Quiet – Sức Mạnh Của Người Hướng Nội

Chương 8: Quyền Lực Mềm

Phần Ba: CÓ PHẢI MỌI NỀN VĂN HÓA ĐỀU CÓ KHUÔN MẪU HƯỚNG NGOẠI LÝ TƯỞNG?

Chương 8: QUYỀN LỰC MỀM

Người Mỹ Gốc Châu Á và Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng

Bằng một cách nhẹ nhàng, bạn có thể làm rúng động cả thế giới.

—MAHATMA GANDHI

Đó là một ngày mùa xuân tràn đầy nắng năm 2006, và Mike Wei, một học sinh năm cuối gốc Trung Quốc tại trường cấp III Lynbrook, gần Cupertino, California, đang kể với tôi về trải nghiệm của cậu với tư cách một học sinh người Mỹ gốc Á. Mike bận từ đầu đến chân trong bộ trang phục đậm chất Mỹ: quần ka-ki, áo khoác gió, và mũ lưỡi trai bóng chày; nhưng khuôn mặt hiền lành, nghiêm túc cùng bộ râu lưa thưa cho cậu vẻ ngoài của một nhà triết học tương lai, và cậu nói nhỏ nhẹ đến nỗi tôi phải cúi người tới trước để có thể nghe được cậu.

“Ở trường”, Mike nói, “tôi thích nghe giáo viên giảng và làm một học sinh tốt, hơn là làm ‘cây hài’ trong lớp hay là tương tác với các bạn cùng lớp khác. Nếu sôi nổi, la hét, hay chơi đùa trong lớp sẽ làm ảnh hưởng đến sự tiếp nhận việc học của tôi, thì sẽ tốt hơn nhiều nếu tôi tập trung vào việc học”.

Mike đề cập đến chuyện này với thái độ bình thản như-chuyện-đương-nhiên, nhưng cậu có vẻ cũng biết việc này kỳ lạ đến thế nào theo tiêu chuẩn Mỹ. Thái độ này của cậu đến từ cha mẹ cậu, cậu giải thích. “Nếu tôi có thể lựa chọn giữa việc làm gì đó cho bản thân mình, như đi chơi với bạn bè tôi, và với việc ở nhà và học bài, tôi sẽ nghĩ đến cha mẹ mình. Điều đó giúp tôi có lại được quyết tâm để học. Cha tôi luôn nói rằng công việc của ông là lập trình máy tính, còn công việc của tôi là học”.

Mẹ của Mike cũng dạy cậu bài học tương tự bằng chính hành động của bà. Là một cựu giáo viên toán, đã phải làm người giúp việc khi cả gia đình di cư tới đất Mỹ, bà đã ghi nhớ từ ngữ tiếng Anh mỗi ngày trong khi rửa chén đĩa. Bà rất ít nói, Mike kể, và hết sức quyết tâm. “Theo đuổi việc học của bạn như vậy thực sự rất đặc trưng cho kiểu sống Trung Quốc. Mẹ tôi có một dạng sức mạnh mà không phải ai cũng có thể thấy được”.

Theo tất cả mọi nghĩa, Mike đều đã khiến cha mẹ mình được tự hào. Địa chỉ thư điện tử của cậu là “A- student”, học sinh đạt toàn điểm A, và cậu vừa giành được một vị trí quý giá tại Đại học Stanford. Cậu là dạng người chín chắn, tận tụy mà bất cứ cộng đồng nào cũng có thể tự hào nhận lấy về mình. Ấy vậy nhưng, theo một bài báo có tên “The New White Flight” đăng trên tờ Wall Street Journal chỉ sáu tháng trước đó, các gia đình da trắng đang lũ lượt rời bỏ Cupertino, chính xác là vì những đứa trẻ như Mike. Họ đang chạy trốn khỏi những điểm số cao chót vót và những thói quen học tập “kinh hoàng” của rất nhiều học sinh Mỹ gốc Á. Bài báo nói rằng các bậc cha mẹ da trắng sợ rằng con cái họ không thể theo kịp bạn bè gốc Á về mặt học tập. Trích lời một học sinh từ một trường cấp III tại địa phương gần đó: “Nếu bạn là người gốc Á, bạn chỉ cần xác nhận là bạn thông minh. Còn nếu bạn da trắng, bạn sẽ phải chứng tỏ điều đó”.

Nhưng bài báo đó không đi sâu vào làm rõ điều gì tạo ra những thành tích thuộc hàng siêu sao này. Tôi rất tò mò không biết liệu khả năng học tập của học sinh thị trấn liệu có phản ánh một nền văn hóa được cách ly khỏi những điều tệ nhất của Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng hay không - và nếu vậy, cảm giác khi sống ở một nơi như thế sẽ như thế nào. Tôi quyết định sẽ tới tận nơi và tìm hiểu.

Từ cái nhìn đầu tiên, Cupertino có vẻ như là hiện thân của Giấc mơ Mỹ. Rất nhiều gia đình thuộc thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai của những người nhập cư từ châu Á sinh sống ở đây và làm việc tại các công sở công nghệ cao tại địa phương. Trụ sở của Apple Computer tại số 1 Infinite Loop nằm trong thị trấn này. Trụ sở của Google tại Mountain View thì chỉ cách đó mấy con đường. Những chiếc xe được chăm sóc cẩn thận lướt êm ru trên những đại lộ; một vài khách bộ hành ít ỏi ăn vận trong những màu sắc rực rỡ và màu trắng vui tươi. Những ngôi nhà loại bình-thường-không-có-gì-đặc-sắc ở đây có giá không rẻ, nhưng những người mua nó nghĩ như thế là xứng đáng, vì thế tức là đưa được các con họ vào hệ thống trường công nổi tiếng ở đây, với số lượng các học sinh tốt nghiệp vào được những trường Ivy League rất cao. Trong số 615 học sinh tốt nghiệp khóa 2010 tại trường trung học Cupertino’s Monta Vista High School (mà theo trang web của trường thì 77% trong số đó là người Mỹ gốc Á; bản thân trang web này cũng có một số phần được viết bằng cả hai thứ tiếng Anh và Trung Quốc), 53 người đã được lọt vào danh sách vòng bán kết để nhận học bổng National Merit Scholarship. Tổng điểm trung bình của các học sinh Monta Vista đã tham gia vào kỳ thi SAT năm 2009 là 1916/2400, cao hơn mức trung bình trên toàn nước Mỹ tới 27%.

Những học sinh được nể trọng nhất tại trường trung học Monta Vista này không nhất thiết phải là dạng giỏi thể thao hay hoạt bát, năng nổ, theo lời một học sinh tôi gặp ở đây. Trái lại, họ chăm chỉ học tập, và đôi lúc rất ít nói. “Thông minh ở đây thực sự còn được ngưỡng mộ nữa, kể cả khi bạn có hơi dị một chút”, một học sinh Mỹ gốc Hàn năm hai tên Chris nói với tôi. Chris kể lại về trải nghiệm của một người bạn của cậu, đã cùng gia đình chuyển đến sống hai năm tại một thị trấn ở Tennessee, nơi có rất ít người Mỹ gốc Á sinh sống. Ở Tennessee, “có những người thông minh đến kinh hoàng, nhưng họ luôn luôn cô độc một mình. Ở đây, những người rất thông minh thường có rất nhiều bạn, bởi họ có thể giúp đỡ mọi người trong công việc”.

Thư viện với cư dân Cupertino đóng vai trò như là khu trung tâm mua sắm hay sân vận động với cư dân các thị trấn khác vậy: một trung tâm không chính thức cho cuộc sống tại địa phương. Các học sinh trung học vui vẻ gọi việc học bằng cái tên “going nerding”. Bóng bầu dục hay cổ vũ (cheerleading) không hẳn là những hoạt động nhận được nhiều sự tôn trọng. “Đội bóng bầu dục của bọn tôi chơi dở ẹc”, Chris vui vẻ nói. Mặc dù thành tích gần đây của đội bóng ấn tượng hơn những gì Chris nói, việc có một đội bóng bầu dục “dở ẹc” có vẻ có một ý nghĩa rất lớn đối với cậu.”Bạn thậm chí sẽ không thể đoán được họ là thành viên đội bóng bầu dục”, cậu giải thích. “Họ không mặc áo đồng phục đội bóng đi học, và cũng không túm tụm lại thành từng nhóm lớn. Khi một trong các bạn tôi tốt nghiệp, họ bật một video trong buổi lễ, và bạn tôi đã kêu lên: “Tớ không thể tin được là họ lại cho cả bọn đội bóng với cả mấy cô hoạt náo viên vào trong video đấy”. Đó chỉ đơn giản không phải là trọng tâm chính của thị trấn này”.

Ted Shinta, một giáo viên và cố vấn cho Đội Robot tại trường Monta Vista High School, cũng kể với tôi những điều tương tự. “Khi tôi còn học cấp III”, anh kể, “bạn không được khuyến khích đi bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử học sinh nếu bạn không phải thành viên một đội thể thao nào đấy của trường. Ở phần lớn các trường cấp III, bạn luôn có một nhóm cực kỳ nổi tiếng thống trị các học sinh khác. Nhưng ở đây các học sinh trong những nhóm như thế không có một quyền lực gì đối với các học sinh còn lại. Toàn bộ tập thể học sinh đều quá thiên về giáo dục để có những chuyện như thế”.

