Trong thời gian viết quyển sách này, tôi có lần ghé thăm trường Đại Học Chicago, và đã nói chuyện với Hiệu trưởng của trường là Robert Maynard Hutchins. Khi tôi hỏi làm thế nào ông tránh khỏi cho mình khỏi ưu phiền, ông trả lời: “Tôi luôn cố gắng làm theo lời khuyên của ngài Julius Rosenwald, cố Chủ tịch của công ty Sears, Roebuck: “Nếu đời cho ta một quả chanh, hãy pha thành ly nước chanh”.
Đó chính là những gì người khôn ngoan sẽ làm. Còn những kẻ ngốc thì sẽ làm điều ngược lại: Vừa nhận thấy cuộc đời chỉ cho mình một quả chanh, họ đã vội từ bỏ và than rằng: “Đời tôi thế là đã an bài. Đó là số phận. Tôi đã không có lấy một cơ hội”. Sau đó, họ nguyền rủa thế giới và chìm đắm trong những lời than thân trách phận. Nhưng nếu là người khôn ngoan, trong trường hợp ấy, anh ta sẽ nói: “Mình học được gì từ sự không may này? Làm sao để cải thiện tình hình bây giờ? Làm thế nào để biến quả chanh này thành ly nước chanh đây?
Cả đời nghiên cứu về con người và những sức mạnh ẩn chứa bên trong họ, nhà tâm lý học vĩ đại Alfred Adler đã rút ra kết luận rằng một trong những đức tính kỳ diệu của con người là “khả năng biến mất thành được”.
Dưới đây là một câu chuyện thú vị và đáng học tập của một phụ nữ đã thực sự làm được điều kỳ diệu đó. Tên cô là Thelma Thompson. Cô kể lại:
“Hồi chiến tranh, chồng tôi đóng quân tại một doanh trại gần sa mạc Moijave, California. Tôi cũng đến sống ở đó để được gần anh ấy. Tôi rất ghét nơi đó. Tôi nguyền rủa nó. Chưa bao giờ tôi thấy khổ sở như vậy. Chồng tôi phải luyện tập ngoài sa mạc, để tôi một mình trong căn lều chật chội. Thời tiết nóng không chịu nổi – nhiệt độ trong bóng râm đã suýt soát 520C. Không có ai để nói chuyện cho khuây khỏa. Gió thổi suốt ngày đêm, đồ ăn và không khí dính đầy cát, đâu đâu cũng chỉ thấy cát và cát!
Tôi thấy vô cùng khổ sở và xót xa cho bản thân đến nỗi phải viết thư cho cha mẹ nói rằng mình sẽ từ bỏ nơi này để quay về nhà, rằng mình không thể chịu được thêm một chút nào nữa. Tôi thà ở trong tù còn hơn! Cha viết thư trả lời tôi chỉ vỏn vẹn hai dòng – hai dòng tôi sẽ ghi nhớ mãi – hai dòng đã làm cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi:
Hai người cùng nhìn ra song cửa nhà tù,
Một người nhìn thấy bùn đen,
Còn người kia thấy những vì sao.
Tôi đọc đi đọc lại hai dòng thư của cha và cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Tôi quyết định sẽ tìm ra những điều tốt đẹp trong hoàn cảnh hiện tại: tôi sẽ tìm kiếm những vì sao.
Tôi bắt đầu làm quen với người dân bản địa, và sự đối đãi chân thành của họ làm tôi hết sức ngạc nhiên. Thấy tôi có vẻ thích thú đồ gốm và những tấm vải dệt, họ liền tặng tôi mấy món đồ mình ưu thích nhất, những thứ họ không đời nào bán cho khách du lịch. Tôi nghiên cứu về hình dạng kỳ thú của những cây xương rồng, cây ngọc giá và cây Joshua. Tôi còn tìm hiểu về loài sóc chó, ngắm hoàng hôn trên sa mạc và tìm những vỏ sò đã ở đó từ hàng triệu năm trước, khi sa mạc này hãy còn là đáy đại dương.
