_ Chị ơi…
Tiếng gọi rụt rè khiến tôi ngỏanh ra cổng, một hình dáng lạ, ai thế nhỉ? ai mà còn đến vào giờ này?
_ Có việc gì đó em?
Trong thời gian của câu hỏi, tôi đã lướt nhanh qua người đứng ngòai cổng. Một cô gái độ ngòai ba mươi, tay xách một túi hành lý như có vẻ ở xa tới, bộ quần áo cũ kỹ, hơi nhàu, gương mặt hốc hác, tái ngắt, lộ rõ vẻ mỏi mệt.
_ Chị…chị có cần người làm không ạ?
_ Không em.
Nét thất vọng kèm theo chút gì như hỏang hốt.
_ Chị không cần thật ạ?
Tôi gật đầu, cố như vớt vát, cô gái nói thêm:
_ Em hỏi mấy nhà gần đây, họ bảo chị ở một mình, lại vườn rộng, chắc sẽ cần người.
_ Thì cũng đúng thế đấy, nhưng chị tự lo liệu được, nên…
Tôi bỏ dở câu nói, nhìn nét mặt thẫn thờ của cô gái lạ, tôi chạnh lòng. Anh mắt cô gái nhìn mông lung trong không gian tai tái giấc cuối ngày, ánh mắt bơ vơ, cô độc, ngơ ngác, lo âu và tuyệt vọng. Cô gái chợt khẽ nhăn mặt, đưa tay ôm bụng, tôi thóang thấy tấm áo gồ lên khỏang giữa, nhưng cô quay lại khẽ gật đầu chào tôi:
_ Cảm ơn chị, em đi.
Bước chân rã rời, không khó khăn gì mà không nhận thấy đó đang là một tình cảnh đáng lưu tâm. Tôi buộc miệng:
_ Em này…
Cô gái quay ngoắt lại, trong mắt như sáng lên:
_ Chị…
Tôi mở khóa cổng, bước hẳn ra ngòai, quét tia nhìn qua bụng cô gái, đúng là cô gái đang có mang, tôi nhẹ giọng:
_ Em ở xa đến đây à?
_ Dạ, vâng.
_ Thế bây giờ em đi đâu?
Cô gái cúi đầu, giọng hơi ướt:
_ Dạ…em không biết đi đầu nữa.
Tôi im lặng vài giây cân nhắc, rồi thở ra bảo:
_ Thôi, em vào đây đã.
Có vẻ bất ngờ, nhưng cô gái im lặng theo tôi. Vào đến nhà, tôi đưa một cái ghế tựa cho cô:
_ Em ngồi đây nghỉ tí cho dỡ mệt đi đã, chị làm xong mấy việc vặt rồi chị vào.
_ Chị có việc gì, em làm phụ với.
_ Thôi, em cứ nghỉ đi, chị làm xong ngay ấy mà.
Cô gái nghe lời, ngồi xuống ghế, tôi nhanh tay với những công việc cần thiết. Trong đầu ngồn ngộn những câu hỏi “ Làm sao mà phải đi tìm việc làm trong lúc bụng dạ như thế? Có uẩn khúc gì chăng? Có chồng hay không có? Chắc là không, chứ nếu có thì sao lại ra nông nỗi thế? Mình cho người ta vào nhà như vậy có mạo hiểm quá không? Mình có biết gì về người ta đâu? Lỡ bị gài bẫy thì làm thế nào? Nhưng chắc không phải thế đâu, nhìn mặt thấy có vẻ hiền lành lắm mà. Nếu không cho người như vậy vào nhà, chí ít là cũng nghỉ tạm qua một đêm thì mình lại không đang tâm. Chắc không sao đâu, hẳn là người ta gặp chuyện gì quá đáng nên mới như vậy. Thôi thì cứ giúp người ta qua lúc này đã, cũng chẳng dễ gì mà hại được mình. Đừng tự nhát mình thế chứ. “ Nghĩ thế, tôi thấy yên tâm hơn. Xong hết việc, tôi bảo cô gái đi tắm rửa rồi ăn cơm. Sau bữa cơm, trông cô gái có vẻ khá hơn. Cô mở túi xách, lấy ra cái chứng minh thư đưa cho tôi:
_ Chị cầm đị ạ, chứng minh của em đấy.