Purvi Modi, cố vấn học tập tại một trường đại học trong vùng, cũng đồng ý như vậy. “Tính hướng nội không phải là thứ bị coi thường ở đây”, bà nói với tôi. “Nó được chấp nhận. Trong một số trường hợp, nó còn được hết sức nể trọng và ngưỡng mộ nữa. Ở đây, sẽ rất ngầu nếu bạn là nhà vô địch giải thi đấucờ vua, hay chơi trong đội nhạc của trường”. Ở đây cũng có một phổ hướng nội-hướng ngoại như ở bất cứ nơi nào khác vậy, nhưng có vẻ dân số ở đây được phân bố hơi nghiêng hơn một vài độ về phía “hướng nội” trên thang đo thì phải. Một cô gái trẻ, là người Mỹ gốc Trung Quốc đang sắp bắt đầu năm nhất tại trường đại học danh giá East Coast, cũng nhận thấy hiện tượng này sau khi gặp mặt một số bạn cùng lớp tương lai của mình trên mạng, và khá lo lắng về cuộc sống tương lai giai đoạn hậu-Cupertino của mình.”Tôi đã gặp một vài người trong số họ trên Facebook”, cô nói, “và họ thực sự là quá khác biệt. Tôi rất ít nói và trầm tính. Tôi không phải kẻ hay đi tiệc hay giao du nhiều như vậy, nhưng tất cả mọi người ở đó đều có vẻ rất quảng giao và mọi thứ. Nó chỉ là rất khác so với các bạn của tôi. Tôi thậm chí còn không dám chắc liệu mình sẽ kiếm được người bạn nào ở đó hay không nữa”.

Một trong những người cô nói chuyện cùng trên Facebook sống ở khu Palo Alto khá gần đó, và tôi hỏi liệu cô sẽ phản ứng thế nào nếu người đó mời cô đến chơi dịp nghỉ hè.

“Tôi có lẽ sẽ không đến đâu”, cô nói. “Được gặp gỡ họ rồi mọi thứ thì đúng là rất thú vị, nhưng mẹ tôi sẽ không muốn tôi ra ngoài nhiều như vậy, bởi tôi còn phải học”.

Tôi vô cùng kinh ngạc trước cảm giác về nghĩa vụ đạo hiếu rõ rệt của cô gái, và mối quan hệ của nó với việc cô ưu tiên việc học cao hơn việc giao du xã hội. Nhưng điều này không hề là gì bất thường ở Cupertino. Rất nhiều thanh thiếu niên người Mỹ gốc Á ở đây nói với tôi rằng họ vẫn học trong suốt cả kỳ nghỉ hè theo yêu cầu của cha mẹ, đến mức từ chối cả những lời mời đến dự tiệc sinh nhật trong tháng Bảy, chỉ để họ có thể học vượt hơn trong môn Tích phân sắp bắt đầu vào tháng Mười sắp tới.

“Tôi nghĩ đó là vì nền văn hóa của chúng tôi”, Tiffany Liao, một học sinh sắp sửa tốt nghiệp vùng Swarthmore có cả bố và mẹ đều đến từ Đài Loan, giải thích. “Học tập giỏi, sống tốt, không tạo điều tiếng gì. Chúng tôi đã được định từ bẩm sinh để trầm tính hơn rồi. Khi còn nhỏ, mỗi khi nào phải đến nhà các bạn của bố mẹ tôi mà không muốn nói chuyện, tôi sẽ mang theo một cuốn sách. Nó như một tấm khiên chắn vô cùng an toàn, và họ sẽ bảo: “Con bé lúc nào cũng học!”. Và đó là một lời khen đấy”.

Thật khó để có thể tưởng tượng các bậc cha mẹ người Mỹ khác ngoài Cupertino sẽ có thể cười được khi đứa trẻ của họ cắm cúi đọc sách ở nơi đông người, trong khi tất cả những người khác tụ tập quanh bàn tiệc thịt nướng. Nhưng những bậc cha mẹ đã được giáo dục tại các quốc gia châu Á một thế hệ trước đây rất có thể đã được dạy theo cách học tĩnh lặng hơn này khi họ còn trẻ. Ở rất nhiều lớp học ở Đông Á, chương trình truyền thống tập trung rất nhiều vào việc nghe, viết, đọc và ghi nhớ. Nói chuyện đơn giản không phải là một trọng tâm, thậm chí còn bị ngăn cản.

“Cách dạy ở quê nhà rất khác với ở đây”, Hung Wei Chien, một bà mẹ ở vùng Cupertino đã từ Đài Loan tới Mỹ vào năm 1979 để theo học đại học tại UCLA (Đại học California, Los Angeles), nói. “Ở đó, bạn học một môn học, và người ta kiểm tra bạn. Ít nhất là khi tôi lớn lên, bạn không đi lệch khỏi chương trình quá nhiều, và người ta không cho phép học sinh nói năng huyên thuyên. Nếu bạn đứng dậy và bắt đầu nói lung tung, bạn sẽ bị phạt”.

Hung là một trong số những người vui vẻ, hướng ngoại nhất mà tôi từng được gặp; dựa vào những cử chỉ lớn, thân thiện, dễ gần và những tràng cười sảng khoái. Mặc quần tập chạy, giày thể thao và trang sức màu hổ phách, cô chào tôi với một cái ôm thật chặt, và lái xe đưa tôi đến một tiệm bánh để ăn sáng. Chúng tôi cắm đầu vào những đĩa bánh của mình, vui vẻ nói chuyện.

Nói vậy để thấy rằng ngay cả đến người như Hung cũng phải trải qua cú sốc văn hóa khi lần đầu tiên bước vào một lớp học kiểu Mỹ. Cô đã coi việc tham gia vào bàn luận cùng lớp học là vô ý thức, bởi cô không muốn làm lãng phí thời gian của các bạn cùng lớp. Và hẳn nhiên rồi, cô vừa nói vừa cười lớn, “tôi đã là người ít nói nhất trong lớp. Ở UCLA, giáo sư sẽ bắt đầu giờ học bằng cách nói, “Hãy cùng thảo luận nào!”. Tôi sẽ chỉ ngồi nhìn các bạn mình trong khi họ nói huyên thuyên, và vị giáo sư thì quá là kiên nhẫn, lắng nghe từng người một”. Cô làm điệu bộ gật gật đầu một cách khôi hài, bắt chước vị giáo sư đáng kính đang chăm chú lắng nghe các sinh viên.

“Tôi đã nhớ mình kinh ngạc đến thế nào. Nó là một lớp học về ngôn ngữ, nhưng các học sinh thậm chí còn đang không bàn luận về ngôn ngữ nữa!”. Tôi đã nghĩ, “Ồ, hóa ra ở Mỹ, chỉ cần bạn mở miệng ra và bắt đầu nói, bạn sẽ ổn cả”.

Nếu Hung đã choáng ngợp với cách tham gia lớp học kiểu Mỹ, thì rất có khả năng là các giáo viên của cô cũng bối rối như vậy về việc ngần ngại nói trong lớp của cô. Đúng hai mươi năm sau khi Hung chuyển tới nước Mỹ, tờ San Jose Mercury News cho đăng một bài báo có tên “Va chạm trong truyền thống dạy giữa Đông và Tây” (“East, West Teaching Traditions Collide”), khám phá sự phiền muộn của các giáo sư về sự ngần ngại của sinh viên gốc Á như Hung trong việc tham gia nhiều hơn vào các lớp học tại đại học California. Một giáo sư nhắc đến một rào cản khác biệt tạo ra bởi các học sinh Châu Á quá nể trọng các giáo viên của mình. Một giáo sư khác thì thề rằng sẽ khiến việc tham gia vào thảo luận cùng với lớp thành một phần trong điểm số, để bắt các học sinh gốc Á phải nói nhiều hơn trong lớp. “Bạn có nghĩa

vụ phải tự hạ thấp bản thân xuống trong cách học Trung Quốc, bởi những nhà tư tưởng khác giỏi hơn bạn nhiều”, nói một giáo sư thứ ba. “Đây là một vấn đề đã tồn tại lâu năm trong các lớp học mà học sinh người Mỹ gốc Á chiếm áp đảo”.

Bài báo này tạo ra một phản ứng rất lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc Á. Một số nói rằng các trường đại học nói đúng, rằng các học sinh gốc Á cần phải thích nghi với tiêu chuẩn học tập của phương Tây. “Người Mỹ gốc Á đã để mọi người khác giẫm đạp lên họ quá nhiều, chỉ vì họ quá tĩnh lặng”, một độc giả của trang web có cái tên mỉa mai ModelMinority.com nói. Những người khác lại cảm thấy rằng học sinh gốc Á không nên bị ép phải nói và phải cư xử theo cung cách phương Tây. “Có lẽ thay vì cố thay đổi cách học của họ, các trường đại học nên học cách lắng nghe âm thanh của sự tĩnh lặng”, Heejung Kim, một nhà tâm lý văn hóa tại Đại học Stanford, viết trong bài báo tranh cãi rằng nói chuyện không phải bao giờ cũng là một hành động tích cực.

Làm thế nào mà người Châu Á và người phương Tây có thể cùng nhìn vào đúng cùng một kiểu tương tác trong lớp học, và một nhóm sẽ gọi nó là “tham gia thảo luận cùng lớp”, trong khi nhóm kia sẽ là “nói huyên thuyên”? Tờ The Journal of Research in Personality đã đăng một câu trả lời cho câu hỏi này dưới dạng một tấm bản đồ thế giới, vẽ bởi nhà tâm lý học nghiên cứu (research psychologist) Robert McCrae. Bản đồ của McCrae thoạt trông có vẻ giống một thứ gì đó bạn hay thấy trong các cuốn sách giáo khoa địa lý, nhưng nó được xây dựng, ông nói, “không phải dựa trên lượng mưa hay mật độ dân số, mà là mức độ và loại tính cách”, và những mảng màu xám thẫm và xám nhạt của nó—thẫm cho hướng ngoại, nhạt cho hướng nội—hé lộ một bức tranh “khá là rõ ràng: Châu Á.... là hướng nội, Châu Âu hướng ngoại”. Nếu tấm bản đồ này có bao gồm cả nước Mỹ, nó sẽ được phủ một màu xám thẫm. Cư dân Mỹ là một phần trong số những người hướng ngoại nhất trên thế giới này.

