Nhà tôi có một nhà giáo, một bác sĩ, một doanh nhân và một quân nhân. Đó là một vài trong số những nghành nghiệp đã được xã hội dành hẳn cho một ngày riêng biệt để tôn vinh. Vào những ngày đó, không khí trong gia đình, cũng như không khí ngoài xã hội, có một chút đổi thay. Đó là những nụ hoa, những món quà trong lớp giấy đẹp, những lời chúc tốt lành, và cả những bữa tiệc hoan hỉ, vui say. Những nhân vật của những ngày ấy trông mới xinh tươi, hồ hởi, sung sướng và hãnh diện làm sao. Chính tôi cũng đã nhiều lần hòa cùng cuôc vui trong bầu không khí thân thương ấy, cũng đã tự tay đi chọn những bông hoa đẹp nhất, cũng đã trù bị trong đầu nhưng lời chúc mừng hay nhất, và cũng tự tay nấu những món ăn ngon nhất, để góp một chút vui của mình trong sự tôn vinh chung của người người, và cũng là để đem đến cho những người ấy chí ít là một nụ cười thỏa mãn, vì cái ý thức được ưu đãi được tôn trọng , và cả một phần tự hào với những gì mà bản thân đã được đóng góp mà trong xã hội đời sống con người này luôn cần đến.
Còn tôi? Cái số phận không may mắn gì, không vui vẻ gì, không thích thú gì, đã buộc tôi phải rơi vào một ngày sau chỉ một cơn sốt cao. Cái ngày mà lẽ ra đừng nên để nó hiện thành câu thành chữ trên một tờ lịch thế này. Tại sao người ta lại dành ra một ngày cho nó làm gì chứ? Nó đâu có mang lại được một điều gì hay hớm cho những chủ nhân của nó đâu, nó cũng không tạo ra được một thứ không khí nhộn nhịp như những kiểu ngày khác, thậm chí nó còn như một nhát roi quất vào lòng của những người như tôi lúc này. Cái ngày dành riêng này gần như chỉ mang lại sự phản cảm, là bởi hầu hết mọi người đều có thái độ tránh né, coi như đó chỉ là một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác. Không tránh né thì còn làm được gì, có ai đi chúc mừng nỗi bất hạnh của người khác bao giờ, trong sinh hoạt hàng ngày lỡ có điều sơ sẩy đụng chạm đến đã là một nỗi khó khăn lắm rồi, lại còn đi nhắc nhở vào một ngày để gây thêm sự tổn thương cho người nữa sao. Không, không thể. Tuyệt nhiên không ai có thể tỏ một chút động thái nào, cho dù với một thiện ý tốt đến mấy đi nữa. Vậy thì dành ra một ngày này để làm gì? Chỉ để cho những người trót không may phải mang trong mình một sự khiếm khuyết đáng buồn nào đó, lại cảm thấy mình đáng thương hơn.
Nỗi buồn cứ dâng mãi, ngút ngát cả tâm hồn, tôi chợt bật dậy, với lấy đôi nạng chống đi, đi vài bước tôi quay lại, xé luôn tờ lịch ấy, cứ để cho thời gian chạy nhanh hơn một chút cũng được. Khép lại cánh cửa, bỏ lại đằng sau ngôi nhà vắng lặng, như mọi ngày, những người trong nhà tôi đã tỏa ra các ngả đường từ sớm, chỉ còn tôi loay hoay với cái máy giặt, với các vật dụng bếp núc, với những trang báo và với những mẩu văn rời rạc của mình,những đoạn viết ấy chủ yếu chỉ để gói gém niềm tâm sự mà tôi không biết thổ lộ cùng ai, thi thoảng được in trên một trang báo, đó là niềm hạnh phúc rất lớn với tôi. Tôi đi dọc theo bờ hè, có một vài chỗ hè hẹp quá vì xe cộ dựng ngang dọc, vì những thứ hàng hóa người ta phải bày lấn ra, tôi phải bước xuống lòng đường, những chiếc xe ngược chiều vội vã lách qua. Thành phố vẫn đông đúc những sắc màu rộn rã, vẫn chật chội chất chứa trong lòng bao tất tả ngược xuôi. Trên những con đường như thế này thường rất hiếm những người như tôi, nghĩa là những người tự biết mình dễ bị mất an toàn khi tham gia vào một lưu lượng người xe như thế. Tôi cũng không ra khỏi nhà