Sống mòn

Phần I

Sáng độ một giờ rồi. Phương đông trắng mát màu hoa huệ, đã ngả qua màu hồng của tuổi dậy thì, để bây giờ nhếnh nhoáng màu vàng cháy. Mặt trời mới nhú lên được một chút, khỏi cái nóc nhà cao nhất, ở đầu phố đằng kia. Những tia nắng đầu tiên, óng ả như tơ, lướt qua một rặng mái nhà thấp lè tè, cáu bẩn, mấp mô, để đến xiên vào hai cái cửa sổ gác nhà trường, cái cao thứ hai ở đầu phố đằng này. Nắng chảy thành vũng trên sàn. Hai vùng sáng, trước còn nhỏ và mập mờ, cứ dần dần lan rộng thêm, rõ hình thêm. Sau cùng thì đã rõ ràng là hai cái hình chữ nhật lệch có rọc đen. Một chút phản quang hắt lên trần, lên những bức tường quét vôi vàng và kẻ chì nâu. Nó hắt cả lên cái đi văng Thứ đang ngồi, khiến y nheo nheo mắt nhìn lên. Mặt trời đã nhô lên hẳn.

Thứ ngồi tránh sang một bên, rồi lại cúi xuống, lần lượt giở mấy quyển sách giáo khoa để trên đùi. Y tìm những bài để dạy hôm nay. Y dạy học đã hai năm. Cái chương trình học của lớp nhất, lớp nhì y đã thuộc gần nhập tâm, chỉ thuộc thêm một chút nữa là y đã có thể làm như một giáo sư toán học cũ của y, nhớ đến cả giả lời những bài tính đố mà ông có thể đọc thuộc lòng được đầu bài, nên quanh năm dạy học không cần dùng đến một quyển sách nào. Trong việc soạn bài, không cần thận trọng quá như hồi mới đến trường, có lẽ do đấy một phần. Nhưng một phần lớn lại vì cớ khác.

Có thể nói rằng y đã chán nghề. Không phải vì nghề dạy học tư không thích hợp với y. Nhưng cái nghề bạc bẽo làm sao! Để bớt số giáo viên, một mình y dạy lớp nhất xong lại phải dạy lớp nhì kế theo ngay, nên mỗi ngày phải dạy đúng tám giờ. Tám giờ nói luôn luôn, cử động luôn luôn, chẳng lúc nào ngơi. Thì giờ học trò ở lớp rút đi, nên thầy phải dùng đến từng phút con con để có thể dạy hết bài. Tất cả các bài làm đều phải chấm ở nhà. Thành thử mỗi ngày y bận rộn đến mười giờ. Công việc mệt mỏi quá đi cày. Thế mà lương mỗi tháng, chỉ vẻn vẹn có hai chục đồng.

Người hiệu trưởng cũ là một người anh họ Thứ. Đích trước kia giữ một chân bán hàng buôn. Cả đời đi làm cho một sở tư, cố nhiên là chẳng thú vị gì. Đích bèn chung vốn với Oanh, một bạn gái đồng sự của y, mở ra cái trường học ngoại ô này. Nhưng trường dạy được hai khóa thì y đỗ kì thi vào công sở, được bổ đi làm ở một tỉnh xa. Y mướn Thứ thay y làm hiệu trưởng và dạy mấy lớp trên. Y bảo Thứ: "Trường bây giờ còn ít học trò, tôi sẽ bảo Oanh đưa cho Thứ mỗi tháng vài chục bạc. Khi nào nhiều học trò hơn, chúng mình sẽ nói chuyện lại với nhau. Bọn mình liệu với nhau dễ lắm". Tuy chẳng hiểu dễ thế nào, Thứ cũng gật đầu ngay. Y không muốn nói nhiều chuyện tiền nong. Ngay đến không phải chỗ thân tình mà còn cò kè với nhau về một vấn đề tiền, y đã thấy ngượng ngùng rồi, huống hồ Đích với y là chỗ người nhà, lại là bạn học với nhau từ thủa còn thơ. Vả lại lúc bấy giờ y không để ý đến số lương. Thất nghiệp gần hai năm rồi, y đang cần chỗ làm. Y đang muốn có thể dùng sức mình vào một việc gì. Bởi vậy, suốt một năm đầu, y là một ông thầy rất tận tâm. Y soạn bài, giảng bài, chấm bài rất kỹ càng, bao nhiêu tâm lực, bao nhiêu thì giờ đều dùng cả cho nhà trường, cho lũ học trò. Hết niên học, số học trò đỗ bằng tốt nghiệp, so với những năm trước, tăng vọt hẳn lên. Bắt đầu từ khóa học sau, danh số những học trò xin vào học gấp đôi. Oanh hài lòng lắm. Thứ cũng hài lòng lắm.

