Ngày ấy tôi mười chín tuổi, cái tuổi mười chín, hai mươi của chúng tôi là vào những năm đầu thập kỷ 80. Không được khôn ngoan lanh lợi, không được một tầm tri thức như các bạn trẻ ngày nay. Chúng tôi ngày ấy còn ngờ nghệch lắm. Đôi khi cứ tưởng là mình đã hiểu biết sâu xa , nhưng có rất nhiều hành động mà bây giờ nhìn lại mới thấy ngây ngô đến tội nghiệp.
Tôi ngày ấy là một con bé không xinh xắn mà cũng không xấu xí. Chưa biết gì ngoài cây chổi, que diêm. Lại chân tay đểnh đoảng, làm đâu hư đó, nói trước quên sau. Cũng chẳng sáng soi gương, trưa chải tóc, lại hay ăn cốc vì cái tội ưa đọc truyện Kim Đồng để cơm thành bánh khảo. Bị câu mắng, lời đe, dăm bảy nhát que vào thịt là chuyện thường ngày. Có ấm ức thì tấm tức khóc một lúc rồi lại đâu vào đó Vậy mà cũng đến lúc nỗi ấm ức vượt ra ngòai sự kềm tỏa của những giọt nước mắt, để bật ra một ý định bất thường.
Hôm ấy tôi bị đòn oan, mà nguyên do thì rất là vặt vãnh. Nhưng là vặt vãnh với bây giờ thôi, chứ ngày ấy thì không vặt một chút nào. Có lẽ phải kể qua một chút về bối cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ để các bạn dễ hình dung ra một giai đọan của cuộc sống. Cũng như đa số những người dân sau ngày giải phóng, đời sống vật chất rất nhiều hạn chế. Lại cha tôi sớm qua đời sau ngày hòa bình không lâu. Gánh nặng gia đình dồn cả lên vai mẹ tôi. Một đàn con còn ngờ nghệch non dại, giữa chật vật miếng sống hàng ngày, mẹ tôi không khỏi những lo âu bươn trải, rồi đôi khi vì phải lo toan nhiều quá, cộng với những va đập của những bon chen giành giật hàng ngày, mẹ tôi cũng trở nên nóng tính. Con cái có những lúc là nơi để trút cơn giận dữ không phải là chuyện lạ. Nhất là với cái tính đểnh đỏang của tôi thì chẳng khác gì cơm ngày hai bữa, có khi còn dăm bữa phụ nữa ấy chứ. Nhưng hôm ấy là một sự việc căng thăng hơn mức bình thường. Nhà tôi ở ngay trong một khu chợ, rất thuận lợi cho việc mua bán, mẹ tôi thuộc típ phụ nữ tháo vát, nên nói cho ngay, đời sống của anh chị em tôi cũng không đến nỗi quá đói khổ. Vốn tính tham việc, luôn tận dụng những điều kiện có thể để tăng thu nhập, thấy những thứ thức ăn thừa thãi từ các sạp bán hàng thải ra mỗi ngày, mẹ tôi nuôi thêm một bầy gà. Phải nói là nhìn phát mê những cái diều no căng mỗi chiều chúng lục tục trở về chuồng. Vưâ vui vừa có thêm dăm ba quả trứng bồi bổ, con cái thi thỏang được bữa thịt gà hỉ hả thì ai mà không thích không ham chứ. Nhưng nghiệt nỗi lại ngay giữa chợ, cái hay là không phải cho ăn một tí gì mà những chú gà cứ nần nẫn béo mẫm ra, nhưng cái dở là thi thỏang lại thiếu đi một con lúc chiều về. Mỗi lần mất gà là chị em tôi đến khổ, cứ nhớn nhác khắp đầu chợ đến cuối chợ dõi căng mắt ra mà tìm. Có hôm may mắn tìm được thì chao ôi là sung sướng, quanh mâm cơm hôm ấy là những nụ cười, còn không thì…nhưng rồi cũng qua đi. Hôm ấy khác hơn một chút là ngòai chuyện mất con gà, lại là một con gà mái to đang đẻ, tôi còn bị cộng thêm một vài tội vặt gì nưã đấy, nếu không có chuyện mất gà, chắc những sơ sảy ấy cũng chẳng là gì. Ngặt nõi, khi cơn nóng của mẹ tôi nổi lên rồi thì tổng hợp những cái hỏng thành một trận lôi đình . Một trận dòn đau chưa đủ mẹ tôi hả giận, cho dù chăng phải