Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1949 thật tưng bừng rộn rã. Từ trên cao, mặt trời chói lọi tỏa ánh sáng chan hòa xuống một Sicily huy hoàng muôn hoa. Trên ban công các tòa nhà thủ phủ Palermo, những giàn hoa rực rỡ màu sắc. Những cánh hoa tuy đã tàn, nhưng màu sắc còn tươi thắm trộn lẫn xác pháo hồng phủ đầy các vỉa hè, và nhất là bên ngoài những ngôi nhà cổ kính. Ngoài đường phố, người người nô nức, hân hoan lũ lượt kéo nhau đến nhà thờ chánh tòa dự lễ Missa do đích thân Hồng y giáo chủ cử hành. Mặc những bộ đồ “vía” màu đậm, đám dân nhà quê – đàn ông, đàn bà, con nít, tíu tít, hớn hở chào nhau bằng lời chào truyền thống của ngày lễ “Mừng Chúa sống lại”. Turi cũng lẫn lộn trong đám nhà quê ấy và cũng đáp lại bằng một câu truyền thống “Vinh danh Chúa Muôn đời”.
Turi Guiliano và các thủ hạ lén nhập vào thủ phủ từ tối hôm trước. Chúng cũng vận bộ đồ màu đen thô kệch may theo kiểu nhà quê. Chiếc áo khoác rộng thùng thình che kín vũ khí lận trong người. Guiliano chẳng bỡ ngỡ lạ lùng gì với phố xá của Palermo. Mấy năm nay hắn thường lén vào thủ phủ này để chỉ huy bắt cóc các vương tôn, công tử và các tay phú hào giàu sụ để đòi tiền chuộc. Hắn cũng chẳng sợ hãi gì mà không dám đi ăn ở các nhà hàng sang trọng. Để vuốt râu trêu ngươi nhà chức trách, mỗi khi ăn xong, hắn để lại giấy cho biết Guiliano đã đến ăn ở nhà hàng này.
Trong những cuộc thăm viếng thủ phủ như vậy, chẳng lần nào Guiliano gặp rắc rối. Khi đi ngoài phố, Guiliano bao giờ cũng có thầy cai Canio Sylvestro bên cạnh, hai thủ hạ khác đi trước chừng hai chục mét, bốn tên đi bên kia đường, hai đi phía sau và hai đi phía sau xa xa nữa. Dọc đường, nếu một chú cớm nào lớ ngớ hỏi giấy Turi thì đúng là vô phước cho chú cớm đó. Đám thủ hạ cứ “khử” cái đã. Hạ hồi phân giải. Vào nhà hàng, đám thủ hạ cũng chia nhau ngồi rải rác khắp các góc bàn ở chỗ hiểm yếu.
Sáng hôm lễ Phục Sinh đó, Guiliano đem theo năm chục thủ hạ. Các sếp – ngoại trừ Stefan Andolini phải ở lại thủ trại – đều được đi theo Guiliano, kể cả đồ tể Passatempo. Khi Turi và Aspanu vào nhà thờ chánh tòa thì có bốn chục thủ hạ vô theo. Còn lại mười tên phòng thủ bên ngoài dưới sự chỉ huy của thầy cai. Terranova có nhiệm vụ lái chiếc xe dùng khi tẩu thoát.
Đức Hồng y giáo chủ làm chủ tế đại lễ. Ngài mặc áo lễ màu trắng thêu kim tuyến lấp lánh, chống cây trượng bằng vàng. Cây thánh giá bằng vàng khối nạm ngọc to tướng đeo lủng lẳng trước ngực. Toàn thân ngài, ánh kim lấp lánh, chói lọi, rực rỡ như tỏa hào quang. Nhìn ngài lúc này mà đứa nào dám nói “Cái áo không làm nên thầy tu” là nói bậy, làm phạm thượng. Bởi vì trông ngài uy nghiêm, thánh thiện, siêu thoát và linh thiêng quá đi, khiến người ta không thể không cảm thấy kính cẩn và sợ hãi. Nhất là mấy mụ nhà quê thì khỏi nói. Nếu Đức Chúa Jesus hoặc Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary mà hiện ra chắc cũng không thể uy nghi, lộng lẫy hơn đức Hồng y giáo chủ trong khung cảnh này.
