Quiet – Sức Mạnh Của Người Hướng Nội

Chương 5: Vượt Qua Cả Tính Cách

Vai Trò Của Ý Chí Tự Do (và Bí Quyết Để Nói trước đám đông dành cho Người Hướng Nội)

Sự thích thú xuất hiện ở chính biên giới giữa sự buồn chán và lo sợ, khi những thử thách vừa vặn cân bằng với khả năng hành động của một người.

—MIHALY CSIKSZENTMIHALYI

Sâu tận bên trong Trung Tâm Athinoula A. Martinos về Hiện ảnh Y Sinh (Biomedical Imaging) tại bệnh viện Massachusetts, các dãy hành lang đều mù mờ, thậm chí ẩm thấp tối tăm nữa là khác. Tôi đang đứng bên ngoài cánh cửa khóa kín của một căn phòng không cửa sổ cùng Tiến sĩ Carl Schwartz, giám đốc của Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Phát Triển Ảnh Hóa Thần Kinh và Bệnh Học Tâm Lý (Developmental Neuroimaging and Psychopathology Research Lab). Schwartz có đôi mắt sáng, tò mò, tóc nâu đã điểm bạc, và một phong cách nhiệt tình nhưng điềm đạm. Bất chấp cảnh tượng mờ nhạt xung quanh, ông chuẩn bị mở khóa căn phòng với một tác phong rất hoành tráng.

Căn phòng này là nơi chứa một chiếc máy fMRI (functional magnetic resonance imaging—thiết bị ảnh hóa cộng hưởng từ tính chức năng) trị giá hàng nhiều triệu đô-la; chính cỗ máy này đã giúp cho một vài trong số những nghiên cứu đột phá nhất về khoa học thần kinh có thể trở thành hiện thực. Một chiếc máy fMRI có thể đo được những phần nào của não đang hoạt động khi bạn nghĩ đến một suy nghĩ cụ thể nào đó, hoặc thực hiện một tác vụ nhất định; khả năng này cho phép các nhà khoa học thực hiện một công việc đã từng được coi là bất khả thi, đấy là khám phá cấu tạo chức năng của từng phần trong bộ não. Một trong những nhà phát minh chủ chốt của kỹ thuật ảnh hóa fMRI, Tiến sĩ Schwartz nói, là một nhà khoa học lỗi lạc nhưng rất khiêm tốn có tên Kenneth Kwong, người cũng làm việc ngay trong chính tòa nhà này. Toàn bộ nơi này có đầy những người ít nói và khiêm tốn nhưng đang làm những việc hết sức phi thường, Schwartz nói thêm, khoát tay chỉ về phía dãy hành lang trống bên ngoài.

Trước khi Schwartz mở cánh cửa, ông yêu cầu tôi tháo đôi khuyên tai vàng của mình ra và cất chiếc máy ghi âm kim loại nãy giờ tôi đang dùng để ghi lại cuộc trò chuyện của chúng tôi đi. Từ trường của chiếc máy fMRI này mạnh gấp 100.000 lần lực hút của Trái Đất—mạnh đến nỗi, Schwartz nói, nó có thể giựt phứt đôi khuyên ra khỏi tai tôi nếu chúng có từ tính, và hút nó bay xuyên qua cả căn phòng. Tôi có chút lo lắng về chiếc móc cài bằng kim loại trong áo ngực của mình, nhưng quá ngượng để hỏi. Thay vào đó, tôi chỉ vào cái móc khóa trên giày của mình, thứ tôi đoán cũng có cùng lượng kim loại như dây áo ngực. Schwartz nói cái đó thì được, và chúng tôi tiến vào trong.

Chúng tôi chăm chú nhìn ngưỡng mộ chiếc máy quét fMRI, thứ trông cứ như một chiếc hỏa tiễn sáng rực đang được đặt nằm nghiêng trên bục. Schwartz giải thích với tôi rằng ông sẽ yêu cầu các đối tượng của mình—những người vào cuối tuổi thiếu niên—nằm xuống với phần đầu đặt trong chiếc máy quét này; trong khi họ được xem những tấm ảnh chụp các khuôn mặt khác nhau, chiếc máy sẽ theo dõi cách bộ não của họ phản ứng như thế nào. Ông đặc biệt hứng thú với những hoạt động ở thùy hạnh nhân— chính cơ quan mà Kagan đã phát hiện rằng có đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tính cách hướng nội hay hướng ngoại.

Schwartz là đồng nghiệp và một người ủng hộ nhiệt thành của Kagan, và công trình của ông tiếp nối ngay từ điểm mà những nghiên cứu dài kỳ về tính cách của Kagan dừng lại. Các em bé sơ sinh Kagan đã từng phân loại là có mức độ phản ứng cao hay thấp, giờ đã trở thành những người lớn, và Schwartz giờ đang dùng chiếc máy fMRI để nghiên cứu kỹ hơn bộ não của họ. Kagan đã theo sát các đối tượng nghiên cứu của ông từ tuổi sơ sinh cho đến lúc thành niên, nhưng Schwartz muốn biết điều gì sẽ xảy ra sau đó nữa. Liệu còn có thể truy ra dấu vết của thiên tính bẩm sinh được nữa không, sau bao nhiêu năm như thế, trong những bộ não của các người lớn này? Hay liệu nó đã bị xóa bỏ bởi sự ảnh hưởng từ cả những tác động của môi trường sống lẫn những cố gắng của bản thân mỗi người họ rồi?

Thú vị là, chính Kagan đã cảnh báo Schwartz rằng đừng nên tiến hành nghiên cứu này. Trong một lĩnh vực cạnh tranh như nghiên cứu khoa học, bạn sẽ không muốn lãng phí thời gian tiến hành những thí nghiệm có thể sẽ không đem lại khám phá gì đáng giá. Và Kagan lo ngại rằng sẽ chẳng có kết quả nào để mà tìm thấy cả—rằng mối liên kết giữa tính cách và số phận đã bị cắt đứt khi đứa trẻ sơ sinh chạm đến tuổi trưởng thành rồi.

“Ông ấy cũng vì muốn tốt cho tôi thôi”, Schwartz nói với tôi. “Cũng thật là một nghịch lý thú vị. Bởi vì ở đây Jerry đã tiến hành tất cả những quan sát buổi đầu này ở những trẻ sơ sinh, và thấy rằng không chỉ

hành vi giao tiếp xã hội của họ khác đến mức đối nghịch—tất cả mọi thứ ở những đứa trẻ này đều khác hẳn. Mắt chúng mở lớn hơn khi chúng phải giải quyết vấn đề, dây thanh quản của chúng thắt chặt hơn khi nói, và quy luật nhịp tim của chúng độc đáo hơn: tất cả những điều này đều gợi ý rằng có một thứ gì đó khác biệt hẳn về mặt sinh lý học ở những đứa trẻ này. Và tôi nghĩ, bất chấp điều này, bởi vì di sản học thuật của mình, ông ấy có cảm giác rằng các nhân tố môi trường quá phức tạp đến mức sẽ rất khó để có thể phát hiện được dấu vết của thiên tính bẩm sinh khi đối tượng đã lớn.

