Sòng Bạc

MỞ ĐẦU

Vào quãng giữa tháng 7 năm 1976, ngày 18, cách đây hơn ba tháng tôi đã lao vào việc mua và xây dựng một khách sạn - sòng bạc khổng lồ trên đất Mỹ. Một sòng bạc đáng gọi là một sòng bạc: Sau khi xây dựng xong, nó sẽ có thể tiếp đón được trong cùng một lúc từ 29 đến 30 ngàn khách chơi. Không phải là nhỏ rồi! Dù sao nó cũng đủ để cạnh tranh với những sòng bạc Caesars hay Saudz của Las Vegas. Quy mô thì y chang như nhau hay cũng gần như thế. Nhưng về tầm quan trọng của công chuyện kinh doanh mà tôi đã dấn thân vào thì chỉ cần ba con số là đủ để biểu hiện nó: Tổng số vốn đầu tư là năm trăm triệu dolars, nếu không có gì bất thường thì số vốn này sẽ được khấu hao xong trong ba năm rưỡi, lãi đồng niên trông thấy được sẽ là một trăm triệu dolars nghĩa là 500 triệu francs mỗi tháng[1]. Trừ tiền thuế và các lệ phí.

Ngày 18 tháng 7 năm 1976, một chiếc taxi đưa tôi đến một cao ốc ở Phố 65 Đông, tại Manhattan, New York, lúc đó là tám giờ tối, hơn kém khoảng một hay hai phút gì đó.

— Tôi tên là Franz Cimballi. Ông Olliphan chờ tôi.

Người bảo vệ có mang súng, tra một bảng danh sách để trên bàn làm việc nhìn chòng chọc vào mặt tôi, rồi gật đầu. Tôi đi về phía thang máy, anh ta gọi giật tôi lại, nói:

— Tầng lầu của ông Olliphan có thang máy riêng.

Anh ta đến gần tôi, đưa tôi đến trước mặt cái cửa bằng gỗ sồi đánh si, kỳ lạ là không có một quả đấm cửa hay bất cứ một thiết bị mở nào.

— Xin mời ông nhìn vào chiếc camera này.

Tôi phải ngẩng đầu và con mắt độc nhỡn của chiếc ống kính nhìn xuống tôi. Tôi gửi cho nó một nụ cười quyến rũ mà tôi có bí quyết. Mười giây, cái cửa không có khóa lặng lẽ quay, mở vào một thứ phòng khách của phụ nữ, căng bằng lụa mộc, có kê ở hai bên một chiếc tủ đứng kiểu Louis XVI, hai chiếc ghế fauteuil kiểu Adam, lưng ghế có phù hiệu. Tôi bước vào, cánh cửa đóng lại sau lưng tôi. Tôi không hề cảm thấy chiếc cabin khởi động, và cũng chẳng cảm thấy chấn động nhẹ nào báo hiệu đã lên đến nơi. Một cánh cửa mở ra, gác lầu thứ 64 trên cao, một người quản gia người Porto Rico thản nhiên đỡ chiếc áo choàng của tôi.

— Xin mời ông đi lối này, thưa ông Cimballi.

Nếu cứ xét theo cái thang, bằng gỗ mun rất hẹp đưa tôi lên một căn phòng có lẽ là căn gác cuối cùng của cao ốc này, thì tầng lầu này phải là song lập. Người mời tôi dùng bữa tối đang chờ tôi ở đầu một dãy hành lang hoàn toàn ốp gỗ, dẫn vào một phòng đọc sách cũng hoàn toàn ốp gỗ như vậy. Khi tôi bước vào, ông cất chiếc vĩ cầm vào hộp, và tôi có thể đoán chắc rằng chỉ riêng một cây đàn này thôi, ít nhất cũng bằng giá của cả tầng lầu song lập này và những gì nó chứa bên trong. Đó là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, cao lớn, mảnh mai, rất đẹp, rất lịch sự! Hai thái dương tóc điểm bạc, da mặt rám nắng, đôi mắt xanh cháy bỏng thông minh. Tên ông ta là James Montague Olliphan. Chính ông là người đứng làm trung gian để bán cho tôi khách sạn “Con Voi Trắng”.

