Sapiens: Lược Sử Loài Người

CUỘC CÁCH MẠNG LÂU DÀI

CUỘC CÁCH MẠNG LÂU DÀI

Cách mạng Công nghiệp đã mở ra những phương thức mới để chuyển đổi năng lượng và sản xuất hàng hoá, giải phóng phần lớn nhân loại khỏi sự phụ thuộc vào hệ sinh thái xung quanh. Con người đốn rừng, thoát nước các vùng đầm lầy, đắp đập ngăn sông, tưới nước cho các vùng đồng bằng, lắp đặt hàng chục ngàn cây số đường ray xe lửa, và xây dựng các đô thị lớn chọc trời. Khi thế giới được tạo nên để phù hợp với nhu cầu của Homo sapiens, môi trường sống đã bị phá hủy và các loài bị tuyệt chủng. Hành tinh từng tràn đầy xanh tươi và hoa lá của chúng ta trở thành một trung tâm mua sắm được làm bằng bê tông và nhựa.

Ngày nay, các lục địa trên Trái đất là ngôi nhà của gần 7 tỉ Sapiens. Nếu bạn đặt tất cả họ vào rất nhiều cái cân lớn, tổng khối lượng của họ sẽ vào khoảng 300 triệu tấn. Nếu sau đó bạn lại gom tất cả các vật nuôi trong trang trại của chúng ta như bò, lợn, cừu, gà và đặt chúng trên rất nhiều cái cân lớn hơn, khối lượng của chúng sẽ lên đến khoảng 700 triệu tấn. Ngược lại, tổng khối lượng của tất cả các loài động vật hoang dã lớn còn sót lại từ nhím, chim cánh cụt, đến voi và cá voi – ít hơn 100 triệu tấn. Những cuốn sách trẻ em, các biểu tượng và màn hình tivi của chúng ta vẫn ngập tràn hình ảnh hươu cao cổ, chó sói và tinh tinh, nhưng thực tế chúng còn rất ít trong thế giới thực. Có khoảng 80.000 hươu cao cổ trên thế giới so với 1,5 tỉ gia súc; chỉ còn 200.000 con sói xám so với 400 triệu con chó thuần hoá; và chỉ còn 250.000 con tinh tinh – trái ngược với hàng tỉ người. Nhân loại thực sự đã giành quyền kiểm soát toàn bộ thế giới.

Sự suy thoái hệ sinh thái không giống như tình trạng khan hiếm tài nguyên. Như chúng ta đã thấy ở chương trước, các nguồn lực sẵn có phục vụ con người không ngừng tăng lên, và khả năng sẽ còn tiếp tục như vậy. Đó là lý do mà lời tiên tri về ngày tận thế vì khan hiếm tài nguyên có lẽ đã bị đặt sai chỗ. Ngược lại, nỗi sợ hãi về sự suy thoái sinh thái lại trở nên rất rõ ràng. Trong tương lai đó, con người giành quyền kiểm soát một lượng dồi dào các vật liệu mới và các nguồn năng lượng, trong khi đồng thời phá hủy những gì còn lại của môi trường sống tự nhiên và đẩy hầu hết các loài khác tới bờ vực tuyệt chủng.

Trên thực tế, bất ổn sinh thái có thể gây nguy hiểm cho sự tồn tại của chính loài Homo sapiens. Hiện tượng nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao và ô nhiễm trên diện rộng có thể làm cho Trái đất không còn dễ sống với loài người, và do đó tương lai có thể chứng kiến một cuộc rượt đuổi giữa sức mạnh của con người và những thiên tai do con người gây ra. Khi con người sử dụng sức mạnh của mình để chống lại thế lực thiên nhiên và chinh phục các hệ sinh thái từ những nhu cầu và ý tưởng bất chợt của họ, những thế lực trên có thể gây ra phản ứng trái chiều bất ngờ và nguy hiểm hơn nhiều. Và những phản ứng của thiên nhiên, khả năng cao là chỉ có thể kiểm soát được bằng những biện pháp thậm chí còn quyết liệt hơn, sẽ dẫn đến sự hỗn loạn tồi tệ hơn.

Nhiều người gọi tiến trình này “sự tàn phá thiên nhiên”. Nhưng nó không thực sự phá hủy, nó biến đổi. Thiên nhiên không thể bị phá hủy. 65 triệu năm trước, một thiên thạch lớn đã xóa sổ loài khủng long, nhưng sự kiện đó lại mở ra con đường phát triển cho động vật có vú. Ngày nay, nhân loại đang đẩy nhiều loài đến tuyệt chủng và thậm chí có thể tiêu diệt chính mình. Nhưng một số sinh vật khác đang thích nghi khá tốt. Ví dụ như chuột và gián đang trong thời kỳ hoàng kim của chúng. Những sinh vật ngoan cường có lẽ sẽ chui ra từ dưới đống đổ nát của một thảm họa toàn cầu, sẵn sàng và có khả năng truyền bá ADN của chúng. Có lẽ 65 triệu năm nữa, loài chuột thông minh sẽ nhìn lại với lòng biết ơn về sự chết chóc do con người gây nên, cũng như chúng ta ngày nay có thể cảm ơn rằng thiên thạch đã làm loài khủng long tuyệt chủng.

Tuy nhiên, những lời đồn thổi về sự tuyệt chủng của loài người chúng ta vẫn còn quá sớm. Kể từ Cách mạng Công nghiệp, dân số thế giới đã bùng nổ chưa từng thấy. Năm 1700, thế giới là ngôi nhà chung của 700 triệu người. Tới năm 1800, con số này đã lên đến 950 triệu người. Tới năm 1900, loài người gần như tăng gấp đôi số lượng của mình lên đến 1,6 tỉ người. Và tới năm 2000, con số này tăng gấp bốn lần lên đến 6 tỉ người. Hiện nay dân số thế giới đã tới ngưỡng 7 tỉ người.

Thời hiện đại

Trong khi tất cả Sapiens đang ngày càng phát triển theo chiều hướng không tuân theo quy luật tạo hoá, họ cũng tuân thủ hơn các tôn chỉ của nền công nghiệp hiện đại và chính phủ. Cách mạng Công nghiệp đã mở đường cho một chuỗi các thử nghiệm trong lĩnh vực kĩ thuật xã hội, và một loạt những thay đổi thậm chí còn không định trước trong cuộc sống hằng ngày và tâm lý con người. Một trong rất nhiều bằng chứng là sự thay thế nền nông nghiệp mùa vụ truyền thống bằng lịch trình thống nhất và chính xác của các ngành công nghiệp.

Nông nghiệp truyền thống phụ thuộc vào chu kỳ thời gian tự nhiên và tăng trưởng hữu cơ. Hầu hết các xã hội không thể đo thời gian một cách chính xác, và họ cũng không đặc biệt quan tâm đến chuyện đó. Thế giới bắt đầu công việc của mình mà không cần đồng hồ và thời gian biểu, chỉ tuân theo sự luân chuyển của Mặt trời và các chu trình sinh trưởng của thực vật. Không có ngày làm việc chính xác cần tuân thủ, mọi thói quen thay đổi rõ rệt từ mùa này sang mùa khác. Con người biết Mặt trời xuất hiện ở đâu, và lo lắng dõi theo những dự báo về thời điểm thu hoạch và mùa mưa, nhưng họ không biết đến thời gian chia theo giờ và hầu như không quan tâm đến khái niệm năm. Nếu một người du hành ngược thời gian bất ngờ xuất hiện tại một ngôi làng thời trung cổ và hỏi một người qua đường, “Bây giờ là năm nào rồi?” thì dân làng sẽ vô cùng hoang mang trước câu hỏi trên cũng như thứ quần áo buồn cười của người lạ mặt.

 

Hình 42. Hình ảnh của danh hài Charlie Chaplin trong vai một công nhân bị mắc kẹt trong dây chuyền công nghiệp, trích từ bộ phim Thời hiện đại (Modern Times) (1936).

Ngược lại với những nông dân và thợ đóng giày thời trung cổ, ngành công nghiệp hiện đại chỉ quan tâm đôi chút về Mặt trời hay các mùa trong năm. Nó để cao tính chính xác và thống nhất. Ví dụ, trong một xưởng đóng giày thời trung cổ, mỗi thợ đóng giày làm toàn bộ một đôi giày, từ đế giày đến móc khoá. Nếu một thợ đóng giày trễ hạn trong công việc, điều này không làm chững lại công việc của những người khác. Tuy nhiên, trong một dây chuyền lắp ráp giày hiện đại, mỗi công nhân điều khiển một cỗ máy chỉ sản xuất một phần nhỏ của một chiếc giày, rồi chiếc giày đó sẽ được chuyển sang cỗ máy tiếp theo. Nếu người công nhân vận hành máy số 5 ngủ quên, điều đó sẽ làm ngưng trệ tất cả các máy khác. Để đối phó với tình trạng đó, tất cả mọi người đều phải tuân theo một lịch trình chuẩn xác. Mỗi công nhân đến làm việc chính xác vào cùng một thời điểm. Mọi người đều có cùng giờ nghỉ ăn trưa cho dù họ có đang đói hay không. Mọi người đều về nhà khi nghe tiếng còi tan ca, chứ khống phải khi họ đã hoàn thành phần việc của mình.