Nhưng Schwartz, người tin rằng chính mình cũng là một người có mức độ phản ứng cao, và tiến hành nghiên cứu một phần dựa vào những trải nghiệm của chính mình, có một linh cảm rằng ông sẽ tìm thấy được những dấu vết này ở kể cả xa hơn mức tuổi mà Kagan đã dừng lại.

Ông minh họa các nghiên cứu của mình bằng cách cho phép tôi được làm các bài kiểm tra như là một đối tượng nghiên cứu của ông, chỉ khác là không phải nằm vào trong máy fMRI. Trong lúc tôi ngồi bên một cái bàn, một màn hình máy tính nháy lên trước mặt tôi những tấm ảnh, mỗi lần một bức, mỗi tấm thể hiện một khuôn mặt lạ khác nhau: bao nhiêu những cái đầu không gắn vào một thân thể nào cả, trắng-và-đen, nổi bồng bềnh trên một phông nền màu đen thẫm. Tôi nghĩ tôi có thể cảm thấy được nhịp tim của mình nhanh dần lên khi các tấm ảnh bắt đầu xuất hiện dồn dập hơn. Tôi đồng thời cũng để ý thấy rằng Schwartz đã trộn vào vài khuôn mặt được lặp lại nhiều lần, và rằng tôi cảm thấy thoải mái dần khi các khuôn mặt bắt đầu quen thuộc hơn. Tôi miêu tả lại phản ứng của mình cho Schwartz, và ông gật đầu. Tập hợp các bức ảnh này đã được thiết kế, ông nói, để mô phỏng tình huống gắn với cảm giác mà người có-mức-độ-phản-ứng-cao hay cảm thấy khi họ bước vào một căn phòng chật kín toàn những người lạ, và phải thốt lên: “Trời ơi! Những người này là ai vậy?"

Tôi tự hỏi không biết liệu có đang tưởng tượng ra những phản ứng của mình không, hay là tôi có phóng đại chúng lên quá không, nhưng Schwartz nói với tôi rằng ông vừa nhận lại được bộ dữ liệu đầu tiên về nhóm trẻ em có-mức-độ-phản-ứng cao mà Kagan đã nghiên cứu từ lúc họ mới bốn tháng tuổi—và quả đúng vậy, thùy hạnh nhân của những đứa trẻ, bây giờ là những người lớn, này hóa ra nhạy cảm với những bức hình khuôn mặt lạ hơn nhiều so với thùy hạnh nhân của những người dạn dĩ ngay từ nhỏ. Nói một cách khác, dấu vết của tính cách có mức độ hướng ngoại cao hoặc thấp chưa bao giờ biến mất ở tuổi trưởng thành. Một số trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao lớn lên thành những thiếu niên có thể giao tiếp xã hội thoải mái, không bị dọa dẫm bởi những điều mới lạ, nhưng họ không bao giờ trút bỏ được những đặc điểm tâm lý di truyền của mình.

Nghiên cứu của Schwartz gợi ý cho chúng ta một điều quan trọng: chúng ta có thể tác động làm thay đổi tính cách của mình, nhưng chỉ đến được một mức độ nhất định mà thôi. Bản tính bẩm sinh của chúng ta có tác động tới chúng ta, bất kể chúng ta có sống cuộc sống của mình như thế nào. Một phần đáng kể trong việc chúng ta là ai được định đoạt bởi các gen của chúng ta, bởi bộ não của chúng ta, bởi hệ thần kinh của chúng ta. Và ấy vậy nhưng, những sự thay đổi nhất định mà Schwartz đã tìm thấy ở những trẻ vị thành niên có-mức-độ-phản-ứng-cao cũng đồng thời đề xuất điều ngược lại: chúng ta có ý chí tự do (free will), và có thể dùng nó để định hình tính cách của mình.

Những điều này nghe có vẻ như mâu thuẫn với nhau, nhưng thực ra chúng không hề. Ý chí tự do có thể đưa ta đi xa, như các nghiên cứu của Tiến sĩ Schwartz đã gợi ý, nhưng nó không thể đưa ta ra vô tận xa hơn giới hạn mà bộ gen của chúng ta cho phép. Bill Gates sẽ không bao giờ là Bill Clinton, bất kể ông có cố mài dũa những kỹ năng giao tiếp xã hội của mình đến thế nào, và Bill Clinton cũng không bao giờ có thể là Bill Gates, bất chấp ông có dành bao nhiêu thời gian một mình với máy tính đi chăng nữa.

Chúng ta có thể gọi điều này là “Lý Thuyết Dây Thun” (rubber band theory) về tính cách. Chúng ta như là dây thun khi ở trạng thái nghỉ. Chúng ta đàn hồi, và có thể kéo dãn dài mình ra được, nhưng cũng chỉ đến một mức độ có hạn mà thôi.

Để hiểu tại sao lại có chuyện này ở người có-mức-độ-phản-ứng-cao, sẽ có ích nếu chúng ta nhìn vào những thứ xảy ra trong não mình khi ta chào một người lạ mặt tại một bữa tiệc. Hãy nhớ rằng thùy hạnh nhân cũng như hệ viền là những phần hết sức cổ xưa của não—cổ xưa đến mức ngay cả những động vật có vú nguyên thủy nhất cũng có phiên bản hệ viền của riêng chúng trong não mình. Nhưng khi các loài động vật có vú bắt đầu tiến hóa phức tạp dần, một vùng khác trong não có tên vỏ não mới (neocortex) bắt đầu phát triển xung quanh hệ viền. Vỏ não mới, đặc biệt trong đó là phần võ não trước trán (frontal cortex) ở người, đảm nhiệm nhiều chức năng đến bất ngờ: từ quyết định xem nên mua loại kem đánh răng nào, cho đến lên kế hoạch cho một cuộc họp, cho đến suy ngẫm về bản chất của hiện thực. Một trong những chức năng này của nó là dẹp yên những nỗi lo sợ không căn cứ.

Nếu bạn từng là một đứa bé có-mức-độ-phản-ứng-cao, vậy thì thùy hạnh nhân của bạn có thể, cho đến hết phần đời của bạn, sẽ luôn hoạt động có một chút quá mạnh so với cần thiết mỗi khi bạn phải tự giới thiệu bản thân mình với người lạ tại một bữa tiệc. Nhưng nếu bạn cảm thấy mình vẫn khá là có kỹ năng trong giao tiếp, thì đấy một phần là vì phần vỏ não trước trán của bạn đang có mặt ở đó để bảo bạn hãy bình tĩnh lại, giơ một tay ra để bắt đi, và cười lên. Trên thực tế, một nghiên cứu dùng máy fMRI gần đây đã cho thấy khi người ta áp dụng cách tự-nói-chuyện-với-bản-thân để định tâm lại trong những tình huống gây căng thẳng, các hoạt động ở phần vỏ não trước trán tăng lên tỷ lệ nghịch với sự suy giảm mức độ hoạt động ở thùy hạnh nhân.

