Sự Hiền Hòa Của Sói

Những đồng sự mùa đông Chương 14

Bác sĩ Watson là mẫu người giám đốc dám nghĩ dám làm ở bệnh viện tâm thần. Anh mơ đến việc tạo tên tuổi cho mình, viết bài chuyên môn và rồi được mời trình bày ở những hội nghị chuyên đề, nơi có nhiều phụ nữ mến mộ anh vây quanh. Tuy nhiên, tạm thời, những phụ nữ duy nhất gần anh đã mất trí không ít thì nhiều, và trong số này anh đã chọn tôi để giết thời giờ trong khi chờ đến ngày anh đủ nổi tiếng để ra đi.

Tôi ở trong bệnh viện tâm thần được ít tháng thì anh đến, và suốt thời gian này người ta râm ran đồn đại về vị giám đốc mới. Cuộc sống trong bệnh viện tâm thần nói chung là vô cùng chán ngán, nên bất kỳ thay đổi nào cũng là đầu đề cho mọi người tranh luận sôi nổi, như là việc thay đổi món cháo yến mạch trong bữa ăn sáng, hoặc việc dời giờ may vá từ ba đến bốn giờ chiều. Vì thế mà vị giám đốc mới là biến cố quan trọng, thổi ngọn lửa cho các cuộc đồn đại và suy đoán kéo dài nhiều tuần. Và khi anh đến, người ta không lấy làm thất vọng. Trẻ trung và đẹp trai, anh có khuôn mặt tươi sáng, hiền hòa và giọng nói cao trầm dễ nghe. Chỉ trong vòng nửa tháng, tất cả phụ nữ đều đem lòng yêu anh. Tôi phải nói mình không phải là hờ hững hoàn toàn, nhưng quả là buồn cười khi thấy một số phụ nữ tự làm đẹp cho mình bằng mấy dải ruy băng và hoa lá cành để mong thu hút sự chú ý của anh. Watson lúc nào cũng tỏ ra nịnh đầm và có sức quyến rũ, thích cầm lấy tay họ mà tỏ lời khen ngợi, khiến cho họ cười khúc khích và đỏ bừng mặt. Mùa hè năm ấy, các phòng ngủ của phụ nữ đều vang tiếng thở dài trong đêm.

Vì tôi không thích trò tôn thờ thần tượng, thế nên tôi ngạc nhiên khi được gọi đến văn phòng của Watson và thắc mắc liệu mình đã làm gì sai trái. Tôi thấy anh đang cúi mình trên một chiếc máy trông kỳ lạ đặt ở giữa phòng. Lập tức tôi đoán đấy là một chiếc máy đặt giữa các ống nước vòi tắm hoa sen, được thiết kế để tạo cho bệnh nhân tâm thần một cảm giác mạnh nào đấy, nhưng tôi không rõ chi tiết nó vận hành như thế nào, và cảm thấy khá lo lắng.

Watson nhìn lên và mỉm cười: “À, chào Cô Hay[40].” Anh trông rất lấy làm vui với chính mình. Thật ra, tôi lại kinh ngạc hơn do sự thay đổi trong căn phòng, vì với người tiền nhiệm thì căn phòng tối tăm và trông buồn thảm, lại có mùi hơi khó chịu. Đấy là một căn phòng đẹp (cả bệnh viện tâm thần gây ấn tượng tốt với cung cách tân cổ điển); trần cao, với cửa sổ vòm rộng nhìn ra sân vườn. Watson đã cho lấy đi các tấm màn nặng nề treo từ các cửa sổ, và bây giờ ánh sáng từ hướng nam tràn ngập. Các bức tường được sơn màu hồng nhạt, có hoa đặt trên bàn, và đá cùng dương xỉ được xếp đặt một cách nên thơ dọc một chân tường.

Tôi nói mà không thể ngăn nụ cười: “Xin chào.”

“Cô thích văn phòng của tôi không?”

“Vâng, rất thích.”

“Tốt. Sở thích của cô giống tôi. Tôi nghĩ điều quan trọng là làm cho khung cảnh của mình trông hấp dẫn. Nếu con người sống trong cảnh xấu xí thì làm thế nào họ được hạnh phúc?”

Tôi nghĩ anh không nghiêm túc hoàn toàn, và lí nhí lời lẽ gì đấy vô nghĩa, nghĩ rằng anh may mắn mà có quyền thay đổi khung cảnh cho hợp với sở thích của mình.

Anh tiếp: “Dĩ nhiên là căn phòng càng trở nên hấp dẫn hơn khi có cô ở đây.”

Dù đã biết cung cách của anh, tôi vẫn cảm thấy hơi đỏ mặt, nhưng cố giấu diếm bằng cách nhìn những bệnh nhân khác qua khung cửa sổ, lúc này đang đi dạo hoặc đang bị nhân viên lôi tuột đi.

Chúng tôi vẩn vơ trò chuyện một lúc, và tôi đoán anh đang cố tìm hiểu tình trạng yếu đuối tinh thần của tôi và liệu tôi có xu hướng lên cơn bạo lực hay không. Xem dường anh hài lòng với những gì tôi nói, bởi vì anh bắt đầu giảng giải về chiếc máy. Về cơ bản đấy là một chiếc hộp để tạo ra hình ảnh, và anh nói mình muốn nghiên cứu bệnh nhân. Anh nghĩ việc này sẽ giúp tìm hiểu thêm về bệnh tâm thần và cách chữa trị, cho dù tôi không hề hiểu rõ làm thế nào đạt kết quả này.

Đặc biệt là hình như anh muốn tạo ra hình ảnh của tôi: “Cô có gương mặt rất thích hợp cho máy chụp ảnh, sáng sủa và diễn cảm, đấy chính là điều cần thiết.”

Tôi lấy làm vui với ý nghĩ là anh đã đặc biệt chú ý đến mình, và như thế là sự thay đổi hay hay so với các công việc hàng ngày. Như tôi đã nói, cuộc sống trong bệnh viện tâm thần là cực kỳ tẻ nhạt, ngoại trừ các cơn co giật kỳ lạ hoặc hành động muốn tự tử.

Đôi mắt nhìn xuống bàn, anh giải thích: “Điều tôi đang suy nghĩ là một loạt những nghiên cứu về, à... cô, trong những tư thế biểu trưng cho vài điều kiện tinh thần. À, lấy ví dụ... có triệu chứng mà chúng tôi gọi là mặc cảm Ophelia[41], được gọi theo tên của một nhân vật bị ảnh hưởng, trong một vở kịch nổi tiếng...” Anh nhìn tôi để xem tôi có hiểu không.

Tôi nói: “Tôi biết câu chuyện này.”

