Một con linh dương châu Phi khi nghe thấy tiếng động, ngay lập tức hệ thần kinh trung ương của nó nhận biết được những hiểm hoạ đang rình rập. Do đó, nó có thể trốn thoát ngay khi con sư tử xuất hiện.
Bộ não chúng ta cũng hoạt động tương tự như vậy để nhận biết sự việc và giải quyết sự việc có hiệu quả.
Nhưng chúng ta cùng lúc không thể có sự nhạy cảm tốt đối với mọi việc, cũng giống như việc chúng ta không thể thiết kế một sân gôn vừa là nơi lý tưởng để đua xe, vừa là nơi lý tưởng để đánh gôn.
Điều này lý giải sự căn bản của phương thức tư duy 6C. Nó cho phép bộ não chúng ta tối đa hoá sự nhạy cảm theo từng hướng, trong từng thời điểm. Đơn giản là chúng ta không thể tối đa hoá sự nhạy cảm theo mọi hướng cùng một lúc.
Tư duy tranh luận đối lập với tư duy đồng thuận.
Phương thức tư duy phương Tây được xây dựng 23 thế kỷ trước bởi ba nhà hiền triết Hy Lạp với nền tảng là sự tranh luận.
Socrates chú trọng đến phương thức tư duy biện chứng và tranh luận. Theo Plato ghi chép lại thì có đến 80% những cuộc đối thoại với sự góp mặt của Socrate không có được kết quả mang tính chất xây dựng. Socrate xem vai trò của ông đơn giản chỉ là việc chỉ ra xem điều gì là sai.
Ông muốn cụ thể hoá sự chính xác của những phạm trù như Công lý và Tình yêu thông qua những ứng dụng lệch lạc.
Plato lại cho rằng sự thật đích thực ẩn sau vẻ bên ngoài. Ông đưa ra kết luận dựa trên trắc nghiệm: trói một người vào đường hầm, và nhờ ngọn đuốc rọi từ ngoài vào, cái mà anh ta nhìn thấy duy nhất chính là cái bóng của mình phản chiếu ở cuối đường hầm. Plato sử dụng dẫn chứng này để chỉ ra rằng mọi người thực chất chỉ nhìn thất "mặt sau" của sự thật.
Aristotle dựa vào phương thức hệ thống hoá những trật tự logic bao hàm và không bao hàm sự việc: Dựa trên tiền lệ, chúng ta chia nhóm sự việc cùng với những định nghĩa, phân loại và nguyên tắc. Khi có sự việc xảy đến, chúng ta đưa nó vào nhóm thích hợp. Tuy nhiên thực tế lại có những sự việc vừa thuộc nhóm này, vừa thuộc nhóm khác, hoặc không thuộc nhóm nào cả.
Như vậy ta có thể nhân thấy phương thức tư duy phương Tây đặt trọng tâm vào cách định nghĩa trước sự việc và đưa ra những phân tích, xét đoán và tranh luận để chứng minh.
Đó và một phương thức tư duy hữu ích. Nhưng có một cách tư duy toàn diện khác dựa vào việc xem xét sự việc có thể như thế nào với nhưng luồng tư duy mang tính chất xây đựng, sáng tạo và cùng hướng về phía trước.
Năm 1998, tôi được mời nói chuyện trong một hội nghị lập hiến nước Úc khi họ đang xem xét về tương lai của đất nước liên bang này, tôi đã kể câu chuyện sau:
"Ngày trước có một người đàn. ông đã sơn chiếc ô tô của ông ta thành hai nửa trắng đen. Bạn bè ông ta hỏi tại sao ông ta lại làm một việc kỳ cục đến vậy, và câu trả lời của ông ta là: Tôi chỉ muốn gợi lại những kỷ niệm đã trải qua ở toà án khi các quan toà luôn tồn. tại những quan điểm đối ngược nhau".
Kết thúc hội nghị, ngài Anthony Mason, chủ tịch hội nghị đã nói với tôi rằng sẽ sử dụng câu chuyện tôi kể, bởi vì thông thường trong các cuộc tranh luận, cả hai phía đều cho rằng mình đúng, trong khi họ lại xem xét các khía cạnh khác nhau của vấn đề.
