Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống

Chương 23: Nguyên nhân và cách khắc phục trạng thái mệt mỏi

Tôi muốn bạn biết đến một thực tế có ý nghĩa quan trọng và rất đáng kinh ngạc: Chỉ riêng công việc trí óc thôi thì sẽ không thể khiến bạn mệt mỏi được. Nghe có vẻ phi lý. Nhưng cách đây nhiều năm, các nhà khoa học đã cố tìm hiểu xem não người có thể hoạt động trong bao lâu trước khi đạt tới “điểm suy giảm năng suất” – thuật ngữ chuyên môn chỉ trạng thái mệt mỏi. Và họ đã rất ngạc nhiên phát hiện ra rằng, khi não bộ hoạt động, máu chuyển đến não không hề cho thấy dấu hiệu mệt mỏi nào! Nếu bạn lấy máu của một người lao động chân tay khi anh ta đang làm việc, bạn sẽ thấy nó có chứa các “độc tố gây mệt mỏi”. Nhưng với những bộ não như Albert Einstein thì tìm cả ngày bạn cũng chẳng thấy dẫu chỉ một giọt máu chứa chất độc hại.

Như vậy, “sau 8 hay thậm chí 12 giờ làm việc thì bộ não vẫn có thể hoạt động nhanh nhạy và hiệu quả như lúc mới bắt đầu”. Nó hoàn toàn không biết mệt … Vậy điều gì đã khiến bạn mệt mỏi?

Các nhà tâm thần học tuyên bố rằng hầu hết sự mệt mỏi của chúng ta đều bắt nguồn từ trạng thái tinh thần và cảm xúc. Một trong những nhà tâm thần học xuất sắc nhất của nước Anh,  J. A. Hadfield đã nói trong quyển The Psychology of Power (Tâm lý học về sức mạnh): “Phần lớn nỗi mệt nhọc của chúng ta đều bắt nguồn từ tinh thần; trong thực tế rất hiếm khi xảy ra tình trạng mệt mỏi vì nguyên nhân thể chất thuần túy”.

Nhà tâm thần học hàng đầu Hoa Kỳ, bác sĩ A. A. Brill thậm chí còn khẳng định chắc nịch: “100% hiện tượng mệt mỏi ở những người ngồi làm việc tại chỗ và có sức khỏe tốt đều xuất phát từ nguyên nhân tâm lý, hay còn gọi là các yếu tố xúc cảm”.

Những yếu tố xúc cảm nào có thể khiến những người ngồi làm việc tại chỗ cảm thấy mệt mỏi? Niềm vui sướng? Sự hài lòng chăng? Không! Không bao giờ! Chính sự buồn tẻ, bất mãn, cảm giác bị thiếu tôn trọng, cảm giác là người vô tích sự, lo lắng, bồn chồn – mới là những yếu tố khiến họ mệt mỏi, dễ nhiễm các bệnh cảm lạnh thông thường, làm việc kém hiệu quả và trở về nhà với những cơn đau đầu như búa bổ. Đúng vậy, cơ thể chúng ta thường mệt mỏi do phải chịu những căng thẳng về cảm xúc.

Điều này cũng được chỉ ra trong một tờ tuyên truyền của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Metropolitan nhằm chống lại chứng mệt mỏi: “Bản thân công việc dù nhiều và khó nhọc đến đâu cũng hiếm khi khiến người ta kiệt sức đến nỗi dẫu đã đi ngủ và nghỉ ngơi hợp lý mà vẫn còn mệt mỏi … Chính lo âu, căng thẳng và buồn phiền mới là ba nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng này. Chúng mới là thủ phạm chính trong phần lớn các trường  hợp, trái với sự nhầm tưởng cho rằng người hay mệt mỏi là do phải đảm nhận nhiều công việc thể chất và trí óc… Hãy thư thái! Dành sức cho những việc quan trọng”.

