Sòng Bạc

CHƯƠNG 11

Marc Lavater đến đón tôi ở Munich. Tôi báo tin cho anh ta biết rằng tôi đã tìm được người hùn vốn, và tôi sẽ có một phó giám đốc tên là Caliban.

— Cái tên kỳ cục! Có phải ở đâu đó trong những vở kịch của Shakespeare không?

— Vở “Bão Tố”.

Marc nhận xét:

— Mình không ngờ là cậu lại cừ về văn học đến thế.

— Tôi đã mua một bộ sách giáo khoa toàn thư mà.

Chúng tôi dông xe đi giữa thiên nhiên trên xa lộ Munich - Salzbourg - Vienne. Thời điểm hôm đó là ngày thứ ba 23 tháng 9, và lúc đó, ở phần này của thế giới là năm giờ rưỡi chiều. Trong người tôi hơi lơ lửng: Máy bay lên thẳng từ Macao đi Hong Kong đi Tokyo, rồi từ Tokyo đi Amsterdam - Chỉ có chuyến này là giờ giấc hợp với tôi - rồi từ Amsterdam đi Munich. Và bây giờ thêm một tiếng rưỡi đồng hồ ô tô nữa. Marc nói:

— Anna không phải chỉ ở một mình. Cậu phải đối đầu cả với ba cô em nữa đấy.

— Cái ấy, kịch của Tchekhov (tôi nửa thức nửa ngủ).

— Cái gì?

— Vở kịch “Ba Chị Em”.

Anh ta nhìn tôi với một con mắt lo lắng, nhưng nói tiếp về những tin tức mới, hay ít nhất thì cũng là mới biết: Đúng là có bốn chị em Moser thật. Anna đúng là chị cả và là người đỡ đầu, ba má Moser đều đã chết cả... Và Karl Gustave Baumer là một người em của mẹ mấy chị em. Như vậy ông ta là cậu của cô bé Heidi.

— Thế có đúng là có một sự liên quan giữa Heidi và Con Voi Trắng không?

— Khẳng định có.

— Thế vì sao tôi đã làm sạt nghiệp mấy cô bé ấy?

— Từ nhiều năm nay, họ thu lợi nhuận của việc khai thác mảnh rừng hay ít ra họ tưởng như thế. Thực ra, từ thời tám kiếp nào đến giờ cái mảnh rừng ấy có đem lại một đồng xu nhỏ nào nữa đâu, và chính lão Karl Gustave đã bỏ tiền túi ra cái số tương đương với mười ngàn dolars mỗi năm.

— Baumer chết bao giờ?

— Tháng Giêng 75. Nhưng chắc lão đã có xếp đặt trước, nên cái số tô tức hàng năm mười ngàn dolars ấy vẫn được trả bình thường cho những năm 75 và 76.

— Thế thì vấn đề là ở đâu?

— Walcher. Ernest Walcher.

— Không biết.

— Hắn là chủ sự bộ phận cho vay trong một ngân hàng ở Bronx, New York. Nghe đâu như hắn là bạn chí thiết của Baumer và vì lẽ: Cả hai đều quê ở vùng Tyrol, tuy rằng đến Mỹ vào hai thời điểm khác nhau. Walcher là người thực hiện di chúc của Karl Gustave.

— Tôi vẫn chưa thấy thế thì tôi làm cái thá gì trong câu chuyện này.

— Chờ một chút! Cách đây ba tuần lễ, vào đầu tháng 9 này, Ernest Walcher đã viết thư cho mấy chị em, mà theo lời lão ta, bây giờ lão mới được biết. Lão báo tin cho mấy chị em biết về cái chết của Karl Gustave, và cũng báo rằng hắn đã thanh lý hết phần gia tài của người chết. Đồng thời, lão cũng gửi cho chị em tất cả những gì mà hắn cứu lại được trong cơn thảm họa này: Mười hai ngàn dolars. Anna Moser là người có thần kinh cứng rắn: Phúc đáp thư, cô ta nói lo lắng về tô tức hàng năm, mà không thấy Walcher đả động gì đến. Trả lời của Walcher: Lão không biết gì về cái tô tức đồng niên ấy, và theo lão, bởi vì số tô tức ấy là do khai thác mảnh rừng mà có, thì chắc chắn là kể từ nay, số đó sẽ không được trả nữa, chiếu theo là mảnh rừng, cũng như tất cả những đất đai cũ của người quá cố đã được bán lại cho một nhà Siêu Đại Tư Bản Quốc Tế Cimballi Franz. Chúng ta đến nơi rồi đây.