Cách mạng Công nghiệp đã biến thời gian biểu và dây chuyển sản xuất trở thành khuôn mẫu cho hầu như mọi hoạt động của con người. Ngay sau khi các nhà máy áp dụng khung thời gian cố định lên công việc của con người, các trường học cũng thông qua những thời khoá biểu chính xác, tiếp theo là bệnh viện, cơ quan chính phủ và cửa hàng tạp hoá. Ngay cả ở những nơi không tồn tại dây chuyền sản xuất và máy móc, thời gian biểu cũng vẫn rất quan trọng. Nếu ca làm việc tại nhà máy kết thúc vào lúc 17 giờ, quán rượu gần đó rất nên mở cửa kinh doanh lúc 17:02.

Một mối liên hệ quan trọng trong hệ thống thời gian biểu phổ biến chính là hoạt động giao thông công cộng. Nếu người lao động bắt đầu ca làm lúc 8:00, xe lửa hoặc xe buýt phải đến cổng nhà máy trước 7:55. Một vài phút chậm trễ sẽ làm giảm sản lượng, và thậm chí dẫn đến chuyện những người không may đến muộn bị đuổi việc. Năm 1784, một dịch vụ vận tải với lịch trình cố định bắt đầu được triển khai ở Anh. Lịch trình đó chỉ quy định chính xác giờ khởi hành, chứ không phải giờ kết thúc hành trình. Thời ấy, mỗi thành phố và thị trấn của Anh có giờ địa phương riêng, có thể sai khác với thời gian ở London đến tận nửa tiếng. Nếu lúc này là 12:00 tại London, thì lúc đó có thể là 12:20 tại Liverpool và 11:50 ở Canterbury. Thời ấy khống có điện thoại, không có đài phát thanh hay truyền hình, và cũng không có tàu tốc hành – vậy ai có thể biết và ai thèm quan tâm?

Chuyến tàu hỏa thương mại đầu tiên bắt đầu được triển khai giữa Liverpool và Manchester năm 1830. 10 năm sau đó, bảng giờ tàu chạy đầu tiên được ấn định. Các đoàn tàu di chuyển nhanh hơn nhiều so với xe ngựa kiểu cũ, vì vậy sự sai lệch trong giờ địa phương đã gây nhiều phiền toái. Năm 1847, những công ty xe lửa ở Anh đã nhóm họp lại, đồng ý rằng từ nay về sau tất cả lịch trình tàu hỏa sẽ được hiệu chỉnh theo giờ của đài thiên văn Greemvich, chứ không phải giờ địa phương của Liverpool, Manchester hay Glasgow. Ngày càng có nhiều tổ chức học theo cách làm của họ. Cuối cùng, năm 1880, chính phủ Anh đã có một bước đi chưa từng có tiền lệ, rằng mọi lịch trình ở Anh phải hiệu chỉnh theo đồng hồ được đặt tại đài thiên văn Greenwich. Lần đầu tiên trong lịch sử có một đất nước thống qua múi giờ chuẩn quốc gia và bắt buộc người dân phải sống theo một chiếc đồng hồ nhân tạo chứ không phải theo giờ địa phương hay chu kỳ Mặt trời.

Khởi đầu khiêm tốn này đã sinh ra một hệ thống thời gian mang tính toàn cầu, đồng bộ đến từng số thập phân của một giây. Khi các phương tiện truyền thông lần đầu lên sóng – đầu tiên là radio, sau đó là truyền hình – họ tiến vào thế giới của sự đồng bộ hoá thời gian, trở thành đối tượng tiên phong truyền bá cho điều đó. Xen giữa các chương trình phát thanh là tín hiệu thời gian, tiếng bíp đó có thể vươn tới những mảnh đất xa xôi, các con tàu có thể dùng nó để chỉnh lại đồng hồ. Sau đó, các đài phát thanh áp dụng thông lệ phát sóng tin tức theo giờ. Ngày nay, thông báo đầu tiên của tất cả các đài phát thanh tin tức – quan trọng hơn cả tin chiến tranh nổ ra – chính là thông báo về thời gian. Trong suốt Thế chiến II, đài BBC News đã phát sóng cho những vùng châu Âu bị Đức quốc xã chiếm đóng. Mỗi chương trình tin tức mở ra với giai điệu phát sóng trực tiếp của tiếng chuông đồng hồ Big Ben – âm thanh huyền diệu của sự tự do. Các nhà vật lý tài ba người Đức đã tìm ra cách xác định điều kiện thời tiết ở London dựa trên sự sai lệch nhỏ trong giai điệu của sóng truyền phát. Thông tin này đem lại ưu thế vô giá cho không quân Đức. Khi mật vụ Anh phát hiện ra điều này, họ thay thế tiếng đồng hồ trực tiếp bằng một bản ghi âm của chiếc đồng hồ nổi tiếng.

Để có thể vận hành hệ thống thời gian một cách đồng bộ, những chiếc đồng hồ giá rẻ nhưng chính xác và tiện dụng trở nên phổ biến. Ở các thành phố như Assyria, Sassanid hoặc Inca, ta có thể bắt gặp chủ yếu là đồng hồ Mặt trời. Tại các thành phố thời trung cổ châu Âu thường có một chiếc đồng hồ duy nhất, cỗ máy khổng lồ gắn trên đỉnh tòa tháp cao ở quảng trường thị trấn. Những tháp đồng hồ vốn nổi tiếng không chính xác, nhưng vì không có đồng hồ nào trong thành phố sai khác với nó, nên nếu có sai thì gần như cũng chẳng làm sao. Hiện nay, trong nhà của một gia đình giàu có thường có nhiều đồng hồ hơn toàn bộ số đồng hồ của một đất nước thời trung cổ. Bạn có thể biết thời gian bằng cách nhìn vào đồng hồ đeo tay, nhìn vào màn hình điện thoại, nhìn vào đồng hồ báo thức cạnh giường, nhìn vào đồng hồ trên tường nhà bếp, nhìn vào lò vi sóng, tivi hoặc đầu DVD, hay máy tính của bạn, thời gian không thể rời khỏi mắt bạn. Sẽ rất khó khăn để bạn không biết bây giờ là mấy giờ.

Một người bình thường xem giờ vài chục lần mỗi ngày, bởi vì hầu như tất cả mọi điều chúng ta làm đều phải thực hiện đúng thời hạn. Chiếc đồng hồ đánh thức chúng ta dậy lúc 7 giờ, chúng ta làm rã đồ đông lạnh trong lò vi sóng chính xác 50 giây, đánh răng trong vòng ba phút cho đến khi bàn chải đánh răng điện kêu bíp, bắt chuyến tàu lúc 7:40 đến nơi làm việc, chạy trên máy chạy bộ tại phòng tập thể dục cho đến khi có thông báo nửa tiếng đã trôi qua, ngồi trước tivi lúc 19 giờ để xem chương trình yêu thích của mình, bị gián đoạn bằng những đoạn quảng cáo thương mại trị giá 1.000 đô-la mỗi giây, và cuối cùng trút bỏ mọi cảm giác lo lắng của chúng ta lên bác sĩ trị liệu, người hạn chế thời gian lảm nhảm của chúng ta còn đúng 50 phút mỗi lần điều trị.

Cách mạng Công nghiệp đã mang đến hàng tá biến động lớn trong xã hội loài người. Thích ứng với thời gian công nghiệp chỉ là một trong số đó. Những ví dụ đáng chú ý khác bao gồm đô thị hoá, sự biến mất của nền nông nghiệp thuần túy, sự gia tăng của giai cấp vô sản công nghiệp, sự trao quyền cho những người bình thường, dân chủ hoá, văn hoá giới trẻ và sự tan rã của chế độ phụ hệ.

Tuy nhiên, tất cả những biến động này quá nhỏ bé so với cuộc cách mạng xã hội quan trọng nhất chưa từng xảy ra với loài người: sự sụp đổ của gia đình và cộng đồng địa phương, được thay thế bằng chính quyền và thị trường. Chúng ta có thể khẳng định rằng, từ thời điểm sớm nhất, hơn một triệu năm trước, con người sống trong các cộng đồng nhỏ, thân mật, hầu hết các thành viên là họ hàng thân thuộc. Cách mạng Nhận thức và Cách mạng Nông nghiệp không làm thay đổi điều đó. Chúng kết nối các gia đình và cộng đồng với nhau tạo ra các bộ lạc, thành phố, vương quốc và đế chế, nhưng gia đình và cộng đồng vẫn là những viên gạch nền tảng của tất cả xã hội loài người. Cách mạng Công nghiệp, mặt khác, chỉ cần chưa đầy hai thế kỷ để phá tan những nền tảng này thành cát bụi. Hầu hết chức năng truyền thống của gia đình và cộng đồng đã được bàn giao cho chính quyền và thị trường.

Sự sụp đổ của gia đình và cộng đồng

Trước khi có Cách mạng Công nghiệp, cuộc sống hằng ngày của hầu hết mọi người xoay quanh ba trụ cột: gia đình hạt nhân, gia đình mở rộng và cộng đồng gắn bó.* Hầu hết mọi người làm việc trong các doanh nghiệp gia đình – ví dụ trong các trang trại hoặc xưởng gia đình – hoặc làm việc trong doanh nghiệp hộ gia đình láng giềng. Gia đình cũng là hệ thống phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, công nghiệp xây dựng, công đoàn, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, đài phát thanh, truyền hình, báo chí, ngân hàng và thậm chí cả cảnh sát.

