Si Mê Và Liều Lĩnh

Chương 1

London

Ngày 5 tháng Mười năm 1822

Thưa ngài,

Ngài Phải Đốt Lá Thư này sau khi đọc xong. Nếu nó rơi vào Tay Người Khác, em sẽ lại một lần nữa bị Tống Cổ về NÔNG THÔN, tới một trong những ThÁi ấp của chú dượng Carsington của em, nơi em gần như chắc chắn sẽ bị CÔ LẬP. Em không ngại trở thành kẻ Quê Mùa ở Small Doses, nhưng bị NHỐT GIAM và cấm đoán mọi Hình Thức Giao Thiệp Xã Hội (vì sợ em thiết lập những Mối Quan Hệ Không Phù Hợp hoặc Lôi Kéo Những Kẻ Khờ Khạo Lạc Lối) thì thật không chịu nổi và chắc chắn sẽ dẫn em tới những Hành Động Tuyệt Vọng.

Em bị Giám Sát thường xuyên. Cách duy nhất để gửi cho ngài một lá thư đầy đủ, Không Bị cắt Xén và Không Bị Kiểm Duyệt, là viết trong Nơi Bí Mật của em rồi thỏa thuận với Người Nào Đó - người phải Giữ Kín Thanh Danh, Đảm Nhận nhiệm vụ nguy hiểm khác thường - để đặt Lá Thư này lẫn vào những Thư Từ Ngoại Giao.

Lẽ ra em không nên liều mạng thực hiện Hành Động Nguy Hiểm này chỉ để nhắc ngài nhớ rằng hôm nay là Tròn Một Năm kể từ ngày chúng ta khởi đầu Hành Trình Vô Cùng Thú Vị tới Bristol. Em cũng không nên đánh cược với Tự Do của mình chỉ để Chuyển Tải Thông Tin Thông Thường Vô Hại mà một Quý Cô Trẻ được phép trao đổi với một Quý Ông Trẻ mà cô quen biết - ngay cả khi anh ta thật sự là Anh Trai cô hay ít nhất cũng là một kiểu Anh Họ nào đó. Em buộc phải dùng tới mánh lới vì NHIỆM VỤ của em là phải thông báo cho ngài biết Gia Cảnh nhà ngài lại có một thay đổi lớn. Người ta cứ nghĩ Bọn Trẻ Con chúng ta mù tịt về những Chuyện Này, nhưng em đâu có Mù, và sự thật là, Mẹ ngài lại đang có mang.

Phải, ở cái tuổi của bà thì như thế thật choáng váng, và hơn nữa chỉ vừa đúng một năm từ khi cậu em trai đầu tiên của ngài ra đời. Tiện thể, David Bé Bỏng đang ngày càng giống ngài một cách kinh ngạc, ít nhất là về ngoại hình. Trẻ con thay đổi không ngừng trong Những Giai Đoạn Đầu Đời, nhưng Ngoại Hình của nó dường như đã định hình. Tóc nó trông giống tóc ngài lắm và màu Mắt của nó dường như cũng đã chuyển sang màu xám sẫm lạ thường, ôi, em đang đi chệch vấn đề rồi.

Em luôn Thắc Mắc về chuyện Mẹ ngài đột ngột MANG THAI sau mười ba năm ngừng sinh nở. Nhưng Bà Cố Hargate nói rằng những chuyến viếng thăm dài trong mấy năm gần đây tới nơi mà Bà Cố gọi là Tổ Ấm Tình Yêu ở Scotland của cha mẹ ngài có thể giải thích tất cả. Bà Cố nói rằng món Haggis và Whiskey Scotland đã Gây nên Chuyện. Bà nói rằng sự kết hợp của hai món đó luôn gây ra một tác động phi thường đối với Ông Cố. Em hiểu ý bà khi bà nói từ “phi thường”, bởi vì em đã tình cờ nhìn thấy Bộ Sưu Tập Tranh Điêu Khắc Bí mật của bà

Em phải viết ngắn thôi nếu muốn nó được an toàn bỏ vào Hòm Thư. Thử Thách này sẽ đòi hỏi em phải lẻn tới Dinh Thự của Một Người Bà Con Nào Đó tìm một Người Làm Mướn. May mà em còn có các Đồng Minh. Nếu em bị tóm, BẢN ÁN GIAM CẦM Ở CHỐN NÔNG THÔN sẽ chờ em - nhưng như ngài biết đấy, em luôn coi sự An Toàn và Hạnh Phúc của bản thân Chẳng Là Gì Hết khi em Phụng Sự Mục Đích Cao Cả.

Trân trọng,

Olivia Wingate-Carsington

Thebes, Ai Cập

Ngày 10 tháng Mười một năm 1822

Olivia thân mến,

Ta đã nhận được thư em cách đây mấy ngày và lẽ ra phải trả lời sớm hơn, nhưng bài vở và công việc đã chiếm trọn thời gian của ta. Nhưng hôm nay chú Rupert đang ra ngoài đuổi một nhóm người Pháp xâm phạm một trong những địa điểm khai quật của chúng ta - lần thứ ba rồi đấy. Đám du côn đó cứ đợi người giúp việc của bọn ta vắng mặt là hất hết cát xuống hố - công sức không biết bao nhiêu tuần bỏ ra. Rồi những tên người Pháp xảo trá ấy chế ra một tờ sắc chỉ của một vị vua chúa không hề có thật nào đó, tuyên bố cái sắc chỉ ấy trao cho chúng quyền hạn tuyệt đối đối với khu vực khai quật này.

Ta có thể bẻ đầu chúng giống như chú Rupert đang làm, nhưng dì Daphne trói ta vào bao lơn của chiếc dahabeeya (một loại thuyền khá phổ biến trên sông Nile) và bảo ta phải viết thư về nhà. Ta viết thư cho cha mẹ thì chỉ tổ nhắc họ nhớ ra là ta vẫn tồn tại trên đời, và như thường lệ sẽ thôi thúc họ đột nhiên mong mỏi ta về nhà để xem những vở kịch của họ cho tới khi họ quên bẵng mất lý do muốn có ta ở nhà và lại gửi ta tới một ngôi trường buồn thảm khác.

Nhưng, là con gái kế của Đức ông Rathbourne, em cũng như người nhà của ta, không ai có lý lẽ gì để phản đối ta viết thư cho em chứ không phải cho cha mẹ. Ta vô cùng phân vân khi nhận tin từ em. Một mặt, ta rất tiếc khi biết một đứa trẻ ngây thơ vô tội khác sắp bị quẳng vào cơn bão tố của cha mẹ ta. Mặc khác, ta lại thấy vui khi cuối cùng cũng có thêm em út, và rất hài lòng khi David lớn lên mạnh khỏe.

Ta không hiểu tại sao lại có người bực mình khi em thông báo với ta rằng mẹ ta mang thai, nhưng nói cho cùng ta cũng chẳng bao giờ hiểu được thái độ phê phán áp đặt lên nữ giới. Cuộc sống của phụ nữ ở đây còn tệ hơn, nếu điều đó có thể an ủi em. Dù sao, ta hy vọng em sẽ không bị giam cầm vì đã thông tin cho ta. Tính khí của em không hợp với luật lệ quy củ, chứ đừng nói tới chuyện bị giam cầm. Ta đã học được điều này trong suốt cuộc phiêu lưu em nhắc đến.