“À, tốt lắm... Thế thì... cô xem, một minh họa cho triệu chứng này sẽ là... tư thế đau khổ, với một vòng hoa trên đầu và đại khái như thế. Cô hiểu ý tôi nói chứ?”

“Tôi nghĩ tôi hiểu.”

“Việc này sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều với một bài chuyên môn tôi đang viết. Các bức ảnh sẽ minh họa tiền đề của tôi, đặc biệt đối với những người chưa bao giờ bước chân đến một bệnh viện tâm thần và thấy khó mà mường tượng được.”

Tôi gật đầu một cách lễ độ, và khi anh không nói rõ thêm, tôi hỏi: “Tiền đề của anh là gì?”

Anh có vẻ hơi ngạc nhiên: “À. Tiền đề của tôi là, à... rằng có một số mẫu hình đối với bệnh tâm thần; một số dáng vẻ và hoạt động thể chất thường diễn ra đối với những mẫu hình khác nhau, để chỉ ra tình trạng tâm thần của họ. Rằng, tuy mỗi bệnh nhân có tiền sử riêng, họ đều ở trong những nhóm có chung các đặc điểm và dáng vẻ. Và rằng...” anh ngưng lại, hiển nhiên là đang suy tư, “... qua việc nghiên cứu lặp đi lặp lại và tập trung, chúng ta có thể khám phá thêm nhiều cách để chữa trị cho những người vô phúc tội nghiệp này.”

“À.” Tôi nói mà tự hỏi mình - là một trong những người vô phúc ấy - có những dáng vẻ gì đặc biệt hay không. Có vài hình ảnh không phù hợp tự hiện ra.

Anh nói tiếp: “Và cô có thể vui lòng dành cho tôi chút thời giờ để ăn trưa cùng với tôi trong mấy ngày này, được không?”

Chỉ nghĩ đến việc này là tôi đã phát thèm. Thức ăn trong bệnh viện tâm thần thì đủ bổ dưỡng nhưng nhạt nhẽo, khó nuốt và nhàm chán. Tôi nghĩ có một giả thuyết (có lẽ thậm chí là một tiền đề) cho rằng một vài hương vị có tính kích thích nguy hiểm, nói ví dụ quá nhiều thịt hoặc quá nhiều mỡ hoặc quá cay sẽ làm dấy lên tính mẫn cảm tinh tế, gây ra náo động. Tôi đã thấy vui vì được làm người mẫu, nhưng chỉ sự hứa hẹn về thức ăn hợp khẩu vị cũng đủ làm cho tôi xiêu lòng.

“Thế thì,” anh mỉm cười, và tôi nhận ra anh thật sự bồn chồn, “cô chấp nhận việc này không?”

Tôi cảm thấy băn khoăn vì anh bồn chồn - đối với tôi? Hoặc đối với điều khả dĩ là tôi sẽ từ chối? Rồi tôi gật đầu. Có lẽ trọn đời tôi chẳng bao giờ hiểu được làm thế nào xuất hiện trong các bức ảnh với vòng hoa trên đầu sẽ chữa được bệnh tâm thần, nhưng tôi là ai mà lại từ chối?

Hơn nữa, anh là người đẹp trai, tử tế và trẻ trung, trong khi tôi là đứa con gái mồ côi trong một bệnh viện tâm thần không có người bảo hộ và không thấy có triển vọng sẽ được xuất viện. Tuy tình huống này có khác thường đến đâu thì cuộc đời tôi vẫn không thể nào tệ hại hơn được nữa.

Chuyện diễn ra như thế. Khởi đầu, tôi đến văn phòng anh khoảng một hoặc hai lần mỗi tháng. Watson thu thập một số kiểu trang phục và cùng các món trang trí để tạo ra khung cảnh. Anh bắt đầu với khung cảnh được gọi là u uất, mà tôi cảm thấy mình rất phù hợp để diễn tả. Anh sắp đặt một chiếc ghế bên khung cửa sổ, rồi tôi ngồi với một bộ áo màu ảm đạm, tay cầm một quyển sách và nhìn xa xăm ra ngoài như thể - theo cách anh nói - tôi đang mơ đến người yêu đã mất. Đáng lẽ tôi có thể nói với anh rằng trong đời còn có những nỗi khổ tồi tệ hơn là mất người yêu, nhưng tôi giữ mồm giữ miệng mà nhìn ra ngoài khung cửa sổ, lại mơ đến các món thịt rừng nấu rượu poóc-tô, cà ri gà, và nấm trifle[42] nấu với nhục đậu khấu.

Bữa ăn trưa có các món ngon lành như tôi đã tưởng tượng ra. Tôi lo lắng vì mình ăn uống với tất cả vẻ thanh nhã của một nông nô, và anh mỉm cười nhìn tôi khi tôi xúc miếng bánh nhân đào và quế lần thứ hai và thứ ba. Tôi ăn đến căng bụng, không phải vì thiếu chất trầm trọng, mà chỉ vì từ lâu đã không được ăn ngon, ăn món cay nồng và ngọt dịu. Lần đầu tiên trong bốn năm (trừ dịp Giáng sinh) được nếm lại các món nhiều gia vị cùng phó mát xanh cùng rượu vang quả là thần tiên. Tôi đã nói như thế, và anh cười lớn, và có vẻ rất vui. Khi anh tiễn tôi ra cửa văn phòng, anh nắm lấy hai tay tôi và nhìn sâu vào mắt tôi mà thốt lời cảm ơn.

Như tôi đã đoán trước, tôi được gọi đến văn phòng anh thường xuyên hơn, và khi chúng tôi đã quen biết với nhau hơn thì việc ngồi làm mẫu cũng kém nghiêm túc. Ý tôi nói là dần dà tôi ăn mặc ít đi, rồi đến lúc tôi ngả người dựa vào đám dương xỉ với một tấm vải muxơlin mỏng quấn quanh. Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để từ bỏ việc giả vờ đóng góp vào tiến bộ của y khoa. Watson - hoặc Paul theo tên bây giờ tôi gọi anh - tiến hành các nghiên cứu theo ý anh thích, đôi lúc tỏ vẻ như có lỗi, mắt chớp chớp quay đi để tránh ánh mắt tôi như thể anh bối rối khi yêu cầu tôi làm những việc như thế.

Anh tỏ ra tử tế và chín chắn, quan tâm đến ý kiến của tôi, trong khi nhiều người đàn anh quen biết tôi bên ngoài bệnh viện tâm thần đã không quan tâm như thế. Tôi mến anh, rồi một ngày lúc dùng bữa xong, tôi cảm thấy hạnh phúc khi anh nắm lấy bàn tay tôi, run rẩy. Anh dịu dàng, khát khao, tỏ ra sợ hãi vì sai trái, và mỗi lần chúng tôi gặp nhau anh đều ngỏ ý xin lỗi vì đã tuân theo bản năng của anh mà lợi dụng tôi. Tôi không hề bận tâm. Đối với tôi, đấy là một bí mật tràn đầy xúc cảm, một nỗi khao khát ngọt ngào, cho dù anh luôn bồn chồn và hoảng hốt khi chúng tôi thành thân với nhau, một cách vội vã, sau một bữa ăn trưa thịnh soạn, trong văn phòng khóa kín cửa.