Ngày nay, ở nhiều quốc gia, mọi người đều xem tranh luận như là một phương thức tự duy mang tính xung đột, cá nhân và không xây dựng. Đó cũng chính là lý do tại sao kiểu tư duy đồng thuận lại được áp đụng rộng rãi đến vậy.
Trong một thế giới thay đổi
Phương thức tư duy dựa trên những tranh luận sẽ phát huy hiệu quả nếu có một người cầm trịch vững vàng. Phương thức tư duy này không có gì sai, tuy nhiên, nó không đem lại hiệu quả.
Một bác sĩ đang chẩn đoán cho một đứa trẻ bị nổi mẩn ngứa trên da. Vị bác sĩ này nghĩ ngay đến những bệnh "có sẵn" bệnh nhân thường gặp phải. Liệu đó có phải là cháy nắng? Dị ứng thức ăn? Hay lên sởi?
Bác sĩ kiểm tra những dấu hiệu và triệu chứng sau đó đưa ra phán đoán. Nếu bác sĩ thấy có những đấu hiệu của bệnh sốt, ông sẽ kê đơn cho bệnh nhân điều trị bệnh sởi.
Đó là cách tốt nhất theo kiểu tư duy truyền thống.
Từ những việc đã xảy ra, chúng ta tạo ra những tình huống chuẩn mực. Và khi có tình huống mới xảy ra, chúng ta xếp chúng vào một loại chuẩn nào đó và kèm theo hướng giải quyết có sẵn
Một hệ thống tư duy như vậy sẽ phát huy tác dụng trong một thế giới ổn định bởi lúc đó sự việc sẽ mang tính lặp lại. Nhưng trong một thế giới thay đổi, sự việc hiếm khi xảy ra như trước.
Vì vậy, thay vì tạo ra những phương án có sẵn, chúng ta hãy cùng nhau xem xét sự việc. Chúng ta cần suy nghĩ theo hướng, sự việc này có thể giải quyết như thế nào, thay vì kết luận nó là gì.
Nhưng kiểu tư duy phương Tây truyền thống cũng như bất kỳ phương thức tư duy nào khác không đưa ra được mô hình tư duy theo chiều hướng xây dựng. Phương thức tư duy 6C (tư duy đồng thuận) chính là câu trả lời phù hợp.
Thế nào là tư duy đồng thuận?
Có một ngôi nhà rất đẹp nằm ở ngoại ô. Có bốn người: một người đứng đằng trước ngôi nhà, một người đứng đằng sau, và hai người còn lại đứng ở hai bên. Cả bốn người có 4 điểm ngắm khác nhau về ngôi nhà, nhưng cả 4 người đều cho rằng nhận xét của mình về ngôi nhà là đúng.
Áp dụng kiểu tư duy đồng thuận, cả bốn người sẽ đi xung quanh ngôi nhà và quan sát. Như vậy, mỗi người, tại cùng một vị trí quan sát, sẽ có cùng cái nhìn về ngôi nhà.
Kiểu tư duy này trái ngược với kiểu tư duy tranh luận, đối đầu, và xung đột khi mà mỗi người đều đưa ra những cái nhìn trái ngược nhau.
Do mỗi người đều được quan sát ngôi nhà từ 4 hướng, nên đều có cái nhìn toàn diện về ngôi nhà. Kiểu tư duy đồng thuận có nghĩa là tại bất kỳ thời điểm nào, mọi người đều nhìn vấn đề theo cùng một hướng.
Nếu theo kiểu tư duy truyền thống, khi hai người bất đồng quan điểm, họ sẽ tranh luận để phân đúng, sai. Theo kiểu tư duy đồng thuận, cả hai ý kiến trái ngược nhau sẽ cùng được đưa ra xem xét. Và nếu cần thiết phải đưa ra lựa chọn, họ sẽ quyết định sau khi đã bàn bạc. Và nếu không thể chọn lựa một trong hai phương án, họ sẽ chọn cách giải quyết dựa trên quan điểm tổng hợp của cả hai người.
Như vậy, phương thức tư duy này luôn mở ra con đường phía trước.
