Say Mộng Giang Sơn Truyện Full

Chương 534: Buồn

Lý Chiêu Đức vuốt râu, cân nhắc:

- Thế cục Tây nNam một khi bị loạn, sẽ trở thành mối họa lớn cho đất nước, hiện tại triều đình phải đối mặt với sự khởi binh ở Tây Vực, càng không nên quá vội vã, nếu không Thổ Man sẽ nương nhờ Thổ Phiên hoặc Nam Chiếu, thì tình hình càng không thể cứu vãn. Các dân tộc ở Tây Vực luôn đan xen với nhau, tình hình luôn phức tạp, làm cho bọn chúng thuần phục mới là cách phù hợp nhất với nơi đó, cố tiêu diệt không bằng tiêu diệt và trấn áp, tiêu diệt và trấn áp không bằng nhẹ nhàng thu phục.

Nay theo lời của Dương Phàm, Thổ Man tạo phản là do phải chịu những áp bức, vì phẫn nộ mà phản kháng, như vậy càng thích hợp lấy việc hòa hoãn, trấn an làm trọng. Thần cho rằng, chỉ cần trừng trị kẻ cầm đầu, hóa giải sự căm phẫn của Thổ Man, sự rối ren này sẽ tự nhiên mà mất. Bệ hạ nhất quyết nên trừng phạt Hoàng Cảnh Dung, lại ra lệnh cho quan viên nhanh chóng trấn an Kiếm Nam đạo, bình ổn tình thế.

Võ Tắc Thiên liếc Lý Chiêu Đức một cái:

- Lý tướng và trẫm giống nhau cố thủ ở kinh thành, làm thế nào biết tình hình Kiếm Nam là giống như Dương Phàm nói? Nếu phán đoán sai lầm, Thổ Man quả thật là có lòng mưu phản, sớm cấu kết với Thổ Phiên và Nam Chiếu, thì một khi triều đình phát binh chậm chạp, chỉ e con đường Vương Hiếu Kiệt trở về hướng đông cũng sẽ bị chặt đứt.

Lý Chiêu Đức thản nhiên nói:

- Hai người bọn họ ai cũng nói mình có lý, thần hiện tại chỉ dựa vào hai bức tấu chương của bọn họ tự nhiên có thể phân biệt đúng sai trong đó. Vì, nếu dựa vào những bản tấu chương gần đây của những quan phủ Kiếm Nam thì thần cho rằng tình hình thực tế đã rõ ràng rồi.

Võ Tắc Thiên đã lớn tuổi, sức lực đã kém đi rất nhiều, đã không còn chăm lo nhiều cho việc quốc gia đại sự nữa, từ khi bà có hai mỹ nam Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi, hằng ngày sa vào hưởng lạc, càng không lo lắng đến quốc sự hơn, Lý Chiêu Đức nói đến những tấu chương gần đây của quan lại Kiêm Nam đạo, Võ Tắc Thiên lại không có ấn tượng nào, không kìm được nhìn về phía Thượng Quan Uyển Nhi.

Thượng Quan Uyển Nhi nói:

- Lý tướng nói đến những tấu chương mà mấy ngày trước gửi đến Kinh thành mà Thánh thượng đã phê duyệt, để Uyển nhi tìm xem.

Thượng Quan Uyển Nhi tìm một hồi, lật mấy bản tấu chương, trình lên cho Võ Tắc Thiên, trên cùng chính là tấu chương của Thứ sử Tây Châu Trương Giản Chi.

Trong tấu chương Trương Giản Chi lên án Hoàng Cảnh Dung vơ vét tài sản địa phương, nhận hối lộ khắp nơi, tàn sát vô tội, nhằm kiếm lợi mà làm liên lụy lớn, gán cho thủ lĩnh Man tộc tội danh tạo phản, lấy danh nghĩa triều đình mà đe dọa, bức bách trăm họ phải hiến tài sản để trừ tai họa.

Tấu chương còn nhắc đến Hoàng Cảnh Dung giam giữ thủ lĩnh Man tộc, thu được của cải cống nạp mới bằng lòng thả người, còn nhắc đến thủ lĩnh hai tiểu bộ lạc vì không có cống nạp bị y cưỡng vào tội đồng đảng, đem ra xử tử.

Cuối cùng Trương Giản Chi trong tấu chương nói, vùng Tây Nam dân đông lại dũng mãnh, dân chúng thượng võ, với những gì mà Hoàng Cảnh Dung đã làm, làm cho họ vô cùng oán hận, nếu không hạ chỉ trị tội, làm cho họ thay đổi suy nghĩ, chỉ e hậu họa khó lường.

Nhìn đến đây, Võ Tắc Thiên bỗng có ấn tượng, vài ngày trước bà thật sự có xem qua bản tấu chương như này nhưng lúc đó không để ý, còn cho rằng Trương Giản Chi đã quá lời rồi.

Trương Giản Chi là do bà lúc trước đề bạt vào kinh, còn để lão làm Phượng các xá nhân, không thể bảo là không đáng trọng dụng. Ai ngờ người này không biết tốt xấu, nhiều này phản bác ý kiến của bà, Võ Tắc Thiên giận dữ đuổi ra khỏi thành, từ đó không có cảm tình với người này nữa.

Hơn nữa Ngự sử là giám sát bách quan, vốn dĩ là quan phía đối lập, không được nhiều người thích, quan viên buộc tội Ngự sử bà không quan tâm, Ngự sử không quản việc binh, không cầm quyền, theo bà sẽ không gây hại lớn, nếu đám quan viên luôn miệng nói tốt cho Ngự sử, đó mới là điều nguy hiểm thực sự.

Nhất là Trương Giản Chi là quan địa phương, Hoàng Cảnh Dung là quan Ngự sử mà triều đình phái đến, lập trường hai người không giống nhau, Trương Giản Chi làm quan điều mà lão quan tâm là trị an và lợi ích của địa phương mà lão cai quản, mà quan viên triều đình là phụng chỉ xuất kinh, vốn dĩ mâu thuẫn với quan địa phương, không nhận được sự hoan nghênh là điều tất nhiên.

Có suy nghĩ này, Võ Tắc Thiên liền không đem lời của Trương Giản Chi để ở trong lòng nữa, cho là lão muốn phô trương thanh thế để đuổi Hoàng Cảnh Dung đi, không muốn Hoàng Cảnh Dung gây ra phiền toái ở địa bàn của lão. Hiện tại lại xem tấu chương của Trương Giản Chi, cách nghĩ củaVõ Tắc Thiên lại khác đi.

Bà lại xem mấy bản tấu chương khác, đều là Trương Giản Chi lôi kéo bạn hữu của lão ở Kiếm Nam đạo buộc tội Hoàng Cảnh Dung, lời nói mặc dù ôn hòa hơn so với Trương Giản Chi nhưng ý tứ là giống nhau.

Cái gọi là ba người thành hổ, huống chi Hoàng Cảnh Dung quả thật tác oai tác quái ở Kiếm Nam đạo, có vô số sơ hở để bắt, trong những tấu chương đều nêu ra, Võ Tắc Thiên càng xem càng tức:

- Ngự sử ở Kiếm Nam đạo hiện là ai?

Lý Chiêu Đức cúi người nói:

- Là Giám sát Ngự sử Bùi Hoài Cổ!

Nhà Đường từ trước do triều đình không định kỳ phái sứ giả giám sát các đạo và châu, tên không cố định, như là quan thăm viếng, quan quan sát, quan án sát, quan tuần sát hoặc là quan quan sát theo dõi xử lý, quyền hạn không nhỏ, lúc đó vẫn chưa có Tiết Độ Sứ. Hiện tại Bùi Hoài cổ là quan quan sát ở Kiếm Nam đạo, tương đương với chức quan cao nhất.

Võ Tắc Thiên nói:

- Dùng bảo mã tám trăm dặm truyền sắc cho Bùi Hoài Cổ, lệnh y là đại sứ chiêu an, lập tức trấn an Diêu Châu, bình ổn lại tình hình, đồng thời, bãi bỏ thân phận khâm sai của Hoàng Cảnh Dung, cách chức đợi ngày thẩm vấn!

Lý Chiêu Đức đứng lên nói:

-Thần tuân chỉ!

Võ Tắc Thiên không giao việc này cho Dương Phàm làm, là đều có suy tính của bà.

Đầu tiên, Bùi Hoài Cổ là quan cao nhất ở Kiếm Nam đạo, việc Kiếm Nam đạo tạo phản là việc của y, do y phụ trách là đương nhiên, bỏ qua quan viên ở đây phái một quan khác ở kinh thành đi, rất nhiều chuyện phải không ngừng liên lạc với kinh thành, liên lạc với quan viên địa phương, hơn nữa quan viên kinh thành không quen thuộc tình hình, khó tránh khỏi lại phạm phải sai lầm.