Khi một người bị bệnh, gia đình chăm sóc người đó. Khi một người già đi, gia đình hỗ trợ, và các con là quỹ hưu trí. Khi một người qua đời, gia đình chăm sóc lũ trẻ mồ côi. Nếu ai đó muốn xây dựng một túp lều, gia đình sẽ giúp một tay. Nếu ai đó muốn mở doanh nghiệp, gia đình sẽ kiếm khoản tiền cần thiết. Nếu ai đó muốn kết hôn, gia đình sẽ lựa chọn, hoặc ít nhất là xem xét kĩ lưỡng người vợ hoặc chồng tương lai. Nếu xung đột phát sinh với hàng xóm, gia đình sẽ chung tay bảo vệ người đó. Nhưng nếu một người bệnh đã quá nặng mà gia đình không thể xoay xở nổi, hoặc một công việc kinh doanh mới đòi hỏi một khoản đầu tư quá lớn, hoặc các cuộc tranh cãi hàng xóm leo thang đến đỉnh điểm bạo lực, các cộng đồng địa phương sẽ đến để giải cứu.

Các cộng đồng cung cấp sự giúp đỡ trên cơ sở truyền thống địa phương và một nền kinh tế của những ân huệ, mà thường khác rất nhiều với các quy luật cung cầu của thị trường tự do. Trong một cộng đồng trung cổ kiểu cũ, khi người hàng xóm của tôi cần giúp đỡ, tôi sẽ giúp xây dựng túp lều và bảo vệ bầy cừu cho anh ta mà không mong báo đáp. Khi tôi cần giúp đỡ, hàng xóm của tôi sẽ trả ơn. Đồng thời, một lãnh chúa địa phương có thể bắt tất cả dân làng xây dựng lâu đài cho ông ta mà không cần trả một xu. Đổi lại, dân làng nhờ ông ta bảo vệ khỏi bọn cướp và quân man rợ. Cuộc sống làng quê tham gia nhiều giao dịch nhưng lại hiếm khi phải trả tiền. Tất nhiên, vẫn có một số thị trường nhưng vai trò của chúng còn hạn chế. Bạn có thể mua các loại gia vị quý hiếm, vải và các công cụ, sử dụng dịch vụ của các luật sư và bác sĩ. Tuy nhiên, chỉ có chưa đầy 10% các sản phẩm và dịch vụ là hay được sử dụng cũng như mua bán trên thị trường. Hầu hết nhu cầu của con người được gia đình và cộng đồng chăm sóc.

Cũng có những vương quốc và đế chế đã tiến hành các nhiệm vụ quan trọng như phát động chiến tranh, xây dựng đường sá và cung điện. Với những mục đích đó, các vị vua tăng thuế, thậm chí tăng số lượng binh lính và dân lao động. Tuy nhiên, ngoài vài ngoại lệ, thường thì họ không can thiệp vào công việc hằng ngày của các gia đình và cộng đồng. Thậm chí nếu có muốn, hầu hết các vị vua cũng sẽ khá vất vả khi làm vậy. Những nền kinh tế nông nghiệp truyền thống không có nhiều thặng dư để nuôi đám đông quan chức, cảnh sát, nhân viên xã hội, giáo viên và bác sĩ. Do đó, hầu hết các nhà lãnh đạo không phát triển rộng rãi hệ thống phúc lợi xã hội, dịch vụ y tế hay giáo dục. Họ phó mặc các vấn đề đó trong tay của gia đình và cộng đồng. Cũng có những dịp hiếm hoi nhà cấm quyền cố gắng can thiệp mạnh hơn vào cuộc sống hằng ngày của giai cấp nông dân (như thời nhà Tần ở Trung Hoa), họ làm như vậy bằng cách biến những người đứng đầu gia đình và các trưởng lão của cộng đồng thành tay sai của chế độ.

Những khó khăn trong thông thương và liên lạc thường khiến các vị vua khó lòng can thiệp vào vấn đề nội bộ của các cộng đồng xa xôi, nên nhiều vương quốc đã nhường ngay cả những đặc quyền hoàng gia cơ bản nhất – chẳng hạn như đánh thuế và giải quyết bạo lực – cho các cộng đồng này. Ví dụ, Đế chế Ottoman cho phép tự giải quyết những mối thù gia đình truyền kiếp theo lối thực thi công lý, thay vì sử dụng một lực lượng lớn cảnh sát hoàng gia. Nếu anh em họ của tôi đã giết ai đó, anh trai của nạn nhân có thể giết tôi để trả thù. Các Sultan ở Istanbul hay thậm chí là tổng trấn không can thiệp vào các cuộc đụng độ như vậy, miễn là bạo lực vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được.

Tại Trung Hoa đời nhà Minh (1368-1644), dân số đã được tổ chức thành hệ thống bảo giáp. Mười gia đình được nhóm lại để tạo thành một giáp, và mười giáp thành một bảo. Khi một thành viên của một bảo phạm tội, các thành viên khác của bảo đó có thể trừng phạt anh ta, đặc biệt là những người lớn tuổi. Thuế được đánh vào bảo, và trách nhiệm thuộc về các trưởng lão trong mỗi bảo chứ không phải thuộc về các quan chức, họ phải đánh giá tình hình của mỗi gia đình và xác định số tiền thuế cần trả. Từ quan điểm của đế chế, hệ thống này có một lợi thế rất lớn. Thay vì duy trì hàng ngàn quan chức và nhân viên thuế vụ theo dõi thu nhập và chi phí của mỗi gia đình, nhiệm vụ này được để lại cho những trưởng lão trong cộng đồng. Các trưởng lão biết chính xác giá trị của mỗi cá nhân trong cộng đồng là bao nhiêu, họ thường có thể đòi tiền thuế mà không cần dính líu đến quân đội hoàng gia.

Nhiều vương quốc và đế chế thật sự chẳng khác gì giới xã hội đen quy mô lớn. Nhà vua là capo di tutti capi (ông chủ của mọi ông chủ) người thu tiền bảo kê, đổi lại sẽ đảm bảo những băng đảng tội phạm láng giềng và các nhóm nhỏ đầu gấu địa phương không làm hại những người nằm dưới sự bảo trợ. Ông ta chẳng làm gì khác nữa.

Không thể coi cuộc sống của mỗi gia đình và cộng đồng là lý tưởng. Gia đình và cộng đồng có thể đàn áp các thành viên của họ tàn nhẫn chẳng kém chính quyền và thị trường hiện đại, và những vấn đề nội bộ cũng chứa đầy căng thẳng và bạo lực, tuy nhiên người dân có rất ít lựa chọn. Vào khoảng năm 1750, nếu một người bị mất gia đình và cộng đồng thì cũng giống như đã chết. Người đó sẽ không có việc làm, không được giáo dục, không được trợ giúp khi bệnh tật và khó khăn. Sẽ không ai cho vay tiền hoặc bảo vệ khi gặp rắc rối. Không có cảnh sát, không có nhân viên xã hội và không có giáo dục bắt buộc. Để tồn tại, một người như vậy phải nhanh chóng tìm một gia đình hoặc cộng đồng thay thế. Chàng trai và cô gái bỏ nhà ra đi có thể mong đợi điều tốt nhất, đó là được trở thành nô bộc của các gia đình mới. Tồi tệ nhất sẽ là phải gia nhập quân đội hay nhà thổ.

Tất cả những vấn đề này đã thay đổi đáng kể trong hai thế kỷ qua. Cách mạng Công nghiệp đã mang lại cho thị trường sức mạnh mới to lớn, cung cấp cho chính quyền phương tiện vận chuyển và truyền thông mới, đặt vào tay chính quyền một đội ngũ nhân viên, giáo viên, cảnh sát và nhân viên xã hội. Thoạt đầu thị trường và chính quyền nhận ra con đường của họ bị chặn bởi các gia đình truyền thống và cộng đồng, vốn có rất ít thiện cảm với sự can thiệp từ bên ngoài. Cha mẹ và trưởng lão cộng đồng không sẵn lòng để thế hệ trẻ bị hệ thống giáo dục quốc gia nhồi sọ, phải gia nhập quân đội hoặc biến thành một kẻ vô sản thành thị không có gốc rễ.

Theo thời gian, chính quyền và thị trường sử dụng sức mạnh ngày càng tăng để làm suy yếu những mối liên kết truyền thống của gia đình và cộng đồng. Chính quyền gửi đội quân cảnh sát đến ngăn chặn mối bất hòa giữa các dòng họ và giải quyết mâu thuẫn bằng hệ thống tòa án. Thị trường đưa những người bán rong vào nhằm quét sạch phương thức mua hàng truyền thống lâu đời và thay thế bằng các phương thức buôn bán tân thời. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Để thực sự phá vỡ quyền lực của gia đình và cộng đồng, chính quyền và thị trường cần tới sự giúp đỡ của một thế lực khác nữa.

Chính quyền và thị trường tiếp cận mọi người với một đề nghị không thể chối từ. Đó là, “Trở thành một công dân. Cưới bất kỳ ai bạn thích mà không cần xin phép cha mẹ. Làm bất cứ công việc nào phù hợp, ngay cả khi người lớn tuổi trong cộng đồng không hài lòng. Sống bất cứ nơi nào bạn muốn, ngay cả khi không thể về ăn tối với gia đình đôi lần mỗi tuần. Bạn không còn phụ thuộc vào gia đình hoặc cộng đồng nữa. Chúng tôi, chính quyền và thị trường, sẽ thay thế họ để chăm sóc bạn. Chúng tôi sẽ cung cấp thức ăn, chỗ ở, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và việc làm. Chúng tôi sẽ cung cấp lương hưu, bảo hiểm và sự bảo trợ”.