Phương hướng và những chiếc mũ.
Nền tảng của phương thức tư duy đồng thuận là vào bất cứ thời điểm nào, mọi người đều nhìn vấn đề ở cùng một hướng. Nhưng hướng này có thể thay đổi.
Một nhà thám hiểm có thể được yêu cầu bắt đầu cuộc hành trình từ hướng Bắc, hoặc hướng Đông. Đây là hai hướng tiêu chuẩn. Khi giải quyết vấn đề, chúng ta cũng cần những hướng chuẩn để tư duy. Vậy những hướng chuẩn khác nhau để mọi người cùng xem xét vấn đề là gì?
Những chiếc mũ sẽ biểu thị những hướng này. Ở nhiều quốc gia, luôn tồn tại mối liên hệ chặt chẽ giữa kiểu tư duy và "nhưng chiếc mũ tư duy". Mỗi chiếc mũ biểu thị một kiểu tư duy.
Mỗi người lựa chọn cho mình một chiếc mũ nhất định.
Nhưng người đó hoàn toàn có thể thay mũ khác. Những chiếc mũ cũng là những vật xung quanh mà ta thường thấy. Vì những lý do đó, tôi chọn chiếc mũ biểu thị hướng tư duy.
Tuy nhiên, tôi không đề cập đến những chiếc mũ mà chúng ta vẫn thường đội khi ra khỏi nhà. Đây là những chiếc mũ của trí tưởng tượng. Thỉnh thoảng trong phòng họp người ta cũng dựng những tâm áp phích vẽ hình chiếc mũ, đây cũng là một cách để chúng ta tưởng tượng về phương hướng. Có sáu sắc màu tương ứng với sáu chiếc mũ: trắng, đỏ, đen, vàng, xanh lá cây và xanh da trời.
Phương hướng chứ không phải sự miêu tả
Cần phải chú tâm rằng những chiếc mũ chỉ phương hướng và không mô tả sự việc xảy ra. Nó hoàn toàn khác với việc mọi người định nghĩa sẵn tình huống và sử dụng chiếc mũ để mô tả điều họ đã định nghĩa. Chiếc mũ được chọn, và mọi người xem xét sự việc theo hướng đó.
Khi mọi người được yêu cầu đội mũ màu trắng, nó đồng nghĩa với việc mọi người sử dụng thông tin để xem xét tình huống. Mọi người đưa ra những thông tin cần thiết, đặt câu hỏi và xem xét vấn đề.
Với chiếc mũ đỏ, mọi người sẽ dựa vào cảm giác, trực giác và cảm xúc để xem xét tình huống.
Chiếc mũ đen đồng nghĩa với việc hãy cẩn trọng chỉ ra những khó khăn tiềm tàng của sự việc để tìm cách chuyển hướng sang chiếc mũ vàng (cân nhắc đến lợi ích, giá trị và những mặt tích cực).
Một điều vô cùng quan trọng là việc nhận ra được sự
khác nhau giữa sự mô tả và việc định hướng. Mô tả đồng nghĩa với việc định nghĩa trước sự việc. Trong khi đó xác định hướng xem xét sự việc là gì.
Cách nói "Tôi muốn anh nhìn nó từ hướng Bắc" khác hẳn với câu "Anh đang nhìn từ hướng Bắc đấy!". Cũng tương tự như vậy, câu "Tôi muốn anh làm món trứng bác" khác hẳn với câu "Tôi thấy anh đã làm món trứng bác".
Chiếc mũ không nói lên bản chất con người.
Chúng ta có thể tiến hành những trắc nghiệm khác nhau để dựa vào đó xác định xem người này thuộc tuýp người A hay B. Các nhà tâm lý học luôn làm theo cách này.
Vấn đề nằm ở chính việc phân nhóm này: mọi người khi được xác định sẵn là tuýp A hay B, họ thường có khuynh hướng điều khiển bản thân phù hợp với tuýp đó. Đây là một minh chứng nữa cho kiểu tư duy áp đặt thay cho kiểu tư duy đồng thuận.
Và theo lối tư duy truyền thống, nếu chúng ta xem một cuộc thi chạy, mọi người cho rằng người gầy thường về đích trước người béo.