Hãy dừng lại, dù bạn đang làm gì đi chăng nữa, và thử lắng nghe cơ thể mình. Khi đọc những dòng này, bạn có đang nhíu mày lại không? Bạn có thấy nhức mắt không? Có ngồi thoải mái trên ghế không? Hay bạn đang gồng vai? Và cơ mặt thì căng lên? Trừ phi cơ thể bạn thả lỏng như một búp bê vải, nếu không thì có nghĩa là ngay tại giờ phút này, bạn cũng đang gây căng thẳng cho chính thể chất và tinh thần của mình. Bạn đang tự làm cho mình mệt mỏi vì những căng thẳng ấy!

Tại sao khi lao động trí óc, chúng ta lại tạo ra những căng thẳng không cần thiết ấy? Deniel W. Josselyn nói: “Tôi nhận thấy, trở ngại chủ yếu nằm ở chỗ hầu hết ai cũng tin rằng để thực hiện được khối lượng công việc lớn và khó khăn thì mỗi người phải tập cho mình khí thế nỗ lực, có thế mới đạt được hiệu quả cao”. Vậy là chúng ta gồng mình lên. Chúng ta lên gân lên cốt để cảm thấy bản thân đang nỗ lực. Trong khi điều đó thực ra chẳng giúp ích gì cho công việc của bộ não.

Đây là một sự thật gây choáng váng và đau lòng: trong khi không hề mong muốn phung phí tiền bạc thì hàng triệu người lại đang phung phí một tài sản còn quý giá hơn: đó là năng lượng. Chúng ta thường tiêu xài năng lượng một cách bạt mạng, dẫn tới sự căng thẳng và mệt mỏi triền miên.

Đâu là giải pháp cho những mệt mỏi tinh thần này? Thư giãn! Thư giãn! Học cách thư giãn ngay cả khi bạn đang làm việc!

Có dễ thực hiện không? Không hề. Có thể bạn sẽ phải đảo ngược thói quen cả đời của mình. Nhưng nó vẫn đáng để bạn cố gắng bởi nếu làm được, cuộc sống của bạn hẳn sẽ có một biến chuyển kỳ diệu! Trong tác phẩm The Gospel of Relaxation (kinh Tân ước về Thư giãn), William James viết: “Căng thẳng quá mức, cáu gắt, khó thở, cực đoan … là những thói quen xấu, không hơn không kém”. Căng thẳng là thói quen. Thư thái là thói quen. Thói quen xấu là thể loại bỏ được, thói quen tốt có thể hình thành được.

Bạn nên thư giãn bằng cách nào? Bắt đầu bằng việc thư giãn trí óc chăng? Không, bạn luôn phải bắt đầu với việc thư giãn cơ thể trước.

Hãy thực hành bằng cách nhắm mắt lại một chút xem kết quả ra sao nhé. Sau khi đọc hết đoạn này, bạn hãy ngả người ra phía sau, nhắm mắt lại và tự nhắc mình: “Thả lỏng nào. Thả lòng nào. Không căng mắt, nhíu mày gì nữa. Thả lòng nào. Thả lòng nào …”. Cứ nhắc đi nhắc lại như thế thật chậm rãi trong khoảng một phút.

Bạn có thể thấy ngay sau một vài giây, các cơ mắt đã bắt đầu nghe lời mình, tựa như có một bàn tay nào đó xua tan mọi căng thẳng. Nghe thật khó tin, nhưng đúng là trong một phút ấy, bạn đã làm chủ được chiếc chìa khóa bí mật của nghệ thuật thư giãn rồi đây. Bạn có thể làm tương tự với các cơ mặt, cổ, vai và toàn bộ cơ thể. Nhưng bộ phận quan trong nhất vẫn là đôi mắt. Tiến sĩ Edmund của trường Đại học Chicago thậm chí còn nói rằng nếu có thể khiến mắt thư giãn hoàn toàn thì bạn cũng có thể quên luôn mọi rắc rối của mình! Sở dĩ đôi mắt có vai trò quan trọng như vậy là bởi chúng tiêu tốn tới ¼ năng lượng dành cho các hoạt đông thần kinh của cơ thể. Đó cũng là lý do tại sao những người có thị lực rất tốt cũng có khi bị “nhức mắt”. Khi ấy, họ đang khiến cơ mắt phải làm việc quá nhiều.

