Sapiens: Lược Sử Loài Người

KHÔNG CÓ CÔNG LÝ TRONG LỊCH SỬ

KHÔNG CÓ CÔNG LÝ TRONG LỊCH SỬ

Để hiểu lịch sử loài người trong thiên niên kỷ sau Cách mạng Nông nghiệp, cần tập trung vào một câu hỏi duy nhất: làm thế nào con người có thể tổ chức mình trong những mạng lưới hợp tác đại chúng, khi họ thiếu những bản năng sinh học cần thiết để duy trì những mạng lưới như vậy? Câu trả lời ngắn gọn là con người đã sáng tạo ra các trật tự tưởng tượng và các kiểu chữ viết. Hai phát minh này đã lấp đầy những khoảng trống mà sự kế thừa sinh học của chúng ta để lại.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự xuất hiện của những mạng lưới này là một sự may mắn đáng ngờ. Những trật tự tưởng tượng duy trì những mạng lưới này không trung lập và cũng không công bằng. Chúng phân chia con người thành những nhóm không có thật, sắp xếp họ vào một hệ thống phân tầng. Những tầng lớp trên được hưởng đặc quyền đặc lợi và quyền lực, trong khi những tầng lớp dưới phải chịu sự phân biệt đối xử và áp bức. Bộ luật Hammurabi là một ví dụ, nó đã thiết lập một tôn ti trật tự xã hội gồm có giới ưu tú, thường dân và nô lệ. Giới ưu tú nhận được mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống. Thường dân nhận được những gì còn lại. Nô lệ nhận được sự đánh đập nếu họ phàn nàn.

Bất chấp tuyên bố của mình về sự công bằng cho tất cả mọi người, trật tự xã hội do người Mỹ thiết lập năm 1776 cũng đã tạo ra một sự phân tầng. Nó sinh ra sự phân tầng giữa đàn ông được hưởng lợi từ nó với phụ nữ bị nó tước mất quyền lợi. Nó sinh ra sự phân tầng giữa người da trắng được hưởng tự do với người da đen và da đỏ bị xem là loại người thấp kém hơn, vì vậy không được chia sẻ quyền bình đẳng của con người. Nhiều người từng ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập là những chủ nô. Họ đã không giải phóng nô lệ của mình dù đã ký vào bản Tuyên ngôn, và cũng không thấy mình là đạo đức giả. Theo quan điểm của họ, hầu như không có nhân quyền dành cho người da đen.

Trật tự Mỹ cũng đã tạo ra sự phân tầng giữa người giàu và người nghèo. Hầu hết người Mỹ ở thời điểm đó đều không coi đấy là bất bình đẳng, khi cha mẹ giàu có để lại tiền và sự nghiệp kinh doanh của mình cho con cái. Theo quan điểm của họ, sự công bằng đơn giản có nghĩa là những luật lệ giống nhau được áp dụng cho cả người giàu và người nghèo. Nó chẳng liên quan gì đến trợ cấp thất nghiệp, giáo dục hòa nhập hoặc bảo hiểm y tế. Tự do cũng vậy, nó mang rất nhiều ý nghĩa khác so với ngày nay. Vào năm 1776, nó không có nghĩa là những người bị tước quyền (chắc chắn không phải là người da đen, da đỏ hay phụ nữ) có thể giành được và sử dụng quyền lực. Nó đơn giản có nghĩa là, trừ những trường hợp bất thường, nhà nước không thể tịch thu tài sản cá nhân của người dân hoặc bảo anh ta phải làm gì với chúng. Vì vậy, trật tự Mỹ duy trì sự phân tầng tài sản, mà một số người nghĩ rằng do Chúa ủy thác và số khác thì nhìn nhận nó là đại diện cho những luật lệ tự nhiên bất biến. Họ khẳng định tự nhiên đã ban tặng sự giàu có cho công lao xứng đáng, và trừng phạt những kẻ lười biếng.

Tất cả những sự khác biệt được để cập ở trên – giữa người tự do và nô lệ, giữa người da trắng và người da đen, giữa người giàu và người nghèo, đều bắt nguồn từ những điều hư cấu. (Sự phân tầng giữa nam và nữ sẽ được thảo luận sau). Song, một quy luật sắt của lịch sử là mỗi sự phân tầng tưởng tượng đều từ chối những nguồn gốc hư cấu của nó, khẳng định tính tự nhiên và tất yếu của mình. Ví dụ, nhiều người có quan điểm rằng sự phân tầng thành người tự do và nô lệ là tự nhiên và đúng đắn, rằng chế độ nô lệ không phải là phát minh của con người. Hammurabi đã coi nó là do những vị thần quy định. Aristotle lập luận rằng nô lệ mang “bản tính nô lệ” trong khi người tự do có “bản tính tự do”. Thân phận của họ trong xã hội đơn giản chỉ phản ánh bản tính tự nhiên bẩm sinh của họ.

 

Hình 20. Một tấm biển trên bờ biển Nam Phi có từ thời kỳ phân biệt chủng tộc, quy định chỉ dành cho người da trắng sử dụng. Những người với làn da sáng màu thường có nguy co bị cháy nắng hơn những người da sẫm màu. Song, không có logic sinh học nào đằng sau sự phân biệt trên những bờ biển Nam Phi. Những bờ biển dành cho những người có làn da sáng màu không phải vì chúng có cường độ bức xạ cực tím thấp hơn.

Hãy hỏi một người theo thuyết người da trắng ưu việt về sự phân tầng chủng tộc, bạn sẽ được nghe một bài thuyết giảng ngụy khoa học liên quan đến sự khác nhau về mặt sinh học giữa các chủng tộc. Khả năng là bạn sẽ được bảo rằng có một thứ gì đó trong dòng máu hay bộ gen chủng tộc da trắng làm cho người da trắng về bản chất là thông minh hơn, đạo đức hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Hãy hỏi một nhà tư bản bảo thủ đến cùng về sự phân tầng giàu nghèo, có vẻ như bạn cũng sẽ được nghe rằng nó là kết quả không thể tránh khỏi của sự khác nhau khách quan trong năng lực. Người giàu có nhiều tiền hơn là do họ có khả năng hơn và siêng năng hơn. Vì vậy, đừng có ai phàn nàn gì nếu như người giàu nhận được sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giáo dục tốt hơn và dinh dưỡng tốt hơn. Người giàu xứng đáng với những đặc quyền mà họ được hưởng.

Những người Hindu trung thành với chế độ đẳng cấp tin rằng sức mạnh vũ trụ đã làm cho người ở tầng lớp này ưu việt hơn tầng lớp khác. Theo một thần thoại sáng thế nổi tiếng của người Hindu, những vị thần tạo ra thế giới từ cơ thể của một sinh vật nguyên thủy gọi là Purusa. Mặt trời được tạo ra từ mắt của Purusa, Mặt trăng từ bộ óc, Brahmin (các thầy tu) từ miệng, Kshatriya (các chiến binh) từ cánh tay, Vaishya (những nông dân và các nhà buôn) từ hai đùi và Shudra (những đầy tớ) từ đôi chân. Việc chấp nhận sự giải thích này và sự khác nhau về mặt chính trị xã hội giữa Brahmin và Shudras là chuyện tự nhiên và vĩnh cửu như sự khác nhau giữa Mặt trăng và Mặt trời. Người Trung Hoa cổ đại tin rằng thần Nữ Oa đã tạo ra con người từ đất, bà nhào trộn ra giới quý tộc từ đất vàng nhỏ mịn, trong khi thường dân được tạo thành từ bùn nâu.

Song, với hiểu biết tốt nhất của chúng ta, những sự phân tầng này đều là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Brahmin và Shudra đều không thực sự được các vị thần tạo ra từ những phần khác nhau của một sinh vật nguyên thủy. Thay vào đó, sự khác nhau giữa hai đẳng cấp này được sinh ra bởi luật pháp và các quy tắc do con người tạo ra ở phía bắc Ấn Độ cách đây khoảng 3.000 năm. Trái với Aristotle, không có sự khác biệt nào về mặt sinh học được biết đến giữa nô lệ và người tự do. Chính luật pháp và các quy tắc của con người đã biến một số người trở thành nô lệ và một số khác trở thành ông chủ. Giữa người da trắng và người da đen có một vài điểm khác nhau khách quan về mặt sinh học, như màu da, kiểu tóc, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy có sự khác nhau liên quan đến trí thông minh và đạo đức.

Hầu hết mọi người đều khẳng định rằng sự phân tầng xã hội của họ là theo tự nhiên, còn của các xã hội khác là dựa vào những tiêu chí sai lầm và vô lý. Người phương Tây hiện đại được dạy dỗ để chế giễu quan niệm về sự phân biệt chủng tộc. Họ bị sốc bởi những bộ luật cấm người da đen sống trong khu vực gần người da trắng, hoặc học tập trong trường dành cho người da trắng, hoặc được chữa trị ở bệnh viện của người da trắng. Nhưng sự phân tầng giàu nghèo đã đặt người giàu có sống trong những khu vực riêng biệt và sang trọng hơn, học tập trong những trường học riêng biệt và có uy tín hơn, nhận được điều trị y tế riêng biệt với cơ sở hạ tầng được trang bị tốt hơn, thì lại có vẻ hoàn toàn hợp lý với nhiều người Mỹ và châu Âu. Song, thực tế đã chứng minh rằng hầu hết người giàu thì đều giàu có bởi những lý do hết sức đơn giản, vì họ sinh ra trong gia đình giàu có, trong khi hầu hết người nghèo cũng sẽ tiếp tục nghèo cả đời, đơn giản vì họ sinh ra trong gia đình nghèo.

