Ngay tại Sicily - nơi những cuộc tàn sát lẫn nhau được thực hiện với nỗi hào hứng của những tay đấu bò Tây Ban Nha - dân Sicilian chính gốc cũng vẫn phải "chào thua" cái nhiệt tình cắt cổ, mổ họng lẫn nhau của dân thị trấn Corleone. Có khi chỉ vì tranh nhau một gốc ô liu mà sự thâm thù cũng dẫn đến sự thảm sát cả một gia đình. Những người hàng xóm sẵn lòng giết nhau chỉ để giành lấy một ít nước tại con suối công cộng. Một thằng đàn ông có thể mất mạng dễ dàng chỉ vì "yêu". Mà tội nghiệp, "yêu" ở đây mới chỉ là đã nhìn vợ, nhìn con gái, em gái người ta bằng con mắt "không đứng đắn". Tại Corleone, tuy cùng là "Người anh em", nhưng khác băng thì cũng vẫn cứ lao vào chém giết nhau. Cho mãi đến khi Ông Trùm Croce ra tay can thiệp thì hòa bình mới được lập lại trong đám "Người anh em" ở Corleone.
Trong một thị trấn như vậy mà Stefa Andolini thành danh được với cái biệt hiệu "Thầy dòng quỉ sứ" thì phải biết, gã là một tay như thế nào.
Ông trùm đã triệu gã đến Villaba và ra chỉ thị cho gã phải gia nhập "băng" của Guiliano và phải tranh thủ cho bằng được sự tin cậy của hắn. Gã cứ ở lại đó cho đến khi nhận được chỉ thị mới. Trong thời gian chờ đợi, gã phải báo cáo cho Ông Trùm những tin tức về lực lượng của Guiliano, lòng trung thành của Passatempo và Terranova. Lòng trung thành của Pisciotta thì khỏi nói rồi. Nhưng phải lưu ý tìm hiểu những nhược điểm của hai "thằng sếp" này: nếu có dịp thuận tiện "khử" được hai thằng này càng hay!
Stefan Andolini đâu có sợ hãi gì người hùng "vĩ đại" Guiliano. Bởi vì gã có mái tóc màu râu bắp. Mái tóc đó Sicily này rất hiếm. Stefan Andolini thầm tin rằng gã được miễn, khỏi thực hành bất cứ thứ đức hạnh nào. Giống như một tay tổ cờ bạc bịp tin rằng "ngón nghề" của mình đến mức siêu đẳng, không thể bị lộ tẩy, Stefan cũng tin rằng không ai có thể lường trước được sự quỷ quyệt của mình.
Gã dắt theo hai đệ tử - Picciolti - tức là hai tên "học nghề" dao búa. Hai tên này chưa được vinh dự đứng vào hàng ngũ "người anh em", một vinh dự chúng thèm chết đi được. Ba thầy trò lang thang dưới chân dãy núi Cammarata để "tầm sư" Guiliano đặng xin nhập băng phái. Chúng không quên mang theo đồ nghề - tức là vũ khí, súng đạn đầy đủ - và tin chắc sẽ được tóan tuần tiễu của Pisciotta hốt về "quang minh đỉnh".
Nghe Stefan Andolini nói, Pisciotta mặt lạnh như tiền. Andolini kể lể thành tích. Nào là gã bị bọn cớm truy lùng vì đã ra tay tế độ cho một tên hoạt động chính trị thuộc đảng xã hội ở Corleone. Điều này đúng, nhưng, cái mà Andolini không nói ra là trong vụ này, cớm không có bằng chứng gì để có thể truy tố gã. Cảnh sát chỉ mời gã để hỏi thăm, dò la tin tức vậy thôi. Một cuộc hỏi thăm như vậy là quá đẹp, quá lịch sự so với lối hỏi vặn vẹo, moi móc của Ông Trùm. Andolini cũng không quên nêu luôn thành tích của hai đệ tử: cũng bị cớm truy lùng về tội đồng lõa trong vụ mưu sát ấy. Và điều này cũng đúng luôn. Nhưng trong lúc kể lể thành tích, Andolini vẫn lo ngay ngáy. Thằng quỷ dịch vật Pisciottta im lặng, lắng nghe. Nhưng là cái im lặng lắng nghe của một người mà tâm trí đang bận đào bới ký ức. Quả thật, Pisciotta đang cố nhớ đã gặp thằng già tóc râu bắp này ở đâu. Y chắc chắn một điều là thằng già này "có vấn đề" gay lắm. Nhưng y không nhớ là vấn đề gì.