Tấm bản đồ của McCrae có vẻ là một nỗ lực hoành tráng khác trong việc định kiến văn hóa (cultural stereotyping). Việc gộp cả một lục địa vào một kiểu tính cách là một hành động khái quát quá tổng quan: bạn có thể tìm thấy những người ồn ào ở Trung Hoa đại lục cũng dễ dàng như khi bạn tìm ở Atlanta, Georgia vậy. Cũng như vậy, tấm bản đồ không chỉ ra được những khác biệt nhỏ nhưng quan trọng về văn hóa trong mỗi một quốc gia hoặc khu vực. Người ở Bắc Kinh vẫn khác so với người ở Thượng Hải, và cả hai còn khác hơn nữa khi so sánh với người ở Seoul hay Tokyo. Tương tự, việc miêu

tả người châu Á là “model minority”-hình mẫu thiểu số—kể cả khi nó có hàm ý khen ngợi—cũng vẫn hạn chế và cao ngạo như bất cứ lời miêu tả nào mà giảm thiểu những cá nhân xuống chỉ còn thành một tập hợp các tính cách đã được tri nhận của cả cộng đồng. Và có lẽ cũng không ổn khi nhìn nhận Cupertino như là một lò ấp cho những kẻ vượt trội về mặt học tập, bất kể là dẫu với nhiều người, điều này có đáng hãnh diện đến thế nào.

Nhưng mặc dù tôi không muốn cổ vũ cho những định kiến cứng nhắc về các quốc gia hoặc dân tộc, cũng sẽ thật là đáng tiếc nếu bỏ qua hoàn toàn chủ đề về khác biệt văn hóa và tính hướng nội: có rất nhiều phương diện trong phong cách văn hóa và tính cách của châu Á mà phần còn lại của thế giới có thể và nên học hỏi. Các học giả đã từ hàng nhiều thập kỷ nay đã nghiên cứu sự khác biệt về mặt văn hóa trong loại tính cách, đặc biệt là giữa phương Đông và phương Tây, và đặc biệt là về sự hướng nội- hướng ngoại, một cặp tính cách mà các nhà tâm lý học—những người gần như không bao giờ nhất trí được với nhau về một vấn đề gì khi bàn đến việc phân loại tính cách con người—đều tin rằng là một thứ nổi bật và có thể thấy được ở mọi nơi trên thế giới.

Phần lớn các nghiên cứu này cho về những kết quả tương tự với tấm bản đồ của McCrae. Ví dụ, một nghiên cứu so sánh các trẻ em từ tám tới mười tuổi giữa Thượng Hải và bắc Ontario, Canada đã thấy rằng ở Canada, những em nhỏ nhút nhát, rụt rè và nhạy cảm thường bị các bạn cùng lứa khác xa lánh; nhưng ở Trung Quốc lại được coi là dạng bạn được ưa thích. Những em này cũng có khả năng được chọn cho các vị trí lãnh đạo cao hơn những người khác. Những trẻ em Trung Quốc nhạy cảm và trầm lặng, ít nói được gọi là dongshi (“đổng thế”- thấu hiểu thế thái nhân tình), một từ ngữ phổ biến dùng để khen ngợi.

Tương tự, học sinh phổ thông ở Trung Quốc nói lại với các nhà nghiên cứu rằng các em thích những người bạn “khiêm tốn” và “vị tha”, “trung thực” và “chăm chỉ” hơn; trong khi học sinh phổ thông ở Mỹ thì lại tìm kiếm những người bạn “vui vẻ”, “nhiệt tình” và “dễ gần”. “Sự đối lập quả là đáng kinh ngạc”, Michael Harris Bond, một nhà tâm lý học giao thoa văn hóa (cross-cultural psychologist) tập trung vào Trung Quốc, nói. “Người Mỹ đặt trọng tâm vào khả năng hòa đồng (sociability), và ưu ái những nét tính cách giúp cho việc hòa đồng trở nên dễ dàng, vui vẻ. Người Trung Quốc thì đặt trọng tâm vào những nét tính cách sâu sắc hơn, tập trung vào những đức hạnh và thành quả về mặt đạo đức”.

Một nghiên cứu khác yêu cầu những người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Âu cùng nói lớn suy nghĩ của mình khi phải giải quyết những vấn đề tư duy phức tạp, và phát hiện thấy rằng người gốc Á làm tốt hơn rất nhiều khi họ được phép suy nghĩ trong im lặng, trong khi những người da trắng lại thể hiện tốt hơn khi họ được nói trong khi suy nghĩ về vấn đề.

Những kết quả này hẳn sẽ không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai đã quen thuộc với thái độ của người châu Á trước việc nói: nói chuyện là chỉ để cho việc giao tiếp những thông tin cần-phải-biết; tĩnh lặng và nội quan (introspection) là những dấu hiệu của suy nghĩ sâu sắc. Lời nói là những vũ khí nguy hiểm, có thể để lộ ra những thứ tốt nhất không nên được nói ra. Chúng làm tổn thương người khác, và có thể khiến chính người nói chúng phải rơi vào rắc rối. Ví dụ, hãy thử cân nhắc đến những câu tục ngữ đến từ phương Đông dưới đây:

Gió gào thét, nhưng ngọn núi thì vẫn lặng thinh.

—TỤC NGỮ NHẬT BẢN

Người biết thì không nói Kẻ nói thì không biết

—LÃO TỬ, Đạo Lão

Mặc dù tôi không hề chủ ý cố gắng để quan sát sức mạnh kỷ luật của sự im lặng, việc sống một mình tự động giúp tôi kìm lại mình khỏi tội lỗi của việc nói.

— KAMO NO CHOMEI, người sống ẩn dật tại Nhật Bản vào thế kỷ 12

Và hãy so sánh chúng với các câu tục ngữ sau đây từ phương Tây:

Là một kẻ điêu luyện trong lời nói tức là người sẽ là một kẻ mạnh, bởi sức mạnh của một người nằm ở đầu lưỡi, và ngôn từ là thứ hùng mạnh hơn mọi chiến trận trên đời.

—MAXIMS OF PTAHHOTEP, 2400 trước Công Nguyên

Nói cũng chính là văn minh. Ngôn từ, thậm chí là từ ngữ đối địch nhất, cũng vẫn chứa đựng sự liên lạc—chính sự im lặng mới là thứ cô lập chúng ta.

—THOMAS MANN, The Magic Mountain

Bánh xe nào kẽo kẹt thì mới được tra dầu.30

—TỤC NGỮ MỸ

30 The squeaky wheel gets the grease - Những kẻ lớn tiếng (đòi hỏi giúp đỡ) thì mới được giúp đỡ tối đa. Châm ngôn cho những ai nhút nhát, e ngại phải lên tiếng xin trợ giúp. Giống câu “Con khóc mẹ mới cho bú” trong tiếng Việt.

Điều gì ẩn giấu đằng sau những thái độ quá sức khác biệt này? Một câu trả lời đến từ sự trọng việc học ở khắp các nước châu Á, đặc biệt là các nước trong vành đai Khổng giáo như Trung Quốc, Nhật Bản, Nam-Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Tới tận ngày hôm nay, tại một số ngôi làng ở Trung Quốc, người ta vẫn đặt những bức tượng các thí sinh đã đỗ kỳ thi jinshi (進士 - tiến sĩ) của triều Minh cách đây đến hàng trăm năm. Sẽ dễ hơn rất nhiều để đạt được sự trọng vọng này nếu bạn—cũng như một vài trong số những đứa trẻ ở Cupertino—dành cả kỳ nghỉ hè của mình để học.

Một lời giải thích khác đó là danh tính nhóm (group identity). Rất nhiều nền văn hóa châu Á được định- hướng-đồng-đội (team-oriented), nhưng không phải theo cách mà những người phương Tây vẫn nghĩ về đội (team). Các cá nhân ở châu Á tự nhìn nhận mình như một phần của một tập thể lớn hơn—dù đó có là gia đình, công ty, hay cộng đồng—và cực kỳ đề cao sự hòa thuận bên trong nhóm của họ. Họ thường đặt ham muốn của mình xuống dưới nguyện vọng của nhóm, chấp nhận vị trí của của mình trong hệ thống thứ bậc của nó.

Văn hóa phương Tây, ngược lại, được xây dựng xung quanh cá nhân. Chúng ta tự nhìn nhận mình như những đơn-vị-tự-thân (self-contained units); số mệnh của chúng ta là tự thể hiện bản thân, là theo đuổi vận may của chính mình, là được tự do khỏi mọi sự ràng buộc phi lý, là để đạt được thứ mà chúng ta, và chỉ chúng ta mà thôi, được đưa đến thế giới này để làm. Chúng ta có thể quảng giao và dễ gần và mọi thứ, nhưng chúng ta không đầu hàng trước những ý muốn của tập thể, hay ít nhất chúng ta cũng không thích nghĩ rằng chúng ta hay làm thế. Chúng ta yêu quý và kính trọng cha mẹ mình, nhưng thể hiện thái độ khinh khỉnh trước những ý tưởng như đạo hiếu, với sự ám chỉ của nó về sự lệ thuộc và ràng buộc. Khi chúng ta tụ tập lại với những người khác, chúng ta làm thế với tư cách những đơn-vị-tự-thân chơi đùa với nhau, cạnh tranh với nhau, nổi trội lên so với nhau, giành giật các vị trí với nhau, và phải, yêu thương nhau. Thậm chí ngay cả Thiên Chúa của người phương Tây cũng là người quả quyết, nói lớn, và thống trị; con trai ngài, Jesus, là một người hiền lành và dịu dàng, nhưng đồng thời cũng là một người đầy thuyết phục, lôi cuốn đám đông (Jesus Christ Superstar).

Thế nên cũng hợp lý khi người phương Tây đề cao sự bạo dạn và kỹ năng ngôn ngữ, những nét tính cách giúp khuyến khích cá tính cá nhân; trong khi những người châu Á quý trọng sự tĩnh lặng, khiêm tốn, và sự nhạy cảm, những thứ giúp khuyến khích sự đoàn kết của nhóm. Nếu bạn sống trong một môi trường tập thể, vậy thì mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn với bạn rất nhiều nếu bạn cư xử với những dè dặt và kiềm chế, thậm chí quy phục.