Nhưng phần vỏ não trước trán không mạnh mẽ đến thế; nó không thể dập tắt hoàn toàn hoạt động ở thùy hạnh nhân đi được. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã sắp xếp để một con chuột luôn được nghe thấy một âm thanh nhất định mỗi khi bị chích điện; từ đó nó học được cách liên kết âm thanh này với cú chích điện đáng sợ. Rồi họ bật đi bật lại âm thanh đó nhưng không chích điện con chuột nữa, cho đến lúc con chuột không còn sợ hãi âm thanh này nữa.

Nhưng hóa ra quá trình làm quen này không hoàn toàn hoàn thiện như các nhà khoa học tưởng. Khi họ ngắt kết nối thần kinh giữa vỏ não trước trán và thùy hạnh nhân của con chuột, nó lại quay lại sợ âm thanh kia như trước. Đó là vì nỗi sợ tuy đã bị áp chế bởi hoạt động của vỏ não trước trán, nhưng vẫn luôn hiện diện trong thùy hạnh nhân. Ở những người với những nỗi sợ không căn cứ, ví dụ như người mắc chứng batophobia (sợ độ cao), điều tương tự cũng xảy ra. Các chuyến đi lặp đi lặp lại lên đỉnh tòa cao ốc Empire State nghe có vẻ có thể giúp làm quen được với nỗi sợ này, nhưng nó luôn có thể quay trở lại hoành hoành mỗi khi những người này bị stress—khi phần vỏ não trước trán của họ có nhiều việc khác phải lo hơn là đi trấn an một thùy hạnh nhân đang hoạt động quá hăng.

Điều này giúp giải thích tại sao nhiều đứa bé có-mức-độ-phản-ứng-cao thường giữ lại đôi chút sợ sệt nào đó trong tính cách của mình kể cả khi đã làm người lớn, bất kể họ đã có bao nhiêu kinh nghiệm trong giao tiếp xã hội hay bao nhiêu nỗ lực tập luyện tự thân của họ. Đồng nghiệp của tôi, Sally, là một ví dụ điển hình của hiện tượng này. Sally là một biên tập viên sách rất cẩn thận và tài năng, một người tự-miêu-tả-mình là người hướng nội, và một trong những người duyên dáng và có khả năng diễn đạt cảm xúc và ý nghĩ của mình tốt nhất mà tôi từng được biết. Nếu bạn mời cô ấy tới một bữa tiệc, và sau đó hỏi tất cả các vị khách khác xem trong cả bữa tiệc ai đã làm họ thấy thích thú khi gặp nhất, khả năng cao là họ đều sẽ nhắc đến Sally. Cô ấy thực sự rất thú vị, rất hài hước, tôi phải nói cho bạn biết. Hết sức dí dỏm! Hết sức dễ mến!

Sally cũng nhận biết ấn tượng của cô với mọi người tốt đến thế nào—bạn không thể nào hấp dẫn đến vậy mà lại không có chút nhận thức nào về nó. Nhưng thế không có nghĩa là thùy hạnh nhân của cô ấy biết điều đó. Mỗi khi cô ấy tới một bữa tiệc, Sally thường ước cô có thể giấu mình vào một băng ghế nào đó gần nhất—cho đến khi vỏ não trước trán của cô giành lại quyền điều khiến và giúp cô nhớ ra được cô là một người giỏi trò chuyện đến đâu. Kể cả thế thì thùy hạnh nhân của cô, với kinh nghiệm lâu năm của nó trong việc liên kết người lạ với cảm giác sợ hãi, đôi lúc vẫn thắng thế. Sally thừa nhận là đôi lúc cô lái xe cả giờ đồng hồ tới dự một bữa tiệc, chỉ để ra về năm phút ngay sau khi tới.

Khi tôi nghĩ về những trải nghiệm của chính mình dưới ánh sáng từ những khám phá của Schwartz, tôi nhận ra rằng không phải mình đã hết nhút nhát rụt rè, mà chỉ đơn giản là mình đã học được cách tự trấn an bản thân mà thôi (cám ơn nhé, vỏ não trước trán!). Đến giờ, tôi đã làm thế tự động đến nỗi tôi gần như không nhận ra được rằng nó đang xảy ra nữa. Khi tôi nói chuyện với một người lạ hoặc một nhóm người mới, nụ cười của tôi rạng rỡ và tác phong của tôi thì rõ ràng, nhưng vẫn có một khoảnh khắc vô cùng ngắn mà tôi cảm thấy như mình đang đi vắt vẻo trên một sợi dây. Nhưng giờ tôi đã có hàng ngàn những trải nghiệm xã hội khác nhau để hiểu rằng sợi dây đó chỉ là trí tưởng tượng của tôi vẽ ra mà thôi, hoặc rằng nếu có ngã thì tôi cũng không chết được đâu. Tôi tự trấn an bản thân mình tự động đến nỗi tôi không ý thức được là mình đang làm thế nữa. Nhưng quá trình tự trấn an đó vẫn xảy ra—và thỉnh thoảng, nó không hoạt động hiệu quả. Từ ngữ mà Kagan đã dùng đầu tiên để miêu tả những người có-mức-độ-phản-ứng-cao là “inhibited” (gượng gạo, rụt rè, thiếu tự nhiên), và đó chính xác là cảm giác mà tôi vẫn cảm thấy tại một số bữa tiệc.

Khả năng kéo dãn bản thân mình—trong giới hạn có thể—đúng với cả những người hướng ngoại nữa. Một trong những khách hàng của tôi, Alison, là một cố vấn kinh doanh (business consultant), một người mẹ, người vợ với dạng tính cách hướng ngoại—thân thiện, thẳng thắn, luôn luôn bận rộn hoạt động— khiến cho nhiều người miêu tả cô là một “thế lực tự nhiên” (force of nature). Cô có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hai cô con gái mà cô hết sức yêu quý, và công ty tư vấn của riêng cô mà cô đã tự tay gây dựng nên từ con số 0. Cô có mọi quyền để tự hào về những gì cô đã đạt được trong đời.

Nhưng không phải lúc nào cô cũng luôn cảm thấy tự hào tới vậy. Năm cô tốt nghiệp cấp III, cô tự nhìn kỹ lại mình và không thích thứ cô nhìn thấy. Alison cực kỳ thông minh, nhưng bạn sẽ không thể thấy được điều đó từ bảng điểm học bạ cấp III của cô. Cô ấy đã đặt quyết tâm phải vào được một trường đại học trong nhóm những trường đại học hàng đầu nước Mỹ, Ivy League, và cô mới vừa quăng cơ hội ấy ra ngoài cửa sổ.