Văn học lãng mạn thường mô tả công dân như một kẻ bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh chống lại chính quyền và thị trường. Điều này quá chính xác. Chính quyền và thị trường là những người mẹ và người cha của mỗi công dân, và công dân chỉ có thể sống sót nhờ vào đó. Thị trường cung cấp cho chúng ta công việc, bảo hiểm và lương hưu. Nếu chúng ta muốn học một nghề, trường học của chính phủ luôn sẵn sàng dạy cho chúng ta. Nếu chúng ta muốn mở doanh nghiệp, ngân hàng sẽ cho chúng ta mượn tiền. Nếu chúng ta muốn xây nhà, một công ty xây dựng sẽ thi công và ngân hàng sẽ cho vay thế chấp, trong một số trường hợp chúng ta còn nhận được trợ cấp hay bảo hiểm của nhà nước. Nếu bạo lực bùng lên, cảnh sát bảo vệ chúng ta. Nếu bị bệnh trong vài ngày, bảo hiểm y tế sẽ chăm sóc chúng ta. Nếu suy nhược trong nhiều tháng, nhân viên an sinh xã hội sẽ tới thăm hỏi chúng ta. Nếu cần sự hỗ trợ từ xung quanh, chúng ta có thể ra ngoài và thuê một y tá, thường là một người xa lạ nhưng có thể chăm sóc với sự tận tâm mà thậm chí chúng ta không dám mong đợi từ những đứa con do mình sinh ra. Nếu có điều kiện, chúng ta có thể sống một cuộc đời an nhàn. Cơ quan thuế vụ đối xử với chúng ta như những công dân độc lập, và không mong chúng ta nộp thuế của hàng xóm. Các tòa án cũng vậy, coi chúng ta như những công dân độc lập, và không bao giờ trừng phạt chúng ta vì tội lỗi của người họ hàng.

Không chỉ đàn ông trưởng thành mà cả phụ nữ và trẻ em cũng được coi là công dân. Suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ thường bị coi là tài sản của gia đình hay cộng đồng. Trong khi đó, nhà nước hiện đại lại xem phụ nữ như những công dân, được hưởng các quyền kinh tế và pháp lý độc lập với gia đình và cộng đồng của họ. Họ có thể mở tài khoản ngân hàng, quyết định kết hôn với ai, và kể cả ly hôn hay sống độc lập.

Nhưng công cuộc giải phóng công dân cũng có cái giá của nó. Nhiều người trong chúng ta hiện nay vẫn ta thán về sự mất mát của gia đình và các cộng đồng vững mạnh, cũng như cảm thấy xa lạ, bị đe dọa bởi sức mạnh của chính quyền và thị trường luôn vây quanh. Chính quyền và thị trường gồm những công dân xa lạ có thể can thiệp vào cuộc sống của các thành viên dễ dàng hơn nhiều so với chính quyền và thị trường chứa đựng những gia đình và cộng đồng vững mạnh. Khi hàng xóm trong một chung cư cao tầng thậm chí không thể đồng ý về khoản tiền trả cho bảo vệ gác cổng, vậy làm thế nào để chúng ta có thể mong đợi họ chống lại chính quyền?

Thỏa thuận giữa chính quyền, thị trường và công dân là chuyện chẳng dễ dàng. Chính quyền và thị trường bất đồng về quyền và nghĩa vụ chung giữa đôi bên, và các công dân phàn nàn rằng cả hai bên yêu cầu quá nhiều và cung cấp quá ít. Trong nhiều trường hợp, công dân bị khai thác bởi thị trường, và chính quyền thì sử dụng quân đội, lực lượng cảnh sát và bộ máy công vụ để đàn áp công dân thay vì bảo vệ họ. Dù sao vẫn thật tuyệt khi thỏa thuận này cuối cùng cũng hoạt động ổn thỏa – cho dù không hoàn hảo. Bởi nó đã phá bỏ vô số những thỏa thuận xã hội của con người trong nhiều thế hệ. Hàng triệu năm tiến hoá đã thiết kế chúng ta sống và suy nghĩ như các thành viên cộng đồng. Và chỉ vỏn vẹn hai thế kỷ, chúng ta đã trở thành những công dân độc lập. Không có minh chứng nào rõ nét hơn về sức mạnh tuyệt vời của văn hoá.

Các gia đình hạt nhân không biến mất hoàn toàn khỏi đời sống hiện đại. Khi chính quyền và thị trường lấy đi từ các gia đình hầu hết vai trò kinh tế và chính trị, một số chức năng tình cảm quan trọng vẫn được giữ lại. Các gia đình hiện đại vẫn có chức năng mang lại nhu cầu tinh thần thân mật mà chính quyền và thị trường (cho đến nay) không có khả năng cung cấp. Tuy nhiên, ngay cả ở đây, gia đình cũng chịu nhiều áp lực hơn. Thị trường ngày càng định hình rõ nét về phương thức mà mọi người đưa sự lãng mạn và tình dục vào đời sống. Trong khi ngày xưa gia đình là người mai mối chính, thì ngày nay thị trường điều chỉnh sở thích lãng mạn và tình dục của chúng ta, rồi sau đó giúp kết đôi – với một khoản phí béo bở. Trước đây cô dâu và chú rể gặp nhau trong phòng khách gia đình, và tiền được chuyển từ tay của người cha này sang người cha khác. Ngày nay, chuyện tán tỉnh diễn ra tại các quán bar và cà phê, tiền bạc đi từ tay của những người yêu nhau sang các nữ tiếp viên. Thậm chí ngày càng nhiều tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng của những nhà thiết kế thời trang, nhà quản lý phòng tập thể dục, chuyên gia dinh dưỡng, trang điểm và bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ, những người đã giúp chúng ta đến quán cà phê với vẻ ngoài thật giống với tiêu chuẩn cái đẹp lý tưởng của thị trường.

 

Gia đình và cộng đồng so sánh với Chính quyền và thị trường

Chính quyền cũng giữ quan điểm cứng rắn hơn về quan hệ gia đình, đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ có nghĩa vụ cho con cái mình được hưởng nền giáo dục của nhà nước. Đặc biệt, những phụ huynh lạm dụng hoặc bạo hành con cái có thể chịu sự quản thúc của nhà nước. Nếu cần thiết, chính quyền thậm chí có thể bỏ tù cha mẹ hoặc chuyển con em họ tới gia đình khác để nuôi dưỡng. Mới đây chưa lâu, ý kiến cho rằng chính quyền có thể ngăn chặn cha mẹ đánh đập hoặc làm nhục con cái bằng việc tước quyền nuôi con của họ, còn được xem là lố bịch và bất khả thi. Trong hầu hết các xã hội, thẩm quyền của cha mẹ là thiêng liêng. Hiếu kính cha mẹ là giá trị thiêng liêng nhất, và cha mẹ có thể làm hầu như mọi điều họ muốn, kể cả giết trẻ sơ sinh, bán trẻ em làm nô lệ và gả con gái cho người chồng gấp đôi tuổi. Ngày nay, vai trò của cha mẹ đang hoàn toàn yếu thế. Những đứa trẻ ngày càng không vâng lời người lớn, trong khi cha mẹ bị đổ lỗi cho bất cứ điều gì sai trái trong đời sống con em họ. Các bậc cha mẹ rất có khả năng sẽ bị những chuyên gia tâm lý chỉ trích, hệt như bị cáo phải ra tòa.

Những cộng đồng tưởng tượng

Cũng giống như các gia đình hạt nhân, cộng đồng không thể hoàn toàn biến mất khỏi thế giới của con người mà không để lại bất kỳ sự thay thế cảm xúc nào. Ngày nay, thị trường và chính quyền đáp ứng hầu hết các nhu cầu vật chất từng được cung cấp bởi các cộng đồng, nhưng họ cũng phải đáp ứng những mối liên hệ giữa người với người.

Thị trường và chính quyền làm như vậy bằng cách nuôi dưỡng “các cộng đồng tưởng tượng” bao gồm hàng triệu người lạ, và được thiết kế theo các nhu cầu mang tính quốc gia và thương mại. Một cộng đồng tưởng tượng là một cộng đồng của những người không thực sự biết nhau, nhưng tưởng rằng họ biết nhau. Những cộng đồng như vậy không phải là một phát minh mới lạ. Các vương quốc, đế chế và nhà thờ trong nhiều thiên niên kỷ có chức năng như những cộng đồng tưởng tượng. Ở Trung Hoa cổ đại, hàng chục triệu người coi mình là thành viên của một gia đình duy nhất, với vị hoàng đế như là cha mẹ họ. Vào thời trung cổ, hàng triệu người Hồi giáo mộ đạo cho rằng họ đều là các anh chị em trong cộng đồng Hồi giáo. Tuy nhiên, suốt chiều dài lịch sử, những cộng đồng tưởng tượng này đóng vai trò thứ yếu so với các cộng đồng thân mật, trong đó bao gồm vài chục người quen biết nhau tường tận. Các cộng đồng thân mật đáp ứng những nhu cầu tình cảm của thành viên và rất cần thiết cho sự sống còn và phúc lợi của mọi người. Trong hai thế kỷ qua, các cộng đồng thân mật đã trở nên lụi tàn và cộng đồng tưởng tượng đã được điền vào khoảng trống tình cảm đó.

