"Chín tháng – mùa đông rét mướt, ba tháng còn lại – quần quật như tù khổ sai" – chắc hẳn, họ có ý than vãn rằng, cả thảy chỉ trong chín mươi ngày mà phải hết cày bừa lại đến gieo trồng, hết chăm bón lại đến gặt hái, hết cắt rạ đến thu rơm đánh đống, rồi lại còn xén lông cừu nữa".
Tất cả dân vùng này đều hiểu họ đang sống trong một thế giới mà chẳng nơi đâu còn tồn tại, nhưng họ vẫn một mực không muốn chấp nhận một điều rằng, họ là thế hệ cuối cùng của những người làm ruộng và chăn cừu biết bao đời nay đã sống ở miền núi đồi này. Sớm muộn gì thì ở vùng quê của họ cũng sẽ xuất hiện máy móc, còn đàn cừu sẽ bị lùa tới một nơi xa, chúng sẽ được nuôi theo phương pháp khác thường, rồi một công ty khổng lồ nào đó của nước ngoài sau khi mua được thị trấn này sẽ biến nó thành một khu nghỉ trượt tuyết.
Tất cả các thị trấn quanh vùng đều đã chịu chung một số phận như thế, duy nhất chỉ Viscos là vẫn chống chọi lại – bởi điều này có mối dây dưa với quá khứ, với những truyền thống bền vững của tổ tiên cha ông, những người đã từng sống ở nơi đây, những người đã dạy họ về tầm quan trọng của việc phản kháng đến cùng.
Người khách mới đến chăm chú đọc hết tờ mẫu đăng ký để biết xem phải ghi những gì. Nghe cách phát âm, những người dân ở đây chắc sẽ đoán rằng ông ta đến từ một nước Mỹ La tinh nào đó, và vì thế, ông khách quyết định ghi "Argentina" – ông ta rất mê đội tuyển bóng đá của nước này. Ở dòng "địa chỉ nhà riêng", ông khách khai "phố Columbia" vì nhớ đến một phong tục ở Nam Mỹ - để tỏ lòng kính trọng, các đường phố và quảng trường thường được đặt tên các nước láng giềng. Còn tên cho mình, ông khách lấy tên của một tay khủng bố khét tiếng sống vào thế kỷ trước.
Và chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau, 281 người dân Viscos ai ai cũng biết chuyện có một người khách nước ngoài tên là Carlos, người Argentian, sống ở Buenos Aires trên phố Columbia nổi tiếng vừa đến thị trấn của họ.Đó là cái lợi thế của những thị trấn nhỏ bé, anh chẳng tốn chút công sức nào mà mọi người đều biết hết về anh.
Thêm nữa, đây cũng chính là chủ đích của người khách vừa đến.
Lên đến phòng mình, ông khách mở va ly ly ra vài bộ quần áo, bộ dao cạo râu, một đôi giày dự phòng, các loại thuốc phòng cảm cúm, một cuốn vở dày để ghi chép và 11 thỏi vàng, mỗi thỏi nặng 2kg. Quá mệt mỏi và căng thẳng, vì phải leo dốc và mang xách nặng, ông khách ngủ thiếp đi. Nhưng trước khi ngủ, việc đầu tiên vẫn là lấy một chiếc ghế chèn cửa ra vào mặc dù ông ta biết rằng có thể tin tưởng từng người trong số 281 người dân Viscos.
Sáng hôm sau uống xong tách cà phê, ông khách gửi lại bộ quần áo chỗ người gác cửa khách sạn để giặt rồi lại xếp những thỏi vàng vào va ly và đi về phía ngọn núi nằm ở hướng đông của thị trấn. Trên đường đi, ông ta chỉ nhìn thấy đúng một phụ nữ địa phương – một bà lão đang ngồi trước cửa nhà mình, dõi theo ông ta với ánh mắt tò mò.