Tất nhiên ta vẫn còn nhớ như in ngày ta cùng em rời London thật bất ngờ và đột ngột - hai từ ta sẽ luôn gắn cho em.

Mọi khoảnh khắc trong chuyến đi của chúng ta tới Bristol đều khắc sâu trong trí óc ta như những dòng chữ Hy Lạp và Ai Cập khắc trên hòn đá Rosetta, và cũng sẽ tồn tại lâu bền như thế. Nếu có ai đó, sống sau chúng ta nhiều thế kỷ, tình cờ đào xác ta lên và phân tích não ta, họ sẽ thấy khắc tạc nơi đó những con chữ rỗ ràng: Olivia. Đột ngột. Bất ngờ.

Em biết ta không thừa hưởng được chút nào cái tính đa cảm của cha mẹ mình. Tư duy của ta phải được dẫn dắt bởi thực tế. Thực tế là, cuộc đời ta có một bước ngoặt quan trọng sau chuyến đi ấy. Nếu không đi với em, hẳn ta đã bị gửi vào một trong nhiều ngôi trường ở Scotland áp dụng kỷ luật hà khắc như người Sparta - mà nói cho công bằng thì người Sparta còn dễ chịu hơn. Cái lũ người đang nhan nhản khắp những ngôi trường Scotland mà ta suýt nữa phải chịu đựng đó cũng thiển cận và dễ làm ta điên tiết như người Sparta, nhưng điều kiện sống thì khủng khiếp hơn nhiều, ví như thứ phương ngữ Scotland ta không tài nào lĩnh hội nổi và thời tiết cực kỳ khắc nghiệt. Và cả kèn túi nữa.

Để cảm ơn em, ta gửi một kỷ vật nho nhỏ kèm theo lá thư. Theo dì Daphne, ký hiệu khắc trên con bọ hung này là “kheper” - “kh” phát âm như “ach" trong tiếng Đức. Những ký hiệu tượng hình luôn có nhiều nghĩa và nhiều cách sử dụng. Bọ hung tượng trưng cho sự tái sinh. Ta xem chuyến đi tới Ai Cập này như một sự tái sinh.

Hóa ra nơi này tuyệt vời hơn những gì ta dám mong đợi. Qua hàng bao thế kỷ, cát đã nuốt chửng nhiều nền văn minh, những nền văn minh mà chúng ta chì vừa mới bắt đầu khai quật. Mọi người quý ta lắm, và ngày nào chúng ta cũng tràn đầy sự phấn khích cả về thể chất lẫn tinh thần, ở nhà thì chẳng bao giờ được thế cả. Ta không biết bao giờ mình mới trở lại nước Anh. Ta hy vọng là không quá lâu.

Ta phải dừng bút ở đây. Chú Rupert quay lại rồi - rất vui mừng khi chú không sứt mẻ chút nào - và ta rất nóng lòng được nghe về cuộc ẩu đả của chú với bọn sên bò vô lại kia.

Thân ái,

Lisle

TB. Ta mong em sẽ không chào ta là Thưa ngài. Ta có thể nghe thấy em nói ra từ đó với giọng điệu châm chọc giễu cợt, và nhìn thấy điệu nhún gối chào - hay có lẽ là một cái gật đầu, dựa vào việc em mù tịt không biết con gái nên và không nên làm gì phần cường điệu của em.

L.

TTB. Bức Điêu Khắc nào cơ?

Bốn năm sau

London

Ngày 12 tháng Hai năm 1826

L thân mến,

Chúc mừng SINH NHẬT LẦN THỨ MƯỜI TÁM của ngài!

Em phải viết lá thư này thật Nhanh, vì em sắp bị Đi Đày nữa rồi, lần này là tới Cheshire với chú Darius. Chuyến đi này sẽ dạy em đủ thứ Vặt Vãnh TRÊN GIỜI DƯỚI ĐẤT, từ kính thiên văn Sophy Hubble cho tới trò bài bạc ở Gaming Hell.

Em ước gì chuyến về Thăm nhà vừa rồi của ngài kéo dài hơn. Nếu thế thì chúng ta đã được Kỷ Niệm Ngày Trong Đại này bên nhau. Nhưng ở Ai Cập ngài hạnh phúc hơn nhiều, em biết điều đó.

Song nếu còn lưu lại ở đây, hẳn ngài đã không được phép trở lại Ai Cập nữa rồi.

Không lâu sau khi ngài Khởi Hành, bọn em đã vướng vào một VỤ KHỦNG HOẢNG với Cha Mẹ ngài. Như ngài biết, em luôn bảo vệ Người Lớn khỏi Sự Thật. Em đã giải thích cho ông bà Atherton hiểu rằng Bệnh Dịch Hạch ở Ai Cập không phải là cái BỆNH TRUYỀN NHIỄM NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI từng xảy ra vào Thời Trung cổ, mà chỉ có mỗi một người trong số ít du khách hay ốm yếu bệnh tật mới thường mắc phải thôi. Nhưng chỉ Mấy Tuần sau khi tàu của ngài nhổ neo, Kẻ Rỗi Hơi nào đó Đã Nói Cho Họ Biết Sự Thật! Họ ĐIÊN TIẾT, tới mức YÊU CẦU con Tàu quay lại! Em bảo họ nếu phải trở lại thì ngài sẽ chết mất, nhưng họ nói em đang bi kịch hóa vấn đề một cách thái quá. Em ư! Ngài có tin được không? Rõ thật lươn ngắn lại chê chạch dài Nhưng thôi em phải dừng bút đây. Chú ấy đến rồi.

Không có thời gian để Kể Đầu Đuôi Câu Chuyện. Chỉ cần biết Cha Dượng em đã Xử Lý xong Vụ Này, và hiện giờ ngài được AN TOÀN.

Vỉnh biệt, Bạn của em. Em không biết liệu có còn được gặp lại ngài nữa không - Ôi, chết tiệt. Phải đi đây.

Thân mến,

Olivia Carsington

TB. À, em bỏ “Wingate” trong tên em đi rồi, và ngài sẽ biết tại sao sau khi em kể với ngài điều Chú em đã nói về Mẹ em. Nếu Cha em còn sống, hẳn ông đã không chấp nhận cả hai bọn họ, ngài cũng biết rồi đấy - Quỷ tha ma bắt chú em đi! Chú ấy không đợi em đâu.

O

Trong một ngôi làng cách Edinburgh mười dặm,

Scotland Tháng Năm 1826

Hai năm nay, không có ai sống ở lâu đài Gorewood.

Ông Dalmay tuổi cao sức yếu, phải chuyển tới sống trong một dinh thự hiện đại ấm áp khô thoáng hơn ở Edinburgh từ mấy năm trước. Trợ lý của ông ta vẫn chưa tìm được người thuê lâu đài, trong khi người coi sóc lâu đài thì gặp tai nạn từ mùa xuân năm ngoái đến giờ vẫn chưa quay trở lại. Đó là lý do tại sao công việc phục chế và tu sửa dần dần đình trệ - việc này đã kéo dài triền miên, phải nói là trong suốt thời gian ông Dalmay sống ở lâu đài.

Chính vì thế, trong buổi tối mùa xuân này, Jock và Roy Rankin mới tha hồ tự do sục sạo tòa lâu đài.

