Luyện như thế vài ngày, biểu ca có vẻ nóng ruột, và yêu cầu ông ta phải dạy võ cho, chứ không chịu luyện tập lối ngồi như thế. Ông ta cũng chiều lòng dạy quyền chưởng và kiếm pháp cho. Thế rồi từ đó đến giờ, ngày nào ta cũng luyện tập đều. Ngày hôm nay, ta nghe giọng nói của thầy đồ thì hình như ông ta nói đã dạy hết võ công của ông ta cho ta rồi. Hừ ta phải hỏi lại thầy đồ mới được. Ta theo ông ta học tập năm năm võ công như vậy, mà ta là người của môn phái nào ta vẫn chưa hay...
Sáng sớm ngày hôm sau, Thanh Lam ăn điểm tâm xong, liền tới thư phòng để học chữ, nhưng chàng không thấy mặt người anh họ, điều chàng không lấy làm lạ gì người anh họ lớn hơn chàng mấy tuổi, thỉnh thoảng dượng của chàng vẫn gọi người anh họ ra làm giúp công việc bí mật của dượng và quay việc trong phủ, nhiều khi người anh họ cũng phải trông nom tới.
Mấy ngày hôm ấy Nguỵ Bắc Tiết độ sứ Điền Thừa Tự có dã tâm muốn xâm chiếm đất đai của dượng chàng, nên chàng đoán chắc dượng bận đi tuần tiễu, cho nên người anh họ mới phải ra trông nom công việc của bổn phủ. Chàng thấy Thầy đồ Thư vẫn như ngày thường, thủng thẳng dạy các em họ trai và gái của chàng đọc sách, chàng liền đổi võ ra làm văn.
Thời gian trôi chảy đi rất nhanh, thoáng cái đã hết ngày. Tối hôm đó Thanh Lam lại đem trường kiếm tới chỗ bãi cỏ trước núi giả để luyện tập tám thế cuối cùng của “Thông Thiên kiếm pháp” là “Truy Hồn bát kiếm”
Tối hôm ấy Thầy đồ Thư không tới xem chàng luyện tập, vì hôm qua ông đã dạy cho chàng pho kiếm pháp mới ấy rồi, nên hôm nay chàng phải luyện tập lấy, ông ta không ra chỉ bảo nữa.
Lúc này chàng chỉ mong tên Hà Dị đã đào tẩu tối hôm trước quay trở lại để cho chàng thử tài ba học hỏi mấy năm nay đã tiến bộ tới mức nào? Nhưng chàng thất vọng vô cùng vì chờ mãi không thấy hình bóng của Hà Dị đâu cả, chàng đành phải tĩnh tâm mà luyện Truy Hồn bát kiếm...
Thời gian đi nhanh như nước chảy, hết ngày này qua tháng nọ, không bao lâu đã tới trung tuần tháng bảy, Điền Thừa Tự chiêu binh mãi mã để khuếch trương thế lực, y tự đặt bộ đội chiến đấu của y là Thiên Hùng quân và đội quân của y đã chiếm được bảy châu, thanh thế rất là hùng hổ.
Lúc ấy vì triều đình đã suy nhược nên không dám phái quân chinh phạt, trái lại còn phong cho y làm Bình Trương Sự sắc phong làm Nhạn Môn Quận Vương, thế là Điền Thừa Tự lại càng làm bộ làm tịch thêm, và y còn có giã tâm muốn cướp cả Lộ Châu, đất đai của Tiết độ sứ dượng của Thanh Lam nữa. Cả hai bên đều dàn binh bố trận ở biên giới, trận đại chiến sắp bùng nổ tới nơi. Trong thành Lộ Châu gây cấn hết sức. Tiết độ sứ phủ ở dưới núi Thành Hoàng canh gác rất nghiêm mật, quân binh ra vào tấp nập, hiển nhiên tình thế khẩn cấp lắm, nhưng trong vườn hoa ở sau Tiết độ sứ phủ lại yên lặng như tờ, Thanh Lam ngày vẫn học chữ, đêm đến vẫn luyện kiếm như thường.