Thật không may, các xã hội loài người phức tạp có vẻ lại đòi hỏi những sự phân tầng tưởng tượng và sự phân biệt đối xử bất công. Tất nhiên, không phải mọi sự phân tầng đều giống nhau về phương diện đạo đức, và một số xã hội còn phải chịu đựng những dạng phân biệt đối xử cực đoan hơn, song các nhà nghiên cứu biết rằng không có xã hội lớn nào có thể bỏ qua hoàn toàn sự phân biệt đối xử. Con người đã thường xuyên tạo ra trật tự xã hội bằng việc phân loại cư dân thành những phạm trù tưởng tượng như tầng lớp ưu tú, thường dân và nô lệ; người da trắng và người da đen; quý tộc và bình dân; Brahmin và Shudra; hoặc người giàu và người nghèo. Các phạm trù này đã quy định những mối quan hệ giữa hàng triệu người bằng việc làm cho một số người trở nên ưu việt hơn về mặt pháp luật, chính trị hay xã hội so với những người khác.

Những sự phân tầng đóng một chức năng quan trọng. Chúng làm cho những người hoàn toàn xa lạ biết được cách đối xử với người khác mà không cần tốn thời gian và công sức để làm quen cá nhân. Trong vở kịch Pygmalion của George Bernard Shaw, Henry Higgins không cần kết thân với Eliza Doolittle thì mới biết được ông nên đối xử với cô như thế nào. Chỉ cần nghe cách cô nói, ông đã biết rằng cô là thành viên của tầng lớp dưới mà với họ ông có thể làm điều mình thích – ví dụ, sử dụng cô như con tốt khi ông cá rằng một cô gái bán hoa thô lỗ có thể biến thành một nữ công tước. Một Eliza hiện đại làm việc ở cửa hàng hoa biết phải đổ bao nhiêu công sức để bán được hoa hồng và hoa lay ơn cho hàng tá khách tới cửa hàng mỗi ngày. Cô không thể điều tra chi tiết về sở thích và ví tiền của từng cá nhân. Thay vào đó, cô sử dụng những tín hiệu xã hội – cách ăn mặc của mỗi người, tuổi của ông ta hoặc bà ta, và nếu như cô không ngại động chạm chính trị thì cả màu da của ông ta nữa. Đó là cách để cô ngay lập tức phân biệt giữa cổ đông của một công ty kế toán, người có khả năng đặt một đơn hàng lớn gồm những bông hồng đắt tiền cho sinh nhật mẹ mình, và một chàng đưa thư chỉ đủ tiền mua một bó cúc cho cô thư ký nọ kèm theo nụ cười đáng mến.

Tất nhiên, sự khác nhau trong các năng lực tự nhiên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành những khác biệt xã hội. Nhưng sự đa dạng về năng khiếu và cá tính như vậy thường bị ảnh hưởng thông qua những sự phân tầng tưởng tượng. Điều này xảy ra theo hai cách quan trọng. Cách đầu tiên và chính yếu, là hầu hết các năng lực đều phải được nuôi dưỡng và phát triển. Kể cả ai đó sinh ra với một tài năng đặc biệt, thì tài năng đó sẽ vẫn chỉ ẩn giấu nếu nó không được cổ vũ, mài giũa và luyện tập. Không phải mọi người đều cùng có cơ hội nuôi dưỡng và cải thiện năng lực của họ. Việc họ có cơ hội hay không sẽ luôn phụ thuộc vào vị trí của họ trong sự phân tầng xã hội tưởng tượng. Harry Potter là một ví dụ tốt. Bị tách khỏi gia đình phép thuật xuất sắc của mình và được nuôi dưỡng bởi dân muggle ngu dốt, cậu bé tới Hogwarts mà không có bất cứ kinh nghiệm gì về phép thuật. Phải qua bảy tập sách thì cậu mới điều khiển thành thạo sức mạnh của mình và hiểu biết về những năng lực độc nhất vô nhị của mình.

Cách thứ hai, kể cả những người thuộc các tầng lớp khác nhau phát triển những năng lực y như nhau, nhưng họ cũng sẽ khó có thể đạt được những thành công giống nhau, bởi họ sẽ phải tham gia trò chơi với những luật lệ khác nhau. Nếu trong thời Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, một tiện dân, một Brahmin, một người Ireland theo Công giáo và một người Anh theo đạo Tin Lành bằng cách nào đó cùng phát triển khả năng kinh doanh nhạy bén giống hệt nhau, nhưng họ sẽ vẫn không có cơ hội giàu có như nhau. Trò chơi kinh tế luôn bị can thiệp bởi những giới hạn luật pháp và những rào cản tiến thân bất thành văn.

Cái vòng luẩn quẩn

Mọi xã hội đều dựa trên sự phân tầng tưởng tượng, nhưng không nhất thiết phải cùng một sự phân tầng. Nguyên nhân của sự khác nhau này là gì? Tại sao xã hội Ấn Độ truyền thống lại phân chia con người theo đẳng cấp, còn xã hội Ottoman dựa theo tôn giáo, và xã hội Mỹ thì theo chủng tộc? Trong hầu hết các trường hợp, sự phân tầng đều là kết quả của một tập hợp các hoàn cảnh lịch sử ngẫu nhiên, sau đó được duy trì và tinh lọc qua nhiều thế hệ do những nhóm khác nhau phát triển những lợi ích riêng trong đó.

Ví dụ, nhiều học giả phỏng đoán rằng, hệ thống đẳng cấp Hindu đã hình thành khi tộc người Indo-Arya xâm lược tiểu lục địa Ấn Độ khoảng 3.000 năm trước, nô dịch cư dân bản địa. Những kẻ xâm lược hình thành một xã hội phân tầng, trong đó tất nhiên họ chiếm những vị trí hàng đầu (các thầy tu và chiến binh), để cho người dân bản địa sống như những đầy tớ và nô lệ. Những kẻ xâm lược chỉ chiếm số ít, họ sợ đánh mất vị trí đặc quyền và bản sắc độc đáo của mình. Để ngăn chặn nguy cơ này, họ phân chia dân cư thành đẳng cấp, mỗi đẳng cấp được yêu cầu theo đuổi một nghề nghiệp cụ thể hoặc thực hiện một vai trò nhất định trong xã hội. Mỗi đẳng cấp có những vị trí hợp pháp, đặc quyền và bổn phận khác nhau. Sự hòa trộn giữa những đẳng cấp này - tương tác xã hội, kết hôn, thậm chí là chia sẻ các bữa ăn – đều bị cấm.

Và những sự phân biệt này không chỉ hợp pháp, chúng còn trở thành phần cố hữu trong thần thoại tôn giáo và thực tế.

Những kẻ cai trị đã biện luận rằng, hệ thống đẳng cấp phản ánh một thực tại vũ trụ vĩnh cửu hơn là một sự phát triển lịch sử tình cờ. Khái niệm về sự trong sạch và ô uế là những yếu tố cơ bản trong đạo Hindu, chúng đã được khai thác để củng cố kim tự tháp xã hội. Những người Hindu sùng đạo được dạy rằng, việc liên hệ với các thành viên của một đẳng cấp khác không chỉ làm ô uế bản thân họ mà còn là toàn xã hội, do vậy nên ghê tởm. Những quan niệm như vậy không chỉ có ở đạo Hindu. Trong suốt lịch sử, và trong hầu hết các xã hội, khái niệm về sự ô uế và trong sạch giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện phân hoá chính trị và xã hội, được nhiều tầng lớp cầm quyền khai thác để duy trì những đặc quyền của họ. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi bị ô uế không phải là sự bịa đặt hoàn toàn của các thầy tu và các quân vương. Nó có thể bắt nguồn trong các cơ chế sinh tồn sinh học làm con người cảm nhận được nỗi khiếp sợ bản năng trước những kẻ mang mầm bệnh tiềm tàng, như những người ốm và xác chết. Nếu bạn muốn cô lập bất cứ nhóm người nào – phụ nữ, Do Thái, La Mã, đồng tính nam, da đen – cách tốt nhất để làm điều đó là thuyết phục mọi người rằng những người trên là nguồn gốc của sự ô uế.

Hệ thống đẳng cấp Hindu và những luật lệ về sự trong sạch đi kèm đã gắn chặt vào nền văn hoá Ấn Độ. Rất lâu sau khi cuộc xâm lược của người Indo-Arya bị lãng quên, người Ấn Độ tiếp tục tin vào hệ thống đẳng cấp và ghê tởm sự ô uế gây ra bởi sự trộn lẫn giữa các đẳng cấp. Các đẳng cấp không chống cự được sự thay đổi. Thực tế, khi thời gian trôi đi, những đẳng cấp lớn được phân chia thành những đẳng cấp nhỏ. Thậm chí bốn đẳng cấp ban đầu được chia thành 3.000 nhóm khác nhau gọi kjati (nghĩa đen là “sự ra đời”). Nhưng sự sinh sôi nảy nở của các đẳng cấp này không làm thay đổi nguyên tắc cơ bản của hệ thống, theo đó mỗi người đều sinh ra ở đẳng cấp riêng mà bất cứ sự xâm hại nào đến nguyên tắc của nó đều sẽ làm ô uế con người và toàn thể xã hội.Jati của một người xác định nghề nghiệp của cô ta, loại thức ăn mà cô ta có thể ăn, nơi cô ta ở và chồng hợp lệ của cô ta. Một người chỉ có thể kết hôn với người cùng đẳng cấp, và những đứa con sẽ thừa kế địa vị xã hội này.

