Công Tôn Vô Kỵ lại nói:
- Hừ, tiểu tử này như con đom đóm vậy mà dám múa dìu qua mắt thợ.
Y chưa nói dứt đã múa tít thanh kiếm phản công luôn, chỉ thấy một luồng kiếm quang nhằm đầu Thanh Lam úp chụp xuống.
Vừa rồi đối địch với Liễu Kỳ một hồi Thanh Lam đã lượm được khá nhiều kinh nghiệm lâm trận rồi, bây giờ chàng thấy kiếm thế của Độc Giác Tú tấn công tới như trăm ngàn bông hoa bạc làm loé mắt mình và ở bốn mặt tám phương bay tới khiến chàng không biết chống đỡ như thế nào cho phải, nhưng trước mặt cường địch chàng vẫn trấn tĩnh hết sức, chàng nhắm những bông kiếm của đối phương chưa lấn át xuống đã vội giở Truy Hồn bát kiếm ra chống đỡ, chàng giở pho kiếm này rất đúng lúc, chỉ thấy bẩy tám thanh kiếm lên lên xuống xuống kết thành một tấm màn kiếm quang bảo vệ lấy toàn thân, rồi chàng bước sang phía trái nửa bước, người theo kiếm chạy, chỉ nghe thấy tiếng kêu “loong coong” chàng đã xông ra khỏi vòng vây kiếm quang của địch rồi.
Công Tôn Vô Kỵ thấy vậy ngẩn người ra y không ngờ một thanh niên trẻ tuổi như vậy mà phá nổi làn kiếm quang của y, nhảy ra được bên ngoài như thế, y lại cười khì một tiếng múa xong lại tấn công Thanh Lam lần thứ hai.
Lần này y đã giở toàn lực ra nên kiếm của y càng kín đáo càng nặng hơn trước và thế sau mạnh hơn thế trước nhiều, y dồn toàn lực vào thân kiếm nên thế nào của y cũng có tiếng kêu “veo veo” hoài.
Chỉ trong nháy mắt Thanh Lam lại bị kiếm quang của đối phương bao vây chặt.
Vừa rồi thầy đồ Thư không kịp ngăn cản, để Thanh Lam đã nhảy ra đấu với Công Tôn Vô Kỵ nên ông rất lo âu cho môn đồ của mình.
Lúc này ông ta trông thấy Thanh Lam lại bị trường kiếm của đối phương bao vây chặt và càng đấu chàng càng đuối sức, ông ta cả kinh thất sắc, không còn nghĩ gì đến thân phận của mình nữa, liền quát lớn một tiếng, nhảy xổ lại tấn công luôn nhưng ông ta vừa nhảy ra đã có ba người khác nhảy tới ngăn, một trong bọn đó múa kiếm xông lại tấn công trước.
Thầy đồ Thư có phải là người thường đâu trong khi ông ta lơ lửng trên không mà còn giơ kiếm gạt ngang một thế, chỉ nghe thấy kêu “coong” một tiếng, cả hai người cùng lui về phía sau một bước.
Ông ta định thần nhìn kỹ mới hay người tấn công lén mình chính là Âm Dương Phiến Bạch Tú Sơn đại hán tuổi trung niên ăn mặc văn sĩ.
Bạch Tú Sơn phe phẩy cái quạt đưa mắt nhìn thầy đồ Thư một cái, rồi lắc lư mấy cái và hỏi:
- Công Tôn tiên sinh với thanh niên kia hai người cùng chưa phân thắng bại, sao Triển đại hiệp lại quá nóng nảy như thế làm chi.
Tất nhiên thầy đồ Thư cũng không lạ gì hai người đó, một là Thiết Bút Quí Tử Thanh và một là Quỷ ảnh Tử Hà Dị. Mười mấy năm trước cả hai tên này đã lừng danh trong hắc đạo rồi, ông ta lo âu sự an nguy của Thanh Lam nên không có tâm trí gì tranh luận với Bạch Tú Sơn, chỉ liếc mắt nhìn ba người một cái, rồi quát bảo:
- Ai ngăn cản ta sẽ chết. Các người không sợ chết cứ việc cả ba xông lên tấn công đi.