chính tay tôi làm ra sự mất mát ấy, nhưng rõ ràng như thể tôi là một thủ phạm chính trong mọi sự. Nếu chỉ là một trận đòn lúc buổi tối thôi thì chắc tôi cũng chưa đến nỗi. Ai dè, một đêm không ngủ được vì tức, vì tiếc, sáng ra mẹ tôi lại trút giận thêm một trận nữa. Quá đau và cũng quá uất ức, nên khi mẹ tôi đẩy tôi ra khỏi nhà với một câu dằn ‘ Không tìm được con gà thì đừng vác mặt về nhá, tao đánh cho què thì thôi ‘ . Vừa sợ vừa ức, tôi cứ đi, đi mãi. Và rồi tôi bỗng nghĩ đến một điều …
Chiếc xe lam phì phạch đưa tôi đi qua một đỗi đường dài đến hai mươi cây số
, hai bàn chân tôi mỏi nhừ vì cứ phải co lên tránh luồng hơi lạnh ngăt tỏa từ những cây nước đá xếp giữa lòng xe. Bây giờ mà chủ xe nào có lối tận dụng như thế chắc sẽ khó mà tồn tại trên những tuyến đường, ngày đó thì hành khách cứ thin thít mà chịu đựng. Duỗi và co bóp mãi hai chân tôi mới bắt đầu những bước đi.Từ nơi xe lam dừng để trả khách đến nơi tôi muốn đến còn phải hơn tám cây số đường đất nữa. Bây giờ các du khách đến tham quan du lịch Thác Drây Sáp thì thong dong một lèo thẳng thớm trên con đường trải nhựa láng e đến tận cổng thác. Còn ngày đó, con đường dài bụi mù đất đỏ, qua hết được con đường chẳng khác nào người của một bộ tộc hẻo lánh xa xưa. Trước đó tôi đã một lần đi qua, đi du lịch hẳn hoi nhé. Nhưng các bạn biết chúng tôi đi du lịch bằng gì không ? Một chiếc xe cần cẩu, một lọai xe chỉ chuyên đi lấy cây trong rừng , ngày nay thì khó mà nhìn thấy trong thành phố.Không muốn tin cũng phải tin, chiếc xe đánh vật qua con đường không bằng phẳng ấy không biết bao lần trồi sụt, dằn lắc, và hành khách trên xe, khỏang mấy chục mạng đều chơi : vé đứng . Cũng nhờ có lần đi chơi đó mà tôi biết được nơi ấy, và dự định kế họach cho một lời vĩnh biêt thật êm thấm và lãng mạn. Ngây ngô là ở chỗ đó, trẻ con là ở chỗ đó. Nhưng cái sự êm thấm và lãng mạn ấy trước hết là buộc tôi phải nuốt trọn quãng đường hơn tám cây số ấy chỉ với đôi chân mảnh mai của mình. Nếu trươc đó có ai bảo tôi phải trải qua quãng đường ấy thế nào, chắc có lẽ tôi đã không đủ dũng cảm mà đi như thế. Không như bây giờ, xe cộ qua lại vù vù, để còn có cơ hội xin quá giang. Suốt một con đường vắng ngắt, chỉ có nắng và bụi. Họa hoằn lắm mới có người dân tộc mang gùi, cũng cắm cúi với đôi bàn chân. Hầu như không có nhà cửa dân cư gì, chỉ tòan có cây cao, núi lơ lỡ, đồi thoai thỏai. Tiếng chim, tiếng những lòai động vật lạ lẫm thi thỏang xua bớt cái vắng lặng của một vùng rừng heo hút. Nhưng tất cả những thứ ấy lại chẳng gây cho tôi chút cảm giác sợ hãi nào. thì đã quyết đi chết còn gì để sợ nữa. Thế rồi đôi chân đã bắt đầu phản kháng, chúng chậm dần, rồi nhích nhắc nhích nhắc lê từng bước một. Bụng đã đói, mắt đã tóa đom đóm Lưng vai, xương cốt chỉ chực vỡ vụn. Mỗi khi đứng lại nghỉ lại cảm thấy mình như muốn ngã quỵ xuống, tôi biết, nếu chỉ một lần quị ngã thì chắc tôi sẽ không thể nào đi tiếp được hết con đường. Hình ảnh dòng thác hùng vĩ tung bọt nước trắng xóa, mát rượi lại như vẫy gọi. Tôi lại ráng động viên mình, cứ gắng thêm ít nữa đi, rồi sẽ phải đến nơi thôi. Thế mà rồi tôi đến được thật. Khi nhìn thấy những vuông đá làm bậc đi xuống, tôi thở ra một hơi dài nhẹ nhõm, tiếng nước đổ ầm ù phía xa trong làm tôi phấn chấn lên. Vào được đến khu vực thác chính, tôi ngã người lên một phiến đá to, cảm giác gân cốt rã rời một cách thỏai mái làm sao. Lúc đó trong tôi như không còn nỗi buồn nặng trĩu như lúc bước chân ra khỏi nhà, nhưng ý định trở về thì tuyệt nhiên không. Nằm một lúc cơn mệt đã nguôi đi thì cơn đói lại đến. đói thì lại nghĩ lại buồn lại tủi thân và khóc. Khóc chán, tôi lơ mơ thiếp vào giấc ngủ. Bên tiếng thác ầm ào, những bụi nước li ti như một làn sương bắn vào da măt, tạo một cảm giác te tê và mát rượi. Tôi chợt tỉnh khi nghe có tiếng người, mở mắt ra thi thấy có hai thanh niên ôm một bó củi khô đang cách chỗ tôi một đọan. Tôi ngồi vụt dậy, đưa mắt nhìn quanh, cái phản xạ tự nhiên của giới tính muốn tìm một cái gì đó để có thể chở che, nương náu. Hai người thanh niên kia như đóan biết được tâm trạng tôi, họ không đi ngang con đường mòn sát chỗ tôi ngồi, mà đi vòng qua những tảng đá phía bên kia. Nhưng dù sao thì cũng không bỏ lỡ một tình huống.
_ Gì mà buồn thế bé ơi ! Đi kiếm củi với tụi anh cho vui đi.
Tôi im lặng, quay mặt nhìn ra dòng thác. Vài tiếng cười khe khẽ cùng mấy tiếng nói nho nhỏ rồi im vắng. Một lúc nhìn lại thì không thấy ai nữa. Tôi thở ra, giấc ngủ đã giúp tôi khỏe lại phần nào. Lần qua những tảng đá, tôi xuống đến mép nước, vốc vã lên mặt, thấy thật sảng khóai dễ chịu. Bây giờ tôi mới nghĩ đến tình cảnh và ý định của mình. Chẵc chẵn tôi không thể nào thực hiện nó được với một vị trí có người qua lại thế này. Mông lung nhìn ra mặt nước, tôi vội lắc đầu khi nghĩ đến cảnh tượng một cái xác trương sình sẽ gây sự hỏang sợ cho ai đó, lại nữa, chết như thế thì không đẹp tí nào cả. Đúng là đồ con gái mà, đến chết mà cũng sợ xấu nữa. Tôi nghĩ đến một phương cách êm ả và dễ chịu hơn. Chỉ cần tìm một chỗ nào đó yên tĩnh, khuất nẻo không ai có thể phát hiện, và tôi sẽ nằm yên đó cho tới lúc nào lịm dần đi thì thôi. Tự cho là mình thông minh khi tìm ra được một cách hay như thế.( Bây giờ nghĩ lại, tôi mới nhận ra là mình bị ảnh hưởng từ những trang tiểu thuyết dở hơi hồi ấy, chứ chỉ một mình tôi chắc không thể nào có cái ý tưởng lạ lùng như thế. Thế mới biết, những người cầm bút phải biết có trách nhiệm đến thế nào với những gì mình viết ra, bởi với một nội dung không lành mạnh, rất nhiều khi gây nên những hậu họa khôn lường cho nhiều người khác, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên chưa có đủ độ chín chắn trong nhận thức.) Tôi nhìn quanh để tìm một chỗ phù hợp. Suốt dọc theo mép nứơc chỉ tòan là đá, lẫn giữa những khe đá là những cây rừng cao thấp, có vẻ không dễ gì tìm được một chỗ như tôi muốn. Một thóang nghĩ về nhà, gương mặt mẹ tôi lúc giận dữ lại hiện ra rõ rệt. Tôi nhắm mắt xua đi, tôi nghĩ, mọi người rồi cũng sẽ mau chóng quên đi thôi, vắng đi một người như tôi trong nhà có khi lại bớt những cảnh ồn ĩ vì la mắng, roi vọt. Chị em tôi cũng bớt đi những lúc ghen tị hoặc tranh giành nhau những vặt vãnh gì đó. Nghĩ thế,nên lòng tôi hầu như không một chút vướng mắc, hối hận hay sợ sệt nào. Tôi đứng dậy, men theo rìa đá, chắc sẽ phải có một chỗ nào đó chứ nhỉ, bao la thế này cơ mà. Chợt tôi giật bắn mình :
_ Cô bé ơi !