Nhưng kết quả có thể ngược lại nếu chàng mập kia tập luyện xe đạp để tăng sự bền bỉ- theo cách tư duy đồng thuận.
Mọi người thường có xu hướng dựa vào "chiếc mũ đội đầu" để kết luận bản chất con người, nhận xét người này là thuộc kiểu mũ xanh lá cây, người kia thuộc kiểu mũ xanh da trời!.
Chúng ta cần tránh lối tư duy như vậy.
Chiếc mũ chỉ diễn tả cách thức cư xử của con người, không nói lên bản chất con người. Trên thực tế, một số người thường có khuynh hướng tư duy cẩn trọng, luôn thấy hiểm hoạ rình rập. Một số người lại có lối tư duy hời hợt, số khác lại chỉ chăm chăm vào con số thực tế.
Một người có thể thích lối tư duy này hơn lối tư duy khác hoặc có ưu thế với những lối tư duy nhất định. Nhưng tuyệt nhiên chiếc mũ đội đầu không nói lên bản chất con người.
Nếu bạn điều khiển chiếc ô tô với cần số tay, bạn có thể đi số nào mà bạn muốn. Động cơ ô tô của bạn được thiết kế cho phép bạn làm như vậy.
Tương tự như thế, mọi người đều có thể, và đủ khả năng nhìn mọi hướng.
Với những lý do vừa nêu, chúng ta không nên chụp cho mỗi người những chiếc mũ nhất định. Cách nhìn nhận như vậy phá hủy toàn bộ hệ thống tư duy 6C- phương thức tư duy cho phép mọi người đều có thể nhìn mọi hướng.
Những chỉ dẫn sử dụng "Những chiếc mũ tư duy"
Khi mọi người nói với tôi rằng họ đã áp dụng phương thức "Những chiếc mũ tư duy", tôi thường hỏi cách họ áp dụng và nhận ra rằng đôi khi mọi người đã áp đụng nó không chính xác.
Trong một cuộc họp, một người chọn cho mình chiếc mũ đen, người kia chọn cho mình chiếc mũ trắng, người khác lại chọn mũ khác và họ đội chiếc mũ đó suốt cả buổi họp. Điều đó đi ngược lại cách sử dụng phương thức tư duy 6C- lối tư duy đồng thuận.
Lối tư duy đồng thuận tập trung kinh nghiệm và sự khôn khéo của mọi người theo cùng một hướng.
Vào một thời điểm, mọi người đều đội chiếc mũ đen, lúc khác lại cùng đội chiếc mũ trắng. Lối tư duy đồng thuận phát huy tối đa kinh nghiệm và sự khôn khéo của mọi người.
Sự thể hiện cá nhân
Nhiều người nói với tôi rằng họ thích sự tranh luận bởi vì thông qua các cuộc tranh luận họ chứng tỏ được sự thông thái của mình. Họ đánh bại các đối thủ và giành được phần thắng trong các cuộc tranh luận.
Thực chất., đó là nhu cầu khẳng định bản thân, chứ không phải là lối tư duy mang tính xây dựng.
Với lối tư duy đồng thuận và phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ", mọi người bộc lộ tầm hiểu biết cá nhân một cách xây dựng: Khi cùng đội chiếc mũ vàng, mọi người bộc lộ mọi hiểu biết của mình theo quan điểm mũ vàng, cũng như khi đội chiếc mũ đen.
Bạn có thể khẳng định tầm hiểu biết cao hơn của mình bằng cách đưa ra những ý kiến khả thi hơn người khác. Nhưng những ý kiến đóng góp đó mang tính xây dựng. Nó không còn là việc chứng minh ai đúng, ai sai.
Cách áp dụng "phương thức tư duy sáu chiếc mũ"
Có những người tìm đủ mọi cách để làm thay đổi tính cách của người khác. Họ tin rằng nếu họ chỉ ra những điểm yếu của người khác, thì người đó sẽ tìm cách hoàn thiện bản thân. Cách nghĩ như vậy thường phát huy hiệu quả kém hoặc chẳng có hiệu quả gì.