Sự khác nhau trong sở thích ở mỗi nhóm này được minh chứng rõ ràng qua một nghiên cứu dùng máy fMRI mới đây, trong đó các nhà nghiên cứu cho mười bảy người Mỹ và mười bảy người Nhật xem những bức hình những người đàn ông trong các tư thế thể hiện quyền thế (khoanh tay trước ngực, gồng cơ bắp, hai chân đứng dang rộng trên mặt đất) và các tư thế yếu thế (hai vai buông xuôi, hai tay đan vào nhau buông xuống trước bụng dưới, hai chân khép chặt). Họ thấy rằng các bức ảnh với tư thế uy quyền kích hoạt trung khu khoái cảm trong não những người Mỹ, trong khi các bức ảnh chỉ tư thế yếu thế có tác dụng tương tự với những người Nhật.

Từ góc nhìn của người phương Tây, thật khó có thể hiểu được có gì hấp dẫn đến vậy ở việc đầu hàng trước ý muốn của những người khác. Nhưng những thứ trông như sự lệ thuộc yếu đuối trong cái nhìn của người phương Tây lại hoàn toàn có thể được coi như phép lịch sự căn bản với rất nhiều người châu Á. Don Chen, cậu sinh viên người Mỹ gốc Trung của Đại học Luật Harvard mà chúng ta đã gặp trong chương 2, kể với tôi rằng vào lúc đó, anh đang chia sẻ căn hộ của mình với một nhóm những người bạn châu Á khác, cộng thêm một người bạn da trắng thân thiết của anh, một người hiền lành, dễ gần mà Don tin rằng sẽ hòa đồng được ngay với mọi người.

Mâu thuẫn xuất hiện khi người bạn da trắng để ý thấy bát đĩa bẩn đang chất đống trong bồn rửa, và yêu cầu những người bạn châu Á ở cùng nhà của mình hãy cùng làm phần công việc rửa bát đã được phân chia đồng đều giữa mọi người đi. Đó không phải là một yêu cầu đòi hỏi gì vô lý cả, Don nói, và bạn anh nghĩ anh ấy đã dùng những ngôn từ một cách hết sức lịch sự và tôn trọng. Nhưng những người bạn ở cùng gốc châu Á của anh thì không cho là vậy. Với họ, anh chàng này hiện lên như một kẻ lỗ mãng, cục cằn và cáu bẳn. Một người châu Á trong hoàn cảnh đó, Don nói, sẽ cẩn thận hơn với giọng điệu của mình. Anh ấy sẽ thể hiện sự không hài lòng của mình dưới dạng một câu hỏi, chứ không phải một lời yêu cầu và một mệnh lệnh. Hoặc anh ấy thậm chí sẽ không hề nói gì về nó hết. Không đáng chỉ vì một vài cái đĩa bẩn mà làm chia rẽ cả tập thể.

Nói một cách khác, thứ với người phương Tây trông như sự tôn trọng thái quá của những người châu Á, thực ra lại là một biểu hiện lo lắng sâu sắc cho cảm giác của những người khác. Như nhà tâm lý học Harris Bond đã nhận xét: “Chỉ có những người đến từ một truyền thống thẳng thắn, bộc trực mới gọi cách nói chuyện [của người châu Á] là “khiêm tốn””. Trong truyền thống gián tiếp này, nó có thể được gọi là “tôn vinh quan hệ” (relationship honouring). Và tôn vinh quan hệ có thể tạo nên những cách ứng xử xã hội (social dynamics) mà có thể sẽ rất đáng kinh ngạc dưới góc nhìn của phương Tây.

Ví dụ, chính bởi tôn vinh quan hệ mà hội chứng rối loạn lo lắng giao tiếp ở Nhật Bản, được biết đến với cái tên taijin kyofusho, không phải thể hiện dưới dạng lo lắng thái quá về việc tự làm bản thân xấu hổ như ở nước Mỹ, mà là về việc làm xấu hổ những người khác. Chính bởi tôn vinh quan hệ mà các nhà tu hành Phật giáo ở Tây Tạng có thể tìm thấy sự an lành trong tâm trí (và mức độ hạnh phúc kỷ lục, như đã đo thấy được trong các kết quả quét não) bằng cách thiền định tĩnh lặng với tình thương. Và chính bởi tôn vinh quan hệ mà các nạn nhân của vụ ném bom Hiroshima xin lỗi lẫn nhau vì đã sống sót. “Sự lễ độ, phép lịch sự của họ từ lâu đã được biết đến, nhưng trái tim của họ thì chưa”, nhà văn tiểu luận Lydia Millet viết. “ ‘Tôi xin lỗi’, một người trong số họ vừa nói vừa cúi gập người, trong khi lớp da trên cánh tay anh vẫn đang bong ra từng mảng lớn. ‘Tôi thật ân hận khi mình vẫn còn sống trong khi con của bạn thì không’. ‘Tôi xin lỗi’, một người khác thành thực nói, với đôi môi đã sưng to bằng quả cam, khi anh nói với một đứa bé đang khóc bên người mẹ đã mất của mình. ‘Tôi xin lỗi vì tôi đã không thể mất đi mạng sống của mình thay cho bà ấy’”.

Mặc dù sự tôn vinh quan hệ của phương Đông thật đáng ngưỡng mộ và đẹp đẽ, thì sự tôn trọng của phương Tây dành cho tự do cá nhân, tự thể hiện bản thân, và định mệnh cá nhân cũng vậy. Điểm quan trọng ở đây không phải ở việc cái nào ưu việt hơn so với cái nào, mà là ở việc sự khác biệt sâu sắc giữa hai hệ giá trị văn hóa đã có một tác động mạnh mẽ lên kiểu tâm lý tính cách được ưa thích bởi mỗi nền văn hóa. Ở phương Tây, chúng ta thuận theo Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng, trong khi ở hầu hết các quốc gia phương Đông (ít nhất là trước khoảng thời gian phương Tây hóa của vài thập kỷ gần đây), im lặng là vàng. Hai góc nhìn đối lập này ảnh hưởng đến thứ chúng ta sẽ nói ra khi các bạn ở cùng nhà với chúng ta để chén đĩa bẩn chất đống trong bồn rửa—và cả việc chúng ta có nói hay không, và nói những gì trong một lớp học ở đại học.

Hơn thế nữa, chúng nói với chúng ta rằng Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng cũng không quá thiêng liêng đến mức không thể thay đổi được như chúng ta vẫn nghĩ. Thế nên nếu như, thẳm sâu từ tận bên trong, bạn đã nghĩ rằng chuyện những người bạo dạn và quảng giao áp đảo những người khép kín và nhạy cảm là lẽ đương nhiên, và rằng Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng là thứ bẩm sinh của nhân loại; tấm bản đồ về phân bố tính cách của Robert McCrae đề xuất một sự thật hoàn toàn khác: đó là mỗi loại cách sống—tĩnh lặng và hay nói, cẩn trọng và táo bạo, rụt rè và cởi mở—đều là những đặc trưng cho mỗi nền văn minh hùng mạnh của riêng chúng.

Nghịch lý thay, trong số những người gặp nhiều khó khăn nhất với việc trung thành với sự thật này có cả những thiếu niên Mỹ gốc Á đến từ Cupertino. Một khi họ đã đến tuổi trưởng thành và phải rời bỏ thị trấn quê nhà của mình, họ thấy một thế giới nơi việc nói lớn và dõng dạc là tấm vé tới danh tiếng và tiền bạc. Họ dần tiến đến chỗ sống với một ý thức kép—nửa châu Á, nửa Mỹ—với mỗi bên lại liên tục chất vấn bên kia. Mike Wei, cậu học sinh năm cuối cấp III đã nói với tôi rằng cậu thà ở nhà học còn hơn là giao du với bạn bè, là một ví dụ hoàn hảo cho sự mâu thuẫn tư tưởng này. Khi chúng tôi lần đầu gặp mặt, cậu vẫn còn là học sinh năm cuối cấp III, vẫn đang nép mình trong cái vỏ kén Cupertino. “Bởi vì chúng tôi đặt rất nhiều trọng tâm vào việc học”, Mike khi đó nói với tôi, đề cập đến những người châu Á nói chung, “giao du xã hội không phải là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi”.

Khi tôi gặp lại Mike lần nữa vào mùa thu một năm sau đó, vào năm học đầu tiên của cậu tại Stanford, nơi chỉ cách Cupertino có hai mươi phút lái xe nhưng là cả một thế giới khác biệt về dân số, cậu trông có vẻ bồn chồn không yên. Chúng tôi gặp nhau tại một quán café ngoài trời, ngay cạnh một bàn lớn gồm toàn những người trẻ cả nam lẫn nữ ra dáng vận động viên đang liên tục rộ lên những tràng cười lớn. Mike hất đầu về phía nhóm những vận động viên, tất cả họ đều là người da trắng. Người da trắng, anh nói, dường như có vẻ “ít lo lắng hơn về việc người khác có thể nghĩ những thứ họ đang nói là quá ồn ào, hoặc quá ngu ngốc”. Mike rất ức chế với sự hời hợt của những cuộc trò chuyện bên-bàn-ăn trong đại sảnh, và với những thứ “ngớ ngẩn” thường thế chỗ cho việc thảo luận trong những buổi seminar năm nhất. Anh dành thời gian rảnh của mình chủ yếu với những sinh viên châu Á khác, một phần là bởi họ có “cùng mức độ thích giao du” giống anh. Những người không-phải-châu-Á thường khiến anh cảm thấy như thể anh cần phải “thật hưng phấn hoặc thật háo hức, kể cả khi điều đó có thể không đúng với con người thật của tôi”.

“Ký túc xá của tôi có bốn người gốc Á, trên tổng số năm mươi người”, anh nói với tôi. “Tôi cảm thấy thoải mái nhất khi ở quanh họ. Có một anh chàng này tên Brian, và anh ta khá là trầm tính. Tôi có thể nói anh chàng đó có phẩm chất châu Á, kiểu khá là rụt rè nhút nhát, và tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên anh ta vì điều đó. Tôi thấy như mình có thể là chính mình ở bên một người như vậy. Tôi không cần phải cố làm gì đó chỉ để ra vẻ ngầu, trong khi xung quanh những nhóm người không phải gốc châu Á hay những người ồn ào khác, tôi luôn cảm thấy mình phải diễn một vai nào đấy”.