Andolini kết luận là vì cái thành tích gã vừa kể, nên gã phải xin nhập băng với Guiliano. Gã chắc mẩm sẽ toại nguyện vì gã có "bùa". Đó là sự quen biết, đồng ý và cổ võ của chính ông bố của Guiliano.
Gã Stefan Andolini, một người bà con của Bố Già Vito Corleone lừng danh Mỹ quốc. Thấy Pisciotta gật gù. Tưởng ngon ăn, Andolini hỏi tiếp. Bố Già Vito Corleone cũng có cái tên cúng cơm thuộc dòng họ Andolini tại thị trấn Corleone. Ông bố đẻ của Bố Già Vito bị một thằng cho đi tàu suốt về thế giới bên kia, lúc Bố Già còn nhỏ xíu. Nếu Bố Già không nhanh chân dông tuốt qua Hoa Kỳ thì chắc giờ này cũng thịt nát xương tan lâu rồi. Tại Hoa Kỳ, Vito đã trở thành Ông Trùm lừng danh. Giới giang hồ Mỹ quốc nghe danh lão là lắc đầu lè lưỡi hít hà cảm phục. Nếu có hận lão thì cũng đành bấm bụng chịu, chứ không dám ra mặt. Khi đã thành danh rồi, Vito vinh qui bái tổ và ân óan phân minh với kẻ đã dám hóa kiếp ông bố của ông lão khi xưa. Vào chính giai đoạn đó, Andolini đã được vinh dự làm thợ học nghề của Bố Già Vito. Sau này, khi sang Mỹ làm ăn, Andolini đã được Bố Già "cho vào làm", coi đó như một cách trả ơn cho cái công Andolini "vâng, dạ" trong thời gian Bố Già tìm kẻ thù và thanh tóan món nợ máu năm xưa. Chính trong thời gian làm cho Bố Già mà Andolini gặp và quen thân với ông bố bà mẹ của Guiliano. Lúc đó ông bố Guiliano đang làm thợ hồ xây "pháo đài" Long Island cho Bố Già Vito Corleone. Andolini và ông bố của Guiliano đã thành bạn thân với nhau. Bởi vậy, trước khi lên núi xin nhập băng của Guiliano, Stefan Andolini đã ghé thăm ông bạn cố trí và xin cái "giấy giới thiệu", cái "bùa" để lên gặp Guiliano.
Pisciotta trầm ngâm khi nghe gã kể xong lai lịch và thành tích. Y không tin cái "lão già lựu đạn" này. Mái tóc màu râu bắp với cái mặt cô hồn hắc ám của gã nom sao thấy "gai" quá, mất cảm tình quá. Pisciotta cũng không thấy khoái cái lối nhìn của hai thằng đệ tử của lão già lựu đạn". Chúng gian giảo, đểu cáng, lưu manh làm sao ấy. Sau cùng, Pisciotta nói với lão:
- Để tôi đưa ông đến gặp Guiliano. Nhưng ông phải đeo súng chéo ngang vai. Nhớ không được tháo ra khi chưa được phép.
Adolini hoác miệng ra cười và nói bằng cái giọng vừa cha chú, vừa thân mật:
- Tưởng gì. Nhưng tôi đã nhận ra anh là Aspanu. Tôi tin anh. Anh cứ tự tiện thu vũ khí của tôi cũng như của hai thằng đệ tử của tôi. Sau khi nói chuyện với Guiliano, chắc chắn nó sẽ trả lại súng cho tôi.
Pisciotta đốp chát ngay khiến gã cụt hứng và hai thằng đệ tử của lão chưng hửng:
- Bộ lão tưởng tụi này là đồ lừa hay sao mà vác súng hầu cho lão? Đeo súng vào vai mà đi. Ai ngu mà đi vác ngà voi cho mấy người!
Và y dẫn ba thầy trò Andolini đi quanh co trên núi chán chê cho mệt nhừ người ra, rồi mới dẫn đến bản doanh. Hơn năm chục tay em rải rác trên núi. Đứa lau chùi vũ khí, đứa lúi húi mài dao. Guiliano ngồi ở mỏm đá, dùng ống nhòm thấy thầy trò Andolini ngay từ lúc lũ này mon men dưới chân núi.