— Ông dùng một chút rượu thưa ông Cimballi?

— Không, xin cảm ơn ông.

Đôi mắt xanh của ông ta thăm dò tôi. Ông nói nhẹ nhàng:

— Tôi có được biết ông Scarlett.

John Carradine, tức Scarlett. Luật sư kinh doanh, đã chết (ông ta tự tử bằng lửa để chấm dứt một căn bệnh kinh khủng). Nhưng ngay trước khi chết, ông ta đã giúp tôi, để tôi có thể chỉ bằng một đòn duy nhất, vừa hoàn thành được một việc trả thù, vừa đạt được giàu có. Tôi nhìn chăm chú Olliphan, và bỗng có một cảm giác kỳ lạ làm cho tính đa nghi của tôi trỗi dậy.

— Ông có vẻ biết về tôi nhiều lắm!

— Tên ông là Franz Cimballi. Nhìn ông, người ta sẽ cho là ông không quá 20 hay 22 tuổi. Thực ra ông nhiều tuổi hơn thế một chút, nhưng cũng không nhiều lắm đâu. Nhưng ông đã thắng được mấy cú xuất sắc về mặt tài chính. Và về gia sản của ông, nói chung... ông có đồng ý chúng ta vào bàn ăn không? Ông đã thấy đói chưa?

— Lúc nào tôi cũng đói, nhất là giữa hai bữa ăn.

Cảm giác kỳ lạ của tôi khi ngắm Olliphan là thấy ông ta hình như đang trong một trạng thái bị kích động cực độ, gần như tuyệt vọng, nhưng vẫn hoàn toàn tự chủ được, ông ta tiếp câu nói đó:

— Về phần gia sản của ông, tôi nói rằng có thể vượt quá tám mươi triệu dolars...

Tôi đi theo, trong lúc ông ta vừa đi vừa nói. Chúng tôi bước vào một phòng ăn. Cảnh tượng ở đó đập ngay vào mắt, làm tôi đứng sững như trời trồng đến vài giây: Đó là một người đàn bà, hay có thể đã là một người đàn bà nhiều năm trước đây, bây giờ là một quái vật, một đống to tướng thịt mỡ, bóng nhẫy, phì nộn. Bà ta đầm mình chứ không phải ngồi ở đầu chiếc bàn dài, bất động nhưng mà sống hẳn hoi. Một đôi mắt đen, biểu lộ một sự hung dữ lạnh lùng đến làm ngạt thở, đã xoáy vào tôi như vào một đường ngắm bắn, ngay khi tôi mới bước chân vào, và đôi mắt ấy không rời tôi ra nữa.

— Em yêu - Olliphan nói bằng một giọng hết sức êm dịu - Anh có thể giới thiệu với em một người bạn của anh, ông Franz Cimballi. Nhà tôi, thưa ông Cimballi, Angelina.

Tôi chìa tay ra, nhưng con quái vật ấy không làm một cử chỉ nhỏ nào để cầm lấy nó. Bà ta đang ăn, hay đúng hơn là đang ngốn, đưa cả hai tay ra bốc bẳi các đĩa ăn xếp quanh mình - Muốn mửa được - Nhưng cái ghê gớm hơn nữa, có lẽ là thái độ của Olliphan, ông ta đối xử với người đàn bà, vợ ông ta ấy, như là một người phụ nữ đẹp chưa từng có dưới ánh sáng mặt trời. Ông ta luôn luôn, trong suốt bữa ăn, nói chuyện với bà ta, lấy bà ta làm chứng cho những lời ông ta nói với tôi, hay những lời tôi đáp lại ông ta, nhưng cái con bạch tuộc ấy chỉ mở cái miệng nhỏ xíu phàm ăn kia ra để nhét vào đó từng nắm mì sợi hay những con cá, sốt cà chua chảy nhễ nhãi. Và mỗi lần ông ta nói với bà, một cách hoàn toàn tự nhiên, giọng nói của ông lại thắm đượm âu yếm.