Điều gì đã mang lại sự thay đổi ngạc nhiên này trong tôi? Sa mạc Mojave không hề thay đổi. Nhưng tôi đã thay đổi. Tôi đã thay đổi thái độ tinh thần của mình. Và làm như vậy, tôi đã biến cuộc sống khổ sở nơi sa mạc thành cuộc phiêu lưu lý thú nhất trong đời. Tôi bị thôi thúc và cảm thấy hào hứng với thế giới mới lạ mình vừa khám phá ra đến nỗi đã viết một quyển sách về nó – quyển tiểu thuyết được xuất bản với cái tên Bright Ramparts (Thành lũy Tươi sáng). Tôi đã nhìn ra ngoài cái nhà tù mình từng tự tạo ra và trông thấy những vì sao.”
Thelma Thompson đã tìm thấy một chân lý cổ xưa mà những người Ai Cập đã phát hiện ra từ 500 năm trước Công nguyên: “Điều tốt nhất cũng là điều khó đạt được nhất”.
Đến thể kỷ 20, Harry Emerson Fosdick(52) cũng nhắc lại ý tưởng đó trong câu nói của mình: “Hạnh phúc không chỉ đơn thuần là sự hài lòng mà là cảm giác chiến thắng”. Vâng, cảm giác đạt được điều đó, cảm giác vượt qua được trở ngại, cảm giác có thể biến những quả chanh chua gắt thành nước chanh ngọt lành.
Có lần tôi đến thăm một nông dân đang sống rất hạnh phúc ở Florida, người thậm chí còn biến được một quả chanh độc thành nước chanh ngon lành. Lúc mới có trang trại, anh rất nản chí. Đất ở đấy quá cằn cỗi nên không thể chăn nuôi gia súc hay trồng cây ăn quả được. Không gì có thể phát triển nổi ngoài những cây sồi và loài rắn đuôi chuông. Nhưng rồi anh chợt nảy ra một ý tưởng. Anh sẽ biến chính những con rắn đuôi chuông này thành tiền bạc. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, anh bắt đầu đóng hộp thịt rắn. Mấy năm trước, khi đến thăm anh, tôi được biết mỗi năm trung bình có 20.000 khách đến tham quan trang trại rắn này. Công việc làm ăn rất phát đạt, nọc đọc của rắn được chở đến các phòng thì nghiệm để sản xuất thuốc giải độc; da rắn được bán với giá rất cao làm giày và túi xách; còn thịt được đóng hộp và bán đi khắp thế giới. Tôi đã mua một tấm bưu ảnh chụp cảnh trang trại và gửi đi từ bưu điện của chính ngôi làng mang tên “Rattlesnake – Rắn đuôi chuông – Florida” – cái tên được đặt để tỏ lòng trân trọng đối với một con người đã biết biến một quả chanh độc thành ly nước chanh tuyệt vời.
Trong những lần đi đó đây khắp nước Mỹ, tôi có vinh hạnh được quen biết với rất nhiều người đã chứng tỏ khả năng “biến mất thành được” của mình.
Nhà văn William Bolitho, tác giả quyển Twelve Against the Gods (Mười hai người chống lại thánh thần) đã nói: “Điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là thu lời từ những cái mình đang có. Người khờ dại đến mấy cũng làm được như thế. Điều thực sự quan trọng là phải biết thu lợi từ chính những cái đã mất. Việc đó đòi hỏi sự thông minh; và chính nó tạo ra sự khác biệt giữa người khôn và kẻ ngốc”.
Những lời ấy được Bolitho viết sau khi bị mất một chân trong một vụ tai nạn xe lửa. Nhưng tôi còn quen một người dẫu bị mất cả hai chân nhưng vẫn biết mất thành được. Tôi tình cờ gặp ông trong một khách sạn ở Atlanta, bang Geprgia. Vừa bước vào thang máy, tôi đã để ý đến người đàn ông mất cả hai chân đang ngồi trên chiếc xe lăn với gương mặt rạng rỡ. Khi thang máy lên tới nơi, ông lịch sự đề nghị tôi bước sang một bên để mình có thể lăn xe ra ngoài dễ dàng hơn. Rồi ông nói: “Xin lỗi đã làm phiền ngài” cùng một nụ cười thật tươi và ấm áp khiến cả gương mặt ông như sáng bừng lên.