Và anh tỏa mùi nhà kính, mùi lá cà chua và đất ẩm, mà tôi thấy nồng nồng và thỏa mãn. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ về mùi hương ấy là tôi nghĩ đến bánh nhân trái cây với kem hoặc bít tết trong rượu cô-nhắc. Thậm chí một đêm nọ, nhiều năm sau, trong căn lều lạnh lẽo giữa rừng, khi tôi ngửi mùi hương ấy từ Parker tôi lại nhớ đến món bánh sô cô la đăng đắng.

Tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ biết được chuyện gì đã xảy ra. Vì lý do nào đấy, Watson bị thất thế. Theo tôi được biết thì không phải là do tôi, chắc chắn là không ai nói ra gì cả, nhưng một buổi sáng y tá trưởng thông báo Bác sĩ Watson phải ra đi thình lình, và trong vòng ít ngày sẽ có người thay thế. Một ngày anh còn ở đấy, ngày kế đã ra đi. Hẳn anh đã mang theo chiếc máy cùng các tấm hình. Một vài tấm trông đẹp; những bóng màu tối trên nền kính, tỏa ánh lung linh như bạc khi tôi nghiêng ra phía có ánh sáng. Khi cảm thấy u uất - thường khi như thế bây giờ - tôi tự nhắc nhở rằng anh đã run rẩy khi chạm đến tôi; rằng có thời tôi đã là niềm hứng khởi cho ai đó.

Chúng tôi đã đi băng qua vùng bình nguyên trong ba ngày mà không thấy quang cảnh thay đổi gì cả. Cơn mưa kéo dài trong hai ngày làm lớp tuyết tan chảy, khiến cho bước đi trở nên khó khăn. Bùn ngập đến mắt cá chân, và nếu nói như thế nghe ra chẳng có gì nhiều thì tôi phải nhấn mạnh là khá tồi tệ. Mỗi bước chân bị dính theo hàng cân bùn đất, còn chiếc váy của tôi trĩu nặng vì thấm nước. Vì không bị nặng nề với váy như phụ nữ Parker và Moody đi trước cùng với chiếc xe trượt tuyết.

Mưa tạnh vào cuối ngày thứ hai, và khi tôi vừa thầm cảm ơn bất kỳ đấng linh thiêng nào còn phù hộ cho mình, thì một đợt gió bắt đầu và vẫn thổi mãi từ lúc ấy. Gió làm cho mặt đất khô lại và việc đi đứng được dễ dàng hơn, nhưng nó thổi từ hướng đông-bắc nên rất lạnh, đến nỗi tôi kinh qua một hiện tượng mà trước đây mình chỉ nghe nói, đấy là nước mắt đóng băng ở khóe mắt. Sau một tiếng đồng hồ, mắt tôi đã đỏ nhừ.

Bây giờ Parker và hai con chó dừng lại để chờ cho tôi theo kịp. Ông đứng trên một gò nhô lên một tí, và khi chúng tôi loạng choạng bước đến bên ông, tôi thấy tại sao ông đứng đợi: cách vài trăm mét phía trước là cụm tòa nhà - vật thể đầu tiên do con người xây nên mà chúng tôi trông thấy kể từ lúc rời Himmelvanger.

“Chúng ta đi theo đúng con đường,” Parker nói, tuy rằng “con đường” là từ ngữ mà tôi thấy không đúng.

Moody đang nhìn qua đôi tròng kính: “Đó là nơi chốn nào vậy?” Thị lực của anh kém cỏi, càng kém thêm vì ánh sáng xám lờ mờ xuyên qua trần mây.

“Đó là một thương điếm trước kia.”

Từ đây, tôi nhìn thấy có điều gì đấy không ổn; nó có tính sát khí của một tòa nhà trong cơn ác mộng.

“Ta nên đến xem. Phòng trường hợp hắn đã đến đây.”

Khi đến gần hơn, tôi nhận biết chuyện gì đã xảy ra. Thương điếm đã bị đốt trụi; mấy chiếc bè nằm chỏng chơ nổi bật trên nền trời, mấy cây xà gãy đổ chĩa lên qua các góc cạnh sai lệch. Những bức tường còn sót lại đều thành than màu đen, và võng xuống. Nhưng điều kỳ lạ nhất là các cấu trúc gần đây bị bao phủ trong tuyết tan chảy ban ngày và đông cứng ban đêm, từng lớp này qua lớp khác nước tan chảy rồi đông lại nên bộ khung trần trụi phồng to lên và được băng tráng lớp ngoài. Đấy là một quang cảnh khác thường: đen đúa, phồng rộp, lóng lánh; các tòa nhà phủ băng như thể đã bị một sinh vật dị dạng nuốt chửng. Tôi - và tôi nghĩ cả Moody nữa - cảm thấy như là một chuyện kinh dị.

Tôi chỉ muốn thoát khỏi nơi này.

Parker đi giữa các bức tường, xem xét mặt đất. Ông chỉ tay đến một đống không hình thù rõ rệt trên nền đất ở một góc: “Ai đó đã để lại quần áo.”

Tôi không hỏi ông ai lại làm như thế. Tôi có linh cảm mình không muốn biết.

“Đây là Chỏm Elbow. Bà có nghe nói tới bao giờ chưa?”

Tôi lắc đầu, tin chắc đây là thêm một chuyện tôi không biết thì tốt hơn.

“Công ty XY đã xây nên nơi này. Công ty Vịnh Hudson không ưa việc họ xây một thương điếm ở đây, nên đã đốt rụi nó.”

“Làm thế nào ông biết được?”

Parker nhún vai: “Ai cũng biết. Mấy chuyện như vậy đã xảy ra.”

Tôi nhìn về hướng Moody, cách tôi gần ba mươi mét, qua một cánh cửa đã biến mất, mò mẫm giữa một đống đổ nát mà lúc trước có lẽ là đàn dương cầm.

Tôi nhìn ngoái lại Parker để xem ông có mưu đồ gì xấu không, nhưng khuôn mặt ông vẫn không biểu lộ cảm xúc gì cả. Ông đã nhặt lên một mảnh vải cứng, đóng băng và căng nó ra - từng mảnh băng vỡ vụn phát ra âm thanh phản đối - để cho thấy hình thù một chiếc áo sơ mi, có lẽ lúc trước là màu xanh lam nhưng bây giờ đã quá dơ bẩn nên khó mà biết màu gì. Mảnh áo đã ngấm nước, lem luốc và để mặc ở đây cho thối rữa.

