Muốn xiết chặt ngay vấn đề tiêu dùng thì giờ, tôi lựa trường hợp một cá nhân nào đó để xét. Tôi chỉ có thể xét một trường hợp thôi và trường hợp đó không thể là trường hợp trung bình, vì không có trường hợp nào là trường hợp trung bình, cũng như không có người nào là người trung bình. Mỗi người và trường hợp mỗi người đều riêng biệt.
Nhưng nếu tôi lấy trường hợp một viên chức Luân Đôn làm việc sở từ mười giờ sáng đến sáu giờ chiều (Tại Anh các sở làm việc một hơi như vậy cho những người ở xa sở đỡ tốn công đi về; giữa trưa được nghỉ một giờ để ăn cơm) và sáng mất 50 phút tới sở, chiều mất 50 phút về nhà, thì trường hợp đó cũng gần được là trường hợp trung bình. Có người phải làm việc nhiều hơn người đó để kiếm ăn, nhưng có kẻ lại làm ít hơn.
Điều lầm lẫn quan trọng của viên chức ấy thuộc về thái độ của ông ta làm cho hai phần ba năng lực và hứng thú của ông giảm đi. Thường thường ông không yêu thích công việc của mình, may lắm là không ghét nó. Ông miễn cưỡng làm việc, càng trễ chừng nào cành hay; và vui vẻ đứng dậy ra về, càng sớm chừng nào càng tốt. mà trong khi làm việc, ông không cho bộ máy của mình chạy hết công suất của nó đâu. (Tôi biết sẽ có độc giả bất bình, trách tôi nói xấu công chức thành phố, nhưng tôi không thay đổi ý kiến vì tôi đã biết rõ thành Luân Đôn).
Mặc dầu vậy, ông ta vẫn nhất định coi những giờ làm việc từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều là khoảng thời gian chính trong ngày, còn 10 giờ trước và 6 giờ sau khoảng đó là phụ, chỉ như một đoạn mở và một đoạn kết vậy thôi. Một thái độ như vậy tất nhiên là diệt hết hứng thú của 16 giờ đó và kết quả là nếu ông ta không tiêu phí thời gian đó thì cũng chẳng đếm xỉa gì tới nó cả, coi như ở ngoài lề đời sống.
Thái độ ấy hoàn toàn vô lý và có hại vì ông đã coi trọng một khoảng thời gian mà ông trông cho mau hết.
Nếu một người làm cho hai phần ba đời sống của mình tuỳ thuộc một phần ba còn lại, mà trong một phần ba này lại uể oải làm việc, thì làm sao hy vọng sống một cách đầy đủ được?
Nếu viên chức ấy muốn sống đầy đủ thì phải thu xếp trước công việc mỗi ngày. Mỗi ngày từ 6 giờ chiều đến 10 giờ sáng - tức 16 giờ - thầy phải tìm cách luyện thân thể và trí óc, tâm hồn. Trong 16 giờ đó thầy không phải kiếm ăn, không phải lo vấn đề tiền bạc, thầy sung sướng, rảnh rang. Đó, thái độ của thầy phải như vậy. Mà thái độ của thầy là điều quan trọng nhất. Sự thành công của đời thầy tuỳ thuộc nó.
Sao? Bạn bảo dùng hết năng lực vào 16 giờ đó thì 8 giờ còn lại sẽ mất giá trị ư? Không. Trái lại, chắc chắn là giá trị 8 giờ ở sở còn tăng lên là khác.
Bởi vì trí óc có thể làm việc khó khăn, liên tiếp mà không biết mệt như tay, chân. Nó chỉ cần thay đổi công việc, chứ không cần nghĩ, trừ những lúc ngủ.
Bây giờ tôi xem ông ta sử dụng 16 giờ đó như thế nào. Tôi bắt đầu từ lúc thức dậy và chỉ kể những việc thầy làm, cuối cùng tôi mới chỉ cách nên dùng thì giờ đó ra sao.
Muốn được công bình, tôi phải nhận rằng ông ta phí rất ít thời gian trước khi đi làm lúc 9 giờ 10 phút. Ông thức dậy lúc 9 giờ, điểm tâm từ 9 giờ 7 phút đến 9 giờ 9 phút rưỡi rồi khoá cửa ra đi. Nhưng ngay khi ông khép cửa, thì trí óc của ông, đã mệt nhọc gì đâu bỗng hoá ra lười biếng. Ông đi lại bến xe mà đầu óc rỗng không. Tới nơi ông thường phải đợi xe. Trên hàng trăm bến xe ở ngoại ô, mỗi buổi sáng bạn thấy những người bình tĩnh đi đi lại lại trong khi công ty xe điện trắng trợn ăn cắp thời giờ quý hơn vàng của họ. Thành thử có hàng chục vạn giờ mất đi như vậy mỗi ngày chỉ vì người ta ít nghĩ đến thì giờ lắm, không bao giờ đề phòng để khỏi đánh mất nó.
Nếu khi bán giấy xe cho ông ta, công ty xe điện hỏi "Tôi đổi cho thầy một đồng tiền vàng, nhưng thầy phải các cho tôi 3 cắc" thì tất ông ta la lên dữ dội. Mà công ty bắt ông đợi mỗi ngày 2 lần mỗi lần năm phút, chính là bắt ông chịu thiệt như vậy. Bạn bảo tôi tính toán kỹ quá. Thưa vâng. Rồi tôi sẽ xin giảng tại sao. Bây giờ, xin bạn hãy mua một tờ báo, rồi lên xe chứ?