Khi đã về phòng mình, tôi vẫn nghĩ đến hình ảnh người đàn ông tàn tật với gương mặt rạng rỡ kia. Bởi vậy, tôi đã đi tìm và đề nghị ông kể lại câu chuyện của mình. Ông mỉm cười cho biết:
“Chuyện xảy ra vào năm 1929, khi tôi đi chặt cây bồ đào về làm cọc leo cho dây đậu trong vườn. Chặt xong, tôi chất hết cành cây lên chiếc Ford rồi lái về nhà. Đột nhiên, một cành rơi xuống và chèn vào trục tay lái đúng lúc tôi đang cua gấp. Chiếc xe lạc tay lái, lao lên một bờ đất cao rồi đâm sầm vào một gốc cây. Cột sống của tôi bị thương nặng khiến hai chân tôi bị liệt hoàn toàn.
Lúc ấy, tôi mới 24 tuổi và kể từ đó, không bao giờ tôi còn bước đi được nữa”
Hai mươi tư tuổi, và vĩnh viễn phải ngồi trên xe lăn trong suốt quãng đời còn lại! Tôi hỏi làm thế nào ông có đủ dũng khí chấp nhận sự thật đó, ông trả lời: “Ban đầu thì không đâu!” Ông kể rằng mình đã gào thét và nổi điên lên, nguyền rủa số phận. Nhưng sau nhiều năm nặng nề, ông đã hiểu ra rằng sự oán thán sẽ chẳng đem lại lợi ích gì ngoài việc khiến bản thân càng thêm cay đắng. Ông nói: “Tôi nhận thấy mọi người xung quanh hòa nhã và cư xử rất tốt với mình. Vậy thì ít nhất tôi cũng phải đáp lại họ như thế”.
Khi tôi hỏi sau ngần ấy năm, liệu ông còn cảm thấy tai nạn đó là một bất hạnh không, ông trả lời ngay: “Không, bây giờ tôi dần như thấy mừng vì nó đã xảy ra: Ông kể rằng khi đã vượt qua được cú xốc và không còn bất mãn nữa, ông sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Ông bắt đầu đọc sách và ngày càng thấy yêu văn học. Ông khoe trong 14 năm mình đã đọc được ít nhất 1.400 quyển sách; và những quyển sách đó đã mở ra trước mắt ông một chân trời mới, khiến cuộc sống của ông phong phú hơn rất nhiều so với những gì ông từng mơ tới. Ông cũng bắt đầu tìm nghe những bản nhạc hay; và bây giờ ông đã có thể cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của những bản giao hưởng kinh điển mà trước đây chỉ làm ông thấy khó chịu. Nhưng thay đổi lớn nhất là ông có thời gian để suy ngẫm. Ông nói: “Lần đầu tiên trong đời, tôi có thể chiêm nghiệm về cuộc sống và nhận ra những giá trị đích thực. Tôi bắt đầu hiểu rằng phần lớn những điều mình đã phấn đấu để đạt được trước đây chẳng đáng giá chút nào”.
Vì đọc nhiều sách nên ông bắt đầu hứng thú với chính trị, do đó ông quay sang nghiên cứu các vấn đề của công chúng, rồi vừa ngồi trên chiếc xe lăn vừa diễn thuyết! Ông quen với nhiều người hơn và cũng được biết đến nhiều hơn. Và – dù vẫn ngồi trên xe lăn, ông đã trở thành Ngoại trưởng bang Georgia trong suốt 33 năm!