Ông khách tiến sâu vào cánh rừng rậm rạp rồi chờ một lát cho tai quen dần với tiếng côn trùng và chim chóc, tiếng gió vi vút luồn qua đám cành cây trụi lá. Ông ta biết ở đây thì không một ai có thể bí mật theo dõi được mình và có đến gần cả tiếng đồng hồ ngồi tận hưởng cảm giác thảnh thơi và nhàn tản.
Khi ấy đã tin chắc rằng nếu có ai đó theo dõi ông thì bây giờ cũng đành bỏ đi, bởi sẽ chẳng biết được điều gì đặng có thể về kể cho những người hàng xóm, người khách lạ bèn đào một cái hố ngay dưới chân một tảng đá dựng đứng trông như hình chữ "Y", và chôn ở đó một thỏi vàng. Theo sườn núi dốc leo lên một chút nữa, rồi lại ngồi một tiếng, làm bộ như mải mê đắm chìm trong phong cảnh thiên nhiên, và thấy một tảng đá khác – tảng đá này giống một con chim ưng. Ông ta đào thêm một cái hố nữa và chôn xuống đó 10 thỏi vàng còn lại.
Người đầu tiên ông khách gặp trên đường quay về Viscos là một cô gái ngồi đọc sách bên một trong những con suối nhỏ chẳng biết tự bao giờ hình thành ở miền đất này khi các dòng băng hà tan chảy. Cảm thấy sự hiện diện của ông khách, cô gái ngước lên nhưng liền cắm cúi đọc tiếp. Bà mẹ của cô chắc hẳn đã răn dạy cô không được bắt chuyện với những người lạ.
Nhưng tại sao những người khách lạ đến từ một nước khác lại không thử kết thân với những người dân sở tại? Họ có quyền làm điều này chứ. Nghĩ vậy ông khách vừa bước lại gần vừa cất tiếng chào.
Chào cô! Vào mùa này sao lại nóng thế cô nhỉ?
Cô gái im lặng gật đầu.
Tôi muốn cho cô xem cái này – Người khách nọ vẫn cố bắt chuyện.
Cô gái tỏ ra mình là người được dạy dỗ. Cô đặt cuốn sách xuống, đưa tay ra và tự giới thiệu.
Tôi tên là Chantal. Chiều nào tôi cũng làm việc ở quán bar của khách sạn nơi ông nghỉ lại. Tôi vẫn lấy làm lạ vì ông chưa một lần ăn tối. Ông biết đấy, thu nhập của khách sạn không chỉ nhờ vào việc cho thuê phòng mà còn nhờ vào tất cả những gì mà khách trọ dùng. Ông tên là Carlos, đến từ Argentina, sống trên phố Columbia, cả thị trấn đã biết về điều này vì những an đến vùng chúng tôi không vào mùa săn đều gây sự hiếu kỳ cho tất cả mọi người. Tuổi chừng 50, mái tóc muối tiêu, có cái nhìn của một người phong lưu và rất từng trải. Còn về lời mời của ông…Vâng, tất nhiên, tôi xin cảm ơn, nhưng khắp vùng quanh Viscos này tôi biết rõ như trong lòng bàn tay mình, vậy nên, đúng hơn là tôi phải giới thiệu cho ông những gì mà ông chưa bao giờ được thấy. Nhưng có lẽ ông rất bận thì phải.
Tôi 52 tuổi, tên tôi không phải là Carlos, và tất thảy những gì ghi trong bản đăng ký đều không đúng đâu.
Chantal quá bất ngờ đến nỗi không biết nói gì. Còn người khách nói tiếp.
Và cái tôi muốn cho cô xem thì hoàn toàn không phải là danh lam thắng cảnh của Viscos mà là một thứ cô chưa bao giờ được thấy trong đời.