Bất cứ khi nào một nghề mới phát triển hoặc một nhóm người mới xuất hiện, họ cần được thừa nhận như một đẳng cấp để có một chỗ đứng hợp pháp trong xã hội Hindu. Nhóm nào thất bại trong việc giành được sự công nhận là một đẳng cấp, theo nghĩa đen, sẽ bị ruồng bỏ – trong xã hội phân tầng này, họ thậm chí còn không được đứng ở vị trí thấp nhất. Họ trở thành những tiện dân. Họ phải sống tách biệt với những người khác và phải kiếm ăn lần hồi theo những cách nhục nhã và ghê tởm, ví dụ như nhặt nhạnh khắp các bãi rác để tìm phế liệu. Thậm chí những người thuộc đẳng cấp thấp nhất còn tránh tiếp xúc với họ, ăn cùng họ, chạm vào họ và kết hôn với họ. Ở xã hội Ấn Độ hiện đại, các vấn đề về hôn nhân và việc làm vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của hệ thống đẳng cấp, mặc cho tất cả các cố gắng của chính phủ dân chủ Ấn Độ để phá vỡ những sự phân biệt đối xử như thế, thuyết phục những người Hindu rằng không có gì bị ô uế do sự pha trộn đẳng cấp.

Sự thuần khiết ở châu Mỹ

Một cái vòng luẩn quẩn tương tự cũng duy trì trong sự phân biệt chủng tộc ở châu Mỹ hiện đại. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, những kẻ châu Âu đi chinh phục đã nhập khẩu hàng triệu nô lệ châu Phi để làm việc trong các khu mỏ và các khu đồn điển ở châu Mỹ. Họ thích nhập khẩu nô lệ từ châu Phi hơn là từ châu Âu hoặc Đông Á do ba yếu tố về hoàn cảnh. Thứ nhất châu Phi gần hơn, do vậy nếu đưa nồ lệ từ Senegal đến sẽ rẻ hơn là từ Việt Nam.

Thứ hai, ở châu Phi, ngành kinh doanh buôn bán nô lệ đã tồn tại và phát triển mạnh (xuất khẩu nô lệ chủ yếu sang Trung Đông) trong khi ở châu Âu chế độ nô lệ là rất hiếm. Rõ ràng là việc mua nô lệ từ một thị trường sẵn có sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc tạo ra một cái mới từ vạch xuất phát.

Thứ ba, và quan trọng nhất, những đồn điển ở châu Mỹ như Virginia, Haiti và Brazil đều bị dịch sốt rét và sốt vàng da có nguồn gốc từ châu Phi hoành hoành. Người châu Phi qua nhiều thế hệ đã có được sự miễn dịch di truyền một phần đối với những dịch bệnh này, trong khi người châu Âu hoàn toàn không có khả năng phòng vệ và bị chết lũ lượt. Vì vậy, các chủ đồn điển khôn ngoan đầu tư tiền của mình vào nô lệ châu Phi hơn là nô lệ châu Âu hoặc nhân công có giao kèo. Ngược đời là, ưu thế về gen (khả năng miễn dịch) lại được hiểu thành sự thấp kém hơn về mặt xã hội: chính xác là người châu Phi thích hợp với khí hậu nhiệt đới hơn là người châu Âu, nhưng sau cùng họ lại là nô lệ của những ông chủ châu Âu! Do những yếu tố về hoàn cảnh như vậy, một xã hội mới đang phát triển ở châu Mỹ được phân chia thành tầng lớp cai trị châu Âu da trắng và tầng lớp bị nô dịch hoá châu Phi da đen.

Nhưng con người không thích nói rằng họ giữ nô lệ thuộc chủng tộc hoặc nguồn gốc nào đó đơn giản chỉ vì những lợi ích kinh tế. Giống như những kẻ xâm lược Arya đến xâm chiếm Ấn Độ, người châu Âu da trắng ở châu Mỹ muốn được nhìn nhận không chỉ là những người thành công về kinh tế mà còn ngoan đạo, công bằng và khách quan. Các câu chuyện huyền thoại về khoa học và tôn giáo được dùng để biện minh cho sự phân chia này. Các chuyên gia về thần học tranh luận rằng người châu Phi có tổ tiên là Ham, con trai của Noah, bị người cha chất gánh nặng lên vai với lời nguyền rằng hậu duệ của cậu cũng sẽ là những nô lệ. Những nhà sinh học cũng tranh luận rằng người da đen kém thông minh hơn và ý thức đạo đức cũng kém phát triển hơn. Các bác sĩ cũng đồn rằng người da đen sống trong rác rưởi và lan truyền bệnh tật – nói cách khác, họ là nguồn gốc của sự ô uế.

Những câu chuyện huyền thoại này đã đánh đúng vào tình cảm của văn hoá châu Mỹ và văn hoá phương lây nói chung. Chúng vẫn còn ảnh hưởng rất lâu sau khi các điều kiện sinh ra chế độ nô lệ đã biến mất. Vào đầu thế kỷ 19, đế quốc Anh đã cấm chế độ nô lệ và dừng việc buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương. Trong những thế kỷ tiếp theo, chế độ nô lệ đã dần bị cấm trên toàn lục địa châu Mỹ. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử, các xã hội nô lệ tự nguyện bãi bỏ chế độ nô lệ. Nhưng kể cả khi nô lệ đã được trả tự do, những câu chuyện huyền thoại về chủng tộc để biện minh cho chế độ nô lệ vẫn tồn tại dai dẳng. Sự phân biệt chủng tộc được duy trì dựa trên pháp luật kỳ thị chủng tộc và tập quán xã hội.

Kết quả là một cái vòng luẩn quẩn của chu trình nguyên nhân và kết quả tự củng cố. Ví dụ, hãy xem xét miền Nam Hoa Kỳ ngay sau Nội chiến. Vào năm 1865, Tu chính án thứ 13 trong Hiến pháp Hoa Kỳ đã bãi bỏ chế độ nô lệ, còn Tu chính án thứ 14 đã tuyên bố rằng quyền công dân và quyền được luật pháp bảo vệ công bằng là không thể bị từ chối dựa trên cơ sở về chủng tộc. Tuy nhiên hai thế kỷ của chế độ nô lệ đồng nghĩa với việc hầu hết các gia đình da đen đều rất nghèo và kém giáo dục hơn so với những gia đình da trắng khá nhiều. Một người da đen sinh ra ở Alabama năm 1865 không có nhiều cơ hội nhận được sự giáo dục tốt và một công việc được trả lương cao so với người hàng xóm da trắng của mình. Con cái của anh ta, sinh ra trong giai đoạn 1880-1890, bắt đầu cuộc đời với các bất lợi tương tự – chúng cũng được sinh ra trong những gia đình nghèo và kém giáo dục.

Nhưng sự bất lợi về kinh tế không phải là toàn bộ câu chuyện. Alabama còn là quê hương của nhiều người da trắng nghèo khổ, những người thiếu những cơ hội sẵn có như những anh chị em khá giả cùng chủng tộc. Hơn nữa, Cách mạng Công nghiệp và làn sóng di dân đã biến Hoa Kỳ thành một xã hội cực kỳ linh động, nơi mà những kẻ khố rách có thể giàu lên nhanh chóng. Nếu như tiền là tất cả vấn đề, thi sự phân chia rõ ràng giữa các chủng tộc sẽ sớm bị lu mờ, đặc biệt là qua hôn nhân dị chủng.

Nhưng điều này đã không xảy ra. Vào năm 1865, người da trắng cũng như nhiều người da đen, trên thực tế thừa nhận rằng người da đen kém thông minh hơn, bạo lực hơn, phóng đãng tình dục hơn, lười biếng hơn và ít quan tâm đến vệ sinh cá nhân hơn so với người da trắng. Vì vậy, họ là những nhân tố của bạo lực, trộm cắp, hiếp dâm và bệnh tật – nói cách khác, ố uế. Nếu như một người da đen sinh ra ở Alabama vào năm 1895 có thể xoay xở một cách thần kỳ để được hưởng một sự giáo dục tốt, và sau đó nộp đơn xin việc vào một công việc đáng trọng, ví dụ như thu ngân ở ngân hàng, khả năng trúng tuyển của anh ta thấp hơn rất nhiều so với các ứng viên da trắng có năng lực tương đương. Định kiến bấy giờ là nếu được dán nhãn người da đen, thì về bản chất đồng nghĩa với việc anh ta không đáng tin cậy, lười biếng và kém thông minh, tất cả hiệp lực để chống lại anh ta.

Bạn có thể nghĩ rằng con người dần sẽ hiểu rằng những vết nhơ như vậy chỉ là huyền thoại, không có trong thực tế, và theo thời gian người da đen sẽ chứng minh được bản thân họ cũng giỏi, cũng tôn trọng pháp luật và sạch sẽ như người da trắng. Trong thực tế, xảy ra điều ngược lại – những định kiến đã trở nên ngày càng bền vững theo thời gian. Vì mọi công việc tốt nhất đều bị người da trắng nắm giữ, nên càng dễ tin là người da đen thực sự thua kém. “Hãy nhìn xem”, một công dân da trắng bình thường nói, “người da đen đã tự do trong rất nhiều thế hệ, tuy vậy, hầu như không có các giáo sư, luật sư, bác sĩ và kể cả thu ngân ở ngân hàng là người da đen. Chẳng phải điều đó đã chứng minh rằng người da đen đơn giản là kém thông minh hơn và làm việc thiếu chăm chỉ sao?” Kẹt trong cái vòng luẩn quẩn này, người da đen không được thuê làm những công việc văn phòng, trí thức, vì họ bị cho rằng không thông minh, và bằng chứng về sự thấp kém của họ là việc có rất ít người da đen làm các công việc này.

