rước mùa bóng mới, không mấy ai đặt niềm tin vào Manchester United. Ừ thì Arsenal đã bị Arsene Wenger dắt vào con đường “duy ý chí”, không đáng kể đến nữa, nhưng đương kim vô địch Chelsea thì quá mạnh. Kỳ chuyển nhượng hè, Chelsea mua thêm hai siêu sao Andriy Shevchenko và Michael Ballack, trong khi United bán đi tiền đạo lừng danh Van Nistelrooy, chỉ đem về một tiền vệ thuộc loại khá là Michael Carrick. Tuy nhiên, Sir Alex tự tin hơn bao giờ hết, bởi chẳng ai biết trò bằng thầy. Rooney và Ronaldo đã đạt đến độ chín, hai tân binh mua muộn mùa trước là Vidic và Evra đã bắt đầu hội nhập, nên United chẳng còn ngán ai. Việc bán Nistelrooy, như ta bàn nơi chương trước, thật ra là phúc chứ chẳng phải họa.
Cũng hú hồn, nếu không nhờ tài xử trí của Sir Alex, Ronaldo đã rời Old Trafford. Cầu thủ Bồ Đào Nha bị dân Anh “ném đá” tơi bời vì tội dám “thèo lẻo, xúi bẩy” trọng tài đuổi Rooney trong trận Anh – Bồ Đào Nha ở World Cup 2006. Kết thúc giải, về đến Manchester, Ronaldo thấy cửa sổ nhà mình bị đập bể, còn hộp thư chất đầy những thư nặc danh, hăm dọa “xin tý huyết”. Hoảng hồn, anh tính chuyện sang Tây Ban Nha, đá cho Real Madrid hay Barcelona. Sir Alex phải trổ hết tài thuyết khách, thuyết phục Ronaldo ở lại, rồi tìm cách cho anh và Rooney hòa giải với nhau. Cuối cùng, mọi việc cũng êm thấm.
Trận khai mạc mùa giải,trên sân Old Trafford vừa được mở rộng với sức chứa 76 000 người, United đánh tan mọi hoài nghi. Rooney, Ronaldo, và Saha đều ghi bàn, đem về chiến thắng đậm đà 5-1 trước Fulham. Từ đó, trừ khoảng hai tuần ngắn ngủi trong tháng chín, họ không bao giờ để rơi ngôi đầu. Mới sang đầu năm 2007, Chelsea đã có vẻ đeo bám không nổi. Jose Mourinho nhìn rũ rượi hẳn, hai mắt thâm quầng. “Hình như tôi không đủ tài”, ông ta mệt mỏi thốt lên trong buổi họp báo, “Hình như cầu thủ của tôi không đủ giỏi”.
Ba tháng ba, 2007 là một ngày quan trọng: Manchested United gặp Liverpool trên sân Anfield. Nếu không tính trận áp chót gặp Chelsea, Liverpool là đối thủ lớn cuối cùng United phải đối đầu, vượt qua Liverpool coi như 90% ôm cúp trong tay. Vận may dường như không đứng về Quỷ Đỏ: Hết Rooney rời sân vì chấn thương, đến Paul Scholes lĩnh thẻ đo do chơi xấu Xabi Alonso. Đến phút 92, khi tỷ số vẫn là 0-0, United được hưởng quả đá phạt bên góc trái. Ai cũng ngỡ Ronaldo sẽ chuyền, nhưng anh tung cú sút căng. Có lẽ bị bất ngờ, thủ thành Pepe Reina không bắt được dính, để bóng văng ra. John O’Shea ập vào đá bồi, ghi bàn thắng quý như vàng.
Đầu mùa, mọi người đều chắc mẩm trận đấu vòng áp chót giữa Chelsea và United sẽ vô cùng gay cấn. Chẳng ngờ đến khi trận đấy diễn ra, Quỷ Đỏ đã thừa điểm vô địch. Đến thăm Chelsea tại Stamford Bridge, Sir Alex tung ra một đội hình lạ hoắc, gồm những cầu thủ muôn đời dự bị như thủ môn Tomasz Kuszczak, hậu vệ Kieran Lee, tiền vệ Chris Eagles, và trung phong…Dong Fangzhuo người Trung Quốc. Tỷ số cuối cùng là 0-0, do Chelsea cũng chẳng còn động lực thi đấu. Gặp nhau ba lần mùa đó, Chelsea hòa hai, và thắng United tại chung kết Cúp FA. Bất khả chiến thắng, nhưng Sir Alex chẳng buồn. Vô địch ngoại hạng thì sức mấy mà buồn!
Trận cầu đáng nhớ nhất của United trong mùa 2006-2007 không phải ở giải ngoại hạng, mà là cuộc chạm trán với AS Roma ở tứ kết lượt về Cúp C1. Lượt đi thua 1-2, người hâm mộ Quỷ Đỏ vẫn tự tin đội nhà có thể lật ngược tình thế, song những gì xảy ra tại Old Trafford hôm ấy vượt ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai. United chơi với tốc độ chóng mặt, liên tục đập nhả một chạm. Mới phút 12, Carrick đã lốp bóng qua đầu thủ thành Doni, mở tỷ số. Sáu phút sau, Alan Smith, vừa trở lại sau chấn thương, nhân đôi cách biệt. Kế đó hai phút, Giggs tạt ngang cho Rooney ghi bàn thứ ba. Trước lúc kết thúc hiệp một, Ronaldo dứt điểm vào góc gần, đem lại bàn thứ bốn. Chưa hết, mới bắt đầu hiệp hai, lại là Ronaldo lao vào đón đường chuyền của Giggs, dứt điểm thành công, rồi lại Carrick sút xa tuyệt đẹp, phá lưới lần thứ sáu. De Rossi gỡ một trái an ủi cho Roma, trước khi Evra ấn định tỷ số 7-1.
