Quốc Gia Khởi Nghiệp

Chương 12: Từ Đầu Đạn Tên Lửa Đến Mạch Nước Phun

Nếu như hầu hết các lực lượng không quân trên thế giới đều được thiết kế như một chiếc xe đua Công thức 1, thì Không lực Israel là một xe jeep mang theo rất nhiều công cụ... Tại đây, bạn sẽ đi “off-road” ngay ngày đầu tiên. Đơn giản là xe đua thì không thể vận hành trong môi trường của chúng ta [Israel] được.

- TAL KEINAN -


Doug Wood mới đến làm ở Israel. Bằng sự điềm tĩnh biết nghĩ, anh nổi bật hơn các đồng nghiệp Israel có phần thô lỗ. Từ Hollywood, anh đến Jarusalem để làm một công việc chưa từng xuất hiện ở nơi này: Wood là Giám đốc sản xuất bộ phim hoạt hình dài tập đầu tiên, được sản xuất bởi Animation Lab, một công ty khởi nghiệp do nhà đầu tư mạo hiểm Erel Margalit thành lập.


Wood làm việc với vai trò Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực phát triển và sản xuất phim hoạt hình ở Turner, Warner Brothers, và Universal. Khi Margalit đề nghị anh chuyển tới Jerusalem để làm một bộ phim hoạt hình, Wood nói rằng trước tiên anh phải xem liệu Jerusalem đã có một cộng đồng sáng tạo thực sự hay chưa. Sau một thời gian sống ở Jerusalem tại Bezalel - học viện hàng đầu Israel về nghệ thuật và thiết kế - anh đã bị thuyết phục. “Tôi đã gặp những người làm việc ở đó. Tôi gặp một số người viết kịch bản truyền hình, [tác giả] Meir Shalev, và một số tay viết kịch bản kỳ tài khác”, anh kể với chúng tôi. “Họ không thua kém gì những người bạn gặp ở các trường nghệ thuật hàng đầu trên thế giới.”


Song anh cũng nhận thấy những điểm khác biệt ở Israel. “Ở đây, họ có thói quen làm việc đa nhiệm. Chúng tôi đã bàn thảo với nhiều cán bộ kỹ thuật người Israel, họ tìm ra những hướng cải tiến quy trình làm việc của chúng tôi và giải quyết vấn đề trực tiếp hơn. Có lần, tôi làm việc trong một dự án sáng tạo với một thanh niên tốt nghiệp ngành nghệ thuật ở Bezalel. Anh ta hơi đặc biệt - tóc dài, đeo bông tai, mặc quần soóc và đi dép xỏ ngón. Bỗng nhiên xảy ra một sự cố kỹ thuật. Tôi đang định gọi nhân viên kỹ thuật đến sửa thì chàng sinh viên từ Bezalel đã bỏ dở công việc đồ họa và bắt đầu khắc phục sự cố như một kỹ sư lành nghề. Tôi hỏi anh ta học điều này ở đâu. Hóa ra anh ta cũng là một phi công lái máy bay chiến đấu trong không quân. Gã sinh viên nghệ thuật này ư? Là một phi công lái máy bay chiến đấu ư? Giống như toàn bộ thế giới sụp đổ về đây - nói đúng hơn là “hội tụ” về đây, tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận sự việc.”[154]


Quả đúng là các kỹ sư công nghệ người Israel đã học được cách làm việc đa nhiệm, cũng như nhiều lợi thế khác, trong quân đội Israel. Chàng phi công Tal Keinan nói với chúng tôi rằng người ta luôn có thành kiến với sự chuyên môn hóa trong quân đội Israel. “Nếu như hầu hết lực lượng không quân trên thế giới đều được thiết kế như một chiếc xe đua Công thức 1, thì Không lực Israel là một xe jeep khoẻ khoắn mang theo nhiều công cụ. Trên đường đua khép kín, xe Công thức 1 sẽ thắng,” Keinan nói. Song anh cũng nói thêm, ở Không quân Israel, “bạn sẽ đi dã ngoại off-road ngay ngày đầu tiên... Chiếc xe đua sẽ không thể vận hành trong môi trường của chúng ta.”[155]


Sự khác biệt giữa chiến lược Công thức 1 và chiến lược xe jeep không chỉ ở số lượng; mỗi loại đều kéo theo các chiến thuật và cách tư duy khác hẳn nhau. Điều này có thể thấy trong các “phi đội tấn công” khác nhau mà mỗi lực lượng không quân xây dựng cho các chiến dịch của mình. Với hầu hết các lực lượng không quân phương Tây, mỗi phi đội tấn công đều được xây dựng dựa trên một loạt các lớp đội hình (còn được gọi là làn sóng) máy bay với mục đích sau cùng là dội bom lên các mục tiêu.