Thình lình, tuy muộn màng, tôi nhận ra tầm quan trọng: “Đấy có phải là máu không?”

“Tôi không biết. Có lẽ vậy.”

Ông sục sạo thêm chung quanh, và thốt lên một tiếng kêu thỏa mãn. Lần này, chính tôi cũng hiểu tại sao - có những dấu vết của một đống lửa, đen đủi và phủ bồ hóng, gần một chân tường.

“Mới đây phải không?”

“Cách đây khoảng một tuần. Thế là người của ta đã đến đây, và nghỉ qua đêm. Nếu không bắt chước hắn thì ta còn bị tồi tệ hơn nữa.”

“Nghỉ đêm ở đây à? Nhưng còn sớm. Ta nên đi tiếp, đúng không?”

“Nhìn lên trời xem.”

Tôi nhìn lên; trần mây, bị chia ra thành bốn khung bởi những cây xà, xuống thấp và xám xịt. Nhuốm màu trận bão tuyết.

Khi nghe qua dự tính, Moody vẫn tỏ ra lạc quan: “Nhưng chuyện gì thế - thêm hai ngày để đi tới Nhà Hanover hay sao? Tôi nghĩ ta nên đi tiếp.”

Parker bình tĩnh trả lời: “Sẽ có cơn bão tuyết. Ta sẽ vui mà có chỗ trú.”

Tôi có thể thấy đầu óc của Moody quay cuồng: không rõ có nên phản đối hay không hoặc Parker có chịu nghe anh hay không. Nhưng gió đã thổi đến, và anh nhụt chí; bầu trời đã trở nên xấu xí và hung hãn. Dù cho thương điếm bị bỏ phế trông xa lạ và huyền bí, vẫn còn tốt hơn là không có gì cả.

Theo đó, chúng tôi dựng lều giữa chốn hoang tàn. Parker dựng nên một chái trú thân rộng dựa vào một trong các bức tường còn sót lại, rồi gia cố bằng những thanh gỗ đen đủi. Tôi lo âu vì trông nó vững chắc hơn là chỗ trú thân tôi thấy ông làm lúc trước, nhưng vẫn theo chỉ dẫn của ông và đem đồ đạc từ chiếc xe trượt tuyết xuống. Trong mấy ngày qua, tôi đã quen dần với những công việc cần thiết cho tiện nghi và sự sinh tồn; tôi chất thức ăn bên trong (ông có thật sự nghĩ chúng tôi sẽ bị giam hãm trong nhiều ngày?), trong khi Moody đi kiếm củi - ít nhất thì đầy rẫy chung quanh - và cậy phiến băng trên những bức tường để đun nước. Chúng tôi làm việc nhanh nhẹn vì lo màn đêm buông xuống nhanh và gió thổi mạnh thêm.

Khi chúng tôi đã xong xuôi các bước chuẩn bị thì tuyết đang thổi phần phật chung quanh, châm chích vào mặt như đàn ong. Chúng tôi bò vào chái trú thân; Parker đốt lửa để đun nước. Moody và tôi ngồi đối mặt với cửa ra vào đã được giằng với những cây xà lớn, nhưng những cây xà này bắt đầu ngả nghiêng như thể có người đang cố chui vào. Trong một tiếng đồng hồ kế tiếp, gió càng lúc càng mạnh cho đến lúc mỗi người không thể nghe người khác nói gì. Âm thanh gầm rú nghe kỳ quái, cùng với tiếng vải bạt đập phành phạch và tiếng các súc gỗ của bức tường kêu răng rắc nghe kinh khiếp. Tôi không rõ cái chái trú thân có chịu đựng được hay không, hoặc sẽ đổ sụp dưới sức mạnh và trọng lượng của tuyết và băng bên trên. Parker không có vẻ lo lắng, dù tôi dám đánh cược là Moody cũng sợ hãi như tôi; mắt anh mở rộng sau tròng kính, và anh luôn giật nẩy người vì âm thanh chung quanh.

Moody hỏi: “Hai con chó ở bên ngoài ổn chứ?”

“Ổn. Chúng sẽ nằm sát bên nhau mà giữ hơi ấm cho nhau.”

“À. Ý tưởng hay.” Moody cười, nhìn qua tôi, rồi hạ tầm mắt khi thấy tôi không cười theo làm bạn đồng hành của anh.

Moody uống trà rồi cởi giày ủng và bít tất ra, cho thấy bàn chân phủ máu khô. Vào những đêm trước, tôi đã thấy anh tự chăm sóc cho bàn chân, nhưng đêm nay tôi tỏ ý muốn giúp. Có lẽ đấy là do tôi nghĩ về Francis, rằng hai người không cách nhau bao nhiêu tuổi; có lẽ đấy là do cơn bão tuyết bên ngoài và ý nghĩ rằng tôi cần đến tất cả những người bạn mình có thể tìm được. Anh ngả người ra và duỗi từng chân một cho tôi lau và băng bó bằng những dải vải lanh, vốn là tất cả những gì chúng tôi có. Tay tôi không được nhẹ nhàng, nhưng anh vẫn im lìm trong khi tôi lau các vết thương với cồn rồi băng chặt lại. Qua khóe mắt mình, tôi thấy dường như Parker đang nhìn hai chúng tôi, dù rằng với làn khói tỏa từ đống lửa và từ dọc tẩu của ông, tôi không nhìn rõ và có thể nhìn lầm. Khi tôi đã băng bó xong xuôi, Moody rút ra cái lọ bẹt trao cho tôi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cái lọ này. Tôi tiếp nhận với lòng cảm kích; đấy là whisky, không đặc biệt ngon, nhưng hương vị dịu nồng lan tỏa dọc theo cổ họng tôi, làm tôi chảy nước mắt. Anh trao cái lọ bẹt cho Parker nhưng ông chỉ lắc đầu. Bây giờ nghĩ lại, tôi chưa từng thấy ông chạm đến rượu.

Moody lại mang vào bộ bít tất thấm máu và giày ủng - nếu để ra ngoài sẽ quá lạnh. “Bà Ross ạ, nếu bà đi theo được mà chân không bị phồng rộp thì bà hẳn là một phụ nữ mạnh mẽ của vùng sâu.”

Tôi giải thích: “Tôi mang giày da đanh nên chân không bị chà xước gây phồng rộp. Anh nên cố mua một đôi khi chúng ta đến Nhà Hanover.”

“À. Vâng.” Anh quay sang Parker: “Ông Parker, ông nghĩ chừng nào chúng ta sẽ tới đó? Tối nay cơn bão tuyết này sẽ dứt không?”