Lúc ấy cách đêm hôm Thầy đồ Thư đánh bại Ngao Sơn Quỷ Thần chừng hơn tháng, vì từ đó đến giờ không xảy ra việc gì hết, nên Thanh Lam cũng quên dần câu chuyện kia rồi.
Tối hôm ấy chàng luyện một hồi Truy Hồn bát kiếm và thấy thủ pháp của mình đã thuần thuộc, tuy chưa được nhanh chóng lắm, nhưng cũng đạt tới đích là tám kiếm cùng tấn công một lúc rồi.
Chàng mừng thầm đang định luyện lại một lượt thì bỗng thấy trên góc mái hiên của lầu Hàm Xuân Các có một cái bóng đen nho nhỏ bay nhanh như chim cắt khi xuống tới cạnh núi giả thì biến mất.
Chàng giật mình kinh hãi biết người đó thể nào cũng là người dạ hành của giang hồ. Tuy người ấy chỉ thoáng cái đã mất dạng, nhưng chàng nhận ra được thân pháp của y rất nhanh, khinh công rất cao siêu, lần đầu tiên gặp địch chàng hồi hộp hết sức, nhưng không dám trì hoãn vội rút kiếm ra tung mình nhảy lên trên cao hai trượng và nhẹ nhàng hạ chân xuống đầu núi giả, nhưng chàng nhìn đi nhìn lại vẫn không thấy một hình bóng người nào hết. Dưới ánh sáng trăng chàng đoán chắc người đó đã nhảy qua bờ tường đi khỏi rồi, chàng vừa nghĩ vừa đi tới chỗ người dạ hành nhảy xuống để xem xét. Quả nhiên chàng đã thấy trên một đám rêu có đôi vết chân cung hài nho nhỏ dài chừng ba tấc, chàng kinh ngạc và bụng bảo dạ rằng:
- “Ủa sao người vừa rồi lại là một thiếu nữ!”
Chàng lại đưa mắt nhìn về phía người bỏ đi và nghĩ tiếp:
- “Lần trước thiếu nữ này đã cùng Ngao Sơn Quỷ Thần tới đây rồi, bây giờ lại xuất hiện lần nữa, như vậy chuyện này không phải là chuyện ngẫu nhiên đâu”
Chàng lại nghĩ đến Hàm Xuân Các nơi mà cái bóng đen vừa nhảy ra chính là chỗ đọc sách của dượng mình, xưa nay trên đó có những tủ chứa đầy sách thôi, chứ không có người nào ở đó hết. Cho nên chàng lại tưởng bọn giặc đã lấy nơi đó làm chỗ ẩn thân, chàng không kịp suy nghĩ vội xuống núi giả và phi thân lên trên đầu ấy xem sao. Chàng vừa lên thang vừa cầm kiếm giơ lên trước ngực để phòng bị, khi lên tới nơi, thấy cửa ngõ vẫn đóng kín như thường, chàng đang định đóng cửa vào bỗng ngửng đầu lên thấy dưới tấm bảng Hàm Xuân Các có một vật gì lóng lánh như sao bạc và một tờ giấy, chàng liền nhảy lên gỡ vật đó với tờ giấy xuống.
Dưới ánh trăng chàng thấy vật ấy là một con chim én bằng bạc nho nhỏ chế tạo rất khéo trông chẳng khác gì chim thực vậy, từ đầu đến đuôi dài không đầy hai tấc, mõm nó bén nhọn khôn tả vì cầm lên cũng thấy trĩu tay chàng đoán chắc chim này làm bằng một thứ thép già và đây cũng là một món ám khí độc đáo rất sắc bén. Chàng thấy tờ giấy ấy có viết mấy chữ như sau.
“Giấy này gửi cho Triển Nguyên Nhân hay ngươi phải biết thù mẹ không đội trời chung, ba ngày sau bổn cô nương sẽ tới lấy lại món nợ máu này”.