Không lực Hoa Kỳ thường dùng bốn làn sóng phi cơ đặc nhiệm để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể: Chẳng hạn, một máy bay tuần tra được thiết kế để dọn hành lang các máy bay địch; làn thứ hai hạ gục bất cứ hệ thống phòng không nào của địch đang nhả tên lửa; làn thứ ba là các máy bay tác chiến điện tử, máy bay tiếp dầu để tiếp nhiên liệu và máy bay ra-đa để luôn dựng được một bức tranh chiến đấu toàn cảnh; và sau cùng là máy bay chiến đấu: Các máy bay thả bom. Chúng được hộ tống bởi các máy bay cường kích trợ thủ bay xung quanh “để bảo đảm không có gì xảy ra,” Keinan giải thích.


“Rất áp đảo, rất hiệp đồng tác chiến,” Keinan nói về hệ thống kiểu Mỹ. “Như thế tạo ra khó khăn về hậu cần. Anh phải gặp máy bay tiếp dầu đúng điểm. Anh phải phối hợp với hệ thống tác chiến điện tử - chỉ cần một người bay trễ mấy giây là mọi thứ rã đám. Không quân Israel không thể dùng một hệ thống như thế ngay cả nếu họ có đủ nguồn lực, nó sẽ chỉ là một đống lộn xộn. Chúng tôi không có đủ kỷ luật.”


Trong hệ thống quân sự của Israel, hầu hết mọi máy bay đều phải thực hiện nhiều loại nhiệm vụ tác chiến khác nhau và lúc nào cũng chở theo tên lửa không đối không như loại tiêm kích. “Anh không thể bước vào trận chiến mà không có tên lửa không đối không, bất kể nhiệm vụ là gì”, Keinan nói. “Anh có thể hạ được một mục tiêu ở miền Nam Lebanon mà không đụng độ một máy bay nào khác, và dù có chăng nữa, căn cứ của anh cũng chỉ cách đó hai phút bay và ai đó có thể đến hỗ trợ. Song, vẫn không có chuyện bay đến một lãnh thổ thù địch mà không có tên lửa không đối không.”


Tương tự, gần như mọi máy bay trong Không quân Israel đều có hệ thống tác chiến điện tử trong buồng lái. Không giống Không quân Hoa kỳ, Không quân Israel không gửi đến một đội hình đặc biệt để triệt tiêu hệ thống ra-đa của kẻ thù. “Anh tự làm lấy,” Keinan nói thêm. “Tuy không hiệu quả bằng, nhưng như thế linh động hơn rất nhiều.” Rốt cuộc, trong phi đội tấn công thường thấy của Israel, khoảng 90% máy bay mang theoom và được phân công mục tiêu. Trong phi cơ tấn công của Hoa Kỳ, chỉ có các máy bay chiến đấu cơ sau cùng mang bom.


Trong hệ thống Israel, mỗi phi công đều phải nắm vững không chỉ mục tiêu của mình mà cả những mục tiêu khác trong các đội hình riêng biệt. “Chẳng hạn, nếu một máy bay bị bắn hạ, và hai máy bay tách ra để tìm kiếm phi công bị rơi hay để tham gia vào trận đánh không đối không... những phi công còn lại phải gánh các mục tiêu còn sót,” Keinan giải thích. “Nhiệm vụ của anh là như thế - đó là hệ quả tất yếu. Gần một nửa thời gian anh phải tấn công vào các mục tiêu mà trước đó được giao cho người khác.”


Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa hệ thống của hai nước bộc lộ khi quân Israel và Mỹ bay cùng nhau trong những cuộc tập trận chung. Trong một lần tập trận, Keinan bất ngờ khi thấy những phi công Mỹ được đưa cho một “cẩm nang bỏ túi” minh họa những hình thao diễn mà phi công dùng khi bay. “Chúng tôi nhìn thấy và nói: Cái quái gì thế này? Làm sao anh biết người khác sẽ làm gì?” Với Keinan, hiện là một nhà đầu tư, hệ thống của Mỹ có vẻ giống như bạn đến sàn chứng khoán và nói: “Bất kể thị trường có ra sao, tôi vẫn mua vào.”