Cái vòng luẩn quẩn không dừng lại ở đó. Khi những vết nhơ chống lại người da đen phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, chúng được chuyển sang một hệ thống các luật lệ và các tiêu chuẩn “Jim Crow”, được dùng để bảo vệ cho trật tự chủng tộc. Người da đen bị cấm đi bầu cử, bị cấm học tập trong những trường học dành cho người da trắng, bị cấm mua bán trong những cửa hàng dành cho người da trắng, bị cấm ăn ở trong nhà hàng dành cho người da trắng, bị cấm ngủ trong khách sạn dành cho người da trắng. Sự biện hộ cho tất cả những điều trên là người da đen rất hôi hám, lười biếng và xấu xa, vì vậy người da trắng phải được bảo vệ tránh khỏi họ. Người da trắng không muốn ngủ trong cùng một khách sạn, hay ăn cùng một nhà hàng với người da đen, vì sợ bị lây bệnh. Họ không muốn con cái học cùng trường với những đứa trẻ da đen, vì sợ bị bạo lực và những ảnh hưởng xấu. Họ không muốn người da đen đi bầu cử vì người da đen ngu dốt và vô đạo đức. Những nỗi sợ hãi này đã được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học, đã “chứng tỏ” rằng người da đen quả thực kém giáo dục, mắc nhiều bệnh tật hơn và tỉ lệ phạm tội cao hơn rất nhiều (những nghiên cứu này đã phớt lờ thực tế rằng “những sự thật này” là kết quả của việc phân biệt đối xử đối với người da đen).

Vào giữa thế kỷ 20, tình trạng chia tách giữa các bang liên minh trước đây có thể tệ hơn nhiều so với cuối thế kỷ 19. Clennon King, một sinh viên da đen, nộp đơn vào Đại học Mississippi năm 1958, đã bị ép đưa đến một nhà thương điên. Chánh án đã phán quyết rằng, một người da đen chắc chắn bị điên khi nghĩ rằng mình có thể được chấp nhận vào Đại học Mississippi.

Không có gì ghê tởm với dân miền Nam nước Mỹ (và cả nhiều người miền Bắc) bằng vấn đề quan hệ tình dục và kết hôn giữa một đàn ông da đen và một đàn bà da trắng. Tình dục giữa các chủng tộc trở thành một điều cấm kị kinh khủng nhất, bất cứ sự vi phạm nào, hoặc nghi ngờ vi phạm, đều được cho là đáng để trừng phạt ngay lập tức bằng hành hình kiểu lynch.* Ku Klux Klan, một hội kín của những người theo thuyết người da trắng ưu việt đã gây ra nhiều vụ giết người như vậy. Họ có thể dạy cho giới Brahmin của Hindu một hoặc hai luật lệ về sự trong sạch.

 

Cái vòng luẩn quẩn: hoàn cảnh lịch sử tình cờ đã bị hiểu thành một hệ thống xã hội cứng nhắc.

Theo thời gian, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày càng lan rộng trên nhiều vũ đài văn hoá. Văn hoá thẩm mĩ của người Mỹ được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn về cái đẹp của người da trắng. Những thuộc tính cơ thể của chủng tộc da trắng – ví dụ, da sáng màu, tóc vàng và thẳng, mũi cao thẳng – được cho là đẹp. Còn những đặc điểm của người da đen điển hình – da sẫm màu, tóc đen và rậm rạp, mũi bẹt – bị cho là xấu xí. Những định kiến này đã nhiễm vào sự phân tầng tưởng tượng ở mức độ sâu hơn trong nhận thức con người.

Những cái vòng luẩn quẩn như vậy có thể đi xuyên qua các thế kỷ, thậm chí là các thiên niên kỷ, duy trì sự phân tầng tưởng tượng, thứ xuất phát từ một sự kiện lịch sử tình cờ. Theo thời gian, sự phân biệt đối xử không công bằng ngày càng tệ hơn chứ không hề tốt lên. Tiền đẻ ra tiền, và nghèo khổ lại dẫn đến nghèo khổ. Giáo dục dẫn đến giáo dục, và ngu dốt lại hoàn ngu dốt. Những người từng là nạn nhân của lịch sử có thể sẽ trở thành nạn nhân lần nữa. Và những người mà lịch sử ban cho đặc quyền có thể lại nhận được đặc quyền.

Hầu hết các hệ thống phân tầng chính trị xã hội đều thiếu một nền tảng logic hay sinh học cơ bản – chúng chẳng là gì ngoài việc duy trì các sự kiện tình cờ, được hỗ trợ bởi những huyền thoại. Đây là một trong những lý do chính đáng để nghiên cứu về lịch sử. Nếu như sự phân biệt giữa người da đen và da trắng hoặc giới Brahmin và Shudra căn cứ vào những thực tế sinh học – nghĩa là, nếu giới Brahmin thực sự có những bộ óc tốt hơn giới Shudra – thì chỉ cần sinh học cũng có thể giúp hiểu được xã hội loài người. Nhưng vì sự phân biệt về mặt sinh học giữa những nhóm Homo sapiens khác nhau là không đáng kể trong thực tế, nên sinh học không thể giải thích được những sự phức tạp của xã hội Ấn Độ hoặc những động cơ kỳ thị chủng tộc của người Mỹ. Chúng ta chỉ có thể hiểu được những sự kiện trên bằng cách nghiên cứu các sự kiện, sự việc và mối quan hệ quyền lực đã biến những điều bịa đặt của trí tưởng tượng thành những cấu trúc xã hội tàn nhẫn và rất thực tế.

Anh ta và chị ta

Những xã hội khác nhau sẽ đi theo những kiểu phân tầng tưởng tượng khác nhau. Chủng tộc rất quan trọng với người Mỹ hiện đại, nhưng lại tương đối vô nghĩa với người Hồi giáo trung cổ. Đẳng cấp là một vấn đề sống chết ở Ấn Độ trung cổ, trong khi ở châu Âu hiện đại nó thực tế không tồn tại. Tuy nhiên, một sự phân tầng đã trở nên tối quan trọng trong tất cả xã hội loài người từng biết đến: hệ thống phân tầng về giới tính. Con người ở tất cả mọi nơi tự phân chia bản thân họ thành đàn ông và đàn bà. Và ở mọi nơi, hầu hết đàn ông đều được đối xử tốt hơn, ít nhất là từ sau Cách mạng Nông nghiệp.

Một số văn bản tiếng Hán sớm nhất được khắc trên những mảnh xương, gọi là giáp cốt văn, có niên đại khoảng năm 1200 TCN, được dùng để tiên đoán về tương lai. Một mảnh xương có khắc câu hỏi: “Việc hạ sinh của phu nhân Hao sẽ may mắn chứ?” Và câu trả lời được khắc là: “Nếu đứa trẻ được sinh ra vào ngày Đinh thì sẽ may mắn, nếu vào ngày Canh thì sẽ rất có triển vọng”. Tuy nhiên, phu nhân Hao lại sinh con vào ngày Giáp Dần. Và văn bản đã kết thúc với một lời nhận xét buồn rầu: “Ba tuần trăng và một ngày sau, đứa trẻ được sinh ra vào ngày Giáp Dần. Thật không may, đó là một bé gái”. Và khoảng hơn 3.000 năm sau, khi Trung Quốc ban hành chính sách “một con”, nhiều gia đình tiếp tục coi việc sinh con gái là một điều không may mắn. Cha mẹ cũng thỉnh thoảng bỏ hoặc giết những bé gái mới sinh để có thể có cơ hội sinh con trai.

Ở nhiều xã hội, phụ nữ đơn giản chỉ là vật sở hữu của đàn ông, thường là cha, chồng và con trai họ. Hiếp dâm, trong nhiều hệ thống pháp luật, bị coi là xâm phạm tài sản – nói cách khác, nạn nhân không phải là người phụ nữ bị hiếp dâm mà là người đàn ông sở hữu cô ta. Trong trường hợp này, biện pháp pháp lý là chuyển quyền sở hữu – kẻ hiếp dâm được yêu cầu phải trả một khoản tiền bằng với giá mua một cô dâu cho cha hoặc anh trai của người phụ nữ, và cô ta trở thành tài sản của kẻ hiếp dâm. Kinh Thánh tuyên bố rằng: “Nếu một người đàn ông gặp một trinh nữ chưa hề đính hôn, bắt cô ta và ngủ với cô ta, và họ bị bắt quả tang, thì người đàn ông sẽ phải đưa cho cha của cô gái 30 shekel bạc, và cô ta sẽ trở thành vợ của người này” (Đệ nhị Luật 22:28-9). Người Do Thái cổ đại đã xem đây như một sự dàn xếp hợp lý.

Hiếp dâm một phụ nữ không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ người đàn ông nào hoàn toàn không bị xem là phạm tội, giống như nhặt một đồng bạc bị rơi trên phố đông người thì không bị coi là ăn cắp. Và nếu người chồng hãm hiếp chính người vợ của mình, anh ta cũng không bị coi là phạm tội. Trong thực tế, quan niệm người chồng có thể hiếp dâm vợ mình là một cách nói đầy mâu thuẫn. Làm chồng nghĩa là hoàn toàn kiểm soát đời sống tình dục của vợ mình. Nói rằng chồng “hiếp dâm” vợ là một điều phi lý giống như nói người đàn ông ăn cắp chiếc ví của chính anh ta. Những suy nghĩ như vậy đã không chỉ tồn tại ở Trung Đông cổ đại. Vào năm 2006, vẫn còn 53 quốc gia mà người chồng không bị khởi tố vi đã hiếp dâm vợ mình. Thậm chí ở Đức, luật về hiếp dâm chỉ được sửa đổi vào năm 1997 để tạo ra một phạm trù pháp luật về hiếp dâm trong hôn nhân.

Liệu sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà có là một sản phẩm của trí tưởng tượng giống như hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ và hệ thống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, hoặc liệu nó có phải là một sự phân biệt tự nhiên với nguồn gốc sinh học sâu xa? Và nêu nó quả là một sự phân biệt tự nhiên, thì liệu có sự lý giải nào về mặt sinh học cho sự thiên vị dành cho đàn ông hơn đàn bà?

