Sự Hiền Hòa Của Sói

Chương 11

Các toán tìm kiếm không thấy dấu vết của kẻ đào tẩu, còn ông Ross tỏ ra kiên cường nên giúp lắng dịu nỗi lo về việc vợ ông đã biến mất. Mọi người đều đoán bà sẽ gặp Moody và đứa con trai. Mackinley không xuất hiện tham gia vào hai việc này, và giam mình trong phòng hầu như cả ngày. Gần ba ngày sau khi hai người biến mất, Mackinley lui tới nhà ông Knox như là bóng ma muốn trả thù. Ông tỏ ra tức giận với thái độ chua cay của một người vốn đã nắm bắt được con mồi trong tay nhưng lại bị sổng mất.

Gia đình ông Knox không nói ra tên Mackinley như thể xem ông này không hiện diện mà mong cho ông biến đi. Knox đề nghị ông trở lại Pháo đài Edgar để chờ đợi tin tức của Moody. Mackinley từ chối, ông nhất quyết lưu lại trong khi các liên lạc viên được phái đi với mô tả nhân dạng của kẻ đào tẩu. Ông bị ám ảnh về nhiệm vụ của mình, hoặc là về việc ông đang làm; còn Knox thì không biết chắc.

Sau bữa ăn tối hôm nay, Mackinley lại bắt đầu nói về cơ may. Ông trở lại với các chủ đề mình yêu thích, các anh hùng của Công ty, và lại tiêu khiển Knox với câu chuyện mà ai cũng đã biết về một người tên James Stewart đã thúc giục nhân viên của mình đi trên lớp tuyết mùa đông để vận chuyển hàng tiếp liệu cho một thương điếm, hoàn tất chuyến đi gây kinh ngạc trong thời tiết kinh khủng. Mackinley đã say. Ánh mắt ông long lanh vẻ nham hiểm khiến cho Knox chột dạ. Nếu đúng là con người Mackinley thì đấy không phải là do rượu vang của Knox; ông ta hẳn đã uống rượu trong phòng mình.

“Nhưng làm thế nào ông biết được chuyện đó?” Mackinley đang hỏi Knox, nhưng mắt nhìn ra lớp tuyết mềm mại bên ngoài mà xem dường ông thấy có ác cảm. Giọng ông cũng dịu đi; ông cố không to tiếng, cố không ra vẻ nhỏ mọn. Điều kỳ lạ là cho dù Knox nhận ra đấy là thái độ màu mè, ông vẫn thấy ớn lạnh.

“Ông biết họ đã làm gì đối với anh ấy không - một nhân viên giỏi như vậy? Và tất cả chỉ vì thiếu may mắn một chút? Anh ấy là một trong những người giỏi nhất. Một nhân viên Công ty xả thân hết mình. Đáng lẽ bây giờ anh ấy phải được giao quyền quản trị, nhưng họ đã đẩy anh ấy đến một vùng hoang vu giữa chốn không người - không có lông thú gì cả, vùng đất trơ trụi. Tất cả chỉ vì thiếu may mắn một chút. Như vậy là không phải. Không phải chút nào, đúng không?”

“Đúng là không phải.” Cũng là điều không phải khi ông phải gánh lấy Mackinley đến làm khách trong nhà, nhưng ông không than phiền với ai được. Chỉ ước gì Mackinley đã đi tìm anh con trai Ross và để Moody lưu lại đây. Susannah cũng sẽ vui hơn.

“Tôi sẽ không để cho họ gạt mình qua một bên. Họ sẽ không làm như vậy đối với tôi.”

“Tôi tin chắc chuyện đó sẽ không xảy ra. Đó không phải là lỗi của ông.”

“Nhưng làm thế nào họ nghĩ về tôi như vậy? Tôi có trách nhiệm về pháp luật và trật tự ở pháo đài và vùng phụ cận. Có lẽ nếu ông viết một bức thư... nêu ra những sự kiện, đại loại như vậy...” Mackinley mở to mắt nhìn Knox như thể ý tưởng này mới chớm trong đầu mình.

Knox cố nén thở dài vì cảm thấy khó tin. Ông đã tự hỏi liệu Mackinley sẽ yêu cầu như thế hay không, nhưng rồi nghĩ việc này là quá trơ tráo. Ông im lặng một khoảnh khắc để cân nhắc câu trả lời.

