a lần liên tiếp VĐQG, hai lần liên tiếp vào chung kết C1, còn điểm đến nào lý tưởng hơn Manchester United? Vậy mà hè 2009, chẳng có sao nào cập bến Old Trafford; ngược lại, Sir Alex còn để mất hai cầu thủ xuất sắc. Ronaldo sang Bernabeu vì Real Madrid trả lương cao hơn. Tevez cũng rời đội sau hợp đồng cho mượn, bởi United dùng dằng mãi, không chịu trả cái giá 25 triệu bảng để mua đứt anh. Thời điểm Ronaldo và Tevez ra đi, cục nợ của United đã lên đến 700 triệu bảng. Mùa trước, đội thu lời 72 triệu, thì nhà Glazer dùng tới 69 triệu để trả lãi suất. Chẳng lạ gì khi các trụ cột không được giữ chân.
Ừ thì nợ, ừ thì trả lãi, nhưng còn số tiền 80 triệu thu được từ vụ Ronaldo, sao không đem ra bổ sung lực lượng? Về điểm này, có vẻ như các ông chủ Glazer đã có tính toán: 80 triệu à? Vừa đủ bù vào số tiền mua Nani, Anderson, Hagreaves mùa 07-08 và Berbatov mùa 08-09 thôi chứ mấy, có lời đồng nào đâu? Để thay thế Ronaldo và Tevez, Sir Alex chỉ đem về được ba cầu thủ không mấy tên tuổi: Antonio Valencia, Gabriel Obertan, và Mame Biram Diouf, với tổng giá khoảng 22 triệu. 80 – 22 = 58. 58 triệu ấy vô tay các sếp[1]. Trong khi đó, phú ông Manchester City tiếp tục chi ra 120 triệu mua cầu thủ mới.
Của đáng tội, đến với Old Trafford cũng có một tên tuổi lừng lẫy, nguyên là Quả Bóng Vàng Châu Âu: Michael Owen. Tiếc rằng Owen tới United trễ…10 năm. Ở thời điểm 2009, cựu thần đồng nước Anh đang sống kiếp “đời thừa”, ngay cả một CLB hạng nhất như Newcastle cũng không gia hạn hợp đồng với anh. Do vậy, Sir Alex có được Owen mà không tốn xu nào.
Như từng nhận xét nơi các chương trước, thế hệ 07-08 tuy mạnh về phòng ngự, nhưng trên hai tuyến tiền vệ và tiền đạo thì rất mất cân bằng, phụ thuộc rất nhiều vào Ronaldo. Nay không còn Ronaldo và Tevez, Berbatov thì đá phập phù, cả hai tuyến ấy chỉ còn một ngôi sao độc nhất là Wayne Rooney. Trách nhiệm từ giờ đổ hết lên vai Rooney.
Rooney vốn nổi tiếng sớm hơn Ronaldo. Khi Rooney hai lần được vinh danh Cầu Thủ Trẻ Xuất Sắc Nhất Nước Anh, Ronaldo còn chưa có danh hiệu gì. Song khi cầu thủ người Bồ bừng sáng, Rooney phần nào bị che lấp. Trong hai mùa gần nhất, nhiều khi anh phải lùi xuống chơi tiền vệ, hoặc đá dạt ra cánh, nhường vị trí ghi bàn cho Ronaldo hay Tevez. Người khác có thể lấy đó làm khó chịu, riêng Rooney không phàn nàn. Đối với anh, chuyện bản thân ghi bàn hay không chẳng quan trọng, mà quan trọng là chiến thắng của đội nhà. HLV chỉ đạo gì, giao cho nhiệm vụ gì, không khi nào anh thoái thác. Thậm chí có lần Rooney còn “gợi ý” cho Sir Alex: “Con chơi trung vệ cũng được đấy. Hồi đá banh ở trường, con từng chơi trung vệ.” Đánh giá về Rooney, Sir luôn ngợi khen “Cậu ấy không ích kỷ mà sẵn sàng hy sinh vì tập thể. Tinh thần vì tập thể, vì đồng đội của cậu ấy là trên cả tuyệt vời.”