Trong nhà thờ, chỗ nào cũng thấy tượng thánh. Đủ kiểu đủ cỡ và đủ màu sắc. Bi thương có, hớn hở có, trầm mặc có. Nào tượng Đức Chúa Jesus Phục Sinh, tượng Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary và vô số tượng chư thánh la liệt trên bàn thờ, trên tường. Turi nhúng mấy ngón tay vào bình đựng nước thánh trang trí hình nổi Chúa chịu nạn và làm dấu thánh giá. Hắn quì gối, đưa mắt đảo khắp nhà thờ, từ mái vòm cho đến các bàn thờ. Bàn thờ nào cũng đèn, nến sáng choang.
Thủ hạ của Turi chia nhau đứng rải rác khắp trong nhà thờ, nhất là chỗ gần bàn thờ chính. Tín đồ chen chúc nhau trên các ghế ngồi. Những bộ áo quần màu đậm của đám nhà quê lam lũ bên cạnh những bộ quần áo màu sáng hoặc sặc sỡ của đám dân thị thành. Guiliano đứng trước bàn thờ Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary có các thánh tông đồ đứng bên. Hắn ngắm nhìn và cảm thấy vẻ đẹp huyền bí của các bức tượng thu hút, đến nỗi, trong giây lát, hắn như quên đi những gì xung quanh.
Nhà thờ vang lên tiếng hát của giáo sĩ và ban đồng ca. Giọng lĩnh xướng cao vút, du dương được tiếng đại phong cầm vừa réo rắt vừa trầm bổng hòa theo, khi nhặt, khi khoan. Uy linh quá. Siêu thoát quá. Thỉnh thoảng giọng ầm vang của toàn thể các tín đồ trong nhà thờ đáp lại giọng lĩnh xướng, nghe vừa mơ hồ vừa ầm ầm như thác đổ. Mùi hương ngào ngạt tỏa ra từ các bình bông trên bàn thờ. Mùi trầm hương quyện trong khói mờ mờ ảo ảo. Điệu bộ sung tín của các tín đồ. Tất cả tác động mạnh vào Guiliano. Lễ Phục Sinh cuối cùng mà hắn dự cũng đã cách đó năm năm rồi, trước khi hắn xử tử tên thợ hớt tóc phản bội. Lễ Phục Sinh hôm đó, hắn cảm thấy một sự mất mát và kinh sợ mơ hồ mà hắn không rõ nguyên nhân. Đã bao lần hắn nói với kẻ thù mà hắn kết án tử: “Nhân danh Thiên Chúa, nhân danh xứ Sicily, tao xử tử mày”. Hắn liên tưởng đến bài kinh mà các ông Cha vẫn đọc khi làm phép bí tích rửa tội: “Nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa con… ta rửa tội cho mày”. Mỗi khi hắn đọc bản án tử hình giống như bài kinh của ông cố đạo, hắn cũng chờ đợi nghe tiếng kẻ thù thì thầm cầu nguyện. có lúc, hắn cũng ao ước làm cho lũ kẻ thù đó sống lại – như Chúa đã sống lại – và đem chúng ra khỏi nơi tối tăm mà chính hắn đã ném vào. Và rất có thể, buổi sáng lễ Phục Sinh năm nay, hắn cũng sẽ cho một đức Hồng y giáo chủ gia nhập vào đám kẻ tử thù mà hắn đã ném vào nơi tối tăm kia. Bởi vì, ông hoàng của Hội Thánh, nếu không lừa bịp dối trá, thì ít nhất cũng đã nuốt lời hứa với hắn, phản bội hắn. Do đó, ngài đã tự nguyện trở thành kẻ thù của hắn. Bất kể ông ta hát hay như thế nào, bất kể ông ta nom uy nghi, lộng lẫy, thánh thiện, siêu thoát, thần thiêng như thế nào – là kẻ thù của Guiliano có nghĩa là phải chết. Ra lệnh cho một vị Hồng y giáo chủ: “Hãy ăn năn tội lỗi và hãy làm hòa với Chúa đi” thì có phải là xấc láo không nhỉ?