Ông nhìn Mackinley, cố giữ nét mặt mình được ôn hòa: “Ông Mackinley ạ, nếu phải viết bức thư như vậy, theo lẽ công bằng thì tôi phải nêu ra mọi sự kiện mà tôi biết, để tránh gây hoang mang.

“À dĩ nhiên rồi...” Mackinley ngưng lại, mắt mở to: “Ý ông nói gì? Adam đã nói gì?”

“Adam không nói gì hết. Chính mắt tôi đã thấy ý tưởng của ông về công lý được thực hiện ra sao.”

Mackinley trân trối nhìn ông với vẻ giận dữ, nhưng không nói gì thêm. Knox cảm thấy thỏa dạ đã làm ông ta câm miệng.

Khi cuối cùng Knox rời khỏi nhà, tuyết và mây mù kết hợp lại để tạo ra một thứ ánh sáng lạ lùng, một quang cảnh nhợt nhạt trong bóng tối nhá nhem khiến không khí như trở lạnh thêm. Dù cho ngày ngắn, đêm dài và mặt trời di chuyển thấp qua đường chân trời, người ta có cảm giác được bù đắp - có lẽ đấy là dấu hiệu báo trước màn trình diễn của cực quang - giúp cho bước đi ông được nhẹ nhàng hơn. Điều lạ lùng là ông cảm thấy thảnh thơi trong khi đang chuốc lấy nỗi nhục nhã.

Thomas Sturrock mở cánh cửa và một luồng không khí ẩm mốc tràn vào hành lang. Rõ ràng ông là người tin rằng không khí trong lành phải ở bên ngoài.

“Tôi tin tối nay chúng ta sẽ bị chộn rộn. Đã có xung đột nội bộ, và những người chủ nhà của tôi can dự theo cách khác.”

Knox không biết trả lời ra sao. Nhưng ông không muốn giáp mặt với John Scott khi ông này đang uống rượu. Có lẽ trút nỗi bực bội lên bà vợ rồi ra ngoài tạo bộ mặt của một công dân tốt thì tốt hơn. Ông lấy làm xấu hổ vì ý nghĩ này, nên gạt bỏ nó trong đầu.

“Tôi nhận được tin nhắn của anh, và nóng lòng muốn biết anh nói gì.” Ông tự nhắc nhở mình phải cảnh giác, ngay cả đối với Sturrock.

“Tôi đang nghĩ tới Jammet, khi chúng ta đang tìm kiếm dọc bờ hồ.” Sturrock rót hai ly whisky và khẽ lắc làm cho thứ chất lỏng màu hổ phách sóng sánh. “Và tôi đang nghĩ tới một người quen trước kia, khi tôi làm nghề dò tìm. Tên anh ấy là Kahon’wes.”

Knox im lặng chờ nghe tiếp.

“Tôi không chắc có nên nêu chuyện này ra hay không... Tôi tự hỏi, lại sao một thương nhân như Jammet lại bị giết - với mục đích gì? Tuy tôi không chắc, dĩ nhiên là như vậy rồi, nhưng tôi nghĩ đó có thể là do tấm thẻ bằng xương.”

“Tấm thẻ bằng xương mà trước đây ông nói tới phải không?”

“Phải. Tôi đã nói với ông tôi cần nó cho việc nghiên cứu mà tôi đang theo đuổi vào lúc đó, và có lẽ ông nghĩ tôi cố chiếm nó cho bằng được, những người khác cũng muốn bằng mọi cách. Tuy nhiên... à, mặc xác, thậm chí tôi còn không biết nó đúng là thứ tôi nghĩ trong đầu hay không.” Khuôn mặt ông trong ánh sáng đèn trông khô khan và già cỗi.

“Ông nghĩ nó là cái gì?”

Sturrock nốc một hớp rượu rồi nhăn mặt như thể đó là dược phẩm.

“Điều này nghe ra ngớ ngẩn, nhưng... này, tôi tin nó có thể là chứng cứ của một thứ chữ viết thời xa xưa của người Da Đỏ.”

Knox muốn bật cười. Đúng là nghe ra ngớ ngẩn - một chuyện phiêu lưu của trẻ con. Ông chưa từng nghe chuyện gì nực cười như thế.