Tư duy đa nhiệm tạo ra một môi trường mà trong đó các chức danh - và sự phân chia nhiệm vụ cụ thể cùng với nó - không có nhiều ý nghĩa. Đó là điều mà Doug Wood nhận thấy khi quyết định chuyển từ Hollywood sang Jerusalem: “Ở đây thật thích, vì các hãng phim Hollywood thường bảo rằng bạn cần một giám đốc dự án và một điều phối viên sản xuất hoặc một chuyên viên phụ trách lay-out. Còn ở Israel các chức danh thực sự chỉ là thứ trừu tượng, bởi chúng có thể hoán đổi cho nhau theo nhiều cách và một người thường làm nhiều hơn một việc.”


“Chẳng hạn,” anh nói, “chúng tôi có một gã trong đội CG, một đội dùng máy tính tạo ra hình ảnh, nhưng anh chàng cũng làm các mẫu nhân vật 3D bằng đất sét. Và rồi khi chúng tôi đang quay một cảnh, thì anh ta thốt ra một câu rất hài hước cho đoạn kết của cảnh ba mươi giây mà chúng tôi đang làm. Và tôi thích dòng đó đến nỗi tôi đã viết lại kịch bản và cho nó vào. Thế là gã CG ấy đã vượt qua bức tường kỷ luật và mạo hiểm bước chân vào nghề dựng mô hình và viết kịch bản.”


Ở Mỹ, người ta gọi kiểu lấn sân này bằng thuật ngữ mashup, tức là hỗn hợp. Bản thân thuật ngữ này đã biến đổi nhanh chóng và tiếp thu thêm nhiều nghĩa mới. Ban đầu nó chỉ việc gộp hai hay nhiều bài hát thành một bài, rồi nó hàm ý cả việc kết hợp trong mảng dựng video và kỹ thuật số, hay một ứng dụng Web thu thập dữ liệu từ các trang khác - chẳng hạn HousingMap.com, hiển thị bằng đồ họa các quảng cáo cho thuê nhà trên Google Maps. Theo cách nhìn của chúng tôi, một “mashup” có thể quyền năngkhi sự sáng tạo được sinh ra từ sự kết hợp các công nghệ khác biệt và kỷ luật.


Những công ty áp dụng phương pháp “mashup” phổ biến nhất ở Israel thường tập trung trong ngành thiết bị y tế và công nghệ sinh học, nơi bạn thấy các kỹ sư hầm gió và các bác sỹ hợp tác với nhau để làm ra một thiết bị có kích cỡ bằng thẻ tín dụng có thể khiến động tác tiêm trở thành dĩ vãng. Hoặc bạn thấy một công ty (nơi sáng chế ra tế bào beta, sợi quang học, và tảo từ Công viên quốc gia Yellowstone) tạo ra một lá lách nhân tạo cấy ghép được - để điều trị bệnh tiểu đường. Rồi có một dự án mới khởi động, xoay quanh viên thuốc có thể truyền tải hình ảnh từ bên trong ruột của bạn bằng công nghệ quang học vốn chỉ được dùng cho mũi dẫn đường của tên lửa.


Gavriel từng là nhà nghiên cứu tên lửa cho Rafael, một trong những nhà sản xuất vũ khí chính cho quân đội Israel. Anh ta chuyên về các thiết bị điện quang tinh vi cho phép tên lửa “nhìn thấy” mục tiêu. Tên lửa có thể không phải là nơi đầu tiên để người ta tìm kiếm công nghệ y học, nhưng Iddan đã có một ý tưởng mới lạ: Anh ta tích hợp công nghệ thu nhỏ mới nhất dùng trong tên lửa để phát triển một loại máy ảnh gói gọn trong viên thuốc có thể truyền tải hình ảnh từ bên trong cơ thể người.