Bên dưới không có ký tên gì hết, chỉ xem nét bút chàng cũng biết đó là chữ của một thiếu nữ, chàng liền nghĩ thầm:
- “Ừ, có lẽ giấy này là của thiếu nữ hồi nãy để lại đây, còn Triển Nguyên Nhân là ai thế? À, phải rồi, đêm nọ Ngao Sơn Quỷ Thần chả gọi Thầy đồ Thư họ Triển là gì. Có lẽ thiếu nữ ấy tưởng ta với Thầy đồ Thư cùng ở trên phòng này cho nên mới để lại giấy hẹn ba ngày sau sẽ đến trả thù. Xem lời nói trong thơ này thì hình như y thị có thù với Thầy đồ Thư, chả lẽ Thầy đồ Thư đã giết chết mẹ nàng ta chăng? Vậy ta phải mau đi báo tin cho Thầy đồ Thư biết được”
Nghĩ tới đó, chàng vội quay người xuống lầu ngay, chàng tra kiếm vào trong bao rồi vội vàng đi qua cái cầu chín khúc trở về tịnh xá. Lúc ấy trước tịnh xá cư nhân tiểu trúc đang có một cái bóng đen thấp thoáng dưới bóng trăng. Người đó vừa trông thấy Thanh Lam đã vội ngừng và kêu gọi:
- Biểu công tử...
Thanh Lam cũng ngừng chân lại hỏi:
- Tiết Phúc, thầy đồ đã ngủ chưa?
Chàng chưa nói dứt, Thầy đồ Thư ở trong phòng hỏi vọng ra:
- Thanh Lam, khuya thế này cậu còn tới đây làm chi? Chẳng lẽ có việc xảy ra ư? Mau vào đây.
Thanh Lam vâng lời đi thẳng vào trong phòng, Thầy đồ Thư thủng thẳng hỏi:
- Có phải cậu ở Hàm Xuân Các tới đây không? Cậu thấy gì đó?
Thanh Lam nghe thấy Thầy đồ Thư hỏi như vậy giật mình đánh thót một cái bụng bảo dạ rằng:
- “Việc của ta vừa rồi sao thầy đồ cũng biết rõ như thế?”
Chàng vừa nghĩ vừa kinh ngạc vô cùng.
Thầy đồ Thư tủm tỉm cười hỏi tiếp:
- Cậu lấy làm ngạc nhiên phải không? Sự thực lão phu thấy cậu cầm trường kiếm trong tay không cần phải nói rõ cũng biết cậu ở đó tới chứ có gì đâu mà cậu phải ngạc nhiên như thế. Nếu cậu không phát hiện sự lạ lùng gì thì việc gì thì việc gì cậu phải vội đến kiếm lão phu như thế.
Thanh Lam nghe Thầy đồ Thư giải thích như vậy, trong lòng kính phục ông ta vô cùng và chàng mới biết sở dĩ ông ta hiểu rõ hành động của mình là do xét đoán tinh vi mà thôi. Thế rồi chàng để thanh kiếm lên trên mặt bàn và kể lại câu chuyện vừa rồi cho ông ta hay. Một mặt chàng đưa con chim én bạc với tờ giấy cho ông ta xem.
Thầy đồ Thư đọc tờ giấy đó xong mặt biến sắc lầm bẩm nói:
- “Chả lẽ là con nhỏ này ư? Hà! Mười tám năm rồi không ngờ chúng đã dạy được con nhỏ có võ công cao siêu thế, lại thân hành đến đây trả thù cho mẹ. Y thị bảo trả thù, thế là nghĩa lý gì, ta có thù hận gì với nó đâu?”
Thanh Lam không hiểu tại sao thầy đồ trông thấy chon chim én ấy mặt lại biến sắc và người buồn rầu đến như thế. Chàng cứ đứng ngẩn người ra ở trước mặt ông ta mà không dám lên tiếng hỏi:
Thầy đồ Thư đi lại mấy lượt rồi ôn tồn nói chàng rằng:
- Thanh Lam cậu hãy ngồi xuống đây.
Nói xong, ông cũng bắc một cái ghế đến gần rồi nghiêm nghị hỏi:
- Chắc cậu chưa biết rõ lai lịch và thân phận của lão rồi phải phải không?
Sự thực vấn đề này chàng đã muốn biết từ lâu, nhất là đêm nọ nghe thấy Ngao Sơn Quỷ Thần gọi là Bát Túy kiếm khách và họ Triển, cho nên bây giờ chàng thấy ông ta hỏi như thế liền gật đầu ngay.