Trước khi dẫn thầy trò Andolini đến gặp, Pisciotta đã trao đổi ý kiến trước với Guiliano. Y kể lại đầu đuôi những gì Andolini nói. Sau đó, kết luận:
- Turi, tao chắc chắn là "lão già lựu đạn" này hai mang đó, mày à. Có điều không biết mang cớm hay mang thằng già dịch Croce.
- Mày có nghĩ ra là mày đã gặp hay đã nghe nói về hắn ở đây không?
- Lúc nãy ngồi nghe nó nói, tao đã cố nhớ lại xem đã gặp hay nghe nói về hắn ở đâu mà đếch nhớ. Chỉ biết là nom hắn có vẻ quen mà biết chắc là nó có vấn đề gay lắm. Có thể tao sẽ nhớ ra.
- Có gì mà không nhớ ra. Mày đã nghe nói về hắn là do chính miệng mụ La Venera nói ra chớ ai. Mụ ta gọi hắn là Malpedo - thằng học nghề - vì mụ không biết tên thật của hắn. Mụ đã nói với tao nhiều về hắn. Hắn gia nhập băng của chồng mụ được có một tháng là chồng mụ bị cớm phục kích bắn chết. La Venera không tin hắn chút nào. Mụ nói: "Hắn có nhiều thủ đoạn vặt và hiểm lắm".
- Đừng tin cái thằng già râu bắp ấy, - Syvestro nói chêm vào, - chính tôi đã trông thấy hắn nhiều lần tại bộ tư lệnh cảnh vệ ở Palermo. Và thằng chả xin gặp chỉ huy trưởng.
Nội dung ra sao thì tôi không rõ. Nhưng chuyện thằng cha thậm thụt ở bộ tư lệnh cảnh vệ thì chắc như bắp.
- Aspanu, mày cho người xuống Montelepre mời ông già tao lên đây ngay. Trong khi đó, cứ canh gác chúng nó thật cẩn mật. Pisciotta phái Teranova xuống Montelepre mời ông bố của Guiliano lên. Sau đó, Pisciotta đi về phía ba thầy trò Stefan Andolini. Nó tháo súng của Andolini ra, trong khi các tay em của nó, súng ống sẵn sàng vây lấy ba thầy trò Andolini như bầy sói vây con mồi.
- Chắc ông bạn không buồn khi tôi miễn cho ông bạn cái nhiệm vụ giữ vũ khí chớ. Vả lại, ông bạn già rồi, khẩu súng cũng khá nặng, sợ mệt ông bạn!
Stefa Andolini hơi giật mình. Mặt hơi nhăn lại một cách kín đáo. Nhưng, rồi gã khẽ nhún vai một cái, bụng vẫn tin vào cái "bùa". Pisciotta trao khẩu súng của gã cho một tay đàn em. Y ngưng lại, đợi một chút cho tất cả các tay em đều sẵn sàng. Rồi y đến chỗ hai đệ tử của Andolini. Một trong hai đứa - vì sợ hơn là vì có ý xấu - đưa một tay gạt nó ra, một tay sờ vào khẩu súng. Chỉ trong nháy mắt - nhanh như con rắn thè thụt cái lưỡi của - con dao đã nằm trong tay Pisciotta. Y tiến lên một bước thì cũng là lúc cuống họng tên kia, máu tuôn xối trên mặt đất. Tên đệ tử sụm xuống. Pisciotta đứng giạng chân qua xác tên đó, giáng một cú đá thật mạnh hất xác nó ra mép khe núi.
Những tay em của Pisciotta vẫn lăm lăm tay súng sẵn sàng.
Andolini vẫn ngồi trên đất, hai tay giơ lên đầu hàng, mắt dáo dác nhìn quanh. Tên đệ tử còn lại của Andolini nhào lên giằng lấy súng, nhưng chưa kịp thì Pasatempo đứng ngay đằng sau nó đã cười lớn và xả súng bắn xối xả nát bét đầu nó ra. Tiếng nổ vang khe núi. Cả bọn tỉnh bơ. Andolini mặt mày không còn hột máu, sợ run. Tay Passatempo vẫn lăm lăm cây súng. Có tiếng Guiliano từ trên mỏm đá nói vọng xuống.