nhiều lần trong ngày làm gì. Chỉ thỉnh thoảng lóc cóc khua đôi nạng ra khu chợ cách nhà không xa mấy, mỗi khi phải mua thức ăn vì chị hoặc em tôi ngày đó vội đi sớm, hoặc mua một vài thứ gì đó cho riêng mình. Nhưng hôm nay, con đường tôi đi không dẫn tôi ra khu chợ ấy, mà nó đang trải dài lối đến vườn hoa thành phố. Thiên nhiên chắc sẽ giúp tôi thanh thản được lòng chăng? Quả là vậy. Bước chân vào vườn hoa, những xôn xao sắc lá màu hoa trong cảnh sắc hài hòa êm ả, tôi nghe lòng mình nhẹ hẳn đi, một làn gió thoảng qua làm tôi thêm dễ chịu. Chọn một chiếc ghế đá tôi ngồi xuống, ghép đôi nạng gỗ gọn qua một bên. Cái vật vô tri này đã theo tôi hơn hai mươi năm nay rồi, nó cũng tăng dần theo chiều cao của cơ thể, mặc dù bỏ nó ra tôi cũng nhẩn nha từng bước được, nhưng sẽ bị vấp ngã nhiều hơn , vì vậy tôi chỉ rời nó khi loanh quanh trong nhà, ra đường thì không thể thiếu nó được. Tự nhiên tôi vuốt nhẹ đôi nạng gỗ, như thay cho lời cảm ơn, và tôi bỗng mỉm cười một mình. Tâm trạng tôi đã khác lúc ngồi ở nhà rất nhiều, nếu không ra đây thế này, chắc tôi lại vùi mình trong những giọt nước mắt tủi thân mất. Nước mắt. Đã từ rất lâu tôi không để cho chúng tuỳ tiện chảy ra nữa, ntgười ta hay nói, khi có tâm trạng không tốt nếu khóc được chắc sẽ nhẹ lòng hơn, tôi thì không cho là thế, đành rằng cũng có đôi lúc thật, nhưng khi chảy nước mắt sao thấy mình yếu đuối quá, thậm chí là ươn hèn nữa. Khóc chẳng giải quyết được gì cả, chỉ làm mình thêm yếu lòng, thêm thấp bé đi thôi, mà với một người như tôi thì rất cần sự mạnh mẽ, cứng rắn, có khi là chai lỳ nữa, có thế thì tôi mới vượt qua được những lúc khó khăn trong lòng, càng khóc thì lại càng thấy nỗi đau của mình lớn thêm thôi. Nên nếu có những tình huống nào đó, e chừng mình sẽ bi luỵ, tôi luôn tìm cách thoát khỏi nó, và hầu như lần nào tôi cũng thành công, như lần này chẳng hạn. Đưa mắt nhìn quanh, tôi thở một hơi sâu, cảm giác trong buồng phổi mình có bao nhiêu ngõ ngách đều nở hết cả ra.
Anh mắt tôi chợt đậu lại một điểm, một khối hình dưới một tán cây, khối hình ấy có một kích thước ngắn hơn bình thường mà lẽ ra nó phải, và thay vào cái đoạn ngắn hơn ấy là một hình khung bằng sắt, cái hình khung này có thể di chuyển được nhờ hai cái bánh xe. Nói tóm lai là tôi nhìn thấy một người đàn ông trên chiếc xe lăn. Thật tệ hại khi cho ràng đó là một niềm vui. Nhưng rõ ràng trong tôi dội lên một thứ cảm xúc như vui vẻ, một thứ cảm xúc mang lại một sự gần gũi mơ hồ nào đó Kể ra thì không hề nghịch lý một chút nào, vì trong hoàn cảnh này, đó là một sự đồng cảm. Người xưa đã có một câu nói thế nào trong trường hợp này nhỉ? A, phải rồi “ Đồng bệnh tương lân “. Khi có cùng một sự rủi ro ngưòi ta cảm thấy gần nhau dễ hơn là có cùng một sự may mắn, chẳng hiểu sao lại lạ thế chứ. Nhưng lúc này thì rõ ràng đó là một minh chứng tuyệt đối. Tôi tuy có khiếm khuyết về thể hình, nhưng bản tính tôi lại khá tự nhiên và cởi mở, đây là nhận xét của khá nhiều người, và có lẽ đó là một thế mạnh hay còn gọi là một cứu cánh của tôi vậy. Vì nhờ nó mà đời sống tinh thần của tôi không đến nỗi nghèo nàn hay ủ dột. Hình như đó là sự công bằng của tạo hóa, khi lấy đi một thứ này thì sẽ bù đắp bằng một thứ khác, hẳn là như vậy, nếu không con người làm sao tồn tại nổi giữa cuộc đời nhiều nguy ngại này. Bây giờ thì bản tính của tôi lạimột lần nữa thúc giục hành động của tôi. Tôi chống nạng đi đến gần người ấy.