Parker nhún vai: “Có thể. Nhưng dù vậy, tuyết sẽ làm ta khó đi hơn. Có lẽ phải mất hai ngày.”

“Ông đã tới đó chưa?”

“Đã lâu rồi.”

“Có vẻ như ông rành đường đi.”

“Đúng.”

Có một khoảnh khắc im lặng, kém thân thiện. Tôi không hiểu tại sao có sự kém thân thiện, nhưng tôi biết chắc là có.

Moody hỏi tiếp: “Ông quen biết quản trị viên ở đó không?”

“Họ ông ấy là Stewart.”

Tôi nhận ra ông đã không trả lời chính xác câu hỏi.

“Stewart... ông biết tên không?”

“James Stewart.”

“À, tôi không rõ có phải là cùng một người không... Gần đây tôi đã nghe câu chuyện về một người tên James Stewart, nổi tiếng vì đã có một chuyến đi đường dài trong điều kiện mùa đông kinh khủng. Tôi tin đó là cả một kỳ công.”

Như lúc nào, vẻ mặt của Parker vẫn không biểu lộ cảm xúc: “Tôi không nói chắc được.”

“À... ra thế.” Giọng Moody nghe như anh rất lấy làm vui. Tôi đoán nếu người ta không quen biết ai ở vùng này, sau khi nghe nói về một người nào đấy trước khi gặp mặt thì cũng giống như có một người bạn cũ.

Tôi hỏi Parker: “Thế thì ông quen biết ông ấy, phải không?”

Ông nhìn qua tôi: “Tôi gặp ông ấy khi làm việc cho Công ty. Nhiều năm về trước.”

Giọng nói của ông nghe như ông không muốn tôi hỏi han thêm.

Dĩ nhiên là Moody không nhận ra: “Tốt, tốt, hẳn sẽ là rất hay... Một cuộc tái hợp.”

Tôi mỉm cười. Nơi Moody có vẻ gì đấy dễ mến, dễ quậy tưng như con bò đực trong một cửa hàng đồ sứ… Rồi tôi nhớ lại việc mà anh đang cố làm, và nụ cười của tôi lịm tắt.

Tuyết vẫn rơi không ngớt, và cơn gió cuồng nộ cũng thế. Theo sự đồng lòng không ai nói ra, tấm bạt không được chắn thành bức màn nên không tạo được cho tôi khoảng riêng tư. Tôi nằm xuống giữa hai người đàn ông, cuộn mình giữa các lớp chăn, cảm thấy hơi nóng từ than hồng làm rát da mặt nhưng không muốn cử động. Rồi Moody nằm xuống bên tôi, và cuối cùng Parker dập tắt đống lửa và cũng nằm xuống, thật gần đến nỗi tôi cảm nhận được ông và ngửi được mùi hương của nhà kính mà ông mang theo. Không gian tối như mực, nhưng tôi nghĩ mình sẽ không nhắm mắt suốt đêm, trong khi gió vẫn gầm rú và đập vào vải bạt phành phạch lung lay như là có sự sống. Tôi có cảm giác kinh hãi là chúng tôi sẽ bị chôn vùi dưới tuyết, hoặc các bức tường sẽ đổ ụp xuống và đè chúng tôi bên dưới; tôi tưởng tượng ra mọi số phận khủng khiếp khi nằm với quả tim đập thình thịch và đôi mắt căng mở. Nhưng hẳn tôi đã thiếp ngủ, bởi vì tôi có giấc mơ, cho dù tôi không nghĩ mình đã nằm mơ trong nhiều tuần.

Thình lình tôi thức giấc mà thấy - tôi nghĩ thế - căn lều đã biến mất. Gió đang gào thét như có hàng nghìn tử thần[43] vây quanh, và không gian dày đặc tuyết, làm cho tôi hoa mắt. Tôi nghĩ mình đã thét lên, nhưng âm thanh không thoát ra giữa cơn cuồng nộ. Parker và Moody đang quỳ gối, đang cố khép lại cửa căn lều bị gió thổi tốc ra. Cuối cùng họ giằng lại được tấm bạt, nhưng tuyết đã rơi vào thành từng cụm nhỏ bên trong căn lều. Tuyết rơi lên trang phục và trong tóc chúng tôi. Moody thắp đèn lên; anh đang run bắn. Ngay cả Parker cũng không được bình thản như thường ngày.

Moody lắc đầu và phủi lớp tuyết khỏi hai chân: “Này, tôi không rõ hai vị sẽ làm gì, nhưng tôi cần uống một thứ gì đó.”

Anh rút ra cái lọ bẹt, nốc một hớp rồi trao cho tôi. Tôi trao lại cho Parker; ông này lưỡng lự rồi nhận lấy. Moody mỉm cười như thể cảm nhận một chiến thắng cá nhân. Parker nhóm lửa để pha trà, và ba chúng tôi đều lấy làm cảm kích, quây quần chung quanh với những ngón tay nóng rát. Tôi đang run rẩy, mặc dù không biết vì lạnh hoặc vì bị sốc, và vẫn còn run cho đến khi tôi hớp một ngụm trà pha đường. Tôi nhìn hai người đàn ông hút dọc tẩu mà ghen tị; đấy là một thứ khác tạo cảm giác ấm áp và xoa dịu, cũng như một miếng gỗ hồng sắc dùng để chèn đôi hàm răng tôi đang đánh lập cập[44].

Khi whisky đã cạn, Moody nói: “Tuyết rơi dày ngoài kia.”

Parker gật đầu: “Tuyết ngoài kia càng dầy thì trong này càng ấm.”

Tôi nói: “Quả là một ý nghĩ hay. Ta sẽ ấm và thoải mái trong khi bị ngộp thở cho đến chết.”

Parker mỉm cười: “Ta có thể dễ dàng đào bới để thoát ra ngoài.”

Tôi mỉm cười lại với Parker, ngạc nhiên khi thấy ông dễ chịu đến thế, rồi tôi nhớ lại giấc mơ trước khi mình thức giấc, và tôi giấu mặt sau tách nước trà. Không phải là tôi nhớ chính xác mình đã mơ thấy gì; chỉ là cảm giác nồng ấm lan tỏa trong tôi khiến cho tôi quay mặt đi, giả vờ ho, hầu hai người không nhận ra đôi má tôi đang đỏ bừng.