Nhiều người bảo với anh là không thể nhét một máy ghi hình, máy phát, các nguồn phát sáng hay năng lượng vào trong một viên thuốc mà bất cứ ai cũng có thể nuốt. Iddan vẫn kiên quyết, có lúc còn đến siêu thị mua gà về nhà kiểm chứng xem mẫu thuốc ấy có thể truyền qua mô tế bào loài vật hay không. Anh gây dựng một công ty sản xuất loại máy ảnh to bằng viên thuốc, tức PillCams, và đặt tên công ty là Given Imaging.


Năm 2001, Given Imaging trở thành công ty đầu tiên trên thế giới được cổ phần hóa ở Phố Wall sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Đến năm 2004, sáu năm sau khi thành lập, Given Imaging đã bán 100 nghìn viên PillCams. Đầu năm 2007, công ty đạt mốc 500 nghìn viên PillCams, và cuối năm 2007 đã bán được gần 700 nghìn viên.


Đến hôm nay, thế hệ mới nhất của PillCams có thể truyền tải mà không gây đau đớn 18 hình chụp một giây, suốt hàng giờ, từ sâu trong ruột của người bệnh. Bác sỹ có thể theo dõi hình ảnh được quay trong thời gian thực, ở ngay trong phòng hay phía bên kia địa cầu. Thị trường vẫn còn rất rộng lớn và đã thu hút các đối thủ cạnh tranh khó nhằn; người khổng lồ Olympus cũng đang chế tạo máy ảnh của họ trong một viên thuốc. Các công ty khác nhảy vào thị trường này cũng là chuyện bình thường, vì chỉ tính riêng ở Mỹ các bệnh về đường ruột là nguyên nhân của hơn 30 triệu lượt người đến các phòng khám.


Câu chuyện của Given I không chỉ là chuyển giao công nghệ từ quân sự sang lĩnh vực dân sự, hay về một doanh nhân xuất thân từ một công ty lớn về công nghệ quốc phòng. Nó là một ví dụ của “mashup” trong công nghệ, về người kết hợp không chỉ các lĩnh vực riêng lẻ của tên lửa và y học, mà còn đang hợp nhất một chuỗi các công nghệ - từ quang học, điện từ, pin, truyền tải dữ liệu không dây, đến phần mềm, để hỗ trợ các bác sĩ phân tích những hình ảnh họ nhìn thấy. Những kiểu “mashup” này là chén thánh của sáng tạo công nghệ. Thật ra, một nghiên cứu mới đây của Đại học Tel Aviv đã cho thấy các bằng sáng chế của Israel khác với bằng sáng chế khác trên toàn cầu vì họ viện dẫn số lượng nhiều nhất và tập hợp đa dạng nhất các bằng sáng chế trước đấy.


Một trong những “mashup” như vậy là Compugen, một công ty đã làm cầu nối giữa quân sự và y học. Ba nhà đồng sáng lập - Chủ tịch Eli Mintz, Giám đốc công nghệ Simchon Faigler, và Giám đốc phần mềm Amir Natan - đã gặp nhau trong chương trình Talpiot danh tiếng của quân đội Israel. Một cựu học viên Talpiot khác ở Compugen, Lior Ma’ayan, nói rằng 25 trong số 60 nhà toán học đã gia nhập công ty nhờ vào các mối quan hệ từ trong quân đội của họ.


Ở quân đội Israel, Mintz đã tạo ra thuật toán giúp sàng lọc qua hàng tệp dữ liệu tình báo để tìm ra những mỏ vàng rất quan trọng cho những thành công của Israel trong việc truy tìm các mạng lưới khủng bố. Khi vợ anh, một nhà di truyền học, mô tả các vấn đề mà giới chuyên môn của cô gặp phải trong việc sàng lọc qua đống dữ liệu di truyền khổng lồ, Mintz nghĩ là anh có thể tìm được cách làm tốt hơn.


Mintz và các cộng sự của mình tiến hành một cuộc cách mạng hóa quy trình sắp xếp chuỗi gen. Tập đoàn Marck mua bộ sắp xếp dãy đầu tiên của Compugen năm 1994, một năm sau khi công ty được thành lập và rất lâu trước khi bộ gen người được giải mã thành công. Song đây mới chỉ là khởi đầu. Năm 2005, Compugen chuyển đổi mô hình kinh doanh và chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thuốc, họ sử dụng các kỹ thuật khác nhau từ các hãng đang chi phối ngành công nghiệp dược phẩm.