Như thường lệ, chúng đang đào bới. Chúng đã rút ra kinh nghiệm là những phiến đá tuyệt đẹp trên lan can gác thượng không thể nguyên vẹn nếu thả từ độ cao hơn ba mươi mét xuống mặt đất. ở tầng hầm ngập rác rưởi của lâu đài chắc sẽ dễ bẩy đá lên hơn. Trước đây, ai đó đã thử trộm một phiến đá ở cầu thang. Người nào thuê chúng chắc chắn sẽ trả hậu hĩnh cho những phiến đá còn lại.

Trong khi chúng đang đào một phiến đá khá lớn trên bậc thang dẫn từ một cái nền toàn vữa và gạch vụn nham nhở, ánh sáng từ đèn lồng chiếu lên một vật hình tròn trông không giống miếng vữa hay mảnh đá.

Jock nhặt nó lên nhìn chằm chằm. “Nhìn xem,” hắn nói.

Chính xác ra thì hắn không nói như thế. Hắn và Roy nói thứ tiếng Anh của dân Scotland, người nói tiếng Anh bình thường hẳn sẽ dễ dàng nhầm với tiếng Phạn hoặc tiếng Albania.

“Mày kiếm được cái gì thế?” Roy hỏi.

“Hông bít. Khuy đồng à?”

“Đưa xem nào.”

Sau khi phủi lớp bụi đi, Roy nói, “Một cái huy hiệu, chắc vậy.” Hắn nhìn chăm chú vào vật đó.

“Huy hiệu cổ à?” Jock hỏi. “Loại đó có giá lắm đấy.”

“Có thể.” Roy chùi kỹ hơn rồi nhìn thêm hồi lâu. Xong hắn đánh vần một cách khó khăn, “R-E-X. Rồi đến một cái dấu, không phải chữ cái. Rồi đến C-A-R-O-L-V-S.”

Jock, trình độ đọc vốn chỉ đủ để nhận biết được bảng hiệu quán trọ, lên tiếng, “Cái gì đấy?”

Roy nhìn hắn. “Tiền,” hắn đáp gọn lỏn.

Chúng quay lại việc đào bới với cảm giác phấn khích mới mẻ.

London

Ngày 3 tháng Mười năm 1831

Peregrine Dalmay, Bá tước xứ Lisle, hết ngó sang cha lại nhìn sang mẹ. “Scotland ư? Con không đời nào tới đó đâu.”

Ông bà Hầu tước Atherton đưa mắt nhìn nhau. Lisle chẳng buồn dò đoán ẩn ý của cái nhìn đó. Cha mẹ chàng sống trong thế giới riêng của họ.

“Nhưng chúng ta đã trông đợi cả ở con,” mẹ chàng lên tiếng.

“Vì sao chứ?” chàng nói. “Trong lá thư gần đây nhất con đã nói rất rõ là con sẽ chỉ ở lại một thời gian ngắn rồi trở về Ai Cập ngay rồi còn gì.”

Cha mẹ chàng đã chờ đợi đến tận lúc này - ngay trước khi cả nhà phải lên đường tới Dinh thự Hargate - để nói với chàng về tình trạng khủng hoảng tại một trong những cơ ngơi ở Scotland của gia tộc Dalmay.

Tối nay ông bà Bá tước Hargate sẽ mở dạ yến khiêu vũ để mừng sinh nhật thứ chín mươi lăm của Eugenia, nữ Bá tước thừa kế[1] vùng Hargate, nữ chúa của gia tộc Carsington. Lisle đã từ Ai Cập trở về nhà để tham dự bữa tiệc đó, tất nhiên không phải chỉ vì có thể đây là cơ hội cuối cùng chàng được nhìn thấy quý bà già nua gian xảo ấy còn sống.

[1] Nữ Bá tước thừa kế (DoWager Countess): vợ của Bá tước quá cố và được thừa hưởng tước vị này sau khi chồng qua đời.

Mặc dù đã trưởng thành và cao tới gần mét tám, không còn ở trong vòng tay chăm bẵm của Rupert và Daphne Carsington nữa, nhưng Lisle vẫn coi ông bà Carsington là gia đình của mình. Họ là gia đình đúng nghĩa duy nhất mà chàng từng biết. Chàng không thể nào bỏ lỡ buổi lễ này.

Chàng rất mong được gặp cả gia đình họ, đặc biệt là Olivia. Chàng đã không gặp nàng năm năm trời rồi, kể từ lần cuối chàng về thăm nhà. Hai tuần trước, khi chàng về đến London thì nàng vẫn đang ở Derbyshire. Tận hôm qua nàng mới về nhà.

Do hôn ước không thành nên nàng đã về ngôi nhà của cha mẹ nàng ở vùng quê từ đầu tháng Chín, chỉ mấy ngày sau lễ đăng quang của nữ hoàng. Đây là hôn ước lần thứ ba hoặc thứ tư hoặc thứ mười - nàng đã kể tất cả những lần hôn ước ấy trong thư nhưng chàng chẳng tài nào nhớ được - và lần này được xem là đã đánh đổ mọi kỷ lục trước đây về độ chóng vánh. Chưa đến hai giờ đồng hồ từ khi nàng chấp nhận chiếc nhẫn của ngài Gradfield cho tới lúc nàng gửi trả lại anh ta, kèm với một lá thư chi chít chữ viết hoa và gạch chân. Quá cay đắng khi nhận được lời khước từ đó, ngài Gradfield quay ra gây sự với một người ngoài cuộc chẳng có tội tình gì dẫn tới một cuộc đấu kiếm, cả hai đều đâm trúng nhau nhưng không ai mất mạng.

Nói cách khác, đó là sự kích động quen thuộc khi dính dáng tới Olivia.

Đương nhiên Lisle về nhà không phải vì cha mẹ mình. Họ rất lạ đời. Họ có con có cái, nhưng đó chẳng phải một gia đình. Họ dính lấy nhau như sam và chỉ mải mê với những màn tuồng chèo không hồi kết của mình.

Đây là một cảnh điển hình: ba người lớn của gia đình tập trung trong phòng khách, nói về một chủ đề mà những người bình thường chắc chắn sẽ để dành cho một cuộc thảo luận có lý trí vào một thời điểm phù hợp - chứ không phải ngay trước khi đi dự dạ tiệc khiêu vũ.

Có vẻ như lâu đài Gorewood ngày càng xập xệ suốt ba hay bốn trăm năm qua và trong cả mấy thế kỷ đó thi thoảng lắm nó mới được tu sửa một lần. Chẳng biết vì lý do gì, cha mẹ chàng đột nhiên quyết định khôi phục lại vẻ huy hoàng trước kia của tòa lâu đài, và chàng phải tới đó trông nom công trình, bởi vì ở đó có vấn đề về... ma?

“Nhưng con phải đi,” mẹ chàng nói. “Phải có ai đó đi. Phải có ai đó làm gì đấy."

“Phải có ai đó làm trợ lý điền thổ cho cha mẹ chứ,” Lisle lên tiếng. “Thật kỳ cục khi khắp xứ Midlothian mà Mains không kiếm được người làm. Con tưởng người Scotland đang khát việc lắm chứ nhỉ.”

Chàng bước lại bên lò sưởi để hơ tay.

Mới từ Ai Cập về được mấy tuần nên chàng vẫn chưa thích ứng được với khí hậu ở đây. Với chàng, mùa thu xứ Anh thật chẳng khác gì mùa đông băng giá. Scotland quả là khắc nghiệt không chịu nổi. Cho dù đang giữa mùa hè vậy mà thời tiết ở đó vẫn thật khủng khiếp: chẳng tuyết dày hay mưa đá thì cũng ảm đạm, gió chướng, mưa dầm.