- Thủ tiêu hai cái xác kia đi. Còn thằng "Malpelo" thì trói vô gốc cây, đợi ông già tao đến.
Xác hai đệ tử của Andolini bị bỏ vào trong cái rọ tre, cột thêm mấy tảng đá cho khỏi nổi lên khi bị ném xuống khe núi theo đúng truyền thống và sự mê tín của đám tay em của Guiliano. Passatempo tình nguyện làm "đạo tì", vì nó thường lục soát các xác chết, lấy đồ, rồi mới đem chôn. Guiliano vẫn cấm những hành động ghê tởm ấy. Nhưng chẳng có lời lẽ nào có thể biến con dã thú ấy thành hiệp sĩ được.
Khoảng bảy tiếng đồng hồ sau, ông già của Guiliano mới lên đến nơi. Và đến lúc đó, Andolini mới được cởi trói khỏi gốc cây. Nhưng vẫn bị trói thúc ké khi dẫn tới trước mặt cha con Guiliano. Nhìn thấy ông bạn Stefan Andolini của mình bị trói như vậy, ông già của Guiliano nổi giận đùng đùng. Lão quay ra nói với thằng con:
- Đây là bạn của ba. Ba với ông cùng làm việc cho Bố Già hồi ở bên Mỹ. Chính ba đã khuyên ông ấy đến gia nhập băng của con và nói con sẽ hậu đãi và trọng dụng ông.
Lão quay lại, vừa cởi trói cho Andolini vừa nói:
- Tôi xin chân thành xin lỗi. Chắc thằng nhỏ nhà tôi hiểu lầm hoặc đã nghe ai đó nói tầm bậy tầm bạ về ông.
Lão ngừng nói, bối rối, đau khổ vì thấy ông bạn của mình đứng cóm róm, có dáng sợ hãi thất thần. Lúc bị trói ở gốc cây, gã tin chắc mười mươi là mình sẽ bị "đi đứt". Sau gáy gã cảm thấy đau như thể bị một phát đạn làm bị thương. Gã muốn khóc vì hối hận cho sự láo xược, ỷ quen biết ông già nó, đồng thời gã cảm thấy mình quá ngu khi đánh giá thấp hai thằng lỏi này. Hai đệ tử của gã bị "làm thịt" trong nháy mắt khiến lão sửng sốt và sợ đến hết hồn.
Ông bố của Guiliano cũng cảm thấy bạn già của mình đang trong tình trạng nguy hiểm chết người và bởi chính tay ông con trai của ông Lão không dám giận dữ la lối nữa, mà xuống nước nhỏ:
- Turi, ít có khi nào ba xin con điều gì, phải không? Vậy, nay nếu con có điều gì hiềm khích với ông thì hãy vì ba mà bỏ qua, thả cho ông về. Hồi còn bên Mỹ, ông rất tốt với ba, và chính con cũng có lần được ông tặng quà sinh nhật mà con quên rồi sao, ba tin cậy ông và coi ông là chỗ rất thân tình của ba.
- Vậy là ba đã xác nhận lý lịch của ông? Như vậy thì tất nhiên là ông sẽ được con trọng vọng và tiếp đãi như khách danh dự. Nếu ông muốn ở lại đây tham gia vào băng tụi con thì còn gì bằng!