Nhưng sự hài lòng của Thứ không bền. Chẳng bao lâu, y nhận ra rằng số học trò tăng lên nhiều quá, chỉ khổ y. Y vất vả thêm. Mà số lương thì vẫn thế. Trong khi ấy, vợ y ở nhà quê lại đã sinh một đứa con. Bận rộn con thơ, cố nhiên là người đàn bà phải làm kém đi, tiêu lại tốn hơn, Thứ đã phải nghĩ nhiều đến tương lai. Sự lao lực và những nỗi lo khiến người y hóp hẳn đi. Nét mặt y, đôi mắt y, để nhiễm một vẻ gì mỏi mệt rồi. Y mỏi mệt cả đến tâm hồn, cả tính tình. Y không còn bồng bột, hăng hái như trước nữa. Những lúc thấy mình và vợ con mình khổ quá, y đã bắt đầu tự hỏi y: "Mình làm việc đến gần kiệt sức mà tình cảnh cũng không thể hơn thế này ư?". Một buổi sáng, trong lúc đánh răng, y bỗng tính ra rằng mỗi sáng, nguyên về hai lớp của y, người ta đã thu được tám mươi đồng. Y chỉ được một phần tư. Còn sáu mươi đồng nữa đâu? Tiền nhà, mười bảy đồng, tiền thằng ở, được sáu đồng thì nó còn làm đến trăm việc khác cho Oanh, chứ có riêng gì việc nhà trường đâu; tiền phấn viết bảng, độ vài đồng... Tất cả mọi thứ chi phí cho cả nhà trường, chỉ có thế thôi. Nguyên một số sáu mươi đồng kia, đã thừa được quá nửa rồi. Lại còn tiền thu ở bốn lớp kia. Thế thì Oanh không phải khó nhọc gì, không phải một trách nhiệm gì, cái trách nhiệm hiệu trưởng hoàn toàn Thứ phải đảm đương, mà được lợi về cái trường mỗi tháng trăm bạc. Sao lại vô lý thế?...

Một hồi còi khàn khàn vang lên. Tiếp theo là những tiếng bước chân bình bịch, những tiếng guốc khua rộn rã: phu nhà máy rượu bia chạy vào làm. Sáu rưỡi...

Thứ đã xong, y đánh dấu những trang cần dùng bằng những mảnh giấy con, rồi gấp vào. Y ngẩng mặt lên. Oanh ngồi ở cái bàn độc nhất, kê áp vào tường mé bên kia, đang tô điểm.

Oanh không đẹp, y gầy đét, vẻ mặt cũng như dáng người, cứng nhắc và khô. Tóc thì quăn xoắn xít món nọ với món kia mà lại ngắn, nên phải thêm một cái độn cho thành một cái búi to to dễ coi hơn. Mắt cũng tầm thường. Chỉ được hai hàm răng tươi, trắng nõn và đều. Y vẫn lấy làm kiêu ngạo lắm.