Chantal đã đọc nhiều chuyện về những cô gái theo người lạ vào rừng sâu rồi sau đó bị mất tích. Nỗi sợ hãi chợt thoáng xâm chiếm lấy cô nhưng biến mất liền, thay vào đó là cảm giác háo hức một cuộc phiêu lưu. Vả lại, ông khách nhất quyết không dám giở trò gì xấu xa. Cô chẳng vừa nói với ông ta rằng, cả thị trấn Viscos này đều biết về ông ta đấy thôi, dù là những thông tin ông ta đưa ra về bản thân mình không đúng với thực tế đi chăng nữa.
Vậy thì ông là ai? – cô hỏi – nếu những gì ông vừa nói với tôi là thật, tôi có thể báo cho cảnh sát biết ông đã khai man về mình. Điều này chẳng lẽ ông không biết sao?
Tôi xin hứa sẽ trả lời mọi câu hỏi của cô, nhưng trước hết hãy đi cùng tôi. Đến đó cũng gần thôi, chừng năm phút đi bộ.
Chantal gập mạnh quyển sách, hít một hơi thật dài và cảm thấy trong cô, nỗi sợ hãi xen lẫn với cảm giác hân hoan chờ đợi một điều gì đó kỳ diệu. Sau đó cô đứng dậy va đi theo người khách lạ. Tuy nhiên cô tin chắc một điều rằng, lại một sự thất vọng nữa có thể đang chờ đợi mình. Thường là thế và lần nào cũng bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ đầy hứa hẹn để rồi lại mau chóng biến thành một ước mơ không thành về một mối tình.
Trong lúc Chantal còn mải nghĩ ngợi thì người khách lạ đã đến gần tảng đá hình chữ Y, sau đó chỉ cho cô thấy đống đất mới đào và đề nghị cô gái thử đào xem có gì được chôn ở dưới đó.
Người tôi sẽ lấm lem mất thôi – Chantal nói – tôi sẽ bị bẩn hết cả tay và bộ váy áo nữa.
Người khách lạ nhặt một cành cây nằm dưới đất, bẻ gãy nó rồi đưa cho Chantal. Cô gái lấy làm ngạc nhiên song vẫn quyết định không phản đối một lời, làm theo mọi yêu cầu của ông khách và bắt tay vào đào.
Năm phút sau, trước mắt Chantal hiện ra một khối nhỏ màu vàng hình chữ nhật nằm lẫn trong đất.
Hình như là vàng – cô nói.
Vàng đấy. Vàng của tôi. Mời cô đào nó lên.
Chantal nghe theo. Sau đó, người khách lạ dẫn cô đến chỗ chôn giấu thứ hai. Cô lại đào bới hố đất, nhưng lần này thì cô thật sự kinh ngạc khi thấy bao nhiêu là vàng hiện ra trước mắt cô.
Đây cũng là vàng. Và nó cũng là của tôi.
Chantal định gạt đất lấp hố, nhưng người khách lạ yêu cầu cô cứ để nguyên như thế. Sau đó ông ta ngồi xuống một phiến đá, châm thuốc hút và dõi mắt nhìn xa xăm.
Vì sao ông lại cho tôi xem số vàng này? – Chantal hỏi.
Người khách im lặng.
Ông là ai? Và ông làm gì ở Viscos? Ông cho tôi xem vàng để làm gì? Chẳng lẽ ông không hiểu là tôi có thể kể cho mọi người biết cái gì được chôn giấu trên sườn núi này hay sao?
Quá nhiều câu hỏi cùng một lúc đấy! – Người khách lạ trả lời, mắt vẫn không rời ngọn núi và như không hề để ý đến sự có mặt của Chantal – À, còn về việc kể chuyện cho mọi người, tôi cũng chỉ cần có thế.
Chính ông đã hứa với tôi rằng sẽ trả lời mọi câu hỏi nếu tôi đến đây cơ mà?