Một số bất bình đẳng văn hoá, pháp luật và chính trị giữa đàn ông và đàn bà phản ánh sự khác nhau sinh học hiển nhiên giữa các giới. Mang thai đã luôn là công việc của người phụ nữ, vì đàn ông không có tử cung. Song, xung quanh phần lõi phổ biến khắc nghiệt này, mỗi xã hội đều tích tụ hết lớp này tới lớp khác các quan điểm và quy tắc văn hoá, có rất ít liên quan về mặt sinh học. Các xã hội liên kết một loạt các thuộc tính với nam tính và nữ tính, hầu hết chúng đều thiếu một nền tảng sinh học vững chắc.

Ví dụ, ở Athens dân chủ vào thế kỷ 5 TCN, một cá nhân sở hữu tử cung không có tư cách pháp nhân độc lập, và bị cấm tham gia các cuộc họp hội đồng phổ thông hoặc làm quan tòa. Với một số ngoại lệ, những cá nhân như vậy không thể được hưởng lợi ích của sự giáo dục tốt, cũng như không được kinh doanh hoặc thảo luận triết học. ở Athens, không ai trong số những nhà lãnh đạo chính trị, triết gia vĩ đại, nhà hùng biện, nghệ sĩ hoặc nhà buôn, là phụ nữ. Liệu việc có tử cung đã làm cho một người không phù hợp về mặt sinh học với những nghề nghiệp trên? Người Athens cổ đại đã nghĩ như vậy. Người Athens hiện đại thì không đồng tình. Ở Athens ngày nay, phụ nữ được bầu cử, được lựa chọn vào các cơ quan nhà nước, được diễn thuyết, được thiết kế mọi thứ, từ đồ trang sức, đến nhà cao tầng, phần mềm, và được học đại học. Tử cung của họ không ngăn họ có thể làm được những việc này và cũng thành công như đàn ông. Đúng là họ vẫn là chỉ là thiểu sổ trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh – chỉ có khoảng 12% thành viên trong Nghị viện Hy Lạp là phụ nữ. Nhưng không có một rào cản pháp lý nào đối với sự tham gia của họ vào chính trị, và hầu hết người Hy Lạp hiện đại đều nghĩ rằng một phụ nữ làm việc trong bộ máy nhà nước là điều hoàn toàn bình thường.

Nhiều người Hy Lạp hiện đại còn nghĩ rằng một phần không thể thiếu của người đàn ông là chỉ bị đàn bà hấp dẫn tình dục và chỉ có quan hệ tình dục với giới tính đối lập. Họ không thấy rằng, do những thành kiến về văn hoá hơn là những thực tế sinh học – các mối quan hệ giữa hai người thuộc hai giới khác nhau là tự nhiên và giữa hai người đồng giới là không tự nhiên. Mặc dù vậy, trong thực tế, Mẹ Thiên nhiên không quan tâm nếu những người đàn ông cảm thấy hấp dẫn tình dục với nhau. Chỉ có những người mẹ của loài người, đắm chìm trong những nền văn hoá đặc biệt, sẽ gây chuyện cãi lộn nếu con trai mình phải lòng cậu hàng xóm. Những cơn thịnh nộ của người mẹ không mang tính cưỡng ép sinh học. Một số đáng kể các nền văn hoá của con người đều nhìn nhận các mối quan hệ đồng tính không chỉ hợp pháp mà thậm chí còn mang tính xây dựng xã hội, người Hy Lạp cổ đại là một ví dụ rất nổi tiếng. Trường ca Iliad không nói gì về việc Thetis có bất cứ phản đối nào về mối quan hệ giữa Achilles con trai bà với Patroclus. Nữ hoàng Olympias của Macedon là một trong những phụ nữ nóng nảy và quả quyết nhất của thế giới cổ đại, có chồng là Vua Philip bị ám sát. Song, bà ta không chút tức giận khi con trai mình, Alexander Đại đế, đưa người yêu là Hephaestion về nhà ăn tối.

Làm thế nào để chúng ta phân biệt được những gì do sinh học xác định với những gì mà con người cố gắng bào chữa qua những câu chuyện huyền thoại sinh học? Một kinh nghiệm hữu ích là “Sinh học cho phép, Văn hoá cấm đoán”. Sinh học sẵn sàng dung thứ một phạm vi rất rộng các khả năng có thể xảy ra. Chính văn hoá mới cưỡng ép con người nhận thức một số khả năng trong khi lại cấm đoán những khả năng khác. Sinh học cho phép phụ nữ có con – một số nền văn hoá cưỡng ép phụ nữ nhận thức được khả năng này. Sinh học cho phép đàn ông tận hưởng tình dục với người khác – nhưng một số nền văn hoá lại cấm họ nhận thức được khả năng này.

Văn hoá thường tranh luận rằng, nó chỉ cấm những cái không tự nhiên. Nhưng từ quan điểm sinh học, không có gì là không tự nhiên. Bất cứ cái gì có thể xảy ra, theo định nghĩa đều là tự nhiên. Một hành xử không tự nhiên thực sự, chống lại các quy luật của tự nhiên, thì đơn giản là không thể tồn tại, vì vậy nó không cần bất cứ sự cấm đoán nào. Không một nền văn hoá nào từng cấm người đàn ông quang hợp, người phụ nữ chạy nhanh hơn tốc độ của ánh sáng hoặc những electron tích điện âm hút lẫn nhau.

Sự thật là những định nghĩa của chúng ta về “tự nhiên” và “không tự nhiên” không dựa trên khía cạnh sinh học, mà từ thần học. Ý nghĩa của “tự nhiên” theo thần học là “tuân theo những ý muốn của Chúa người đã tạo ra tự nhiên”. Những nhà thần học cho rằng Chúa đã tạo ra cơ thể của con người, với ý muốn là mỗi chi và mỗi cơ quan phục vụ cho một mục đích riêng biệt. Nếu chúng ta sử dụng các chi và các cơ quan theo ý muốn của Chúa, đây là một hành động tự nhiên. Nếu chúng ta sử dụng khác với mục đích của Chúa, thì điều này là không tự nhiên. Nhưng tiến hoá không có mục đích. Những cơ quan cơ thể không tiến hoá vì một mục đích nào cả và cách sử dụng chúng được thay đổi liên tục. Không một cơ quan đơn lẻ nào trong cơ thể con người chỉ thực hiện công việc mà nguyên mẫu của nó đã làm khi lần đầu tiên xuất hiện hàng trăm triệu năm về trước. Các cơ quan tiến hoá để thực hiện một chức năng riêng biệt, nhưng một khi đã tồn tại, chúng có thể được dùng cho những cách khác nữa. Ví dụ như cái miệng, xuất hiện bởi vì các sinh vật đa bào đầu tiên cần một cách nào đó để lấy chất dinh dưỡng vào trong cơ thể mình. Cái miệng vẫn được chúng ta sử dụng cho mục đích này, nhưng chúng ta còn dùng chúng để hôn, để nói, và nếu chúng ta là Rambo, miệng còn được dùng để kéo chốt an toàn của lựu đạn. Liệu những cách dùng này có không tự nhiên, đơn giản vì những tổ tiên giống sâu của chúng ta 600 triệu năm về trước không làm những việc này bằng miệng của họ?

Tương tự, những đôi cánh không đột nhiên xuất hiện trong tất cả hào quang khí động học của chúng. Chúng được phát triển từ những cơ quan phục vụ cho mục đích khác. Theo một học thuyết, cánh của côn trùng tiến hoá hàng trăm triệu năm trước đây từ những phần lồi ra trên thân những côn trùng không biết bay. Con côn trùng có bướu sẽ có một diện tích bề mặt rộng hơn so với những con không có bướu, và nó làm cho chúng có thể hấp thụ ánh sáng Mặt trời nhiều hơn và do đó sẽ ấm áp hơn. Trong một quá trình tiến hoá chậm, những cái lò sưởi Mặt trời này sẽ phát triển rộng hơn. Những cấu trúc tương tự rất tốt cho sự hấp thụ tối đa ánh sáng Mặt trời – có diện tích bề mặt lớn và khối lượng nhỏ – cũng vậy, bằng sự trùng hợp ngẫu nhiên, đã cho loài côn trùng một chút lực nâng khi chúng nhảy xa và nhảy lên. Loài côn trùng với những chỗ nhô ra lớn hơn thì có thể nhảy xa hơn và nhảy cao hơn. Một số loài côn trùng bắt đầu sử dụng những thứ này để lướt đi, và từ đó chỉ cần thêm một bước nhỏ là đôi cánh để có thể thực sự đẩy côn trùng lướt đi trong không khí. Lần tới một con muỗi vo ve bên đôi tai của bạn, hãy buộc tội nó có hành vi không tự nhiên. Nếu con muỗi được đối xử tốt và bằng lòng với những gì mà Chúa ban cho nó, nó sẽ chỉ dùng đôi cánh của mình như những tấm thu năng lượng Mặt trời.

Loại đa nhiệm vụ tương tự được áp dụng cho các cơ quan và hành vi tình dục của chúng ta. Tình dục ban đầu tiến hoá dành cho sinh sản, những nghi thức tán tỉnh là cách để đánh giá sự phù hợp của người bạn đời tiềm năng. Nhưng nhiều loài động vật bây giờ đã đem cả hai để sử dụng vào vô số các mục đích xã hội, những mục đích có rất ít liên hệ với việc tạo ra một số bản sao của chúng. Loài tinh tinh là một ví dụ, sử dụng tình dục để thắt chặt mối liên kết chính trị, tạo ra tình cảm thân mật và xoa dịu những căng thẳng. Điều đó có tự nhiên không?