Buổi lễ sắp bế mạc. Các tín đồ lần lượt kéo nhau lên gần bàn thờ để được ban Thánh Thể. Ngày hôm qua, tại tu viện, số thủ hạ đã xưng tội với cha bề trên Manfredi. Và như vậy, giờ này tâm hồn chúng sạch tội, trong trắng. Từ hôm qua đến giờ, chúng chưa có dịp để phạm tội trọng nào. Có lẽ sau khi rước Thánh Thể vào lòng, chúng sẽ phạm tội giết người. Các tín đồ, lòng nhẹ nhàng, lâng lâng vì tâm hồn họ đã sạch sẽ, tinh tuyền sau khi xưng tội, nay lại rước Thánh Thể vào lòng. Họ hớn hở ra khỏi nhà thờ, trong lòng còn mang Thánh thể. Họ hân hoan vui bước tỏa ra khắp các nẻo đường, đại lộ để về nhà ăn mừng Chúa phục sinh.
Phía sau bàn thờ, giáo sĩ phụ lễ cung kính đỡ lấy chiếc lễ miện của Đức Hồng y. Đầu trần, trông ngài lại có vẻ cao lớn hơn. Vành lễ miện bằng vàng chắn ngang trán đã làm giảm cái nét độc đáo Sicily trên khuôn mặt nghiêm nghị đến mức khắc khổ của ngài. Lúc này – không đội lễ miện – khuôn mặt ngài gây cho người ta cái ấn tượng ngài đầy oai quyền hơn là thánh thiện. Ngài thay áo lễ khác và cùng với các giáo sĩ tùy tùng – theo tục lệ truyền thống – ngài bắt đầu đến cầu nguyện trước từng bàn thờ trong số bốn bàn thờ chính trong nhà thờ.
Bàn thờ thứ nhất cũng là lăng mộ của đức vua Roger đệ nhất. Bàn thờ thứ hai là lăng mộ của đức hoàng đế Fréderic đệ nhị. Bàn thờ thứ ba là lăng mộ của đức vua Henry đệ tứ. Những nấm mộ này hình chiếc quan tài, làm bằng cẩm thạch và chạm hình nổi rất công phu và nghệ thuật. Bàn thờ thứ tư ở cách xa hơn và hơi khuất. Đây là nơi thờ bức tượng Thánh Rosalie, thánh bổn mạng của thủ phủ Palermo. Bức tượng làm bằng bạc khối, nặng cả tạ. Hằng năm, vào ngày lễ kính nhớ Thánh bổn mạng, nhân dân thành phố vẫn khiêng tượng này ra để rước kiệu trên khắp các đường phố của thủ phủ. Nơi đặt bàn thờ này cũng là nơi an táng của tất các vị Hồng y giáo chủ đã từng cai quản thủ phủ Palermo. Vì chính thức ngài đương kim Hồng y giáo chủ - khi tạ thế - cũng sẽ được an táng tại đây. Khi đang quì cầu nguyện tại bàn thờ này, thì ngài và đoàn giáo sĩ tùy tùng bị Guiliano và các thủ hạ bao vây. Một vài tên đã chặn cửa ra vào lăng mộ để không ai có thể báo động.
Đức Hồng y giáo chủ đứng dậy. Ngài trừng trừng nhìn lũ người bao vây. Nhưng thấy khuôn mặt Pisciotta, ngài đã nhận ra. Tuy nhiên, khuôn mặt y bây giờ quá khác lạ với khuôn mặt khi y yết kiến ngài lần đầu. Khuôn mặt y bây giờ là khuôn mặt quỉ sứ từ dưới hỏa ngục chui lên, bắt linh hồn ngài về dưới đó, ném vào lò lửa hỏa ngục thiêu đốt đời đời.
