Ru giấc mộng đời

Chương 16

Nỗi đau nào rồi cũng phải nguôi ngoai, nỗi buồn nào rồi cũng có lúc phải quên đi. Vì trong cuộc sống còn biết bao điều đáng nói.

Tịnh Phương cũng đã nguôi ngoai phần nào nỗi đau của mình. Cô đã nghĩ rất nhiều chuyện này trong những ngày ở một mình nơi nhà trọ. Bởi vì cô biết, đối với Thoại và Mỹ Chi thì mình không thể trách ai trong hai người.

Thoại không hề có lỗi với cô, vì từ xưa tới nay, anh luôn săn sóc cô nhưng tất cả chỉ như sự quan tâm của một người anh trai với đứa em gái ruột của mình. Mà tình cảm giữa cô và anh chẳng phải như thế hay sao khi mà suốt từ khi mới sinh ra, cô đã luôn gắn bó với gia đình anh như một đứa con trong gia đình.

Còn chuyện ông bà Mẫn đã từng nói đến chuyện nhận cô làm con dâu thì chuyện đó chẳng qua chỉ là những lời nói trong lúc trà dư tửu hậu. Nếu cô có lấy những lời đó làm mơ ước cho riêng mình thì chẳng qua chỉ là nỗi niềm riêng mà thôi.

Với Mỹ Chi thì lại càng không thể trách. Vì cô ta không thể biết được những gì cô đang ôm ấp trong lòng. Mà chuyện cô ta và Thoại yêu nhau thì cũng bình thường như bao nhiêu người tự do khác mà thôi.

 

Nghĩ cho thấu đáo mọi điều,Tịnh Phương thấy niềm đau trong người mình đã vơi bớt rất nhiều. Có còn chăng thì chỉ là nỗi buồn mênh mang, tựa như tâm trạng của một người biết mình vừa mất đi một vật quý giá mà không thể nào tìm được nữa, thế thôi!

 

Lấy lại sự bình thản cho mình, Tịnh Phương trở về nhà để nghỉ cho hết những ngày hè. Cô muốn gần gũi với cha hơn chứ không muốn cha chỉ sống riêng với mẹ con Mỹ Chi.

Ông Tịnh cũng luôn mong ngóng con gái, ông tin rằng Tịnh Phương sẽ nhanh chóng khuây khỏa, và cô sẽ lại là Tịnh Phương hôm nào của ông. Vì thế, khi trông thấy Tịnh Phương về đến cổng thì ông Tịnh không ngạc nhiên chút nào mà chỉ vui mừng reo lên:

- Con gái ba đã về rồi đấy à!

Chạy nhanh vào nhà và xà xuống bên cha, Tịnh Phương nũng nịu:

- Bộ ba không muốn con về nhà hay sao mà lại hỏi như thế?

Ông Tịnh âu yếm choàng tay qua vai Tịnh Phương:

- Sao con lại hỏi ba như thế? Chẳng phải ba đang rất vui mừng khi con về nhà đây sao? Nào, con gái ba về ở nhà cho đến hết hè chứ?

Tịnh Phương gật đầu:

- Con sẽ ở nhà cho tới khi nào nhập học mới đi, ba ạ. Con nhớ nhà và nhớ ba quá chừng luôn.

- Vậy thì tốt rồi, ba cũng muốn con ở nhà một thời gian để ăn uống cho lại người chứ cứ ở một mình riết con lười ăn đến nỗi ốm nhom đây nè.

Tịnh Phương cười:

- Ốm mới đẹp, ba ơi! Mode bây giờ là con gái phải mảnh mai mới được chứ nặng ký quá không được đâu.

Ông Tịnh không bằng lòng:

- Thì cũng ốm vừa phải thôi chứ đâu như cây tăm thế này. Về nhà rồi ba không cho con nhịn ăn nữa đâu, phải theo thực đơn ba đặt ra đó. Không lẽ một bác sĩ như ba mà để con gái bị suy dinh dưỡng thì ai còn tín nhiệm nữa?

Tịnh Phương phá lên cười:

- Thôi đi ba ơi, ba nói con nghe sao mà sợ quá à, cứ tình hình này khi trở lên Saigon để đi học, chắc là tụi bạn con sẽ không nhận ra con quá.

Ông Tịnh ngạc nhiên:

- Sao lại không nhận ra?

- Thì vì không có cây tre là Tịnh Phương nữa mà thay vào đó là cái lu biết đi nên tụi nó làm sao mà nhận ra được.

Ông Tịnh cũng bật cười theo con gái mà lòng ông rộn vui. Nó đã biết nói đùa như thế là nỗi buồn đã vơi đi nhiều rồi đó. Nhưng ông Tịnh cũng biết như thế không có nghĩa là con gái ông đã quên hết đâu, vì trong mắt Tịnh Phương, ông vẫn nhìn thấy nỗi đau cứ thấp thoáng. Nhưng nó đã bình tĩnh như thế này là tốt rồi. Con gái ông xinh đẹp, giỏi giang và ngoan ngoãn như thế này. Chắc chắn nó sẽ có được một đời sống hạnh phúc. Từ bây giờ, ông phải chú ý đến nó nhiều hơn mới được!