Chàng chẳng nề hà thời tiết gay gắt khó chịu đó. Nói thật, điều kiện ở Ai Cập còn khắc nghiệt hơn nhiều. Nhưng Ai Cập bày ra trước mắt những thế giới đang chờ chàng phát hiện. Scotland thì chẳng có gì để khám phá, chẳng có bí ẩn cổ xưa nào để khai quật.

“Mains đã cố hết sức rồi, thậm chí cả hối lộ nữa,” cha chàng nói. “Chúng ta cần có một người đàn ông trong gia đình có mặt ở đó. Con biết tính cố kết gia tộc của người Scotland ra sao rồi đấy. Mọi người muốn ông chủ tòa lâu đài đó coi sóc mọi việc. Cha không thể đi được. Cha không thể để mặc mẹ con trong tình trạng sức khỏe yếu ớt thế này được.”

Nói cách khác, mẹ chàng lại đang mang bầu.

“Có vẻ như anh phải bỏ rơi em rồi, anh yêu,” mẹ chàng nói, đặt một bàn tay ẻo lả lên đầu. “Peregrine chẳng bao giờ quan tâm tới cái gì ngoài tiếng Hy Lạp, Latin, với cả Toxic của nó.”

“Coptic,” Lisle nói. “Ngôn ngữ cổ xưa của...”

“Lúc nào mà chẳng là Ai Cập,” mẹ chàng sụt sịt ngắt lời. “Lúc nào mà chả là mấy cái kim tự tháp và xác ướp với lại giấy da, có bao giờ là chúng ta đâu. Các em trai con thậm chí còn chẳng biết con là ai!”

“Bọn nó biết rõ ấy chứ,” Lisle cự lại. “Con là người gửi từ nước ngoài về cho bọn nó tất cả những thứ đồ thú vị nhất.”

Với bọn chúng, chàng là một ông anh bảnh bao và bí ẩn đang trải qua những cuộc phiêu lưu đáng say mê trên một vùng đất hoang dại và nguy hiểm. Và quả thực chàng đã gửi cho chúng toàn những thứ quà có thể làm bọn con trai sướng điên người: xác ướp mèo và chim, da rắn, răng cá sấu, bọ cạp được bảo quản tuyệt đẹp. Chàng còn viết thư cho bọn nhỏ rất đều đặn.

Thế nhưng chàng cũng không thể dập tắt tiếng nói trong đầu kết tội chàng đang bỏ rơi các em mình. Thật chẳng hay ho gì khi nghĩ rằng ở đây chàng không làm được gì cho bọn nhỏ, ngoại trừ chia sẻ nỗi khốn khổ của chúng.

Chỉ có ngài Rathbourne - nổi tiếng khắp giới thượng lưu với danh hiệu Đức Ngài Hoàn Hảo - là đối phó được với cha mẹ chàng, ông đã cứu Lisle khỏi tay họ. Nhưng giờ thì Rathbourne đã có gia đình riêng rồi.

Lisle biết mình cần phải làm gì đó cho các em. Nhưng công việc tu sửa lâu đài này thật là vớ vẩn. Chàng sẽ phải trì hoãn việc trở lại Ai Cập trong bao lâu? Mà vì cái gì mới được chứ?

“Con không hiểu chuyện con sợ run cầm cập trong một tòa lâu đài cũ kỹ, ẩm ướt, sắp sập tới nơi thì có ích gì cho các em con cơ chứ?” chàng nói. “Con không thể tưởng tượng ra có công việc gì nực cười hơn việc đi bốn trăm dặm đường để tới cứu một cơ số dân lao động mê tín dị đoan khỏi tay ma quỷ. Nói vậy không có nghĩa là con biết dân làng đó sợ cái gì. Lâu đài nào ở Scotland mà chả bị ma ám. Mọi nơi đều bị ám. Chiến địa. Cây cối. Rặng đá. Người ta mê mẩn những con ma của mình.”

“Chuyện này còn hơn cả ma quỷ ấy chứ,” cha chàng lên tiếng. “Đã xảy ra nhiều tai nạn thật kinh hoàng, có rất nhiều tiếng kêu khiếp đảm trong đêm chết lặng.”

“Người ta nói rằng một lời nguyền ngủ yên từ rất lâu đã bừng tỉnh lại khi ông chú Frederick Dalmay vô tình bước lên mộ bà cụ tổ của Malcom MacFetridge,” mẹ chàng rùng mình nói. “Sau đó, sức khỏe của Frederick ngay lập tức bắt đầu suy giảm. Ba năm sau thì ông ta chết!”

Lisle nhìn quanh, thầm ước - đây chẳng phải lần đầu - có ai đó để chàng có thể quay sang mà bảo, “Tin nổi chuyện này không?”

Mặc dù muốn thấy cha mẹ có lý hơn mình còn khó hơn muốn gặp kỳ lân, nhưng sự chính trực trong Lisle buộc chàng phải chỉ ra sự thật.

“Ông Frederick Dalmay đã chín mươi tư tuổi rồi,” chàng bảo. “ông mất khi đang ngủ. Trong một ngôi nhà ở Edinburgh, cách tòa lâu đài được cho là bị nguyền rủa kia tới mười dặm.”

“Thế thì sao chứ,” cha cậu nói. “Vấn đề là lâu đài Gorewood là tài sản của dòng họ Dalmay và nó đang bị phá hủy!”

Thế mà tới tận bây giờ hai người mới buồn quan tâm tới nó, Lisle nghĩ, ông chú Frederick đã để mặc tòa lâu đài đó hàng mấy năm nay rồi, và cha mẹ chàng cũng chả thèm đoái hoài gì.

Tại sao bỗng nhiên nó lại trở nên quan trọng thế?

Thì còn làm sao được nữa? Chàng đang ở nhà nên không thể lờ cha mẹ đi theo cái cách chàng đã lờ những lá thư của họ. Đây là mánh khóe để giữ chàng ở nước Anh. Không phải bởi vì họ cần chàng hay muốn có chàng. Đơn giản họ nghĩ đây là nơi chàng nên ở.

“Nó thì quan tâm gì chứ?” mẹ chàng thổn thức. “Đã bao giờ Peregrine quan tâm đến chúng ta chưa?” Bà vùng vằng đứng dậy khỏi ghế và đi về phía cửa sổ, cứ như thể bà sẽ lao mình ra ngoài đó trong nỗi tuyệt vọng vậy.

Lisle chẳng bận tâm. Mẹ chàng không đời nào quẳng mình ra ngoài cửa sổ hay đập đầu vào bệ lò sưởi. Bà chỉ giả bộ như sẽ làm thế thôi.

Thay vì suy nghĩ chín chắn, cha mẹ chàng lại thường thích diễn kịch.

“Ôi Jasper, chúng ta đã phạm tội ác khủng khiếp nào tới nỗi phải chịu hình phạt có đứa con lạnh lùng vô tâm như thế này?” bà kêu gào than khóc.

“Ôi Lisle, ôi Lisle.” Hầu tước Atherton ôm đầu và biểu diễn tư-thế-vua-Lear yêu thích của ông. “Một người đàn ông biết dựa dẫm vào ai đây nếu không phải là cậu con trai cả đồng thời là người thừa kế của mình?”