Oanh dạy hai lớp trẻ con. Những đứa trẻ lau nhau, nguệch ngoạc, hôi tanh, đến lớp chỉ để bôi mực vào tay, lên quần áo, lên mặt, lên tay, lên bàn ghế và tường của nhà trường. Thứ không hiểu như vậy thì Oanh đánh phấn, tô môi, kẻ lông mày kĩ càng như thế làm gì? Mỗi sáng, y mất vào đấy đến nửa giờ. Sáng hôm nay, y còn nhiều thì giờ để ngắm nghía mình hơn. Y nhìn vào gương, vừa xoa nắn mặt, vừa càu nhàu: "Chà! Sao trông cái mặt mình ngán quá! Mình già quá!". Thứ thấy buồn cười. Y nghĩ bụng: "Ai bảo tiếc của giời? Còn hám lợi lắm thì rồi thế nào cũng chết già ở cái trường này... "

Cứ mười ngày, Oanh lại bảo Thứ một lần:

- Tôi cũng sắp trả chú cái trường của chú đấy. Chẳng lẽ cứ vua Lê, chúa Trịnh mãi thế này. Đích hẹn với tôi rằng Đích đi làm một vài năm, dành dụm một số tiền rồi sẽ cưới tôi. Tôi sẽ đi với Đích. Cái trường này, để lại cả cho chú, mặc chú trông coi lấy.

Mới đầu, câu nói ấy đã gợi cho Thứ bao nhiêu mộng. Y sẽ tổ chức lại cái trường. Y sẽ sửa sang lại cho nhà trường sạch sẽ hơn. Nhà trường sẽ có một phòng giấy để tiếp khách hẳn hoi. Học sinh sẽ có tủ sách, hội thể thao, những cuộc chơi giải trí... Phần nhiều các bạn đồng nghiệp của y, coi trường tư chỉ là một chỗ kiếm ăn tạm bợ để đợi thời. Y, trái lại, đã định rằng sẽ sống chết ở trong nghề. Y thành thực yêu nghề và yêu các trẻ em. Y rất tận tâm. Y dạy có phương pháp và chăm. Y đã làm cho cái trường này được tín nhiệm, nhiều học trò thêm. Chỉ tiếc rằng y không được toàn quyền theo như ý của y. Oanh ngại những món tiền, nghe y bàn gì cũng gạt đi. Nhưng đến khi nhà trường đã thuộc hẳn tay y... À! Y tin chắc rằng nó sẽ không chỉ thế này thôi. Nó sẽ tiến hơn nhiều. Số học trò sẽ hơn nhiều. Số thu sẽ gấp đôi lên. Các giáo viên sẽ được thù lao một cách xứng đáng hơn. Họ sẽ không còn phải băn khoăn nghĩ đến tiền, đến cơm áo. Họ có thể để hết thì giờ và tâm trí vào nghề. Thứ cũng lấy mỗi tháng một số lương nhất định, đủ tiêu dùng. Y sẽ đem theo vợ con. Còn bao nhiêu lời lãi, sẽ đập cả vào cái quỹ chung của nhà trường. Trong cái quỹ ấy, bao nhiêu phần sẽ dùng vào việc mở mang, bao nhiêu phần vào những cuộc phát thưởng và những ngày hội hàng năm của học sinh, bao nhiêu phần sẽ giữ lại cho các giáo viên vào mỗi ngày cuối năm, bao nhiêu phần sẽ chia cho họ để cho họ một số tiền hưu... Thứ đã tính rành mạch cả. Y dám chắc rằng nếu cái trường thuộc quyền y thì y sẽ thực hành cái chương trình kia chẳng khó khăn gì, và y sẽ bắt đầu thực hành ngay. Nhưng bây giờ thì y đã chán rồi. Y đã hiểu rằng người ta chỉ dử y, người ta chẳng chịu nhả đâu. Cái trường còn có lời thì người ta còn phải khư khư ôm lấy nó...

