Sài Gòn năm xưa

Phần 4 - 4

Sài Gòn là đất hưng vương, căn bổn phát tích Nguyễn Triều. Pháp chiếm năm 1859. Pháp bị lật năm 1945. Tiếp theo là cuộc trưởng thành, cách mạng, độc lập.

Lịch sử Sài Gòn có lắm đoạn vẻ vang:

Không có bàn tay người Việt tô điểm, không thịt xương người Việt làm nồng cốt, không máu huyết người Việt làm xi mon, chưa chắc Sài Gòn có bộ mặt mới xinh như ngày nay.

Có người quen tánh lý luận, chê lớp tiền bối lựa Sài Gòn làm kinh đô là thất sách, vì xa biển. Sao không chọn Vũng Tàu Ô Cấp, đủ sơn, đủ thủy, tàu bè dễ ghé dễ lui. Một nhà chuyên môn kiêm bác sĩ nói với tôi: "Vũng Tàu cát bời rời, đất không chơn đứng, xây nhà không bền chắc; ở ngay mũi súng, khó phòng thủ. Thiếu nước ngọt, bị phủ vây thì nguy to".

Sài Gòn, trái lại:

Có mội nước lọc dưới đất cát, đủ cung cấp nước ăn quanh năm, khéo tiết kiệm không lo thiếu nước.

Sông Đồng Nai, thác Trị An ở gần: dẫn nước tốt dễ dàng.

Sài Gòn là đất núi, có chơn đứng, xây cất nhà bao nhiêu từng cao đều được;

Sông Nhà Bè quanh co uốn khúc, vì vậy mà hiểm, binh giặc kéo đường thủy, đủ thời gian lập thế thủ; nhờ khuất gió mạnh, bến được yên, tàu đậu không sợ bão tố.

Đứng giữa các mối đường, sự giao thông thuận tiện;

Ngày nay có sân bay rộng lớn khang trang, Sài Gòn nối liền với hoàn cầu trong nháy mắt.

Như một viên bảo ngọc, càng ngày càng quý, Sài Gòn hội đủ điều kiện để trở thành một đô thị tối tân.

Xuân Mậu Tuất (1958) - Xuân Canh Tý (1960)

VƯƠNG HỒNG SẾN