Ngỏanh lại thì ra hai người thanh niên lúc nãy. Bối rối, tôi chưa biết phải nói gì thì tiếng nói kia lại vang lên :
_ Trời chiều rồi, cô bé ở đâu thì về đi, kẻo chậm nữa sẽ không có xe về đâu.
_ À… tôi còn phải chờ mấy bạn tôi nữa.
_ Nãy tôi đâu thấy có ai đi cùng cô bé đâu.
_ Có mà…
Nói rồi, tôi vờ chụm tay làm loa gọi ầm lên vài cái tên nào đó, vừa gọi tôi vừa tìm đường chạy trốn, biết ý đồ của tôi, hai người thanh niên kia lập tức bám theo
Tôi cảm thấy lo sợ trong lòng, không hiểu những người kia thuộc hạng người nào, tình thế này chắc là khó mà thóat được sự truy đuổi của họ rồi. Nếu không thóat thì phải làm sao đây ? Lần đầu tiên trong đời tôi rơi vào một tình huống khó khăn như thế . Từ trước đến giờ có bao giờ tôi đi xa một mình thế này đâu. Hai người kia vừa chạy đuổi theo vừa nhắc chừng :
_ Đừng sợ, cô bé ơi ! Chúng tôi không làm gì cô bé đâu, cẩn thận khéo ngã đấy …
Hình như họ không phải là người xấu, nhưng không thể tin vào một chút biểu hiện ấy, tốt nhất là cứ phải thóat được cái đã. Tôi gặp may khi lòn qua một tảng đá lớn, hụp đầu xuống để tránh tầm mắt của hai người kia, và họ mất bóng tôi thật. Tôi nghe tiếng họ bảo nhau :
_ Trông thế mà cũng nhanh chân gớm nhỉ.
_ Không chạy xa được đâu, chắc chỉ trốn dưới mấy gờ đá kia thôi. Ta cứ tìm tiếp đi.
Có nghĩa tôi chưa thể an tòan, tôi vẫn luồn lỏi dưới những khe đá, bất chợt tôi nhìn thấy một lỗ hổng to dưới một gốc cây, mừng qua tôi chui tọt vào, trong đầu không có chút đề phòng gì những con vật nguy hại như rắn rết đang chực chờ trong cái hốc cây ấy. Càng mừng hơn khi tôi nhìn thấy rõ những gộp đá như có tay ngưới sắp xếp thành một cái giường đá vậy. Tôi ngồi ngay lên, rất vừa với vóc người của tôi. Tôi lóng tai nghe ngóng phía ngòai một lúc, không có động tịnh gì, đúng là hai người kia đã mất dấu tôi. Yên tâm, tôi nhìn lại chỗ mình ngồi một lần nữa, đúng là quá lý tưởng so với yêu cầu của tôi, chắc ông trời đã giúp tôi đây mà. Thật buồn cười, đang muốn chết, được một nơi như mong đợi lại mừng, lại bảo được trời giúp. Từ chỗ tôi ngồi nhìn thẳng ra mặt chính của dòng thác, vừa yên ổn vừa lãng mạn, thật không chê vào đâu được. thế này thì chắc cũng khó có ai mà tìm ra được, nhưng để cho yên tâm hơn, tôi lò dò ra ngòai bẻ một số cành lá dựng ngụy trang trước của. Ở xa nhìn tới chăc chăn không thể nào nghĩ được là trong đây có người. Xong xuôi, tôi ngả lưng lên cái giường đá, thấy sao mà khỏe khoắn, dễ chịu thế không biết. Nằm quay mặt ra ngòai, tôi nhìn dòng thác cứ tuôn đổ hết ngày này qua tháng khác mà không hết nước. Không biết nước ở đâu ra mà lắm thế nhỉ ? Nhìn ngắm một lúc tôi nghĩ về gia đình, giờ này không biết mọi người ở nhà đã phát hiên ra sự vắng mặt của tôi là đã quá lâu rồi chưa nhỉ ? Đã