Gần giữa trưa, cơn bão tuyết dịu hẳn. Khi tôi thức dậy lần nữa, trời đã sáng, có thêm tuyết dạt vào các góc căn lều và lấp đầy các khoảng trống giữa ba chúng tôi. Khi tôi ra khỏi lều, trời vẫn nổi gió và xám xịt, nhưng trông huy hoàng so với đêm qua. Cái lều bị vùi lấp phân nửa dưới lớp tuyết dày một mét; toàn quang cảnh trông khác hẳn dưới lớp tuyết: đẹp đẽ hơn, không có vẻ báo trước điềm gở như tối qua. Phải mất vài phút tôi mới nhận ra rằng, cho dù Parker đã trấn an, quả thật một phần bức tường đã sụp đổ trong đêm, tuy không gây nguy hiểm cho chúng tôi. Tôi cố không nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi giăng lều cách sáu, bảy mét về phía đông. Chúng tôi đã không làm thế, đấy là điều cốt yếu.

Ban đầu, tôi e sợ hai con chó đã bị chôn thây; khi nhìn quanh tôi không thấy dấu hiệu gì của chúng, trong khi ngày thường chúng thường sủa đòi ăn. Rồi không biết từ đâu Parker xuất hiện với một cây gậy dài chọc xuống lớp tuyết, gọi hai con chó với tiếng kêu sắc lẻm lạ lùng mà ông dùng để thông tin với chúng. Thình lình trông như có một vụ nổ gần ông, rồi con Sisco phóng lên từ đống tuyết, theo sau là con Lucie. Chúng nhảy đến ông, sủa mãnh liệt, cả thân hình vẫy qua lại, rồi ông vuốt ve chúng. Hẳn ông thấy nhẹ nhõm mà tìm ra hai con chó; bình thường ông chẳng hề chạm đến chúng, nhưng bây giờ ông mỉm cười, thật sự tỏ ra vui mừng. Tôi chưa hề thấy ông mỉm cười với tôi như thế. Hoặc dĩ nhiên là với ai thì cũng thế.

Tôi đi đến chỗ Moody đang vụng về thu nhặt các món trong lều: “Để tôi làm cho.”

“À, Bà Ross muốn làm hả? Cảm ơn. Bà làm cho tôi xấu hổ. Sáng nay bà cảm thấy thế nào?”

“Nhẹ nhõm, cảm ơn anh đã hỏi thăm.”

“Tôi cũng vậy. Quả là một đêm lý thú, phải không?”

Anh mỉm cười, trông gần như láu lỉnh. Sáng nay anh cũng có vẻ sảng khoái. Có lẽ đêm qua mỗi người trong chúng tôi đều sợ hãi hơn là mình muốn nhìn nhận.

Rồi sau đấy, khi chúng tôi tiếp tục đi về hướng đông-bắc, ngay cả khi loạng choạng bước trên lớp tuyết dày cả mét, ba người đi gần nhau hơn, Parker điều chỉnh nhịp bước theo hai chúng tôi, như thể chúng tôi là ba người tìm thấy niềm an ủi khi đi bên nhau.

༺༒༻

Espen lên tiếng một cách khẩn trương: “Line à, tôi cần nói chuyện với em.”

Line cố kiềm chế cảm giác quay cuồng trong tim khi nghe anh gọi tên cô. Trong vài ngày qua, hai người đã không trao đổi với nhau lời nào.

“Cái gì? Em nghĩ vợ anh đang nghi ngờ lắm đó.”

Đôi mắt anh toát vẻ van nài khiến cho cô hầu như bật khóc vì vui mừng.

“Tôi không chịu nổi. Nhiều ngày qua thậm chí em còn không nhìn tôi.”

Line buông xuôi và mỉm cười. Rồi anh ôm lấy cô, ép sát người cô vào anh, hôn lên mặt cô, môi cô, cổ cô. Rồi anh kéo cô đi theo mình, mở một cánh cửa dẫn vào một phòng chứa vật dụng lau chùi, và đóng cánh cửa lại.

Vật lộn với trang phục trong không gian tối tăm của gian nhà kho, ép người vào chồng xà phòng và cái gì đó như là cây chổi, Line có ảo giác dằn xóc, rời rạc. Đấy như thể là vì không có ánh sáng nên họ được miễn tội. Thậm chí cô không thể nói ai đang ở đây với mình. Hẳn anh cũng cảm thấy thế - họ có thể là bất kỳ phụ nữ nào và đàn ông nào, ở bất kỳ nơi nào. Chẳng hạn như Toronto. Và rồi cô biết mình sẽ làm gì.

Line cố tách đôi môi ra khỏi làn da anh để nói: “Em không thể ở đây. Em sắp ra đi. Ngay lúc có thể được.”

Espen lùi lại. Cô có thể nghe tiếng anh thở, nhưng không thể nhìn khuôn mặt anh trong bóng tối này.

“Đừng, Line à, tôi không chịu nổi nếu không có em. Chúng ta có thể cẩn trọng. Không ai biết được.”

Line cảm nhận cuộn giấy bạc trong túi, và đầu óc tràn ngập với quyền lực của nó: “Em có tiền.”

“Ý em nói gì, em có tiền?”

Trước khi đến để hành nghề xây dựng ở Himmelvanger rồi lưu lại, Espen chưa từng có tiền trong đời, luôn sống theo cách tay làm hàm nhai.

Line mỉm cười trong bí mật: “Em có bốn mươi đô la. Đô la Mỹ.”

“Cái gì?”

“Chỉ có anh biết chuyện này.”

“Làm thế nào em có được?”

“Đó là một bí mật!”

Khuôn mặt Espen thoát ra nụ cười với vẻ hồ nghi. Theo cách nào đó, cô nhận ra. Cô có thể cảm nhận anh run rẩy khi cười.

“Chúng ta có thể cưỡi hai con ngựa. Chỉ cần mất ba ngày là đến Caulfield, chúng ta có thể mặc tất cả quần áo và dẫn các đứa trẻ đi theo. Rồi ta có thể đáp tàu hơi nước đi Toronto... hoặc Chicago. Đi đâu cũng được. Em có đủ tiền để kiếm một căn nhà trong khi ta đi tìm việc.”

Giọng Espen nghe ra có phần hoảng hốt: “Nhưng Line à, bây giờ là giữa mùa đông. Nếu chờ cho đến mùa xuân thì tốt hơn - còn các đứa trẻ thì sao?”

Line cảm thấy một thoáng thiếu kiên nhẫn: “Tuyết không rơi - thật ra là trời đang ấm áp! Anh muốn chờ đợi để làm gì?”

Espen thở dài: “Hơn nữa, khi em nói ‘các đứa trẻ’, em có ý nói Torbin và Anna, phải không?”

Line đã trông chờ điều này. Tất cả thật sự là do lỗi của Merete. Ước gì cô ấy chết đi. Cô này chẳng làm được gì và không ai ưa cô; thậm chí Per cũng không mến trong khi ông mến mọi người khác.