Sau khi tiễn ông bố về rồi, Guiliano mới gọi Stefan Andolini đến nói chuyện riêng:
- Tôi biết về ông qua vụ Candeleira. Ông đã theo lịnh thằng già dịch Croce, gia nhập băng của Canleleira, nằm vùng trong băng của hắn ta. Chỉ một tháng sau khi ông gia nhập vào băng ấy thì Candeleira bị phục kích và bị bắn chết. Vợ hắn ta nhớ ra ông. Qua những điều chị ta nói thì chẳng khó khăn gì mà tôi không hình dung ra được những gì sắp có thể xảy ra cho tôi, khi ông xin gia nhập băng của tôi. Chắc ông và thằng già dịch Croce nghĩ tụi tôi là lũ con nít dễ bắt nạt, xỏ mũi. Nhưng, kẻ ngây ngô là chính ông. Người Sicilian mình có cái tài gom góp những chi tiết vụn vặt, rời rạc, lẻ tẻ, rồi từ đó chắp nối với nhau và phát hiện ra cạm bẫy, lừa lọc, bội phản... Thời gian gần đây, bao nhiêu băng cướp bị rã đám. Nhà cầm quyền bây giờ trở nên tài ba một cách lạ thường. Tôi đã ngồi trên núi này và suốt ngày suy nghĩ. Tôi suy nghĩ về bọn cầm quyền ở Palermo và tự hỏi sao lúc này chúng có vẻ giỏi thế. Và tôi được biết rằng thằng cha bộ trưởng Bộ tư pháp ở Rome và thằng già dịch Croce thông đồng với nhau ăn cánh và hợp đồng tác chiến. Đó, lý do tài ba đột ngột của Rome đó. Và chúng ta - cả ông lẫn tôi - cũng thừa biết rằng giữa thằng cha bộ trưởng và thằng già dịch Croce thì thằng già dịch "cáo" hơn nhiều. Chính vì sự hợp tác ma quỷ ấy mà các băng cướp cứ rụp rụp tan rã hoặc bị cớm vồ đều đều. Nếu không có bàn tay của Croce dính vào thì thử hỏi bọn cớm có tài ba như vậy không? Sao trước kia bọn cớm đụt như vậy, mà bây giờ nó vồ đâu trúng đó vậy? Nhưng ông có biết thằng già dịch Croce tiếp tay với bọn cơm diệt các băng cướp để làm gì không? Để an dân chắc? Nếu thế, tôi sẵn sàng quỳ lạy nó. Nhưng thằng già dịch ấy đâu có tốt đến thế. Nó diệt cướp để giữ độc quyền ăn cướp, để làm cha những thằng ăn cướp. Tôi biết trước sau gì cũng đến lượt tôi được điệp viên của thằng già dịch đó đến xin "hợp tác". Tôi đợi và đợi đã lâu rồi đấy chứ. Đợi hoài cho đến nỗi tôi phải tự hỏi tại sao thằng già dịch ấy lại gia hạn cho tôi lâu vậy. Bởi vì dù rất khiêm tốn đi chăng nữa, tôi cũng phải hãnh diện mà nói rằng cái đầu của tôi đã được treo giá cao nhất từ xưa đến nay. Và hôm nay, qua ống nhòm, tôi đã nhìn thấy ba thầy trò ông ngay từ lúc vừa đặt chân đến đường mòn dẫn đến chân núi kia. Và tôi biết ngay quý vị là ai. "Á, à, lại cái tay Malpedo" (học việc). Vở cũ soạn lại. Ngây ngô và sơ đẳng. Ông bị được thằng Candeleira, chứ sức mấy ông qua mặt tôi được. Thằng già dịch Croce đặt bẫy dở ẹc. Thế mà cũng đòi làm cha các tướng cướp. Lúc nãy, tôi nói với ông già tôi là cho ông gia nhập băng này nọ đặng ổng yên tâm đi mà về cho rồi. Chứ tôi cho ông gia nhập để tháng sau tôi cũng thành một Candeleira thứ hai à? Xin lỗi, khỏi có đi. Bởi vậy, tôi vẫn khử ông, chứ tha thế nào được. Để khỏi làm ông già tôi buồn, tôi sẽ thủ tiêu xác của ông luôn cho ba tôi khỏi thấy. Mai mốt về ông già tôi có hỏi, tôi nói ông gặp nạn ở đâu đó.
Andolini nghe và sợ chết điếng đi, nhưng vẫn làm bộ ta đây:
- Anh dám lừa dối cả bố đẻ ra anh hả, - Gã la to, có vẻ giận dữ. - Vậy mà anh dám tự hào là một thằng con theo truyền thống Sicilian hả?
Gã phun nước miếng cái "tẹc" tỏ dấu khinh bỉ, và nói tiếp:
- Ờ, cứ giết tao đi, cứ lừa dối ông già mày đi, rồi xuống thẳng địa ngục cho biết.