có phán đóan gì chưa ? Có lẽ cùng lắm là nghĩ tôi đến nhà người bạn nào đấy thôi, dám chắc một trăm phần trăm là không thể nào nghĩ ra được là tôi đi gửi thân ở chốn này đâu. Trong thâm tâm tôi thầm xin lỗi mẹ, mẹ đã khổ nhiều vì lo lắng cho chúng tôi, mà tôi lại hay làm mẹ phải buồn bực, từ nay thì không còn đứa con gái vụng về, đểnh đỏang này làm mẹ phải cáu giận nữa mẹ nhé. Con tự nguyên rời xa cuộc sống này, mong sao những người còn lại sẽ có những tháng ngày vui vẻ hơn. Tôi đinh ninh là thế. Bởi nếu đã không yêu không thích thì tốt nhất là đừng phải trông thấy hàng ngày, tôi nghĩ đến cả những lần cãi cọ của mấy chị em tôi. Chi em gái, lại sàn sàn với nhau, thường không chịu nhường nhau những chuyện nhỏ nhặt. Đây là một cách tốt nhất để giải quyết tất cả những bất hòa dai dẳng và khó chịu ấy. Có lẽ các bạn đang rất chê cười tôi, nhưng quả thật lúc ấy tôi chỉ nghĩ được có thế. Và chính ý nghĩ mình đang đem lại sự giải thóat cho mọi người đã làm tôi không thấy có tư tưởng sợ chết. Hình như đôi khi trong sự ngây ngô và cao cả có nét tương hợp nhau .Tôi thiếp đi trong lan man nghĩ ngợi, trong cơn đói âm ỉ của dạ dày, cùng những giọt nước hoen ra từ đôi mắt. Một thóang nghĩ mình đang lịm dần đi rồi đấy, và tôi không biết gì nữa.
Một lần nữa tôi giật thót tim và chòang tỉnh khi :
_ Hồi chiều tụi em đuổi đến đây thì mất dấu.
_ A..tao biết rồi, ở gần đây có một cái hang nhỏ.
Vừa kịp biết nơi mình ẩn nấp sẽ không còn an tòan, thì một bàn tay đã xô vẹt đám cây lá ngụy trang một cách vụng về, và hiện ra dưới thứ ánh sáng nhờ nhờ của màu trời sâm sẩm tối là một gương mặt, một dáng người đàn ông cao lớn. Tôi gần như đông cứng trong một tư thế. Giọng người đàn ông có vẻ reo vui :
_ Đây rồi !
Lan ra một vài tiếng kêu mừng rỡ phía sau. Người đàn ông ấy cất giọng nhẹ nhàng, chủ yếu để trấn tĩnh tôi :
_ Chào cô bé. Cô bé đừng sợ, tụi anh không có ác ý gì đâu, chỉ là muốn đưa cô bé lên nghỉ ngơi trên trạm canh của tụi anh thôi.
Tôi đã hơi bình tĩnh, đáp lại với giọng bướng bỉnh :
_ Dạ thôi, em ở đây cũng được rồi.
_ Không được. Ở đây rất nguy hiểm vào ban đêm, vì có cả thú dữ lẫn người xấu. Anh không thể để cô bé ở lại một nơi như thế này được. Ngoan nào, nghe lời anh đi.
Tôi im lặng, trong lòng rối rắm, không biết mình nên làm gì nữa. Người ấy lại tiếp tục với giọng nói như dỗ dành, như động viên, và như bắt buộc:
_ Anh biết cô bé có chuyện gì đó không vui. Nhưng không sao, chuyện gì rồi cũng qua đi thôi mà. Với một tình người đơn thuần, và một trách nhiệm nhất định, anh không thể để cô bé có những hành động dại dột được. Nghe lời anh, ra đi nào. Ra rồi lên trạm ăn cơm , chắc là bé đói lắm rồi phải không?
Một lần nữa tôi cố dùng dằng:
_ Không sao đâu. Em ở đây cũng tốt mà.