Tôi cầm coi qua rồi trả lại, nói:
_ Thế này Sương ạ. Thực tình thì chị không có khả năng nhờ người giúp việc đâu. Lúc nãy thấy tròi sắp tối rồi, em lại bụng dạ thế này, nên chị bảo em vào nghỉ tạm qua đêm nay đã rồi mai tính.
_ Em cảm ơn chị. Bây giờ em mới dám nói, nếu chị không cho em vào thì chắc em cũng không biết mình có đi nổi mấy bước nữa không.
_ Thế nhà em ở đâu?
Sương cúi mặt một lúc, rồi đưa tay lên chùi mắt, tôi im lặng, đóan biết cô sẽ nói gì đó cho tôi nghe. Đúng vậy, giây lát cô ngẩng lên nhìn tôi, mắt đỏ hoe:
_ Em xin lỗi chị, chuyện của em buồn lắm, nếu…
Hiểu cô nghĩ gì, tôi nói ngay:
_ Tuy không rõ cụ thể là em gặp chuyện gì, nhưng nhìn qua chị cũng đóan hiểu phần nào. Chị em mình gặp nhau hôm nay, cũng là có một chút duyên, nếu em có gì không vui, nói chị nghe xem chị có giúp được gì cho em không?
_ Chị tốt quá, đúng là trời còn thương em, cho em được gặp chị thế này.
Ngưng một chút, Sương bắt đầu kể:
_ Nhà bố mẹ em ở ngòai Bắc cơ chị ạ. Em lấy chồng rồi theo chồng vào đây, cũng được hơn sáu năm rồi. Em có thai đứa này là đứa thứ hai, đứa đầu là con trai, đã gần bốn tuổi, nhưng phải gửi ông bà nội cũng ở ngòai Bắc, vì vợ chồng em vào đây còn khổ lắm, lo không nổi cho cháu. Em cũng đâu có định sinh nữa, nhưng bị lỡ nên phải đành để. Có điều, khổ vì làm ăn vất vả mấy em cũng cố chịu đựng được, nhưng cái khổ của em …( Sương ngừng lại và nấc lên, tôi khẽ thở dài, trông cô đau khổ quá )..Em khổ vì chồng em là nhiều nhất. Hầu như không ngày nào là anh ta không đánh em chị ạ …
_ Đánh?
Sương khe khẽ gật đầu, lại đưa tay chùi mắt.
_ Em bầm mặt tím mày như cơm bữa, lúc đầu còn khóc lóc van xin, nhưng chẳng ăn thua gì, anh ta đánh chán tay thì thôi, không ai can được. Chính quyền thôn xã, bà con láng giềng can thiệp, anh ta bảo vọ tao thì tao dạy, đứa nào chõ mõm vào tao đánh luôn đứa đó. Anh ta còn đặt điều, vu cho em bao nhiêu là thói xấu để có cớ đánh đập, mà khổ nỗi, em thì đầu tát mặt tối suốt từ sáng sớm đến nửa khuya, có thò đi đâu được mà bảo là chơi bời, lê lết. Việc nhà lớn nhỏ chớ hề anh ta đụng tay, đi làm công cho người ta được đồng nào giữ riêng đi uống rượu hết, say rồi về nhè em đánh, tức bực ai ngòai đường cũng về nhè em đánh, không có tiền ăn nhậu về hành em. Vốn liếng được mấy sào đất trồng tỉa vặt vãnh chỉ gọi là đủ đắp đổi, em phải đi làm thuê cho người ta mới gọi là có tí tiền dành lo cho con.
Nhìn xuống bụng mình, Sương thở hắt:
_ Độ ba tháng nữa là em sinh, trong tay không có một đồng tiền nào, có cái nhà ọp ẹp anh ta cũng đốt mất rồi..
_ Cái gì? Đốt cả nhà á?
_ Vâng. Hôm rồi say sỉn nổi khùng lên vác dao rượt em chạy khắp xóm, may mà cái thai không làm sao, đòi giết em không được thế là về đốt nhà. Chị bảo em còn khổ đến thế nào nữa. Còn được mấy cái quần áo phơi ngòai dây, khuya em lẻn về lấy rồi trốn đi đây. Nói thật với chị, hai ngày qua em chỉ có mỗi gói mì vào bụng. Không gặp được chị thì không biết…
_ Trời ơi trời!