Ông ta vừa dứt lời đã múa kiếm nhắm ba người đâm luon ba nhát nhanh như điện chớp, người có tên tuổi ra tay vẫn khác, kiếm thế nhanh tuyết luân và lợi hại vô cùng.
Bạch Tú Sơn phải gật đầu khen ngợi:
- Kiếm pháp cao siêu thật.
Và y ung dung múa quạt lên chống đỡ, y xoay người một vòng, nhằm Huyền cơ huyệt của thầy đồ Thư dùng đầu quạt điểm luôn, còn Quí Tử Thanh thì múa cây bút sắt nhằm Phong vỹ huyệt ở phía sau tấn công tới. Trong ba kẻ địch ấy chỉ có võ công của Hà Dị là kém nhất, nhưng nhờ có Bạch Tú Sơn với Quí Tử Thanh hai tay cao thủ đỡ đầu, y múa thanh đao quỷ đầu tả xông hữu đột nhằm chỗ sơ hở của thầy đồ mà tấn công.
Thầy đồ Thư một mình chống đỡ với hai tay cao thủ bên ngoài lại có Hà Dị thỉnh thoảng đâm một nhát dao, mà ông ta vẫn phấn chấn khôn tả, ông ta cười ha hả mấy tiếng liền múa tít trường kiếm, đằng trước chống đỡ thế quạt Tú Sơn, đằng sau gạt cây búa của Tử Thanh và còn đủ thời giờ phản công lại Hà Dị thanh kiếm của ông ta nhanh như linh xà, mạnh như thần rồng, nhưng cái quạt nang vàng trắng của Tú Sơn và cây bút thép của Tử Thanh cũng nổi tiếng trên giang hồ, chúng ra tay thần tốc nhắm rấ đúng huyệt, bút quạt tấn công cùng một lúc liên miên bất tuyệt, tất cả yếu huyệt ở quanh người thầy đồ đều là mục đích của cây bút và cây quạt ấy.
Trận đấu càng đấu càng kịch liệt, càng nhanh và đẹp mắt khôn tả, nếu địch thủ không phải là thầy đồ Thư thì có lẽ đã chống đỡ không nổi hai kẻ địch ấy rồi, thi thoảng lại còn bị Quỷ ảnh Tử Hà Dị tấn công lén nữa.
Nhưng Thầy Đồ quả thật cao siêu lúc nào cũng như bóng theo hình theo sát nút Hà Dị khiến Tú Sơn và Tử Thanh không biết đâu mà cản trở.
Hà Dị thấy địch thủ cứ theo dõi mình tấn công y cuống lên múa tít thanh đao để bảo vệ lấy mình mẩy, ngờ đâu trường kiếm của Thầy Đồ đã xuyên vào trong bóng đêm lúc nào không hay, chỉ nghe thấy kêu “coong” một tiếng thanh Quỷ đầu đao của Hà Dị đã bị chặt gãy làm đôi một khúc bắn ra ngoài xa và hổ khẩu tay của y cũng bị bật máu y hoảng sợ khôn tả vội nhảy sang bên ngay, biệt hiệu của y cũng khá cao siêu, nhất là trong lúc nguy hiểm này y giở hết tốc lực nhảy ra ngoài xa hai trượng không thấy Thầy Đồ đuổi theo nữa, y mới hoàn hồn, định thần nhìn lại trận đấu thấy ba người còn đấu kịch liệt hơn trước và còn nữa khúc đao ở trong tay của y chỉ còn lại một chút ở gần cán thôi.