Mike có vẻ không tán đồng phong cách đối thoại theo kiểu phương Tây, nhưng anh thừa nhận rằng có đôi lúc chính anh cũng ước mình có thể ồn ào và cởi mở được như vậy. “Họ thoải mái hơn với tính cách của riêng mình”, anh nói về những người bạn cùng lớp người da trắng. Người châu Á “không phải không thoải mái với việc họ là ai, mà là không thoải mái với việc thể hiện họ là ai. Trong một nhóm, luôn luôn có một áp lực phải hòa đồng. Nếu họ không thể theo kịp được điều đó, bạn có thể thấy ngay nó trên mặt họ”.

Mike kể với tôi về một sự kiện giúp các sinh viên năm nhất làm quen với nhau nhiều hơn mà anh đã tham gia, một cuộc “scavenger hunt” (đại để: đi tìm kho báu) ở San Francisco, với mục đích chính là để khuyến khích các sinh viên bước ra khỏi vùng an toàn của mình nhiều hơn. Mike là người châu Á duy nhất trong một nhóm ồn ào, một vài trong số họ đã khỏa thân chạy dọc một con phố của San Francisco và cross-dress (mặc những trang phục của giới tính đối lập với giới tính của mình) trong một cửa hàng bách hóa tại địa phương trong cuộc săn tìm kho báu này. Một cô gái đã tới một khu trưng bày của hãng Victoria’s Secret và trút bỏ hết quần áo, chỉ còn mỗi đồ lót. Khi Mike kể lại về những sự kiện này, tôi đã nghĩ hẳn anh sẽ nói với tôi rằng nhóm của anh đã đi quá giới hạn, đã hành động thiếu đứng đắn, không phù hợp. Nhưng anh đã không bày tỏ thái độ phê phán với những người khác. Anh bày tỏ thái độ phê phán với chính mình.

“Khi những người khác làm những việc như thế, có một khoảnh khắc tôi đã cảm thấy rất không thoải mái với nó. Nó cho thấy những giới hạn của bản thân tôi. Đôi lúc tôi cảm thấy như họ tốt hơn, giỏi hơn mình vậy”.

Mike cũng nhận được những thông điệp tương tự từ các giáo sư của mình. Một vài tuần sau sự kiện định hướng đầu năm, cố vấn học tập năm nhất của anh—một giáo sư tại đại học Y khoa Stanford—mời một nhóm sinh viên tới nhà bà. Mike đã hy vọng có thể gây được ấn tượng tốt, nhưng anh không thể nghĩ ra cái gì để nói cả. Những sinh viên khác có vẻ không có chút khó khăn gì trong việc bông đùa và hỏi những câu hỏi thông minh. “Mike, hôm nay em ồn ào quá đấy”, vị giáo sư nói đùa khi anh chào tạm biệt. Anh rời nhà bà, cảm thấy rất tệ về bản thân. “Những người không nói sẽ được xem là yếu đuối hoặc kém cỏi”, anh kết luận một cách hối hận.

Để chắc chắn, những cảm xúc này không phải là hoàn toàn mới đối với Mike. Anh cũng đã trải nghiệm những dấu hiệu nhỏ của chúng khi còn ở trường trung học. Cupertino có thể có một cung cách đạo đức gần như đúng kiểu Khổng giáo với việc đề cao sự tĩnh lặng, chăm học và tôn vinh quan hệ, nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng từ Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng như mọi nơi khác. Tại khu trung tâm mua sắm tại địa phương một buổi chiều trong tuần, những thiếu niên Mỹ gốc Á vênh váo với kiểu tóc vuốt nhọn hoắt lớn tiếng gọi những cô gái đánh-mắt, đùa-cợt trong những chiếc áo hai dây. Vào một buổi sáng thứ Bảy tại thư viện, một vài thanh thiếu niên miệt mài học tập trong góc, nhưng những người khác thì túm tụm lại với nhau bên những bàn lớn đầy ồn ã và náo nhiệt. Rất ít trong số những thiếu niên Mỹ gốc Á tôi đã được tiếp xúc tại Cupertino muốn tự nhận mình là “hướng nội”, kể cả khi những lời tự miêu tả bản thân của họ khớp hoàn toàn với từ ngữ này. Trong khi hoàn toàn thuận theo hệ giá trị của cha mẹ, họ cũng có vẻ chia thế giới ra thành kiểu người châu Á “truyền thống” và người châu Á “siêu sao”. Kiểu truyền thống thì luôn cúi đầu và làm bài tập đầy đủ. Kiểu siêu sao thì có thành tích học tập cao, nhưng cũng bông đùa trong lớp, thách thức các giáo viên của họ, và khiến mọi người phải chú ý tới mình.

Rất nhiều học sinh cố ý tỏ ra năng động, quảng giao hơn cha mẹ mình, Mike nói với tôi. “Họ nghĩ cha mẹ mình đã quá tĩnh lặng, và họ muốn bù đắp cho điều này bằng cách trở nên quảng giao hơn”. Một vài trong số các vị cha mẹ cũng bắt đầu thay đổi các giá trị của mình. “Các bậc phụ huynh người châu Á đang bắt đầu thấy rằng im lặng quá không có ích lợi, và họ khuyến khích con cái mình nên tham gia những buổi hùng biện và tranh luận”, Mike nói. “Chương trình hùng biện và tranh luận của chúng tôi là chương trình lớn thứ hai trên toàn California, để giúp thanh thiếu niên có cơ hội được tiếp xúc với việc nói lớn và thuyết phục”.

Tuy vậy, khi tôi lần đầu gặp Mike ở Cupertino, cảm giác của anh về bản thân và các giá trị của anh vẫn còn khá nguyên vẹn. Anh biết mình không nằm trong số những người châu Á siêu sao—anh tự cho mình điểm 4 trên mức thang nổi tiếng từ 1 đến 10—nhưng có vẻ thoải mái với việc là chính mình. “Tôi thà ở bên những người với tính cách chân thật hơn”, khi đó anh nói với tôi, “và điều đó thường dẫn tôi đến với những người trầm tính. Rất khó để có thể vừa vui vẻ ồn ào trong khi tôi đang cố trở nên thông thái”.

Quả thực vậy, Mike có lẽ đã may mắn khi được tận hưởng cuộc sống trong chiếc vỏ kén Cupertino lâu tới vậy. Những đứa trẻ Mỹ gốc Á lớn lên trong những cộng đồng đậm chất Mỹ hơn thường phải đối mặt với những vấn đề giống như Mike đã phải đối mặt ở Stanford sớm hơn nhiều trong cuộc đời chúng. Một nghiên cứu so sánh những thiếu niên Mỹ gốc Âu và các thiếu niên Mỹ gốc Á thuộc thế hệ thứ hai trong quãng thời gian năm năm đã phát hiện ra rằng: những người Mỹ gốc Á có xu hướng hướng nội rõ ràng hơn nhiều những bạn cùng tuổi của mình trong những năm dậy thì—và phải trả giá với sự tự tin vào bản thân của mình khi lớn lên. Trong khi những trẻ hướng nội mười hai tuổi người Mỹ gốc Trung cảm thấy rất ổn về bản thân—có lẽ do chúng vẫn đánh giá bản thân bằng hệ giá trị truyền thống của cha mẹ mình—đến lúc đạt đến tuổi mười bảy và đã được tiếp xúc nhiều hơn với Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng của nước Mỹ, mức độ tự-tin-vào-bản-thân của các em này đã hạ xuống một cách đột ngột.

Với những thiếu niên Mỹ gốc Á, cái giá phải trả cho việc không thể hòa đồng là cảm giác luôn bồn chồn không yên trong giao tiếp. Nhưng khi chúng lớn lên, chúng có thể sẽ còn phải trả cái giá đấy với mức lương của mình nữa. Nhà báo Nicholas Lemann từng một lần phỏng vấn một nhóm người Mỹ gốc Á về chủ đề “chủ nghĩa hiền tài” (meritocracy—một hệ thống xã hội nơi những người có thực tài sẽ được trọng dụng) cho cuốn sách của ông, The Big Test. “Một cảm giác thường xuyên xuất hiện”, ông viết, “đấy là chủ nghĩa hiền tài kết thúc khi trường học kết thúc, và kể từ sau đó, những người châu Á bắt đầu tụt lại phía sau bởi họ không có đúng phong cách văn hóa phù hợp để tiến xa hơn: quá bị động, không gật- đầu-cười-rạng-rỡ-khi-gặp-lướt-bạn-ở-hành-lang”.

Tôi đã gặp rất nhiều người làm việc tại Cupertino đang phải chật vật khổ sở với vấn đề này. Một bà nội trợ giàu có tâm sự với tôi rằng tất cả các ông chồng bà biết trong vùng này gần đây đều đã chấp nhận những công việc ở Trung Quốc, và hiện giờ đang phải di chuyển qua lại giữa Cupertino và Thượng Hải, một phần là vì phong cách tĩnh lặng của họ cản trở họ trong việc tiến thân tại địa phương. Những công ty Mỹ “nghĩ họ không thể đảm đương công việc được”, cô nói, “bởi vì việc thuyết trình. Trong kinh doanh, bạn cần phải tập hợp rất nhiều thứ vớ vẩn vô nghĩa lý lại với nhau và thuyết trình (present) về nó. Chồng tôi luôn luôn chỉ nói ngay vào ý chính và thế là hết. Khi bạn nhìn vào những công ty lớn, gần như không có một lãnh đạo cấp cao nhất nào là người gốc châu Á cả. Họ sẽ tuyển dụng những người có lẽ chẳng biết chút gì về kinh doanh cả, nhưng lại có thể làm những bài thuyết trình rất tốt”.