Trước hết, không nên tin vào những lời hứa. Trên thế gian này có biết bao nhiêu là lời hứa. Người ta hứa hẹn nào là giàu có, nào là cứu rỗi linh hồn, nào là yêu đến trọn đời…Có những người tự cho mình cái quyền hứa trời hứa biển chả thiếu thứ gì. Lại có những người sẵn sàng tin vào mọi lời hứa miễn sao chúng bảo đảm cho họ một số phận khác tốt đẹp hơn. Cô ở trong số những người này. Những kẻ đưa ra lời hứa và không cần thực hiện, rốt cuộc cũng trở thành những kẻ bất lực và vô tích sự. Và điều này cũng xảy ra với những người nhẹ dạ cả tin quáng quàng vơ vội lấy lời hứa.
Ông khách chủ tâm làm mọi chuyện rối rắm thêm bởi liền đấy ông ta lái sang câu chuyện kể về đời tư của mình, về cái đêm đã làm thay đổi số phận của ông ta, về sự lừa dối mà ông ta buộc phải chấp nhận, vì chấp nhận sự thật là điều không thể. Nhưng nếu ông ta muốn Chantal hiểu được ý nghĩa trong những lời nói của ông ta, thì ông ta cần phải nói với cô bằng ngôn ngữ của cô.
Tuy vậy, cô gái hầu như đã hiểu hết. Người khách lạ, cũng như bất kể một người đàn ông có tuổi nào,chắc chắn chỉ nghĩ đến chuyện làm thế nào để ngủ được với một cô gái trẻ. Cũng như tất cả mọi người, ông ta tin rằng, bằng tiền bạc có thể có được mọi thứ. Cũng như bất kỳ một người khách mới đến nào, ông ta nghĩ rằng những cô gái tỉnh lẻ ngây thơ và khờ dại đến độ sẵn lòng nghe theo bất kỳ lời đề nghị nào, được thổ lộ hay ngụ ý, miễn sao chí ít nó cũng là một cơ hội để có thể thoát khỏi chốn khỉ ho cò gay này. Ông khách không phải là người đầu tiên, và đáng buồn thay, cũng không phải là người cuối cùng toan quyến rũ cô bằng cách đơn giản và thô thiển ấy. Chỉ có một điều khiến Chantal lo ngại. Đó là ông ta mời chào cô quá nhiều vàng. Cô chưa bao giờ dám nghĩ mình đáng giá đến thế, nhưng điều này cũng lúc vừa khiến cô hãnh diện lại vừa làm cô hoảng sợ.
Tôi đâu phải là trẻ con để tin vào những lời hứa – Chantal đáp lại mong tranh thủ thời gian.
Thế nhưng cô đã tin và còn tiếp tục tin.
Ông lầm đấy, tôi biết, tôi đang được sống nơi thiên đường, tôi đọc Kinh Thánh và tôi không lặp lại những sai lầm của Eva, không muốn hài lòng với những gì đã có.
Tất nhiên, Chantal không nói thật lòng mình và thật ra trong thâm tâm, cô bắt đầu lo người khách lạ không còn hứng thú với cô và sẽ bỏ đi. Cô làm thế cốt để dụ người khách lạ vào bẫy, vì sau khi đã ngắm sắp đặt buổi gặp gỡ này trong rừng và chọn lựa cho mình một địa điểm có lợi thế về chiến lược như thế nên trên đường trở ra ông ta không thể chia tay với cô. Dù cô đã trò chuyện với ai, nghe lời hứa hẹn của ai cũng được và sau đó mấy ngày liền đắm mình trong những mộng mơ rằng, biết đâu đấy có một tình yêu mới sẽ đến và cô sẽ vĩnh viễn từ biệt cái thung lũng nơi cô đã sinh ra. Mặc dù đã chịu nhiều vết thương lòng, nhưng Chantal vẫn tin sẽ gặp được một người mà cô yêu thương suốt đời. Cũng có lúc cô chối từ những cơ hội xảy ra vì cho đó không phải là điều cô cần. Nhưng bây giờ cô cảm thấy thời gian trôi đi quá nhanh, nhanh hơn là cô tưởng trước đây và cô sẵn sàng rời bỏ Viscos với bất kể người đầu tiên nào cô gặp, miễn sao người ấy ngỏ ý sẽ đưa cô đi khỏi chốn này, thậm chí ngay cả khi cô không hề có chút tình cảm nào với người đó. Chantal hoàn toàn tin rằng, cô sẽ học được cách yêu người ấy, xét cho cùng, tình yêu cũng như nhiều điều khác, chỉ phụ thuộc vào vấn đề thời gian mà thôi.