Đang lúc Hà Dị đứng ngẩn người ra nhìn thanh đao gãy, thì bỗng nghe thấy trong vườn hoa tiếng người ồn ào, đèn lửa đang tiến thẳng về phía bên này y bỗng nghĩ đến mấy tên đồng bọn liền bụng bảo dạ rằng:
- “Ủa Ưng Trảo Tôn Khách với sáu người nữa, đã hàng nửa ngày rồi sao không thấy quay trở lại chẳng lẽ trong Tiết Đô Sứ Phủ lại có cao thủ khác hộ viên chăng?”
Đang lúc ấy, y đột nhiên nghe thấy Công Tôn Vô Kỵ sư phụ của y đang đấu với Thanh Lam đồng quát lớn và có tiến khí giới va chạm nhau, bóng kiếm lịm hẳn, hai người ấy đều nhảy sang hai bên.
Thanh Lam mồ hôi ướt đầm mặt nhợt nhạt đứng sang bên, còn Công Tôn Vô Kỵ mặt xám xì tay áo bên phải đã bị kiếm của đối phương cắt phải, vẻ mặt giận dữ và đang nhìn cuộc đấu của thầy đồ Thư, Tú Sơn với Tử Thanh ba người, mồm thì quát lớn:
- Ngừng tay.
Y đã dồn hết nội lực mà quát bảo, nên tiến quát ấy kêu như sấm động ba người liền ngừng tay ngay.
Công Tôn Vô Kỵ phất tay một cái, lại quát tiếp:
- Đi.
Nói xong, y tung mình đi trước, Tú Sơn, Tử Thanh với Hà Dị ngơ ngác không hiểu nhưng vẫn theo sau đi luôn.
Chỉ trong nháy mắt mấy người đó đã đi mất dạng.
Thầy đồ Thư ngạc nhiên vô cùng không hiểu tại sao bỗng dưng kẻ địch lại bỏ chạy hết đi như thế. Ông ta quay đầu lại nhìn thấy Thanh Lam hai cái mồm phun máu tươi ra liền. Ông giật mình kinh hãi vội chạy lại nắm lấy cánh tay trái của chàng còn tay phải thì vỗ vào đại huyệt sau lưng chàng mấy cái, và mồm thì gọi:
Thanh Lam, cậu bị thương đấy à?
Thanh Lam duỗi thẳng người một cái và đáp:
- Không sao, đệ tử đỡ mấy nhát kiếm rất mạnh của y chắc dùng sức quá nhiều mà hộc máu ra đấy thôi, nhưng tên Độc Giác Tú cũng bị đệ tử đâm thủng tay áo và đẩy bắn ra ngoài xa.
- Cái gì, cậu...
Thầy đồ Thư nghe thấy chàng nói như vậy trợn thrn xoe đôi mắt lên nhìn chàng và ngạc nhiên vô cùng.
Vì ông ta nhận thấy võ công Độc Giác Tú Công Tôn Vô Kỵ rất cao siêu, chính ông ta cũng chưa chắc thắng nổi. Nay Thanh Lam là một người mới học võ không lâu lại đánh lui được địch thủ mạnh như thế, nhưng ông ta vừa hỏi tới đó đã thấy những lính lệ và võ sĩ ở trong phủ tay cung tay giáo cầm đèn đuốc đi như bay ra, ông ta liền ngắt lời không hỏi nữa.
Người đi đầu chạy hớt hơ hớt hải chính là thư đồng Tiết Phúc.
Thì ra vừa rồi Tiết Phúc trông thấy năm tên giặc đột nhiên xuất hiện ở trước Cư Nhàn tiểu trúc, nhân lúc thầy đồ Thư chạy vào trong nó lẳng lặng leo qua cửa sổ chạy ra trước báo tin.