Một kỹ sư phần mềm kể với tôi việc anh đã bị tảng lờ nhiều như thế nào ở chỗ làm, khi so sánh với những người khác, “đặc biệt là với người gốc châu Âu, những người thường xuyên nói mà không nghĩ trước”. Ở Trung Quốc, anh nói, “Nếu bạn tĩnh lặng, bạn sẽ được nhìn như một người thông thái. Ở đây thì hoàn toàn khác hẳn. Ở đây mọi người thích nói lớn. Kể cả khi họ có một ý tưởng, dù nó vẫn chưa thực sự thành hình lắm, họ vẫn sẽ nói nó ra. Nếu tôi có thể khá hơn trong việc giao tiếp, công việc của tôi chắc chắn sẽ được thừa nhận nhiều hơn. Mặc dù sếp của tôi trân trọng tôi, ông ấy vẫn không biết là tôi đã làm công việc của mình một cách tuyệt vời đến thế nào”.

Viên kỹ sư sau đó tâm sự rằng anh đã tìm học cách để tỏ ra hướng ngoại kiểu Mỹ từ một giáo sư giao tiếp gốc Đài Loan tên Preston Ni. Tại Đại học Foothill, chỉ ngay gần Cupertino, Ni tổ chức những buổi seminar kéo dài cả ngày có tên “Thành công trong giao tiếp dành cho những người làm việc chuyên nghiệp đến từ nước ngoài”. Lớp học được quảng cáo online thông qua một nhóm tại địa phương có tên “Hiệp Hội Nói Lớn Thung Lũng Silicon”(Silicon Valley SpeakUp Association) , với nhiệm vụ “giúp những người làm việc chuyên nghiệp đến từ nước ngoài có thể thành công trong cuộc sống thông qua việc nâng cao hàng loạt các kỹ năng mềm”. (“Nói lên suy nghĩ của bạn!”, một dòng chữ in lớn trên trang chủ của tổ chức. “Cùng nhau, tất cả mọi người đều đạt được nhiều hơn tại SVSpeakup”).

Tò mò về việc nói lên suy nghĩ của một người sẽ như thế nào từ góc nhìn châu Á, tôi cũng đăng ký một lớp và, một sáng thứ Bảy vài tuần sau, đã ngồi trong một phòng học hiện đại, ánh sáng của vùng núi Bắc California rọi chiếu qua những ô kính cửa sổ dày. Có khoảng mười lăm học sinh tổng cộng, rất nhiều trong số đó đến từ các quốc gia châu Á, nhưng cũng có một số người đến từ Đông Âu và Nam Mỹ nữa.

Giáo sư Ni, một người đàn ông dáng vẻ thân thiện, bận bộ đồ comple theo kiểu phương Tây, cà vạt màu vàng với hình vẽ một thác nước kiểu Trung Quốc, và một nụ cười hiền lành, bắt đầu lớp học bằng một lời khái quát tổng quan nền văn hóa kinh doanh của nước Mỹ. Ở Hoa Kỳ, ông cảnh báo, bạn cần tới phong cách cũng như cần tới trình độ vậy, nếu bạn muốn tiến xa. Có thể điều này là không công bằng, và có thể nó không phải là cách tốt nhất để đánh giá tường tận hết cống hiến của một người, “nhưng nếu bạn không có sức thu hút, bạn có thể là người xuất sắc nhất trên thế giới và vẫn không nhận được sự trân trọng như bạn xứng đáng”.

Điều này khác với ở rất nhiều nền văn hóa khác, Ni nói. Khi một lãnh tụ Đảng Cộng Sản ở Trung Quốc phát biểu, ông ta sẽ đọc nó, thậm chí không phải từ một màn hình nhắc lời trước mặt (teleprompter), mà là cầm một tờ giấy để đọc. “Nếu ông ta là lãnh đạo, tất cả mọi người có nghĩa vụ phải lắng nghe”.

Ni yêu cầu một người xung phong, và đưa Raj, một kỹ sư phần mềm khoảng hai mươi mấy tuổi gì đó người Ấn Độ, hiện đang làm việc tại một công ty lớn nằm trong top các công ty Fortune 500, tới trước cả lớp. Raj mặc bộ đồng phục của thung lung Silicon với áo cài khuy thông thường và quần ka-ki, nhưng ngôn ngữ cơ thể của anh tỏ rõ vẻ rất phòng thủ. Anh đứng với hai tay khoanh trước ngực thủ thế, di di chân trên sàn với đôi bốt leo núi của mình. Trước lúc đó, khi chúng tôi đi vòng quanh phòng để tự giới thiệu bản thân, anh đã nói với tôi, bằng một giọng run rẩy khá căng thẳng từ hàng ghế sau của mình, rằng anh muốn học “cách làm thế nào để có thể bắt đầu nhiều cuộc trò chuyện hơn”, và làm thế nào để “cởi mở hơn”.

Giáo sư Ni yêu cầu Raj kể với cả lớp về kế hoạch của anh cho phần còn lại của tuần đó.

“Tôi sẽ đi ăn tối với một người bạn”, Raj trả lời, trong lúc chỉ nhìn chăm chăm vào Ni, tiếng của anh nhỏ đến nỗi gần như không nghe thấy gì, “và sau đó có lẽ ngày mai tôi sẽ đi bộ đường dài (hiking)”.

Giáo sư Ni yêu cầu anh thử nói lại một lần nữa.

“Tôi sẽ đi ăn tối với một người bạn”, Raj nói, “và rồi, lầm bầm, lầm bầm, lầm bầm, tôi sẽ đi bộ đường dài”.

“Ấn tượng của tôi về bạn”, giáo sư Ni nhẹ nhàng nói với Raj, “là tôi có thể giao cho bạn rất nhiều công việc để làm, nhưng tôi sẽ không phải chú ý đến bạn quá nhiều. Hãy nhớ, ở Thung lũng Silicon, bạn có thể là người thông minh nhất, giỏi giang nhất, nhưng nếu bạn không thể thể hiện bản thân bằng cách nào khác hơn là trưng ra công việc của mình, bạn sẽ bị đánh giá thấp. Rất nhiều người làm việc chuyên nghiệp đến từ nước ngoài đã phải trải nghiệm điều này; bạn vẫn là một kẻ làm công cấp cao, thay vì là một nhà lãnh đạo”.

Cả lớp cùng gật gù cảm thông.

“Nhưng có một cách để là chính mình”, Ni tiếp tục, “đó là để cho nhiều phần hơn nữa của bản thân bạn được thể hiện ra thông qua giọng nói. Rất nhiều người chấu Á chỉ dùng một vài cơ bắp ít ỏi mỗi khi họ phải nói. Vậy nên chúng ta sẽ bắt đầu với việc tập hít thở”.

Với điều đó, ông hướng dẫn Raj nằm xuống ngửa mặt lên, và bắt đầu đọc lớn năm nguyên âm trong tiếng Anh Mỹ. “A … E … U … O … I …”, Raj phát âm, giọng anh vang lên từ sàn lớp học. “A … E … U … O … I … A … E … U … O … I …”

Cuối cùng, giáo sư Ni tuyên bố Raj đã sẵn sàng để đứng dậy một lần nữa.

“Nào, giờ bạn đã có kế hoạch thú vị gì sau giờ học này chưa?”, ông hỏi, vỗ tay khuyến khích.

“Tối nay tôi sẽ tới chỗ bạn mình để ăn tối, và ngày mai tôi sẽ đi bộ đường dài với một người bạn khác”. Giọng của Raj đã lớn và rõ hơn trước, và cả lớp vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.

Bản thân vị giáo sư là một hình mẫu cho những gì có thể xảy ra nếu bạn thực sự cố gắng. Sau buổi học, tôi tìm đến gặp ông tại văn phòng của ông, và ông kể với tôi về việc ông đã từng nhút nhát rụt rè đến đâu khi ông mới đến Mỹ—về việc ông đã tự đặt mình vào những tình huống, như trại hè hoặc các trường kinh tế, nơi ông có thể luyện tập một phong cách hướng ngoại cho đến khi nó trở nên tự nhiên hơn như thế nào. Đến thời điểm này ông đã có những chương trình tư vấn và huấn luyện rất thành công, với khách hàng bao gồm cả những công ty như Yahoo!, Visa hay Microsoft, dạy những kỹ năng mà ông đã bỏ rất nhiều công sức vất vả để tự mình học lấy được.

Nhưng khi chúng tôi bắt đầu bàn đến khái niệm của người châu Á về “quyền lực mềm”— thứ Ni gọi là khả năng lãnh đạo “bằng nước, thay vì bằng lửa”— tôi bắt đầu thấy một mặt khác mà ở ông đã không bị ấn tượng lắm bởi phong cách giao tiếp phương Tây. “Ở các nền văn hóa châu Á”, Ni nói, “thường có một cách mềm mỏng, nhẹ nhàng để có được thứ bạn muốn. Không phải lúc nào nó cũng là hung hăng, nhưng nó có thể rất quyết tâm và rất khéo léo. Đến cuối cùng, rất nhiều thứ đã được đạt được nhờ nó. Sức mạnh hung hăng đè bẹp bạn; còn quyền lực mềm thì chinh phục bạn” (“Aggressive power beats you up; soft power wins you over.”).

Tôi hỏi vị giáo sư những ví dụ thực tế về quyền lực mềm, và mắt ông sáng lên khi ông kể cho tôi về những khách hàng của ông mà sức mạnh của họ nằm ở ý tưởng và trái tim họ. Rất nhiều trong số những người này là những nhà tổ chức của các hội nhóm nhân viên—các nhóm phụ nữ, nhóm đa sắc tộc—những người đã thành công trong việc vận động mọi người bằng niềm tin của chính mình hơn là bằng năng lượng của sự hào hứng. Ông cũng nhắc đến những nhóm như Hội các bà mẹ chống lại việc lái xe khi say xỉn (Mothers Against Drunk Driving)—những nhóm người đã làm thay đổi cuộc sống của biết bao người bằng sức mạnh của mình không phải thông qua sức thu hút, mà là bằng sự quan tâm của mình. Những kỹ năng giao tiếp của họ đủ tốt để truyền đạt thông điệp của họ, nhưng sức mạnh thật sự của họ đến từ năng lực.