Một tấm bảng, chỉ Kossen. Phong cảnh rất mỹ lệ, rất Tyrol, nhỏ xíu. Marc cho xe đi vào phía một cái trại đứng trơ trọi.

— Và đây, cô Anna Moser.

Cô ta nói:

— Tôi xin giới thiệu với các ông em tôi Christel. Và em kia là Erika.

Ở cả ba chị em, màu mắt và tóc của Heidi. Nhưng Marc nói đúng: Nếu cả ba cô gái Tyrol này không phải là không ưa nhìn, nhưng chắc chắn Heidi sẽ là hoa khôi của gia đình. Tôi nói:

— Về phần Heidi, trong trường hợp các cô lo lắng về nó thì xin nói rằng nó rất khỏe mạnh.

— Nhưng chúng tôi có lo lắng gì đâu. Tất nhiên là cả hai ông ở lại dùng bữa tối...

Một thứ bình tĩnh của Tiên Phật. Cô ta đã làm tôi chạy mửa mật nửa quả địa cầu trong vài giờ, nhưng rõ ràng, chả có gì vội vàng phải đề cập đến vấn đề cuộc thăm viếng của tôi. Cả các em cô ta cũng thế: Một chút tò mò, cả thích thú nữa, trong những khóe mắt thỉnh thoảng liếc nhìn tôi. Thế thôi, không có gì hơn. Tất cả mọi chuyện diễn ra cứ y như tôi là một người hàng xóm buổi tối sang chơi. Tôi có đưa ra cái tên Walcher. Anna vỗ vỗ vào tay tôi với một nụ cười đôn hậu: Chốc nữa. Tôi kể lại chuyện nghịch ngợm của Heidi đã làm tôi phải chạy đuổi tìm nó khắp cả New York. Cả ba đều cùng gật gật đầu: “Đúng, em nó rất thích làm những trò đùa. Nó học cái này ở ba tôi”. Và kể lại tất cả những trò đùa bỡn mà cái tay tổ khôi hài Ba Moser này đã làm ở khắp xứ Tyrol. Khi tôi nhìn vào mắt của Marc, thì anh ta nhún vai và nhún lông mày lên, như để nói rằng: “Cậu muốn mình làm gì được bây giờ?”.

Bữa ăn tối rất thịnh soạn: Súp ragu thịt bò kiểu Bulgaria, cá lát chiên với ớt cựa gà, thịt heo nấu với cải thơm, hàng tấn khoai tây đi theo với bánh rán mỡ, bánh kẹp phó mát trắng, sau đó sang đến phần bánh ngọt: Bánh kem mứt vùng Ischl, bánh apfeldstrudel, bánh questsches... ấy là tôi còn chưa kể hết.

— Không phải ngày nào các cô cũng ăn thế này chứ!

Nụ cười rất bình tĩnh của Anna. Chắc chắn cô ta không phải là một người ngớ ngẩn khờ dại đi gửi một đứa em gái mới bảy tuổi rưỡi của mình cho một người không quen biết ở mãi tận New York. Cô ta giải thích cho tôi:

— Chúng em biết là hôm nay các ông sẽ đến đây. Và Goni có nói với em, là các ông ăn nhiều lắm.

Goni! Tôi giữ lấy cái cửa mở ấy và lao vào:

— Goni là ai vậy?

— Gunther Kraus, chồng chưa cưới của em.

Tại sao trước đây tôi lại không nghĩ đến điều đó nhỉ! Chắc chắn là tôi có biết Gunther rồi! Đó là một huấn luyện viên về trượt tuyết ở Aspen, Colorado mà tôi đã kết làm bạn, thân đến mức là đã hai lần anh ta theo Sarah, Marc Andréa và tôi, khi chúng tôi đi trượt tuyết ở Chili, rồi ở những dãy núi ở Canada, dùng trực thăng để đưa lên đầu dốc mà trượt xuống.

— Tôi tưởng Gunther đang ở Colorado.