Và cô biết lý do tại sao. Cô đã dành hết thời cấp III để hoạt động xã hội—Alison tham gia vào hầu như mọi hoạt động ngoại khóa mà trường cấp III của cô tổ chức—và những cái đó không còn để lại cho cô nhiều thời gian cho lắm để học tập. Một phần cô trách bố mẹ mình, những người đã quá tự hào với sự năng động tự tin của con gái đến nỗi đã không thúc ép cô học hành chăm chỉ hơn nữa. Nhưng phần lớn là cô tự trách chính mình.

Khi đã là một người trưởng thành, Alison quyết tâm không mắc lại những sai lầm đó nữa. Cô biết mình dễ dàng bị cuốn vào cơn lốc của những cuộc họp và những buổi gặp mặt kinh doanh thế nào. Vậy nên giải pháp của Alison là nhìn về gia đình mình để học những chiến lược thích ứng của họ. Cô tình cờ là con một của một cặp vợ chồng đều là người hướng nội, có chồng là một người hướng nội, và có cô con gái út cũng là một người hướng nội rất mạnh nữa.

Alison đã học được cách để bắt được tần sóng của những người ít nói xung quanh mình. Khi tới thăm cha mẹ, cô thấy mình cũng tập thiền và viết nhật ký, hệt như cách mẹ cô vẫn làm. Ở nhà, cô thoải mái tận hưởng những buổi tối yên bình cùng với người chồng chỉ thích ở nhà của cô. Và cô con gái út của cô, người rất thích những buổi nói chuyện gần gũi trong vườn với mẹ, luôn cùng Alison dành những buổi chiều hoàn toàn cho những cuộc trò chuyện thân tình giữa hai mẹ con.

Alison thậm chí còn đã tạo ra một mạng lưới những người bạn ít nói, thích suy nghĩ xung quanh mình nữa. Mặc dù người bạn thân nhất trên đời của cô, Amy, cũng là một người hướng ngoại luôn tràn đầy năng lượng như chính cô vậy; nhưng hầu hết những người bạn khác còn lại của cô đều là những người hướng nội. “Tôi thực sự vô cùng trân trọng những người giỏi lắng nghe”, Alison nói. “Họ là những người bạn tôi sẽ đi café cùng. Họ luôn cho tôi những lời góp ý, nhận xét chính xác nhất. Đôi lúc tôi còn không nhận ra rằng mình đang làm một thứ rất phản tác dụng, khi đó những người bạn hướng nội của tôi sẽ bảo, ‘Đây là việc mà cậu đang làm, và đây là mười lăm ví dụ khác về những lần cậu đã làm chính xác điều tương tự như vậy và thất bại”, trong khi người bạn thân Amy của tôi thậm chí còn không để ý đến những điều như thế. Nhưng những người bạn hướng nội của tôi thì dừng lại và quan sát, và chúng tôi có thể thực sự kết nối thông qua điều đó”.

Alison vẫn tiếp tục là con người năng động, đầy hào hứng của chính mình, nhưng cô đồng thời cũng đã khám phá ra làm thế nào để trở thành, và để thu được lợi ích từ, việc làm một người tĩnh lặng.

Mặc dù chúng ta có thể chạm tới giới hạn xa nhất có thể cho tính cách của mình, thường thì vẫn sẽ tốt hơn nếu ta biết đặt bản thân vào đúng vùng trời thích hợp của riêng mình.

Hãy cân nhắc đến câu chuyện của khách hàng này của tôi. Tên Esther, một luật sư thuế (tax lawyer) cho một công ty tư vấn luật lớn. Tóc nâu, luôn tràn đầy năng lượng tự tin, và đôi mắt xanh luôn sáng rực, Esther không phải và cũng chưa bao giờ là một kẻ nhút nhát hay rụt rè, lo lắng. Nhưng cô dứt khoát là một người hướng nội. Phần ưa thích nhất trong ngày của cô là mười phút yên lặng khi cô đi bộ tới bến xe buýt gần nhà mình, dọc theo một con đường hai bên phủ rợp bóng cây. Phần yêu thích thứ hai của cô là khi cô được khép chặt cửa văn phòng của mình lại và đắm mình hoàn toàn vào công việc.

Esther đã có một sự lựa chọn tốt cho sự nghiệp của mình. Là con gái của một nhà toán học, cô thích nghĩ về những vấn đề phức tạp đến đáng sợ về thuế và tính toán, và cô có thể bàn luận về chúng một cách rất dễ dàng. (Ở chương 7, tôi sẽ đi sâu hơn khảo cứu về việc tại sao những người hướng nội lại giỏi giải quyết những vấn đề phức tạp, cần nhiều tập trung đến vậy). Cô là thành viên trẻ nhất trong một nhóm làm việc thân thiết, hoạt động trong một công ty luật lớn hơn nhiều. Nhóm này bao gồm cô và năm luật sư thuế khác, tất cả đều ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp của lẫn nhau. Công việc của Esther gồm suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề làm cô thích thú, và làm việc vai-kề-vai với những đồng nghiệp thân cận mà cô tin tưởng.

Nhưng tình cờ là nhóm nhỏ gồm năm thành viên của Esther phải định kỳ diễn thuyết (give presentations) báo cáo trước các thành viên còn lại của hãng luật. Những bài nói này là một nguồn đau khổ cho Esther, không phải vì cô mắc chứng sợ nói trước đám đông, mà bởi vì cô không thoải mái với việc phải nói mà không được chuẩn bị gì. Các đồng nghiệp của Esther—những người mà tất cả đều tình cờ là người hướng ngoại—thì ngược lại, là những người nói-một-cách-tự-phát rất giỏi, có thể quyết định xong điều mình sẽ nói trên đường tới buổi diễn thuyết, và bằng cách nào đấy có thể truyền tải ý nghĩ của mình một cách hấp dẫn và dễ hiểu khi họ đến nơi.

Esther sẽ vẫn ổn nếu cô có cơ hội được chuẩn bị, nhưng đôi lúc những đồng nghiệp của cô quên không nhắc trước rằng cô và nhóm sẽ phải diễn thuyết cho đến tận đúng buổi sáng hôm diễn thuyết ấy, khi cô vừa tới chỗ làm. Cô đoán rằng khả năng nói ứng khẩu được ngay này của họ là do họ có một hiểu biết vượt trội về luật thuế, và tin rằng một khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn, tự cô cũng có thể nói được thoải mái như vậy. Nhưng khi Esther dần thăng cấp và hiểu biết nhiều hơn, cô vẫn không thể làm thế được.