Khi ta áp đặt tính cách cho một người, thì những hành động họ sẽ làm thiên về thể hiện tính cách đó.
Các nhà triết học thường chú trọng phân tích các sự việc để tìm ra bản chất và động lực phát triển của chúng.
Trong khi đó, quan điểm của Nho giáo lại hoàn toàn trái ngược. Nho giáo không đề cao bản chất của mỗi cá nhân mà chỉ quan tâm tới hành vi ứng xử. Nho giáo giúp chúng ta có những hành vi ứng xử phù hợp với đồng nghiệp, với cấp dưới, cấp trên và với người thân mà không cần quan tâm tới tính cách cũng như những biểu hiện tâm lý của họ như thế nào.
Phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ" thiên về kiểu tư duy của Nho giáo hơn là triết học. Nó đặt ra những luật ứng xử mà mọi người bắt buộc phải tuân theo. Nếu có thể, bạn cứ thể hiện hết khả năng của mình, nhưng bạn phải tuân theo luật.
Và với việc đưa ra những hành vi ứng xử phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ" dễ dàng được chấp nhận hơn là việc thay đổi bản chất cá nhân. Ưu điểm của phương thức này: nhanh chóng và hiệu quả.
Khía cạnh "trò chơi" trong lối tư duy này là rất quan trọng. Khi "trò chơi" bắt đầu, nếu ai không tuân theo luật chơi, người đó được xem như là không hợp tác.
Khi mọi người chuyển tử chiếc mũ đen (cẩn trọng) sang chiếc mũ vàng (lợi ích tiềm ẩn), nếu bạn vẫn khăng khăng đội mũ đen, bạn sẽ bị loại.
Việc cuốn mọi người vào "trò chơi" là một cách vô cùng hiệu quả để thay đổi hành vi ứng xử của mọi người.
Thành công của phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ".
Cùng với thời gian, hiệu quả của việc áp dụng phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ" càng được thể hiện rõ ràng thông qua những phản hồi từ những người áp dụng.
Có bốn ưu điểm chính sau đây:
Phát huy sức mạnh tập thể
Với phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ", kiến thức và kinh nghiệm của từng cá nhân, nhóm được phát huy thành sức mạnh tập thể. Nó hình thành thông qua việc tất cả mọi người xem xét và giải quyết sự việc theo cùng một hướng.
Không giống với việc mọi người cùng nhau tranh luận như ở các toà án, để giành được phần thắng- để đạt được điều này, có khi họ sẵn sàng bưng bít những thông tin có lợi cho đối phương, tất cả mọi người tập trung lại nhằm giải quyết vấn đề một cách dễ dàng.
Hãy tưởng tượng xem, có kim loại nào lại không nóng chảy khi bị nung ở nhiệt độ tuyệt đối!
Tiết kiệm thời gian
Tập đoàn Optus (Úc) trải qua bốn tiếng đồng hồ để đi đến quyết định trong một cuộc họp quan trọng. Áp dụng phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ", thời gian rút xuống chỉ còn 45 phút.
Tất cả mọi người khi áp dụng phương thức tư duy này đều thông báo rằng họ tiết kiệm được rất nhiều thời gian bàn bạc. Có những cuộc thảo luận được rút ngắn xuống 1/2, 1/3, 1/4, thậm chí là 1/15 (như trường hợp của tập đoàn ABB).
Theo điều tra tại Mỹ, lãnh đạo của các tập đoàn tốn mất gần 40% thời gian cho các cuộc thảo luận. Nếu áp dụng phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ", họ có thể giảm tới 75% thời gian hội họp, do đó tăng thêm 30% thời gian làm việc mà chẳng tốn một đồng chi phí nào.
Theo kiểu tư duy truyền thống, hoặc tranh luận, bạn sẽ phản bác lại những quan điểm khác bạn, đôi khi bằng những cách bất lịch sự.
Nhưng với lối tư duy đồng thuận, mọi người luôn nhìn về cùng một hướng. Những quan điểm được đặt tương đồng.
Sự việc sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Thông thường, khi hai người có hai quan điểm khác nhau, tranh luận sẽ nổ ra.