Pisciotta, Terranova, Sylvestro và ngay cả "dã thú" Passatempo cũng kinh ngạc. Trước kia, Guiliano đã nhiều phen làm cho chúng kinh ngạc, bất ngờ một cách rất thú vị. Guiliano là một người rất tư cách, rất đàng hoàng, rất trọng chữ tín, và rất trọng lời hứa. Và trên hết, Guiliano là đứa con rất hiếu thảo. Thế mà sao đột nhiên trong trường hợp này lại làm đảo lộn. Hắn làm một điều mà đối với tất cả bọn chúng là đê hèn: nó đã thất hứa, lừa dối chính ông bố đẻ ra nó. Chẳng phải chúng thương xót gì Andolini, cũng chẳng phải chúng phản đối việc Guiliano giết chết Andolini. Hàng trăm, hàng ngàn thằng Adnolini thì cũng đáng chết như thường. Nhưng chúng thấy không thể tha thứ cho Guiliano khi hắn lừa dối, thất hứa với chính ông bố nó. Chỉ có "thầy cai" Canio Sylvestro dường như hiểu được uẩn khúc. Y nói:
- Gã không thể làm hại anh em mình đâu. Vì ông bố gã là người dù sao cũng có lòng từ tâm.
Tuy nhiên, Guiliano vẫn tỉnh bơ nói với Andolini:
- Ông hãy ăn năn hối lỗi và làm hòa với Chúa đi. - Rồi quay sang Pasatempo, hắn nói: - Mày được năm phú để lo liệu.
Sợ té cứt ra quần, mái tóc râu bắp dựng ngược cả lên, Andolini cuống quýt nói:
- Trước khi giết tôi, anh nên nói chuyện với cha bề trên Manfredi đã.
Guiliano sững sờ, nhìn chòng chọc vào gã. Andolini nói liền một hơi:
- Đã có lần anh nói với cha bề trên rằng anh nợ ngài một cái ơn lớn. Do đó, ngài có thể yêu cầu anh làm bất cứ điều gì, anh cũng sẽ không từ chối.
Guiliano nhớ rất rõ lời hắn hứa và lúc hắn hứa thì không có ai khác ngoài hắn với cha bề trên. Tại sao gã này lại biết? Pisciotta khinh khỉnh nói:
- Turi. Sai người đi, về, rồi mới biết được câu trả lời của ông cha thì lại phải mất thêm một ngày nữa. Vả lại, ông cha bề trên ấy lại có ảnh hưởng đối với mày lớn hơn cả ông già mày sao chớ?
Một lần nữa, Guiliano lại làm cho cả bọn ngạc nhiên.
- Trói thúc ké nó lại và cột cái cùm vào chân nó để cho nó có thể đi được nhưng không thể chạy được. Cho tao mượn cận vệ. Đích thân tao sẽ dẫn nó đến tu viện. Nếu cha bề trên không xin tha cho nó thì chính ông sẽ ban phép bí tích lâm chung cho nó. Tao sẽ hóa kiếp cho nó tại chỗ và để cho mấy ông thầy dòng chôn xác nó luôn cho tiện.
Guiliano và đám cận vệ đến cổng tu viện thì mặt trời vừa mọc. Các thầy dòng đang ra đồng làm việc. Guiliano mỉm cười, nhìn họ. Chỉ mới hai năm trước đó, cũng vào giờ này, hắn cũng đi ra đồng làm việc với họ, cũng mặc cái áo dòng màu nâu, đội cái nón nhà binh Mỹ. Hắn nhớ lại và thấy vui vui. Lúc đó có ai tưởng tượng ra được hắn lại thành tướng cướp như bây giờ không nhỉ? Niềm hòai vọng về những ngày xưa sống an bình và làm lụng ngoài đồng khiến hắn cảm thấy lòng man mác buồn.
Chính cha bề trên đích thân ra tận cổng đón hắn. Thân hình cha cao lòng khòng, lêu khêu, lại khoác chiếc áo dòng dài thậm thượt nên trông như tấm vải biết đi. Khuôn mặt cha hơi tần ngần khi tên tù bước tới trước mặt. Ngài dang hai tay ôm lấy tên tù. Tên này hổn hển nói:
- Cha, mấy người kia sắp giết con. Chỉ có cha mới cứu được con thôi.
Cha bề trên gật đầu. Ngài nắm cánh tay Andolini dắt đến trước mặt Guiliano đang tiến tới ôm hôn ngài. Guiliano đã hiểu ra sự việc. Cái giọng đặc biệt khi gã tóc râu bắp thốt ra tiếng "Cha" không phải là giọng của con chiên bổn đạo nói với mấy ông cố đạo. Giọng của bổn đạo tuy cung kính nhưng không có cái tình ruột thịt. Giọng của Andolini thì đặc biệt là cái giọng của thằng con nói với ông bố đẻ của nó. Cha bề trên nói với Guiliano:
- Cha xin con tha mạng cho người này. Coi như một ân huệ con dành cho ta!