Oanh cất tiếng gọi thằng Mô, thằng ở của nhà trường. Tiếng y the thé, hách dịch, gắt gỏng. Thứ ghét những người đàn bà như vậy. Y thấy một nỗi tức đột ngột xông lên óc. Y đứng phắt lên, mở cửa trước ra hiên gác. Ở mé bên kia đường, đã lẻ tẻ mấy bọn học trò. Chúng nhìn lên cất mũ chào. Thứ lại phải tươi mặt lại. Y khép cánh cửa, để chúng không nhìn vào bên trong được.

San, người bạn dạy hai lớp dưới những lớp y, quần áo chỉnh tề, ngồi trên chiếc ghế mây, tay tì lên cái chấn song, cầm một quyển sách mở, đang đọc thành tiếng lầm bầm. Y đọc rất nhanh, sùi cả bọt mép ra. Thỉnh thoảng y lại hít mạnh vào một cái và đưa tay lên quệt mép.

San đang theo học một lớp buổi tối để thi bằng tiểu học Pháp chương trình ba năm. Y muốn học trong có một năm. Thì giờ hết mất rồi, chỉ còn vài tháng nữa đã thi, mà phần chưa học kịp thì còn nhiều quá. Bởi vậy, y học đúng như bò ngốn cỏ. Buổi sáng, vừa mới dậy, y đã mải mốt rửa mặt, chải đầu. Rồi y tròng cái ca-vát thắt sẵn vào cổ, rút lên, nắn qua loa, mặc quần áo, xỏ giầy. Tất cả những việc ấy, làm trước đi để lát nữa đến giờ, chỉ việc sang trường. Thế rồi xách một chiếc ghế và một quyển sách ra hiên, y chúi mũi vào sách, học...

Thứ lại đứng cạnh y, nhìn vào trang sách y đang học. Đó là một quyển địa dư. Thứ rất dốt và rất ghét địa dư. Y nhìn xuống đường. Mấy đứa học trò nhà, toàn những em, những cháu Đích và Oanh, đùa nghịch với nhau, xô đẩy chạy ra đường, trông thấy y chúng lại chạy thụt vào. Tại sao như vậy? Hồi còn nhỏ, đi học, y rất sợ thầy. Bây giờ, y vẫn cố làm cho học trò y không sợ sệt y. Trong giờ học thì cố nhiên y cũng phải nghiêm trang. Nhưng ra khỏi lớp, y đối với chúng thân mật, dễ dãi, còn hơn một người anh đối với các em. Tại sao trước mặt y, chúng vẫn không thể đùa nghịch, tự nhiên như vậy?...

San ngẩng lên, toe toét, khẽ bảo y bằng tiếng Pháp:

- Con bé Lân vừa đi qua đấy!

Mặt San đung đưa và tiếng y dơn dớt. Động nói đến gái là y nhõng nhẹo và chớt nhả. Thứ khó chịu, lạnh lùng.

- Thì mặc nó! Cái ấy không can gì đến tôi!

- Thấy ghét! Giá húp được thì có đứa đã húp ngay được đấy!

- Mất dạy! Học trò ở dưới kia chúng nó nghe thấy thì đẹp mặt.

San cười phì một cái ra đằng mũi, rồi lại chúi đầu vào sách học. Nhưng ở trong nhà, tiếng Oanh chan chát mắng và tiếng thằng Mô oang oang cãi lại. Gần như chủ và đày tớ cãi nhau. Thứ bĩu môi. San cau mặt dằn khẽ quyển sách xuống, rít trong cổ họng:

- Không chịu được!

Thứ mỉm cười:

- Ai bảo dại? Đang yên lành, tự nhiên dở chứng, trả lại nhà, đến rúc vào đây. Đã được suốt ngày nhức đầu chưa?

San bỗng lại phì cười. Y bảo:

- Chúng mình khổ thật! Giá được ở với vợ thì phải cố chịu cái tai nạn đàn bà lắm điều, cũng là lẽ đương nhiên. Đằng này phải bỏ vợ mà đi thế mà vẫn không tránh được cái khổ mồm loa, mép giải. Không được ăn xôi, cũng phải nai lưng ra mà chịu đấm. Ức chết đi được.