Thầy đồ Thư lim dim cặp mắt giây lát rồi hỏi chàng tiếp:
- Tuổi cậu hãy còn trẻ, sanh trưởng ở nơi phú quý này, tất nhiên cậu không biết tí gì hết. Cậu có biết phái Không Động và phái Tần Lãnh không?
Thanh Lam vội đáp:
- Đệ tử còn nhớ năm nọ lúc thầy truyền thụ nội công cho và có nói môn nội công đó là nội gia tâm pháp của phái Không Động, nên mới đoán chắc thầy là người của phái Không Động.
- Phải, phái Không Động và phái Tần Lãnh mấy năm nay đều là Thái Sơn Bắc của võ lâm, nghĩa là trong thời gian đó hai môn phái này đều đứng đầu của các phái võ khác. Sở dĩ lão phu phải giải thích rõ ràng như thế là hai đại môn phái này có liên can mật thiết, cũng vì sự liên can mật thiết mà khiến lão phu phải thay tên đổi họ lui ra ngoài giang hồ để ẩn tích.
- Nếu vậy có phải thày đã gây hấn với phãi Tần Lãnh mà lui ra ngoài giang hồ không?
- Cậu thông minh thực.
Thầy đồ Thư khen Thanh Lam một câu rồi lại thở nhẹ một tiếng nói tiếp:
- Sự thực lão phu không phải họ Thư đâu.
- Thầy không phải họ Thư thì có phải họ Triển không?
- Bữa nọ đệ tử nghe thấy Ngao Sơn Quỷ Thần gọi thầy là họ Triển. Bây giờ thấy thầy nói như vậy con mới nhớ lại câu chuyện ấy.
Thầy đồ Thư nghe chàng nói tới đó kinh ngạc mỉm cười gật đầu nói tiếp:
- Tên họ thực của lão phu là Triển Nguyên Nhân vì Bát Truy Hồn thân pháp của pho Thông Thiên kiếm pháp rất lợi hại, khi giở ra tựa như thấy người của lão phu có tám cái cánh tay vậy, cho nên người trên giang hồ mới đặt cho lão phu một cái biệt hiệu là...
- Họ gọi thầy là Bát Túy kiếm khách phải không?
- Phải, nhưng bây giờ lão phu già rồi không còn hăng hái như xưa nữa.
Nói tới đó ông thở dài một tiếng mà không nói tiếp nữa.
Thanh Lam nóng lòng sốt ruột vội hỏi tiếp:
- Sau rồi thế nào nữa hả thầy?
Thầy đồ Thư vừa cười vừa đáp:
- Lúc ấy lão phu hãy còn trẻ, một thân một mình với thanh bảo kiếm ra hành đạo giang hồ khiến những cường đạo tự khấu của lục lâm và những tay hung ác của hắc đạo bị chết dưới kiếm của lão phu rất nhiều. Vì vậy cái tên Bát Túy kiếm khách mới lừng danh trên giang hồ.
Thanh Lam nghe tới đó cười tít mắt hào khí bồng bột xen lời nói:
- Vâng, đại trượng phu không thể cầm khí giới ra bảo vệ đất đai cho quốc gia để danh thơm muôn thuở, thì ít ra cũng phải trượng kiếm hành đạo giang hồ để diệt trừ kẻ hung đạo và cứu giúp những người yết ớt.
Thầy đồ Thư nghe thấy chàng nói như thế thở dài một tiếng và nói tiếp:
- Cũng vì thế mà mới xảy ra câu chuyện không may, lão phu có người bạn chí thân tên Tiểu Lý Quảng Liễu Trấn Động, ông ta lấy Xuyên Liêm Yến Ngũ Nương môn hạ đệ của Thiên Si Thượng Nhân làm vợ. Liễu Trấn Động là người em kết nghĩa của lão phu thì đúng hơn, chú ấy là đệ tử của Nhất Tăng đại sư phương trượng đời thứ ba của chùa Thiếu Lâm lại còn là tổng tiêu đầu của ba tiêu cục trứ danh ở tỉnh Hà Bắc, tính hiếu võ lại thêm công việc của tiêu cục bận rộn, nên lấy được người vợ đẹp như hoa nở như thế mà chú ấy lại để nàng cứ phải phòng không một mình hoài. Xuyên Liêm Yến vốn dĩ là một thiễu nữ dâm đãng trước khi chưa làm vợ của Liễu hiền đệ đã thông dâm với một tên đại đạo trong lục lâm, khi xuất giá rồi nàng chịu không nổi cảnh phòng không lạnh lẽo, liền kiếm người tình nhân cũ mà nối lại duyên xưa. Không bao lâu nàng hạ sinh được một đứa con gái, việc đời dù kín đến đâu người ngoài cũng hay biết, không bao lâu có người mách đến tại Liễu hiền đệ.