Trước khi ông kịp tuôn ra bài diễn thuyết quen thuộc về bầy quỷ sứ bạc bẽo lạnh lùng và những đứa con vô ơn bội nghĩa, mẹ chàng đã lên tiếng. “Đây là cái giá chúng ta phải trả vì đã quá nuông chiều con,” bà nói, nước mắt lưng tròng. “Đây là phần thưởng cho chúng ta khi trao con cho Rupert Carsington, kẻ vô trách nhiệm nhất nước Anh.”

“Với con thì chỉ có nhà Carsington là đáng quan tâm,” cha chàng nói. “Suốt chừng ấy năm sống ở Ai Cập, con đã viết cho cha mẹ bao nhiêu lá thư nào? Cha có thể đếm trên đầu ngón tay.”

“Nhưng tại sao nó lại phải viết khi mà nó chẳng bao giờ nghĩ đến chúng ta cơ chứ?” mẹ chàng rền rỉ.

“Tôi chỉ đòi hỏi một việc nhỏ nhoi, thế mà nó đáp lại bằng sự nhạo báng!” Cha chàng lao về phía lò sưởi và đấm thùm thụp lên bệ lò. “Trời ơi, làm sao tôi chịu được chuyện này đây? Cứ phải lo âu sầu não vì con như vầy thì cha đến phải xuống mồ sớm thôi Lisle ạ, cha cam đoan là sẽ như thế đấy.”

“Ôi người thương yêu nhất của em, đừng nói thế chứ!” mẹ chàng rú lên. “Em làm sao sống nổi nếu không có anh. Em sẽ nối gót chân anh ngay thôi, và mấy thằng bé tội nghiệp sẽ thành cô nhi cả.” Bà quay ngoắt khỏi cửa sổ chạy tới gieo mình xuống ghế rồi bắt đầu khóc nấc lên thảm thiết.

Cha chàng vung tay chỉ về phía người vợ đang nức nở điên cuồng của mình. “Hãy nhìn xem con vừa làm gì với mẹ con đi!”

“Mẹ lúc nào mà chẳng như thế ạ,” Lisle lên tiếng.

Cha chàng buông thõng tay xuống và giận dữ rời khỏi chỗ chàng, ông rút khăn mùi soa ra dúi vào tay vợ - rất kịp lúc, bởi vì bà cũng đang cần rút khăn của mình ra lắm đây. Nước mắt nước mũi bà đã giàn giụa cả.

“Vì bọn trẻ, chúng ta phải cầu nguyện sao cho ngày đó không bao giờ đến,” cha chàng vừa nói vừa vỗ nhẹ lên vai vợ. Mắt ông cũng nhòa lệ. “Dĩ nhiên là Lisle rồi sẽ rong chơi giữa đám người kém văn minh, bỏ rơi các em nó vào tay những kẻ xa lạ vô tâm vô tình.”

Giờ các em chàng cũng đã phải sống giữa những người xa lạ vô tâm rồi, Lisle thầm nghĩ. Nếu mồ côi, chúng sẽ tới ở với một trong các bà cô của chàng. Mặc dù cách đây mấy năm, ngài Atherton đã mất đi một người em gái - vợ đầu của ngài Rathbourne - nhưng sáu chị em gái khác của ông vẫn mạnh khỏe cả, và họ sẽ không bận lòng nếu phải nuôi thêm vài ba đửa nữa cùng với đàn con đông đúc của mình. Nói thế không có nghĩa là họ thực sự trực tiếp chăm sóc con cái mình. Người hầu, người giám hộ và gia sư sẽ nuôi dạy chúng. Cha mẹ thì chẳng làm gì mấy ngoài việc nhúng mũi vào khi chẳng ai cần, tìm cách quấy quả mọi người và nghĩ ra những kế hoạch cắc cớ nực cười làm người khác tốn thời gian.

Chàng sẽ không cho phép cha mẹ tùy ý nhào nặn chàng. Nếu để mình bị cuốn vào vòng xoáy tình cảm, chàng sẽ không bao giờ thoát ra được.

Cách để trụ vững trên mảnh đất hà khắc này là bám vào sự thật.

“Bọn nhỏ có cả hàng dài người thân chăm sóc chúng, và có thừa tiền để sống thoải mái,” chàng nói. “Chúng sẽ không bị ngược đãi và chết đói trong trại mồ côi. Thế nên con sẽ không tới Scotland vì một việc ngớ ngẩn đâu.”

“Sao con có thể tàn nhẫn tới mức ấy?” mẹ chàng nức nở. “Một gia sản của nhà ta đang có nguy cơ biến mất đấy!” Bà vật người ra ghế, để chiếc khăn tay của chồng rủ xuống từ những ngón tay run lẩy bẩy của mình, nhìn như bà sắp sửa ngất lịm đi.

Người quản gia bước vào. Như mọi khi, ông vờ như không nhìn thấy màn kịch ngẫu hứng về tình cảm gia đình đang diễn ra trước mắt.

Ông báo với họ xe ngựa đang chờ.

Xe ngựa đã chuyển bánh nhưng màn kịch không chấm dứt mà vẫn tiếp tục trong suốt hành trình tới dinh thự Hargate. Vì khởi hành muộn mà đường sá thì đông nên họ nằm trong số những người đến muộn nhất.

Trước và sau khi chào chủ nhà cùng đông đủ các cặp vợ chồng nhà Carsington, rồi trong khoảng thời gian trước lúc họ đi qua đám đông để tới khu vực dành cho khách danh dự, cha mẹ Lisle liên tục nhắc đi nhắc lại bài chỉ trích của họ.

Chủ nhân của bữa tiệc sinh nhật, nữ Bá tước thừa kế Hargate, trông chẳng có gì thay đổi. Qua thư của Olivia, chàng biết rằng Bà Cố vẫn tán gẫu, say rượu và chơi bài với bạn bè - nhà Carsington gọi bạn bè của Bà Cố là các Nữ Yêu - cũng như vẫn tìm được thời gian và năng lượng dư thừa để đe nẹt cả gia đình.

Lúc này Bà Cố đang vận trên mình bộ cánh mới nhất và đắt nhất, tay cầm một ly rượu, ngồi trên ngai, các Nữ Yêu xúm xít xung quanh bà giống như những quý bà đang phục dịch nữ hoàng. Cũng có thể là giống như đám kền kền vây quanh kền kền chúa, ai thích nghĩ thế nào cũng được.

“Trông cháu tiều tụy một cách đáng buồn, Penelope,” Bà Cố bảo mẹ chàng. “Một số người tươi như hoa nở khi họ mang bầu, số khác thì không. Tiếc rằng cháu không thuộc số bừng nở rực rỡ - trừ cái mũi của cháu. Nó đỏ lựng lên kìa, cả mắt của cháu nữa. Hồi bằng tuổi cháu, ta chẳng bao giờ khóc nhiều như thế, mà cũng không sinh ra những đứa con ngỗ ngược. Ngày trước nếu cháu hỏi thì ta đã khuyên cháu sinh nở một lèo luôn, chứ không ngừng lại giữa chừng rồi đợi cho đến tận khi nhan sắc mất hút và cơ thể nhão xệ rồi mới đẻ tiếp.”