— Ông dùng cà phê, ông Cimballi?

Chúng tôi đã xong bữa tối. Không, tôi không muốn cà phê và cũng không muốn rượu mùi. Thực ra tôi chỉ có một ý muốn là chuồn khỏi nơi đây, chuồn khỏi căn phòng này, và cả tòa nhà này nữa. Nhưng ông Olliphan đã bảo với tôi:

— Tôi muốn cho ông thấy một cái này.

Ông ta đi trước tôi lên cầu thang hẹp. Mà tại sao lại hẹp thế kia chứ? Để ngăn không cho cái bà Olliphan kinh khủng kia lên chăng? Chúng tôi bước vào thềm nghỉ của cầu thang.

— Lúc nãy, tôi có lầm không, khi ước lượng gia tài của ông?

Không. Có điều ông ta đã quên không trừ đi số tiền 25 triệu dolars mà tôi đã phải bỏ ra để tậu khách sạn “Con Voi Trắng”. Olliphan đẩy một cánh cửa. Đột nhiên nhiệt độ tăng lên đến mấy độ, chúng tôi bước vào một nhà kính trồng cây, không khí ở đây ẩm và nóng, ngào ngạt mùi hương của những thảo mộc nhiệt đới bao quanh một cái bể hình bầu dục dài khoảng tám đến mười thước, một bể bơi thực sự.

— Ông có thích không, ông Cimballi?

— Có, thưa Bwana[2].

Tôi ngẩng đầu lên: Tất cả đều bằng kính, nhìn qua thấy cả bầu trời nửa mây, nửa sao của Manhattan. Tôi hỏi Olliphan:

— Ông có biết Martin Yahl không?

— Tôi chưa gặp ông ta bao giờ.

Câu hỏi đột ngột của tôi chắc không làm ông ta ngạc nhiên, dường như ông đã chờ đợi nó. Ông ta cười khúc khích, trong bóng tối mờ mờ, đôi tròng mắt của ông ta có vẻ nhạt màu hơn. Trong khi chúng tôi bước theo những lối đi của khu vườn nhiệt đới kỳ lạ nằm vắt vẻo ở tầng gác thứ sáu mươi lăm trên công viên Central Park, ông ta nói:

— Tôi biết Martin Yahl là một chủ ngân hàng Thụy Sĩ. Tôi biết ông ta căm thù ông, và về phần ông, ông cũng căm thù ông ta. Tôi biết rằng hai ông đã có đánh nhau và ông đã thắng cả hai keo. Xin ông theo tôi, tôi còn có cái khác muốn để ông thấy...

Ông ta kéo một chiếc cửa kính sang bên, ở phía bên kia là một cái sân thượng choán hết cả phần mái nhà mà vườn kính còn để lại. Giữa cái ngột ngạt của khu vườn và không khí của đêm New York, sự cách biệt về nhiệt độ ít nhất cũng phải đến hai mươi độ.

Olliphan đi thẳng ra phía trước trong bóng tối. Ông ta đi cách tôi đến ba hay bốn thước, và tôi chỉ còn lờ mờ thấy ông. Ông ta nói:

— Ông không bắt buộc phải theo tôi.

Nhưng tôi vẫn cứ đi sâu vào bóng tối đến với ông ta. Bóng tối dần dần sáng ra khi mắt tôi thích nghi được hơn: Tôi đi trên một cái nền đen kịt, dường như được trát bằng một thứ nhựa đường đục. Tôi ngồi xổm xuống và lấy tay sờ: Đúng là nhựa đường. Olliphan vẫn tiếp tục tiến lên. Chung quanh ống khói được chiếu sáng bởi những ánh đèn của cao ốc Empire State.

— Ông có làm việc cho Yahl không, ông Olliphan?