- Tâu đức Hồng y giáo chủ, - Guiliano cung kính, nhưng không thiếu vẻ cương quyết, ngài đã bị chúng con bắt làm tù nhân. Nếu ngài làm theo lời chúng con thì cam đoan ngài không bị hại. Chúng con rất sung sướng và hãnh diện được kính mời đức ngài lên núi nghỉ lễ Phục Sinh với chúng con. Và chúng con cung kính xin hứa là, tại đó đức ngài vẫn được cung phụng đầy đủ và sung sướng không thua gì ở tòa Hồng y.
Hồng y giáo chủ giận dữ nói:
- Các con cả gan dám đem theo cả vũ khí vào nhà Chúa?
Guiliano bật cười. Tất cả những cảm giác sợ sệt thoắt tan biến và nhường chỗ cho cảm giác thích thú về những gì hắn sắp làm.
- Tâu đức ngài, có gì mà không dám. Con còn dám trách đức ngài là đấng bề trên thánh thiện, mà lại đi nuốt lời hứa, nếu chúng con giúp đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc vừa qua, thì đức ngài sẽ can thiệp với chính quyền cho chúng con được miễn xá. Nay đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo đã thắng. Và thắng lớn. Nhưng đức ngài lờ lời hứa của đức ngài đi. Bây giờ, bản thân đức ngài và Hội Thánh sẽ phải trả giá cho sự bội hứa tồi tệ đó.
- Ta không rời khỏi nơi thiêng liêng này một bước, - đức Hồng y giáo chủ lắc đầu nói một cách oai nghiêm và kiên quyết. – Cứ giết ta đi nếu các con dám. Giết ta, cái tiếng tăm nhơ nhuốc của các con sẽ được không phải chỉ xứ Sicily, mà cả nước Ý, thậm chí cả thế giới này biết và phỉ nhổ.
- Tâu đức ngài, rất may là chúng con được cái vinh dự ấy rồi. Nếu bây giờ đức ngài không tự ý làm theo lời chúng con, chúng con đành lòng phải cưỡng bách. Trước hết, chúng con sẽ giết chết hết các giáo sĩ tùy tùng. Sau đó, chúng con đành phải vô phép nhét giẻ vào miệng đức ngài, trói đức ngài lại, rồi chở đi. Nếu đức ngài cứ lặng lẽ làm như tự ý đi theo chúng con, thì cam đoan, đoàn tùy tùng của đức ngài sẽ không có ai bị hại. Đức ngài lên nghỉ mát trên núi với chúng con ít ngày, sau đó bình yên trở về tòa Hồng y, chứ có gì đâu!
Đức Hồng y làm dấu thánh giá và lặng lẽ đi về phía cửa mà Guiliano đã chỉ. Cửa này dẫn đến cửa hậu của Vương cung thánh đường. Tại đó, một thủ hạ của Guiliano đã lái chiếc Limousine của ngài cùng với tài xế chờ sẵn. Chiếc xe đồ sộ, trang trí hoa Phục sinh rực rỡ. Xe cắm hiệu kỳ Hồng y. Ngoài xe của đức ngài Hồng y, còn có một chiếc xe khác chở các giáo sĩ tùy tùng của ngài.
Guiliano dẫn đức ngài vào xe. Aspanu ngồi băng trước với tài xế. Đòan xe có hiệu kỳ Hồng y giáo chủ ngang nhiên chạy qua các đại lộ của thủ phủ Palermo. Các toán tuần tiễu đã chào đoàn xe. Guiliano đề nghị đức Hồng y giáo chủ giơ cao tay ban phép lành cho họ. Ra khỏi thủ phủ, đến một khoảng đường vắng. Hồng y giáo chủ được mời xuống xe và sang xe khác. Xe này chạy được một quãng dài nữa, Hồng y giáo chủ lại được mời xuống xe. Một toán thủ hạ dưới sự chỉ huy của Andolini chờ sẵn nghênh đón và dùng cáng khiêng giáo chủ chạy biến vào trong biển hoa dại muôn màu rực rỡ mọc đầy trong núi. Đoàn tùy tùng và xe được để lại và sau đó được cho quay về.