Với lối tư duy đồng thuận, hai quan điểm đó sẽ cùng được xem xét và chọn lựa.
Như vậy, sẽ luôn tránh được việc tranh luận.
Loại trừ được ảnh hưởng cá nhân
Mọi người có khuynh hướng áp đặt tư duy cá nhân lên người khác. Họ cố gắng chứng tỏ sự thông minh và sự riêng biệt của mình.
Có một số người chọn cách bất đồng quan điểm với người khác nhằm thể hiện bản thân mà không hề xem xét đúng sai. Họ thực ra không nhận biết hết được ảnh hưởng của điều này tới hiệu quả công việc.
Ví như sự phán xét ở toà án, ban bồi thẩm đôi lúc không thống nhất được quan điểm với nhau, dù với bất kỳ chứng cứ gì. Các vị thẩm phán cho hay nguyên nhân là mọi người không hiểu hết được tầm quan trọng của vấn đề.
Như vậy, cán cân pháp luật đã không được thực thi nghiêm chỉnh, đôi khi chỉ vì những vấn đề mang tính cá nhân.
Đó chính là lý do tại sao hiện nay ở một số quốc gia, phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ" được đem giảng dạy cho các thẩm phán nhằm loại bỏ ảnh hưởng cá nhân tới việc đưa ra phán xét.
Bạn càng có nhu cầu khẳng định bản thân bạn khi gặp phải những quan điểm đối nghịch. Phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ" không có chỗ cho những quan điểm như vậy. Bạn sẽ phô bày kỹ năng của bạn, nhưng theo hướng đã định sẵn.
Chú tâm vào sự việc
Sự ôm đồm khiến chúng ta không thể xử lý tốt công việc.
Có 6 hướng để xem xét sự việc: Thông tin, cảm xúc, tìm kiếm ý tưởng mới, sự cẩn trọng, và tìm kiếm ích lợi. Chúng ta không thể cùng lúc xem xét một cách có hiệu quả theo tất cả 6 hướng đó. Giống như việc tung từng quả bóng lên một cách dễ dàng hơn so với tung cùng lúc 6 quả bóng.
Với phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ", chúng ta cố gắng xem xét sự việc theo từng hướng. Chúng ta chia thời gian để lần lượt xem xét những hiểm hoạ (Mũ đen), tìm kiếm những ý tưởng mới (Mũ xanh lá cây), tập trung vào xử lý thông tin (Mũ trắng).
Với một máy in màu, hình ảnh hiện ra sống động nhờ sự tổng hợp lần lượt các sắc màu. Cũng giống như vậy, phương pháp tư duy "Sáu chiếc mũ" giúp bạn có câu trả lời tối ưu cho sự việc dựa vào việc xem xét lần lượt từng hướng.
Xét trên góc độ sinh lý, chúng ta cần thiết phải tách bạch các kiểu tư duy. Bởi như tôi đã nói trong lời giới thiệu với những luồng suy nghĩ khác nhau, bộ não có được những mức độ nhạy cảm khác nhau.
Máy bay của bạn sẽ hạ cánh sau khi bay qua một bãi xe. Nếu lúc đó bạn nghĩ tới chiếc ô tô màu vàng, thì thể nào nó cũng hiện ra trước mắt bạn.
Đó là một minh chúng về sự nhạy cảm.
Tuy nhiên, bạn sẽ mất đi sự nhạy cảm đó nếu cùng lúc bạn xem xét sự việc theo nhiều hướng.
Tất cả những điều mà tôi đề cập đến trong cuốn sách này đều rõ ràng và lôgíc. Không có điều gì thần bí ẩn chứa trong đó. Khi chung ta tư duy theo phương thức "Sáu chiếc mũ" hiệu quả tư duy được thể hiện ngay. Và thay cho việc áp đặt lối tư duy cá nhân hay những tranh luận gay gắt, chúng ta đưa ra được những quyết định mang tính xây dựng, nhanh chóng và hiệu quả.
Mọi người chọn cách tranh luận vì đó là cách giải quyết vấn đề duy nhất mà họ biết. Phương thức tư duy "Sáu chiếc mũ" chỉ ra một lối tư duy khác.