Một tiếng cười nhỏ trong đêm.

— Không.

— Trước đây ông đã có làm việc cho hắn, hay với hắn phải không?

— Không.

— Có mối liên hệ nào giữa Yahl với Con Voi Trắng không?

— Tôi không thấy có.

Tôi lại nghe thấy ông ta cười. Tôi đi thêm vài bước nữa để lên đến ngang tầm của ông ta, và lúc đó thì chuyện ấy xảy ra: Dưới chân tôi, mặt sàn đang hoàn toàn nằm ngang bỗng dốc xuống. Tôi ngừng lại ngay tức khắc, bụng xoắn lại vì một nỗi sợ thực sự. Chúng tôi đang chơi cái trò quỷ quái gì đây? Tôi nhìn ra phía trước: Chẳng có gì cả.

Trong vài giây đồng hồ, tôi tưởng mình bị ảo giác. Nhưng không, không thể nghi ngờ gì được nữa: Đằng phía trước mặt tôi, không còn nghi ngờ gì. Hàng lan can bao quanh sân thượng thiếu hẳn đi ít nhất là trên mười thước. Nhịp tim tôi nhanh hẳn lên một cách dữ dội. Olliphan nói:

— Ông hãy nhìn xuống chân mình.

Tôi cúi xuống và đọc thấy một chữ số “Năm" sơn trắng bằng khuôn trổ lên màu nhựa đường đen. Olliphan nói tiếp, tiếng ông ta hơi xa hơn, và có vẻ thích thú:

— Tôi đã lưỡng lự. Nên chia độ theo đơn vị yards hay đơn vị mét, cuối cùng tôi chọn lựa hệ thập phân vì hệ này trước sau gì cũng sẽ trở thành phổ thông. Độ chia, đi từ một đến hai mươi, cho đến năm thì độ dốc hầu như không cảm thấy được. Rồi nó tăng dần lên từ năm đến mười độ thì độ dốc sẽ lên đến năm phần trăm. Từ mười đến mười lăm thì lên đến mười phần trăm. Từ mười lăm đến hai mươi thì lên đến hai mươi phần trăm. Tất nhiên, quá hai mươi, thì không có gì nữa ngoài khoảng không của sáu mươi nhăm tầng gác. Có phải đó là một ý kiến ngộ nghĩnh không?

Tôi nuốt nước miếng:

— Phải hét lên vì cười mất. Ý kiến ấy là của ông à?

Ông ta mỉm cười gật đầu. Trong bóng tối, đôi mẳt Ireland của ông ta càng bạc màu đi hơn nữa.

— Riêng cá nhân tôi, tôi đã đi đến mười bảy.

— Kỷ lục thế giới, tôi đoán thế?

— Đúng, đến hôm nay, vì còn phải chú ý đến gió nữa. Và tất nhiên, nếu ướt thì còn trơn nữa, Nhưng kỷ lục sinh ra là để được phá đi.

Tôi cười gằn. Thằng cha này điên rồi.

— Ít nhất, ông cũng hãy tiến đến mười, ông Cimballi. Ở đó gần như không có gì đáng ngại cả.

Cái câu “gần như” này làm tôi lo ngại. Nhưng tôi cũng cứ đi lên hai, ba bước, rồi ba, bốn bước khác nữa. Tôi đã ở “Chín". Và tôi nghĩ “Cimballi, mày còn điên hơn nó nữa. Mày làm gì thế hở, đồ đần độn?”. Tôi lê một gót giầy thận trọng nữa, và tôi đạt tới cái vòng trắng của “Mười". Quá nữa, tôi cảm thấy rõ là độ dốc càng tăng lên. Còn Olliphan, hắn đã tới “Mười Bốn", hai tay đút trong túi áo, tóc phất phơ bay trong gió:

— Ông thật không muốn đến chỗ tôi ư?

— Không, nếu không có dù.

— Thế mà tôi vẫn tưởng rằng ông là người biết mạo hiểm.