Guiliano làm đúng như lời hắn đã hứa. Trong hang sâu trên núi Camaratta, Hồng y giáo chủ hàng ngày vẫn được dâng những thức ăn mà ngài vẫn dùng tại tòa Hồng y. Những tên cướp hầu hạ ngài – cử chỉ đầy vẻ tôn kính đối với vị lãnh đạo tinh thần cao cấp – đã xin ngài ban phước lành cho chúng mỗi khi chúng dâng thức ăn hoặc hầu ngài một việc gì đó.
Báo chí trên tòan nước Ý như điên cuồng. Tức giận, lồng lộn. Nhất là báo chí của phe hữu. Trong khi đó, dân chúng vừa hãi hùng kinh sợ, vừa hân hoan khoái chí. Hãi hùng kinh sợ vì sự phạm thánh, hân hoan khoái chí vì mấy anh cớm bị bẽ mặt. Họ cực kỳ hãnh diện vì coi đó là một chiến công của người Sicilian đã đánh bại tập đoàn cai trị ở Rome. Guiliano trở thành một người “đáng kính nể” số một. Người ta cũng ngơ ngác hỏi nhau: Guiliano đã đòi hỏi gì nơi đức ngài Hồng y? Và họ cũng tự trả lời một cách đơn giản: một số tiền chuộc khổng lồ.
Giáo hội, nói cho cùng, trên danh nghĩa, chỉ là chuyện lo phần linh hồn cho người ta, chớ đâu phải là một siêu công ty mà nói tiền rừng bạc biển. Nhưng giáo hội đâu có thể hạ mình thương lượng cò kè thêm bớt như những tên quí tộc keo kiệt, cho nên, bèn xỉa ngay một trăm triệu đồng lire. Nhưng, ý đồ của Guiliano đâu có phải chỉ giản đơn như vậy. Đã đành là không chê tiền.
- Tâu đức ngài, chúng con chỉ là lũ nhà quê dốt nát, không thông tỏ thần học, cũng mù mờ chẳng biết đường lên thiên đàng. Tuy nhiên, con chưa bao giờ nuốt lời hứa với ai. Còn đức ngài, chức trọng quyền cao trong Hội Thánh, thánh giá Chúa đeo trước ngực, mặc áo thánh, thế mà đức ngài nói láo như cuội. Cả Hội Thánh của đức ngài cũng không cứu sống nổi đức ngài đâu.
Nghe vậy hai đầu gối đức ngài Hồng y như muốn sụm. Nhưng, Guiliano nói tiếp:
- Nhưng cũng còn may cho đức ngài. Con có một đề nghị dâng lên xin đức ngài cứu xét.
Hắn đưa bản chúc thư của hắn, xin đức ngài Hồng y đọc. Đến lúc đó, đức ngài Hồng y mới thở phào biết mình thoát chết. Vì, cho đến lúc đó ngài vẫn đinh ninh sẽ bị Chúa phạt qua tay Guiliano vì sự bội ước của mình. Ngài chăm chú đọc bức thư hơn là để ý đến lời trách móc của Guiliano. Nhìn thấy mảnh giấy ngài đã viết cho Pisciotta khi tên này đến yết kiến ngài lần đầu, ngài mới thấy mình bị hố. Ngài đưa tay làm dấu thánh giá với cái vẻ giận thân, trách mình ngu dại bị thằng nhóc cho vào bẫy.