- Xuyên Liêm Yến tuy tự thị có phái Tần Lãnh đỡ đầu thực nhưng Liễu Trấn Động cũng là người có thế lực ở miền Đông Bắc, nay huống hồ lại là đệ tử phái Thiếu Lâm, mụ ta sợ chuyện vỡ lở không là chuyện chơi, nên mụ ta hạ thủ trước liền bỏ thuốc độc trong thức ăn để giết hại chồng.
Tuy Liễu hiền đệ nghi ngờ vợ mình đã mất trinh tiết, nhưng y có ngờ đâu vợ mình lại độc ác đến như thế, tội nghiệp cho y tương lai đang rực rõ, sự làm ăn đáng phát đạt, chỉ vì không biết chọn vợ lấy, phải lấy một con dâm phụ ác độc. Nên y đã uống phải thuốc mê, rồi cả nhà hai mươi mấy viện đều bị con dâm phụ ấy giết hết. Cũng may hôm đó lão phu vừa tới nơi nhưng khốn nỗi lại tới chậm mất một bước. Lúc ấy con dâm phụ đang phóng lửa đốt nhà, lão phu thấy vậy tức giận vô cùng, liền rút kiếm ra đâm nó luôn.
Con dâm phụ ấy là môn hạ của Tần Lãnh, lại được chân truyền của Thiên Si Thượng Nhân, nên lão phu kịch chiến với nó bốn mươi hiệp mà vẫn chưa phân thắng bại. Sau cùng lão phu giở Truy Hồn bát kiếm ra mới hất được kiếm của nó bắn đi, cứ theo công lực của con dâm phụ lúc đó mà nói thì nó muốn đào tẩu để thoát thân không phải là chuyện khó. Ngờ đâu trường kiếm của nó vừa rời khỏi tay thì lão phu bỗng thấy nó đứng đờ người ra lảo đảo như sắp ngã. Nhưng Truy Hồn bát kiếm của lão phu rất nhanh nhẹn nó mới chần chừ một chút thì kiếm của lão phu đã đâm vào cánh tay phải của nó. Nó liền ngã lăn ra đất chết nốt.
Thanh Lam nghe tới đó tỏ vẻ thắc mắc vội xen lời hỏi:
- Thưa thầy, thầy đâm vào tay dâm phụ dù có trúng yếu huyệt cũng chỉ bị tê liệt thôi, tại sao y thị lại chết nhanh như thế?
- Cậu thông minh thực, không uổng công lão phu đã tốn công năm năm dạy cậu rồi.
Nói tới đó, ông ta ngừng giây lát rồi lại nói tiếp:
- Chỉ lạ lùng ở điểm đó, lúc ấy rõ ràng lão phu chỉ đâm trúng huyệt ở cánh tay y thị một nhát, y thị ngã lăn ra chết tốt ngay, lão phu cũng thắc mắc vô cùng đang định chạy lại xem sao, thì đột nhiên nghe thấy phía sau có tiếng gió động vội quay người lại đã thấy một người bước ra. Người đó chính là nữ ni áo huyền tuổi trạc trung niên, vừa xuất hiện nữ nhi ấy đã lạnh lùng hỏi lão phu rằng:
- Họ Triển kia, ngươi có biết Xuyên Liêm Yến tại Tần Lãnh không? Sao ngươi dám thị pho Thông Thiên kiếm pháp tầm thường như thế mà hạ thủ y thị như vậy. Tuy việc này lỗi ở sư muội ta thực và y thị cũng đáng chết lắm, bần ni không phải là người bên quấy bên chày, nên bần ni cũng không muốn làm khó dễ ngươi làm chi.