Guiliano cởi dây trói và tháo cùm chân cho Andolini và nói:
- Gã là người của cha.
Andolini ngồi thụp xuống đất. Sức lực trong thân thể gã cơ hồ cũng tan đi cùng lúc với sự sợ hãi. Bằng hai cánh tay gầy guộc, nhưng dài và quều quào như con còng gió, cha bề trên đỡ ngang thắt lưng, nâng gã đứng dậy. Ngài quay ra nói với Guiliano:
- Đi vào phòng ăn, cha sẽ bảo dọn cơm cho mấy anh em của con ăn. Còn ba cha con ta sẽ ăn ở phòng riêng, vì còn phải bàn nhiều chuyện cần làm sắp tới.
Ngài nói với Andolini:
- Con à, cơn hiểm nghèo của con chưa phải là đã qua đâu. Ông Trùm sẽ nghĩ thế nào khi biết chuyện này? Ta sẽ phải bàn với nhau thật kỹ. Nếu không thì kể như rồi đời con!
Cha bề trên có một phòng khách nhỏ riêng biệt. Cả ba người đi vào phòng đó. Đám cận vệ của Guiliano vào phòng ăn lớn của tu viện. Bánh mì, phó - mát, thịt nguội, cà - phê đã được dọn ra.
Ngồi vào bàn, cha bề trên nhìn Guiliano, mỉm cười buồn bã và lấy tay chỉ vào Andolini:
- Một trong vô vàn vô số trọng tội của cha hiện hình lên thế này đây. Cha chính là cha đẻ của thằng này đây. A, ai hiểu được những cơn cám dỗ mà một ông cha cố còn trẻ phải chịu. Ý chí con người thì yếu đuối, những đòi hỏi của xác thịt như giông như bão! Ma quỷ thì tinh quái! Cha đã không dằn lòng được, đã không cưỡng được cơn cám dỗ ấy. Bê bối vỡ lở ra. Bà mẹ của thằng này được ghép đại cho một thằng Andolini cha căng chú kiết nào đó. Cho nó xong đi ấy mà. Cha bỏ ra một món tiền lớn. Và vụ đó được ém nhẹm. Cha vẫn tiếp tục được thăng chức trong Hội Thánh. Nhưng, chẳng ai đoán trước được những sự trớ trêu ở đời. Âu đó cũng là thánh giá nặng nề Chúa ban cho cha, để thử thách cha trên đường theo chân Chúa. Cha còn vô số tội lỗi khác nữa, chứ không phải bấy nhiêu đó mà thôi!
Giọng của cha bề trên đổi hẳn, khi ngài quay ra nói với Andolini:
- Còn con, con nghe cho kỹ đây. Có thể nói đây là lần thứ hai cha sinh ra con, hay là, lần thứ hai con mắc nợ cha cuộc đời con. Con phải hiểu rõ, nhớ kỹ, thực hành đúng điều cha căn dặn: từ nay cho đến suốt đời con, người mà con phải tận tụy, trung thành nhất không là ai khác ngoài Guiliano đây. Con không thể nào quay về với Ông Trùm Croce được nữa. Và trên trái đất này con cũng không thể nào tìm được một chốn dung thân an toàn, ngoài chỗ Guiliano. Bởi vì, dù con trở về hay không trở về với Croce, mà đi sống ẩn náu ở một nơi nào khác, thì lão ta cũng vẫn phải tự hỏi: tại sao Guiliano lại tha mạng cho con trong khi nó lại khử hai thằng kia? Lão ta sẽ nghi ngờ con phản bội, trở cờ. Thế là con hết đường sống. Cái mà con phải làm trước hết là con phải thú hết với Croce, và xin lão ta chịu để cho con ở lại trong băng của Guiliano. Con sẽ cung cấp cho lão tin tức về Guiliano - tất nhiên là chỉ những tin mà Guiliano muốn cho lão ta biết - đồng thời, con làm dây liên lạc giữa quân của Guiliano và đám "Người anh em". Đích thân cha cũng sẽ gặp lão ta, để nói cho lão thấy cái lẽ hơn thiệt trong vụ này. Cha sẽ nói rằng con sẽ ở lại băng của Guiliano, sẽ trung thành với Guiliano. Nhưng con sẽ không làm gì bất lợi cho lão ta. Lão sẽ nghĩ rằng trước sau gì con cũng sẽ bán đứng người đã tha mạng cho con. Nhưng cha cho con hay: nếu con không trung thành với Guiliano thì chính tay cha sẽ đẩy con xuống địa ngục. Con sẽ mang theo xuống mồ lời nguyền rủa của cha.