Anh ta đang ở đó thật. Nhưng không phải lúc nào cũng ở đó, có khi anh ta cũng về Áo, về làng cũ để âu yếm cô vợ chưa cưới. Và đúng lúc anh ta đang ở đây, những huấn luyện viên trượt tuyết thường nghỉ vào mùa hè, thì Anna nhận được bức thư thứ hai của Walcher. Cái thư có nói đến một cái tên Cimballi nào đó... Thế là mọi chuyện đã được giải thích rõ ràng. Hay là cũng gần như thế.

— Goni có bảo đảm với em rằng Heidi sẽ được an toàn khi ở với ông, rằng ông yêu trẻ em lắm.

Anna cười với tôi một cách rất bình thản.

— Chúng em gần như đã hết cả tiền, ông Cimballi. Cái trại mà chúng em đang ở đây, là của cậu em, và ông đã bán đi rồi. Cuối tháng này chúng em sẽ phải ra đi, nghĩa là tuần lễ sau đây thôi. Chính vì thế mà em đã gửi Heidi đến chỗ ông.

— Thế Goni, tôi muốn nói là anh Gunther ấy cũng đồng ý à?

— Không. Goni không biết việc này.

— Gửi Heidi đến chỗ ông là ý kiến của em, ông Cimballi ạ. Chắc chắn là anh Goni sẽ không đồng ý rồi.

Nhưng, trời đất quỷ thần, tại sao cô ta lại làm thế?

— Để ông quan tâm đến nó, và đến chúng em. Và nhất là đến những gì đã xảy ra cho cậu Karl Gustave. Có nghĩa là có chuyện gì đặc biệt đã xảy ra cho cậu Karl Gustave? Ngoài việc cậu ấy đã chết, tất nhiên rồi!

Cô ta không biết. Nhưng theo cô ta, không phải bình thường, khi một người giàu có như cậu ấy...

— Ông Cimballi, ở Mỹ, cậu em có mấy cửa hàng ăn, và một khách sạn rất lớn. Cậu em giàu có. Lần duy nhất mà cậu về thăm chúng em, cách nay hai năm, cậu có cho chúng em xem những ảnh chụp. Cậu có nói rằng sẽ cho tất cả chúng em sang ở với cậu trong cái khách sạn ấy. Cậu về Mỹ, và ba tháng sau thì chết. Và người ta báo cho chúng em cái gì? Là cậu chỉ để lại cho chúng em có mười hai ngàn dolars. Và chúng em chỉ biết tin về cái chết của cậu một năm rưỡi sau. Chẳng có ai nói gì với chúng em cả. Điều ấy thật không bình thường. Em, thì em nói rằng đã có cái gì xảy đến cho cậu đấy. Nhưng em có thể làm gì được bây giờ? Đi sang Mỹ à? Ông thì ông có thể, ông rất giàu, một nghìn lần giàu hơn là những gì cậu Karl Gustave nói. Ông có thể làm được một cái gì đó. Và vì thế, em đã gửi Heidi đến chỗ ông. Nó thông minh lắm. Em có nói với nó là phải làm sao cho ông yêu mến nó, và quan tâm đến nó. Và em nó đã thành công, bởi vì ông đã đến tận Kossen này.

Tôi không nói được một điều gì cả. Và cái đáng kinh ngạc hơn hết là sự hoàn toàn thanh thản của Anna khi cô kể cho tôi nghe câu chuyện của cô. Dường như là tất cả những cái đó là bình thường thôi. Thậm chí tôi còn có cảm giác là nói chung, Anna rất bằng lòng về mình.

Cô ta còn nói:

— Em biết là em đòi hỏi ở ông quá nhiều, ông Cimballi. Nhưng nếu ông có thể giữ Heidi được thêm một chút thời gian nữa, và đồng thời, xem hộ chúng em chuyện gì đã xảy ra cho cậu chúng em, thì đó thật là lòng tốt của ông. Chúng em sắp phải rời bỏ cái trại này, em và mấy em của em. Em đã tìm được một công việc làm ở Imsbruck và Christel cũng thế. Đến mùa xuân sang năm, Goni sẽ trở về, chúng em sẽ làm lễ cưới, rồi với số tiền còn lại và những gì mà Goni đã tiết kiệm được, chúng em sẽ mua một cái khách sạn ở Sanlt Joham. Ông có thể giữ Heidi đến lúc đó được không? Em xin ông, ông Cimballi.