Khi giảng dạy tại các lớp học dành cho người trưởng thành ở New York, tôi nhận thấy nhiều người tỏ ra vô cùng hối tiếc vì không được học đại học. Có vẻ như họ coi đó là một thiệt thòi rất lớn. Nhưng theo tôi, không nhất thiết phải như vậy bởi tôi biết có hàng nghìn người mới chỉ học hết bậc trung học mà vẫn rất thành đạt. Tôi thường kể cho học viên của mình nghe chuyện về một người quen thậm chí còn chưa học hết trung học cơ sở. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo. Khi cha anh qua đời, bạn vè ông phải góp tiền mua một cỗ quan tài để chôn cất ông. Mẹ anh phải làm việc 10 giờ mỗi ngày trong một nhà máy sản xuất dù, sau đó bà còn mang việc về nhà làm thêm đến tận 11 giờ đêm.
Chàng trai được nuôi dạy trong hoàn cảnh như thế đã tham gia một đoàn kịch nghiệp dư do một câu lạc bộ của nhà thờ địa phương tổ chức. Anh cảm thấy rất hứng thù với việc diễn kịch nên quyết định thử nghề diễn thuyết trước công chúng. Việc này đưa anh đến vớ chính trị. Mới 30 tuổi, anh đã được bầu vào Cơ quan lập pháp của New York. Nhưng tiếc là anh lại chưa được đào tạo để đảm nhận trọng trách lớn như vậy. Anh nói với tôi rằng, thật ra anh không có chút khái niệm nào về công việc đó. Anh phải nghiên cứu những dự luật rắc rối và dài lê thê để xem có nên biểu quyết thông qua hay không – thế nhưng, với tầm hiểu biết của mình, anh thấy chúng như được viết bằng ngôn ngữ Choctaw của người Da đỏ! Anh rất lo lắng và hoang mang khi được bầu vào Ủy ban quản lý rừng bởi bản thân chưa từng một lần đặt chân vào rừng. Anh càng lo lắng và hoang mang hơn khi được bầu vào Ủy ban ngân hàng trong khi anh còn chưa có lấy một tài khoản ngân hàng. Chính anh đã thổ lộ với tôi rằng nếu không sợ làm mẹ thất vọng, hẳn anh đã từ chức, rời khỏi cơ quan lập pháp vì nản chí. Trong tuyệt vọng, anh quyết định tập trung học 16 tiếng mỗi ngày và biến quả chanh hổng kiến thức của mình thành món nước chanh đầy trí tuệ. Nhờ vậy, anh đã biến mình từ một chính trị gia địa phương thành một nhân vật nổi tiếng khắp nước Mỹ và trở thành nhân vật xuất chúng mà tờ The New York Times gọi là “Công dân được yêu mến nhất New York”.
Người đó chính là Al Smith.
Sau mười năm kiên trì thực hiện chương trình tự học của mình, Al Smith đã trở thành nhà chức trách được tín nhiệm nhất trong giới lãnh đạo New York. Ông được bầu làm Thống đốc bang New York liên tiếp 4 nhiệm kỳ - một điều chưa từng có tiền lệ. Năm 1928, ông là ứng cử viên đảng Dân chủ cho chức Tổng thống. Sáu trường đại học danh tiếng – trong đó có cả Đại học Columbia và Harvard – đã phong tặng học vị danh dự cho con người chưa từng học hết trung học cơ sở này.
Chính Al Smith cũng thừa nhận rằng chắc chắn ông đã không đạt được những thành quả trên nếu không có thời gian học hành chăm chỉ 16 tiếng mỗi ngày với quyết tâm “biến mất thành được”
Triết gia Nietzsche có một tiêu chí xác định đâu là người xuất chúng như sau: Đó là những người “không những có đủ nghị lực để chịu đựng khó khăn mà còn phải yêu thích chúng nữa”
Càng đi sâu tìm hiểu sự nghiệp của những người thành đạt, tôi càng tin tưởng rằng phần lớn những người này thành công là bởi họ đã khởi đầu với những trở ngại và chính những trở ngại đã thôi thúc họ phải nổ lực không ngừng để vượt lên trên hoàn cảnh, giành lấy phần thưởng xứng đáng. Nói như William James thì “Chính sự thiệt thòi lại giúp ích cho chúng ta nhiều đến không ngờ”.