- Tâu đức ngài, kính mong đức ngài trình lại những tài liệu này cho Hội Thánh. Đồng thời thông báo giùm chúng con cho ngài bộ trưởng Bộ tư pháp. Đức ngài đã thấy bằng chứng khả năng của chúng con có thể làm cho đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo thân bại danh liệt, sự nghiệp tiêu tan. Cái chết của con – nếu không phải là cái chết chính đảng đó – ít ra cũng là một rủi ro lớn của nó. Chúc thư này sẽ được cất giấu một nơi mà chính quyền không mong gì đụng chạm đến được. Ngay cả khi chết rồi, con vẫn có thể làm cho đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo chết chìm theo con. Nếu có ai nghi ngờ khả năng của con thì cứ bảo họ đến hỏi Croce Malo, xem con đã đối xử với kẻ thù của con như thế nào.
Một tuần lễ sau ngày bắt cóc ngài Hồng y giáo chủ Palermo, La Venera đã từ giã Guiliano.
Trong ba năm trời, Guiliano vẫn chui qua đường hầm sang nhà chị ta. Trên giường của chị ta nó không chỉ tìm thấy những khóai lạc nhục dục, mà còn cả sự nồng nàn và nơi an nghỉ. Không bao giờ chị ta than vãn hay mè nheo đòi hỏi gì khác ngoài những khoái lạc. Nhưng đêm nay thì khác. Sau phút hoan lạc, chị ta nói với hắn là sẽ dọn đến ở chung với một người bà con ở Florence.
- Tôi yếu tim lắm, - La Venera nói, - tôi không thể tiếp tục chịu đựng những phút hồi hộp lo cho mạng sống của cậu. Tôi vẫn nằm mơ thấy câu bị bắn ngay trước mắt tôi. Ngay trước cửa nhà tôi. Y như thằng chồng tôi trước kia. Bọn cớm đã bắn chết anh ấy y như một con chó vậy. Chúng bắn cho đến lúc thân xác anh ấy nát bấy như giẻ rách. Tôi nằm mơ thấy cậu cũng như vậy.
Chị ta kéo đầu Guiliano áp vào ngực mình.
- Cậu hãy nghe, nghe tiếng tim tôi đập.
Hắn nghe. Và xúc động vì nỗi xót xa và yêu thương theo tiếng đập thình thịch rã rời của con tim Venera. Chị ta khóc, Guiliano vuốt mái tóc dày, màu nâu đậm của Venera.
- Trước kia chị có sợ như vậy bao giờ đâu. Mà có gì thay đổi đâu?
La Venera lắc đầu:
- Turi, cậu đã hóa ra liều lĩnh lắm rồi. Cậu gây thù chuốc oán quá nhiều rồi. Mà toàn là có thù có oán với bọn có quyền có thế. Bạn bè cậu cũng chỉ sợ giùm cho cậu. Mỗi khi có tiếng gõ cửa là bà già cậu lại sợ tái xanh, tái xám đi. Cậu không thể thoát được đâu.
- Nhưng tôi vẫn chẳng có gì thay đổi cả.
- Không, cậu đã thay đổi nhiều rồi. Bây giờ cậu giết người dễ dàng và mau lẹ hơn xưa rồi. Tôi không nói là cậu độc ác. Mà chỉ nói là cậu quá coi thường cái chết. – La Venera vẫn khóc rấm rứt.
Guiliano thở dài. Hắn thấy rõ chị ta run rẩy, sợ hãi. Cõi lòng tràn ngập nỗi buồn mà hắn không hiểu căn cớ vì sao.
- Thôi được, chị cứ đi. Tôi sẽ biếu chị ít tiền đủ để chị sống suốt đời ở Florence. Một ngày nào đó, nỗi buồn lo của chị sẽ hết. Sẽ không còn chém giết nữa. Tôi đã có kế hoạch. Tôi sẽ không còn là một thằng ăn cướp nữa. Đêm đêm, má tôi sẽ ngủ yên và chúng ta sẽ gặp nhau.
Hắn cũng thấy rõ là chị ta không tin.