Chợt người khách lạ lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của cô.
Chúng ta đang sống ở đâu, trên thiên đường hay dưới địa ngục? Đó cũng chính là điều tôi muốn biết.
"Sập bẫy rồi!"
Đây là quả bóng thử thôi. Những gì Chantal muốn nói thật ra đó là "Tôi thì vô tư, tôi đâu có phản đối" Còn ông ta chắc sẽ hỏi "Và cô cũng đã chán ngấy thiên đường rồi phải không?" cho mà xem.
Và cô cũng đã chán ngấy thiên đường rồi phải không? – Người khách lạ hỏi.
"Giờ là lúc cần phải xử sự thận trọng hơn, không nên nóng vội kẻo làm con mồi hoảng sợ".
Chính tôi cũng không rõ. Đôi lúc cũng chán, nhưng đôi lúc lại cảm thấy như cái số của tôi là phải sống ở đây và phải xa Viscos này có lẽ làm tôi không chịu nổi.
"Bước tiếp theo là phải làm ra vẻ bất cần".
Thôi vậy, một khi ông đã không muốn kể cho tôi nghe về số vàng này thì tôi cũng xin cám ơn ông vì một buổi dạo chơi thú vị. Tôi lại ra bờ suối nhỏ của tôi để đọc sách vậy. Xin cám ơn ông.
Gượm đã. Xin cô chờ một phút thôi!
"A ha!"
Tất nhiên là tôi muốn giải thích để cô rõ về số vàng này rồi, bằng không thì tôi đưa cô đến đây làm gì?
Tình, tiền, quyền lực và những lời hứa hẹn – Cô thừa biết thế. Nhưng Chantal vẫn làm ra vẻ như đang chờ đợi một phát hiện kinh thiên động địa. Cánh đàn ông thường có cảm giác khoái trá đến lạ khi cảm thấy rõ ưu thế của mình nhưng họ đâu biết trong phần lớn các tình huống, cách xử sự của họ đã để lộ chân tướng.
Có lẽ ông là một người rất từng trải, hiểu đời và có thể dạy cho tôi nhiều điều?
"Cần phải làm thế! Điều quan trọng nhất là vào thời điểm cần thiết đừng để con mồi hoảng sợ, nhẹ nhàng nới lỏng dây trói và cưng nựng ve vuốt đôi chút".
Thế đấy, chỉ có điều ông có một thói quen đến lạ, thay vì trả lời một câu hỏi vô cùng đơn giản thì ông lại đi triết lý dài dòng đâu đâu về những lời hứa hay về chuyện tất cả chúng ta phải sống như thế nào. Tôi rất sẵn lòng ở lại chỉ cần ông trả lời những gì tôi hỏi ngay từ lúc đầu. Ông là ai và ông làm gì ở đây?
Người khách lạ cho đến lúc này vẫn đang lặng ngắm rặng núi, giờ mới quay sang nhìn cô gái. Bao năm qua, ông đã từng gặp đủ mọi dạng người, nên lúc này ông có thể nói khá chính xác rằng cô gái đang nghĩ gì. Chantal gần như tin chắc ông khách cho cô xem số vàng đó để khiến cô kinh ngạc về sự giàu có của mình cũng đúng hệt như cô lúc này đang cố gắng gây ấn tượng với ông ta bằng vẻ dửng dưng và sự tươi trẻ.