_ Anh biết cô bé lo sợ điều gì rồi. Yên tâm đi, anh lấy danh dự một sĩ quan biên phòng mà bảo đảm mọi sự an tòan cho cô bé. Tụi anh là một đơn vị đóng quân nơi đây, có trách nhiêm an ninh cho mọi người. Cô bé yên tâm rồi chứ?
Thấp thóang ngòai cửa hang, là một bóng người nữa. Tôi lại im lặng. Trong tôi không có sự quyết định, nửa muốn đi ra theo lời gọi kia, nửa muốn lì lợm cố thủ trong cái hang này, mà nửa sau thì rõ ràng khó mà thực hiện được. Đúng thế. Dường như hơi sốt ruột vì thái độ của tôi, giọng người kia hơi đổi sắc một chút, nhưng vẫn cố dịu dàng:
_ Nếu cô bé không tự nguyện bước ra, thì buộc lòng tụi anh phải giúp cô bé thôi.
Một sự bắt buộc và đe dọa thật sự. Một giọng nói khác cất lên :
_ Anh cứ để cô bé sẽ tự ra mà, trông cũng có vẻ hiền lành dễ thương đấy, không cứng đầu khó bảo đâu.
Bây giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu rõ ngụ ý của câu nói ấy là gì. Còn lúc đó, nửa biết mình không thể lì được nữa, nửa như được cho uống thìa nước đường, tôi ngần ngừ một chút rồi ngoan ngõan chui ra. Anh mắt tôi thóang lia ra mặt nước, lập tức người thứ hai kia nhảy chắn trước tôi. Người lúc đầu vẻ hài lòng với kết qủa liền nói :
_ Thôi anh em ta đi nào, trời tối rồi.
Có ánh đèn bin lấp lóa soi đường, bấy giờ tôi mới nhìn thấy có hai người phía trước nữa, tôi biết đó là hai thanh niên lúc chiều đuổi theo tôi. Dòng người nối hàng nhau, đi sau tôi là người đã nhảy chắn mặt nước và cũng là người góp phần sau cùng lôi tôi ra khỏi cái hang ấy. Con đường đá lô xô, khúc khủyu, ban ngày còn khó khăn đặt những bưỡc chân, huống chi, vừa tối trời, lại vừa mệt vừa đói, những bước chân tôi chập chỗm, đã mấy lần bị vấp té. Bất chợt giọng nói phía sau tôi cất lên :
_ Phải vậy thôi, không còn cách nào khác, xin lỗi bé nhé.
Dứt câu thì cả người tôi nhẹ hẫng theo đà nâng của đôi tay mạnh mẽ, tôi cũng không phản kháng, là bởi hiểu rằng việc phải thế, và cũng có một cảm giác yên tâm, tin tưởng vào những con người này. Một dự cảm đúng giúp tôi thấy nhẹ lòng. Đi một đọan, người đang bế tôi mỏi tay nên chuyền cho người đi phía trước. Tất cả đểu im lặng với những bước chân. Lên gần đến những bậc thang đá. Tôi được nhẹ nhàng thả xuống bên một vũng nước trong vắt, ánh đèn bin soi thấy rõ mấy chú cá nho nhỏ đang dạo bơi.
_ Bé hãy rửa mặt và chân tay đi.
Tôi nghe lời ngồi xuống khóat nưởc rửa mặt. Trông tôi lúc ấy chắc nhếch nhác lắm thì phải. Nước mát cộng thêm những bậc đá bây giờ đã khá bằng, nên tôi đi lên có vẻ vững vàng hơn. Vừa nhô mặt lên đến bậc thang trên cùng, tôi bất ngờ vì những tiếng reo vui gần như cùng một lúc.