Còn con nhỏ bần ni đã quyết tâm đem đi rồi, mười tám năm sau nó sẽ trở lại tìm ngươi đòi món nợ máu này.
Mụ ta không để cho lão phu lên tiếng nói nửa lời đã ẵm con nhỏ phi thân lên mái nhà đi luôn.
Nghe tới đây Thanh Lam lại nhịn không nổi vội xen lời hỏi tiếp:
- Thưa thầy, nữ ni đó là ai thầy có quen biết không?
- Mụ ấy là Tam Nhơn Tỉ Khấn Thẩm sư thái là một người rất nổi tiếng của phái Tần Lãnh sao lão phu không nhận ra được.
- Thưa thầy, con dâm phụ vạn ác đó lại ác độc như vậy, bất cứ trời hay người ai cũng có quyền xử tử nó. Thẩm sư thái là một người có tuổi của danh môn chính phái, như vậy sao lại bênh vực một dâm phụ đáng chết như thế kia.
- Thiên Si Thượng Nhân của phái Tần Lãnh võ công tuyệt thế, người trong võ lâm phải tôn trọng ông là Thái Sơn Bắc Đẩu và ông ta chỉ phải một nỗi rất hay bênh vực kẻ dưới thôi. Vì thế mà môn hạ của ông ta mới kiêu ngạo làm bộ làm tịch, hơi tý là phải trả thù cho được, tuy lúc bấy giờ Thẩm sư thái chưa nổi khùng ngay, là vì thấy dâm phụ tội tày đình như thế còn mặt mũi nào mà che chở cho y thị được.
- Vì việc ấy mà thầy phải thay tên đổi họ ẩn núp một nơi không ra ngoài giang hồ nữa phải không? Nhưng thầy vừa nói phái Không Động với phái Tần Lãnh có liên can rất mật thiết. Sao lúc ấy thầy không lên Tần Lãnh thưa rõ việc này cho Thiên Si Thượng Nhân hay có hơn không?
Thầy đồ Thư nghe thấy chàng nói như vậy khẽ thở dài một tiếng rồi đáp:
- Thiên Si Thượng Nhân bị các môn hạ bao quanh muốn lên gặp ông ta để tường trính sự thể có phải là chuyện dễ đâu. Nên bất đắc dĩ lão phu mới phải thay tên đổi họ mà rút lui ra khỏi giang hồ là thế, và đây cũng là thừa lệnh đại sư huynh của bổn môn mà thôi, chỉ mong tránh khỏi sự kết thù kết oán của hai môn phái.
Thanh Lam lại hỏi tiếp:
- Theo như lời của thầy vừa nói thì vết hài ở trên núi giả kia với con chim én bạc là dấu vết của con gái Xuyên Liêm Yến để lại phải không? Không hiểu năm nay con bé ấy bao nhiêu tuổi rồi?
- Tất nhiên hai vật đó là của con nhỏ ấy để lại chứ không còn ai vào đây nữa, vì con chim én này là ám khí độc đáo của Xuyên Liêm Yến ngày xưa vẫn thường sử dụng. Hà. Từ đó tới giờ đã được mười bảy năm rồi, như vậy con bé năm nay đã mười tám tuổi.
- Mười tám tuổi!
Thanh Lam kinh ngạc nhắc nhở lại một câu như trên, và bụng bảo dạ rằng:
- “Con bé mười tám tuổi còn nhỏ hơn mình một tuổi, như vậy tài ba của nàng ta có giỏi đến đâu cũng chưa chắc hơn được ta, sao mà nàng lại dám đến đây hẹn ngày khiêu chiến với thầy đồ như thế? “Hừ” ba ngày sau nếu con nhãi này dám tới đây ta sẽ đem tài học hỏi trong năm năm ra cho nó một bài học”
Nghĩ tới đó, chàng liền trợn ngược đôi lông mày lên trông vẻ rất hăng hái.