Lúc ấy, các người thấy trên mái nhà ở nội trạch có bốn tên bị bắn chết và hai tên giặc bị bắt trói, các người lại tưởng trong phủ có Kim Giáp Thần bảo hộ nên sáu tên giặc này mới bị bắn chết và bị trói như thế, chắc là thần đã hiển linh, vì vậy các gia tướng càng hăng hái thêm.
Đại công tử Tiết Kế Tiên tọa trấn ở trong nội trạch nghe thấy trong vường hoa có giặc tới quấy nhiễu liền phái một đội cung tên thủ và đội câu móc đi vào trong viện.
Bọn gia tướng vào tới thấy thầy đồ Thư với biểu công tử hai người đang đứng trò chuyện phiếm vội chạy lại thỉnh ra.
Thầy đồ Thư chỉ cho bọn gia tướng hay là những tên giặc đã đào tẩu rồi bảo chúng đi khám xét mọi nơi một lượt, xem có còn dư đảng của bọn giặc phục ở xó nào không.
Bọn gia tướng vâng vâng dạ dạ chia nhau đi lục soát ngay.
Thầy đồ Thư chờ bọn gia tướng đi khỏi liền quay lại bảo Thanh Lam rằng:
- Thanh Lam, cậu hãy theo tôi vào đây.
Thanh Lam theo thầy đồ vào trong phòng Tiết Phúc cùng theo vào, vội rót nước cho hai người.
Thầy đồ Thư bảo Thanh Lam ngồi xuống ghế nghỉ ngơi, còn mình thì đi vào trong phòng.
Một lát sau ông ta cầm một viên thuốc màu đỏ ra đưa cho chàng và nói:
- Viên thuốc này tên là Chu Y đoạt mệnh đơn, một thứ thuốc cứu thương rất linh nghiệm của bổn môn, không những có thể chữa được các thứ nội thương mà người sắp chết cũng có thể cứu sống được, đồng thời trong thuốc có Tuyết Liên và Hà thủ ô nghìn năm, nên uống nó không những chữa được vết thương mà công lực còn mạnh hơn trước. Cậu mau uống đi, lão phu còn có nhiều lời muốn hỏi cậu.
Thanh Lam vâng lời lấy nước uống luôn viên thuốc ấy. Vừa vào tới cổ họng chàng cảm thấy một mùi thơm tho từ cổ họng chạy xuống, trong đơn điền có một luồng hơi nóng từ từ bốc lên.
Quả nhiên một lát sau, chàng đã cảm thấy tinh thần sảng khoái và hơi sức dồi dào hơn trước nhiều.
Chờ Thanh Lam uống xong viên thuốc ấy và nghỉ ngơi giây lát, thầy đồ Thư lại hỏi tiếp:
- Thanh Lam cậu hãy kể chuyện đấu với Công Tôn Vô Kỵ như thế nào cho lão phu nghe đã.
Thanh Lam nghĩ ngợi giây lát, rồi đáp:
- Đệ tử với Công Tôn Vô Kỵ công lực của hai người hơn kém nhau rất xa mỗi khi y ra tay đệ tử đều cảm thấy thế kiếm của y vừa mạnh vừa nặng khiến đệ tử phải gắng sức mới chống đỡ được.
Thầy đồ Thư gật đầu hỏi tiếp:
- Chung Nam kiếm pháp của phái Tần Linh xưa nay vẫn khét tiếng về nặng và mạnh, huống hồ Công Tôn Vô Kỵ đã luyện mấy chục năm kiếm pháp ấy rồi.
- Sau đệ tử liền giở Thông Thiên kiếm pháp ra dùng thế công mà phản công lại nhờ vậy mới lúng túng.
- Ừ!...
- Ngờ đâu, Công Tôn Vô Kỵ bỗng đổi một pho kiếm pháp khác, pho kiếm này của y tựa như trăm nghìn bông hoa bạc ở bốn mặt tám hướng dồn dập tới và bao vây đệ tử vào giữa.