Tạm tha cho mẹ chàng - lúc đó đang nín thinh như hến và mặt mày đỏ lựng - quý bà già nua gật đầu với Lisle. “A, kẻ lang bạt đã trở về, làn da rám nắng, như mọi khi. Ta dám chắc là cháu sẽ choáng khi thấy đám con gái ở đây đều ăn vận kín cổng cao tường, nhưng cháu sẽ phải chịu đựng thôi.”

Mấy người bạn hiểu bà vừa chơi chữ nên cười ầm lên.

“Lột ra[2], chính thế,” phu nhân Cooper lên tiếng. Bà trẻ hơn Bà Cố, mới chỉ tầm bảy mươi tuổi. “Bà sẽ đánh cược gì đây Eugenia, khi tôi bảo đám con gái đang tò mò muốn biết liệu khắp người anh chàng này có rám nắng như khuôn mặt hay không?”

[2] Chơi chữ: bear (chịu đựng) và bare (lột, cởi bỏ).

Bên cạnh chàng, mẹ chàng khẽ rên lên.

Nữ Bá tước thừa kế ngả người về phía chàng. “Lúc nào cũng là một tiểu thư nhỏ bé yểu điệu,” Bà Cố nói bằng giọng thì thầm rất kịch. “Đừng bận tâm tới con bé. Đây là bữa tiệc của ta, và ta muốn thanh niên phải được vui vẻ. Ở đây đầy rẫy các thiếu nữ xinh đẹp, và hết thảy chúng nó đều đang vô cùng khao khát được gặp kẻ phiêu lưu vĩ đại của chúng ta. Giờ thì tiến lên nào, Lisle. Nếu cháu thấy Olivia đang đính hôn với ai thì hãy bảo nó đừng có lố bịch như thế.”

Bà Cố vẫy vẫy tay xua chàng đi, rồi quay trở lại tra tấn phụ huynh của chàng. Lisle bỏ rơi họ mà không hề cảm thấy lương tâm cắn rứt, và chàng mất hút vào đám đông.

Phòng khiêu vũ, đúng như nữ Bá tước thừa kế đã hứa, đầy ắp những thiếu nữ xinh đẹp, và Lisle không có cách nào cưỡng được họ, dù họ có kín cổng cao tường hay không. Đương nhiên chàng chẳng có gì chống đối chuyện khiêu vũ. Chàng dễ dàng tìm được bạn nhảy và khiêu vũ rất vui vẻ.

Tuy nhiên, suốt buổi ánh mắt của chàng vẫn đưa khắp đám đông, tìm kiếm mái đầu đỏ rực ấy.

Nếu không khiêu vũ, chắc hẳn Olivia đang chơi bài - và lừa đảo bất cứ kẻ nào đủ dũng khí chơi với nàng. Hoặc có thể nàng đang ở trong một góc tối nào đó để đính hôn lần nữa, như nữ Bá tước thừa kế đã dự đoán. Những cuộc đính hôn tan vỡ nhiều không kể xiết của Olivia - những hôn ước hẳn phải khiến con gái của một gia đình kém quyền lực và ít giàu có hơn suy sụp - sẽ không thể làm nản lòng những kẻ cầu hôn. Họ cũng chẳng bận tâm đến việc nàng không xinh đẹp tuyệt trần. Olivia Carsington luôn là một món mồi ngon.

Ông bố quá cố của nàng, Jack Wingate, là người con trai thứ vô trách nhiệm của Bá tước Fosbury, ông cụ mới chết gần đây và để lại cho nàng cả một gia sản. Tử tước Rathbourne, cha dượng của nàng đồng thời là chú của Lisle, cũng có vô khối tiền bạc, chưa kể ông ta còn là người thừa kế của Bá tước Hargate, nhân vật sở hữu khối tài sản còn lớn hơn nhiều.

Trong suốt buổi khiêu vũ, nàng là chủ đề thường xuyên của các cuộc chuyện trò: chiếc váy táo bạo mà nàng đã mặc tới lễ đăng quang tháng trước, cuộc đua xe ngựa của nàng với phu nhân Davenport, trận đấu kiếm nàng thách đấu với ngài BentWhistle - vì ông ta đã đánh một cậu bé người hầu - vân vân và vân vân.

Nàng đã bước chân vào xã hội thượng lưu được bốn năm rồi, thế mà nàng vẫn chưa kết hôn, và nàng vẫn là đề tài bàn tán của cả London.

Điều này chẳng mảy may khiến chàng ngạc nhiên.

Mẹ nàng, bà Bathsheba, sinh ra trong một chi rất khó ưa của dòng họ DeLucey: chi nổi tiếng có nhiều kẻ lừa đảo, quân bịp bợm và người tái hôn. Trước khi Bathsheba Wingate cưới ngài Rathbourne, Olivia đã cho thấy những dấu hiệu mười mươi rằng nàng sẽ đi theo bước chân của các bậc tiền bối. Dầu cho nền giáo dục quý tộc đã che lấp những dấu hiệu đó nhưng tính cách của Olivia thì rõ ràng là không hề thay đổi.

Lisle còn nhớ những dòng thư nàng gửi tới Ai Cập cho chàng chẳng bao lâu sau khi đứa em trai đầu tiên của chàng ra đời.

Em mong chờ ngày mình trở thành cô gái độc thân. Khi đó em sẽ được sống một cuộc đời không ngừng biến động.

Xét về chuyện đó, nàng đã thành công.

Chàng sắp bắt đầu chủ động đi kiếm nàng thì chợt để ý thấy đám thanh niên đang làm dáng và bông đùa với ai đó trong một góc của căn phòng - rõ ràng là họ đang tranh giành sự ưu ái của nữ hoàng sắc đẹp.

Chàng đi về hướng đó.

Đám người đông tới nỗi thoạt đầu tất cả những gì chàng có thể nhìn thấy là một mái tóc tạo kiểu thời thượng ngạo mạn nổi lên trên tất thảy những cái đầu đàn ông. Hai con chim thiên đường trông như đang cắm mỏ vào một cuộn to đùng toàn... tóc đỏ. Đỏ rực.

Trên thế gian này chỉ có một cô gái có mái tóc đỏ như thế mà thôi.

Chà, thế đấy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Olivia đang ngồi giữa đám đàn ông đó. Nàng có địa vị và món hồi môn cực kỳ béo bở. Từng ấy là đủ để bù cho...

Đám đông rẽ ra nên chàng thấy được toàn bộ cảnh tượng. Nàng quay sang phía chàng và chàng sững lại.

Chàng đã quên mất rồi.

Đôi mắt to xanh biêng biếc ấy.

Trong một khoảnh khắc, chàng đứng đó bất động, lạc lối giữa màu xanh sâu thẳm như trời đêm Ai Cập.

Rồi chàng chớp mắt và nhìn lại nàng, từ đôi chim lố bịch đang treo mình trên những lọn tóc đỏ búi chặt tới đôi giày đế bằng mũi nhọn ló ra từ phía dưới hàng mớ diềm đăng ten và nếp xếp ở đường viền chiếc váy xanh nhạt của nàng.

Rồi ánh mắt chàng lại ngước lên, và tâm trí chàng chầm chậm trượt đi.

Ở giữa mái tóc và đôi giày, chàng thấy cái cổ thanh mảnh, đôi bờ vai mịn màng và bộ ngực quá đỗi căng tròn đang phô bày... và thấp hơn phía dưới là vòng eo nhỏ nhắn yêu kiều lượn xuống bờ hông đầy nữ tính...