Tôi là ai ư? Thôi được, có thể nói thế này, là người từ khá lâu rồi đã và dang cố gắng phát hiện ra một chân lý. Tôi xác định được nó về mặt lý thuyết nhưng cho đến giờ chưa một lần kiểm nghiệm bằng thực tế.
Chân lý ấy là gì vậy?
Nó liên quan đến bản chất của con người. Một khi có điều kiện, chúng ta sẽ bị cám dỗ, và rốt cuộc thì điều này nhất định sẽ xảy ra. Bất kể một người nào trên thế gian này trong những hoàn cảnh thuận lợi, đương nhiên, đều có thiên tính làm điều ác.
Nhưng tôi cho rằng…
Vấn đề không phải ở chỗ ý kiến của cô hay của tôi như thế nào hay chúng ta muốn tin vào cía gì, mà mấu chốt ở đây đó là luận thuyết của tôi có đúng hay không. Cô muốn biết tôi là ai phải không? Tôi là một nhà công nghiệp, tôi rất giàu có và rất nổi tiếng. Có tới hàng nghìn người đang làm việc cho tôi. Với họ, nếu cần, có lúc tôi rất tàn nhẫn, nhưng có lúc cũng rất nhân từ. Tôi là người trong thực tế đã nếm trải cái mà những người khác dù có nằm mơ cũng chẳng thấy, là người đã từng vô cùng hạnh phúc và cũng đã từng thấu hiểu chẳng thiếu điều gì. Nếu cho rằng cuộc sống gia đình với trăm thứ chuyện nhỏ mọn thường ngày là một địa ngục, thì tôi đã biết thế nào là thiên đường đồng thời cũng là người hiểu thế nào là địa ngục – mặc dù có thể hoàn toàn tận hưởng thiên đường một cách thoải mái. Tôi là người trong suốt cuộc đời mình đã làm cả việc thiện lẫn việc ác, và tôi nghĩ không có một ai trên đời này chuẩn bị tốt hơn tôi để trả lời cho câu hỏi của tôi về bản chất đích thực của cuộc đời. Chính bởi vậy tôi đã đến đây. Và tôi biết, bây giờ cô sẽ hỏi điều gì.
Chantal choáng váng và cảm tưởng như đất sụp dưới chân mình. Cô vội trấn tĩnh lại.
Chắc ông đang chờ tôi hỏi "Ông cho tôi xem số vàng này để làm gì?" Nhưng thực ra tôi lại muốn biết một nhà công nghiệp vang danh và bộn tiền như ông muốn cái gì ở cái chốn Viscos quê mùa này của chúng tôi, nếu ông có thể nhận được câu trả lời cho câu hỏi của mình sau khi đã đào bới trong kinh sách, dùi mài trên ghế trường đại học hay đơn giản là vay mượn một triết gia nổi tiếng nào đó.
Sự nhanh trí của Chantal khiến người khách lạ rất hài lòng. "Tuyệt, có thế chứ!" Ông ta, cũng như mọi lần, lại có một sự lựa chọn đúng.
Tôi đến Viscos này vì trong tôi đang nung nấu một kế hoạch. Có lần, tôi được xem một vở kịch của Durennmalt[1] ở nhà hát, chắc cô cũng biết nhà văn này.
Đây hiển nhiên là một sự khiêu khích, hầu như biết chắc cô gái chưa hề nghe đến Durrenmalt nhưng bây giờ lại sẽ làm ra vẻ không mấy quan tâm, như thể biết rõ người vừa được nói đến là ai.
Nào, ông nói tiếp đi – Chantal lộ rõ vẻ thờ ơ.
Rất mừng là cô có biết đến cái tên này, nhưng mạn phép cô, tôi nhắc lại, tôi xin kể về chính vở kịch đó.
Ông khách thận trọng cân nhắc từng từ cố làm sao để lời lẽ không quá chối tai song phải có sức thuyết phục, giọng điệu thường thấy ở một người cố ý lừa dối một cách có chủ đích.