Bạn có thể thư giãn ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ thời điểm rảnh rỗi nào. Nhưng đừng cố thư giãn cho bằng được.  Thư giãn là quá trình không có chỗ cho căng thẳng và gắng sức.  Hãy bắt đầu xoa dịu cơ mắt, cơ mặt bằng ý nghĩ: “Thả lỏng nào…thả lỏng…thả lỏng và thư giãn” và cứ lặp đi lặp lại như thế. Hãy cảm nhận nguồn năng lượng đang từ cơ mặt bạn chuyển dần về trung tâm cơ thể. Hãy nghĩ mình đang là một đứa trẻ, không vướng phải bất cứ sự căng thẳng nào.

Đó cũng chính là những gì mà Galli-Curci, nữ danh ca giọng cao nổi tiếng thường làm. Helen Jepson kể với tôi rằng cô thường thấy trước mỗi buổi biểu diễn, Galli-Curci ngỗi tĩnh lại trên ghế, cơ thể thả lỏng và hàm dưới hơi chùng xuống. Đó là bài tập giúp bà khỏi bị hồi hộp mỗi khi bước lên sân khấu; và cũng là bài tập giúp ngăn chặn lo lắng.

Dưới đây là bốn ý giúp bạn thư giãn:

1/ Thư giãn trong những phút rảnh rỗi. Hãy để cơ thể mềm mại như một chiếc tất cũ. Mỗi khi làm việc, tôi lại đặt lên bàn chiếc tất cũ màu hạt dẻ để nhắc mình phải biết thả lỏng cơ thể. Nếu bạn không có tất thì hãy tìm một chú mèo. Bạn đã từng ôm một chú mèo đang nằm sưởi nắng chưa? Hẳn bạn sẽ thấy cơ thể nó mềm dịu và hoàn toàn thả lòng trong đôi tay bạn. Những bậc thầy Yoga của Ấn Độ cũng khuyên rằng nếu bạn muốn làm chủ nghệ thuật thư giãn, hãy tìm hiểu về loài mèo. Tôi chưa hề thấy có chú mèo nào bị mệt mỏi, suy nhước thần kinh, mất ngủ, lo lắng hay loét dạ dày bao giờ. Có thể, bạn sẽ tránh được tất cả những căn bệnh này nếu học được cách thư giãn như loài mèo.

2/ Làm việc trong tư thế thoải mái nhất có thể. Hãy nhớ rằng những căng thẳng trong cơ thể dẫn đến chứng đau vai và mệt mỏi tinh thần.

3/ Lắng nghe cơ thể bốn đến năm lần mỗi ngày, và tự hỏi bản thân: “Có phải mình đang phung phí sức lực trên mức cần thiết không? Liệu mình có đang bắt một số bộ phận của cơ thể phải vận động dù chúng chẳng có mối liên quan gì với công việc đang làm không?”. Quá trình ấy sẽ giúp bạn hình thành thói quen thư giãn, và như bác sĩ David Harold Fink nói: “Đối với những người am hiểu tâm lý học thì thói quen là một nhân tố có tính chất quyết định đáng kể”.

4/ Cuối ngày, hãy khám sức khỏe cho bản thân bằng cách tự hỏi: “Mình mệt mỏi như thế nào? Nếu có mệt mỏi thì nguyên nhân cũng không xuất phát từ công việc trí óc mình thực hiện mà xuất phát từ cách mình thực hiện công việc ấy”. Daniel W. Josselun nói: “Tôi đánh giá thành quả của mình không dựa vào mức độ mệt mỏi, mà căn cứ trên mức độ không mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc… Nếu thấy mệt mỏi hoặc cáu gắt, tôi hiểu rằng mình đã có một ngày kém hiệu quả cả về chất và lượng”. Nếu mọi doanh nhân Hoa Kỳ đều hiểu được bài học này thì tỷ lệ tử vong vì căn bệnh “căng thẳng cực độ” sẽ giảm xuống chỉ sau một đêm. Và chúng ta sẽ không còn phải thấy cảnh các viện điều dưỡng đông nghịch những bệnh nhân mắc chứng mệt mỏi và lo âu.

Hãy nhớ Nguyên  tắc 2:

HỌC CÁCH THƯ GIÃN TRONG KHI ĐANG LÀM VIỆC