“Điều gì làm cho ông tin như vậy?” Ông không hề nghĩ Sturrock là người người ngu dốt, dù cho ông này có khuyết điểm. Có lẽ Sturrock đã sai lầm và đó là thiếu sót của ông ta; đó cũng là lý do tại sao ở tuổi lục tuần ông vẫn mặc chiếc áo choàng kiểu cổ xưa với khuy măng sét sờn.

“Tôi có thể thấy điều ông nghĩ là ngớ ngẩn. Tôi có lý do. Tôi đã nghiên cứu vấn đề này hơn một năm.”

Knox không thể dừng: “Nhưng ai cũng biết không có chuyện đó! Không có một tí bằng chứng gì cả. Nếu đã từng có thứ chữ viết như vậy, thì phải có vết tích... phải có tài liệu hoặc ghi chép, hoặc chứng cứ truyền khẩu... nhưng mà không có gì cả.”

Sturrock nhìn ông một cách nghiêm túc.

Giọng nói của Knox mang ý hòa giải: “Tôi xin lỗi nếu mình có ý bác bỏ, nhưng chuyện này là... quái dị.”

“Có lẽ vậy. Nhưng một số người vẫn tin là chuyện đó có thể đúng. Ông có nhìn nhận như vậy không?”

“Có. Có, dĩ nhiên là họ có thể tin.”

“Và nếu tôi đi tìm kiếm nó, những người khác cũng đi tìm.”

“Điều này có lẽ cũng đúng.”

“Vậy thì, điều mà tôi thường nghĩ là như thế này: người mà tôi nói tới, Kahon’wes, là một nhà báo, một nhà văn. Người Da Đỏ, nhưng là người có thiên bẩm. Có học thức, thông minh, có tài viết ra một câu văn nghe hay ho, đại loại như thế. Tôi vẫn nghĩ anh ấy có thể lai dòng máu da trắng, nhưng tôi chưa từng hỏi. Anh ấy có niềm hãnh diện một cách cuồng tín; bị ám ảnh bởi ý niệm cho rằng người Da Đỏ, vốn có một nền văn hóa vĩ đại của riêng họ, thì theo mọi mặt là ngang hàng với người da trắng. Anh ấy có niềm tin sôi sục giống như một số tín đồ tôn giáo. Anh ấy nghĩ tôi là người thông cảm với quan điểm của anh; mà đúng thế, đến một mức nào đó... Tinh thần anh ấy không được vững vàng, anh chàng tội nghiệp - sa vào tật uống rượu khi làm chuyện gì đó không gây tiếng vang như mong muốn.”

“Ông muốn ám chỉ điều gì?”

“Ý tôi nói là anh ấy, hoặc người nào đó giống anh ấy, vốn nồng nhiệt tin vào sắc tộc và văn hóa Da Đỏ, sẽ làm bất cứ việc gì để nắm được một chứng cứ như vậy.”

“Người này quen biết Jammet không?”

Sturrock lộ vẻ hơi ngạc nhiên: “Tôi thực sự không biết. Nhưng nhiều người nghe chuyện - ông không nhất thiết cần phải biết ai đó muốn cái họ đã có. Chỉ tới lúc tôi nghe Jammet nói về tấm thẻ trong một quán cà phê ở Toronto thì tôi mới quen biết anh ấy. Jammet không phải là người kín tiếng.”

Knox nhún vai. Ông tự hỏi liệu có phải Sturrock thực sự kéo ông ra khỏi nhà mình chỉ để kể câu chuyện lạ lùng này hay không. “Bây giờ cái anh Kahon’wes đó sống ở đâu?”

“Việc này thì tôi không biết. Lần cuối cùng tôi gặp anh ấy là nhiều năm về trước. Tôi biết anh ấy đang đi đây đi đó trên bán đảo, viết các bài báo. Như tôi đã nói, anh ấy sa vào tật nghiện rượu rồi biệt tăm biệt tích. Tôi chỉ nghe nói anh ấy đi qua bên kia biên giới.”

“Ông kể cho tôi nghe chuyện này vì ông nghĩ anh ấy là nghi phạm phải không? Không đủ cơ sở vững chắc, ông có nghĩ vậy không?”

