PHẦN II: “GIEO MẦM VĂN HÓA SÁNG TẠO”
Chương 3: Nhân vật của Quyển Sách
“Đi thật xa, ở thật lâu, nhìn thật kỹ.”
- TẠP CHÍ OUTSIDE -
Thủ phủ La Paz của Bolivia cao 3419 mét so với mực nước biển, nhưng El Lobo còn cao hơn thế. El Lobo là một tổ hợp nhà hàng, khách sạn, câu lạc bộ xã hội và là nơi duy nhất bán đồ ăn Israel ở Bolivia. Điều hành El Lobo là người thành lập nơi này, Dorit Moralli và Eli - chồng cô. Cả hai đều là người Israel[2
Gần như những tay phượt người Israel đến Bolivia đều ghé thăm El Lobo, không chỉ để thưởng thức ẩm thực quê nhà, để nói tiếng Hebrew, mà còn để gặp gỡ người Israel. Họ biết họ sẽ tìm thấy thứ gì đó khác ở đây, một thứ còn giá trị hơn nhiều: Quyển Sách.
Dù được nhắc đến ở số ít nhưng Quyển Sách không phải là một cuốn sách mà là một bộ sưu tập lộn xộn và liên tục được thêm vào các “tạp chí” đến từ khắp nơi nhất là từ những nơi xa xôi nhất trên thế giới. Mỗi “tạp chí” là một bản chép tay “Kinh Thánh” những lời khuyên từ một người đi du lịch gửi đến người khác. Dần dần, Quyển Sách không còn là độc quyền của người Israel, nhưng các tác giả và độc giả của nó thường đến từ Israel.
Chính xác thì Quyển Sách đặt ở El Lobo được khai bút năm 1986, một tháng sau ngày khai trương nhà hàng này. Dorit nhớ lại: Hôm ấy, bốn khách du lịch người Israel ghé qua nhà hàng và hỏi: “Quyển Sách đâu rồi?” Cô đã rất bối rối và những vị khách giải thích ý họ là một cuốn sách mà người ta có thể để lại ý kiến, lời khuyên và cảnh báo cho khách đến sau. Nhóm khách liền ra ngoài để mua một quyển sổ trắng tặng cho nhà hàng. Bài viết đầu tiên - bằng ngôn ngữ Hebrew - nói về một ngôi làng hẻo lánh trong rừng mà họ nghĩ là những người Israel khác sẽ thích.
Quyển Sách đã đi trước cả Internet, là cái thực sự bắt đầu ở Israel vào những năm 1970, nhưng thậm chí trong thế giới của nhật ký trực tuyến (blog), trò chuyện trực tuyến (chat) và tin nhắn thì các định chế dựa trên giấy và bút nguyên thủy vẫn có sức mạnh.
El Lobo đã trở thành đầu mối khu vực của Quyển Sách, đến nay đã có thêm sáu tập khác sau quyển sách gốc năm 1989, cùng với những quyển khác dành cho Brazil, Chile, Argentina, Peru và khu vực phía Bắc của Nam Mỹ. Có những quyển khác nói về những địa điểm ở Châu Á. Cuốn sách gốc chỉ được viết bằng tiếng Hebrew, các cuốn sách ngày nay được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
“Những bài viết đa ngôn ngữ này rất mang tính ngẫu hứng: Bực bội có, thất vọng có, tươi đẹp có; giống như một lễ hội của những ý tưởng, lời khẩn cầu, và các số điện thoại đã lỗi thời.” Tạp chí Outside trong một số báo đầy ấn tượng năm 1989 đã tường thuật về Quyển Sách: “Có một trang khen ngợi những cô gái xinh đẹp (sic) tại một sàn nhảy disco; trang tiếp theo thì khuyên người ta ‘phải ghé thăm’ một hang động băng tuyệt đẹp ở đâu đó, ít nhất là cho đến khi một người khác viết nguệch ngoạc chữ “KHÔNG” lên đó. Rồi lại đến một trang nữa viết bằng tiếng Nhật, nửa còn lại là một đoạn văn bằng tiếng Đức dày đặc những đồ thị hình cột miêu tả cao của tòa nhà cùng các sơ đồ và các kế hoạch khác nhau... Một trang khác thì nguệch ngoạc chỉ dẫn đi mua xuồng trong rừng mưa nhiệt đới thuộc Công viên quốc gia Manu của Peru cùng một đoạn tái bút biểu hiện thái độ buồn và thất vọng; một cái cảnh báo ngớ ngẩn về việc này việc nọ, và một hình minh họa chim toucan tên là Felip bốn màu cùng những họa tiết trang trí diêm dúa.”