Chuyện xảy ra ở một thị trấn nhỏ. Có một người phụ nữ vốn trước kia sống tại thị trấn này, nay đã trở về. Bà ta quay về chỉ với một mục đích là hạ nhục và sát hại một người đã ruồng bỏ bà ta thời trẻ. Trong suốt cuộc đời sau này, vì luôn khát khao trở nên giàu có cho bằng được nên những lần kết hôn của bà ta thường ẩn chứa một mong muốn trả thù cái người đã từng là mối tình đầu của mình. Và chính từ lúc đó, tôi bắt đầu suy tính một cuộc chơi cho riêng mình. Tôi quyết định tới một nơi đèo heo hút gió nào đó tách biệt hẳn với toàn bộ thế giới, đến một nơi mà mọi người nhìn cuộc đời với ánh mắt hạnh phúc, hiền hoà và cảm thông. Đến và thử làm sao để họ phạm vào một trong những điều răn cơ bản.
Chantal ngoảnh mặt nhìn về phía rặng núi. Cô biết, người khách lạ đã đoán được rằng, cái tên Durrenmalt chẳng gợi cho cô một điều gì. Còn bây giờ cô lo lắng chờ xem ông ta có hỏi cô về các điều răn hay không, mà tôn giáo lại luôn là một điều xa vời đối với cô cho nên cô chẳng hề có chút khái niệm gì về chúng.
Ở thị trấn này, tất cả mọi người, kể từ cô, đều là những người trung thực – người khách lạ nói tiếp – tôi chỉ cho cô thấy thỏi vàng có thể làm cho cô trở thành một người tự do, có thể cho phép cô thoát khỏi chốn này để đi du ngoạn khắp thế giới. Tóm lại nó có thể cho cô tất cả những gì mà những cô gái ở các phố huyện heo hút thường mơ ước. Vàng còn ở đây và cô biết nó là của tôi. Nếu muốn, cô vẫn có thể lấy nó. Nhưng khi ấy, thì cô đã phạm vào điều răn "Chớ được trộm cướp".
Cô gái liếc nhìn ông khách.
Còn mười thỏi vàng kia thì nhờ chúng tất cả dân Viscos có thể sống an nhàn cho đến cuối đời – Người khách lạ lại tiếp lời – Tôi đề nghị cô không lấp đất chôn những thỏi vàng ấy, vì tôi có ý giấu chúng sang một chỗ khác mà chỉ mình tôi biết. Tôi muốn khi quay về thị trấn, cô hãy kể chuyện đã nhìn thấy số vàng ấy và tôi sẵn sàng trao chúng cho những người dân Viscos với một điều kiện họ sẽ phải làm một việc mà họ chưa từng bao giờ dám nghĩ tới.
Ví dụ?
Chẳng có ví dụ nào hết mà chỉ đơn giản là tôi muốn họ phạm vào điều răn "Chớ giết người".
Cái gì? – Chantal gần như thét lên.
Cô nghe thấy rồi đấy. Tôi muốn họ phạm tội ác.
Liền đó ông khách nhận thấy cô gái đã cố gắng hết sức rồi và ông ta hiểu rằng, bất cứ lúc nào cô cũng có thể vụt bỏ chạy khi chưa kịp nghe hết câu chuyện của mình. Cần phải mau chóng nói hết cho cô ta tất cả mọi ý định.
Tôi cho họ thời hạn là một tuần. Nếu hết ngày thứ bảy, có một ai đó trong số những người dân của Viscos bất kể dù đó là một cụ già vô tích sự hay người mắc bệnh nan y hoặc thậm chí một kẻ đần độn mất trí chỉ làm khổ người khác bị giết chết thì tôi sẽ trao lại số vàng cho thị trấn của cô và kết luận rằng, tất cả chúng ta đều bị cầm tù bởi các Ác. Nếu cô đánh cắp thỏi vàng kia, và Viscos biết chiến thắng sự cám dỗ hoặc ngược lại, việc đó sẽ thuyết phục tôi tin rằng, trên đời này có cả những người tốt lẫn kẻ xấu và tôi bị đẩy vào tình thế nan giải, bởi như vậy có nghĩa là sẽ có một cuộc đấu tranh tinh thần mà kết cục của nó không rõ ràng vì cả hai phía đều có thể giành thắng lợi. Bản thân cô có tin vào Chúa, vào đời sống tinh thần, vào cuộc chiến giữa các thiên thần và quỷ dữ không?