- Đó là pho Tản Hoa Thủ của chúng đấy, Thiên Si Thượng Nhân vì thấy Trung Nam kiếm pháp quá nặng và mạnh, khiến sử dụng pho kiếm ấy phải hao tổn rất nhiều chân lực, nên ông ta mới căn cứ pho Truy Hồn bát kiếm của chúng ta mà sáng chế ra kiếm pháp Tản Hoa thủ ấy.
Đệ tử vẫn thường nghe thấy nói đến đấu kiếm nên lấy tĩnh chế động và thấy kiếm của đối phương biến ảo không lường mà không coi nó là biến ảo cho nên đệ tử cũng giở Truy Hồn bát kiếm ra chống đỡ.
- Hay, lấy nhanh chế nhanh, lấy ảo chế ảo. Cậu thông minh lắm.
- Nhưng đấu đến hiệp thứ năm thì quả nhiên đệ tử đã thoát ra được khỏi vòng kiếm quang của y. Y liền cười nhạt một tiếng lại có một lằn kiếm quang rất lớn bao vây tới, lúc ấy đệ tử cảm thấy trên không gian hình như bị kiếm của y bao trùm hết và càng đè càng nặng như núi Thái Sơn vậy.
- Đó mới là chỗ tinh hoa nhất của Trung Nam kiếm pháp dùng ý như kiếm và dùng khí sử dụng kiếm, thế còn cậu thì sao?
- Đệ tử tiếp tục giở thế thứ bẩy của Truy Hồn bát kiếm ra nhưng giở tới thế thì, thì kiếm của đối phương càng ngày càng nặng khiến đệ tử không sao chống đỡ nổi nữa...
- Sao rồi...
Thầy đồ Thư đột nhiên tỏ vẻ gay cấn mà chỉ hỏi có một câu “sao rồi” rồi không hỏi tiếp nữa...
- Còn thế nào nữa?
- Vâng, à thưa thầy đệ tử chỉ xoay đến vòng thứ bảy thì tay áo của y đã bị kiếm của đệ tử đâm thủng, đệ tử chỉ vừa quay đến vòng thứ chín thì y bị đẩy lui ngay.
Thầy đồ Thư kinh ngạc vô cùng và cũng rất chú ý đến tay của chàng vừa nói vừa quay tít.
Nghe xong, ông ta lẩm bẩm tự nói:
- Quay tròn? quay đến vòng thứ chín, thế là kiếm pháp gì mà đâm thủng được tay áo của Độc Giác Tú và còn đẩy lui được y, việc này ta không sao nghĩ ra được.
Ông ta trố mắt lên nhìn Thanh Lam ngơ ngác, hỏi tiếp:
- Thanh Lam, thế kiếm đó là cậu tự biến hóa ra đấy à?
- Thanh Lam lắc đầu đáp:
- Bây giờ đệ tử mới nghĩ ra có lẽ cụ ấy muốn đệ tử đánh lui Độc Giác Tú nên mới dậy đệ tử dùng thứ kiếm pháp này.
- Cụ ấy là ai? Thế kiếm pháp này ai cho cậu thế?
Thanh Lam lại lắc đầu ngập ngừng một hồi mới trả lời:
- Đệ tử không biết cụ ấy là ai, đáng lẽ đệ tử phải nói cho thầy biết, không...
Thầy đồ Thư vừa cười vừa hỏi tiếp:
- Vì cậu muốn đấu con nhãi họ Liễu, sợ lão phu cản trở chứ gì?
Thanh Lam mặt đỏ bừng rồi kể chuyện tối hôm nọ bỗng nhiên gặp ông già râu bạc thế nào cho thầy đồ Thư nghe.
- Càn Khôn Nhất Kiếm ư?