“Anh yêu à, em biết là khó khăn, nhưng ta không thể dẫn theo tất cả bọn trẻ. Có lẽ sau này, khi ta có nhà, anh có thể trở về mà đón chúng, nhé?”

Trong thâm tâm, cô tin việc này khó xảy ra. Cô không tưởng tượng được là Merete - hoặc ngay cả Per - lại để Espen dẫn đi các đứa trẻ để sống với đứa lăng loàn. Nhưng Espen yêu mến ba đứa con của anh.

“Chẳng bao lâu nữa, chúng ta có thể sống với nhau. Nhưng bây giờ... em phải đi bây giờ. Em không thể ở đây.”

“Tại sao phải vội như vậy?”

Đây là con bài át chủ của Line, mà cô khôn khéo khai thác: “À, em hầu như chắc... không, em tin chắc là em đang chuẩn bị cho một gia đình.”

Một khoảnh khắc im lặng bao trùm. Line thầm nghĩ anh hẳn phải biết sự việc xảy ra như thế nào.

“Tại sao lại thế được? Chúng ta đã cẩn thận!”

“À... không phải lúc nào chúng ta cũng cẩn thận.” Anh chẳng cẩn thận gì cả - cô nghĩ đáng lẽ chuyện này đã xảy ra sớm hơn nếu anh cứ muốn làm theo ý mình. “Anh Espen à, anh không giận em chứ?”

“Không. Tôi yêu em. Chỉ có điều...”

“Em biết, Nhưng chính vì thế mà em không thể chờ cho đến mùa xuân. Chẳng bao lâu người ta sẽ biết được. Đây này...” Cô cầm lấy bàn tay anh rồi luồn dưới eo mình.

“Ôi, Line...”

“Thế thì chúng ta phải đi, đúng không, trước khi tuyết rơi trở lại? Kẻo không...”

Kẻo không, hai người không dám nghĩ đến hậu quả sẽ ra sao.

Chiều hôm ấy, Line đi vào phòng anh con trai. Cô chờ cho đến khi Jacob đi ra ngoài và khuất bóng trong khu chuồng gia súc, rồi cô bước vào. Chiếc chìa khóa ở phía ngoài cánh cửa - bây giờ khi Moody đã đi, không ai xem nghiêm túc việc khóa cửa.

Francis ngạc nhiên nhìn lên khi cô bước vào. Từ lúc mẹ anh đi - ngày cô hôn anh và anh trao tiền cho cô - cô chưa từng trở lại đây một mình. Máu cô vẫn dồn lên mặt mỗi khi cô nghĩ về chuyện này. Francis vẫn mặc bộ quần áo của mình và đang ngồi trên chiếc ghế gần cửa sổ. Anh đang cầm một mảnh gỗ và một con dao - đang gọt đẽo món gì đó. Line giật nảy mình - cô đã hình dung anh vẫn phải cần nằm trên giường, yếu ớt và xanh xao.

Trước khi có thể dừng lại, cô nói: “À, anh đang thức.”

“Vâng, tôi khỏe lên nhiều rồi. Ngay cả Jacob cũng tin tưởng tôi mà đưa con dao anh ấy cho tôi.” Anh cầm con dao ra dấu, và mỉm cười với cô: “Cô được an toàn.”

“Bây giờ anh đi được chưa?”

“Tôi có thể đi đứng, với cây nạng.”

“Thế thì tốt.”

Anh ra vẻ lo lắng: “Cô ổn không? Ý tôi nói, mọi việc ổn không, bên ngoài cánh cửa đó?”

“Vâng... tức là, không, không hẳn vậy. Tôi đến để yêu cầu anh một việc. Tôi cần anh giúp, về chuyến đi của anh từ Caulfield... Anh hứa không tiết lộ gì nhé? Ngay cả đối với Jacob?”

Anh ngạc nhiên nhìn cô chăm chăm: “Vâng, được rồi.”

“Tôi chuẩn bị ra đi. Tôi phải đi bây giờ, trước khi tuyết lại rơi. Chúng tôi định mang theo ngựa và đi về hướng nam. Tôi cần anh chỉ đường.”

Francis ra vẻ kinh ngạc: “Đường đi Caulfield hả?”

Cô gật đầu.

“Nhưng nếu tuyết rơi khi cô đang trên đường đi thì sao?”

“Mẹ anh đã đi được. Trong tuyết. Cưỡi ngựa thì còn dễ hơn.”

“Ý cô nói cô và hai đứa trẻ phải không?”

“Đúng.”

Cô ngẩng đầu, cảm thấy máu dồn lên cổ rồi lan đến tận chân tóc. Francis quay người, tìm chỗ đâu đó để đặt mảnh gỗ và con dao xuống. Trong khi rút ra cây viết chì và tờ giấy mang theo người, cô nghĩ: bây giờ mình lại xấu hổ. Mặc kệ, có chuyện chẳng đặng đừng. Xem chừng anh sẽ chẳng ghen tức.

༺༒༻

Vị quan tòa từ St. Pierre ngồi đối diện với Knox trong phòng ngủ-kiêm-nhà giam và thở dài. Ông là người béo lùn, trọng tuổi, ít nhất bảy mươi, với đôi mắt trắng đục như sữa phía sau thấu kính thạch anh xem chừng quá nặng nề đối với sống mũi gầy yếu.

“Theo cách tôi hiểu đúng ý của ông, thì ông đã nói ông ‘không thể đồng ý với cách thức tàn bạo của Mackinley khi cưỡng bách lời khai của William Parker’, nên ông đã phóng thích ông ấy.”

“Chúng tôi không có cơ sở để giam ông ấy.”

“Nhưng ông Mackinley nói ông ấy không khai ra được đã ở đâu trong thời gian đang có nghi vấn.”

“Ông ấy có khai ra. Không có ai xác nhận cho ông ấy, nhưng đối với người làm nghề đặt bẫy thì không có gì là lạ.”

“Hơn nữa, ông Mackinley nói rằng tù nhân tấn công ông ấy. Còn vết thương của tù nhân là do hành động tự vệ mà có.”

“Ông Mackinley không bị một vết trầy sướt nào, và nếu bị tấn công thì ông ấy hẳn đã kể cho mọi người. Tôi đã nhìn thấy tù nhân. Đó là sự tấn công đầy ác ý. Tôi biết tù nhân khai sự thật.”

“Hừm. Tôi có nghe qua một người tên William Parker. Có lẽ ông đã biết rằng chính người tên William Parker đã có hồ sơ liên quan đến việc hành hung nhân viên của Công ty Vịnh Hudson chứ?”

Knox nghĩ: Ôi, không.

Vị quan tòa từ St. Pierre nói tiếp: “Chuyện đó xảy ra đã khá lâu rồi, nhưng ông ta là nghi can của một vụ tấn công khá nghiêm trọng, ông thấy đó, nếu ông chỉ cần chờ thêm một thời gian ngắn thì mọi việc hẳn đã sáng tỏ.”