Thầy đồ Thư là người giàu kinh nghiệm giang hồ, thấy thái độ của Thanh Lam như vậy liền hiểu tâm sự của chàng ngay. Ông ta vội trầm nét mặt lại nghiêm nghị nói tiếp:
- Thanh Lam việc này là họ đến đây đối phó với lão phu, việc gì đã có lão phu đối xử, người trên giang hồ ân oán rất phân minh, cậu chưa phải là người của giang hồ. Lão phu cấm cậu nhiễu sự và xen tay vào. Huống hồ người của Tần Lãnh hẹp lượng lắm, thường thường chỉ vì một việc nhỏ mà chúng theo đến tận cùng, làm cho người ta khốn khổ, nên cậu đừng có dự vào việc của lão phu làm chi. Thôi, khuya lắm rồi câu cũng nên trở về phòng nghỉ đi.
Thanh Lam đã quyết định rồi, nhưng bề ngoài vẫn làm nhu không có việc gì hết liền vâng vâng dạ dạ đứng dậy định đi thì Thầy đồ Thư bỗng gọi lại và trịnh trọng dặn tiếp:
- À, này còn có... tối hôm nay những chuyện mà lão phu nói với cậu, cậu đừng nói cho ai biết nhé.
Thanh Lam cung kính vâng lời chào Thầy đồ Thư một cái rồi cáo từ đi về phòng luôn. Nhưng trong lòng chàng đã quyết tâm đấu với con nhỏ bé hơn mình một tuổi mà lại ăn nói ngông cuồng kia rồi.
Chỉ còn ba ngày thôi nên lúc nào trong lòng chàng cũng gay cấn vô cùng, chàng còn nghĩ thầm rằng:
- “Người ta đã được Tam Nhơn Tỉ Khấu Thẩm sư thái truyền thọ võ công cho, người ta tới không phải là kẻ vừa, mà kẻ kém cỏi thì không bao giờ dám tới khiêu chiến như vậy. Nàng ta đã biết oai danh của Bát Túy kiếm khách rồi mà còn dám đến tầm thù, tất nhiên nàng phải dựa vào cái gì nên dám táo gan đến thế. Ta đấu với nàng nếu thắng thì còn bằng gì nữa, nhưng nếu thua thì có phải là mất hết sĩ diện của Thầy đồ Thư không. Tuy Thông Thiên kiếm pháp ta đã luyện rất thuần thuộc rồi, nhưng tám thế kiếm sau cùng là Truy Hồn bát kiếm vẫn còn bỡ ngỡ...”
Nghĩ tới đó chàng cứ muốn chạy vào ngay trong vườn luyện tập, nhưng ban ngày ban mặt người đi lại rất đông đảo, chàng phải chờ ăn cơm tối xong lại đến bãi cỏ ở trước Hàm Xuân Các để luyện tập.
Tối ngày hôm thứ hai trống mới điểm canh một, hôm đó đã là mười hai, mười ba mặt trăng cũng sắp tròn rồi. Thanh Lam một mình khổ luyện Truy Hồn bát kiếm thật thuần thuộc mới thôi. Tuy người đã mỏi mệt mồ hôi ướt đã mà chàng vẫn không chịu ngừng tay, vì chỉ còn một ngày mai nữa thôi, tới ngày mốt là phải đem pho kiếm pháp này ra thử thách với kẻ thù rồi. Chàng nóng lòng thành công nên múa tám thế kiếm đó kín đáo đến nỗi mưa gió không sao lọt được. Dưới ánh sáng trăng chỉ thấy một cái hình bóng lúc tiến lúc lui, lúc đi quanh kiếm quang lúc biến thành bảy tám luồng như rồng bay phượng múa vậy. Tuyệt học của phái Không Động quả thực phi thường.
Thanh Lam càng luyện càng thấy thuần thuộc, trong lòng chàng khoái chí, chàng đang luyện tới mức tâm với thần hội hợp, ý với kiếm hợp nhất thì đột nhiên thấy một tiếng kêu độp và có một tiềm lực rất mạnh lấn át tới đẩy thanh kiếm của mình sang bên, cả cánh tay phải bị rung động tê tái suýt tý nữa thì kiếm bị rớt xuống đất.