Cô ta có đôi mắt của Heidi, và cũng cái cách nghiêng đầu của nó khi cầu xin năn nỉ một cái gì.

— Em xin ông, ông Cimballi...

***

Cái thằng Cimballi này mới dần độn làm sao chứ! Tất cả rập gẫy, tôi chỉ ở lại Áo có khoảng mười lăm tiếng đồng hồ. Ngày hôm sau, thứ tư ngày 24, tôi đã ra đi từ trước buổi trưa, Munich - New York thẳng một mạch. Marc đi theo tôi. Chúng tôi đã định trước với nhau là anh ta sẽ tiến hành một cuộc điều tra về Walcher và về người đã chết Karl Gustave Baumer. Còn tôi, tôi phải nghĩ trước tiên đến buổi hẹn gặp ngày mai, thứ năm ngày 25, với những chủ ngân hàng ở Philadelphie. Vả lại Philip Vandenberg đã đến đợi tôi về việc này ở phi trường Kennedy: Anh ta xác nhận với tôi là như đã thỏa thuận với Miranda, những nhà kinh doanh Tàu từ Macao đã đến, mang đầy đủ những giấy tờ ủy quyền cần thiết.

Từ phi trường New York, tôi gọi điện cho Rosen: Heidi rất khỏe mạnh.

— Chỉ có điều là nó luôn luôn đòi về với cậu, Franz. Cậu đã gặp mấy bà chị nó chưa?

Tôi tóm tắt lại cuộc gặp gỡ của tôi với Anna cho anh ta nghe. Anh ta ngạc nhiên: Chỉ có thế thôi ư? Thế mà Anna Moser bắt tôi phải chạy sang tận Áo chỉ vì thế thôi à? Và trước hết, “có cái gì không bình thường đã xảy đến cho Baumer” là nghĩa lý gì. Anh ta muốn làm một cuộc điều tra về cái chuyện này, nhưng tôi cảm ơn, nói Marc đang làm rồi.

— Và hôn Heidi cho mình nhé, Jimmy.

Vandenberg và tôi, đến khách sạn Marriott ở Philadelphie vào lúc tám giờ tối. Đối với một người vừa ở Âu Châu tới như tôi thì là hai giờ sáng. Số đại diện của Macao là ba người, trong đó có một luật sư người Mỹ gốc Hoa ở California, có quen lớn với Lý và Lưu và đã có lần làm việc cho Lý và Lưu. Họ nói, với đầy đủ giấy tờ chứng minh là, cái số năm mươi triệu dolars, phần hùn vốn của Miranda đã được chuyển ngay trong ngày hôm nay từ ngân hàng Hong Kong and Shanghai Bank sang Philadelphie. Về phía tôi, tôi cũng xuất trình những giấy tờ nhận thức quyền sở hữu khách sạn ở Atlantic City của tôi và giấy chứng nhận sự chuyển từ Nasan đến một số tiền phụ nữa là hai mươi lăm triệu. Vậy thì tất cả mọi chuyện đã sẵn sàng. Nhưng cuộc bàn cãi về việc làm tờ hợp đồng thành lập hội kéo dài quá xá và đi vào những chuyện mà cả vụn vặt một cách rất Tàu, đến nỗi tôi phải để cho Vandenberg ở lại làm nốt với họ về những chi tiết, còn mình thì trở về đi ngủ vì mệt gần chết. Khi nhìn lại thời khóa biểu của tôi, trong những ngày vừa qua, tôi thấy đến chóng mặt lên được. Thứ sáu tuần trước, Heidi xuất hiện trong đời tôi, thứ bảy, tôi chạy đuổi theo nó trong New York, chủ nhật tôi đi Macao, vừa vật lộn với Miranda, thứ ba tôi đã ở Tyrol, và tôi vừa khép kín một vòng bốn mươi mốt ngàn cây số quanh trái đất. Như thế tôi có lý để được nói rằng đang bở hơi tai ra.