_ Chào anh ạ.
Giật mình và có lẽ còn giật mình hơn khi ngoảnh nhìn sang bên thấy một hình hài. Nửa ngạc nhiên và nửa thân thiện là ghi nhận đầu tiên của tôi trong mắt người ấy.
_ Vâng! Chào cô ạ.
_ Nếu anh không ngại, cho phép tôi mời anh đến băng ghế kia để trò chuyện một chút, được không ạ?
Một nụ cười vui vẻ:
_ Vâng vâng, thế thì còn gì bằng nữa ạ.
Có vẻ anh ta cùng có cùng tâm trạng như tôi trong cái ngày này thì phải. Và như thế thì lời đề nghị của tôi quá hợp tình hợp lý rồi. Anh bạn ấy lăn xe theo tôi đến chếc ghế băng đá, và cố xê đi dịch lại cho ngang tầm cái ghế ngồi. Tôi nhìn thoáng qua gương mặt người bạn đồng trạng, một gương mặt vuông vức, đầy đặn, đầy vẻ tự tin, vững chãi. Nếu có một cơ thể hoàn chỉnh, có lẽ đây là một người đàn ông rất uy phong, sẽ là một đối tượng thu hút không biết bao nhiêu là cái nhìn ngưỡng vọng của những người khác phái. Nhưng…lại cái chữ nhưng chết tiệt ấy. Oi trời, bỗng nhiên lại đổ tội cho chữ nghĩa, đúng là vớ vẩn. Tôi thoáng cười thầm cho những suy nghĩ lẩm cẩm của mình.
_ Công viên hôm nay vắng người nhỉ?
_ Ngày thường mà, ai cũng đang loay quay với công việc cả, có thời gian đâu mà ra đây giờ này.
_ Chắc chỉ có những người như chúng ta mới có thời gian vào lúc này thôi cô nhỉ.
Hai đôi môi cũng nhếch một nụ cười đồng nghĩa. Sau một vài câu hỏi han, chúng tôi đã biết một số thông tin về nhau. Tuy mỗi lý do dẫn đến bệnh trạng có khác nhau, nhưng tâm trạng thì không khác nhau là mấy. Tôi nói những suy nghĩ của mình về hàng chữ trên tờ lịch. Anh bạn khẽ lắc đầu:
_ Tôi lại không cho là thế. Tuy đúng là nó có nhất thời mang đến cho ta những phản cảm, nhưng vấn đề là ở chính ta chứ không phải ở xuất xứ của nó. Bởi chính ta còn mang nặng những tự ti mặc cảm, còn chưa bước qua được cái rào cản của chính lòng mình. Chứ nếu nhìn về mặttích cực của ý nghĩa thì nó lại biểu thị một điều khác. Đó là sự quan tâm, sự tiếp nhận của mọi người về sự tồn tại những người như chúng ta.
_ Anh không cho đó là một sự chiếu cố sao?