Chantal không đáp lại một lời và người khách lạ hiểu rằng, ông ta đã mạo hiểm, một câu hỏi không đúng lúc – cô gái, thật tình, có thể quay lưng bỏ chạy không để ông ta kịp nói hết. Như vậy thì thật oái oăm, đã đến lúc phải đi thẳng vào vấn đề rồi.
Còn nếu tôi buộc phải rời Viscos cùng với 11 thỏi vàng thì điêu này có nghĩa là tất thảy những gì tôi muốn tìm hoá ra đều là giả dối. Tôi sẽ không thể sống nổi nếu nhận được câu trả lời mà trong thâm tâm tôi không muốn, vì hóa ra cuộc đời đáng được chấp nhận hơn. Cứ cho là tôi đúng và thực sự là trong thế giới này cái ác mạnh hơn đi chăng nữa thì dẫu sao tôi vẫn cứ đau khổ như trước đây, nhưng khi tất cả mọi người cũng đau khổ, nỗi đau sẽ dễ chịu hơn. Còn nếu chỉ có một vài người phải đương đầu với những bi kịch quá lớn thì có nghĩa là trong ý đồ của Đấng Tạo Hoá và trong sự sáng tạo của Người có điều gì đó không ổn.
Chantal nước mắt lưng tròng nhưng cố gắng hết sức để trấn tĩnh lại.
Ông nghĩ ra trò này để làm gì? Tại sao ông lại chọn Viscos của tôi để làm trò này?
Vấn đề không phải là ở cô và ở cái phố huyện của cô. Tôi chỉ nghĩ về bản thân mình, bởi trong lịch sử của một con người chứa đựng lịch sử của nhân loại. Tôi muốn biết chúng ta là những người tốt hay xấu. Nếu tốt, Chúa là người công bình và sẽ tha thứ cho tất cả những gì tôi đã làm, tha thứ cho tôi bởi cái Ác mà tôi đã muốn với những người mưu hại tôi, bởi các quyết định sai lầm của tôi vào những giây phút trọng đại nhất trong đời và cả những lời đề nghị tôi đưa ra cho cô năm phút trước đây. Tha thứ, vì đấy là Người đã đẩy tôi vào con đường tội lỗi. Còn nếu chúng ta xấu xa, thì khi ấy tất cả đều được phép và tôi chưa từng bao giờ thực hiện những bước đi sai lầm và tất cả chúng ta đều cùng chung một số phận. Mọi việc chúng ta làm trong cuộc đời nơi trần thế chẳng có một ý nghĩa đặc biệt nào, bởi việc tránh khỏi những đoạ đày nơi địa ngục sẽ không phụ thuộc vào những suy nghĩ cũng như hành động của con người.
Và trước khi Chantal bỏ chạy, ông khách còn kịp nói thêm.
Cô có thể ở lại, nếu cô quyết định không hợp tác với tôi. Nhưng trong trường hợp đó, tôi sẽ tự kể cho tất cả mọi người rằng, tôi đã cho cô một cơ hội để giúp đỡ người dân Viscos nhưng cô đã từ chối. Tự tôi sẽ đưa ra yêu cầu hệt như tôi đã nói với cô lúc nãy. Nếu họ quyết định giết một ai đó thì rất có thể, cô sẽ trở thành một vật hy sinh đấy.
Chú thích:
[1] Friedrich Durrenmalt (sinh năm 1921) nhà văn, kịch tác gia nổi tiếng, người Thuỵ Sĩ