Hai ví dụ quan trọng nhất cho sự phát triển của cộng đồng tưởng tượng chính là quốc gia và hội tiêu dùng. Quốc gia là cộng đồng tưởng tượng của chính quyền. Hội tiêu dùng là cộng đồng tưởng tượng của thị trường. Cả hai đều là những cộng đồng tưởng tượng, vì tất cả các khách hàng trong một thị trường hoặc tất cả các thành viên của một quốc gia không thể thực sự hiểu nhau theo cách thức mà những người cùng làng biết nhau trong quá khứ. Không một người Đức nào có thể hiểu tường tận 80 triệu người Đức khác, hay 500 triệu khách hàng khác cùng sinh sống trong Thị trường chung châu Âu (ban đầu cộng đồng đó trở thành Cộng đồng châu Âu rồi phát triển thành Liên minh châu Âu).

Chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa dân tộc phải tiến hành thêm các bước để khiến cho chúng ta tưởng tượng rằng hàng triệu người lạ cùng thuộc về cộng đồng giống như chúng ta, rằng tất cả chúng ta có chung một quá khứ, một lợi ích và một tương lai. Đây không phải là lời nói dối. Đó là trí tưởng tượng. Giống như tiền bạc, công ty trách nhiệm hữu hạn và nhân quyền, dân tộc và cộng đồng người tiêu dùng là những thực thể liên-chủ quan. Chúng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng tập thể của chúng ta, nhưng sức mạnh của chúng lại rất lớn. Miễn là hàng triệu người Đức tin vào sự tồn tại của một dân tộc Đức và hưng phấn khi nhìn thấy biểu tượng dân tộc Đức, kể lại những câu chuyện huyền thoại về dân tộc Đức, sẵn sàng hy sinh tiền bạc, thời gian và xương máu cho dân tộc Đức, thì Đức sẽ là một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới.

Quốc gia luôn cố che giấu tính chất tưởng tượng này. Hầu hết các quốc gia coi mình là một thực thể tự nhiên và vĩnh cửu, được tạo ra trong thời kỳ nguyên thủy bằng cách trộn đất của quê mẹ với máu của người dân. Tuy nhiên, những tuyên bố như vậy thường được phóng đại. Các quốc gia tồn tại trong quá khứ xa xôi, nhưng tầm quan trọng của nó nhỏ hơn nhiều so với ngày nay bởi tầm quan trọng của quốc gia lúc đó nhỏ hơn rất nhiều. Một cư dân ở vùng Nuremberg thời trung cổ có thể cảm thấy chút ít lòng trung thành với quốc gia Đức, nhưng người đó còn cảm thấy trung thành với gia đình và cộng đồng địa phương của mình hơn nhiều, bởi đó mới là nguồn đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người đó. Hơn nữa, bất cứ điều gì quan trọng mà một quốc gia cổ đại có thể đã có, thì chỉ còn rất ít trong số đó tồn tại tới ngày nay. Hầu hết các quốc gia đang tồn tại thời nay đều phát triển sau Cách mạng Công nghiệp.

Có thể lấy nhiều ví dụ từ Trung Đông. Các quốc gia Syria, Lebanon, Jordan và Iraq là sản phẩm của sự chia tách biên giới lộn xộn, được phân định mơ hồ bởi các nhà ngoại giao Pháp và Anh, những người đã bỏ qua lịch sử địa phương, kiến thức địa lý và kinh tế. Năm 1918, các nhà ngoại giao đã thống nhất rằng ba cộng đồng người Kurd, Baghdad và Basra sẽ được gọi chung là “người Iraq”. Và chính người Pháp đã quyết định thế nào thì là người Syria hay người Lebanon. Saddam Hussein và Hafez el-Asad là những người đã cố gắng hết mình để thúc đẩy và củng cố ý thức dân tộc, vốn là sản phẩm của dân Anh-Pháp, nhưng những bài phát biểu khoa trương của họ về các quốc gia Iraq và Syria được cho là trường tổn vĩnh cửu lại hoàn toàn sáo rỗng.

Điều này không hàm ý các quốc gia chẳng thể được tạo ra từ hư không. Những người làm việc chăm chỉ để xây dựng Iraq hay Syria đã sử dụng những tư liệu thố về lịch sử, địa lý và văn hoá -một số trong đó tồn tại từ nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ cũ. Saddam Hussein đã lựa chọn cho mình di sản của Khalip Abbasid và Đế chế Babylon, thậm chí ông ta còn gọi một trong những đơn vị thiết giáp của mình là Sư đoàn Hammurabi. Tuy nhiên, điều đó không biến đất nước Iraq thành một thực thể cổ xưa. Nếu tôi làm bánh từ bột, dầu và đường, tất cả nguyên liệu đó được giữ trong tủ đựng thức ăn của tôi suốt hai năm qua, thì điều đó cũng không có nghĩa cái bánh của tôi đã được hai tuổi.

Trong những thập kỷ gần đây, cộng đồng quốc gia ngày càng bị lu mờ bởi các cộng đồng khách hàng không biết nhau mật thiết nhưng chia sẻ những thói quen và sở thích tiêu thụ giống nhau, từ đó họ cảm thấy là một phần của cộng đồng người tiêu dùng – một kiểu tự định nghĩa bản thân. Điều này nghe rất lạ, nhưng chúng ta có hàng loạt các ví dụ. Chẳng hạn, nhóm hâm mộ ca sĩ Madonna tạo thành một cộng đồng người tiêu dùng. Họ định nghĩa bản thân chủ yếu thông qua việc mua sắm. Họ mua vé buổi hòa nhạc của Madonna, đĩa CD, áp phích, áo sơ mi, nhạc chuông, và qua đó định nghĩa mình là ai. Những người hâm mộ đội bóng đá Manchester United, người ăn chay và nhà hoạt động môi trường là các ví dụ khác. Họ cũng được định nghĩa dựa trên những gì họ tiêu thụ. Đó là nền tảng bản sắc của họ. Một người ăn chay Đức cũng có thể sẽ thích kết hôn với một người ăn chay Pháp hơn là với một người ăn thịt Đức.

Chuyển động luân hồi

Những cuộc cách mạng trong hai thế kỷ qua diễn ra nhanh chóng và triệt để tới mức chúng đã thay đổi đặc trưng cơ bản nhất của trật tự xã hội. Theo truyền thống, trật tự xã hội rất bền vững và cứng nhắc. “Trật tự” ở đây ngụ ý về sự ổn định và liên tục. Ngoại trừ những cuộc cách mạng xã hội chóng vánh, hầu hết các biến đổi xã hội là kết quả tích tụ của nhiều bước nhỏ. Con người có xu hướng cho rằng cấu trúc xã hội không có tính linh hoạt và bền vững lâu dài. Các gia đình và cộng đồng có thể đấu tranh để thay đổi vị trí trong trật tự, nhưng ý tưởng cho rằng bạn có thể thay đổi cấu trúc cơ bản của trật tự đó thực sự rất ngớ ngẩn. Mọi người thường hòa mình vào hiện trạng, tuyên bố rằng, “đây là cách nó đã luôn tồn tại, và nó vẫn sẽ luôn tồn tại như vậy”.

Trong hai thế kỷ qua, nhịp độ thay đổi diễn ra nhanh tới mức trật tự xã hội trở nên năng động và mềm dẻo. Giờ đây, nó tồn tại trong trạng thái thay đổi không ngừng. Khi chúng ta nói về các cuộc cách mạng hiện đại, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng năm 1789 (Cách mạng Pháp), 1848 (những cuộc cách mạng tự do) hoặc 1917 (Cách mạng Nga). Nhưng thực tế là vào thời điểm đó, mỗi năm đều mang tính cách mạng. Hôm nay, ngay cả một người mới 30 tuổi cũng có thể thành thật nói với một thiếu niên đang hồ nghi rằng, “Khi tôi còn trẻ, thế giới hoàn toàn khác”. Internet là một ví dụ, nó chỉ được đưa vào sử dụng rộng rãi khoảng 20 năm về trước, đầu những năm 1990. Nhưng ngày nay thật khó để mường tượng ra một thế giới không có internet.

Do đó, mọi nỗ lực nhằm xác định đặc tính của xã hội hiện đại cũng giống như chuyện nhận biết màu sắc của một con tắc kè hoa. Đặc điểm duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là sự thay đổi không ngừng. Mọi người đã trở nên quen với việc này, và hầu hết chúng ta nghĩ về trật tự xã hội như một cái gì đó linh hoạt mà chúng ta có thể uốn nắn và cải thiện theo ý thích. Lời hứa chủ đạo của những nhà cai trị tiền hiện đại là bảo vệ một trật tự truyền thống hoặc thậm chí là trở lại thời kỳ vàng son đã mất. Trong hai thế kỷ qua, khẩu hiệu chính trị là lời hứa sẽ phá bỏ thế giới cũ và xây dựng một thế giới tốt hơn thay thế. Ngay cả phe bảo thủ nhất của các đảng chính trị cũng chỉ dám hứa giữ cho mọi thứ như chúng vốn có. Mọi người ai cũng hứa hẹn về cải cách xã hội, cải cách giáo dục và cải cách kinh tế – và họ thường hoàn thành những lời hứa đó.

