là một phần trong cách đánh giá của người khác về bạn không? Có thể bạn cho rằng đó là cách giúp bạn bộc lộ cá tính riêng, nhưng với người khác thì đó lại là biểu hiện thiếu nghiêm túc và thiếu chuyên nghiệp.

Trang phục tác động lên cả người mặc lẫn người nhìn.

Thực tế cho thấy, người ta thường có cảm tình hơn với những ai ăn mặc lịch sự, trang nhã.

HÃY THỬ

Hãy thử thay đổi diện mạo của bản thân và để ý xem mọi người phản ứng ra sao trước những thay đổi của bạn. Qua phản ứng của mọi người, đồng thời căn cứ vào tính chất công việc, hãy lựa chọn trang phục phù hợp nhất cho mình.

Ăn mặc phù hợp là cách thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với môi trường làm việc cũng như những người xung quanh. Bạn có thể thay đổi phong cách bề ngoài tùy theo hoàn cảnh.

Teresa là một nhà tư vấn quản lý và cô rất biết cách ăn mặc. Bình thường, khi đến văn phòng, cô thường thích mặc các bộ váy lụa màu hồng, màu lam và màu đỏ tươi, đi giày cao gót và đeo những bộ trang sức lung linh. Nhưng khi đi gặp các khách hàng bảo thủ hoặc những người khó tính, Teresa thường đổi qua những bộ trang phục đứng đắn, thể hiện hình ảnh mà cô muốn đối phương tiếp nhận. (Cô nói:"Tôi ăn mặc giống khách hàng của mình").

Một trong số nhân viên của Teresa đến trụ sở chính của một tổ chức tôn giáo phi lợi nhuận để mời cô về dự họp. Mọi người ở đó đang thảo luận nhóm với nhau. Nhân viên kia gần như không nhận ra cấp trên vốn ăn mặc thời trang của mình. Bằng việc thay đổi trang phục, Teresa hoàn toàn hòa nhập với mọi người.

Ngôn ngữ hình thể thu phục lòng người

Max Weber - cha đẻ của ngành xã hội học, là người đưa ra thuật ngữ charismamô tả những nhà lãnh đạo biết thu phục lòng người. Bắt nguồn từ thuật ngữ “kharisma” trong tiếng Hy Lạp, mang nghĩa ơn huệ hoặc món quà tâm linh, charisma được hiểu như "một phần tự tin, sáng suốt và quyến rũ".

Theo tôi, charisma còn có thể hiểu là sự đồng bộ giữa cử chỉ và lời nói. Dù làm việc trong lĩnh vực nào chăng nữa (quản lý, bán hàng, chăm sóc sức khỏe, hay giáo dục) thì bạn chỉ có được sức hút và thuyết phục nhất khi những gì bạn cảm nhận phù hợp với những gì bạn thể hiện.

Tôi không phải là người duy nhất để ý mối liên hệ giữa ngôn ngữ hình thể và nghệ thuật thu phục lòng người. Howard Friedman - giáo sư tâm lý của Đại học California, Riverside đã đo lường mức độ thu phục bằng cách nghiên cứu những dấu hiệu không lời qua nét mặt, cử chỉ và chuyển động của cơ thể. Ông phát hiện rằng những người biết cách thu phục lòng người thường cười tự nhiên (với nếp nhăn quanh mắt), điệu bộ linh hoạt khi giao tiếp với người khác. Friedman đã phát triển hệ thống Kiểm tra

Giao tiếp Hiệu quả mà một số tập đoàn lớn ở Mỹ sử dụng để đo mức độ thu phục lòng người ở các nhà lãnh đạo tiềm năng. Và dường như nó tỏ ra khá hiệu quả.

Hãy tự nhiên!

Một lần nọ, tôi làm việc với trưởng bộ phận nghiên cứu, ông ấy đang chuẩn bị cho một bài thuyết trình quan trọng. Ông ấy thông minh, hấp dẫn và hài hước. Ngôn ngữ hình thể của ông ấy đồng bộ và biểu cảm. Tuy nhiên, ông ấy cũng là người khá nhút nhát. Trước đám đông, ông ấy trở thành một người hoàn toàn khác. Thực ra, ông ấy không cần cố sử dụng kỹ thuật quá nhiều mà chỉ cần thả lỏng cơ thể một cách tự nhiên và để tính cách cũng như ngôn ngữ hình thể của mình lên tiếng. Có lẽ điều đó sẽ hiệu quả hơn.