- Ủa, Tịnh Phương về bao giờ vậy con?

Tiếng bà Mỹ Hương vang lên khiến cả hai cha con ông Tịnh đều tắt mất nụ cười. Nhưng Tịnh Phương vẫn lễ phép:

- Thưa dì, con mới về.

- Thế chừng nào con lại đi nữa?

Một câu hỏi nữa được bà Mỹ Hương thốt ra, lần này thì ông Tịnh cau mặt:

- Sao bà lại hỏi như thế? Con nó mới về mà hỏi như thế chẳng hóa ra là muốn cho nó đi ngay à?

Bà Mỹ Hương lườm chồng:

- Ông lại gieo tiếng oán cho tôi rồi, tối có ý như thế bao giờ? Chỉ là tôi muốn biết để còn tính việc thôi chứ.

Tịnh Phương nắm tay cha:

- Không sao đâu ba, ba đừng nói dì như thế. Con không nghĩ gì đâu, ba ạ - Quay sang bà Mỹ Hương, Tịnh Phương nhỏ nhẹ - Con sẽ ở nhà lâu đấy, dì ạ. Chắc là cả tháng con mới đi, có dì phiền không hở dì?

Bà Mỹ Hương quắc đôi mắt lên, nhưng thật nhanh bà đã lấy lại vẻ bình thường. Bà xua tay rối rít:

- Ồ, con gái nói gì mà lạ thế? Sao lại phiền khi mà đây chính là nhà của con! Dì chỉ muốn biết con ở nhà bao lâu để nhờ con một việc thôi... Không biết con có sẵn lòng giúp không?

Tịnh Phương gật đầu:

- Nếu việc đó không ngoài khả năng của con thì không có gì là không được hết, dì ạ.

Bà Mỹ Hương hớn hở cười:

- Không đâu, không có gì là vượt quá khả năng của con hết. Việc mà dì nhờ con rất dễ, chỉ cần con có thành ý là được rồi...

Tịnh Phương gật đầu:

- Vậy thì dì nói đi! Con có thể giúp dì được việc gì ạ?

Bà Mỹ Hương cười thật tươi:

- Chuyện là vầy, chị Chi con sắp làm lễ đính hôn. Nhưng nghĩ mãi mà dì và chị Chi vấn không thấy ai làm phù dâu hợp hơn con. Dì chỉ sợ con bận học không về được thì hỏng hết. May qua, con lại nghỉ ở nhà cả tháng. Như thế là quá may rồi. Chuyện này thì thật là không vượt quá khả năng của con, phải không?

Bà Mỹ Hương đưa ra vấn đề thật đột ngột khiến cả hai cha con Tịnh Phương cùng sững người lại. Nhưng rồi Tịnh Phương là người bình tĩnh lại trước. Cô gượng cười:

- Chuyện đó thì không khó thật, nếu như hôm đó con không bận chuyện gì thì con sẵn sàng thôi.

Ông Tịnh vội nói:

- Tịnh Phương à, con phải nghĩ lại chuyện này đấy. Ba thường nghe các ông già bà cả nói rằng con gái không nên làm dâu phụ, vì như thế sẽ mất duyên con gái đấy.

Bà Hương như nhảy nhổm lên:

- Ông nói gì lạ vậy? Chị em nó với nhau mà mất duyên cái gì? Chẳng lẽ ông không muốn cho con gái ông giúp Mỹ Chi hay sao?

Ông Tịnh lung túng:

- Không phải là như thế, chỉ vì...

Tịnh Phương nhìn cha:

- Không sao đâu, ba ạ. Con làm được mà! Ông bà ta xưa kia thường mê tín nên mới nghĩ như thế chứ bọn con được học hành như thế này thì chẳng lẽ cũng tin như các cụ hay sao? Con mà không có duyên thì dù cho có kín cổng cao tường đến mấy cũng vẫn vô duyên thôi. Nhưng nếu con có đức hạnh thì dù có làm phù dâu trăm lần cũng chẳng sao đâu ba.

Bà Mỹ Hương vội chộp ngay lấy câu nói của Tịnh Phương:

- Con gái nói phải đấy, ông mà còn lạc hậu như thế hay sao? Thôi nhé, như thế là dì yên tâm rồi. Không có chuyện thay đổi nữa đâu nhé Tịnh Phương.

- Vâng, dì cứ yên tâm. Con không quên điều mình đã hứa đâu.

- Vậy thì dì vào trong đây, không làm phiền hai cha con tâm sụ nữa.

Bà Mỹ Hương đứng lên và đi nhanh vào trong như sợ nếu bà chần chừ, có thể Tịnh Phương sẽ đổi ý. Trên môi bà Hương nở một nụ cười hể hả, đắc thắng vì ý định của bà đã thành công. Cái con bé khờ khạo này sẽ không thể nào thấy được cái thâm ý của bà đâu.

