Shadow Music

Chương 2

Ở nước Anh ai mà chẳng biết đến mối thù truyền kiếp giữa hai người là Nam tước Coswold xứ Axholm, một trong những cố vấn thân cận nhất của Vua John, và Nam tước Percy xứ Werke, cũng được coi là bạn và là thân cận của nhà vua. Suốt mười năm trời nay, cả hai đều tìm mọi cách để tiêu diệt lẫn nhau. Cuộc cạnh tranh giữa hai người vô cùng khắc nghiệt. Kẻ này đều muốn giàu có hơn, quyền lực hơn, uy lực hơn kẻ kia và chắc chắn là muốn được nhà vua tín nhiệm hơn. Hai người ganh đua quyết liệt để giành giật mọi thứ, và họ thèm muốn một giải thưởng quý giá hơn hết: Công nương Gabrielle. Chỉ cần nhắc đến tên nàng thôi là họ bắt đầu giống một lũ chó điên loạn. Hai nam tước đều quyết tâm muốn cưới được vẻ đẹp đáng giá này.

Nhà vua tỏ ra thích thú với những hành vi ghen tuông thể hiện ra bên ngoài của họ. Bất kì cơ hội nào đến, ngài đều đẩy kẻ này ra đọ sức với kẻ kia. Trong thâm tâm ngài, họ là đám thú cưng sẽ bày ra bất cứ mánh lới nào mà ngài yêu cầu chỉ để làm vui lòng ngài. Ngài biết đến nỗi ám ảnh của họ với cô con gái Nam tước Geoffrey, Gabrielle, nhưng ngài không định trao nàng cho bất cứ ai trong số họ. Nàng quá có giá trị. Thay vì thế, vào bất cứ lúc nào theo ý mình, ngài thích đem ra câu nhử cái triển vọng rằng ai trong số họ đều có cơ hội nắm lấy tay nàng tiến đến bệ thờ hôn nhân.

Ở Anh ai cũng nghe tiếng đồn về Gabriella. Sắc đẹp của nàng là huyền thoại. Nàng đã lớn lên trên vùng đất Wellingshire không xa cung điện của nhà vua. Cuộc sống của nàng ở đó bình yên, kín đáo và khá là ẩn dật cho đến khi nàng đến tuổi trưởng thành và được ra mắt trước triều đình. Với sự bảo hộ của người cha, Nam tước Geoffrey xứ Wellingshire, nàng đã cam chịu buổi yết kiến không dài quá đến mười phút đồng hồ trước Vua John, nhưng đó lại là khoảng thời gian đủ để ngài hoàn toàn trở nên bị mê hoặc.

Vua John có thói quen khi ngài muốn gì là phải có được. Danh tiếng về sự phóng đãng của ngài lưu truyền khắp nơi. Không lạ lùng gì khi ngài dụ dỗ những kẻ sẵn lòng- hoặc không sẵn lòng – những người vợ và những cô con gái các nam tước, và rồi, vào buổi sáng ngày hôm sau, lại cảm thấy vô cùng tự hào trước chiến tích của mình. Tuy vậy, ngài không hề chạm đến Gabrielle, vì cha cô là một trong những nam tước có quyền uy và thế lực nhất nước Anh này.

John đã có đủ những cuộc xung đột cùng mâu thuẫn dưới sự trị vì của mình. Ngài không cần thêm nữa. Ngài đang bị tấn công từ bốn phương tám hướng, và tin rằng không một cuộc xung đột nào xuất phát từ hành vi của mình. Những vấn đề của ngài với Đức Giáo Hoàng Innocent III thời gian gần đây đã tăng lên gấp mười lần vì John từ chối chấp thuận cho giáo hoàng lựa chọn Stephen Langton làm tổng giám mục xứ Canterbury, giáo hoàng đã đặt một lệnh cấm lên toàn nước Anh. Tất cả các buổi lễ tại nhà thờ bị cấm ngoại trừ các lễ rửa tội và xưng tội, và kể từ khi các linh mục cùng cha xứ bỏ chạy khỏi nhà thờ để tránh xa cơn thịnh nộ của vua John, việc tìm kiếm ai đó để thi hành một trong hai phép bí tích đó thật gần như là bất khả thi.

Lệnh cấm này làm Vua John nổi trận lôi đình, và ngài đã phản ứng bằng cách tịch thu toàn bộ tài sản của các nhà thờ. Phản ứng của Đức giáo hoàng rất gay gắt.

Ngài rút phép thông công John, do đó làm suy yếu khả năng trị vị đất nước của nhà vua. Không chỉ lệnh rút phép thông công chết tiệt đã kéo tâm hồn đen tối của John xuống đến chín tầng Hỏa ngục đời đời, mà còn những thần dân của ngài cũng được xóa bỏ khỏi lời thề trung thành của họ đối với nhà vua. Thực tế, đội ngũ nam tước không bắt buộc còn phải tỏ ra trung thành nữa.

Thông qua các nguồn tin đáng tin cậy, vua John biết rằng vua nước Pháp đã để mắt đến ngai vàng Anh và bị xúi bẩy bởi các nam tước phản bội để chuẩn bị một cuộc chiến xâm lược. Trong lúc Vua John tin rằng ngài đủ nhân lực và nguồn lực để đối phó với mối đe dọa này, thì vẫn là một công cuộc tốn kém và đòi hỏi ngài phải chú tâm hết mực.