Knox đáp: “Tôi vẫn không tin ông ấy là thủ phạm mà chúng tôi đang truy tầm. Chỉ vì một người đã làm việc gì đó sai trái - một thời gian trước - không có nghĩa là ông ta sẽ làm thêm việc sai trái.”

“Đúng vậy. Nhưng nếu bản chất người đó là hung hãn, thì xu hướng đó có thể bùng lên lần nữa và lần nữa. Cùng một người không thể hung hãn và rồi hiền lành.”

“Tôi không chắc mình đồng ý với ông ở điểm này. Đặc biệt là nếu hành động hung hãn xảy ra lúc người ta còn trẻ.”

“Đúng. Được rồi. Còn có nghi can nào khác đang tự do không?”

“Tôi không muốn mình phải nói ra theo cách đó. Tôi đã phái hai người đi theo dõi một anh trai trẻ mất tung tích gần thời điểm đó. Họ chưa trở về.”

Ông tự hỏi: Và họ đang ở nơi chốn chết tiệt nào? Đã gần hai tuần lễ rồi.

“Tôi được biết bà mẹ của anh ấy cũng mất tung tích?”

Knox đáp: “Bà ấy đi tìm đứa con trai mình.”

“À ra thế.” Ông tháo ra gọng kính vốn đã hằn thành vệt đỏ trên sống mũi ông, rồi dùng ngón tay chà sát. Ánh mắt của ông chiếu đến Knox rõ ràng muốn nói: “Quả thực ông đã gây rối rắm cho cái thị trấn này.”

“Ông định làm gì với tôi?”

Vị quan tòa từ St. Pierre lắc đầu: “Vụ việc này quả thực rất bất thường.” Đầu ông vẫn tiếp tục lắc khẽ, như thể một khi đã bắt đầu thì đó là chuyển động vĩnh cửu: “Bất thường nhất, rất khó mà biết tôi phải suy nghĩ ra sao, Ông Knox ạ. Nhưng tôi nghĩ, trước mắt, tôi có thể tin tưởng ông mà cho ông về nhà. Miễn là ông không - hà hà - rời khỏi nước.”

“Hà hà. Không. Tôi sẽ không làm chuyện đó.”

Knox đứng lên, không muốn mỉm cười lại với nụ cười khô khan của người kia. Ông nhìn ra rằng mình cao hơn người kia cả một cái đầu.

Đã được tự do, Knox cảm thấy kỳ lạ là mình không muốn về nhà vội. Ông dừng lại rồi theo sự thôi thúc mà gõ cửa phòng của Sturrock. Sau một giây, cánh cửa mở ra.

“Ông Knox! Tôi vui mừng thấy ông lại được tự do. Tôi đoán vậy, hay là ông đã trốn thoát?”

“Không. Tôi được tự do, ít nhất là vào lúc này. Tôi có cảm tưởng như mình là một con người mới.”

Dù cho đang mỉm cười và giọng điệu ra vẻ khôi hài, ông không chắc Sturrock nhận ra là mình đang đùa cợt. Ông chưa bao giờ thành công nhiều trong việc đùa cợt - ngay cả lúc còn trẻ - mà ông nghĩ là do điều gì đó liên hệ tới phong thái thâm trầm của mình. Khi còn là một luật sư trẻ tuổi, ông đã nhận ra rằng cảm xúc mà ông thường tạo cho người ta là nỗi hoảng hốt và mặc cảm phạm tội, như thể ông đã ra đòn phủ đầu. Việc này cũng có tác dụng của nó.

“Vào đây.” Sturrock đưa ông vào bên trong như thể Knox là người mà ông muốn gặp nhất trên đời.

Knox tự cho phép mình tự mãn về thái độ này, và đón nhận một ly whisky: “Này, chúc sức khỏe!”

“Chúc sức khỏe! Tôi xin lỗi đây không phải là rượu mạch nha, nhưng dù sao ta đã ở đây... Bây giờ xin cho tôi biết, ông thấy một đêm trong nhà giam là như thế nào?”

“À...”

“Tôi ước gì có thể nói rằng mình chưa từng kinh qua, nhưng buồn thay, không đúng. Cách đây lâu rồi, ở Illinois. Nhưng vì phần đông mọi người đều là tội phạm ở dưới đó, nên tôi có nhiều bạn tốt...”

Hai người trò chuyện một lúc, mỗi người đều thoải mái với người kia. Chai rượu vơi dần khi khung cửa sổ tối đen. Knox nhìn lên bầu trời và có thể nhận ra trên các mái nhà là màu đen nặng trĩu, báo hiệu thời tiết sẽ xấu thêm. Phía dưới, một bóng người vội vã bước ngang con đường vào của hiệu bên dưới, ông không nhìn ra đó là ai. Ông nghĩ có lẽ tuyết sẽ rơi nữa.

“Thế thì ông vẫn lưu lại đây, chờ cho anh con trai trở về phải không?”

“Vâng, tôi nghĩ vậy.”

Một khoảnh khắc im lặng kéo dài; whisky đã cạn. Cả hai đang nghĩ đến cùng một việc.

“Ông sẽ phải làm giàu cho cái quán này bằng... tấm thẻ xương.”

Sturrock nhìn xéo qua ông, một ánh mắt đầy suy tính: “Tôi nghĩ phải như vậy.”

 

[40] Hay: họ của Bà Ross khi còn độc thân.

[41] Ophelia: nhân vật nữ chính trong vở kịch Hamlet của Shakespeare, bị giằng xé giữa một bên là tình yêu, một bên là lòng thù hận.

[42] Nấm trifle: cách viết thông dụng hơn là “truffle”: nấm hương củ có mùi thơm đặc biệt, mọc hoang trong lòng đất gần cây sồi hay cây dẻ ở châu Âu, nhưng rất hiếm, giá rất cao, thường được sử dụng với lượng ít như là gia vị, để làm tăng hương vị các món thịt hầm, bánh ngọt...

[43] Tử thần: sách nguyên bản ghi là banshee, trong thần thoại Ireland là nữ thần làm nhiệm vụ liên lạc từ thế giới bên kia, báo trước cái chết của người trên trần gian, thường lảng vảng quanh nhà có người sắp chết.

[44] Gỗ hồng chèn hàm răng: Bà Ross nhắc đến lúc ở trong bệnh viện tâm thần, khi bệnh nhân lên cơn co giật hoặc run rẩy thì y tá dùng một miếng gỗ nhét vào giữa hai hàm răng, có tác dụng tránh gây thương tích trong miệng, và cũng trấn an tinh thần bệnh nhân.