Trên khán đài tối đó, các fan Roma không tin vào mắt mình. Nhiều phóng viên Ý trong khu báo chí nổi giận, bỏ về ngay sau hiệp một. Theo lời Ronaldo, lúc tỷ số đang là 6-0, một hậu vệ đối phương thậm chí còn năn nỉ anh “Thôi mà, ăn sáu trái rồi, còn lừa mãi làm gì”. Trong buổi họp báo sau trận đấu, Sir Alex tự hỏi: Không biết trong suốt lịch sử Cúp C1, có màn trình diễn nào ấn tượng đến thế này chăng.
Niềm vui, tuy vậy, chẳng kéo dài lâu, vì AC Milan phục thù giùm đồng hương ở vòng bán kết. United thắng trận lượt đi 3-2, với cú đúp của Rooney, nhưng tới trận lượt về, Kaka, Seedorf và Gattuso chơi như lên đồng, giúp Milan thắng thuyết phục ba bàn không gỡ.
Năm 2007 chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Cristiano Ronaldo. Từ một cậu bé lóc chóc, hay phô diễn kỹ thuật cá nhân một cách không hiệu quả, dưới sự dẫn dắt của Sir Alex, anh vươn lên đẳng cấp hàng đầu thế giới. Không cắm đầu lừa banh bừa bãi, Ronaldo giờ đây biết rõ khi nào cần cầm bóng, khi nào cần chuyền, và khi nào cần trổ tài lắt léo. George Best và Ryan Giggs sở hữu những đôi chân ma thuật, khéo léo, nhưng dường như vẫn chưa bằng Ronaldo. Mỗi pha bóng của Ronaldo là một tác phẩm nghệ thuật: Anh chạy nhanh như điện chớp[1], đảo chân dẻo như rang lạc; lúc thì quay mặt sang trái, nhưng gạt bóng sang phía phải; khi chơi trò giật gót, xỏ kim, khiến đối phương chẳng biết đằng nào mà lường. Trông dáng anh chạy, thấy nhẹ nhàng như thể không để lại dấu chân trên mặt tuyết. Thôi thì hậu vệ tìm đủ mọi cách truy cản anh: Nắm áo, kéo quần, dẫm chân, vật ngã. Tất cả đều vô hiệu.
Điểm mạnh nhất ở Ronaldo là…cái gì cũng mạnh, tức là sự toàn diện trong lối chơi! Trong anh có kỹ thuật và tốc độ của Giggs, khả năng đánh đầu và nhạy cảm vị trí của Sheringham, sức mạnh trong từng cú sút của Scholes, cùng tài sút phạt của Beckham. Tuy đá dạt cánh, không phải trung phong, nhưng Ronaldo liên tục ghi bàn. Anh dứt điểm tốt, và rất chịu khó dứt điểm: Góc hẹp mấy cũng dám sút, xa 40-50 mét cũng dám sút, hễ thấy được khung thành là tự tin sút. Những cú sút của Ronaldo, dù là sút phạt hay bóng sống, đều mang lực cực mạnh, thủ môn rất khó truy cản; nếu cản được cũng dễ để bóng văng ra, tạo cơ hội cho đối thủ lao vào đá bồi. Mùa 06-07, Ronaldo là vua phá lưới của United, với 23 bàn thắng, đồng thời trở thành người đầu tiên hợp nhất được ba danh hiệu của bóng đá Anh: Cầu Thủ Xuất Sắc của PFA, Cầu Thủ Xuất Sắc của FWA, và Cầu Thủ Trẻ Xuất Sắc[2].
Một trong những màn trình diễn siêu đẳng nhất của Ronaldo diễn ra ở trận United thắng Bolton 4-1. Trận này, bóng cứ như dính chặt vào chân Ronaldo, Bolton cử đến bốn, năm hậu vệ theo kèo anh cũng chẳng làm được gì. Hết trận, một phóng viên đặt câu hỏi cho HLV Bolton, Sam Allardyce:
-Hôm nay hậu vệ đội ông bị Ronaldo lừa như ngóe, ông có sợ về lâu về dài, họ sẽ bị tổn thương về tâm lý không?
-Tổn thương thôi à – Allardyce đáp – Phải đi phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh sửa lại toàn diện luôn ấy chứ!
Manchester United – AS Roma 7-1 (ảnh: Thehardtackle.com)
[1] “Hắn cứ như Valentino Rossi (VĐV đua xe)”, hậu vệ Panucci của Roma nhận xét về Ronaldo, “Gắn cho tôi một cái động cơ, may ra tôi đuổi kịp hắn, không thì vô vọng”.
[2] Bên cạnh Ronaldo, Rooney cũng có một mùa bóng thành công, cùng ghi được 23 bàn. Louis Saha xếp sau với 13. Đặc biệt, Solskjaer tuy bị chấn thương hành hạ, rất ít khi ra sân, vẫn kịp lập công tới 11 lần. Manchester United có đến tám cầu thủ được chọn vào đội hình tiêu biểu của giải ngoại hạng.