Và tối hôm đó, trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi nhớ rằng ý nghĩ minh mẫn cuối cùng của tôi vẫn là kinh ngạc về sự dễ dàng lạ lùng cái con quỷ cái Anna Moser, cứ phớt tỉnh như không ấy mà làm tôi phải chấp nhận việc săn sóc Heidi. Ồ, tôi không phải là người dễ bị lừa. Với một chút óc tưởng tượng, người ta vẫn có thể tự tìm cho mình cả đống những lý do vững chãi nhất để làm những cái gì mà người ta muốn làm. Trong trường hợp hiện nay, tôi đã tự cho tôi lý lẽ để giữ Heidi lại trước hết là vì con bé, sau nữa là vì Marc Andréa. Tôi có ý định là sẽ đem con tôi lên ở với tôi, khi nào mọi việc hơi ổn ổn một chút: Có Heidi ở bên cạnh, nó sẽ không cảm thấy bị cô đơn giữa những người lớn như mọi lần nó lên đây.

Vả lại ngay sáng hôm sau, Sarah đã ở đầu dây nói. Chuyện kỳ lạ: Cô ta gần như không gây một tí khó dễ nào mà chấp nhận ngay việc tạm dẹp công chuyện những khách sạn của cô ta lại trong ít lâu. Cô ta có hứa với tôi là sẽ suy nghĩ, thì cô ta đã suy nghĩ rồi. Cô ta sẽ nghỉ một mạch sáu tháng liền và chúng tôi sẽ dọn đến ở trong một ngôi nhà mà tôi sẽ đi thuê. “Với điều kiện là để em chọn lấy ngôi nhà ấy kia”, cô ta nói. Tôi hứa chịu tất cả những gì mà cô ta muốn. Chuyện cơ bản là, lần đầu tiên trong đời tôi, tôi sẽ được sống một cuộc sống bình thường: Một người vợ và những đứa con trong nhà với cái công việc nhàn nhã coi sóc sự xây dựng sòng bạc của tôi. Vì, dĩ nhiên là tôi đã báo cho Sarah biết cái tin về Heidi. Cô ta cười lớn: “Em có cảm giác là cái con bé Anna nào đó đã nắm được gáy anh rồi”. Cô ta gợi ý là chúng tôi sẽ đi nghỉ lễ Giáng Sinh ở Colorado là nơi chúng tôi sẽ gặp lại Gunther, nghĩa là Goni. Thậm chí chúng tôi còn có thể mời Anna và tất cả mấy chị em Misen tới dù có vì thế mà làm giảm dân số của cái vùng Tyrol ấy đi. Ừ, mà tại sao lại không nhỉ?

Nửa giờ sau, tôi lại đến với mấy ông chủ ngân hàng. Chúng tôi ký giấy tờ đến mỏi tay. Tất cả đều đã đâu vào đấy: Bốn trăm triệu tiền vay sẽ được nhanh chóng chi ra ngay, và những công việc sửa sang Con Voi Trắng có thể bắt đầu tức khắc. Với cái sự gần như chắc chắn là có thể chính thức khai trương sòng bạc vào mùa xuân 1977, tháng Tư chẳng hạn.

***

Tôi còn có một việc nữa phải hoàn thành.

Hơn giữa tháng sáu, khi tôi đến tham khảo ý kiến của Vandenberg về dự định của tôi, anh ta đã chứng minh cho tôi là phải hội tụ được ba điều kiện cần thiết. Tôi phải tìm được một mảnh đất để xây dựng, hoặc một tòa nhà để sửa sang lại (đã xong), tôi phải tìm được những người cùng hùn hạp (vừa xong) và cuối cùng tôi phải tuyển mộ đâu cho được một giám đốc, một người quản lý sòng bạc, có giấy phép cần thiết do Ủy Ban Cờ Bạc cấp cho đúng tên tuổi, và có những đức tính có một không hai trên đời này. Bây giờ đã đến lúc tôi phải lo về cái điều kiện thứ ba này đây.

Cũng trong ngày thứ năm 25 này, ngay sau khi xong việc với các chủ ngân hàng, tôi đã bay đi Las Vegas. Người mà tôi đang cần ở đó, mà không phải một mình anh ta - Những người đại diện cho Miranda đã nhắc cho tôi nhớ nếu tôi có ý quên - Cái người sẽ là phó giám đốc của Con Voi Trắng, với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ những quyền lợi của người hùn hạp với tôi. Cái bà Tàu núi lửa ở Macao đã báo trước với tôi là tôi “sẽ được dành một món quà bất ngờ khi trông thấy hắn”.

Ngay cái tên của anh ta cũng đủ để phải kinh ngạc rồi: Caliban.