Tình dục và giới tính

Do đó, việc tranh luận rằng chức năng tự nhiên của phụ nữ là sinh con, hoặc tình dục đồng tính là không tự nhiên chẳng có ý nghĩa nhiều. Hầu hết các bộ luật, các quy tắc, các quyền và nghĩa vụ để xác định nam tính và nữ tính phản ánh trí tưởng tượng của con người hơn là một thực tế sinh học.

Về mặt sinh học, con người chia ra thành giống đực và giống cái. Một giống đực Homo sapiens là một người có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y; một giống cái là người có hai nhiễm sắc thể XX. Nhưng cái tên “đàn ông” và “đàn bà” là các phạm trù xã hội, không phải sinh học. Trong khi đại đa số những trường hợp của hầu hết xã hội loài người, đàn ông là giống đực và đàn bà là giống cái, thì các thuật ngữ xã hội mang theo nhiều ngụ ý mà chỉ có một mối quan hệ mong manh với các thuật ngữ sinh học, nếu có. Một người đàn ông không chỉ là một Sapiens với những tính chất sinh học đặc biệt như là cặp nhiễm sắc thể XY, tinh hoàn và rất nhiều testosterone. Mà anh ta còn phù hợp với một vị trí riêng trong trật tự tưởng tượng của xã hội anh ta đang sống. Những câu chuyện huyền thoại của nền văn hoá anh ta đã chỉ định cho anh ta những vai trò nam tính cụ thể (tham gia chính trị), các quyền (quyền bầu cử) và các nghĩa vụ (phục vụ trong quân đội). Tương tự, một người đàn bà không chỉ là một Homo sapiens với hai nhiễm sắc thể XX, một tử cung và nhiều oestrogen. Đúng hơn, chị ta còn là thành viên nữ trong một trật tự tưởng tượng của con người. Những huyền thoại trong xã hội mà chị ta đang sống đã ấn định cho chị ta những vai trò nữ tính cụ thể (nuôi dạy con cái), các quyền (được bảo vệ khỏi bạo lực) và các nghĩa vụ (tuân lệnh chồng mình). Bởi vì những huyền thoại, hơn là khía cạnh sinh học, đã xác định vai trò, quyền và nghĩa vụ của người đàn ông và người đàn bà, nên ý nghĩa của cụm từ “nam tính” và “nữ tính” đã thay đổi từ xã hội này sang xã hội khác.

Một người giống cái = một phạm trù sinh học Một người phụ nữ = một phạm trù văn hoá

Athens cổ đại Athens hiện đại Athens cổ đại Athens hiện đại

Cặp nhiễm sắc thể XX Cặp nhiễm sắc thể XX Không thể bầu cử Có thể bầu cử

Tử cung Tử cung Không thể là một thẩm phán Có thể là một thẩm phán

Buồng trứng Buồng trứng Không thể làm việc trong cơ quan nhà nước Có thể làm việc trong cơ quan nhà nước

Có ít testosterone Có ít testosterone Không thể tự quyết định sẽ cưới ai Có thể tự quyết định sẽ cưới ai

Có nhiều oestrogen Có nhiều oestrogen Thường mù chữ Thường biết chữ

Có thể sản xuất sữa Có thể sản xuất sữa Bị sở hữu về pháp lý bởi cha hoặc chồng Độc lập về pháp lý

Giống hệt nhauRất khác nhau

 

Hình 21. Khí chất đàn ông thế kỷ 18: chân dung chính thức của Vua Louis XIV nước Pháp. Chú ý mái tóc giả dài, tất dài, giày cao gót, dáng điệu của một vũ công – và cây kiếm lớn. Ở châu Âu hiện nay, những thứ này (trừ cây kiếm) sẽ bị coi như dấu hiệu của tính nhu nhược đàn bà. Nhưng ở thời đại đó, Louis là một hình tượng mẫu mực của châu Âu về nam tính và sự rắn rỏi.

 

Hình 22. Khí chất đàn ông thế kỷ 21: Chân dung chính thức của Barack Obama. Điều gì xảy ra với bộ tóc giả, tất dài, giày cao gót, và thanh kiếm? Một người đàn ông uy quyền chưa bao giờ trông buồn tẻ và ảm đạm như ngày nay. Trong hầu hết lịch sử, những người đàn ông có ảnh hưởng lớn phải sặc sỡ và khoa trương, như những tù trưởng da đỏ châu Mỹ với lông chim cắm trên mũ và những vị vua Ấn Độ tô điểm bằng lụa và kim cương. Trong thế giới động vật, con đực có xu hướng sặc sỡ hơn và có nhiều đồ phụ tùng hơn con cái – hãy nghĩ đến cái đuôi của công trống hay cái bờm của sư tử đực.

Để bớt gây khó hiểu hơn, những nhà nghiên cứu luôn phân biệt giữa “giới tính” – một phạm trù sinh học, với “giới” – một phạm trù văn hoá. Giới tính được chia ra thành nam và nữ, tính chất của sự phân chia này là khách quan và bất biến trong lịch sử. Giới được chia ra thành đàn ông và đàn bà (một số nền văn hoá công nhận cả những dạng khác nữa), cái gọi là “nam tính” và “nữ tính” mang tính liên-chủ quan và có sự thay đổi liên tục. Ví dụ, hành vi, ước muốn, trang phục và thậm chí cả dáng điệu cơ thể kỳ vọng về người phụ nữ Athens cổ đại và người phụ nữ Athens hiện đại có nhiều sự khác nhau sâu xa.

Giới tính là trò trẻ con, nhưng giới lại là một việc nghiêm túc. Để trở thành thành viên của giới tính nam là một điều đơn giản nhất trên thế giới. Bạn chỉ cần sinh ra với cặp nhiễm sắc thể XY. Trở thành giới tính nữ cũng đơn giản tương tự như vậy. Một cặp nhiễm sắc thể XX sẽ làm điều đó. Ngược lại, để trở thành một người đàn bà và một người đàn ông thì phải có những cam kết khắt khe và phức tạp. Vì hầu hết đặc điểm nam tính và nữ tính đều mang tính văn hoá hơn là tính sinh học, nên không một xã hội nào tự động ban vinh dự cho một nam giới là một người đàn ông và một nữ giới là một người đàn bà. Cũng không phải những danh hiệu vinh quang này có thể mãi mãi được đặt trên đầu họ một khi họ đã có được nó. Một người đàn ông phải chứng minh một cách liên tục nam tính của mình trong suốt cuộc đời, từ lúc sinh ra cho tới lúc xuống mồ trong hàng loạt các lễ nghi và sự thật hiện không ngừng nghỉ. Và công việc của người đàn bà thì cũng không bao giờ hết: phải liên tục thuyết phục bản thân và những người khác rằng mình đầy nữ tính.

Thành công không phải là một sự đảm bảo. Nam giới nói riêng sống trong sự khiếp sợ liên miên về việc đánh mất lời tuyên bố của họ về nam tính của mình. Xuyên suốt lịch sử, nam giới sẵn sàng mạo hiểm, thậm chí hy sinh cuộc sống của họ chỉ để cho mọi người sẽ nói rằng “Anh ta là một người đàn ông đích thực!”

Có gì tốt đẹp đến thế về nam giới?

Ít nhất kể từ Cách mạng Nông nghiệp, hầu hết xã hội loài người đều là những xã hội gia trưởng, và đánh giá đàn ông cao hơn đàn bà. Bất kể một xã hội xác định “đàn ông” và “đàn bà” như thế nào, là một người đàn ông vẫn luôn tốt hơn. Những xã hội gia trưởng giáo dục đàn ông suy nghĩ và hành động theo cách nam tính, đàn bà suy nghĩ và hành động theo cách nữ tính, trừng phạt những ai dám vượt qua những ranh giới này. Tuy thế, những người tuân theo cũng không được thưởng một cách công bằng. Phẩm chất được coi là của đàn ông thì có giá trị hơn phẩm chất được coi là của đàn bà, và những thành viên thể hiện lý tưởng nữ tính sẽ nhận được ít hơn những thành viên thể hiện lý tưởng nam tính trong một xã hội. Nguồn tài nguyên đầu tư cho sức khỏe và giáo dục ở đàn bà cũng ít hơn; họ ít có cơ hội kinh tế hơn, ít có quyền lực về chính trị hơn, và ít có tự do di chuyển hơn. Giới là một cuộc đua mà ở đó một số người tham gia chạy thi chỉ để đạt được huy chương vàng.

Trong thực tế, một số ít ỏi đàn bà từng giành được vị trí đứng đầu, như Cleopatra của Ai Cập hay Võ Tắc Thiên của Trung Hoa (năm 700) và Elizabeth I của Anh. Song, họ là những trường hợp ngoại lệ đã chứng tỏ được quy luật. Trong suốt 43 năm trị vì của Elizabeth, mọi thành viên Nghị viện đều là đàn ông, mọi sĩ quan Hải quân Hoàng gia và quân đội là đàn ông, mọi thẩm phán và luật sư là đàn ông, mọi giám mục và tổng giám mục là đàn ông, mọi chuyến gia thần học và linh mục là đàn ông, mọi bác sĩ và nhà giải phẫu là đàn ông, mọi sinh viên và giáo sư của tất cả các trường đại học và cao đẳng là đàn ông, mọi thị trưởng và thuyền trưởng là đàn ông, và hầu hết các nhà văn, kiến trúc sư, nhà thơ, nhà triết học, họa sĩ, nhà soạn nhạc và nhà khoa học là đàn ông.