Nếu nói là bịa thì người phụ nữ này không đủ tài để bịa được một câu chuyện như thế, mà thật thì…trời ơi, kinh khủng quá. Hốt nhiên tôi nghĩ về mình, may quá, tôi không bị gặp phải lọai đàn ông ấy. Cứ bảo đẹp xấu gì cũng lấy cho có tấm chồng mà nương tựa, nhưng chồng kiểu này thì chắp cả guốc lên mà vái.
_ Vậy anh em gia đình hai bên có biết không?
_ Dạ biết cả đấy, nhưng cả hai gia đình đều ở xa, có vào cũng chỉ được dăm ngày là về, đâu lại đóng đó.
_ Chẳng lẽ em không làm cách nào để thóat khỏi cảnh ấy sao?
_ Em biết làm cách nào bây giờ hả chị? Con thì sắp hai đứa rồi, dù thế nào cũng phải có cha, mà em có đi đâu cũng chẳng thóat khỏi anh ta được, bỏ thì không cho bỏ, nhiều lúc em cũng mong anh ta bỏ em đi cho em đỡ khổ, một mình em làm nuôi con còn tốt gấp mấy lần. Nhưng mà rồi …
_ Vậy lúc trước thương nhau mà lấy hay bị ép gả?
_ Dạ, do thương mà lấy, chứ mà bị ép nữa chắc em tự tử lâu rồi. Mà ngày chưa lấy nhau anh ta hiền lành tử tế lắm cơ, em nào ngờ.
Tôi thừ người, cái khổ của người đàn bà biết nói sao cho hết nhỉ? Không chồng không con thì bảo là cô quả cô độc, lấy chồng rồi thì phải sống chết cả đời vì chồng vì con, gặp được người chồng tốt thì còn coi như có phước, gặp cái thứ trời đánh thánh đâm như vầy cũng phải cắn răng mà chịu. Cho dù cũng đã có không ít những người phụ nữ tìm cách bức thóat, có thóat được cũng đã mang đầy thương tích, cũng chẳng dễ dàng gì tìm lại được một hạnh phúc êm dềm.
Sương đã ngủ say, có lẽ cô đã quá mệt rồi, tôi còn trăn trở mãi không ngủ được. Câu chuyện của một người xa lạ giờ ở ngay bên tôi làm tôi bứt rứt. Tôi phải làm thế nào trong tình cảnh này đây? Vốn tâm tính tôi ưa lo chuyện bao đồng, lại gặp một vấn đề nan giải này bảo sao tôi coi như không nghe được. Chuyện giữa đường cứ như đặt để vào tay, có lẽ giữa tôi và cô gái này có một chút duyên phận, bởi sự dẫn dắt ngẫu nhiên nhưng lại rõ ràng là có cơ sở. Nếu như cô ây gặp tôi vào một thời khắc khác, không phải là khi sâm sẩm tối, không phải trong bộ dạng quá thiểu não đến tội nghiệp như thế, và nếu tôi là một người lạnh lùng, vô cảm, thì chưa chắc đã có lúc này. Một mảnh đời vất vưởng đang trông vào chút lòng nhân đức của tôi, dù muốn dù không tôi cũng không thể nào đẩy con người khốn khổ này ra đường. Thôi thì…
Tờ mờ sáng Sương đã nhỏm dậy, tôi cũng đã thức giấc trước một lúc, thấy cô rón rén bước xuống giường, tôi lên tiếng:
_ Em dậy sớm thế?
_ Dạ, em quen dậy vào giờ này, chị cũng dậy sớm thế ạ?
_ Ừ, chị cũng quen rồi, việc nhà nông mà, có ai trễ muộn được đâu.
Cả hai loay hoay một lúc thì xong phần việc buổi sớm. Tôi đun nước nấu hai gói mì và ấm trà. ăn xong, tôi bảo Sương:
_ Sương này, chị nói thế này nhá.
Sương như nín thở nhìn tôi.
_ Nghe qua chuyện của em, chị thấy rất bức xúc, nhưng chưa biết rồi có giúp gì được cho em không. Trước mắt, em cứ ở lại đây, chị em rau mắm cũng xong thôi, rồi từ từ xem tình hình ra sao mới tính được.
Cô gái xúc động ứa nước mắt:
_ Em mang ơn chị quá, em không biết nói sao bây giờ nữa.
_ Không cần phải nói gì đâu, ai thì cũng làm như chị thôi. Còn công xá thì…
_ Không, không, chị dừng nói đến công xá, em được chị giúp cho thế này là quý lắm rồi, em không dám đòi hỏi gì hơn đâu, chị đừng nghĩ ngợi gì cả.