Chiều cao lãnh đạo

Ở Mỹ, có khoảng 14,5% nam giới cao từ 1,8 mét trở lên. Và con số này là 58% giữa các CEO của các công ty Fortune 500. Bất ngờ hơn, trong tổng số nam thanh niên ở Mỹ, có 3,9% người cao từ 1,86 mét trở lên. Trong khi đó, các CEO cao từ 1,86 mét trở lên chiếm 30%. Đâu đó trong cái nhìn của người Mỹ thì chiều cao tương ứng với năng lực lãnh đạo của một cá nhân.

Mặc dù bạn không thể cao thêm 9-10 xăng-ti-mét nữa, nhưng trông bạn vẫn có thể cao hơn và uy thế hơn bằng cách đứng thẳng người. Nhất là trong các buổi gặp mặt trịnh trọng, dáng đứng của bạn rất quan trọng. Tư thế đứng thẳng và đầu ngẩng cao là ngôn ngữ hình thể thể hiện sự tranh đua, tự tin và mạnh mẽ.

Sự kết nối giữa cơ thể và tâm trí

Tâm trạng ảnh hưởng trực tiếp đến ngôn ngữ không lời. Khi buồn, người ta thường có khuynh hướng rụt vai, khuôn mặt ủ dột và nhìn xuống. Khi vui, người ta sẽ mỉm cười và giữ thẳng người. Nhưng điệu bộ cũng tác động ngược trở lại trạng thái cảm xúc. Cử chỉ, chuyển động, dáng đi và thậm chí nét mặt của bạn cũng ảnh hưởng đến cảm xúc bằng cách truyền ngược thông tin lên não.

Trong nhiều thử nghiệm, người ta yêu cầu các đối tượng mỉm cười rồi cho họ xem những tấm ảnh với những nội dung khác nhau. Những đối tượng mỉm cười cho biết các bức ảnh khiến họ vui, thậm chí họ cảm thấy phấn chấn. Nhưng khi hỏi những đối tượng đã cau mặt trong suốt cuộc thử nghiệm, thì câu trả lời nhận được lại là: những hình ảnh đó khiến họ bực mình và tức giận. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy, nụ cười không chỉ đưa đến cảm giác vui vẻ, hài lòng mà nó còn có thể thúc đẩy những thay đổi sinh lý về nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và sức đề kháng của da.

HÃY THỬ

Nhiều ứng viên đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn không được đề bạt, nhiều nhân viên có năng lực nhưng lại thất bại khi phỏng vấn, chỉ bởi vì họ không biết cách thể hiện sự tự tin của bản thân qua một nụ cười.

Mỗi khi gặp tình huống cần phải thể hiện sự tự tin, bạn hãy bắt đầu bằng cách đứng thẳng, hơi ưỡn người về trước và ngẩng cao đầu. Với tư thế này, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn. Và nếu bạn có thể nở nụ cười thật tự nhiên (hoặc ngậm cây bút chì) thì bộ não và cảm xúc của bạn sẽ được tác động tích cực hơn rất nhiều!

Cách tốt nhất để có thể mỉm cười là hãy nghĩ về một việc hoặc một người nào đó mà bạn cảm thấy thích thú. Nghiên cứu còn phát hiện rằng ngay cả nụ cười gượng ép cũng có thể đưa lại cảm giác tích cực. Phát hiện này phù hợp với kết quả thử nghiệm trên các đối tượng khi cho họ xem phim hoạt hình Gary Larson. Nhóm đầu tiên đánh giá phim này vui nhộn hơn nhóm thứ hai. Điều khác biệt duy nhất là các thành viên trong nhóm thứ nhất được yêu cầu cắn chặt bút chì trong miệng. Nụ cười ép buộc do ngậm bút chì đã tác động lên cảm xúc của họ, khiến họ cho rằng phim hoạt hình này vui nhộn hơn.

Kết hợp các dấu hiệu

Vậy là bạn đã sẵn sàng để người khác quan sát bạn gần hơn – ít nhất là trong các buổi thuyết trình quan trọng, buổi nói chuyện trước các chuyên gia hay buổi phỏng vấn xin việc. Bạn cũng đã sẵn sàng để giao tiếp thật tốt với các đối tác, các nhà quản lý, đồng nghiệp hoặc khách hàng của mình.

Trên đây là những vấn đề có liên quan đến ngôn ngữ hình thể mà tôi đã nghiên cứu trong suốt hai mươi năm với vai trò là nhà trị liệu, huấn luyện viên và diễn giả. Hy vọng những điều tôi đưa ra sẽ phát huy hiệu quả tối đa cho bạn khi giao tiếp ngoài xã hội cũng như trong môi trường công sở.