_ Có rồi…tìm thấy rồi …may quá…
Một xúc cảm kỳ lạ dâng ngập lòng tôi, sự xúc động của một thứ tình người ấm áp, cộng thêm một cảm giác là mình có lỗi khi đã gieo sự lo âu cho những người xa lạ kia. Họ không có chút gì liên quan đến bản thân tôi, mà họ lại hết sức vui mừng khi thấy tôi được bình an trở về. Vậy mà tôi …Bước lên cái lán đang tù mù những ngọn đèn dầu, tôi lại càng hối hận hơn khi nhìn thấy những mâm cơm lạnh tanh xếp chỏng chơ giữa một cái bàn dài. Những cái nhìn vừa vui mừng vừa tò mò khiến tôi ngượng ngùng cúi đầu. Bấy giờ tôi nhận rõ nơi mình đã đến, một trạm canh của những người lính biên phòng. Trong trí óc của tôi, khái niệm về những người lính còn xa lạ và có một chút gì như là đáng sợ vậy. Người đã khuyên dụ tôi lúc còn ở dưới cái hang, mà tôi chắc anh là người có cấp bậc cao nhất ở đây, khi nghe những chú lính gọi là thủ trưởng, vừa cười vừa nói :
_ Thôi, đi ăn cơm đi, cô bé đói lắm rồi đó.
Mệnh lệnh được tuân thủ một cách nhanh chóng, tôi được xếp ngồi phía đầu bàn, những miếng thịt, miếng rau được gắp vào bát tôi kèm theo lời giục giã, sự săn sóc tận tình của những người đã khổ vì tôi khiến tôi muốn khóc, phải lén quay đi chùi giọt nước mắt. Cơm xong, một nồi chè ngũ cốc còn bốc khói được bê ra. Một người nói vui :
_ Bữa nay linh tính có khách quý nên nấu chè đãi khách đấy ạ. Mời quý khách xơi nhiệt tình cho.
Những tiếng cười rộ lên, tôi cũng cười và hướng về mọi người một ánh nhìn biết ơn. Lúc này tâm trạng tôi đã hòan tòan nhẹ nhõm. Tôi chợt thóang nghĩ, nếu không tìm được tôi, chắc tất cả những người này sẽ không có một bầu không khí vui như thế, vì một niềm thương cảm, vì một nỗi ray rút đè nặng. Ngòai trời không một thứ phát sáng mỏng manh nào hòng làm giảm bớt sự hòai nghi và bất trắc trong màn đêm đen kịt kia.
Khi các thứ bát đũa được dọn đi. Anh Thuộc ( thủ trưởng ) lấy từ trong cái ba lô ra một túi bánh ít, nói :
_ Hôm nay ai đi phố rồi thì không ăn bánh nữa nhé.
Tôi hiểu đó là một thứ quà không thường xuyên với nơi này. Khi anh Thuộc đặt một cái trước mặt tôi và bảo :
_ Ăn đi em.
Tôi từ chối:
_ Em cũng ở phố vô mà.
Đó là câu nói đầu tiên từ lúc tôi bước chân lên căn lán này, làm bật ra những tiếng cười.
_ Cũng hóm hỉnh ghê đó chứ.
Câu thúc giục của anh Bằng, là người đã bế tôi lên lúc trước:
_ An đi cô bé, hay chê quà nghèo của lính?
Tôi lí nhí “ dạ đâu có: rồi bóc chiếc bánh ra ăn. Xong xuôi anh Thuộc mới rủ rỉ hỏi tôi nguyên do. Tôi kể cho anh nghe câu chuyện là vậy, nhưng anh không tin, cứ gặng tôi mãi:
_ Em nói thật đi, có phải cậu nào đó đã lừa phỉnh gì em không? Hãy coi anh như một ngừoi anh trai của em, nếu đúng là có ai đo làm điều xấu vói em, cứ nói cho anh biết, anh sẽ cho họ một bài học.
_ Dạ không, em nói thật mà.
Nhưng dù sao thì anh vẫn không tin, có ai tin được chỉ vì một trận đánh mắng của mẹ mà lại có hành động dại dột như tôi đâu. Anh Thuộc giảng giải cho tôi những đúng sai trong sự việc, giọng anh nhẹ nhàng trầm ấm, đầy vẻ bao dung và thân thiết, đã cho tôi thấy được lỗi lầm của mình. Súyt nữa thì tôi đã gieo đau khổ cho bao người. Oi là cái con bé tôi, một con bé quá ngốc nghếch khờ khạo. Đêm đó đã có một anh lính phải đi ngủ ké để nhường nguyên một bộ chăn màn cho tôi. Một bộ chăn màn khác thì cách tôi độ 2m, dành cho anh Sáng. Anh rủ rỉ hỏi tôi đủ thứ chuyện, rồi khi anh tin lý do tôi bỏ nhà đi là thật thì anh hỏi:
_ Em có biết em đang gây ra một chuyện gì cho gia đình không? Và em có biết mọi người trong nhà bây giờ đang lo lắng cho em những gì không?