Sturrock nhìn vào ly rượu đã cạn. Bụi đã rơi vào ly, khiến cho một ít rượu còn sót lại trở nên sánh đặc.

“Có một lần, Kahon’wes nói với tôi về một thứ chữ viết cổ xưa. Ý tôi nói là điều khả dĩ có thứ chữ viết này. Trước đó, tôi chưa từng nghe nói tới.” Sturrock cười hiu hắt, vành môi mím lại: “Dĩ nhiên là tôi nghĩ anh ấy điên khùng.” Ông nhún vai trong dáng điệu khiến cho Knox nhận rằng ông xem dường bi ai một cách lạ kỳ.

“Rồi tôi đối mặt với tấm thẻ. Tôi còn nhớ anh ấy nói gì. Điều tôi đã kể cho ông có thể bất lợi cho tôi, nhưng tôi nghĩ ông cần biết tất cả sự kiện. Có lẽ nó không quan trọng, tôi chỉ kể cho ông những gì tôi biết. Tôi không muốn hung thủ không bị trừng phạt chỉ vì tôi không nói ra.”

Knox nhìn xuống, cảm thấy lại có thêm một chuyện phi lý: “Tiếc là ông không tiết lộ thông tin này sớm hơn, trước khi tù nhân trốn thoát. Có lẽ ông đã có thể nhận dạng được hắn.”

“Thực vậy sao? Ông nghĩ... À, à.”

Nhìn vẻ mặt của Sturrock, Knox không hề tin ông này vừa mới nhận ra sự việc. Knox bắt đầu nghi ngờ toàn bộ câu chuyện. Có lẽ Sturrock có một động lực nào khác để kéo sự chú ý đến người có hai dòng máu, hầu đánh lạc hướng chú ý về mình. Thực tế là, càng suy nghĩ ông càng thấy câu chuyện trở nên khó tin. Knox thắc mắc liệu thực sự có tấm thẻ hay không; chỉ có Sturrock đề cập đến nó chứ không ai khác.

“À, Ông Sturrock ạ, cảm ơn ông đã cho tôi biết. Chuyện này có thể… hữu ích. Tôi sẽ thảo luận với Ông Mackinley.”

Sturrock dang hai tay: “Tôi chỉ muốn giúp mang kẻ giết người ra trước công lý.”

“Dĩ nhiên rồi.”

“Còn có một chuyện khác.”

Knox nghĩ: À, bây giờ chúng ta đi đến chủ đề chính yếu.

“Tôi đang tự hỏi có thể nào ông bao cho tôi thêm một ít đồng tiền nhơ bẩn không?”

Trên quãng đường ngắn, lạnh lẽo bước về nhà, Knox chợt nhớ ra, thật rõ ràng đến mức gớm ghiếc và nhức buốt, câu ông đã nói với Mackinley lúc trước: “Chính mắt tôi đã thấy ý tưởng của ông về công lý được thực hiện ra sao.”

Ông đã bảo Mackinley (hoặc ít nhất đã cho phép Mackinley tạo ấn tượng) rằng ông đã không trở lại để gặp tù nhân sau khi Mackinley đã tra vấn. Ông chỉ có thể hy vọng rằng Mackinley đã quá say hoặc quá chộn rộn nên không để ý.

Trong những tình huống này thì đấy là hy vọng khổ sở.

༺༒༻

Trong khi ăn sáng, Parker nói về khách thăm viếng trong đêm. Con chó sói mà chúng tôi thấy là con cái, còn nhỏ tuổi, có lẽ mới hai tuổi và chưa trưởng thành hoàn toàn, ông nghĩ nó đã dõi theo chúng tôi cả vài ngày nay vì lý do hiếu kỳ, luôn đi cách xa khỏi tầm mắt chúng tôi. Có lẽ nó muốn giao phối với con Sisco, và thật ra đã làm thế rồi.

Tôi hỏi: “Nếu ta không có chó thì nó có đi theo không?”

Parker nhún vai: “Có thể.”

“Làm thế nào ông biết đêm qua nó ở đấy?”

“Tôi đã không biết điều này. Tôi chỉ đoán.”

“Tôi mừng vì ông đã cho biết.”

“Vài năm trước…” Parker ngưng lại, như thể lấy làm ngạc nhiên với chính mình vì nói ra mà không được hỏi. Tôi chờ đợi.