Mặc dù đã được quốc tế hóa, Quyển Sách vẫn là một hiện tượng nguyên bản của Israel. Những phiên bản của Quyển Sách về các địa phương khác được duy trì và mở ra ở bất kỳ nơi nào mà “làn sóng” - cách nhà xã hội học Darya Maoz của Đại học Hebrew gọi “mốt di chuyển” thay đổi điểm đến du lịch của người Israel - lan tới. Rất nhiều dân phượt trẻ tuổi người Israel chỉ đơn giản là đi theo Quyển Sách từ nơi này đến nơi khác, trôi theo dòng chỉ dẫn từ các nhóm phượt quốc tế, trong đó Hebrew là một trong các thứ tiếng phổ biến nhất.
Có một câu chuyện cười về những du khách người Israel rất nổi tiếng ở Nepal, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Peru như sau: Chủ một khách sạn thấy một vị khách xuất trình hộ chiếu Israel bèn hỏi: “Nhân tiện, bọn anh có bao nhiêu người?” “Bảy triệu”, vị khách trả lời. Người chủ liền hỏi tiếp: “Thế bao nhiêu người dân nước anh vẫn còn ở Israel?”
Không có gì ngạc nhiên khi người dân nhiều nơi trên thế giới vẫn tưởng Israel phải lớn và đông dân như Trung Quốc, dựa vào số lượng khách du lịch Israel ghé thăm nước họ. Tạp chí Outside (Mỹ) viết: “Người Israel đã hấp thụ được quy tắc phượt toàn cầu một cách quyết liệt hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đó là: Đi thật xa, ở thật lâu, và nhìn thật kỹ”.
Tính thích du lịch của người Israel không chỉ để nhìn ngắm thế giới; ngọn nguồn của nó còn sâu xa hơn nhiều. Đầu tiên, đơn giản là vì nhu cầu được giải tỏa sau nhiều năm phục vụ trong quân đội. Yaniv, một người Israel được tạp chí Outside chọn, là điển hình của nhiều khách du lịch Israel: “Anh đã bù đắp cho những năm tháng để tóc kiểu quân đội bằng việc không cắt tóc, cạo râu: Cằm rậm rạp râu, và mái tóc bạc màu của anh đã xoắn lại thành một hỗn hợp của các lọn tóc ngắn và tóc mai kiểu Chính Thống giáo, tất cả cuốn lại thành một dạng người sói. Yaniv thừa nhận “mái tóc là vì quân đội”. “Đầu tiên là tóc tai, sau đó là đi du lịch.”
Cho đến gần đây, người Israel không thể du lịch đến những nước láng giềng, mặc dù Beirut, Damascus, Amman và Cairo chỉ cách Israel một ngày lái xe. Hiệp ước hòa bình với Ai Cập và Jordan cũng không giúp thay đổi nhiều tình trạng này, dù hiện nay đã có nhiều người Israel tò mò đến thăm các quốc gia này. Trong nhiều trường hợp, sự mở cửa mong manh này vẫn không làm nản chí mong muốn phá vỡ những i buộc vốn là một phần trong lịch sử hiện đại của Israel.
Sự cô lập đã tồn tại từ trước khi có Nhà nước Israel. Cuộc tẩy chay kinh tế đầu tiên xuất hiện từ năm 1891 khi các nước Ả-rập xung quanh yêu cầu giới cai trị của nhà nước Ottoman Palestine ngăn cấm việc nhập cư và buôn bán đất đai của người Do Thái. Năm 1922, phiên họp lần thứ năm của các nước Ả-rập Palestine đã kêu gọi tẩy chay toàn bộ hoạt động kinh doanh của người Do Thái[30].
Vào năm 1943, một cuộc tẩy chay chính thức đã diễn ra và kéo dài hơn khi Liên đoàn Ả-rập gồm 22 quốc gia tiếp tục cấm mua bán các sản phẩm của ngành công nghiệp Do Thái trên đất Palestine, năm năm trước khi Nhà nước Israel chính thức thành lập. Lệnh cấm còn mở rộng ra những công ty nước ngoài ở bất kỳ quốc gia nào mua bán với Israel (tẩy chay thứ cấp). Thậm chí còn đưa những công ty giao dịch với những công ty này vào danh sách đen (tẩy chay cấp độ 3). Gần như mọi hãng xe hơi lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc - bao gồm cả Honda, Toyota, Mazda và Mitsubishi - đều tuân thủ lệnh “tẩy chay thứ cấp” và xe của các hãng này không hề xuất hiện trên đường phố Israel. Chỉ có một ngoại lệ đáng chú ý là Subaru, trong một thời gian dài gần như độc chiếm thị trường Israel nhưng lại bị cấm nhập khẩu vào các nước Ả-rập[31].