Không còn phải hy sinh vì ai, Rooney được giao vị trí mũi nhọn trong mùa 2009-2010. Từ đây, anh đường hoàng bước ra khỏi cái bóng của Cristiano Ronaldo. Có cảm giác Rooney gồng mình lên để lấp chỗ trống do người đồng đội lớn để lại, cống hiến hơn cả 100% sức lực. “Chàng Shrek”[2] ghi bàn từ mọi tư thế, mọi tình huống, thậm chí thường xuyên lập công từ đánh đầu, điều trước đây ít khi anh làm được. Hai bàn vào lưới Wigan, ba bàn trước Portsmouth, bốn trái phá lưới Hull, rồi hai trái tặng West Ham, Rooney lập công còn nhiều hơn cả Ronaldo mùa trước. Anh cũng chính là người mở tỷ số trận derby lượt đi đầy kịch tính với Manchester City. Trận đấu kết thúc với tỷ số 4-3, với bàn quyết định do Owen ghi ở phút…96. Lượt về, tuy Rooney không lập công, United vẫn ghi bàn vào phút bù giờ (Scholes phút 93), khiến City một lần nữa ôm đầu khóc hận.
Phong độ Rooney lên đến đỉnh cao trong hai trận vòng hai Cúp C1 trước CLB bảy lần vô địch châu Âu AC Milan. Dưới thời Sir Alex, Milan từng hai lần loại United; lần này tới lượt Quỷ Đỏ phục thù. Rooney lập cú đúp, Scholes ghi một bàn, giúp đội khách thắng 3-2 ngay tại “thánh địa” San Siro. Trận lượt về diễn ra hoàn toàn ngược chiều, một cú đúp nữa của Rooney làm Milan rệu rã, mất hết tinh thần, tạo cơ hội cho Park Ji Sung và Fletcher phá lưới thêm hai lần, ấn định tổng tỷ số 7-2. Milan chỉ có thể tự an ủi: Ít ra cũng không thua đậm như Roma.
Khi đội bóng quá phụ thuộc vào một người, không khỏi lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra nếu người đó nghỉ dài hạn. Không Ronaldo còn Rooney, không Rooney thì chẳng còn ai nữa. Điều người hâm mộ e ngại rốt cuộc cũng đến. Rooney ghi bàn từ rất sớm trong trận tứ kết lượt đi với Bayern Munich, nhưng bị chấn thương về cuối trận, và đội bóng Đức thắng ngược 2-1. Chưa lành lặn hẳn, anh vẫn phải ra sân do tính chất quá quan trọng của lượt về. Diễn biến thuận lợi cho United trong hiệp một, khi đội dẫn 3-1. Sang hiệp hai, gió bỗng đổi chiều: Hậu vệ trẻ Rafael lãnh thẻ đỏ, rồi Rooney tái phát chấn thương, buộc phải nghỉ sớm. Bayern dồn lên áp đảo toàn diện, ghi được bàn thắng quý như vàng rút ngắn khoảng cách còn 2-3, đoạt quyền đi tiếp bằng luật bàn thắng sân khách.
Dù chấn thương vào giai đoạn cuối, Rooney kịp lập công 34 lần trên các mặt trận (đứng thứ nhì là Berbatov, chỉ có 12 bàn), xứng đáng giành giải Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Nước Anh (PFA và FWA). Tuy vậy, nhân lúc anh phải ngồi ngoài, Chelsea “tranh thủ” hạ United 2-1. Chiến thắng này mang tính quyết định, nhờ nó, đoàn quân xanh đăng quang ngôi vô địch với một điểm nhiều hơn Quỷ Đỏ. Mùa đó, danh hiệu duy nhất Sir Alex giành được là Cúp LĐ: Owen và Rooney là tác giả hai bàn thắng, giúp United thắng Aston Villa 2-1 trong trận chung kết.