“Về dài hạn”, Ni nói, “nếu ý tưởng của bạn tốt, mọi người sẽ ủng hộ. Nếu mục đích của bạn là chính đáng và bạn đặt cả trái tim vào đó, đây gần như sẽ là một quy luật luôn đúng: bạn sẽ thu hút được những người muốn chia sẻ mục đích của bạn. Quyền lực mềm chính là sự kiên trì một cách tĩnh lặng. Những người tôi đang nghĩ đến đều rất kiên trì trong những tương tác hàng ngày, người-với-người của họ. Dần dần họ xây dựng được một đội của mình”. Quyền lực mềm, Ni nói, được vận dụng bởi những người mà chúng ta ngưỡng mộ trong suốt lịch sử: Mẹ Teresa, Phật Tổ, Gandhi.

Tôi đã kinh ngạc khi Ni nhắc đến Gandhi. Tôi đã yêu cầu hầu hết các học sinh trung học ở Cupertino tôi gặp kể ra một nhà lãnh đạo họ ngưỡng mộ, và rất nhiều trong số họ nêu tên Gandhi. Chính xác thì điều gì ở ông đã khơi truyền cảm hứng ở họ nhiều đến vậy?

Gandhi31, theo như cuốn tự truyện của ông, là một người nhút nhát, rụt rè và ít nói từ trong bản chất. Khi còn là một đứa trẻ, ông e sợ tất cả mọi thứ: trộm cướp, ma, rắn, bóng tối, và đặc biệt là những người khác. Ông vùi đầu vào sách vở, và chạy một mạch về nhà ngay khi giờ học kết thúc vì sợ phải nói chuyện với ai đó. Kể cả khi đã là một thanh niên trẻ, khi ông được bầu vào vị trí lãnh đạo đầu tiên của mình tại Hội Đồng Lãnh Đạo của Tổ Chức Những Người Ăn Chay (Executive Committee of the Vegetarian Society), ông luôn đến dự đầy đủ tất cả các buổi họp, nhưng chưa bao giờ dám cất tiếng phát biểu vì quá nhút nhát, rụt rè.’

“Anh nói chuyện với tôi rất ổn mà”, một trong các thành viên hỏi ông, tỏ vẻ không hiểu, “nhưng tại sao anh chưa bao giờ mở miệng ra trong những buổi họp hội đồng thế? Anh là một kẻ lười biếng”. Khi có một diễn biến chính trị xảy ra trong hội đồng, Gandhi có những ý kiến của riêng mình về vấn đề, nhưng lại quá sợ để có thể nói lên chúng. Ông viết các suy nghĩ của mình ra giấy, dự định sẽ đọc chúng trong buổi họp. Nhưng cuối cùng ông quá nhút nhát đến mức thậm chí không thể làm thế.

31 Mahātmā Gāndhī (2 tháng 10 năm 1869 – 30 tháng 1 năm 1948), nguyên tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, là anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng t riệu người dân. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Nguyên lí bất bạo lực (còn gọi là bất hại) được ông đề xướng với tên Chấp trì chân lí (sa. satyāgraha) đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay, bao gồm phong trào Vận động Quyền công dân tại Hoa Kỳ (American Civil Rights Movement) được dẫn đầu bởi Martin Luther King, Jr. (Nguồn: Wikipedia)

Gandhi, dần dần qua thời gian, đã học được cách khống chế nỗi sợ của mình, nhưng ông chưa bao giờ có thể hoàn toàn vượt qua chúng. Ông không thể nói mà không có sự chuẩn bị trước; ông tránh việc phải phát biểu bất cứ khi nào có thể. Kể cả trong những năm cuối đời, ông viết, “Tôi không nghĩ mình có thể hay thậm chí sẽ bao giờ muốn giữ cho cuộc gặp gỡ của những người bạn chỉ có nói chuyện”.

Nhưng sự rụt rè, nhút nhát của ông còn đến cùng với một thứ sức mạnh của riêng ông—một dạng kiềm chế mà chỉ có thể hiểu rõ nhất thông qua việc tìm hiểu kỹ những góc khuất ít người biết tới trong câu chuyện cuộc đời Gandhi. Khi còn là một chàng trai trẻ, ông quyết định đi tới Anh để học luật, làm trái lại với ý muốn của các lãnh đạo giai cấp Bania của ông (vaiśya, giai cấp thương gia, là giai cấp thứ ba của xã hội Ấn). Những thành viên giai cấp này bị cấm ăn thịt, và các lãnh đạo tin rằng việc ăn chay là không thể ở Anh. Nhưng Gandhi ngay từ đầu đã thề với người mẹ yêu quý của mình là sẽ tránh xa khỏi thịt rồi, nên ông không thấy có mối nguy hiểm gì trong chuyến đi cả. Ông nói vậy với Sheth, người đứng đầu cộng đồng.

“Anh nhất định sẽ chống lại mệnh lệnh của cộng đồng phải không?”, Sheth hỏi.

“Tôi thực sự không còn cách nào khác”, Gandhi trả lời. “Tôi nghĩ cộng đồng không nên can thiệp vào chuyện này”.

Bùm! Ông bị khai trừ—một phán quyết còn kéo dài hiệu lực cho tới tận khi ông đã trở về từ Anh vài năm sau đó, với triển vọng thành công rực rỡ của một luật sư nói-tiếng-Anh trẻ. Cộng đồng bị chia làm hai phe trong vấn đề xử lý ông. Một bên muốn trọng dụng ông; bên kia muốn gạt ông ra. Điều này có nghĩa là Gandhi thậm chí còn không được phép ăn hay uống tại nhà những người cùng giai cấp với mình, trong đó có cả chị ruột và cha mẹ vợ của ông.

Một người khác ở trong vị thế này, Gandhi biết, sẽ phản đối và đòi được tái gia nhập. Nhưng ông không thể thấy làm thế thì có ý nghĩa gì. Ông biết rằng tranh đấu chỉ tạo ra hận thù. Thay vào đó, ông làm theo mong muốn của Sheth và giữ một khoảng cách, kể cả với chính gia đình mình. Chị ruột ông và gia đình thông gia của ông đều sẵn sàng chứa chấp ông trong nhà họ một cách bí mật, nhưng ông đã từ chối.

Kết quả của sự phục tùng này? Cộng đồng không những không còn làm phiền ông, mà những thành viên của nó—trong đó có cả những người đã từng trực tiếp khai trừ ông—còn giúp ông trong những công tác chính trị sau này nữa, mà không đòi hỏi điều gì đáp lại. Họ đối xử với ông với tình cảm và sự hào phóng. “Đó là niềm tin của tôi”, Gandhi sau này viết, “rằng tất cả mọi điều tốt đẹp này đều là nhờ vào sự bất-kháng-cự (non-resistance) của tôi. Nếu tôi đã khích động về việc gia nhập lại cộng đồng, nếu tôi đã cố gắng để chia rẽ nó ra thành nhiều phe nhóm hơn nữa, nếu tôi đã khiêu khích các lãnh đạo, thì họ chắc chắn sẽ trả thù, và thay vì việc tránh xa khỏi cơn bão dữ, khi trở về từ Anh hẳn tôi sẽ thấy mình ở giữa lòng một cơn lốc xoáy của những sự giận dữ sôi sục”.

Quy luật này—quyết định chấp nhận điều mà một người khác ở vào vị thế mình chắc chắn sẽ thách thức—cứ lặp đi và lặp lại nữa trong suốt cuộc đời Gandhi. Khi còn là một luật sư trẻ tại Nam Phi, ông đã xin được nhận vào một quán bar tại địa phương. Hội đồng Luật tại đó không muốn có thành viên là người gốc Ấn, và tìm cách cản trở quá trình xin việc của ông, bằng cách yêu cầu bản sao của một văn bằng lúc đó đang được lưu giữ tại Tòa Án Tối Cao Bombay, và do đó không thể chạm tới được. Gandhi rất giận dữ; ông biết quá rõ lý do thực của những rào cản này là sự phân biệt chủng tộc. Nhưng ông không để những cảm xúc của mình thể hiện ra. Thay vào đó ông cố thương thuyết một cách bình tĩnh, cho tới khi Hội đồng Luật đồng ý chịu chấp nhận một bản cam kết từ ông.

Đến ngày ông phải tuyên thệ bản cam kết của mình, thẩm phán chính yêu cầu ông phải gỡ bỏ khăn cuốn đầu. Gandhi lúc đó đã nhìn thấy giới hạn thực sự của bản thân. Ông biết rằng lúc này kháng cự sẽ là chính đáng, nhưng ông tin vào cách chiến đấu của riêng mình, và chấp nhận gỡ bỏ khăn đội đầu xuống. Các bạn của ông không hài lòng với điều này. Họ nói ông quá yếu đuối, rằng ông nên đứng lên bảo vệ niềm tin của mình mới phải. Nhưng Gandhi thì thấy rằng ông đã học được cách “trân trọng vẻ đẹp của sự thỏa hiệp”.

Nếu khi kể cho bạn câu chuyện này mà tôi bỏ qua không nhắc đến tên của Gandhi, cũng như những thành tựu sau này của ông, bạn chắc sẽ coi ông như một kẻ hết sức thụ động. Và ở phương Tây, thụ động là không thể chấp nhận được. “Thụ động” (passive), theo định nghĩa của từ điển tiếng Anh Merriam-Webster, có nghĩa là “hành động dựa theo một tác nhân từ bên ngoài”. Nó cũng đồng thời có nghĩa là “dễ bảo, dễ phục tùng” (submissive). Bản thân Gandhi thì phủ nhận hoàn toàn cụm từ “phản kháng thụ động” (passive resistance), thứ ông liên kết với sự yếu đuối; thay vào đó ưa thích hơn từ satyagraha, thuật ngữ ông dùng với ý nghĩa “sự cứng rắn trong hành trình tìm kiếm sự thật” (firmness in pursuit of truth).