Mặt khác, Dương Phàm là tuần tra tất cả các đạo, không chỉ phụ trách việc ở Kiếm Nam đạo, tạo phản ở Kiếm Nam đạo lúc nào mới có thể thông qua đàm phán bình ổn, phát triển sau đó cái gì, một loạt công việc sau khi bình ổn, tất cả đều cần có thời gian, Dương Phàm không thể ở lại Diêu Châu giải quyết chuyện này.

Nhất là sau khi chuyện này xảy ra, Võ Tắc Thiên càng hy vọng thông qua sự giám sát của hắn có thể hiểu biết hơn các tình hình khác của Ngự sử ở các đạo.

Hơn nữa, Dương Phàm và Hoàng Cảnh Dung đối lập nhau, tuy hiện tại Võ Tắc Thiên nói tám phần tin lời Dương Phàm nhưng cách nói của Hoàng Cảnh Dung không phải không có lý. Báo cáo của Ngự sử đài nói Lưu nhân ở các đạo có dấu hiệu mưu phản, triều đình phái người đi thăm dò, chỗ đó quả nhiên có phản loạn, rốt cuộc là khâm sai bức Thổ Man hay Thổ Man đã sớm có tâm làm phản?

Võ Tắc Thiên đối với việc này không khỏi hoài nghi lo lắng, nếu để đối thủ Hoàng Cảnh Dung đi kiểm tra y, chỉ nếu thực sự có nghi vấn bà cũng đừng hòng mà biết được, có nhiều hoài nghi, Võ Tắc Thiên mới quyết định phái một quan viên khác đi bình ổn Diêu Châu, để bảo đảm bà có thể biết chân tướng thực sự của tạo phản.

Lý Chiêu Đức cầm thánh chỉ lập tức rời đi, Võ Tắc Thiên cầm tấu chương của Trương Giản Chi lên xem lại một lần, như có chút suy nghĩ mà nói:

-Người này là củi khô, nếu có thể trung thành với trẫm, thì thực là một người có ích.

Uyển nhi nói:

-Trương Giản Chi hơn bảy mươi tuổi, đã qua những năm trợ quốc, hiểu rõ thế sự, tính tình trầm ổn, làm việc vô cùng lão luyện. Hành trình tây nam của Hoàng Cảnh Dung, lão có thể phát hiện ra trước những bất trắc, quả nhiên là một người tài giỏi, nếu Thánh thượng muốn dùng lão, quả thật sáng suốt, trong triều hiện tại chỉ có Lý trướng là cánh tay đắc lực của người, đúng thật là cũng cần nhiều người hơn.

Võ Tắc Thiên có chút động ý, suy nghĩ một lát nói:

- Trước tiêncứ để yên xem sao, đợi sau khi Kiếm Nam giải quyết xong, đầu tiên phái lão đi nơi khác, rồi tiếp tục quan sát!

Uyển nhi hạ thấp người nói:

-Vâng, Uyển nhi nhớ kỹ!

***

- Dương đại ca về rồi!

Mấy cô gái Bạch Man đang ở trong doanh nấu ăn nhìn thấy từ xa có mấy con ngựa phi đến, người ở giữa đúng là Dương Phàm, tất cả đều reo hò. Huân Nhi ở đằng kia đang thêm củi dưới lò đứng lên, tay ngừng lại nhìn mấy người đang cưỡi ngựa đến

Dương Phàm thúc ngựa chạy tới, đầu quấn khăn chùm đầu trắng, nửa trên cũng mặc áo trắng, dưới mặc một chiếc quần màu lam thùng thình, buộc một cái dây lưng, đương nhiên là cách ăn mặc của nam nhân Bạch Man. Cách ăn mặc này khiến hắn không chỉ có anh tuấn tự nhiên, phóng khoáng, thần thái phiêu dương mà còn khiến Huân Nhi có cảm giác thân thiết.

Hắn đến gần, Huân Nhi còn thấy rõ bên hông hắn đeo thanh đao vỏ bạc mà phụ thân tặng, bên kia là một cái tay nải thêu hình ong mật hái hoa, cái tay nải rung lắc bên hông hắn trên lưng ngựa. Động tác thúc ngựa lao nhanh của Dương Phàm làm tóc của hắn bay bay.