Để giải quyết được vấn đề của Esther, hãy tập trung vào sự khác biệt giữa người hướng nội và người hướng ngoại: mức độ kích thích ưa thích của từng loại.

Trong hàng nhiều thập kỷ, bắt đầu từ cuối những năm 1960, một nhà nghiên cứu tâm lý có tầm ảnh hưởng lớn tên Hans Eysenck đã giả thiết rằng con người tìm kiếm một mức độ kích thích “vừa đủ”— không quá ít mà cũng không quá nhiều. Kích thích (stimulation) tức là những thứ chúng ta tiếp nhận hàng ngày từ thế giới bên ngoài. Nó có thể ở bất kỳ dạng nào, từ tiếng ồn, cho đến giao tiếp xã hội, cho đến ánh đèn nhấp nháy. Eysenck tin rằng người hướng ngoại ưa thích nhiều sự kích thích hơn là người hướng nội, và điều này giúp giải thích sự khác biệt giữa họ: người hướng nội ưa thích đóng chặt cửa văn phòng lại và cắm đầu vào công việc, bởi với họ kiểu hoạt động trí não trong tĩnh lặng này là mức độ kích thích lý tưởng; trong khi người hướng ngoại hoạt động hiệu quả nhất khi được tham gia vào những sự kiện náo nhiệt như tổ chức những buổi học kỹ năng đồng đội (team-building), hay điều hành những buổi họp.

Eysenck đồng thời cũng nghĩ rằng nền tảng của những khác biệt này có thể được tìm thấy trong một cấu trúc não có tên “hệ thống lưới hoạt hóa đi lên” (ascending reticular activating system—ARAS). ARAS là một phần của cuống não, có liên kết với phần võ não và những phần khác trong bộ não. Bộ não có cơ chế kích thích giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo, cảnh giác, và năng động—“phấn khích” (aroused), theo cách gọi của các nhà tâm lý học. Nó đồng thời cũng có một cơ chế làm dịu có tác dụng ngược lại, giúp chúng ta bình tĩnh. Eysenck suy đoán rằng ARAS điều hòa sự cân bằng giữa hai thái cực kém-phấn- khích và quá-phấn-khích bằng cách kiểm soát lượng yếu tố kích thích chảy vào trong não chúng ta; đôi lúc kênh tiếp nhận được mở rộng, vậy nên rất nhiều kích thích có thể đi vào trong não, và những lúc khác chúng lại rất bị hạn chế, nên bộ não ít bị kích thích hơn. Eysenck cho rằng ARAS hoạt động khác nhau giữa người hướng nội và hướng ngoại: người hướng nội có những kênh tiếp nhận mở rộng, khiến họ luôn bị quá tải với các kích thích và trở nên quá-phấn-khích (over-aroused); trong khi những người hướng ngoại có các kênh hẹp hơn, khiến họ thường bị kém-phấn-khích (under-aroused). Quá-phấn- khích khiến bạn cảm thấy mình đã chịu quá đủ rồi, và muốn về nhà ngay lập tức. Kém-phấn-khích thì lại dẫn đến cảm giác cuồng chân, muốn chạy nhảy. Mọi thứ đang xảy ra là không đủ: bạn cảm thấy ngứa ngáy, bồn chồn, thấy mình đang quá chậm chạp, và bạn chỉ muốn ra khỏi nhà ngay tức khắc.

Ngày nay chúng ta biết sự thực còn rắc rối hơn nhiều. Trước hết, hệ thống ARAS không tắt-mở các kích thích như người ta mở vòi nước, làm ngập cả não cùng một lúc; các phần khác nhau của não bị phấn khích ở những mức độ khác nhau và ở nhiều thời điểm khác nhau. Hơn thế nữa, mức độ phấn khích cao trong não không phải lúc nào cũng liên quan đến việc chúng ta cảm thấy phấn khích tới đâu. Và cũng có rất nhiều loại phấn khích nữa: phấn khích bởi âm nhạc ồn ã không giống với phấn khích bởi súng đạn, càng không giống với phấn khích khi điều hành một buổi họp; bạn có thể bị nhạy cảm với một loại kích thích này hơn là với một loại kích thích khác. Mặt khác, chỉ nói rằng chúng ta luôn tìm kiếm một mức độ phấn khích vừa đủ là quá đơn giản hóa sự việc: những người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt luôn thèm muốn sự phấn khích đến tột độ, trong khi những người đi spa, nghỉ ngơi để thư giãn lại muốn tìm một mức độ kích thích rất thấp mà thôi.

Mặc dù vậy, hơn một ngàn nghiên cứu tiến hành bởi các nhà khoa học trên khắp thế giới đã kiểm định lý thuyết cho rằng mức độ phấn khích của não đóng một vai trò quan trọng trong hướng nội-hướng ngoại của Eysenck; và kết quả như nhà tâm lý học tính cách David Funder gọi là “đúng một nửa”—theo những nghĩa rất quan trọng. Bất kể nguyên nhân thực sự đang được che giấu có là gì, có một lượng lớn bằng chứng cho thấy rằng người hướng nội đúng là có nhạy cảm hơn so với người hướng ngoại trước hàng loạt các yếu tố kích thích khác nhau, từ cà phê cho đến tiếng nổ, cho đến những tiếng hò hét ồn ào trong các sự kiện đông người—và rằng người hướng nội và người hướng ngoại thường cần những mức độ kích thích rất khác nhau để có thể hoạt động hiệu quả.

Trong một thí nghiệm nổi tiếng, có từ tận năm 1967, và vẫn thường được nhắc lại trong các khóa học về tâm lý, Eysenck đã nhỏ nước chanh lên lưỡi của những người lớn hướng nội và hướng ngoại, để xem ai tiết nước bọt nhiều hơn. Và hẳn nhiên, người hướng nội, do bị kích thích nhiều hơn bởi tác nhân kích thích, là những người với miệng tiết nước bọt nhiều nhất.

Trong một thí nghiệm nổi tiếng khác, những người hướng nội và hướng ngoại được yêu cầu chơi một trò chơi đố chữ mà trong đó họ phải học, bằng cách thử đi thử lại nhiều lần, nguyên tắc chủ đạo của trò chơi. Trong khi chơi, họ được cho đeo tai nghe phát những đợt tiếng ồn ngẫu nhiên. Họ được yêu cầu điều chỉnh mức âm lượng của bộ tai nghe đến một mức “vừa phải”. Trên trung bình thì, những người hướng ngoại chọn mức tiếng ồn là 72 đề-xi-ben, trong khi những người hướng nội chỉ chọn đến 55 đề- xi-ben. Khi làm việc với mức âm lượng mà họ đã chọn—to với những người hướng ngoại, nhỏ hơn với những người hướng nội—cả hai loại đều bị kích thích với một mức độ ngang nhau (được đo đạc thông qua nhịp tim và những thông số sinh học khác của họ). Họ đồng thời cũng thu được kết quả tốt ngang nhau.