Mùa 2010-2011, United chi 26 triệu bảng mua tổng cộng bốn cầu thủ, trong đó nổi bật nhất là tiền đạo 22 tuổi người Mexico Javier Hernandez, biệt danh Chicharito (hạt đậu nhỏ). Hai gã nhà giàu Chelsea và Manchester City tiếp tục đốt tiền tậu sao: đội trước bỏ ra 102 triệu, đội sau 143. City thậm chí còn kiếm cách dụ dỗ Rooney, khiến “chàng Shrek” xiêu lòng, tuyên bố muốn rời Old Trafford. Hiểu rõ học trò chỉ nhất thời nông nổi, Sir Alex không dùng “máy sấy”, mà nhẹ nhàng, chân tình khuyên bảo Rooney đừng đứng núi này trông núi nọ. “Đôi khi ta nhìn sang cánh đồng bên cạnh, thấy bò của người”, Sir ví von, “Có cảm giác như bò người luôn tốt hơn bò nhà, thật ra có phải vậy đâu. Cũng như nhau mà thôi, có khi bò nhà lại còn tốt hơn ấy chứ.” Để Rooney có thời gian suy nghĩ, Sir gửi anh đi “tĩnh tâm” ở trại tập huấn của Nike ở Oregon, Hoa Kỳ. Sau khi đã bình tâm, Rooney thừa nhận việc đòi ra đi là “sai lầm lớn nhất trong đời tôi”.
Tuy ở lại, gia hạn hợp đồng với Old Trafford, Rooney không đạt được phong độ tốt nhất. Có vẻ như sau một mùa gồng mình, gánh cả đội trên lưng, anh đã xuống sức. Người ta có thể cống hiến hơn 100% sức lực trong một thời gian, chứ muốn vĩnh viễn là bất khả. Dấu ấn Rooney ở mùa bóng mới không mấy đậm nét, ngoại trừ cú tung người móc bóng đẹp đến mê hồn trong trận thắng Manchester City 2-1. Pha lập công này được bầu là bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử giải ngoại hạng Anh.
Khi ngôi sao duy nhất trên hàng công không tỏa sáng như trước, liệu có thể hy vọng gì? Câu trả lời là có, bởi trên băng ghế huấn luyện, vẫn còn đó vị thuyền trưởng vĩ đại Alex Ferguson. Sir Alex có thể thích nghi với mọi tình huống: Ngày xưa là đại gia thống trị giải ngoại hạng, ông hành xử theo kiểu đại gia; bây giờ bị “hút máu”, hóa ra nhà nghèo, không cạnh tranh nổi về tài chính với các phú ông mới nổi, thì ông “liệu cơm gắp mắm”. Trước đây, Sir vẫn hay xoay tua đội hình, nhưng nay, ông đẩy mạnh tốc độ và cường độ vòng xoay, đưa việc xoay tua trở thành trọng tâm chiến thuật trong cuộc đua giành danh hiệu.
Tại sao Sir làm như thế? Nên biết đội hình United, ngoài Rooney và những trụ cột hàng thủ như Van der Sar, Vidic, Ferdinand, đa phần còn lại có thể xếp vào ba nhóm: tài năng trẻ chưa đạt độ chín (Hernandez, Rafael, Anderson…), lão tướng sức đã yếu (Scholes, Giggs, Owen…), và cầu thủ có năng lực, nhưng luôn phập phù (Berbatov, Nani, Carrick…). Cả ba nhóm chia sẻ một đặc điểm chung: Phong độ không ổn định, có lúc rất thăng hoa, khi khác lại nhạt nhòa. Nếu biết xoay tua hợp lý, nắm rõ thời điểm nào cần dùng ai, bỏ ai, mới có thể phát huy hết tiềm lực đội bóng.
Vấn đề là phải làm cách nào? Chẳng hạn như, làm sao biết trước trận nào Berbatov sẽ thăng, trận nào sẽ xìu? Chả có quy luật nào cả. Đánh giá bằng phong độ trên sân tập cũng không được, vì đá tập và đá thật hoàn toàn khác. Cách duy nhất là dựa vào dự cảm và con mắt tinh đời của HLV. Giống như một bậc trưởng lão già đời có thể nhìn vào mắt người mà đoán biết tính cách, một HLV lão luyện và giàu kinh nghiệm như Sir Alex có thể dự cảm được điểm rơi phong độ của các học trò. Vai trò của Sir ở Old Trafford vốn đã quan trọng nay càng trở nên thiết yếu. Đội hình United rõ ràng đã yếu hơn hẳn; hoàn toàn chỉ nhờ sự xoay sở của Sir mới có thể cạnh tranh với các đại gia ở quốc nội và châu lục.