Tôi im lặng ngẫm nghĩ một chút rồi gật đầu:
_ Ừ thôi, để cho em thỏai mái tự nhiên, chị không nói chuyện ấy nữa, nhưng lúc nào mệt mỏi, em cứ việc nghỉ ngơi, không phải cố đâu nhé. Công việc chị thì cũng không nhiều, chị vẫn quen làm một mình cả đấy, nên em đừng có nghĩ ngợi lung tung mà cố quá, lỡ ảnh hưởng cháu thì chị không đền được đâu.
_ Dạ, chị cứ yên tâm, em tự biết sức mình mà.
Nói vậy thì nói chứ tâm trạng của người chịu ơn nó nặng lắm, tôi rất hiểu điều đó, nên mỗi lúc thấy Sương vã mồ hôi vì cố sức trong công việc thì tôi thấy mình rất khó chịu, tuy vẫn luôn nhắc chừng cô, nhưng đôi khi cũng vờ làm ngơ cho cô có được cảm giác đền đáp để có thể thỏai mái hơn trong sinh họat. Thấm thóat Sương đã ở cùng tôi hai tháng, nhìn bụng Sương mỗi ngày một to ra mà tôi thầm lo. Không biết sắp tới sẽ tính sao đây? Chẳng lẽ để cô sinh nở ở nhà tôi luôn sao? Thứ nhất là sự nguy hiểm khi sinh, vì khá xa cơ sở y tế, nhỡ đêm hôm chuyển bụng thì biết làm thế nào. Lại tôi cũng chẳng dư dả gì mà cưu mang cô mãi được, dù lòng có tốt đến đâu thì cũng phải có điều kiện hỗ trợ mới có thể tốt được. Tôi chưa từng vào cuộc, nhưng cũng thừa hiểu những gì cần phải có cho người phụ nữ vào lúc ấy. Biết làm sao đây? Đi vay mượn để lo chuyện bao đồng chăng? Chắc thiên hạ sẽ cười cho dữ lắm, nhưng nếu cùng quá cũng phải vậy thôi. ai cười thì cười, không lẽ kéo người ta lên nửa chừng rồi thả cho người ta rớt cái ịch xuống. Hóa ra không chỉ mình tôi nghĩ ngợi, mà nhân vật chính còn nghĩ ngợi hơn tôi nhiều.
_ Chị ơi, chị có đi phố chị gửi giùm em bức thư này nhé.
_ Gửi cho mẹ em à?
_ Dạ vâng. Bữa giờ em không dám liên lạc, sợ chồng em biết chỗ đến tìm, gây phiền hà cho chị. Nhưng giờ thì phải vậy thôi, còn gần tháng nữa em sinh rồi, làm sao ở đây mà vạ chị mãi được. Em liên hệ với mẹ em, đê mẹ em vào đón em.
_ Thế thì chồng em cũng sẽ biết.
Sương thở dài:
_ Đành vậy thôi, em chỉ cố tránh để con em bình yên ra đời lúc này thôi, chứ làm sao tránh được anh ta cả đời này hở chị?
Tôi im lặng, biết nói gì bây giờ. Một lúc Sương lại tiếp:
_ Cái số kiếp em nó thế thì phải chịu thế, chẳng làm sao khác được.
Số với kiếp. Cũng chẳng có cách lý giải nào khác hơn, không phải là số thì sao lại gặp người như thế. Người đàn bà lấy chồng là buộc mảnh đời mình vào một sợi chỉ, mặc giông gió đẩy đưa theo từng cơn nóng lạnh. Vui buồn, sướng khổ tùy thuộc vào tâm thái của người đàn ông. Có ra sao thì cha mẹ, anh em cũng không có quyền tham dự.Bảo rằng tạo hóa thì phải thế, trời sinh rà đàn ông đàn bà là để kết hợp lại với nhau, nhưng sao lại có những cuộc kết hợp đọa đày đến thế.
Thân cá nước đục, thân cò ăn đêm. Nhìn ánh mắt thất thần và gương mặt mét xanh của Sương khi nhìn thấy người đàn ông đi cùng mẹ cô cũng đủ hiểu đấy là ai. Anh ta ném một cái nhìn sáng quắc về phía vợ trước khi mở lời với tôi. Cái nhìn mà tôi là người ngòai cũng lạnh cả sống lưng. Một nỗi căm giận bùng lên trong tôi, nhưng tôi phải cố nén, nếu không, hẳn cô gái tội nghiệp kia sẽ phải gánh một hậu quả khủng khiếp.