Chính phủ các nước trong Liên đoàn Ả-rập đều thành lập riêng một Văn phòng Tẩy chay để thi hành chiến dịch chính, giám sát hành vi của những mục tiêu thứ cấp và cấp độ 3, cũng như nhận diện các triển vọng mới. Theo giảng viên Christopher Joyner thuộc trường Đại học George Washington: “Trong tất cả các cuộc tẩy chay hiện nay, thì sự tẩy chay của Liên đoàn Ả-Rập chống lại Israel là hiểm độc nhất về tư tưởng, tinh vi nhất về mặt tổ chức, dai dẳng nhất về mặt chính trị và khiêu khích nhất về tính pháp lý”[32].
Chiến dịch tẩy chay lần này còn nhắm vào những mục tiêu khác thường. Năm 1974, Liên đoàn Ả-rập đã đưa đạo Baha’i vào danh sách đen, do ngôi đền của tôn giáo này ở Haifa thu hút quá nhiều du khách, mang lại doanh thu cho Israel. Chính quyền Lebanon từng cấm chiếu phim hoạt hình Công chúa ngủ trong rừng của Walt Disney, chỉ vì nhân vật chú ngựa trong phim có tên Do Thái là Samson[33]
Trong bối cảnh như vậy, rất tự nhiên khi giới trẻ Israel vừa tìm cách thoát khỏi thế gii Ả-rập đã tẩy chay họ, vừa muốn bày tỏ sự coi thường chủ nghĩa phân biệt đó. Họ như muốn nói: “Các vị càng cố nhốt chúng tôi bao nhiêu, chúng tôi càng muốn cho các vị thấy mình có thể thoát ra bấy nhiêu”. Cũng vì lý do này, rất tự nhiên khi Israel tận dụng những đấu trường như viễn thông, máy tính, phần mềm và Internet. Trong những ngành nghề này, các đường biên giới, khoảng cách và chi phí vận chuyển thực sự không còn liên quan đến nhau. Nhà đầu tư mạo hiểm người Israel, Orna Berry đã trao đổi với chúng tôi: “Viễn thông công nghệ cao đã trở thành môn thể thao quốc gia giúp chúng tôi chống lại nỗi sợ nơi chật hẹp, đó là cuộc sống trong một quốc gia nhỏ bị kẻ thù vây quanh”[34].
Đây là sự bắt buộc, chứ không chỉ là sở thích hay sự tiện lợi.
Vì Israel buộc phải xuất khẩu hàng hóa đến những thị trường rất xa, các doanh nghiệp Israel trở nên ác cảm với những mặt hàng to lớn, được sản xuất đại trà và chi phí vận chuyển cao mà chỉ hứng thú với phần mềm và các linh kiện nhỏ gọn, vô danh. Ngược lại, chính điều này đã giúp củng cố vị trí hoàn hảo của Israel khi thế giới chuyển sang các nền kinh tế dựa trên tri thức và sự sáng tạo, một xu hướng vẫn tiếp diễn đến ngày nay.
Xét trên phương diện bị mất nhiều thị trường tiêu thụ và những khó khăn đè lên sự phát triển của nền kinh tế, thật khó để thống kê hết phí tổn mà các cuộc tẩy chay của khối Ả-rập và lệnh cấm vận của thế giới - như lệnh cấm vận quân sự của Pháp - đã gây thiệt hại cho Israel trong hơn 60 năm qua. Người ta ước tính Israel đã mất khoảng 100 tỉ USD. Tuy nhiên phần ngược lại cũng khó đoán không kém: “Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân Israel bất chấp hoàn cảnh khó khăn này đáng giá bao nhiêu?”
Ngày nay, các công ty Israel gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ Latin. Bởi, như Orna Berry nói, Israel đã sớm ưu tiên phát triển ngành viễn thông, mọi công ty điện thoại lớn của Trung Quốc đều dựa vào phần mềm và thiết bị viễn thông của Israel. Mạng xã hội trực tuyến lớn thứ ba ở Trung Quốc, phục vụ lượng thành viên lên đến 25 triệu người trẻ tuổi, thực chất được phát triển trên nền tảng một công ty “khởi nghiệp” của Israel tên là “Koolanoo”, trong tiếng Hebrew có nghĩa là “Tất cả chúng ta”. Công ty này do một người Israel có gia đình nhập cư từ Iraq thành lập.