_ Về một góc hẹp nào đó thì có. Và cũng phải thừa nhận rằng, có một thành phần trong xã hội nhìn chúng ta bằng ánh mắt tội nghiệp, ban bố. Nghĩ gần, ta cho đó là sự xúc phạm, là làm tổn thương lòng tự trọng của mỗi chúng ta, nhưng nghĩ xa, ta không thể đòi hỏi họ một cái nhìn bình đẳng, và cũng không thể trách họ nếu họ có sự thương cảm nào đó, vấn đề là cách thể hiện thôi. Nếu ta hiểu họ, và ta hiểu ta thì không nên đặt nặng vấn đề làm gì, hãy coi đó là một sự thông thường trong cuộc sống. Nói cho cùng, không ai là người không khiếm khuyết cả, chỉ là nhìn thấy bằng mắt hay nhìn thấy bằng lương tri thôi.
_ Anh nói nghe sâu xa quá.
Một nụ cười nhẹ:
_ Tôi cũng đã từng đi qua những tâm trạng, cũng đã từng khổ tâm dằn vặt, sao mình không chết quách đi cho rồi, người như mình thì sống trên đời này làm chi cho chật đất, cho vướng bận mọi người. Thậm chí cũng đã có lúc tôi định tự tử vì một cú sốc nào đó. Nhưng rồi qua đi, tôi lại bình tĩnh nhìn lại mình và cuộc sống. Chúng ta là những người thiếu may mắn, không được tạo hóa ban cho sự công bằng về mặt hình thể,và chính xác là chúng ta phải chịu những thiệt thòi nhất định về tinh thần tình cảm và cả vật chất nữa. Nhưng chúng ta còn cả một tâm hồn và cả một trái tim, khối óc, hãy biết cách để không phải sống thừa. Cô thấy đấy, vẫn có những người khuyết tật làm nên những kỳ tích, không phải họ cố để chứng minh một cái gì đâu, chỉ là họ không thể tự vứt bỏ mình, bởi nếu chính mình vứt bỏ mình thì sẽ chẳng có ai cần mình nữa.
_ Nhưng dẫu sao cũng còn những hạn chế mà ta không thể phủ nhận, và khi nhìn vào những hạn chế ấy, làm sao tránh khỏi sự tủi thân hở anh?
_ Tôi có nhiều lúc rất buồn vì phải sống dựa vào sự cưu mang của người thân, cho dù hàng ngày tôi cũng làm một số công việc trong nhà, nhưng không trực tiếp làm ra tiền để có thể tự lo cho mình, nên cũng nghĩ ngợi lắm.
_ Đây là một vấn đề rất bức thiết của chúng ta, tuy xã hội cũng đã có những hướng tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật, nhưng con số đó còn quá ít. Số còn lại phải tự mưu sinh bằng mọi cách có thể, may mắn hơn một chút như cô còn có người thân giúp đõ, còn nhiều, nhiều lắm những người đang phải sống lây lất từng ngày kia. Nói gì thì nói, đa số những công sở, nhà máy vẫn không thể chấp nhận chúng ta, vì cái họ cần là hiệu suất công việc, so ra thì đương nhiên chúng ta không thể bằng người bình thường rồi, hơn nữa những nơi ấy đâu phải là nhà từ thiện cho dù ở mức độ nào đi nữa. Nếu chúng ta cứ để tâm đến những bất bình đẳng của xã hội, thì không thể nào có được sự bình yên cho mình cả.
_ Thế theo anh thì phải làm sao?
_ Hãy bằng lòng với những việc dù nhỏ nhặt mà mình đã làm được, đừng đòi hỏi mình nhiều quá, dễ dẫn đến một tâm trạng yểu nhược. Ví dụ như cô, cô nấu được một bữa ăn ngon, những người thân của cô vui thích thưởng thức, và có đầy đủ dinh dưỡng để làm được nhiều việc, để tránh được những bệnh tật, thế đã là tốt rồi, hoặc như cô nói, cô cũng thỉnh thoảng viết lách đôi chút, vây thì một bài thơ, một bài văn hay, gây được cho người đọc chút niềm vui, chút thư giãn đầu óc sau những công việc mệt mỏi, thế là hay rồi. Còn với tình cảm của mọi người, hãy mở lòng đón nhận, dù cách thể hiện của họ đôi khi không được tế nhị lắm, nhưng đừng quá tự ti mặc cảm mà phủ nhận, đó cũng là tự hắt hủi mình đấy.