Không, chắc chắn không đúng. Olivia có rất nhiều thứ. Nhưng xinh đẹp không nằm trong số đó. Nổi bật, đúng: đôi mắt xanh đến lặng người và mái tóc rực rỡ. Những thứ đó của nàng chẳng ai khác có được. Và phải, dưới kiểu tóc ngạo mạn kia đích thị là gương mặt nàng... nhưng không, không phải thế.

Chàng nhìn chằm chằm, ánh mắt của chàng hết đưa lên lại đưa xuống, hết lần này tới lần khác. Sức nóng của căn phòng bỗng nhiên trở nên quá ngột ngạt, tim chàng đập thình thịch lạ thường và tâm trí chàng chới với trong một màn sương mù ký ức dày đặc, ở đó chàng đang cố tìm cách lý giải những gì mắt mình trông thấy.

Chàng lờ mờ nhận ra rằng mình cần phải nói gì đó, nhưng chẳng thấy ý tứ nào xuất hiện trong đầu. Chàng đã quen sống ở một thế giới khác, vùng đất khác, những kiểu đàn ông và phụ nữ khác. Mặc dù chàng đã cố để hòa hợp với hoàn cảnh này, nhưng đâu có dễ. Từ trước tới nay chàng chưa bao giờ biết nói những gì mình không nghĩ, còn giờ thì chàng lại không biết làm sao để nói lên được điều mình đang nghĩ.

Trong khoảnh khắc ấy, tất cả những gì chàng đã học được trên đời đều bỗng chốc tiêu tan. Chàng trông thấy một cảnh mộng vượt ra khỏi mọi quy tắc, mọi ngôn từ vô vị và mọi cách thức hợp lý để ngắm nhìn và di chuyển, hình ảnh ấy xé tan mọi thứ tầm thường kia thành từng mảnh và thổi bay đi.

“Ngài Lisle,” nàng cất tiếng, rồi nghiêng đầu duyên dáng, đám lông vũ của đôi chim trên đầu nàng khẽ rung rinh theo. “Mọi người đang đánh cược đấy, xem liệu ngài có tới bữa tiệc sinh nhật của Bà Cố không.”

Khi nghe giọng nói quá đỗi thân quen của nàng, lý trí chàng bắt đầu khai đường mở lối thoát khỏi vũng lầy hỗn độn.

Đây là Olivia, lý trí chàng lên tiếng. Mọi điều thuộc về nàng: tiếng nói, đôi mắt, mái tóc, gương mặt. Phải, gương mặt nàng đã khác bởi giờ đây nó trở nên mềm mại nữ tính hơn. Má nàng mịn hơn, tròn hơn. Khuôn miệng nàng đầy đặn hơn...

Chàng nhận ra mọi người đang kháo nhau, kẻ này hỏi chàng là ai, người kia trả lời. Nhưng tất cả dường như thuộc về thế giới khác, không hề liên quan đến chàng. Ngoài Olivia, chàng không còn nhìn được hay nghe thấy hay nghĩ ngợi về bất cứ điều gì khác nữa.

Rồi chàng nhận thấy đôi mắt nàng thoáng cười và khuôn miệng nàng khẽ cong lên.

Chàng rơi đánh thịch trở lại mặt đất, tiếng rơi mạnh tới nỗi chừng như đầu kia căn phòng khiêu vũ rộng thênh thang cũng có thể nghe thấy.

“Có đổi cả thế giới ta cũng không bỏ lỡ bữa tiệc này được,” chàng nói.

“Em rất vui được gặp ngài, không chỉ bởi vì em vừa thắng cược.” Nàng chậm rãi vừa quan sát vừa đánh giá chàng, cái nhìn ấy khiến chàng nổi da gà và nóng rực toàn thân.

Ôi Chúa ơi, giờ nàng nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Chàng tự hỏi cái nhìn ấy nhằm vào ai. Nàng chỉ đang thử nghiệm sức mạnh của bản thân hay nàng đang cố đồng loạt kích động tất cả những kẻ ngưỡng mộ mình bằng cách vờ như chàng là người đàn ông duy nhất trong căn phòng này?

Dù là gì đi nữa thì nàng cũng rất xuất sắc.

Nhưng nói gì thì nói, thế là quá đủ rồi.

Nàng không còn là cô bé nữa - ấy là nếu nàng đã từng là cô bé - và chàng cũng không còn là cậu bé. Chàng biết cách chơi trò này. Chàng để ánh mắt mình trượt xuống ngực nàng. “Em lớn thật rồi,” chàng nói.

“Em biết rồi, ngài đang chế nhạo mái tóc của em,” nàng đáp.

Nàng biết thừa là chàng không nói tới chuyện tóc tai. Olivia chưa bao giờ ngờ nghệch.

Nhưng chàng hiểu ẩn ý của nàng và nghiêm túc đánh giá kiểu tóc ấy. Mặc dù cột tóc của nàng cao vọt lên trên đám thanh niên, nhưng chàng đủ cao để thấy được đôi chim. Chàng nhận thấy những phụ nữ khác cũng có kiểu tóc kỳ cục không kém. Mấy thập kỷ trở lại đây, trong khi trang phục của đàn ông ngày càng nghiêm túc thì trang phục của phụ nữ ngày càng loạn xị.

“Mấy con chim đã đậu trên đầu em,” chàng nói. “Rồi chết ở đó.”

“Hẳn chúng lại cho rằng mình vừa được lên thiên đường,” một gã thanh niên đứng bên cạnh lên tiếng.

“Trông như mấy cái xác chết cứng đờ ấy,” chàng tiếp.

Olivia thoáng mỉm cười với chàng. Có gì đó thật kỳ lạ diễn ra trong ngực chàng. Có gì đó khác nữa diễn ra ở phía dưới thấp hơn, không hoàn toàn lạ lẫm mà cũng chẳng tuyệt đối thân quen.

Chàng cố dìm những cảm xúc ấy vào quên lãng.

Nàng không thể thôi cái trò ấy đi, chàng tự nhủ. Từ khi sinh ra nàng đã vậy rồi, lúc nào cũng là DeLucey Đáng Sợ. Chàng không được nghĩ xa xôi. Nàng là bạn, là đồng minh, và trên hết, là em gái của chàng. Chàng buộc mình tưởng tượng về nàng như ngày đầu gặp nàng: một cô bé mười hai tuổi gầy gò cứ lấy sổ của chàng đập vào đầu chàng. Một cô bé lôi cuốn chết người, lúc nào cũng ưa trêu chọc.

“Em đã ăn mặc thế này vì ngài đấy,” nàng nói. “Để bày tỏ lòng kính trọng trước Hành trình Chinh phục của ngài ở Ai Cập. Em đã đặt hàng tấm lụa may chiếc váy này sao cho tiệp với màu xanh của dòng sông Nile trong những bức tranh vẽ bằng màu nước của ngài. Vì không tìm được cò quăm nên bọn em đành phải dùng hai con chim thiên đường.”

Hạ giọng thấp xuống đầy bí ẩn, nàng ngả người về phía chàng, để lộ ra rõ ràng và cận cảnh hơn khoảng da thịt trắng ngần, tròn đầy vừa vặn đôi bàn tay đàn ông. Ở khoảng lộ ra chừng một phần tư khuôn ngực ấy, chàng nhận thấy hơi ẩm mỏng mảnh mà sức nóng của phòng khiêu vũ phủ lên lấp lánh trên da nàng. Chàng cũng nhận ra hương thơm thiếu nữ tỏa ra từ đó: sự hòa quyện đầy nguy hiểm của một khoảng da thịt ẩm ướt và một làn hương dịu nhẹ thoảng bay.