Trong đầu tôi, tín hiệu báo động bắt đầu nhấp nháy, tôi trả lời.

— Không phải thứ mạo hiểm này.

Bây giờ nhìn khá rõ rồi. Tôi nhận thấy chữ số “Hai Mươi" ra sát đến khoảng không, chỉ cách có vài phân thôi. Olliphan quay lưng lại tôi, hai tay vẫn đút trong túi, hắn tiến thêm lên một thước nữa.

— Mua một cái sòng bạc là một sự mạo hiểm đấy, ông Cimballi...

Rồi! Olliphan lại vượt lên một thước nữa.

— Tôi nói rằng nó giống như đi đến tận mức mười tám, một ngày gió to, dưới cơn mưa tầm tã...

Im lặng. Cuối cùng tôi nói:

— Cái gì thế? Một sự cảnh cáo chăng?

Ông ta dừng lại một lát, nhưng rồi lại tiếp tục đi, vẫn cứ tiến thẳng về phía trước, hai tay vẫn thọc trong túi.

— Ông Olliphan, tôi hỏi ông mà.

Ông ta lắc đầu. Và lại tiến lên nữa. Tôi đã nghĩ đến việc rồi đây sẽ phải giải thích làm sao, là sau một trò chơi ngu xuẩn, ông chủ nhà của tôi đã thực hiện một cuộc bay lượn trên cao hai trăm thước, trước khi nằm nát nhừ trên bờ hè.

— Còn gì nữa không, ông Olliphan?

— Tôi rất có cảm tình với ông.

Thôi, đủ rồi! Tôi quay lại, và rất thận trọng rút lui, cho đến khi tìm lại được ở dưới chân một cái sàn bằng phẳng và hoàn toàn nằm ngang. Tôi nhìn lại sau lưng: Olliphan vẫn tiếp tục tiến lên, cố ghìm mình bằng gót giầy, cuối cùng ông ta ngừng lại:

— Mười tám rưỡi. Kỷ lục đã bị phá.

— Trong cái vụ sòng bạc này, có cái bẫy nào không?

— Tôi không thấy có...

Tôi không nhìn thấy mặt ông ta, nhưng tôi nghe tiếng ông ta cười:

— Chính tôi là người làm trung gian giữa các thân chủ của tôi và ông trong việc mua bán này! Thế ông thực tình trông đợi tôi sẽ nói với ông rằng vụ mua bán này là không lành mạnh à?

Tôi ngồi sụp xuống, vì thấy hơi chóng mặt. Tôi đứng thẳng lên:

— Tôi đi đây, ông Olliphan. Cảm ơn về bữa ăn tối nay. Và chúc ông ngủ ngon.

— Chúc ngủ ngon.

Ở tầng gác dưới, người quản gia đã hiện ra ngay khi tôi vừa đi xuống chiếc cầu thang hẹp. Anh ta đưa cho tôi chiếc áo choàng của tôi. Tôi theo anh ta đi qua một dãy buồng. Buồng ăn bây giờ đã trống trơn, nhưng phòng khách - hay một trong những phòng khách thì không - Bà ta đang ở đó, đích thị bà Olliphan, trôi dạt trong một chiếc fauteuil mà bà ta đè bẹp xuống dưới sức nặng của bà. Bà ta có thể cân nặng được bao nhiêu nhỉ? Một trăm ba mươi ký? Và bà ta nhìn tôi, tay thì đào vào trong hộp sôcôla.

— Xin chào bà!

Không trả lời.

Thế là, tôi chạy trốn thực sự.

Nhưng mà này, từ từ thôi, Cimballi. Đừng có lồng lộn lên như thế! Nào chúng ta hãy bắt đầu từ chỗ bắt đầu.

 

[1] Tất cả những số tiền trong này là tính theo tỉ lệ hối đoái 1 dolars ăn 5,00 Francs Pháp.

[2] Bwana: Ông, theo ngôn ngữ Swahili.