Trong sự thể hiện đặc biệt của tính nhanh ạy, những nhà đầu tư mạo hiểm Israel từng đầu tư vào Koolanoo khi nó còn là mạng xã hội của người Do Thái, đã hoàn toàn biến đổi bản sắc của nó, chuyển toàn bộ lãnh đạo đến Trung Quốc, nơi những nhà điều hành trẻ tuổi Israel và Trung Quốc làm việc cùng nhau.
Gil Kerbs, cựu thành viên đơn vị 8200 cũng dành rất nhiều thời gian ở Trung Quốc. Sau khi rời quân ngũ, anh đến Bắc Kinh để vừa học tiếng Trung với một thầy địa phương, năm tiếng mỗi ngày, một thầy một trò, suốt một năm trời - vừa làm việc tại một công ty Trung Quốc - để có thể xây dựng mạng lưới kinh doanh tại đây. Ngày nay Gil Kerbs là một nhà đầu tư mạo hiểm ở Israel chuyên làm việc với thị trường Trung Quốc. Một trong những doanh nghiệp Israel của anh hiện đang cung cấp công nghệ sinh trắc giọng nói cho ngân hàng bán lẻ lớn nhất Trung Quốc. Anh kể cho chúng tôi rằng Israel thực sự đã có thời gian làm ăn dễ dàng ở Trung Quốc hơn là ở Châu Âu. “Thứ nhất, chúng tôi đến Trung Quốc trước khi khách du lịch đến”, anh ám chỉ những người xem Trung Quốc là thị trường mới nổi những năm gần đây. “Thứ hai, Trung Quốc không kỳ thị người Do Thái. Nó thật sự là môi trường rất thân thiện với Israel”, anh nói.
Người Israel đang bỏ xa các đối thủ quốc tế của họ trong việc xâm nhập những thị trường như vậy, một phần vì họ phải nhảy cóc khỏi vùng trũng Trung Đông và tìm kiếm các cơ hội mới. Mối liên hệ giữa nhiều thanh niên Israel khoác balô đi chu du khắp thế giới và công cuộc xâm nhập thị trường hải ngoại của các doanh nhân Israel rất rõ ràng: Ở độ tuổi ngoài 20, những người Israel không chỉ trải qua các cuộc kiểm tra nhằm phát hiện ra những cơ hội kỳ lạ ở nước ngoài mà họ cũng không ngần ngại dấn thân vào các môi trường xa lạ và đối mặt với những nền văn hóa rất khác biệt. Nhà sử gia quân sự, Edward Luttwak ước tính đến tuổi 35, rất nhiều người Israel đã đi du lịch trên dưới mười nước[35]. Người Israel dấn thân vào các nền kinh tế mới nổi và các vùng lãnh thổ xa xôi một phần để theo đuổi những điều viết trong Quyển Sách.
Một ví dụ rõ nét cho tinh thần quốc tế của người Israel là Netafim, doanh nghiệp cung cấp hệ thống tưới tiêu theo phương pháp nhỏ giọt lớn nhất thế giới. Thành lập vào năm 1965, Netafim là ví dụ hiếm hoi của một công ty đóng vai cầu nối giữa nền nông nghiệp lạc hậu của Israel trong quá khứ với sự bùng nổ công nghệ sạch hiện tại.
Netafim do Simcha Blass sáng lập, ông là kiến trúc sư của một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất được xây dựng trong những năm đầu của Nhà nước Israel. Sinh ra ở Ba Lan, ông đã hoạt động rất tích cực trong lực lượng tự vệ của người Do Thái ở Warsaw trong Thế chiến I. Vào những năm 1930, không lâu sau khi đến Israel, ông đã đảm nhiệm chức vụ Kiến trúc sư trưởng trong Công ty cấp nước quốc gia Mekorot, và xây dựng hệ thống đường ống và kênh đào dẫn nước từ sông Jordan và biển Galilee tới vùng Negev khô hạn.