Cũng như các nhà địa chất cho rằng chuyển động kiến tạo sẽ dẫn đến động đất và phun trào núi lửa, chúng ta cũng thường cho rằng các phong trào xã hội quyết liệt sẽ dẫn đến bùng phát bạo lực đẫm máu. Lịch sử chính trị của thế kỷ 19 và 20 thường được kể bằng một loạt các cuộc chiến khốc liệt, thảm sát và cách mạng. Giống như một đứa trẻ trong đôi ủng mới, nhảy từ vũng nước này qua vũng nước khác, quan điểm này nhìn lịch sử như sự nhảy cóc từ hết cuộc tắm máu đến cuộc tắm máu khác, từ Thế chiến I tới Thế chiến II, rồi đến Chiến tranh lạnh, từ cuộc diệt chủng người Armenia đến nạn diệt chủng người Do Thái và cả nạn diệt chủng người Rwanda, từ Robespierre tới Lenin rồi đến Hitler.

Chúng có phần đúng, nhưng danh sách các thảm họa quá ư quen thuộc này cũng gây nhầm lẫn. Chúng ta tập trung quá nhiều vào các vũng nước mà quên mất vùng đất khô phân tách chúng. Thời hiện đại đã chứng kiến mức độ chưa từng có không chỉ của bạo lực và sự ghê rợn, mà còn là thời kỳ của hòa bình và yên tĩnh. Charles Dickens đã viết về Cách mạng Pháp thế này, “Đó là cuộc cách mạng tuyệt vời nhất mọi thời đại nhưng đồng thời cũng là điều tồi tệ nhất mọi thời đại”. Nó có lẽ không chỉ đúng với Cách mạng Pháp mà còn với toàn bộ thời đại nó báo hiệu.

Điều này đặc biệt đúng với bảy thập kỷ đã trôi qua kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Trong thời gian này con người lần đầu tiên phải đối mặt với khả nâng tự hủy diệt hoàn toàn, đã trải qua tương đối nhiều các cuộc chiến tranh và diệt chủng. Tuy nhiên, những thập kỷ này cũng là thời kỳ yên bình nhất trong lịch sử nhân loại – thực sự rất yên bình. Thật đáng ngạc nhiên bởi chính những thập kỷ này đã trải qua sự thay đổi về kinh tế, xã hội và chính trị nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó. Các mảng kiến tạo lịch sử đang di chuyển với tốc độ điên cuồng, nhưng những ngọn núi lửa vẫn im lặng. Trật tự đàn hồi mới dường như có thể chứa đựng và thậm chí kích thích những sự thay đổi triệt để về mặt cấu trúc mà không đổ vỡ thành xung đột bạo lực.

Hòa bình trong thời đại chúng ta

Hầu hết mọi người không đánh giá cao về hòa binh của thời đại mình đang sống. Không ai trong chúng ta sống ở ngàn năm trước, vì vậy chúng ta dễ dàng quên đi thế giới đã từng bạo lực như thế nào. Và khi chiến tranh trở nên hiếm hơn, chúng thu hút nhiều sự chú ý hơn. Nhiều người nghĩ về các cuộc chiến tranh hiện đang hoành hành ở Afghanistan và Iraq hơn là về nền hòa bình mà hầu hết người Brazil và Ấn Độ đang được tận hưởng.

Quan trọng hơn, chúng ta có thể dễ dàng liên hệ đến sự khổ đau của cá nhân hơn là của cả một dân tộc. Tuy nhiên, để hiểu về quá trình lịch sử vĩ mô, chúng ta cần phải kiểm tra những số liệu thống kê toàn thể chứ không phải là những câu chuyện cá nhân. Trong năm 2000, chiến tranh làm 310.000 người thiệt mạng, và tội phạm bạo lực giết chết 320.000 sinh mạng khác. Mỗi nạn nhân và mọi nạn nhân đều là một thế giới bị phá hủy, một gia đình bị đổ nát, để lại vết thương cho bạn bè và người thân về lâu dài. Tuy nhiên, từ góc độ vĩ mô, con số 830.000 nạn nhân chỉ chiếm 1,3% trong số 56 triệu người đã chết vào năm 2000. Cũng trong năm đó có tới 1,26 triệu người đã chết bởi tai nạn xe hơi (chiếm 2,25% trong tổng số tử vong) và 815.000 người tự tử (chiếm 1,45%).

Những con số trong năm 2002 thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn. Trong số 57 triệu người chết, chỉ có 172.000 người chết trong chiến tranh và 569.000 người chết vì tội phạm bạo lực (tổng cộng 741.000 nạn nhân của bạo lực do con người gây ra). Trái lại, 873.000 người chết vì tự sát. Điều này cho thấy chỉ một năm sau vụ tấn công ngày 11/9, mặc dù tất cả đều bàn luận xung quanh chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh, nhưng một người bình thường có khả năng tự tử cao hơn là bị giết bởi một tên khủng bố, một quân nhân hay một kẻ buôn ma túy.

Hầu hết các nơi trên thế giới, mọi người đi ngủ mà không phải sợ nửa đêm một bộ tộc láng giềng có thể bao vây làng mình và giết tất cả mọi người. Những người Anh khá giả đi du lịch trong ngày từ Nottingham tới London qua cánh rừng Shenvood mà không phải sợ một nhóm cướp giả dạng sẽ phục kích và lấy tiền của họ để chia cho người nghèo (hay nhiều khả năng sẽ giết hại họ để lấy tiền cho bản thân). Những học sinh không phải e sợ giáo viên phạt nặng, trẻ em không phải lo bị bán làm nô lệ khi cha mẹ chúng không thể trả các hoá đơn, phụ nữ biết rằng pháp luật cấm chồng họ đánh đập và buộc họ phải ở nhà. Càng ngày trên thế giới những kỳ vọng trên càng được đáp ứng.

Sự suy giảm của bạo lực phần lớn bắt nguồn từ sự trỗi dậy của chính quyền. Trong suốt lịch sử, tình trạng bạo lực hầu hết được phát sinh từ mối hận thù địa phương giữa gia đình và cộng đồng. (Thậm chí ngày nay, như các con số ở trên cho thấy, tội phạm địa phương là mối đe dọa cao hơn nhiều so với một cuộc chiến tranh quốc tế). Như chúng ta đã thấy, nông dân thời tiền sử không hề biết tới tổ chức chính trị nào lớn hơn cộng đồng địa phương, họ phải chịu đựng tình trạng bạo lực tràn lan. Khi các vương quốc và đế chế trở nên hùng mạnh hơn, chúng giúp kiềm chế cộng đồng và làm giảm mức độ bạo lực. Trong các vương quốc phân tán quyền lực của châu Âu thời trung cổ, khoảng 20-40 người/100.000 dân bị giết mỗi năm. Trong những thập kỷ gần đây, khi các chính quyền và thị trường trở nên uy quyền và các cộng đồng đã biến mất, tỉ lệ bạo lực còn giảm xuống nữa. Hiện nay, số vụ án mạng trung bình toàn cầu chỉ còn 9/100.000 người, và hầu hết các vụ án mạng diễn ra tại những quốc gia yếu kém như Somalia và Colombia. Trong các chính quyền tập trung quyền lực ở châu Âu, tỉ lệ án mạng trung bình mỗi năm là 1/100.000 người.

Chắc chắn có những trường hợp chính quyền sử dụng quyền lực để giết công dân của mình, và những trường hợp như vậy thường in đậm thành kí ức và nỗi sợ của chúng ta. Trong thế kỷ 20, hàng chục triệu người, có khi đến hàng trăm triệu người đã bị giết bởi lực lượng an ninh chính quyền. Tuy nhiên, từ góc độ vĩ mô, các tòa án và cảnh sát do nhà nước điều hành đã gia tăng mức độ an toàn trên khắp thế giới. Ngay cả trong chế độ độc tài áp bức, khả năng để một người hiện đại chết trong tay người khác cũng thấp hơn so với ở xã hội tiền hiện đại. Năm 1964, một chế độ độc tài quân sự được thành lập tại Brazil. Chế độ này cai trị đất nước cho đến năm 1983. Suốt 20 năm đó, hàng ngàn người Brazil đã bị sát hại bởi chế độ này. Hàng ngàn người khác bị bắt giam và tra tấn. Tuy nhiên, ngay cả trong những năm tồi tệ nhất, khả năng để một người Brazil bình thường sinh sống ở Rio de Janeiro phải chết trong tay người khác vẫn thấp hơn so với các thổ dân thuộc bộ lạc Waorani, Arawete hoặc Yanomamo, những người sống sâu trong rừng rậm Amazon, nơi không có quân đội, cảnh sát, trại giam. Các nghiên cứu nhân học đã cho thấy một phần tư tới một nửa cánh đàn ông thổ dân sớm hay muộn cũng chết vì xung đột bạo lực tranh giành tài sản, phụ nữ hay thanh danh.

Sự nghỉ hưu của các đế chế

Vấn đề bạo lực trong lòng các chính quyền đã giảm hoặc tăng lên kể từ năm 1943 có lẽ vẫn còn gây tranh cãi. Điều không ai có thể phủ nhận là bạo lực quốc tế đã sụt giảm xuống mức kỷ lục. Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là sự sụp đổ của các đế quốc châu Âu. Trong suốt lịch sử, các đế quốc đã nghiền nát những cuộc nổi loạn với bàn tay sắt, và khi ngày diệt vong đến, một đế chế sắp chết sử dụng tất cả sức mạnh còn lại để tự cứu bản thân, và thường dẫn đến một cuộc tắm máu. Sự sụp đổ cuối cùng của nó thường dẫn đến tình trạng vô chính phủ và các cuộc chiến nối tiếp. Kể từ năm 1945, hầu hết các đế quốc đã chọn sự thoái vị sớm trong hòa bình. Quá trình sụp đổ đã diễn ra tương đối nhanh, êm đềm và có trật tự.