Còn có những việc vặt vãnh khác gây cho ngài phiền toái. Các cuộc nổi dậy tại xứ Wales và Scốt len đang càng ngày càng trở nên phức tạp và có tổ chức hơn. Vua William xứ Scốtlen không phải là mối lo chính. Ông ta đã cam kết trung thành với John. Không, mà là đám cư dân vùng cao nguyên, những kẻ đã bôi nhọ ngài. Cho dù Vua William tin rằng ngài vẫn còn giữ được họ dưới quyền kiểm soát của mình, thì các lãnh chúa chẳng hề quan tâm đến việc đáp trả bất cứ ai ngoài chính những thành viên trong thị tộc. Càng di chuyển cách xa về phía bắc, các thị tộc càng trở nên tàn bạo và hung hăng hơn. Nảy sinh quá nhiều mối hận thù gay gắt không thể nào kiềm tỏa nổi.

Duy nhất một vị lãnh chúa phía bắc Cao nguyên không phải là mối đe dọa với những kẻ khác và là người thực sự giành được một chút kính trọng: Lãnh chúa Alan Monroe. Ông đã lớn tuổi, giọng nói mềm mỏng, với một tâm tính dễ chịu, những đặc điểm không bao giờ thấy được ở một lãnh chúa Vùng cao nguyên. Ông tự chủ và không hề có bất kì mưu đồ nào muốn tăng thêm của cải hay đất đai vào gia sản của mình. Có thể đó là lý do tại sao ông ta phần nào được quý trọng.

Trong nỗ lực đáng ngạc nhiên để xoa dịu một trong số những nam tước có thế lực của mình, và thuận theo lời đề nghị từ Vua William xứ Scốt len, Vua John ban sắc lệnh rằng Tiểu thư Gabrielle và Lãnh chúa Monroe buộc phải kết hôn với nhau. Cho dù ông ta không hề cần đến, song vẫn trở nên vui vẻ hơn với phần hồi môn gồm vùng đất rộng lớn trên Cao nguyên có tên gọi là Finney’s Flat, thứ ông ta đã giành được từ nhiều năm trước đây. Quê hương Lãnh chúa Monroe ở góc phía đông nam của vùng đất màu mỡ đáng mơ ước này.

Những nỗi lo lắng của John về đội quân vô số kể, được kết hợp lại theo mong muốn của các lãnh chúa vùng Cao nguyên, với mục đích tấn công nước Anh, trong lúc này sẽ tạm thời chìm xuống, và Vua William sẽ không còn phải lo lắng đến một cuộc nổi dậy men mún nữa. Bồn chồn không yên và cảm thông với các láng giềng vùng lân cận phía bắc, nỗi sợ hãi nảy sinh vì một số chủ đất cũng muốn tham gia vào cuộc nổi loạn.

Khi sắc lệnh kết hôn với Gabrielle được chuyển đến cho Lãnh chúa Monroe, ông ta liền hăm hở thuận theo. Ông ta tin chắc rằng với chỉ dụ của Vua John cuộc chiến giữa các lãnh chúa giành quyền kiểm soát vùng đất Finney’s Flat sẽ chấm dứt, và trên vùng đất này sẽ có hòa bình.

Duy nhất tồn tại hai kẻ sẽ gào thét chống đối cuộc hôn nhân, đó là Percy và Coswold, nhưng John sẽ gạt hết những lời cầu xin thống thiết và các lý do phản đối của hai vị nam tước này.

Cha Gabrielle, Nam tước Geoffrey, cũng ủng hộ cuộc hôn nhân. Tuy rằng ông thích con gái mình cưới một nam tước quyền quý người Anh và sống ở Anh, nơi ông thỉnh thoảng còn được gặp cô cũng như đám cháu chắt sau này, song ông biết Gabrielle sẽ không được an toàn chừng nào John còn trị vì. Nam tước Geoffrey đã nhìn thấy ham muốn ánh lên trong mắt của nhà vua khi ngài ngắm nhìn Gabrielle. Ông ta hành động rất giống một con nhện đầy kiên nhẫn chờ đợi để gài bẫy và ăn tươi nuốt sống con mồi của mình. Và qua những điều Geoffrey nghe được từ đám họ hàng xa ở Scotlen, dòng họ Buchanan, chồng sắp cưới của Gabrielle là một ngừơi đàn ông tốt sẽ đối xử chu đáo với cô. Đó là một lời ca ngợi cao chất ngất dành cho Lãnh chúa Monroe, khi người Buchanans không mấy ưa thích những kẻ ngoài gia tộc của mình. Vì cuộc hôn nhân của mình, Lãnh chúa Buchanan có quan hệ họ hàng với Nam tước Geoffrey, nhưng vị lãnh chúa này hầu như không thể chịu đựng cha Gabrielle, mặc dù trớ trêu thay, Lãnh chúa Buchanan, kẻ căm ghét tất cả những thứ dính dáng đến nước Anh, lại kết hôn với một người phụ nữ Anh chính gốc.

Với sắc lệnh của Vua John và sự đồng thuận của Nam tước Geoffrey, đám cưới đã được định sẵn. Kẻ duy nhất không có tiếng nói trong vấn đề này và là kẻ cuối cùng được nghe tin về đám cưới sắp tới lại chính là Công nương Gabrielle.