Ý tưởng về công nghệ tưới nhỏ giọt đến với Blass khi ông quan sát một cái cây đang lớn trên sân nhà hàng xóm mà dường như “không cần nước”. Thật ra, cái cây khổng lồ này đã sống nhờ nguồn nước rò rỉ từ lỗ thủng của ống nước ngầm. Sau khi nhựa hiện đại trở nên phổ biến vào những năm 1950, Blass nhận ra hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt là khả thi về mặt kỹ thuật. Ông được cấp bằng sáng chế và ký một thỏa thuận với hợp tác xã nằm ở vùng sa mạc Negev, Nông trang Hatzerim, để áp dụng công nghệ mới.
Netafim đi tiên phong không chỉ vì nó phát triển một cách làm sáng tạo để làm tăng sản lượng cây trồng lên 50% trong khi giảm 40% lượng nước tưới tiêu, mà nó còn là một trong những Nông trang công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Cho đến thời điểm đó, những Nông trang (bibbuzt) - các cộng đồng tập thể - đều sống dựa vào nông nghiệp. Ý tưởng về một nhà máy nông trang để xuất khẩu ra thế giới là một điều mới lạ.
Nhưng lợi thế thật sự của Netafim là việc không ngại di chuyển đến những nơi xa xôi để tìm kiếm các thị trường đang rất cần sản phẩm của họ - những nơi mà vào thập niên 1960 và 1970, giới doanh nghiệp phương Tây đơn giản là không thèm viếng thăm. Kết quả là giờ đây, Netafim hoạt động ở hơn 110 quốc gia trên khắp thế giới. Tại châu Á, Netafim có văn phòng ở Việt Nam, Đài Loan, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Phillipines, Hàn Quốc và Indonesia. Tại Nam Mỹ là Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador và Peru. Netafim còn có 11 văn phòng ở châu Âu và Liên Xô cũ, một ở Úc và một ở Bắc Mỹ.
Nhờ vào tính ưu việt trong công nghệ của Netafim, chính phủ của các quốc gia thù địch trước kia đã mở lại các kênh ngoại giao. Netafim cũng có mặt tại khối Hồi giáo ở Liên Xô cũ như Azerbaijan, Kazakhstan và Uzbekistan. Đồng thời, các nước này cũng đi tiên phong trong quá trình làm ấm lại các quan hệ ngoại giao với chính phủ Israel sau khi Liên Xô tan rã. Năm 2004, Bộ trưởng Thương mại Israel, Ehud Olmert, cùng đi với Netafim trong chuyến viếng thăm Nam Phi với hy vọng thành lập liên minh chiến lược mới, đã mang về cho công ty này hợp đồng trị giá 30 triệu USD, cùng một bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về nông nghiệp và phát triển những vùng đất khô cằn.
Cứ như thế, các doanh nhân và CEO người Israel còn tự gắn mình với nhiệm vụ ngoại giao tự phong để đại diện cho đất nước. Nhiều doanh nhân nổi tiếng thế giới của Israel không chỉ truyền bá công nghệ mà còn tìm cách “chào bán” cả nền kinh tế Israel. Jon Medved - nhà của “phong vũ biểu tên hiệu” để đo lường mức độ thân mật - là một ví dụ điển hình.
Lớn lên ở California (Mỹ), Medved được đào tạo về các hoạt động chính trị chứ không phải kỹ thuật. Công việc đầu tiên của ông là một nhà tổ chức Phục quốc Do Thái. Ông chuyển đến Israel vào năm 1981 và tạm thời sinh sống bằng cách thực hiện các buổi nói chuyện, giảng giải về tương lai của Israel cho người dân Israel. Nhưng rồi một cuộc trò chuyện vào năm 1982 với một nhà quản lý của Rafael, một trong những nhà thầu quân sự lớn nhất Israel, đã làm lóe sáng tư duy của Medved. Nhà quản lý này đã không khách sáo khi thẳng thắn trao đổi với Medved rằng những gì ông làm là sự lãng phí thời gian và sức lực: Israel không cần thêm một nhà Phục quốc Do Thái hay một chính trị gia chuyên nghiệp, Israel cần doanh nhân. Cha của Medved đã khởi tạo một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất thiết bị thu phát quang ở California. Thế là Medved bắt đầu chào bán sản phẩm của cha mình tại Israel. Thay vì đi từ nông trang này tới nông trang khác để bán tương lai của Israel, ông đi từ công ty này tới công ty khác để bán công nghệ truyền dẫn quang.