Năm 1945, Anh cai trị một phần tư thế giới. 30 năm sau người Anh chỉ còn cai trị một vài hòn đảo nhỏ. Trong khoảng thời gian đó, Anh rút lui khỏi hết thuộc địa này đến thuộc địa khác mà không phải nổ súng dữ dội, không phải mất đi hàng ngàn binh lính, và không phải sát hại quá nhiều người. Chí ít thì một vài lời khen thường dành cho Mahatma Gandhi vì tinh thần bất bạo động thực ra vốn dành cho Đế quốc Anh. Những nơi từng thuộc đế quốc đã giành lại được độc lập, hầu hết những nơi đó có đường biên giới vững chắc và sống hòa bình cùng các nước láng giềng. Đúng là hàng chục ngàn người đã thiệt mạng dưới bàn tay của Đế quốc Anh đáng sợ, và ở một số điểm nóng, việc Anh rút lui đã dẫn đến sự bùng nổ xung đột sắc tộc cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng (đặc biệt là ở Ấn Độ). Tuy nhiên, khi so sánh với chiều dài lịch sử nói chung, sự rút lui của người Anh là một ví dụ điển hình của hòa bình và trật tự. Đế quốc Pháp cứng đầu hơn nhiều. Sự sụp đổ của nó kéo theo những hành động đẫm máu của đội quân hậu tập ở Việt Nam và Algeria, lấy đi hàng trăm ngàn sinh mạng. Tuy nhiên, Pháp cũng rút lui khỏi phần thuộc địa còn lại của họ một cách nhanh chóng và hòa bình, để lại đằng sau các quốc gia có trật tự chứ không phải là một mớ bòng bong hỗn tạp.

Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1989 thậm chí còn bình yên hơn, ngoại trừ sự bùng lên của xung đột sắc tộc vùng Balkan, Caucasus và Trung Á. Chưa bao giờ một đế chế hùng mạnh lại biến mất nhanh chóng và lặng lẽ đến vậy. Liên Xô của năm 1989 đã không gặp phải thất bại quân sự nào ngoại trừ ở Afghanistan, không bị xâm lược từ bên ngoài, không có nổi loạn, thậm chí cũng không có những chiến dịch bất tuân dân sự kiểu Martin Luther King trên quy mô lớn. Liên Xô vẫn có hàng triệu binh sĩ, hàng chục ngàn xe tăng và máy bay, và đủ loại vũ khí hạt nhân để quét sạch toàn bộ nhân loại vài lần nữa. Hồng quân Xô-viết và các đội quân thuộc Hiệp ước Warsaw khác vẫn trung thành. Chỉ cần Mikhail Gorbachev, người lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, ra lệnh, Hồng quân sẽ phục tùng tuyệt đối.

Tuy nhiên, giai cấp ưu tú của chế độ Xô-viết, và các chế độ cộng sản trong hầu hết các nước Đông Âu (Romania và Serbia là những trường hợp ngoại lệ), quyết định không sử dụng dù chỉ một phần rất nhỏ sức mạnh quân sự này. Khi các thành viên nhận thức được tiến trình giải thể, họ từ bỏ vũ lực, thừa nhận thất bại, đóng gói hành lý và đi về nhà. Gorbachev và các đồng chí của ông ta đã buông bỏ nhẹ nhàng không chỉ những lãnh thổ thuộc Liên Xô trong Thế chiến II, mà còn cả những vùng chiếm đóng từ xưa của các Nga hoàng như vùng Baltic, Ukraine, Caucasus và Trung Á. Thật rùng mình khi mường tượng điều gì có thể xảy ra nếu Gorbachev hành xử giống như các lãnh đạo Serbia – hay như người Pháp ở Algeria.

Mâu thuẫn cục bộ

Các quốc gia giành được độc lập từ tay đế quốc rõ ràng không còn chút hứng thú nào với chiến tranh. Với rất ít ngoại lệ, từ năm 1945 các quốc gia đã không còn xâm chiếm nước khác để chinh phục và nuốt chửng họ. Những cuộc chinh phục như vậy là chủ đề chính của lịch sử chính trị từ thời xa xưa. Đó là cách mà hầu hết các đế chế vĩ đại được thành lập, và là cách mà những người cai trị và dân chúng kỳ vọng mọi thứ sẽ diễn ra. Nhưng những cuộc chinh phục như của người La Mã, Mông Cổ và Ottoman không thể diễn ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới ngày nay. Kể từ năm 1945, không một quốc gia độc lập nào được công nhận bởi Liên Hiệp Quốc bị chinh phục và xóa sổ khỏi bản đồ. Những cuộc chiến tranh quốc tế ở mức độ hạn hẹp vẫn diễn ra lúc này hay lúc khác, và hàng triệu người vẫn chết trong chiến tranh, nhưng các cuộc chiến không còn là một chuẩn mực.

Nhiều người tin rằng sự biến mất của chiến tranh quốc tế chỉ có ở các nền dân chủ giàu có của Tây Âu. Trong thực tế, hòa bình đến với châu Âu sau khi đã thắng thế trên các khu vực khác của thế giới. Do đó, cuộc chiến quốc tế cuối cùng nghiêm trọng nhất tại các quốc gia Nam Mỹ là giữa Peru và Ecuador vào năm 1941, và chiến tranh giữa Bolivia và Paraguay vào năm 1932-1935. Trước đó đã không xuất hiện một cuộc chiến nghiêm trọng nào giữa các quốc gia Nam Mỹ kể từ năm 1879-1884, khi Chile đối đầu với liên minh giữa Bolivia và Peru.

Chúng ta ít khi nghĩ rằng thế giới Ả-rập đặc biệt yên bình. Tuy nhiên, chỉ một lần duy nhất kể từ khi các nước Ả-rập giành độc lập, có một trong các quốc gia mới phát động một cuộc chiến xâm lược toàn diện với quốc gia khác (Iraq xâm chiếm Kuwait vào năm 1990). Đã có khá nhiều xung đột biên giới (ví dụ như giữa Syria và Jordan năm 1970), nhiều can thiệp vũ trang vào công việc nội bộ của quốc gia khác (ví dụ như Syria ở Lebanon), nhiều cuộc chiến tranh dân sự (Algeria, Yemen, Libya), cùng rất nhiều các cuộc đảo chính và nổi dậy. Tuy nhiên, đã không có cuộc chiến tranh quốc tế toàn diện nào giữa các quốc gia Ả-rập, ngoại trừ cuộc chiến Vùng Vịnh. Ngay cả khi thêm vào toàn bộ thế giới Hồi giáo, cũng chỉ góp một ví dụ nữa: chiến tranh Iran với Iraq. Không có chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ với Iran, Pakistan với Afghanistan, hay giữa Indonesia và Malaysia.

Tại châu Phi, mọi thứ không được màu hồng như thế. Nhưng ngay cả ở đó, hầu hết xung đột đều là nội chiến và đảo chính. Kể từ khi các nước châu Phi giành độc lập trong những năm 1960 và 1970, rất ít quốc gia xâm chiếm nước khác để mở mang bờ cõi.

Có những quãng thời gian tương đối yên tĩnh trước đó, ví dụ như ở châu Âu giữa năm 1871 và 1914, và sau đó luôn là sự kết thúc tồi tệ. Nhưng lần này thì khác, khi hòa bình thực sự không phải là sự vắng mặt của chiến tranh nữa. Hòa bình thực sự là chiến tranh không thể tồn tại. Chưa bao giờ có hòa bình thực sự trên thế giới. Giữa năm 1871 và 1914, một cuộc chiến ở châu Âu vẫn có thể xảy ra, và tham vọng chiến tranh vẫn là tư tưởng chủ đạo của quân đội, chính trị gia cũng như công dân bình thường. Linh tính này đúng với mọi thời kỳ hòa bình khác trong lịch sử. Quy luật chủ chốt của chính trị quốc tế cho thấy, “Với hai chính thể gần nhau, sẽ có một kịch bản hợp lý đẩy họ đến chiến tranh trong vòng một năm”. Thứ luật rừng từng có hiệu lực vào cuối thế kỷ 19 ở châu Âu, vào thời trung cổ châu Âu, tại Trung Hoa và Hy Lạp cổ đại. Nếu Sparta và Athens hòa bình vào năm 450 TCN, thì một kịch bản hợp lý là giữa họ sẽ nổ ra chiến tranh trước thời điểm năm 449 TCN.

Ngày nay nhân loại đã phá vỡ thứ luật rừng này. Cuối cùng thì cũng có hòa bình kéo dài thực sự, và không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh. Với hầu hết các chính thể, không có kịch bản hợp lý nào dẫn đến xung đột toàn diện trong vòng một năm. Điều gì có thể dẫn đến chiến tranh giữa Đức và Pháp trong năm tới? Hoặc giữa Trung Hoa và Nhật Bản? Hoặc giữa Brazil và Argentina? Một số cuộc đụng độ biên giới nhỏ có thể xảy ra, nhưng chỉ có một kịch bản huyễn tưởng mới có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện như xưa vào năm 2014, với những sư đoàn thiết giáp Argentina càn quét qua cửa ngõ thành phố Rio, và việc chính quyền Brazil ném bom rải thảm, nghiền thành bột các khu vực lân cận của Buenos Aires. Những cuộc chiến tranh như vậy vẫn nổ ra giữa một vài quốc gia, ví dụ giữa Israel và Syria, Ethiopia và Eritrea, hoặc Hoa Kỷ và Iran, nhưng đó chỉ là trường hợp ngoại lệ.