Kết hợp toán học, sinh học, khoa học máy tính và hóa hữu cơ, Compugen đã đi tiên phong trong việc phát triển thuốc “dự báo”. Thay vì kiểm tra hàng nghìn hợp chất, hy vọng tìm được cái gì đó có thể “dùng được”, chiến lược của Compugen là bắt đầu ở cấp độ gen và phát triển thuốc dựa trên việc các gen biểu hiện thế nào qua việc sản xuất protein.


Mặt quan trọng trong cách tiếp cận của Compugen là sự kết hợp lạ lùng giữa các phòng thí nghiệm “khô” (mang tính lý thuyết) và “ướt” (về mặt sinh học). “Thử tưởng tượng làm việc với Big Pharma ở nước ngoài hay một khu vực khác của đất nước,” Alon Ami Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực công nghệ của Compugen, giải thích. “Sự liên lạc mà anh mong đợi sẽ chậm hơn nhiều nếu như anh không có các nhà sinh học và toán học làm việc với nhau trên cùng tầng lầu, theo đúng nghĩa đen, để bàn bạc xem nên thử nghiệm cái gì, thử nghiệm thế nào, và đưa ra các mô hình.”[156]


Công ty lớn nhất Israel, Teva, nằm trong ngành dược, tương tự như Compugen và một số công ty mới ở Israel (ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp ở Israel tham gia vào thiết bị y tế) cũng liên quan đến việc đưa thuốc vào cơ thể. Lĩnh vực này dường như phù hợp với thiên hướng tư duy đa ngành nghề của người Israel, cũng như tính cách thiếu kiên nhẫn của họ - bởi việc phát triển thuốc mất rất nhiều thời gian.


Một công ty cũng dựa vào phương pháp “mashup” như vậy là Aespironics. Họ phát triển một ống hít thuốc có kích thước và hình dáng như một thẻ tín dụng bao gồm cả tua-bin gió chạy nhờ hơi thở. Vấn đề với rất nhiều ống hít nằm ở chỗ việc chế tạo chúng rất khó khăn và tốn kém. Phải tìm ra cách để xịt thuốc hiệu quả qua một lưới kim loại. Thêm nữa, quá trình này phải được tính toán thời gian chuẩn xác với hơi thở người bệnh để tối đa hóa và điều tiết lượng thuốc hấp thụ vào phổi.


Dường như Aespironics đã giải quyết được tất cả vấn đề này cùng một lúc. Bên trong chiếc “thẻ tín dụng” là một chân vịt giống như cánh quạt, hoạt động nhờ luồng không khí khi bệnh nhân hít vào từ góc thẻ. Khi chân vịt quay, nó rải thuốc lên mặt lưới, từ đó thổi thuốc ra khỏi lưới và bay vào không khí theo cách thức được tính toán trước. Vì cánh quạt chỉ hoạt động khi người dùng hít vào, nên nó tự động đẩy thuốc vào phổi bệnh nhân.


Sắp xếp chúng lại với nhau đòi hỏi sự kết hợp phi chính thống của nhiều kỹ năng và kỹ thuật. Bên cạnh các chuyên gia về ống hít, đội ngũ của Aespironics còn bao gồm Dan Adler, chuyên về thiết kế tua-bin khí và động cơ máy bay. Ông là giáo sư ở Technion, Trường Cao học Hải quân Mỹ, và là nhà tư vấn cho các công ty như General Dynamics, Pratt & Whitney, và Mcdonnell Douglas.


Việc phối trộn tên lửa và thuốc, máy bay và ống hít nghe đã đủ lạ lùng rồi, nhưng kiện tướng mashup thực sự phải là Yossi Gross. Sinh ra ở Israel và được đào tạo về kỹ thuật hàng không ở Technion, Gross làm việc cho hãng Israel Aircraft Industries bảy năm trước khi xin nghỉ để theo đuổi những nỗ lực kinh doanh riêng.


Ruti Alon của hãng đầu tư mạo hiểm Pitango, đã đầu tư vào sáu trong mười bảy công ty khởi nghiệp của Gross, lý giải rằng cách tiếp cận đa ngành của anh ấy là chìa khóa của thành công. “Anh được đào tạo về kỹ sư hàng không và điện tử. Anh ấy cũng hiểu biết nhiều về vật lý, dòng chảy và huyết áp, và những kiến thức này rất hữu ích khi ta suy nghĩ về các thiết bị cần được cấy vào cơ thể người”. “Thêm nữa”, Alon nhắc, “anh ấy quen biết rất nhiều bác sỹ”[157].