“Vài năm trước, tôi tìm thấy một con sói non. Tôi đoán mẹ nó đã bị giết, hoặc nó bị đuổi khỏi bầy. Tôi cố nuôi nó như chó nhà. Trong một thời gian, nó sống sung sướng. Nó giống như thú cưng, bà biết chứ... trìu mến với chủ. Nó liếm tay tôi rồi lăn tròn, ra chiều muốn chơi đùa. Nhưng rồi nó lớn lên, và không chơi đùa nữa. Nó nhớ rằng nó là sói, không phải là thú cưng. Nó nhìn chăm chăm vào khoảng xa xa. Rồi một ngày nọ, nó bỏ đi. Sắc tộc Chippewa có một cụm từ gọi việc này - có nghĩa ‘chứng bệnh suy tư cật lực’. Bà không thể thuần hóa một con thú hoang dã, bởi vì nó luôn nhớ gốc gác của nó và khát khao muốn quay về.”

Dù cố gắng, tôi không thể hình dung ra việc anh trai trẻ Parker chơi đùa với một con sói non.

Suốt bốn ngày, bầu trời ngả xám và hạ xuống thấp, không khí ẩm như thể chúng tôi đang đi qua đám mây mù mịt. Chúng tôi dần dần đi lên, lúc nào cũng băng qua rừng cây, dù cho cây cối thay đổi: tán cây thấp hơn, thông và liễu nhiều hơn, tuyết tùng ít hơn. Nhưng bây giờ cây rừng thưa thớt hơn, cây cối thu lại thành lùm bụi, và điều khó tin nhưng có thật là chúng tôi đã đến bìa rừng; điểm cuối của rừng vốn có vẻ như không có điểm cuối.

Chúng tôi đi ra một bình nguyên rộng khi mặt trời chiếu qua trần mây và soi sáng cả quang cảnh. Chúng tôi đang đứng trên rìa một biển trắng trên đó từng làn sóng tuyết lan đi đến chân trời theo hướng bắc, đông và tây. Từ lúc đứng bên bờ Vịnh Georgian, tôi chưa từng thấy những khoảng xa như thế, khiến cho tôi chóng mặt. Phía sau chúng tôi là rừng cây; phía trước là một quang cảnh khác mà tôi chưa từng thấy bao giờ, sáng lấp lánh, trắng và mênh mông dưới ánh mặt trời. Nhiệt độ đã hạ xuống vài độ; không có gió, riêng cái lạnh thì giống như bàn tay nhẹ nhàng nhưng cương quyết đè chặt lên lớp tuyết.

Tôi cảm thấy bấn loạn giống như lần đầu tiên đối mặt với rừng nguyên sinh ở Sông Dove: quá bao la, quá trống trải cho con người, và nếu mạo hiểm đi ra trên bình nguyên này, chúng tôi sẽ dễ bị nguy khốn như đàn kiến trên một đĩa thức ăn. Ở đây, đúng là không có chỗ nào để ẩn núp. Tôi cố ngăn chặn ước muốn quay trở lại dưới tán cây như tôi đã đi theo dấu chân của Parker khỏi vùng rừng quen thuộc, thân thiện. Tôi thấy mình gần gũi với những con thú đào bới dưới lớp tuyết trong mùa đông, để sống dưới đất, trong hang hốc.

Thật ra khu bình nguyên không phải là bằng phẳng, mà có đầy những gò đống đất và tuyết che giấu các bụi cây và đá tảng. Parker nói với tôi rằng cả bình nguyên là một đầm lầy, và là địa ngục phải vượt qua trước khi đông cứng. Ông chỉ đến một khoảnh trống đang nổi bọt, nơi ai đấy đã bị chìm xuống: là một trong những người chúng tôi đang theo dấu. Hiển nhiên là chúng tôi đã được dễ dàng hơn. Ngay cả thế, mặt đất nhấp nhô đến nỗi sau hai tiếng đồng hồ tôi hầu như không thể cất thêm bước nào được nữa. Tôi cắn răng mà chú tâm đến việc nhấc từng chân một, nhưng càng lúc tôi càng tụt lại phía sau. Parker phải dừng lại chờ cho tôi đi theo kịp.