Tất nhiên, tình trạng này có thể thay đổi trong tương lai, và với nhận thức muộn màng, thế giới hôm nay có vẻ rất ngây thơ. Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử, sự ngây thơ của chúng ta rất hấp dẫn. Chưa bao giờ hòa bình lại phổ biến đến mức con người thậm chí không thể tưởng tượng được chiến tranh.

Các học giả đã tìm cách giải thích tình trạng tốt đẹp này trong nhiều cuốn sách và bài viết hơn rất nhiều những gì bạn muốn đọc, và họ đã xác định được một vài yếu tố đóng góp. Thứ nhất và thiết yếu nhất, là cái giá của chiến tranh đã tăng lên đáng kể. Giải Nobel Hòa bình ở trên mọi giải thưởng hòa bình lẽ ra nên được trao cho Robert Oppenheimer và những đồng sự đã chế tạo ra bom nguyên tử. Vũ khí hạt nhân đã biến cuộc chiến giữa các siêu cường trở thành trò tự sát tập thể, và khiến người ta hiểu rằng không thể thống trị thế giới bằng vũ lực.

Thứ hai, trong khi cái giá của chiến tranh tăng vọt, lợi nhuận của nó cũng giảm. Trong phần lớn lịch sử, các chính thể có thể làm giàu bằng cách cướp bóc hoặc sáp nhập lãnh thổ đối phương. Hầu hết tài sản bao gồm những cánh đồng, gia súc, nô lệ và vàng, do đó, thật dễ để cướp hay chiếm đóng. Ngày nay, sự giàu có chủ yếu đến từ nguồn nhân lực, kiến thức kĩ thuật và các cấu trúc kinh tế xã hội phức tạp như ngân hàng. Do đó rất khó để mang đi hoặc sáp nhập chúng vào lãnh thổ nào đó.

Chẳng hạn như California. Sự giàu có ở đây ban đầu được xây dựng trên các mỏ vàng. Nhưng ngày nay nó được xây dựng trên Silicon và phim ảnh – Thung lũng Silicon và phim trường Hollywood. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Hoa xâm lược vũ trang California, đổ bộ một triệu binh sĩ lên bãi biển San Francisco, và tổng tấn công nội địa? Họ sẽ không kiếm được gì nhiều. Không có mỏ Silicon ở Thung lũng Silicon. Sự giàu có nằm trong trí óc của các kĩ sư Google và các bậc thầy kịch bản, đạo diễn và chuyên gia hiệu ứng đặc biệt của Hollywood, những người sẽ lên chiếc máy bay đầu tiên đến Bangalore hay Mumbai trước khi xe tăng Trung Hoa tiến vào Đại lộ Hoàng hôn. Không phải ngẫu nhiên mà thi thoảng vẫn diễn ra các cuộc chiến quy mô quốc tế, chẳng hạn như khi Iraq gây chiến với Kuwait, thường ở những nơi mà sự giàu có vẫn đến từ nguồn tài nguyên khoáng sản thời xưa. Toàn bộ hoàng tộc Kuwait có thể trốn đi nước ngoài, nhưng các mỏ dầu vẫn còn đó và bị chiếm đóng.

Trong khi chiến tranh không còn đem lại nhiều lợi nhuận, hòa bình trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Trong nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, thương mại đường dài và đầu tư nước ngoài nắm giữ vị trí quan trọng. Do đó, hòa bình cũng mang lại đôi chút lợi ích, bên cạnh việc tránh được phí tổn chiến tranh. Giả dụ, năm 1400 Anh và Pháp đang hòa bình, người Pháp đã không phải nộp thuế chiến tranh nặng nề và chịu những cuộc xâm chiếm phá hoại của Anh, nhưng ngoài những sự kiện đó ra, túi tiền của họ cũng chẳng được lợi gì. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại, thương mại và đầu tư nước ngoài đã trở nên hết sức quan trọng. Do đó hòa bình mang lại những món lợi tức có một không hai. Miễn là Trung Quốc và Mỹ có mối quan hệ yên bình, Trung Quốc có thể phát triển thịnh vượng bằng cách bán sản phẩm sang Mỹ, giao dịch tại phố Wall và nhận các khoản đầu tư từ Mỹ.

 

Hình 43

 

Hình 43 và 44. Những thợ đào vàng tại California trong “Con sốt vàng” và trụ sở chính của Facebook gần San Franciso. Năm 1849, thành phố California giàu có nhờ vàng ròng. Còn ngày nay, California giàu có nhờ vào Silicon. Nhưng trong khi năm 1849, vàng thực sự nằm dưới đất đai ở California, thì ngày nay những kho báu thực sự của Thung lũng Silicon lại nằm trong đầu của những nhân viên công nghệ cao.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một sự chuyển đổi khổng lồ đã diễn ra trong nền văn hoá chính trị toàn cầu. Giới tinh hoa trong lịch sử – ví dụ, những thủ lĩnh Hungary, quý tộc Viking và linh mục Aztec – đều xem chiến tranh là một điều tích cực. Những người khác xem nó như tội ác, nhưng là điều không thể tránh khỏi, vậy nên tốt hơn hết chúng ta hãy biết tận dụng các cuộc chiến. Thời đại của chúng ta là lần đầu tiên trong lịch sử mà thế giới bị chi phối bởi giới tinh hoa yêu hòa bình – các chính trị gia, doanh nhân, trí thức và nghệ sĩ thực sự nhìn nhận chiến tranh như là cái ác và có thể tránh được. (Đã từng có những người theo chủ nghĩa hòa bình trong quá khứ, chẳng hạn như các tín đồ Ki-tô thời kỳ đầu, nhưng trong những trường hợp hiếm hoi mà họ giành được quyền lực, họ có xu hướng quên đi yêu cầu “chìa má bên kia ra” của mình.)

Có một vòng lặp phản hồi tích cực từ tất cả bốn yếu tố này. Mối đe dọa diệt vong hạt nhân thúc đẩy chủ nghĩa hòa bình; khi hòa bình lan rộng, chiến tranh giảm xuống và thương mại khởi sắc, thương mại làm gia tăng cả những lợi ích của hòa bình và chi phí của chiến tranh. Theo thời gian, vòng lặp phản hồi này tạo ra một trở ngại khác cho chiến tranh, mà cuối cùng có thể chứng minh cho điều quan trọng hơn hết thảy. Mạng lưới ngày càng khăng khít của những mối liên kết quốc tế làm xói mòn sự độc lập của hầu hết các quốc gia, làm giảm cơ hội mà bất kỳ đất nước nào có thể tự tung tự tác. Hầu hết các quốc gia không còn tham gia vào chiến tranh toàn diện, vì đơn giản là họ không còn độc lập nữa. Mặc dù người dân ở Israel, Ý, Mexico và Thái Lan có thể nuôi dưỡng ảo tưởng về độc lập, nhưng thực tế là chính phủ của họ không thể tiến hành các chính sách kinh tế hay đối ngoại độc lập, và họ chắc chắn không có khả năng tự khởi xướng và tiến hành chiến tranh toàn diện. Như đã giải thích ở chương 11, chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của một Đế chế Toàn cầu. Giống như các đế quốc trước đây, lần này cũng vậy, Đế chế Toàn cẩu thực thi hòa bình bên trong biên giới của nó. Và bởi vì biên giới của nó bao gồm toàn bộ thế giới, Đế chế Toàn cầu có thể thực thi hòa bình thế giới một cách hiệu quả.

Vậy, kỷ nguyên hiện đại có phải là hiện thân của những cuộc thảm sát điên rồ, chiến tranh và đàn áp, điển hình là những cuộc chiến hào lũy trong Thế chiến I, đám mây hạt nhân hình nấm ở Hiroshima và những cơn điên cuồng đẫm máu của Hitler? Hay đó là một kỷ nguyên của hòa bình, điển hình là những chiến hào không bao giờ đào ở Nam Mỹ, những đám mây nấm không bao giờ xuất hiện ở Moscow và New York, và những gương mặt thanh thản của Mahatma Gandhi và Martin Luther King?

Câu trả lời nằm ở thời gian. Cần tỉnh táo để nhận ra rằng cách nhìn của chúng ta về quá khứ thường bị bóp méo bởi những sự kiện trong thời gian gần nhất như thế nào. Nếu chương này được viết vào năm 1945 hoặc 1962, nó có thể sẽ mang phong cách bi thảm hơn nhiều. Vì được viết vào năm 2014, nên chương này chọn một cách tiếp cận tương đối vui vẻ hơn về lịch sử hiện đại.

Để thỏa mãn cả những người lạc quan lẫn bi quan, chúng ta có thể kết luận rằng con người đang ở ngưỡng cửa của cả thiên đường lẫn địa ngục, di chuyển một cách lo lắng giữa cửa vào của thiên đường và phòng chờ của địa ngục. Lịch sử vẫn chưa quyết định chúng ta sẽ kết thúc ở nơi nào, tuy nhiên một chuỗi sự kiện ngẫu nhiên có thể đẩy chúng ta lăn về một trong hai hướng.