Nửa đầu mùa giải, Sir Alex đặt niềm tin vào Dimitar Berbatov. Chân sút người Bulgaria sở hữu lối chơi khéo léo, kỹ thuật cá nhân thượng hạng, nhưng đá theo lối “công tử”: khệnh khạng và lười di chuyển. “Công tử” ở những CLB nhỏ như Bayer Leverkusen hay Tottenham thì được, chứ ở Old Trafford là không xong; suốt hai năm đầu khoác áo Quỷ Đỏ, Berbatov không thể hiện được mấy. Tuy thế, giai đoạn thăng hoa của Berbatov bắt đầu vào ngày 19 tháng chín, 2010, khi anh lập hattrick, đem về chiến thắng 3-2 trước Liverpool. Trong ba bàn, bàn thứ hai là một tuyệt tác nghệ thuật, làm gợi nhớ đến bậc thầy kỹ thuật Rivaldo ngày xưa: Đứng quay lưng lại khung thành, Berbatov đỡ bóng bằng đùi, rồi ngả người tung sút vô cùng ngoạn mục.
Berbatov tiếp tục “nhập đồng”, chạm đâu biến đấy thành vàng, ghi năm bàn giúp United thắng Blackburn 7-1[3], rồi một hattrick nữa giúp đội hạ Birmingham 5-0. Ngày 25 tháng một, 2011, sau hai trái vào lưới Blackpool thì “thánh xuất”. Sir Alex không lo lắng, bởi đó cũng là lúc tân binh Javier Hernandez đang lên đỉnh. Ông cất Berbatov vào ghế dự bị, sử dụng “hạt đậu nhỏ” trên hàng công. Được coi là Solskjaer mới, thực chất Hernandez giống với Filippo Inzaghi nhiều hơn. Chẳng có kỹ năng gì nổi trội, song anh là chuyên gia “ăn cắp trứng gà”, cực kỳ thính nhạy với cơ hội. Chicharito ghi một bàn trong trận cầu mang tính quyết định của mùa giải, góp phần đưa United vượt qua Chelsea với tỷ số 2-1. Thắng trận này, Quỷ Đỏ chỉ cần hòa ở vòng áp chót với Blackburn để lên ngôi vô địch, một nhiệm vụ họ hoàn thành chẳng mấy khó khăn.
Cúp C1 cũng chứng kiến sự tỏa sáng của Hernandez. Anh lập cú đúp vào gôn Marseille ở lượt về vòng hai (United thắng 2-1, lượt đi hòa 0-0), và phá lưới Chelsea ở lượt về tứ kết (United tiếp tục thắng 2-1, lượt đi thắng 1-0). Tại bán kết, Quỷ Đỏ gây giông tố, cuốn trôi Schalke 04. Trên đất Đức, trước sự xuất thần của thủ thành Manuel Neuer, đội bỏ lỡ bảy tám cơ hội mười mươi, nhưng vẫn vượt qua đối thủ nhờ công Rooney và lão tướng Ryan Giggs. Về Old Trafford, đến Neuer cũng bị khuất phục: Valencia, Gibson và Anderson (hai bàn) lập công, giúp chủ nhà thắng nhàn 4-1.
Trận chung kết với Barcelona, tuy nhiên, là một thử thách quá lớn. Hai năm trước, với Ronaldo trong đội hình, United còn thúc thủ trước Barca. Giờ đây, Ronaldo không còn nữa, trong khi Barca đã mạnh càng thêm mạnh với sự bổ sung các ngôi sao như Javier Mascherano và David Villa. Không bất ngờ khi Barcelona chiếm tới 68% quyền kiểm soát bóng, và sút 22 cú so với 4 bên United. Sau bàn mở tỷ số của Pedro, United cố gượng đứng lên với pha gỡ hòa của Rooney, song đến phút 54, lúc “hoàng tử bé” Messi tung sút tái lập cách biệt, mọi hy vọng hoàn toàn tan vỡ. Villa bồi thêm nhát kiếm cuối cùng vào tim quỷ, ấn định chiến thắng 3-1 thuyết phục. Người hâm mộ Quỷ Đỏ không mấy buồn, vì thất bại là điều đã được dự báo trước. Ngược lại, họ cảm thấy tự hào: Với lực lượng như hiện tại, huy chương bạc đã là kỳ tích.