Khi những người hướng nội được yêu cầu chơi với mức âm lượng được chọn bởi những người hướng ngoại, và ngược lại; mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Không chỉ những người hướng nội bị quá-kích-thích bởi tiếng ồn quá lớn, họ còn thể hiện tệ hơn nữa—phải mất đến 9,1 lần thử, thay vì chỉ 5,8 như trước để học cách chơi trò chơi này. Điều ngược lại cũng đúng với những người hướng ngoại—họ bị thiếu- kích-thích (và rất có thể là buồn chán) bởi tiếng động quá nhỏ, và tốn đến 7,3 lần thử, thay vì mức độ 5,4 lần thử họ đã đạt được khi được nghe những tiếng ồn to hơn.

Khi kết hợp với những khám phá của Kagan về mức độ phản ứng cao, các nghiên cứu này cho chúng ta một lăng kính rất mới để nhìn nhận tính cách của mình. Một khi bạn đã hiểu ra rằng, sự hướng nội hay hướng ngoại chỉ là ở việc ưa chuộng các mức độ kích thích khác nhau mà thôi, bạn có thể bắt đầu một cách có ý thức đặt mình vào trong những môi trường có lợi hơn cho tính cách của mình—không quá nhiều kích thích cũng không quá ít kích thích, không hề nhàm chán cũng không hề quá dễ-gây-lo-sợ. Bạn có thể tổ chức cuộc đời bạn theo cách mà các nhà tâm lý học tính cách vẫn gọi là “có một mức độ phấn khích lý tưởng”, hoặc như tôi gọi là “điểm ngọt ngào”; và bằng cách làm thế, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sức sống và năng lượng hơn bao giờ hết.

Điểm ngọt ngào của bạn là nơi bạn cảm thấy được kích thích vừa phải. Rất có thể ngay lúc này bạn đã đang tìm kiếm một nơi như thế rồi, chẳng qua là không nhận thức chính xác mình đang làm thế mà thôi. Hãy thử tưởng tượng bạn đang nằm thư giãn vô cùng thoải mái trên một chiếc võng, đọc một cuốn tiểu thuyết hay tuyệt vời. Đó là một điểm ngọt ngào của bạn. Nhưng nếu sau khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau đó, bạn nhận thấy là mình đang đọc đi đọc lại cùng một dòng đã năm lần rồi; vậy tức là khi đó bạn đã bị thiếu-kích-thích rồi. Vậy nên bạn gọi cho một người bạn thân của bạn và rủ người đó đi ăn—nói một cách khác, bạn gia tăng mức độ kích thích của mình—và khi bạn bật cười và thoải mái buôn chuyện với người bạn bên đĩa bánh kếp vị việt quất; ơn chúa, bạn đã quay trở lại với điểm ngọt ngào của mình. Nhưng giai đoạn dễ chịu này chỉ kéo dài cho đến khi người bạn của bạn—một người hướng ngoại cần nhiều kích thích hơn bạn nhiều—thuyết phục bạn cùng cô ấy tới dự một bữa tiệc của người dân trong vùng, và giờ đây bạn phải đối mặt với âm nhạc ồn ã và cả một biển toàn những người xa lạ.

Những người hàng xóm của bạn bạn có vẻ cũng dễ gần, nhưng giờ bạn cảm thấy bị áp lực phải tán gẫu với họ trên tiếng nhạc ồn ã. Đó—bòm! chỉ có thế thôi, bạn đã lại rơi ra khỏi vùng ngọt ngào của mình một lần nữa rồi, chỉ khác lần này là vì bạn bị quá-kích-thích. Và bạn có thể sẽ tiếp tục cảm thấy như vậy cho đến khi bạn bắt cặp được với một ai đó cũng đang đứng ngoài rìa của bữa tiệc, và bàn luận với người đó về những chủ đề sâu sắc, hoặc cúi chào ra về ngay và quay trở lại với cuốn tiểu thuyết của bạn.

Giờ hãy tưởng tượng, bạn sẽ có thể chơi cái trò chơi tìm-điểm-ngọt-ngào này tốt hơn đến đâu nếu bạn ý thức được rằng mình đang chơi nó. Bạn có thể sắp xếp nơi làm việc của mình, sở thích của mình, và cả cuộc sống xã hội của mình để có thể dành nhiều nhất thời gian có thể trong vùng ngọt ngào của bạn. Những người nhận thức được về điểm ngọt ngào của họ có sức mạnh để có thể rời bỏ những công việc làm họ kiệt sức và bắt đầu những công việc mới hơn, thỏa mãn hơn. Họ có thể săn tìm những ngôi nhà dựa trên tính cách của các thành viên trong gia đình mình—với những chiếc ghế bên cạnh cửa sổ ấm cúng và những góc kín đáo cho những người hướng nội, và các không gian phòng ăn-liên thông-phòng khách thật rộng rãi cho những người hướng ngoại.

Thấu hiểu điểm ngọt ngào của mình có thể giúp làm cho mọi ngóc ngách trong cuộc đời bạn đều trở nên thỏa mãn hơn, nhưng nó còn đi xa hơn thế. Các bằng chứng đã cho thấy rằng điểm ngọt ngào có thể có những hậu quả quyết định chuyện sống-chết nữa. Dựa theo một nghiên cứu gần đây trên các binh lính tại Đại học Nghiên cứu Quân sự Walter Reed (Walter Reed Army Institute of Research), những người hướng nội hoạt động hiệu quả hơn người hướng ngoại khi thiếu ngủ, một trạng thái kém-phấn- khích của vỏ não (bởi thiếu ngủ khiến ta kém nhanh nhẹn, hoạt bát, và năng động hơn). Những người hướng ngoại ngái ngủ đằng sau vô-lăng, do đó, nên đặc biệt cẩn thận—ít nhất là cho đến khi họ làm được mức độ phấn khích tăng cao trở lại, bằng cách nhấp một ngụm cà phê hoặc vặn to radio lên. Ngược lại, những người hướng nội phải lái xe trong tiếng động giao thông ồn ào, quá kích động lại cần phải cố gắng tập trung, bởi những tiếng ồn có thể làm họ mất tập trung khỏi việc suy nghĩ của mình.