Một số công ty của Gross kết hợp các công nghệ cực kỳ đa dạng đến nỗi họ tiến gần đến ranh giới của khoa học viễn tưởng. Chẳng hạn, Beta-O2 là một công ty khởi nghiệp làm về “bể lọc sinh học” có thể được cấy để thay thế tuyến tụy bị khiếm khuyết của các bệnh nhân tiểu đường. Những bệnh nhân này mắc phải chứng rối loạn khiến cho các tế bào beta của họ ngừng sản sinh insulin. Cấy ghép tế bào beta có thể đánh lừa điều này, nhưng ngay cả khi cơ thể không đào thải chúng, chúng cũng không thể sống sót nếu không có nguồn cung cấp ô-xy.


Gii pháp của Gross là tạo ra một môi trường vi mô khép kín và độc lập, chứa loại tảo sản sinh ô-xy từ những mạch nước phun ở Công viên công nghệ Yellowstone. Bởi loại tảo này cần ánh sáng để sống, một nguồn sáng bằng sợi quang học được gắn trong thiết bị nhỏ bằng chiếc máy điều hòa nhịp tim này. Các tế bào beta hấp thụ ô-xy và sản sinh ra carbon dioxide; còn tảo thì ngược lại, tạo ra một hệ sinh thái thu nhỏ khép kín. Toàn bộ bể lọc sinh học này được thiết kế để cấy dưới da trong vòng mười lăm phút, điều trị ngoại trú và được thay thế mỗi năm một lần.


Kết hợp tảo địa nhiệt, sợi quang học, và tế bào beta để chữa bệnh tiểu đường là tiêu biểu cho phương pháp tiếp cận đa công nghệ của Gross. Một trong những công ty khởi nghiệp khác của ông, TransPharma Medical, kết hợp hai sáng kiến khác nhau: Dùng xung động sóng vô tuyến (RF) để tạo ra các kênh siêu nhỏ tạm thời xuyên qua da, và phát triển miếng đắp thuốc bột đầu tiên trên thế giới. “Nó là một thiết bị nhỏ,” Gross giải thích, “giống như một điện thoại di động, bạn áp vào da trong một giây. Nó bào mòn tế bào bằng sóng vô tuyến, tạo ra hàng trăm kênh siêu nhỏ trong da. Rồi chúng tôi áp miếng đắp bột lên, không phải miếng đắp thông thường. Hầu hết miếng đắp đều dùng gel hoặc chất dính. Chúng tôi in thuốc lên miếng đắp, và làm khô. Khi chúng tôi áp miếng đắp lên da, một chất dịch lỏng từ từ chảy ra từ kẽ các kênh siêu nhỏ và kéo chất bột khô lại (được làm ráo và làm lạnh) từ miếng đắp dưới da.”


Gross cho rằng thiết bị này giải quyết được một trong những vấn đề nan giải nhất của việc tiêm thuốc: Làm sao đưa những phân tử lớn, như protein, qua lớbiểu bì mà không cần phải tiêm. Những sản phẩm đầu tiên sẽ đưa hóc-môn tăng trưởng và một loại thuốc trị loãng xương vào cơ thể người; các miếng đắp để cung cấp insulin và các loại thuốc khác, hóc-môn và phân tử - hầu hết chúng được đưa vào bằng cách tiêm - đang được thực hiện.


Thiên hướng của người Israel trong những “mashup” về công nghệ không chỉ là tính ham hiểu biết; nó là một đặc điểm văn hóa nằm trong cốt tuỷ khiến Israel có nhiều cách tân như vậy. Một sản phẩm có nền tảng đa ngành mà người Israel thường kết hợp các kinh nghiệm quân sự và dân sự của họ. Đó cũng là một cách nghĩ đã sản sinh ra những giải pháp đặc biệt sáng tạo và mở ra các ngành công nghiệp mới đầy tiềm năng, và các tiến bộ “đột phá” trong công nghệ. Nó là một cách suy nghĩ tự do, khó có thể tưởng tượng trong các xã hội có nền văn hóa cứng nhắc, bao gồm cả những nước dường như đang ở giai đoạn cực thịnh về phát triển thương mại.