Giỏi lắm, nàng hẳn đang cảnh cáo chàng đây mà.

Hãy nghĩ tới cô bé mười hai tuổi gầy gò, chàng tự răn mình.

“Em muốn ăn mặc giống mấy quý bà trên những tấm thiệp chụp các bức tranh trong hầm mộ mà ngài đã gửi cho em,” nàng nói tiếp, “nhưng bị cấm.”

Âm điệu và độ nhấn của từ bị cấm làm tâm trí chàng dịu xuống.

Thực tế, chàng tự nhủ. Hãy bám lấy thực tế, như...

Tàn nhang trên da nàng đi đâu cả rồi?

Có lẽ ánh nến êm dịu của gian phòng đã làm nốt tàn nhang mờ đi. Có thể nàng đã độn ngực. Mà cũng có khi nàng đã thoa nước chanh lên đó chăng?

Ngừng nghĩ về ngực nàng ngay, ôi cái cách mà sự loạn trí lừa dối con người. Nàng đang nói gì ấy nhỉ? Cái gì đấy về tranh ảnh trong hầm mộ.

Chàng lấp đầy tâm trí bằng những hình người phẳng lì trên tường đá.

“Nói cho đúng thì phụ nữ trong các bức tranh trong hầm mộ ấy không mặc đồ,” chàng nói. “Khi còn sống, có vẻ như họ bị bó chặt trong tấm vải lanh siêu mỏng.”

Trang phục đó đúng là không còn gì để tưởng tượng nữa, có lẽ vì thế mà thậm chí chàng - người luôn muốn bám lấy thực tế và để lãnh địa tưởng tượng lại cho cha mẹ mình - không hề khó hình dung ra thân hình tròn trịa lúc này của Olivia quấn trong một tấm vải lanh mỏng dính thì như thế nào.

“Rồi khi chết,” chàng nói tiếp, “họ lại mặc quá nhiều, quấn chặt từ đầu tới chân bao nhiêu lớp vải lanh. Cả hai lối phục trang ấy dường như chẳng thực tế với bữa tiệc khiêu vũ của người Anh.”

“Ngài không hề thay đổi,” nàng thẳng người dậy. “Luôn quá tầm thường.”

“Mặc kệ Lisle đi, anh ta chỉ biết quẳng cơ hội vàng qua cửa sổ thôi,” một gã khác lên tiếng. “Thay vì ca tụng tiểu thư đây - như mọi người đàn ông có mắt nên làm - và nỗ lực để giành được đặc ân của nàng, thì anh ta lại cứ lan man giảng giải đến chán về phong tục của những kẻ ngoại đạo.”

Phải, bởi vì có thế mới an toàn được ở chốn này.

“Sự chú ý của tôi không hề chệch hướng, ta xin đảm bảo như thế, thưa tiểu thư Carsington,” Lisle nói. “Lúc này thậm chí nó còn vững vàng yên vị nữa.”

Chàng những muốn bóp cổ ma quỷ nào đã cho nàng khuôn mặt và hình thể ấy - chẳng lẽ nàng còn cần thêm vũ khí hay sao. Chắc chắn đây là trò ma quỷ. Một vụ đổi chác nào đó xảy ra trong khoảng năm năm kể từ lần cuối Lisle gặp nàng. Dĩ nhiên là quỷ Sa tăng, như bất cứ kẻ nào khác, hẳn đã chịu phần thiệt thòi khủng khiếp nhất khi thương lượng với nàng.

Ở một góc tâm trí chàng, cái giọng nói vốn thường xuyên cảnh báo chàng về rắn, bọ cạp và bọn kẻ sát nhân ẩn mình trong bóng tối đang lên tiếng: Coi chừng.

Nhưng khỏi cần nói chàng cũng biết rồi, vì chàng hiểu Olivia quá rõ.

Nàng quá nguy hiểm. Dù là xinh đẹp hay ấn tượng, ngực tròn đầy hay lép kẹp, ở nàng luôn toát ra sự lôi cuốn không tài nào cưỡng được. Nàng dễ dàng làm say đắm những chàng trai thông minh, đa số họ đã từng chứng kiến nàng phá hủy sự thanh bình của những chàng trai thông minh không kém khác.

Chàng biết chứ. Những lá thư nàng gửi chẳng đầy rẫy những “sự thất vọng ngọt ngào” đấy sao. Kể từ lúc bước vào căn phòng này, chàng đã được nghe những câu chuyện khác. Chàng biết nàng là người như thế nào.

Vì là đàn ông nên tạm thời chàng mới chưa bị rối trí. Khi đàn ông gặp phụ nữ xinh đẹp thì nghiễm nhiên sẽ nảy sinh phản ứng thể xác như thế này. Chàng có cảm xúc thế này không biết bao nhiêu lần rồi. Lần này có phần xáo trộn chỉ bởi người mà chàng đang có cảm xúc lại là Olivia.

Nàng là bạn, là đồng minh, và trên hết, là em gái chàng.

Chàng vẫn luôn nghĩ về nàng như thế.

Và chàng sẽ tiếp tục nghĩ về nàng như thế, chàng tự nhủ.

Chàng chỉ hơi choáng váng một chút, tất cả có thế thôi. Chàng là kiểu đàn ông gần như ngày nào cũng gặp chuyện gây choáng váng, và từ những chuyện ấy mà chàng lớn khôn.

“Bởi lúc này sự chú ý của ta đã cố định một chỗ,” chàng nói, “nên có lẽ quý cô đây sẽ rộng lòng nhảy với ta điệu tiếp theo.”

“Đến lượt tôi chứ,” một trong số những chàng trai đang vây quanh nàng lên tiếng. “Tiểu thư Carsington đã hứa rồi.”

Olivia nạt chàng ta im lặng. “Ngài có thể đợi điệu sau, ngài Belder ạ. Lâu lắm rồi ngài Lisle đây mới về, mà chẳng mấy bữa ngài ấy lại đi rồi. Ngài ấy là người nay đây mai đó nhất thế gian. Nếu tôi không nắm lấy cơ hội này, ai mà biết được đến bao giờ tôi mới có cơ hội khác? Biết đâu ngài ấy sẽ bị đắm tàu. Cũng có thế ngài ấy sẽ bị cá sấu xơi hay bị rắn độc hoặc bọ cạp cắn. Có thể ngài ấy sẽ chết bị dịch bệnh. Ngài biết đấy, ngài ấy chẳng bao giờ hạnh phúc, trừ khi liều mạng để giúp nâng cao tri thức của chúng ta về một nền văn minh cổ đại. Tôi có thể khiêu vũ với ngài lúc nào chẳng được.”

Belder nhìn Lisle đằng đằng sát khí, nhưng lại mỉm cười với Olivia và nghe lời người đẹp.

Khi Lisle dẫn nàng đi, rốt cuộc chàng cũng hiểu tại sao vì nàng mà rất nhiều chàng trai vẫn cứ bắn nhau liên tục.

Tất cả bọn họ đều muốn có nàng đến phát điên; nàng biết điều đó nhưng chẳng bận tâm.