Trên mặt Huân Nhi lập tức lộ ra nụ cười ngọt ngào, lộ ra hai lúm đồng tiền nhỏ xinh, tay nải kia là do nàng thêu từng đường kim mũi chỉ, vốn lo lắng Dương Phàm sẽ không nhận, hiện thấy hắn mang bên hông trong lòng nàng đương nhiên thấy vui mừng.

Bọn Dương Phàm và Cao Thanh Sơn ghìm ngựa lại khi đến gần, Huân Nhi lập tức đón lấy dây cương ngựa của hắn, bên cạnh còn có mấy người nữa nhưng hai con mắt trong như nước suối của nàng lại chỉ thấy có Dương Phàm, thân thiết hỏi han:

- Dương đại ca thế nào rồi, bọn họ đồng ý chưa?

Dương Phàm nghiêng người nhảy xuống, cười nói:

- Muội cho là bọn họ thích đánh nhau sao? Trên người ta có thánh chỉ, bọn họ không thể không tin. Sau khi ta với bọn họ nói rõ nguyên nhân, bọn họ liền hạ trại tại chỗ, hứa với ta chỉ cần chúng ta không chủ động tấn công, bọn họ tuyệt cũng không động thủ, chờ mệnh lệnh. Muội cứ yên tâm, tri viện bên ngoài của Hoàng Cảnh Dung đã bị cắt đứt, y bây giờ chỉ như cá trong chậu.

Dương Phàm vỗ vỗ cổ ngựa, nói với Huân Nhi:

- Hai vị thổ ty ở đâu?

Nghe hắn nhắc đến Mạnh Chiết Trúc, vẻ mặt tươi cười của nàng lập tức biến mất, thấp giọng nói:

- Trên núi phái người xin hàng xuống, bọn họ đang tiếp sứ giả Văn Hạo phái đến.

- Hả?

Sắc mặt Dương Phàm khẽ động, nói:

- Ta đi xem!

Dương Phàm bước nhanh đến lều lớn của Huân Kỳ, Huân Nhi nhìn lưng hắn, muốn nói lại thôi, ngập ngừng dưới chân, cuối cùng cũng không bước theo.

Trước khi Huân Nhi đi Hà Bạch Trại đã biết phụ thân hứa gả nàng cho Mạnh Triết Trúc, lúc ấy nàng cũng không có cảm giác đặc biệt nào. Con gái lớn đều phải lập gia đình, như nàng xuất thân, huyết thống, con đường tương lai chỉ có đi Nam Chiếu hoặc Thổ Phiên làm Vương phi hoặc trở thành phu nhân quyền quý nào đó, nếu không thì trở thành thê tử của thủ lãnh nào đó.

Mạnh Chiết Trúc thực ra là một lựa chọn không tồi, thân phận và địa vị đều rất cao, Ô Man lại không giống Nam Chiếu và Thổ Phiên có nhiều quy định Vương thất trói buộc nàng, hơn nữa tuổi Mạnh Chiết Trúc cũng không lớn, nếu gả cho nhà quyền quý khác chỉ e đối phương đã bốn năm chục tuổi rồi.

Quan trọng nhất là, Mạnh Chiết Trúc ở các bộ lạc Diêu Châu rất nổi tiếng, là một anh hùng, thiếu nữ nào lại không yêu anh hùng? Huân Nhi cũng nghe quan đại danh của y, cho nên nàng không có ý kiến với quyết định của phụ thân, không đặc biệt vui mừng nhưng cũng không buồn bã.

Nhưng ai biết nàng lại gặp lại Dương Phàm ở Hà Bạch Trại. Kỳ thật nàng biết rõ, nàng không thể gả cho Dương Phàm, nàng là công chúa Man tộc, không thể đi làm thiếp của một quan nhà Hán, gia tộc nàng sẽ không đáp ứng, Dương Phàm cũng chưa bao giở thể hiện là thích nàng.

Nhưng mà tình cảm không biết từ lúc nào đã nảy sinh rồi.

Huân Nhi lừa mình dối người hưởng thụ cảm giác vụng trộm thích một nam nhân khác, không muốn nghĩ đến kết quả, cũng không muốn chia lìa, nhưng có những chuyện nàng không thể tránh. Nhìn bóng lưng Dương Phàm, trong lòng nàng trống rỗng, buồn bã.