Nhưng như từ ngữ satyagraha đã ám chỉ, sự thụ động của Gandhi không hề đồng nghĩa với sự yếu đuối. Nó có nghĩa là tập trung vào một mục tiêu tối thượng, và từ chối dành năng lượng cho những cuộc đấu đá tranh cãi không cần thiết trên đường đi. Sự biết kiềm chế, như Gandhi tin, là một trong những tài sản lớn nhất của ông. Và nó được sinh ra từ chính tính rụt rè nhút nhát của ông:

“Tôi đã bằng một cách rất tự nhiên luyện được thói quen kiềm chế những suy nghĩ của mình. Một từ ngữ thiếu suy nghĩ rất hiếm khi thoát ra khỏi đầu lưỡi hay ngọn bút của tôi. Kinh nghiệm đã dạy tôi biết rằng im lặng là một phần của thứ kỷ luật tinh thần cần thiết của một kẻ yêu sự thật. Chúng ta thấy có rất nhiều người nói quá nhiều vì thiếu kiên nhẫn. Tất cả những việc nói chuyện này gần như chẳng đem lại lợi ích lớn lao gì cho thế giới cả. Nó chỉ làm tiêu tốn thời gian một cách không cần thiết mà thôi. Sự rụt rè nhút nhát của tôi trong thực tế đã là tấm khiên chắn an toàn cho tôi. Nó đã cho tôi trưởng thành. Nó đã giúp tôi rất nhiều trong khả năng nhận thức rõ ràng về sự thật của tôi”.

Quyền lực mềm không phải chỉ giới hạn trong những hình mẫu đạo đức như Mahatma Gandhi. Ví dụ, hãy cân nhắc đến sự xuất sắc “kinh hoàng” của người châu Á trong những lĩnh vực như toán hay khoa học. Giáo sư Ni đã định nghĩa quyền lực mềm là “kiên trì một cách tĩnh lặng”, và dấu hiệu này nằm ở trọng tâm của sự xuất sắc học thuật, cũng như nó nằm ở trọng tâm của những thắng lợi chính trị của Gandhi vậy. Kiên trì một cách tĩnh lặng đòi hỏi sự tập trung được duy trì một cách liên tục—và trên thực tế là sự kiềm chế phản ứng của bản thân với những nhân tố kích thích từ bên ngoài.

Bài thi TIMSS (Trends in International Mathematics and Science Study—Các xu hướng Nghiên Cứu Toán học và Khoa học Quốc Tế) là một bài kiểm tra toán và khoa học tiêu chuẩn hóa, tổ chức mỗi bốn năm một lần cho trẻ em từ khắp nơi trên thế giới. Sau mỗi bài kiểm tra, các nhà nghiên cứu lại mổ xẻ các kết quả, so sánh trình độ thể hiện giữa học sinh đến từ các quốc gia khác nhau; và các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Đài Loan đều liên tục đứng nhất trong danh sách này. Ví dụ, vào năm 1995, năm đầu tiên cuộc thi TIMSS được tổ chức, Hàn Quốc, Singapore, và Nhật Bản là những nước có số điểm toán trung bình của học sinh cấp II cao nhất, và nằm trong top 4 thế giới về khoa học.

Vào năm 2007, khi các nhà nghiên cứu thống kê xem có bao nhiêu đứa trẻ trong một nước đạt đến được mức “Advanced International Benchmark”—một dạng tước vị siêu sao đối với các học sinh toán—họ thấy rằng hầu hết những người đứng đầu đều tập trung trong chỉ một vài quốc gia nhất định ở châu Á, và có khoảng 40 tới 45 phần trăm học sinh lớp tám tại Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore đã giật được danh hiệu này. Trên toàn thế giới, tỷ lệ phần trăm trung bình các học sinh vượt qua được mức “Advanced International Benchmark” chỉ là khoảng 5 phần trăm với học sinh lớp bốn, và 2 phần trăm với học sinh lớp tám.

Làm thế nào để giải thích được sự khác biệt quá lớn về kết quả giữa học sinh châu Á và phần còn lại của thế giới này? Hãy cân nhắc đến một chi tiết thú vị sau trong bài kiểm tra TIMSS. Các học sinh làm bài kiểm tra này cũng đồng thời được hỏi một loạt các câu hỏi chán ngắt về họ, từ việc họ thích học khoa học đến thế nào, cho đến liệu số đầu sách ở nhà họ có đủ chất đầy từ ba giá sách trở lên không. Để làm hết bảng câu hỏi này tốn khá lâu, và bởi vì nó không tính vào điểm cuối cùng, rất nhiều học sinh đã bỏ trống không làm những câu hỏi này. Bạn cần phải khá là kiên trì mới có thể trả lời hết tất cả mọi câu hỏi trong đám này. Nhưng hóa ra, theo một nghiên cứu của giáo sư giảng dạy (education professor) Erling Boe, những quốc gia có học sinh trả lời nhiều hơn những câu hỏi trong bảng này cũng đồng thời là những quốc gia có số lượng học sinh đạt thành tích cao trong bài thi TIMSS lớn hơn. Nói một cách khác, những học sinh xuất sắc có vẻ không chỉ sở hữu năng lực tư duy cao để có thể giải được những bài toán và bài khoa học khó, mà đồng thời còn có cả một nét tính cách hữu ích khác: kiên trì một cách tĩnh lặng.

Các nghiên cứu khác cũng đã tìm thấy mức độ kiên trì cao bất thường thậm chí ở cả những trẻ em châu Á còn rất nhỏ. Ví dụ, nhà tâm lý học nhà tâm lý học giao thoa văn hóa (cross-cultural psychologist) Priscilla Blinco đã cho các em học sinh lớp Một người Mỹ và người Nhật một trò chơi xếp hình không thể giải được, yêu cầu các em làm việc một mình trong im lặng, mà không có sự trợ giúp nào từ các đứa trẻ khác hay giáo viên, và rồi so sánh xem liệu chúng chịu cố gắng trong bao lâu trước khi đầu hàng. Các em bé người Nhật Bản dành trung bình là 13,93 phút để cố giải trò chơi xếp hình này trước khi bỏ cuộc, trong khi những trẻ em Mỹ chỉ dành có 9,47 phút. Không đến 27% trong số các học sinh Mỹ kiên trì được lâu như mức trung bình của các học sinh Nhật—và chỉ có 10% học sinh Nhật bỏ cuộc sớm như mức trung bình của các học sinh Mỹ. Blinco gán các kết quả này cho đức tính kiên trì của người Nhật Bản.

Sự kiên trì một cách tĩnh lặng ở người châu Á, cũng như ở những người Mỹ gốc Á nữa, không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực như toán hay khoa học. Vài năm sau chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Cupertino, tôi gặp lại Tiffany Liao, cô nữ sinh trung học năm cuối tại Swarthmore năm nào, người luôn được cha mẹ khen ngợi vì thích đọc sách, kể cả ở những nơi công cộng, khi còn là một cô bé. Khi chúng tôi gặp lần đầu tiên, Tiffany còn là một cô nữ sinh mặt trẻ măng, mới mười bảy tuổi và đang trên đường tới cánh cổng trường đại học. Cô nói với tôi khi đó rằng cô rất háo hức được tới Bờ Đông và được gặp gỡ nhiều người mới, nhưng cô đồng thời cũng sợ phải sống ở một nơi không ai uống trà trân châu (bubble tea), thứ thức uống nổi tiếng được phát minh ở Đài Loan.

Giờ Tiffany đã là một cô sinh viên năm cuối đại học với đầy kinh nghiệm và một vốn hiểu biết sâu rộng. Cô đã đi du học tại Tây Ban Nha. Cô ký dưới những ghi chép của mình với dòng chữ phảng phất một chút chất châu Âu: “Abrazos, Tiffany.” (“Ôm nhé, Tiffany”—tiếng Tây Ban Nha). Trên tấm ảnh đại diện Facebook của cô, vẻ ngoài trẻ con đã biến mất, được thay bằng một nụ cười vẫn hiền lành và thân thiện, nhưng cũng đầy hiểu biết nữa.

Tiffany đang trên con đường để đạt được ước mơ của mình là làm một nhà báo; cô vừa được bầu làm tổng biên tập cho tờ báo của trường đại học. Cô vẫn tự miêu tả bản thân là một người nhút nhát và rụt rè—cô cảm thấy mặt nóng rực khi lần đầu tiên phải nói trước đám đông, hay phải nhận cuộc gọi từ một người lạ—nhưng cô đã dần trở nên thoải mái hơn với việc nói của mình. Cô tin rằng “những nét tính cách tĩnh lặng” của mình, như cách cô gọi nó, chính là thứ đã giúp cô trở thành tổng biên tập. Với Tiffany, quyền lực mềm có nghĩa là luôn lắng nghe một cách chăm chú, ghi chép một cách thật cẩn thận, và tiến hành những nghiên cứu một cách sâu sắc về các đối tượng mình định phỏng vấn trước khi gặp mặt họ trực tiếp. “Quá trình này đã đóng góp vào thành công của tôi với tư cách một nhà báo”, cô viết trong thư cho tôi. Tiffany đã tiến tới chỗ trân trọng sức mạnh của sự tĩnh lặng.

Khi tôi lần đầu tiên gặp Mike Wei, cậu sinh viên Stanford đã ước gì mình cũng có thể cởi mở được như những người bạn cùng lớp mình, anh đã nói rằng không hề có thứ gì gọi là một “nhà lãnh đạo tĩnh lặng” (a quiet leader) cả. “Làm cách nào anh có thể cho người ta biết anh có niềm tin nếu anh cứ giữ im lặng về nó chứ?”, anh hỏi. Tôi trấn an anh rằng mọi việc không hẳn như vậy, nhưng Mike có vẻ có quá nhiều niềm tin tĩnh lặng của riêng anh về việc người tĩnh lặng không có khả năng thể hiện niềm tin của mình, đến độ tôi phải tự hỏi liệu anh có thực sự có lý hay không.

Nhưng đó là trước khi tôi được nghe giáo sư Ni nói về quyền lực mềm theo cách của người châu Á, trước khi tôi đọc về khái niệm satyagraha của Gandhi, trước khi tôi cân nhắc về tương lai tươi sáng của Tiffany với tư cách một nhà báo. Niềm tin là niềm tin, các thiếu niên ở Cupertino đã dạy tôi, bất kể nó có được thể hiện ra ở mức độ ồn ào hay im lặng thế nào đi chăng nữa.