Chế độ gia trưởng đã là tiêu chuẩn trong hầu hết các xã hội công nghiệp và nông nghiệp. Nó đã kiên trì vượt qua những biến động chính trị, cách mạng xã hội và biến đổi về kinh tế. Ai Cập là một ví dụ, bị xâm lược vô số lần trong nhiều thế kỷ. Người Assyria, Ba Tư, Macedonia, La Mã, Ả-rập, Mameluk, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đều đã xâm lược nước này, và xã hội ấy vẫn duy trì chế độ gia trưởng. Ai Cập đã bị cai trị bởi luật pháp Pharaoh, luật pháp Hy Lạp, luật pháp La Mã, luật pháp Hồi giáo, luật pháp Ottoman và luật pháp Anh – tất cả đều phân biệt đối xử với những ai không phải là “đàn ông thực sự”.

Bởi chế độ gia trưởng có ở mọi nơi, nên nó không thể là sản phẩm của một vài cái vòng luẩn quẩn, được khởi phát bằng một sự kiện ngẫu nhiên. Đặc biệt đáng chú ý là kể cả trước năm 1492, hầu hết các xã hội ở cả châu Mỹ và Á-Phi đều có chế độ gia trưởng, dù họ không tiếp xúc với bên ngoài trong hàng ngàn năm. Nếu như chế độ gia trưởng ở Á-Phi là kết quả của một vài sự kiện xảy ra ngẫu nhiên, vậy tại sao Inca và Aztec lại gia trưởng? Khả nâng cao là cho dù định nghĩa chính xác về “đàn ông” và “đàn bà” biến đổi tùy theo văn hoá, nhưng có một vài lý do sinh học phổ quát giải thích tại sao hầu hết các nền văn hoá đều đánh giá cao đàn ông hơn đàn bà. Chúng ta không biết lý do này là gì. Có nhiều học thuyết, nhưng không cái nào có tính thuyết phục.

Sức mạnh cơ bắp

Học thuyết phổ biến nhất đã đưa ra một thực tế là đàn ông khỏe hơn phụ nữ, họ thường sử dụng thể lực mạnh hơn của mình để ép buộc đàn bà phục tùng mình. Một phiên bản tinh tế hơn của sự khẳng định này cho rằng sức khỏe của họ đã cho phép đàn ông độc quyền thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi lao động chân tay nặng nhọc, như cày bừa và thu hoạch. Nó cho họ quyền kiểm soát việc sản xuất thực phẩm, qua đó biến thành quyền lực chính trị.

Có hai vấn đề với việc nhấn mạnh đến sức mạnh cơ bắp. Thứ nhất, lời tuyên bố “đàn ông khỏe hơn phụ nữ” chỉ đúng khi xét trung bình, và chỉ nói đến một số loại sức mạnh nào đó. Đàn bà nhìn chung chống chịu đói khát, bệnh tật và mệt mỏi tốt hơn đàn ông. Thậm chí có nhiều phụ nữ chạy nhanh hơn và nâng được khối lượng nặng hơn đàn ông. Ngoài ra, vấn để lớn nhất của học thuyết này là trong lịch sử, đàn bà chủ yếu bị loại ra khỏi những công việc ít đòi hỏi những nỗ lực về thể lực (như đi tu, luật và chính trị), nhưng lại tham gia lao động chân tay nặng nhọc trên các cánh đồng, trong các ngành nghề thủ công và trong các hộ gia đình. Nếu quyền lực của xã hội được phân chia theo mối quan hệ trực tiếp với sức mạnh thể lực hoặc khả năng chịu đựng, thì đàn bà hẳn sẽ có nhiều vị thế hơn.

Quan trọng hơn nữa, đơn giản là không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa sức mạnh thể lực và quyền lực xã hội giữa con người với nhau. Những người ở tuổi 60 thường xuyên luyện tập thể lực hơn là những người ở độ tuổi 20, nhưng những người trên 20 tuổi vẫn khỏe mạnh hơn những người lớn tuổi. Một người chủ đồn điền điển hình ở Alabama vào giữa thế kỷ 19 thường bị hạ đo ván trong vài giây bởi bất kỳ một nô lệ nào đang trồng trọt trên những cánh đồng bông của ông ta. Đấm bốc không được sử dụng để lựa chọn các Pharaoh của Ai Cập hoặc những giáo hoàng Công giáo. Trong xã hội hái lượm, quyền lực chính trị thường dành cho những người sở hữu những kĩ năng xã hội tốt nhất chứ không phải những người có bắp thịt phát triển nhất. Trong băng đảng tội phạm có tổ chức, bố già không nhất thiết phải là người khỏe nhất. Ông ta thường là người lớn tuổi và hiếm khi sử dụng nắm đấm của mình; ông ta dùng những gã trẻ hơn và cường tráng hơn để làm những công việc bẩn thỉu cho mình. Một kẻ nếu nghĩ rằng cách để chiếm ngôi đầu là đánh nhừ tử ông ta, thì có vẻ như hắn sống chưa đủ lâu để rút ra bài học từ sai lầm của mình. Thậm chí giữa những con tinh tinh với nhau, con đực alpha giành được vị trí của mình bằng việc xây dựng một liên minh ổn định với các con đực và con cái khác, chứ không phải thông qua bạo lực dại dột.

Thực tế lịch sử loài người cũng chỉ ra rằng, thường có những mối quan hệ đảo ngược vị trí giữa sức mạnh thể lực và sức mạnh xã hội. Ở hầu hết các xã hội, những tầng lớp thấp hơn sẽ làm công việc lao động chân tay. Điều này phản ánh vị trí của Homo sapiens trong chuỗi thức ăn. Nếu nhân tố quyết định chỉ là những năng lực thể lực đơn thuần, Sapiens sẽ chỉ ở nấc giữa của chiếc thang. Nhưng những kĩ năng xã hội và trí óc đã đặt họ lên đỉnh. Vì vậy, cũng tự nhiên khi chuỗi quyền lực giữa các loài được xác định bởi khả năng về xã hội và trí óc hơn là sức mạnh cục súc. Vì vậy, rất khó để tin rằng phân tầng xã hội có ảnh hưởng nhất và ổn định nhất trong lịch sử được lập ra dựa trên khả năng về thể lực của đàn ông để ép buộc đàn bà.

Cặn bã xã hội

Một học thuyết khác đã lý giải rằng địa vị thống trị của đàn ông không bắt nguồn từ thể lực mà từ sự hung hăng. Hàng triệu năm tiến hoá đã làm cho đàn ông trở nên bạo lực hơn đàn bà khá nhiều. Đàn bà có thể đối chọi với đàn ông trên các khía cạnh như sự thù hận, lòng tham và sự lạm dụng, nhưng khi tình hình trở nên gay go, học thuyết này cho rằng, đàn ông sẵn sàng tham gia vào những cuộc chiến thô bạo. Điều này giải thích tại sao trong lịch sử, chiến tranh là đặc quyền của nam giới.

Trong thời gian chiến tranh, sự kiểm soát của đàn ông trong các lực lượng quân đội cũng làm cho họ trở thành những ông chủ trong xã hội dân sự. Sau đó họ sử dụng quyền kiểm soát trong xã hội dân sự của mình để gây ra nhiều cuộc chiến hơn nữa, và càng nhiều chiến tranh, thì càng nhiều quyền kiểm soát xã hội thuộc về đàn ông. Cái vòng lặp hồi tiếp đã lý giải sự có mặt khắp nơi của các cuộc chiến và chế độ gia trưởng.

Những nghiên cứu gần đây về hệ thống hoóc-môn và nhận thức của đàn ông và đàn bà đã củng cố thêm giả định rằng, quả thật đàn ông có khuynh hướng hung hăng và bạo lực hơn, và do vậy xét về trung bình thì họ phù hợp để làm chiến binh hơn. Song, cứ cho là hầu hết chiến binh thông thường đều là đàn ông, vậy những người điều khiển chiến tranh và tận hưởng quả ngọt của nó có nhất thiết phải là đàn ông? Điều này chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó giống như việc thừa nhận rằng, do mọi nô lệ trồng trọt trên các cánh đồng bông đều là người da đen, nên các ông chủ đồn điền cũng sẽ là người da đen. Giống như việc một lực lượng lao động toàn người da đen bị điều khiển bởi những người quản lý da trắng, tại sao một đội quân toàn đàn ông lại không thể được chỉ huy bởi chính phủ toàn là nữ giới hoặc ít nhất có một phần là nữ giới? Thực tế ở nhiều xã hội trong lịch sử, những kẻ đứng đầu không leo lên vị trí của mình từ bậc thấp nhất. Giới quý tộc, giới giàu có và giới học thức đã được mặc nhiên bổ nhiệm vào cấp sĩ quan mà chưa bao giờ phục vụ một ngày nào trong quân đội.

Khi Công tước Wellington, người đã đánh bại Napoleon, gia nhập quân đội Anh ở tuổi 18, ông ta ngay lập tức được bổ nhiệm sĩ quan. Ông ta không nghĩ nhiều đến những người thuộc tầng lớp xã hội thấp dưới quyền mình. “Chúng ta đang có sự phục sự từ những kẻ cặn bã của Trái đất như những người lính thường”, ông ta viết cho người quý tộc đồng nghiệp của mình trong những cuộc chiến với Pháp. Những người lính thường này thường được tuyển từ những người thuộc tầng lớp nghèo nhất, hoặc từ những tộc người thiểu số (như là tộc người Ireland Công giáo). Cơ hội được thăng cấp trong quân đội của họ là không đáng kể. Cấp bậc cao cấp thường dành cho những công tước, hoàng tử và vua. Nhưng tại sao chỉ dành cho các công tước mà không phải là cho các nữ công tước? 

Đế quốc Pháp tại châu Phi đã được hình thành và bảo vệ bằng máu và nước mắt của những người Senegal, Algeria và tầng lớp lao động Pháp. Tỉ lệ đàn ông Pháp sinh ra trong các gia đình quý tộc có cấp bậc trong quân đội không đáng kể. Song, tỉ lệ đàn ông Pháp quý tộc có mặt trong giới tinh hoa nhỏ lãnh đạo quân đội Pháp, cai trị đế quốc và tận hưởng quả ngọt của nó lại rất cao. Tại sao chỉ là đàn ông Pháp mà không phải đàn bà Pháp?