Tôi bực tức. Việc này là quá khó khăn. Mặt mũi và tai tôi đã lạnh cóng, nhưng dưới lớp trang phục tôi đang đổ mồ hôi. Tôi muốn nơi trú ẩn và nghỉ ngơi. Tôi khát nước đến nỗi lưỡi có cảm giác như bọt biển khô khốc trong miệng.

Tôi la lên: “Tôi không thể!”

Parker bước lại phía tôi.

“Tôi không đi tiếp được. Tôi cần nghỉ.”

“Chúng ta chưa đi xa đủ để nghỉ. Thời tiết này có thể thay đổi.”

“Tôi không màng. Tôi không cử động được.” Tôi chìm xuống đến đầu gối trong tuyết, như là cách phản đối. Tôi cảm thấy thật thoải mái đến nỗi tôi nhắm mắt trong cơn sướng thỏa.

“Vậy thì bà phải ở đây.”

Vẻ mặt và giọng nói của Parker không hề thay đổi, nhưng ông quay người bước đi. Tôi nghĩ ông có ý định ấy, khi ông đi đến chiếc xe trượt tuyết và hai con chó đang bồn chồn và vướng víu nhau, ông không hề nhìn ngoái lại. Ông giật dây hai con chó và chúng bắt đầu chạy đi.

Tôi nổi giận, ông sẵn sàng bỏ đi và để tôi ở lại đây. Mắt đẫm lệ điên tiết, tôi cố nhấc chân và bắt đầu bước đi một cách đau đớn theo sau chiếc xe trượt tuyết.

Nỗi giận dữ thúc đẩy tôi đi tới trong một tiếng đồng hồ, đến lúc ấy tôi đã quá mệt nên không có cảm giác gì. Và rồi, cuối cùng, Parker dừng lại. Ông pha trà và sắp xếp lại các chiếc túi trên chiếc xe trượt tuyết, rồi ra dấu cho tôi ngồi lên. Ông đã sắp các chiếc túi thành một kiểu chỗ ngồi cho tôi tựa lưng. Bây giờ tôi cảm động sâu sắc.

“Các con chó xoay xở được không?”

“Chúng ta có thể xoay xở.”

Tôi không hiểu ông nói gì, cho đến khi ông cột một sợi dây nữa vào chiếc xe trượt tuyết để hỗ trợ hai con chó. Ông quấn một vòng da quanh trán, rồi dựa người vào sợi dây kéo, thét tiếng ra lệnh cho hai con chó, cho đến khi chiếc xe trượt tuyết được kéo lên khỏi lớp tuyết đông cứng, ông kéo và kéo căng thêm rồi bắt nhịp bước như trước. Tôi xấu hổ vì làm gánh nặng cho ông, vì làm khó khăn thêm trong khi đã đến gần mức giới hạn của sự chịu đựng. Ông không than phiền. Tôi đã cố cũng không than phiền, nhưng không thể nói mình đã làm tốt như ông.

Bám vào chiếc xe trượt tuyết khi nó trồi lên hụp xuống qua các đụn tuyết, tôi nhận ra rằng khu bình nguyên quả là đẹp. Quang cảnh sáng rỡ khiến cho tôi chảy nước mắt, và tôi lóa mắt không phải theo thể chất, mà vì có ấn tượng mạnh đối với sự thuần khiết rộng lớn, trống không. Chúng tôi đi qua những bụi rậm có nhánh lá mang tuyết giăng thành mạng, và đi qua những hòn băng bắt lấy ánh nắng rồi phản chiếu lại thành những cầu vồng. Bầu trời là một mầu xanh da đồng được đánh bóng; không có một gợn gió, không có một tiếng động của bất cứ loại gì. Sự im lìm tạo cảm giác thật đè nặng.

Không như nhiều người, tôi không bao giờ cảm thấy thoải mái trong vùng hoang dã. Không gian trống rỗng khiến cho tôi nghẹt thở. Tôi nhận ra những triệu chứng của cơn kích động mới chớm và cố trấn áp chúng. Tôi cố nghĩ về đêm tối, và sự thoải mái từ tầm nhìn mù lòa này. Tôi cố nghĩ mình là người bé nhỏ và chẳng quan trọng gì cả, không đáng cho ai để ý. Tôi luôn cảm thấy điều này là dễ chịu, bởi vì khi tôi là không đáng kể thì còn ai muốn làm khổ tôi?