Giờ khi chúng ta đã biết được về mức độ kích thích lý tưởng, vấn đề của Esther—phải ứng khẩu ngay trên bục diễn thuyết—cũng trở nên dễ hiểu hơn. Sự quá-phấn-khích có thể làm ảnh hưởng tới khả năng tập trung cũng như trí nhớ ngắn hạn—hai nhân tố quan trọng nhất cho một khả năng diễn thuyết tốt. Và vì nói trước đám đông là một hoạt động kích thích vô cùng—kể cả cho những người không hề mắc chứng sợ sân khấu như Esther—những người hướng nội có thể sẽ bị mất khả năng tập trung ngay lúc họ cần đến nó nhất. Esther có thể sống để làm một luật sư 100 tuổi, nói một cách khác, là người có nhiều hiểu biết kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực của mình, và vẫn không bao giờ có thể thoải mái nói trước đám đông được mà không có chuẩn bị. Cô ấy có thể thấy bản thân mình, khi đến những lúc diễn thuyết, liên tục không thể rút ra được những khối dữ liệu khổng lồ vẫn đang nằm trong trí nhớ dài hạn của cô.

Nhưng một khi Esther đã hiểu rõ bản thân mình, cô ấy có thể đấu tranh bằng được với các đồng nghiệp kia để họ phải báo trước cho cô mỗi lần có sự kiện phải làm báo cáo diễn thuyết. Cô ấy có thể tập dượt trước bài nói của mình, và thấy bản thân hoàn toàn thoải mái trong “điểm ngọt ngào” khi cô bước lên bục diễn thuyết. Cô cũng có thể chuẩn bị theo cách tương tự cho những buổi gặp mặt với khách hàng, các sự kiện gây dựng quan hệ, hay thậm chí cả những buổi gặp mặt tán gẫu với đồng nghiệp—bất cứ tình huống có chút căng thẳng gì mà ở đó, trí nhớ ngắn hạn cũng như khả năng nghĩ-ngay-tại-chỗ của cô có thể hoạt động hơi kém hiệu quả hơn một chút so với bình thường.

Esther đã xoay sở để giải quyết được vấn đề của mình nhờ sự trợ giúp từ điểm ngọt ngào của cô ấy. Ấy vậy nhưng, cũng có những lúc kéo dãn bản thân ra khỏi “vùng an toàn” lại là sự lựa chọn duy nhất của chúng ta. Một vài năm trước, tôi quyết định rằng mình phải chinh phục bằng được nỗi sợ nói trước đám đông của bản thân. Sau rất nhiều lần lữa chần chừ, tôi cũng đăng ký ghi danh vào một khóa học tại Trung tâm Nói trước Đám Đông—Nỗi Sợ Giao Tiếp (Public Speaking–Social Anxiety Center) ở New York. Tôi có chút nghi ngờ: tôi cảm thấy như mình bị coi là một người rụt rè, nhút nhát bình thường; và tôi cũng không thích cái tên gợi cảm giác bệnh tật “nỗi sợ giao tiếp”. Nhưng lớp học này dựa trên liệu pháp “chữa trị gây tê” (desensitization training), một cách tiếp cận mà tôi thấy là có lý. Thường được dùng như một cách để chiến thắng một nỗi sợ nào đó, phương pháp desensitization này bao gồm việc để bản thân bạn (và cả thùy hạnh nhân của bạn) tiếp xúc dần với thứ làm bạn sợ, mỗi lần một chút một để bạn quen dần. Điều này rất khác với lời khuyên, tuy là xuất phát từ thiện ý, nhưng hoàn toàn chẳng giúp đỡ được gì, đấy là bạn cứ nên “nhảy thẳng xuống chỗ sâu và cứ cố mà bơi đi”. Thứ phương pháp này cũng có thể đôi lúc có hiệu quả, nhưng khả năng lớn hơn là nó sẽ chỉ tạo ra hoảng loạn, nhấn cho não bạn sâu thêm vào trạng thái kinh sợ, khiếp hãi, và hổ thẹn mà thôi.

Tôi thấy mình được làm việc với một tập thể rất tốt. Có khoảng mười lăm người trong lớp học của tôi, được điều hành bởi Charles di Cagno, một người đàn ông vóc dáng tuy gầy, nhỏ nhưng khỏe mạnh, rắn chắc; với ánh mắt nâu ấm áp và một khiếu hài hước thông minh. Chính bản thân Charles là một lão làng trong việc thực hành phương pháp điều trị tiếp xúc (exposure therapy). Nỗi sợ nói trước đám đông không làm ông mất ngủ mỗi đêm nữa, ông nói vậy, nhưng nỗi sợ vẫn luôn là một kẻ thù xảo trá lắm mưu nhiều kế, bởi vậy ông luôn tiếp tục cố gắng không ngừng để luôn chế ngự được nó.

Lớp học đã bắt đầu được vài tuần trước khi tôi gia nhập rồi, nhưng Charles trấn an tôi rằng những người mới luôn luôn được chào đón. Nhóm các học viên này đa dạng hơn là tôi tưởng. Ở đây có một nhà thiết kế thời trang với mái tóc xoăn, dài, son môi tươi tắn, đi một đôi bốt da rắn mũi nhọn; một nhân viên thư ký với cặp mắt kiếng dày, cùng một tác phong nói rõ ràng, tôi-chỉ-nói-sự-thực có chút hơi thiếu thân thiện, người nói rất nhiều về việc cô ấy là một thành viên của Mensa27; một cặp đôi là giám đốc ngân hàng đầu tư (investment bankers), cao và có vóc dáng thể thao; một diễn viên với mái tóc đen và một đôi mắt xanh trong đầy sức sống, người chạy nhảy hết sức rạng rỡ khắp cả căn phòng trong đôi giầy thể thao hiệu Puma của mình, nhưng khẳng định rằng đã hoảng sợ trong suốt cả lúc đó; một nhà thiết kế phần mềm người Trung Quốc với một nụ cười mỉm dễ mến cùng những tiếng cười to căng thẳng. Một tập hợp cư dân New York điển hình, nói thực là vậy. Nhìn qua, đây hoàn toàn có thể là một lớp học nhiếp ảnh hoặc ẩm thực Ý, hoặc cái gì đó giống vậy.

 27 Mensa là một tổ chức quốc tế dành cho những người có chỉ số thông minh IQ cao. (Xem thêm: trang web của tổ chức Mensa )

Chỉ trừ có việc là không phải vậy. Charles giải thích rằng mỗi chúng tôi sẽ phải nói trước mặt cả nhóm, nhưng sẽ chỉ ở một mức căng thẳng lo sợ mà chúng tôi có thể chịu được mà thôi.

Một giáo viên võ thuật tên Lateesha là người xung phong đầu tiên buổi tối hôm đó. Bài tập của Lateesha là phải đọc to cho cả lớp một đoạn trích trong một bài thơ của Robert Frost. Với mái tóc bện thành từng lọn dreadlocks cùng nụ cười rạng rỡ của cô, Lateesha trông có vẻ như một người chẳng sợ hãi một điều gì hết. Nhưng khi cô chuẩn bị sẵn sàng để nói, sách đã mở rộng ngay trên bục diễn thuyết, Charles hỏi cô tự đánh giá mình đang lo lắng đến đâu, trên thang điểm từ 1 đến 10.

“Ít nhất là 7”, Lateesha trả lời.