Thầy đồ Thư nói như vậy, ngẫm nghĩ giây lát lại nói tiếp:
- Lão phu chưa nghe thấy ai nói đến cái tên Càn Khôn Nhất Kiếm này bao giờ vả lại trên thiên hạ làm gì có pho kiếm pháp nào lại chỉ vẻn vẹn có một thế kiếm như thế, dù có đẩy lui được đối phương công lực cao siêu gấp bội mình thật, nhưng lão phu vẫn không dám tin, trừ phi đó là kỳ tích hay là cậu đã gặp Kiếm Thần.
- Kiếm Thần nào?
- Hừ, Thanh Lam, cậu hãy thử múa pho Càn Khôn Nhất Kiếm ấy ra cho lão phu xem.
Thanh Lam vâng lời đứng dậy rút trường kiếm ra đứng lấy thế.
Thầy đồ Thư vừa trông thấy thế đứng của chàng đã nhận thấy rất phù hợp với sự yêu cầu tối cao của kiếm thuật, thần với kiếm hợp, ý với kiếm thông, nên ông ta cũng phải gật đầu khen ngợi thầm.
Ngờ đâu chỉ trong nháy mắt Thanh Lam đã quay được tám cái vòng nho nhỏ nhanh như điện chớp.
Thầy đồ Thư cũng là kiếm thuật danh gia đương thời mà cũng không sao trông rõ.
Thanh Lam đã thâu kiếm thế lại, ngây người hỏi:
- Thưa thầy đã nhận xét ra pho kiếm ấy là của ai chưa?
Thầy đồ Thư ngẩn người ra giây lát, rồi thủng thẳng trả nói:
- Trong đời lão phu chưa hề trông thấy một pho kiếm thuật nào lạ như thế này bao giờ?
- Thưa thầy vừa rồi thầy nói Kiếm Thần đó là ai thế?
Hình như Thanh Lam đối với hai chữ Kiếm Thần đó cảm thấy rất hứng thú.
- Đó là sự ước đoán của lão phu đấy thôi cậu thử nghĩ võ công của cậu tầm thường như thế mà đã đẩy lùi được Công Tôn Vô Kỵ người số hai của phái Tần Linh và lại còn đâm thủng được tay áo của y nữa. Sở dĩ lão nói Kiếm Thần đó là Côn Luân lão nhân, mấy chục năm trước được thiên hạ ban cho ông ta một biệt hiệu là Kiếm Thần.
- Côn Luân lão nhân là ai?
- Hồi lão phu còn trẻ nghe tiên sư nói Càn Khôn bát đại thức của Côn Luân lão nhân là thần của kiếm thuật, à à phải rồi, thế kiếm của cậu là Càn Khôn Nhất Kiếm mà mấy chục năm nay chưa hề ai trông thấy qua... à không, à không có lý, nếu ông ta còn sống thì bây giờ đã trên trăm tuổi rồi, vậy ai mà sống được lâu như thế?
Trong lúc hai thầy trò đang nói chuyện thì bỗng đằng xa có tiếng coong coong coong vọng tới như là tiến gõ vãn bảng vậy (như cái kiểng ở các nhà chùa) Thanh Lam nghe thấy tiếng kêu đó giật mình kinh hãi vội đứng dậy nói với thầy đồ Thư rằng:
- Không ngờ, dượng lại thân hành về tới. Mời thầy hãy đi nghỉ trước, đệ tử còn phải ra báo cáo cho thầy hay.
Thầy đồ Thư gật đầu đáp:
- Thanh Lam, nếu Đốc soái có hỏi tới thân thế của lão phu còn có cơ mật muốn thưa cùng ngài.
Thanh Lam vâng lời, vội đi ra nhà luôn.
Lúc ấy, trong Tiết Đỗ Sứ Phủ từ vườn hoa ra tới ngoài đại sảnh, cứ mười bước là có một trạm canh, năm bước là có người lính đứng gác, cảnh giới rất là nghiêm mật, bên ngoài phủ cảnh vệ đi tuần hết đội này qua đội khác tới liên tiếp hoài.