Có một lần, tôi biết một người đàn ông được Thượng đế tiếp xúc. Dĩ nhiên là có nhiều đàn ông và phụ nữ như thế trong bệnh viện tâm thần tôi đang sống - đến mức tôi thường tưởng tượng là nếu một người lạ từ miền đất khác đến nhà chúng tôi, ông ta hẳn sẽ nghĩ mình đã lỡ sa vào nơi chốn mà tất cả nhân vật linh thiêng nhất của xã hội chúng tôi tựu tập. Matthew Smart bị dằn vặt về cuộc trò chuyện. Ông là một kỹ sư đã nảy sinh ý tưởng là năng lượng của hơi nước lớn đến nỗi nó có thể cứu thế giới tránh khỏi tội lỗi. Chính ông đã được Thượng đế giao phó công việc chế tạo chiếc máy ấy, và đã bỏ ra nhiều nguồn lực để khởi động dự án này. Khi ông cạn tiền, dự kiến và sự điên rồ của ông bị phát hiện, nhưng bị bứt ra khỏi chiếc máy là cách tra tấn mà ông không chịu nổi, bởi vì ông nghĩ rằng nếu mình bỏ phế công việc thì tất cả chúng tôi sẽ sa vào Địa ngục, ông biết cá nhân mình quan trọng như thế nào trong dự kiến của mình, và luôn tóm lấy mỗi người trong chúng tôi để cầu khẩn giúp ông trốn thoát hầu có thể tiếp tục công việc thiết yếu của mình. Trong số những linh hồn bị đày đọa ấy, hầu như tất cả đều than van nỗi khổ riêng tư, thì lời cầu khẩn của ông là lời đau lòng nhất mà tôi đã từng nghe. Đã một hoặc hai lần tôi muốn liều chích cho ông một mũi thuốc để giúp ông thoát khỏi nỗi thống khổ (nhưng dĩ nhiên là không liều đến mức không chịu đựng nổi). Đấy là nỗi dằn vặt khi biết cá nhân mình là quan trọng.

Parker thét ra lệnh cho hai con chó, và chúng tôi lập tức dừng lại. Chúng tôi vẫn ở trong vùng đồng không nhà trống, không còn trông thấy rừng cây, và tôi không chắc mình còn có thể chỉ ra điều này.

Ông bước về phía tôi: “Tôi nghĩ tôi biết họ đã đi đâu.”

Tôi nhìn quanh, dĩ nhiên là không thấy gì cả. Khu bình nguyên trải dài theo mọi hướng. Nó thật sự trông như biển cả. Không có ánh mặt trời, tôi không biết mình đang đi theo hướng nào.

Ông chỉ về một hướng ngược chiều với mặt trời hiện đang lặn xuống bên tay trái chúng tôi: “Đằng kia là một thương điếm của Công ty gọi là Nhà Hanover. Còn cách vài ngày đường. Dấu vết chỉ đường đi tới đó. Có một địa điểm được gọi là Himmelvanger - một ngôi làng tôn giáo. Người nước ngoài. Tôi nghĩ họ là người Thụy Điển.”

Tôi dõi mắt theo ngón tay của ông và săm soi nhìn khoảng cách kéo dài đến hướng tây, nghĩ về bệnh viện tâm thần và những bệnh nhân mộ đạo náo động.

“Thế là, Francis...” Tôi khó nói ra hy vọng của mình, vì cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ họng.

“Khi đêm tối xuống, chúng ta sẽ tới đó.”

“À…”

Tôi không thể nói gì thêm, e mình sẽ phá hủy món quà may mắn lớn lao này. Trong ánh sáng ban ngày, thình lình tôi để ý là mái tóc của Parker không phải đen, mà có những vết màu nâu đậm nhạt, và không có vết trắng nào.

Ông lại thét ra lệnh cho hai con chó, một tiếng thét hoang dã vang dội quanh vùng đồng bằng trống không như tiếng hú của một con thú, và theo đó ông giật sợi giây kéo, rồi chiếc xe trượt tuyết phóng về trước. Hơi thở xộc ra từ người tôi, nhưng tôi không màng.

Tôi đang biểu lộ lòng tri ân của mình, theo cách của riêng tôi.