“Cứ từ từ, thong thả”, ông đáp lại. “Chỉ có một số rất ít người ngoài kia có thể hoàn toàn vượt qua nỗi sợ của họ thôi, và tất cả họ đều sống ở Tây Tạng hết”.

Lateesha đọc đoạn thơ rõ ràng và khá khẽ khàng, với chỉ một chút xíu run rất nhẹ trong giọng nói của cô. Khi cô kết thúc, Charles nở nụ cười lớn rất rạng rỡ.

“Làm ơn đứng lên, Lisa”, ông nói, hướng về phía một cô gái trẻ xinh đẹp, làm một giám đốc marketing, với mái tóc đen óng và một chiếc nhẫn đính hôn lấp lánh. “Bây giờ đến lượt phản hồi của bạn. Vừa nãy trông Lateesha có lo sợ không?”

“Không”, Lisa nói.

“Thế mà tôi đã rất sợ đấy”, Lateesha đáp.

“Đừng lo, không ai có thể nhận ra đâu”, Lisa khẳng định với cô.

Những người khác gật đầu liên tục. Hoàn toàn không thể nhận ra được, họ đồng thanh nói. Lateesha ngồi xuống, nét mặt rất hài lòng.

Tiếp theo là đến lượt của tôi. Tôi đứng trước một cái bục diễn thuyết tạm thời—mà thực chất là một cái giá nhạc (music stand)—và đứng đối mặt với cả nhóm. Âm thanh duy nhất trong căn phòng là tiếng “tích-tách” của cái quạt trần và những tiếng động ầm ì của giao thông ngoài xa dội vào. Charles yêu cầu tôi tự giới thiệu bản thân. Tôi liền hít một hơi thật sâu.

“XIN CHAÀAOOO!!! Tôi hét lớn, hy vọng là mình có thể trông có vẻ sôi nổi hơn. Charles trông có vẻ hơi có chút đề phòng. “Cứ là chính mình thôi”, ông nói.

Bài tập đầu tiên của tôi rất đơn giản. Tất cả những gì tôi phải làm chỉ là trả lời một vài câu hỏi mà mọi

người ở dưới đặt ra: Bạn sống ở đâu? Bạn làm nghề gì? Bạn đã làm gì vào cuối tuần vừa rồi?

Tôi trả lời các câu hỏi bằng cung cách bình thường, chậm rãi-nhẹ nhàng của mình. Cả nhóm lắng nghe rất chăm chú.

“Có ai có câu hỏi gì nữa cho Susan không?” Charles hỏi. Cả nhóm lắc đầu.

“Giờ, nào Dan”, Charles nói, hất đầu về hướng một anh chàng tóc đỏ cao lớn, khỏe khoắn, trông cứ như một chàng phóng viên của CNBC đang thực hiện phóng sự trực tiếp từ Sàn Chứng Khoán New York. “Anh là một giám đốc ngân hàng và anh có những tiêu chuẩn rất cao. Nói tôi nghe xem, trông Susan vừa rồi có vẻ gì lo sợ không?”

“Không hề”, Dan nói.

Những người còn lại của nhóm cũng gật đầu. Không hề có vẻ lo sợ chút nào đâu, họ cùng rì rầm nói— cũng hệt như khi họ đã nói với Lateesha vậy.

Chị trông rất có vẻ quảng giao, họ nói thêm.

Chị tạo ấn tượng là một người rất tự tin ấy!

Chị may mắn thật đấy vì chẳng bao giờ hết cái để nói cả.

Tôi ngồi xuống, cảm thấy khá tốt về bản thân mình. Nhưng rồi nhanh chóng, tôi nhận ra rằng Lateesha và tôi không phải là những người duy nhất nhận được những phản hồi kiểu đó. Một vài người khác cũng làm được vậy nữa. “Bạn trông thật bình tĩnh!”, những diễn giả đó được nói lại vậy, trong sự thở phào nhẹ nhõm thấy rõ được của họ. “Sẽ không ai có thể biết nếu họ không biết trước! Bạn đang làm gì trong cái lớp học này thế cơ chứ?”

Lúc đầu tôi tự hỏi tại sao mình lại đề cao những lời trấn an này cao đến vậy. Rồi tôi nhận ra rằng tôi đang tham dự buổi học này vì tôi muốn kéo dãn bản thân mình ra giới hạn xa hơn trong biên giới tính cách của mình. Tôi muốn trở thành một diễn giả tốt nhất và dũng cảm nhất mà tôi có thể. Những lời trấn an này là bằng chứng rằng tôi đang trên đường tới cái đích này. Tôi cũng có ngờ rằng những lời phản hồi tôi nhận được chỉ có tính chất khích lệ động viên mà thôi, nhưng tôi chẳng quan tâm. Thứ quan trọng là tôi đã giao tiếp được với tập thể khán giả, và họ đón nhận tôi tốt, và tôi cảm thấy rất tốt về trải nghiệm này. Tôi đã bắt đầu “gây tê”— desensitize dần bản thân mình trước nỗi kinh hoàng của việc nói trước đám đông.

Kể từ đó, tôi đã nói trước đám đông rất nhiều lần, từ những nhóm mười người cho đến những đám đông hàng trăm người. Tôi đã đến được chỗ biết chấp nhận một cách hạnh phúc sức mạnh của bục diễn thuyết. Với tôi, việc này cần đến từng bước tiến cụ thể, bao gồm cả việc đối xử với mọi bài nói như một dự án sáng tạo, để khi tôi phải sẵn sàng cho ngày trọng đại, tôi được tận hưởng cái cảm giác đào-sâu- suy-nghĩ tôi rất thích đó. Tôi đồng thời cũng nói về những chủ đề rất gây hứng thú cho tôi, và phát hiện ra rằng tôi cảm thấy mình có trọng tâm vững vàng hơn nhiều khi tôi thực sự quan tâm đến chủ đề đang nói đến của mình.

Điều này không phải bao giờ cũng là có thể, tất nhiên. Đôi lúc các diễn giả sẽ cần phải nói đến những chủ đề không làm họ thích thú cho lắm, đặc biệt là để phục vụ cho công việc hoặc học tập. Tôi tin điều này là đặc biệt khó khăn hơn cho những người hướng nội, những người thường có khó khăn về việc phải tỏ vẻ giả vờ hào hứng. Nhưng có một lợi thế ngầm ở đặc điểm kém-linh-hoạt này của chúng ta: nó có thể cho chúng ta động lực mạnh mẽ để đưa ra những lựa chọn khó khăn, nhưng xứng đáng để thay đổi sự nghiệp, khi chúng ta thấy mình bị bắt phải nói quá nhiều về những chủ đề chúng ta không có chút gì tình cảm với. Không có một ai dũng cảm hơn người cất lên tiếng nói với sự dũng cảm từ niềm tin của chính mình.