Sau này Medved đi vào lĩnh vực đầu tư và thành lập Israel Seed Partners, một công ty đầu tư mạo hiểm, ngay trong gara của ông ở Jerusalem. Nguồn quỹ của công ty lên đến 260 triệu USD và ông đã đầu tư vào 60 doanh nghiệp Israel, bao gồm Shopping.com, sau này được eBay mua lại, và Compugen cùng Answer.com, cả hai đều được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ. Năm 2006, Medved rời Israel Seed Partners để thành lập và điều hành công ty riêng - Vringo, một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nhạc chuông video cho điện thoại di động sau này đã nhanh chóng xâm nhập vào thị trường châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng công ty Vringo chưa phải là điều quan trọng nhất. Bất chấp những gì Medved làm cho các doanh nghiệp của mình, ông đã dành rất nhiều thời gian, rất nhiều thời gian - các nhà đầu tư của ông than phiền, để đi thuyết giảng về nền kinh tế Israel. Lần nào đi nước ngoài, Medved cũng chuẩn bị máy chiếu di động và máy tính xách tay chứa đầy các bài thuyết trình để giảng giải về các thành tựu công nghệ của Israel. Trong các bài diễn văn hay những cuộc trò chuyện với bất kỳ ai chịu lắng nghe - Medved luôn tán dương những cột mốc “đầu tư” mà ở đó các công ty được mua lại hay được niêm yết, và danh mục các công nghệ “made in Israel”.
Trong các bài thuyết trình của mình, Medved thường nửa đùa nửa thật nói rằng nếu Israel làm theo “Intel Inside” - chiến lược quảng cáo để làm nổi bật sự có mặt khắp nơi của bộ vi xử lý tiên tiến của Intel, thì tem dán “Israel Inside” tương tự sẽ xuất hiện trên bất kỳ thứ gì mọi người trên thế giới chạm đến, và ông bắt đầu đếm một danh sách ví dụ: Từ máy tính, điện thoại di động, tới thiết bị y tế; từ các loại tân dược kỳ diệ xã hội trực tuyến, công nghệ năng lượng sạch, tới cả đồ ăn và máy thu ngân trong trong các cửa hàng chúng ta mua sắm.
Rồi Medved nhắc khéo với các công ty đa quốc gia đang dự buổi thuyết trình rằng họ sẽ bỏ lỡ vài thứ nếu không thành lập chi nhánh ở Israel. Trước khi thuyết trình, nếu Medved phát hiện ra quan chức điều hành của một công ty nào đó trong hàng ghế thính giả thì chắc chắc ông sẽ nói rằng đối thủ của họ đã có mặt tại Israel. “Lý do Israel có mặt trong mọi thứ chúng ta chạm đến là vì mọi công ty chúng tôi giao dịch đều có mặt tại Israel. Còn các vị thì sao?” Medved đặt ra câu hỏi và nhìn thẳng vào khán giả.
Medved đã đảm nhiệm vai trò mà ở các quốc gia khác đúng ra phải là Phòng Thương mại, Bộ trưởng Thương mại hay Bộ trưởng Ngoại giao.
Trong số các công ty khởi nghiệp mà Medved ca ngợi trong bài thuyết trình của mình, hiếm khi ông nhắc đến những công ty mà ông góp vốn. Ông luôn vò đầu bứt tai mỗi khi chuẩn bị cho bài thuyết trình: “Tôi có phải ca ngợi Virngo giữa những công ty mới đầy hứa hẹn của Israel không? Điều đó thật ngốc đúng không? Đó là sự quảng bá rất tốt cho công ty”, nhưng ông đã chống lại điều đó. “Ưu tiên của tôi là đất nước Israel. Những nhà đầu tư Mỹ thường tranh cãi với tôi về việc này: ”Ông đã nâng đỡ cho các công ty đối thủ thay vì công ty của chính mình”. Medved tâm sự: “Họ nói đúng. Nhưng họ đã quên mất vấn đề lớn hơn.”
Medved hoạt động không mệt mỏi. Ông đã trình bày bài thuyết trình 50 lần mỗi năm trong suốt 15 năm vừa qua. Như đã nói, tổng cộng gần 800 lần tại các hội thảo công nghệ và đại học trên khắp thế giới, ở 40 quốc gia, ghi điểm với các quan chức quốc tế đến thăm Israel.
Alex Vieux, CEO của tạp chí Red Herring nói với chúng tôi rằng ông đã có mặt tại “hàng triệu hội thảo về công nghệ ở nhiều châu lục. Lúc nào tôi cũng thấy người Israel như Medved đang diễn thuyết cùng với những đồng nghiệp từ các nước khác. Những người khác luôn giới thiệu về công ty của họ. Những người Israel luôn giới thiệu đất nước Israel”[36].