Ở Trung Hoa, có một truyền thống lâu dài trong việc bắt quân đội phục tùng giới quan chức dân sự, vì vậy quan chức, vốn không bao giờ cầm tới thanh gươm, lại thường điều khiển các cuộc chiến tranh. “Bạn không nên tốn sắt tốt để làm ra những cái đinh”, tục ngữ Trung Hoa nói, nghĩa là những người tài năng thực sự tham gia vào giới quan chức dân sự, chứ không phải quân đội. Vậy tại sao tất cả giới quan chức này chỉ toàn đàn ông?

Không hợp lý nếu tranh luận rằng, do sự yếu ớt về thể chất hay hàm lượng testosterone thấp mà đàn bà đã không thể trở thành những vị quan thành công, những tướng lĩnh và chính trị gia xuất sắc. Để có thể điều hành một cuộc chiến tranh, bạn chắc chắc cần có sức bền, nhưng không cần quá nhiều sức mạnh thể lực hoặc tính hung hăng. Chiến tranh không phải là một cuộc cãi lộn ầm ĩ trong quán rượu. Chúng gồm những kế hoạch rất phức tạp đòi hỏi trình độ tổ chức, hợp tác và xoa dịu phi thường. Khả nâng duy trì hòa bình tại quê hương, thu phục đồng minh bên ngoài và hiểu người khác đang nghĩ gì (đặc biệt là kẻ thù của bạn) thường là chìa khoá đến chiến thắng. Vì vậy, sẽ là tệ nhất nếu lựa chọn những kẻ cục súc hung hăng điều hành một cuộc chiến tranh. Tốt hơn nhiều là tìm một người biết hợp tác, biết khuyên giải, biết thao túng và biết nhìn mọi thứ từ những quan điểm khác nhau. Đây là phẩm chất của những người kiến tạo đế chế. Augustus kém cỏi về mặt quân sự đã thành công trong việc tạo dựng nên một triều đại đế chế ổn định, đạt được thành tựu vượt qua cả Julius Caesar và Alexander Đại đế, hai nhà chiến lược quân sự xuất sắc hơn ông rất nhiều. Cả những người cùng thời với ông lẫn những sử gia hiện đại ngưỡng mộ ông đều cho rằng, kỳ công này là do sự xuất sắc về mặt đạo đức của ông – sự hòa nhã và lòng nhân từ.

Đàn bà thường được cho là kiểu người thao túng và xoa dịu tốt hơn đàn ông, họ nổi tiếng với khả năng nhìn nhận tài tình mọi thứ từ quan điểm của kẻ khác. Nếu như có bất kỳ sự thật nào trong những khuôn mẫu này, thì đàn bà phải là những chính trị gia xuất sắc và kiến tạo nên đế chế, nhường lại công việc bẩn thỉu trên chiến trường cho các đấng nam nhi đầy hoóc-môn nam tính nhưng tâm hồn lại đơn giản. Tuy có một vài huyền thoại nổi tiếng, nhưng điều này hiếm khi xảy ra trong thế giới thực. Cũng chẳng rõ tại sao lại hiếm.

Những gen gia trưởng

Cách lý giải sinh học thứ ba xem nhẹ vai trò của sự cục súc và bạo lực, nó cho rằng trải qua hàng triệu năm tiến hoá, đàn bà và đàn ông đã tiến hoá theo nhiều chiến lược sinh tồn và sinh sản khác nhau. Vì đàn ông phải cạnh tranh với những kẻ khác để giành cơ hội thụ thai cho những đàn bà tốt giống, nên những cơ hội sinh sản của một cá nhân phụ thuộc trước hết vào khả năng vượt lên trên và đánh bại những đàn ông khác. Thời gian trôi đi, những gen nam tính được truyền cho thế hệ sau sẽ là gen của những người đàn ông tham vọng nhất, hung hăng nhất, và cạnh tranh nhất.

Mặt khác, một người đàn bà sẽ không gặp vấn đề gì khi tìm một người đàn ông sẵn sàng làm cho mình thụ thai. Tuy nhiên, nếu cô ta muốn con cái mình sẽ cho cô ta những đứa cháu, thì cô ta phải mang những đứa con trong tử cung của mình suốt chín tháng đầy gian khổ, sau đó nuôi dưỡng chúng trong nhiều năm. Trong suốt thời gian này, cô ta sẽ ít có cơ hội kiếm thức ăn hơn và cần nhiều sự giúp đỡ hơn. Cô ta cần một người đàn ông. Để có thể đảm bảo cho sự sống sót của mình và của những đứa con, đàn bà có rất ít lựa chọn ngoài việc phải đồng ý với bất cứ điều kiện nào mà đàn ông đưa ra, có như vậy người này mới quanh quẩn xung quanh và chia sẻ một số gánh nặng. Thời gian trôi đi, gen nữ giới được truyền cho thế hệ sau sẽ là gen của những đàn bà chăm sóc phục tùng. Những đàn bà dành quá nhiều thời gian để tranh giành quyền lực sẽ không để lại bất cứ gì trong bộ gen quyền lực đó cho những thế hệ tương lai.

Theo lý thuyết trên, kết quả của những chiến lược sinh tồn khác nhau này là đàn ông đã được lên chương trình để trở nên tham vọng, cạnh tranh và trội hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh, trong khi đàn bà có xu hướng bỏ qua những bận tâm đó và dành đời mình để nuôi dạy con cái.

Nhưng cách tiếp cận này cũng có vẻ như đi ngược lại với bằng chứng thực nghiệm. Vấn đề ở đây là giả thiết cho rằng sự phụ thuộc của đàn bà vào sự giúp đỡ bên ngoài đã làm cho họ phụ thuộc vào đàn ông hơn là vào đàn bà khác, và tính cạnh tranh của đàn ông đã làm cho họ trở nên vượt trội về mặt xã hội. Có nhiều loài động vật như voi, tinh tinh lùn, mà trong đó động lực giữa những con cái phụ thuộc và những con đực cạnh tranh đã dẫn đến một xã hội mẫu quyền. Vì con cái cần sự giúp đỡ bên ngoài, nên chúng bắt buộc phải phát triển kĩ năng xã hội của mình và học cách làm thế nào để hợp tác và xoa dịu. Chúng xây dựng nên những mạng lưới xã hội toàn con cái để giúp đỡ mỗi thành viên trong việc nuôi dưỡng con mình. Trong khi đó, những con đực sử dụng thời gian của mình để đánh nhau và cạnh tranh. Những kĩ năng xã hội và ràng buộc xã hội của chúng vẫn còn kém phát triển. Các xã hội loài voi và tinh tinh lùn được điều hành bởi những mạng lưới vững chắc của những con cái luôn sẵn sàng hợp tác, trong khi những con đực luôn coi mình là trung tâm vũ trụ và không sẵn sàng hợp tác nên đã bị đẩy ra ngoài đường biên. Mặc dù con cái nói chung yếu ớt hơn con đực, nhưng chúng thường kéo bè cánh để đánh những con đực vượt quá giới hạn của mình.

Nếu điều này có thể xảy ra với loài voi và tinh tinh lùn, thì tại sao lại không thể với Homo sapiens! Sapiens là một loài động vật tương đối yếu ớt mà lợi thế của họ dựa trên khả năng hợp tác với số lượng lớn. Nếu vậy, chúng ta mong rằng những đàn bà phụ thuộc, kể cả phụ thuộc vào đàn ông, sẽ sử dụng những kĩ năng xã hội giỏi hơn của mình để hợp tác tốt hơn, vượt lên và thao túng đàn ông hung hăng, độc lập, tự coi mình là trung tâm.

Làm thế nào mà trong một loài có sự thành công phụ thuộc trước hết vào sự hợp tác, những cá nhân bị coi là kém hợp tác hơn (đàn ông) lại kiểm soát những cá nhân được cho là sẵn sàng hợp tác hơn (đàn bà)? Hiện nay, chúng ta không có câu trả lời thỏa đáng. Có thể những giả định phổ biến này là sai lầm. Có thể những con đực của loài Homo sapiens không chỉ đặc trưng bởi sức mạnh thể lực, tính hung hăng và tính cạnh tranh, mà hơn thế còn là những kĩ năng xã hội giỏi hơn và xu hướng hợp tác tốt hơn. Chúng ta không thể biết được.

Tuy nhiên, những gì chúng ta đã biết đó là trong suốt thế kỷ trước, vai trò của giới đã trải qua một cuộc cách mạng dữ dội. Hiện nay, ngày càng có nhiều xã hội trao cho đàn ông và đàn bà địa vị pháp lý, các quyền về chính trị và các cơ hội kinh tế bình đẳng với nhau. Mặc dù khoảng cách về giới vẫn là đáng kể, nhưng những sự kiện này vẫn đang xảy ra với một tốc độ nghẹt thở. Năm 1913, ý tưởng trao quyền bỏ phiếu cho nữ giới nhìn chung được coi là điên rồ ở Mỹ; nữ giới đã từng mơ rằng vào năm 2013, năm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, trong đó có ba nữ, sẽ quyết định ủng hộ việc hợp thức hoá hôn nhân đồng tính (bác bỏ sự phản đối của bốn thẩm phán nam).

Những sự thay đổi đáng kinh ngạc này chính xác là những gì đã làm cho lịch sử về giới gây bối rối. Như đã được chứng minh rất rõ ràng ngày nay, nếu hệ thống gia trưởng dựa trên những huyền thoại không có cơ sở thay vì những thực tế sinh học, thì điều gì giải thích cho tính phổ quát và ổn định của hệ thống này?