2010-2011 chính là mùa bóng mà tài cầm quân của Sir Alex được thể hiện rõ rệt nhất. Không sở hữu lực lượng đồng đều như mùa 98-99, không có Ronaldo như mùa 07-08, United 10-11, nói thẳng ra, là một đội hình “què quặt”. Vậy mà dưới sự chèo chống xoay sở của Sir, họ giành ngôi quán quân ngoại hạng, bỏ xa đội hạng nhì tới chín điểm, vượt mặt Liverpool trở thành đội đầu tiên 19 lần VĐQG Anh, đồng thời vào tận chung kết Cúp C1. Đối mặt với hai núi tiền: một Nga, một Ả Rập, United chỉ là một bệnh nhân yếu ớt đang bị chính ông bầu của mình “hút máu”. Với Sir cầm cương chỉ đạo, bệnh nhân ấy đã đấu tranh kiên cường để giành thắng lợi cuối cùng.
Cuối mùa, United lại tổn thất lực lượng, phải chia tay với thủ môn Edwin Van der Sar. “Người nhện Hà Lan” quyết định treo giày ở tuổi 41, sau sáu năm rực rỡ trong màu áo đỏ. Trước đó, vào tháng 2, 2011, hậu vệ thủ quân Gary Neville đã nói lời giã từ, vì chấn thương dai dẳng mãi không khỏi hẳn. Nhằm tôn vinh “người cận vệ già”, Sir Alex mời David Beckham, Nicky Butt, và Phil Neville trở lại Old Trafford, tái lập đội hình trẻ 1992, đá giao hữu biểu diễn cùng Juventus. Băng đội trưởng từ tay Neville được trao cho Nemanja Vidic[4].
Tuy vậy, từ phía lực lượng kế thừa, cũng có những dấu hiệu tươi sáng. Ngay mùa đầu tiên khoác áo United, Javier Hernandez đã ghi đến 20 bàn thắng, chỉ kém một bàn so với Berbatov (Rooney chỉ ghi được 17 bàn khi mới đến). Về phần Berbatov, tuy chỉ tỏa sáng khoảng nửa mùa, anh vẫn đoạt chức Vua Phá Lưới Giải Ngoại Hạng, ngang với Carlos Tevez của Manchester City. Bên cạnh Hernandez, những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ, đang được cho thuê, như Danny Welbeck và Tom Cleverley cũng thể hiện phong độ đầy hứa hẹn, sẵn sàng trở về Old Trafford cho mùa giải năm sau.
Sir Alex tri ân người hâm mộ (ảnh: Thesun.co.uk)
[1] Đương nhiên, trước dư luận, nhà Glazer tuyên bố Sir Alex có toàn quyền sử dụng 80 triệu, nhưng vấn đề hậu trường phức tạp hơn thế nhiều. Đọc những chương trước, độc giả có thể thấy Sir Alex chẳng bao giờ tiếc tiền trong việc mua cầu thủ, thường xuyên phàn nàn chuyện chủ tịch ky bo. Không khi nào có chuyện ông cầm 80 triệu mà không chịu xài.
[2] Rooney hay được gọi đùa là Shrek, vì có ngoại hình khá giống với chú chằn tinh trong phim hoạt hình này.
[3] Trong lịch sử ngoại hạng Anh, chỉ có bốn cầu thủ ghi được năm bàn trong một trận: Andy Cole, Alan Shearer, Jermain Defoe, và Dimitar Berbatov.
[4] Trên thực tế, Vidic đã là đội trưởng từ trước, vì trong hai mùa cuối, Gary Neville rất ít khi ra sân.