Thanh Lam nghe người nhà nói biết dượng mình đang nghỉ ngơi bên hoa sảnh phía tây, chàng vội tới hoa sảnh khi đi qua hành lang sắp tới hoa sảnh, chàng đã trông thấy bốn đôi đèn lồng trên đề Tiết độ sứ Tiết. Hai bên lối đi các vệ sĩ cận thần đứng canh gác người nào người nấy trông rất lực lưỡng, tay cầm giáo mắt sáng quắc và đứng yên lặng như tờ.
Thanh Lam vừa bước lên thềm đã gặp ngay Tiết Vĩnh với Tiết Hoa hai gia tướng cận thần của dượng mình.
Hai gia tướng ấy vừa trông thấy biểu công tử tới vội vái chào và vén màn cửa lên cho chàng vào. Chàng thấy bên trong yên lặng như tờ chỉ có tiếng báo cáo tình hình trong phủ của biểu ca Tiết Kế Tiên cho dượng mình nghe thôi. Chàng ngửng đầu lên thấy một ông già mặt to tai lớn râu tóc hoa râm mình mặc áo mãng bào thắt lưng ngọc trông rất oai nghi, chính là dượng mình. Ông ta là Tiết độ sứ của sáu châu, Tương, Vệ, Hình, Lộ, Bối và Từ. Họ Tiết tên là Hao và cũng là Siêu Nghĩa quân của Thống Soái nữa. Lúc ấy ông ta đang ngồi nghe báo cáo, phía sau là một thiếu nữ áo đỏ trông đẹp như tiên tay cầm bút và sổ đứng ghi chép. Nàng áo đỏ ấy chính là Hông Tuyết cô nương thư ký riêng của dượng chàng và cũng là người mà chàng đêm ngày mơ tưởng.
Nàng áo đỏ vừa trông thấy Thanh Lam mặt đang tươi như hoa nở bỗng lạnh lùng và nghiêm nghị ngay cho nên Thanh Lam mới nghĩ thầm rằng:
- “Có lẽ nàng không yêu ta nên nàng mới đổi sắc mặt như thế.”
Chàng càng nghĩ càng đau lòng, nhưng sự thực chàng có biết đâu nàng rất yêu chàng, nhưng vì nàng còn có một việc lớn chưa làm xong, chỉ sợ rớt vào bể tình thì không sao hoàn thành được nhiệm vụ kia, nên nàng mới giả bộ làm ra đứng đắn như thế.
Hãy nói Thanh Lam chào dượng xong liền sang một bên và chờ người biểu ca báo cáo xong chàng mới tiến lên kể chuyện mình theo thầy đồ Thư học kiếm như thế nào và gặp Ngao Sơn Quỷ Thần ra sao.
Thầy đồ Thư đến đây dạy kiếm là vì ẩn danh tránh kẻ thù. Liễu Kỳ dò biết tối hôm nay tới tầm thù vân vân. Sau cùng chàng còn nói thầy đồ Thư có việc bí mật muốn thưa bảo mình xin phép trước.
Tiết Hao nghe Thanh Lam nói xong, liền gật đầu đáp:
- Thầy đồ Thư học vấn uyên bác, người rất hào khí, lão phu đã biết y không phải là người thường, Kế Tiên con mau ra mời ông ta vào hoa sảnh.
Kế Tiên vâng lời đi ra luôn.
Tiết Hao lại hỏi:
- Thầy đồ Thư kết thù kết oán với Liễu Kỳ ra sao?
Một lát sau Kế Tiên đã cùng thầy đồ Thư vào. Tiết Hao khiêm tốn vội đứng dậy tiến lên nghênh đón cười ha hả và nói:
- Vừa rồi lão phu nghe Thanh Lam thưa bảo thầy không những bác cổ thông kim mà còn là một danh võ công rất cao siêu nữa. Trước kia lão không tin nên mới thất kính như vậy.