Càng nói chuyện với con người này tôi càng cảm thấy bộ óc mình như nở ra, có những điều tôi cũng đã từng nghĩ đến, nhưng để diễn tả thành lời được thì không dễ, bất giác tôi kêu lên một tiếng thán phục:
_ Hôm nay thật là môt ngày đẹp trời để tôi được trò chuyện với anh thế này
_ Thật ra đây cũng là một dịp may cho tôi, vì không dễ tìm được một người có thể nghe và hiểu được mình muốn nói gì.
_ Vâng. Đúng thế đấy anh ạ. Trong cuộc sống mình có thể gặp rất nhiều người, nhưng với một số thì chỉ có thể bâng quơ hay đùa cợt dăm câu rồi qua chuyện, còn để nói được những chuyện thuộc tư duy thì không nhiều lắm.
_ Đối với loại chuyện mang tính tâm cảm đặc trưng như chúng ta lại càng khó. Bởi với những người bình thường, họ không thể hiểu hết được tâm can của ta, mà ta thì vì lòng tự trọng cũng không dễ thổ lộ với họ.
_ Như vậy nhất thiết chúng ta phải tìm đến nhau để có thể giải tỏa những gút mắc trong lòng phải không ạ?
_ Được thế thì quá tốt.
_ Thế thì số điện thoại của tôi đây, còn anh?
_ Tốt quá, tôi không có điện thọai, nhưng không sao, tôi vẫn có thể liên hệ với cô mà.
Ông mặt trời đã lên khá cao, ánh nắng đã có phần gay gắt, tôi nhớ đến công việc của mình.
_ Chắc tôi phải chào tạm biệt anh rồi.
_ Vâng, cô có việc thì cứ về trước, tôi sẽ tiếp tục công việc của tôi đây.Chúng ta sẽ còn nhiều dịp để trò huyện với nhau mà.
Nói rồi anh chìa ra một tập vé số nãy giờ nằm nép một bên, tôi ái ngại:
_ Ôi chết, vì tôi mà …
_ Cô không phải nghĩ ngợi, đây là việc hàng ngày, còn buổi nói chuyện của chúng ta nó có một giá trị riêng chứ, đâu thể so sánh nhau được.
Tôi mỉm cười chợt nghĩ và nói:
_- Anh nghĩ sao nếu cuộc nói chuyện của chúng ta sẽ một ngày xuất hiện trên một trang báo nào đấy?
_ Thế thì quá tốt, biết đâu cũng có những người bạn như chúng ta đây gặp được một sự đồng cảm dễ chịu này.
_ Tôi chợt nảy ra một ý, nếu ta thành lập được một Câu lạc bộ cho những người khuyết tật thì hay biết mấy anh nhỉ?
_ Một ý kiến tuyệt đấy, nhưng mà hơi to tát, mà không chừng, biết đâu đấy…
_ Ồ, bỗng nhiên tôi có một hứng thú ghê gớm cho việc này, ta sẽ bàn với nhau sau nhé. Giờ thì chúc anh gặp may với những người khách dễ tính.
_ Dễ tính thôi chưa đủ, họ còn phải có một khao khát nữa cơ.
_ Khao khát một món lợi dễ kiếm thì hầu như ai cũng có, nhưng đặt niềm khao khát vào sự may rủi thì không nhiều đâu anh ạ.
_ Tất nhiên , nếu không tôi đã trở thành một nhà tỷ phú nhờ kinh doanh vé số mất rồi.
Những tiếng cười vui vẻ, sảng khoái luôn đem lại cho những gương mặt người một vẻ rạng rỡ yêu đời, chúng tôi chào từ biệt nhau trong tiếng cười thanh thỏa ấy. Vừa quay lưng trở bước, tôi nghe anh bạn gọi:
_ Này, nếu có nhuận bút thì phải nhớ chia cho tôi một nửa đấy nhé.
_ Anh yên tâm, hai phần ba cũng được mà.
Đôi nạng lại đưa tôi về phía khu chợ, hôm nay tôi mua một số thực phẩm ngon về chế biến, tôi thường rất vui khi những món ăn của mình được mọi người yêu thích và sử dụng hết với vẻ còn thòm thèm, hôm nay chắc chắn niềm vui ấy trong tôi sẽ tăng lên gấp nhiều lần.