_ Thì ra vợ tôi lâu nay ở nhà chị, thế chị và cô ấy quen biết thế nào?
Rõ là một câu nói gây hấn.
_ Chẳng thế nào cả, tôi cần người giúp việc, cô ta đến xin việc thì tôi cho vào làm, thế thôi.
Không cố tình chăng nữa, thì tôi cũng không đủ bình tĩnh để làm một chủ nhà lịch sự. Gã đàn ông nhìn tôi soi mói, sỗ sàng:
_ Sao lại đi thuê một người bầu bì nặng nhọc thế kia vào làm việc?
Tôi quắc mắc nhìn thẳng vào anh ta:
_ Thế thì tại sao vợ anh trong lúc bụng mang dạ chửa thế kia mà phải đi xin việc làm để kiếm miếng sống?
Nếu tôi không phải là chủ nhà mà anh ta đang đứng, có lẽ tôi không tránh khỏi một động tác nào đấy từ gương mặt đỏ bự hầm hầm kia. Mẹ Sương len vào giữa tôi và anh con rể, ôn tồn:
_ Thôi chị thông cảm, vì vợ chồng chúng nó có chút chuyện không vui nên nó mới nóng thế. Chị cho tôi xin lỗi, cảm ơn chị đã giúp đỡ em nó lâu nay. Xin phép chị hôm nay cho chúng tôi đón em nó về.
_ Bác ạ, cháu không biết gì về chuyện riêng của hai người, nhưng quả thực là cháu rất lo cho Sương, tuy không quan hệ thân thiết gì, chị em cũng mới biết nhau đây thôi, nhưng cháu thấy gia đình nên quan tâm đến em nó nhiều hơn. Cháu là người ngòai mà còn không nỡ…
Người mẹ thở dài, trong đôi mắt bà một nỗi buồn dâng kín.
_ Vâng, cảm ơn chị. Chúng tôi ở xa quá nên đôi khi cũng không giúp em nó được nhiều. Thuyền theo lái, biết làm sao được.
Câu nói buông xuôi, phó mặc. Tôi nhìn về phía Sương, em hướng về tôi tia mắt khẩn cầu và khẽ lắc đầu. Tôi thở dài. Chỉ là một người dưng, tôi có quyền gì để thay đổi được số phận em. Đi đến trước mặt Sương, tôi kìm lắm để không ôm lấy em bởi hành động ấy lại không tốt cho em một chút nào, tôi móc túi lấy món tiền đã chuẩn bị sẵn, nhét vào tay Sương:
_ Em hãy cầm một chút này về lo cho cháu nhé.
_ Thôi, thôi chị …
_ Cầm đi cho chị vui, coi như chị cho cháu vậy. Mong sao em mẹ tròn con vuông. Nếu có nhớ đến chị hãy đặt tên con là Yên Yên nhé. Chị rất muốn mẹ con em sẽ được bình yên.
_ Chị…
Nước mắt Sương chảy tràn trên má, tôi nắm chặt tay em. Người mẹ đã đến bên cạnh, bà nhìn tôi, đôi mắt cũng rưng rưng.
_ Cảm ơn chị, cảm ơn chị nhiều lắm.
_ Thôi. mọi người đi đi không trễ xe.
Gã đàn ông khốn kiếp kia đã ra cổng từ lúc nào. Hai mẹ con Sương dìu nhau đi ra. Tôi tiễn đến cổng thì dừng lại. Họ còn phải đi bộ một quãng nữa mới đến trạm xe búyt. Gã kia cắm mặt đi trước, không cả một lời chào xã giao, hẳn gã còn căm tôi lắm vì câu hỏi móc ban nãy. Tôi nhìn theo dáng đi ì ạch của Sương mà thương quá Chỉ cái tên cũng đã nói lên sự mỏng manh của một kiếp phận rồi. Có chút duyên nào đâu, chẳng qua chỉ là một thứ nợ nần mà thôi.
ĐÀM LAN
Tên thật: Đàm thị Tuyết Lan
Sinh ngày 22-5-1966
Hiện cư trú: Banmêthuột DakLak
Các tác phẩm đã in:
- Hòang Hôn Biển – Tập TN – 1998
- Mênh mông chiều vàng – Tập TN – 2005
- Lối Nhỏ - Tập TN - 2006