Hỏi nhưng không đợi tôi trả lời, anh tiếp luôn:
_ Cha mẹ nào cũng có những lúc nóng giận với con cái, cũng có những lúc la mắng oan con cái, cũng chỉ vì muốn con mình được nên người. Nếu con cái nào cũng hành động như em thì thế giới này còn đâu con người nữa.
Cũng như anh Thuộc, anh Sáng giảng giải và bảo ban tôi một số điều, trong tôi dậy lên một sự ấm áp của một đứa em nhỏ dại khờ được sự yêu thương bảo bọc của người anh trai, đồng thời cũng ngập tràn lòng tôi nỗi nhớ nhà.
Sáng hôm sau thức dậy, sau bữa cơm sáng, anh Thuộc hỏi:
_ Em đã muốn về chưa? Chưa thì anh dẫn đi chơi, phía trên kia còn mấy cái hang đẹp hơn cái hang em ngồi hôm qua nhiều.
Tôi nghĩ đến sự lo lắng, nháo nhác trong gia đình tôi, nhất là khi con gái một mình qua đêm ở ngòai, dù cũng còn đôi chút sợ sệt mẹ, nhưng tôi biết tôi không thể chậm trễ hơn được nũa. Đêm qua sau khi hận rõ sự sai trái của việc mình làm, tôi đã chỉ muốn lập tức quay về. Thấy tôi tỏ ý muốn về, anh Thuộc gật gù:
_ Đúng, em muốn về là đúng. Thôi để anh cho người đưa em về, hồi nào có dịp trở lại đây thì anh sẽ dẫn đi chơi nhé.
Đưa tôi trở về là một anh lính trrẻ có tên là Lân. cũng một chặng đường dài hơn tám cây số tôi đã qua, nhưng lần trở ra này thì khác. Anh Lân đem theo trong ba lô một chai nước và một gói cơm nếp, dọc đường lại rất để ý chăm sóc tôi, nên tôi không hề cảm thấy cái mệt như hôm qua một chút nào. Về đến tận bến xe lam trong lòng phố, tôi chào tạm biệt anh Lân. Người lính nhận nhiệm vụ đặc biệt này còn chưa yên tâm một khi chưa tận mắt thấy tôi bước vào nhà, tôi phải hứa mãi anh mới chịu đi. Nhưng hình như chỉ đến khi tôi thực sự bước chân vào cửa nhà mình, thì người mang trách nhiệm mới nhẹ lòng quay đi. .
Vùa giận vừa mừng, đó là gương mặt và ánh mắt của mẹ tôi, tôi chỉ phải nghe thêm vài câu mắng qua loa, thế rồi câu chuyện trôi qua. Về sau tôi có vài dịp trở lại nơi ấy, nhưng khu trạm canh ấy đã không còn, có lẽ các anh đã phải chuyển đi nơi khác, khi khu thắng cảnh được người ta đưa vào khai thác quy mô hơn. Lần gần đây nhất, tôi thấy cái cây to có cái hang trong lòng gốc ấy đã bị đổ, cái gốc chĩa lên còn nguyên một dáng vòm. Hơn hai mươi năm còn gì. Tôi bây giờ nhìn tôi ngày đó mà bật cười. Câu chuyện ngày xưa có lẽ cũng khuất chìm trong tâm trí những người ân nhân của tôi. Cũng chỉ là một câu chuyện nhỏ giữa bộn bề tháng năm thôi mà. Nhưng tôi thì còn nhớ mãi. Những người đã cứu mạng tôi một lần trong đời, nhưng tôi thì chưa nói lên được một lời cảm ơn.
Hỡi những anh Bằng, anh Thuộc, anh Lân, anh Hảo, anh Sáng ….Có lẽ các anh vẫn ngược xuôi đâu đó trong dòng đời này, nếu có một lần nhớ về câu chuyện nhỏ ấy, xin hãy yên tâm rằng: Em: cô bé khờ khạo, ngốc nghếch ngày nào, đã biết sống có trách nhiệm với mình với ngừơi hơn rồi, các anh nhé. Và hãy nhận của em một lời tri ân, cầu mong các anh cũng sẽ nhận được nhiều niềm vui và hạnh phúc như khi các anh đã từng đem đến cho em.