 

Nhất định trong ngày đính hôn, Mỹ Chi sẽ đẹp gấp vạn lần Tịnh Phương. Bà nhất định sẽ làm được điều đó. Và như thế, trong lòng Thoại sẽ không còn vấn vương gì cái con vịt Tịnh Phương xấu xí này nữa khi mà trong tay anh đã có con thiên nga Mỹ Chi xinh đẹp. Và sau đó, bà sẽ thúc hối Thoại làm đám cưới thật nhanh, như thế thì mới thực sự yên tâm.

 

Thật ra bà Mỹ Hương muốn buổi lễ này là lễ cưới hơn là đính hôn. Nhưng nếu như thế thì con gái bà lấy chồng mà lại không đủ các nghi lễ long trọng. Vì thế mà bà buộc lòng phải đồng ý với gia đình Thoại. Nhưng bà sẽ không để lâu đâu, vì Mỹ Chi phải chính thức làm vợ Thoại thì bà mới hết mọi nỗi lo trong lòng.

 

Cả hai cha con Tịnh Phương đều không trông thấy nụ cười đó, thế mà trong lòng ông Tịnh vẫn trĩu nặng. Ông nắm chặt tay con gái:

- Con không phải nhận lời nếu như con không muốn, con ạ. Ba không muốn con khó sử và bị tổn thương đâu.

Tịnh Phương lắc đầu:

- Con không sao đâu, ba ạ. Con đã nghĩ kỹ rồi, đời đâu phải là chuyện gì cũng như ý mình dâu. Vấn đề là mình có làm chủ được bản thân mình hay không mà thôi.

Ông Tịnh vui mừng nhìn con gái:

- Con nghĩ được như thế thì ba yên tâm rồi – Rồi ông lại dặn dò - Nhưng nếu như con thấy không thích thì cứ lên tiếng nhé, không phải miễn cưỡng đâu nhé.

- Con có gì đâu mà phải miễn cưỡng hở ba, chị Chi cũng tốt với con lắm. Làm được điều gì để giúp cho chị ấy thì con không ngại đâu.

Ông Tịnh chăm chú nhìn con:

- Nhưng con có biết là Mỹ Chi đính hôn với ai không?

Tịnh Phương lắc đầu:

- Chuyện đó đâu quan trọng hở ba? Dù chị ấy đính hôn với ai thì cũng đâu có liên quan gì tới con, vì họ sẽ có cuộc sống riêng của họ mà.

 

Dù Tịnh Phương nói cứng như thế nhưng ông Tịnh đã thấy được ánh mắt tối lại của cô, và nét đau đớn hằn sâu trong đôi mắt đen láy đó. Điều đó chứng tỏ là con gái ông đã phải dằn nén ghê lắm để giấu kín nỗi đau của mình.

Biết là con gái đau lòng như thế mà ông Tịnh đành phải nín thinh. Bởi vì ông không biết là mình phải nói gì nữa bây giờ để xoa dịu con gái chứ chứ đừng để cho vết thương trong lòng nó càng rách toạc ra thêm.

Ông Tịnh tự giận mình. Ông giận mình bất lực vì đã không giúp được gì cho Tịnh Phương. Ông cũng giận luôn cả bà Mỹ Hương, vì bà ta đã lại khơi thêm vào vết thương đang rỉ máu trong lòng Tịnh Phương.

Ông Tịnh chợt nghĩ, điều sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông chắc là việc ông đã cưới bà Mỹ Hương và để cho mẹ con bà sống ở đây. Nhưng chuyện đã rồi, ông còn có thể làm gì được nữa bây giờ!

 

Không thể nén nhịn được nữa, ông Tịnh buột miệng nói:

- Nhưng mà chú rể đây lại là thằng Thoại đó con.

Tịnh Phương cười nhẹ:

- Con đã nói là ai thì cũng vậy thôi mà. Con không nhận lời thì cũng có làm thay đổi được điều gì đâu hở ba?

Ông Tịnh ngập ngừng:

- Nhưng mà...

- Ba đừng băn khoăn nữa, ba ạ. Con đã hiểu rõ vấn đề rồi mà. Có thể trước kia con đã ngộ nhận, nhưng khi hiểu biết được mọi điều thì phải chấp nhận chứ ba. Nếu như không hiều được như thế thì hôm nay con chưa về nhà đâu. Mà con đã về rồi thì ba không cần phải lo lắng như thế nữa.

Vòng tay ông Tịnh ôm chặt bờ vai nhỏ nhắn của con gái, ông nói mà nước mắt đã ứa ra:

- Con giỏi lắm, con gái của ba. Con dũng cảm như thế thì chuyện gì cũng không thể nào làm con nao núng được. Đúng không con?

Tịnh phương ngả đầu vào ngực cha tin cậy:

- Nhất là khi bên cạnh con còn có một ông bố tuyệt vời như thế này thì lại càng không phải sợ điều gì nữa, phải không ba?