Rồi, Cha bề trên quay lại về phía Guiliano, và nói:
- Turi quý mến của cha. Lúc nãy, cha đã xin con cái ân huệ tha mạng cho thằng con của cha. Bây giờ, cha lại xin con một ân huệ nữa. Con hãy cho thằng con trai của cha được gia nhập băng của con. Nó sẽ chiến đấu cho quyền lợi của con. Nó sẽ tuyệt đối thi hành mệnh lệnh của con. Cha đảm bảo lòng trung thành của nó đối với con.
Guiliano đắn đo suy nghĩ điều này rất cẩn thận. Cha bề trên đâu phải tay vừa. Ai không biết mối quan hệ mật thiết giữa cha và lão già lựu đạn kia? Biết đâu hai con cáo già này lại không toa rập với nhau, cho thằng con trai cưng làm khổ nhục kế, để dăng bẫy chụp mình? Nhưng tin vào khả năng thu phục nhân tâm của mình, Guiliano tin chắc rằng với thời gian, hắn sẽ thu phục được lòng trung thành của Andolini đối với cha bề trên. Khả năng và cơ hội phản thùng của Andolini - nếu có - cũng là nhỏ và có thể ngừa được. Với năng lực tác chiến của gã, Andolini có thể là một "chủ chốt" có giá trị đã đành, mà còn có khả năng cung cấp tin tình báo về "đế quốc" của thằng già dịch Croce nữa. Guiliano hỏi:
- Cha sẽ nói thế nào và nói gì với Ông Trùm Croce?
Cha bề trên nín thinh một lúc, ngẫm nghĩ, rồi nói:
- Cha sẽ nói với lão ta. Cha có chút ảnh hưởng với lão ta. Và, rồi con sẽ coi... Thôi, thế con đã chịu cho thằng con trai của cha nhập băng của con rồi chứ?
- Dạ, được, con hứa với cha như vậy. Nhưng cũng xin thưa trước với cha, nếu nó phản con thì lời hứa của con với cha hết giá trị. Và lời cầu xin Chúa của cha cũng không kịp để chặn nó trên đường tuột dốc xuống địa ngục đâu!
Stefan Andolini sống trong một thế giới ít có ai dám tin cậy gã. Có lẽ vì vậy mà bao năm qua, cái bản mặt gã trở thành cái mặt nạ của một tên giết người. Gã biết là sắp tới gã phải làm xiếc, đi dây, ngả nghiêng, chập chờn trên dây tử thần. Không có một sự lựa chọn an toàn nào khác. Nhưng gã cũng cảm thấy phần nào an tâm vì lòng trắc ẩn rạng rỡ tỏa ra từ con người của Guiliano. Chính lòng trắc ẩn đó đã cứu mạng gã. Nhưng gã cũng không hề có ảo tưởng. Có điều Turi Guiliano là người độc nhất trên đời này có thể làm cho gã biết thế nào là nể, sợ.
Từ hôm đó, Stefan Andolini là thủ hạ và sau đó là một trong những tiểu tướng trong băng của Guiliano. Càng về sau gã càng nổi tiếng tàn bạo và sùng đạo. Chính sự sùng đạo này đã đem lại cho gã cái biệt danh "thầy dòng quỉ sứ" (Fra Diadavo). Cái tăm tiếng sùng đạo có được là do hàng tuần gã đi lễ nhà thờ. Gã cất công đến tận Villaba tìm cha Benjamini để xưng tội. Xưng tội gì đâu? Chỉ là tiết lộ bí mật của băng Guiliano cho Ông Trùm.
Tất nhiên là chỉ những tin tức Guiliano ra lệnh cho gã tiết lộ.