Vâng, rất có thể Milton đã viết được những vần thơ hay như thế là do ông bị mù, và Beethoven có thể soạn những bản nhạc bất hủ là vì ông bị điếc.
Helen Keller có được sự nghiệp rực rỡ như thế cũng bởi và bị thôi thúc trong cảnh mù và điếc bẩm sinh.
Nếu Tchaikovsky không từng bị cuộc hôn nhân đầy bi kịch giày vò đến mức suýt tự tử - nếu cuộc đời ông không đầy rẫy những khổ đau, có lẽ chẳng bao giờ ông soạn được những bản nhạc bất hủ như Symphonie Pathétique (Bản giao hưởng về nỗi đau).
Nếu cuộc sống của Dostoevsky và Tolstoy không đắm chìm trong khổ ải, có lẽ chẳng bao giờ hai ông có thể viết nên những thiên tiểu thuyết để đời.
Hay như Charles Darwin – người đã làm thay đổi hoàn toàn những quan điểm khoa học về sự sống trên trái đất bằng học thuyết tiến hóa của mình, đã từng viết: “Nếu không phải là một người tàn tật, hẳn tôi đã không thể làm được nhiều việc như vậy”. Chính ông đã thừa nhận rằng sự thiệt thòi về thể chất đã giúp mình nhiều đến không ngờ.
Vào đúng ngày Darwin ra đời tại Anh, Abraham Lincoln cũng được sinh ra tại một căn lều gỗ trong khu rừng ở bang Kentucky. Lincoln cũng là người hun đúc lòng quyết tâm từ hoàn cảnh thiếu thốn của mình. Nếu dược nuôi dưỡng trong một gia đình quyền quý, có bằng luật Đại học Harvard và một cuộc hôn nhân hạnh phúc, có lẽ không bao giờ ông có được những lời lẽ bất hủ đầy sức lay động như tại Gettysburg, hay những ngôn từ thiêng liêng ông đã phát biểu trong buổi lễ nhậm chức lần thứ hai của mình – những ngôn từ cao quý và đẹp đẽ nhất được thốt ra từ một người lãnh đạo nước Mỹ ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc nội chiến: “Không xử ác với một ai, nhân ái với mọi người …”.
Trong tác phẩm có tên The Power to See It Throygh (Khả năng nhìn thấu mọi việc), tác giả Harry Emerson Fosdick đã nói: “Tại sao chúng ta cứ nghĩ rằng một cuộc sống an toàn, thoải mái, sung túc sẽ khiến cho con người trở nên tốt đẹp hay hạnh phúc? Thực ra, những người đã hay than thân trách phận thì vẫn sẽ than thân trách phận ngay cả khi được sống trong chăn ấm đệm êm. Từ xưa đến nay, dù ở hoàn cảnh nào, tính cách và hạnh phúc của con người chủ yếu vẫn phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận hoàn cảnh và xác định điều mình phải làm trong hoàn cảnh đó”.
Giả sử chúng ta đang chán nản tới mức cảm thấy không có hy vọng gì trong việc biến quả chanh của mình thành ly nước chanh – thì dẫu sao vẫn có hai lý do khiến chúng ta nên cố gắng:
Lý do thứ nhất: Chúng ta có thể thành công.
Lý do thứ hai: Ngay cả khi không thành công thì những cố gắng để biến quả chanh thành ly nước chanh cũng giúp chúng ta hướng về phía trước thay vì nhìn lại đằng sau; nó sẽ thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng những ý nghĩ tích cực; nó sẽ giúp giải phóng năng lượng và khiến chúng ta bận rộn đến mức không còn thời gian hay tâm trí để than vãn về quá khứ đã vĩnh viễn qua đi.
Có lần, trong lúc Ole Bull, nghệ sĩ violon nổi tiếng thế giới đang biểu diễn tại một buổi hòa nhạc ở Paris thì dây A trên chiếc đàn của anh bỗng dưng bị đứt. Nhưng Ole Bull vẫn điềm nhiên chơi tiếp với ba dây còn lại. Nói như Harry Emerson Fosdick: “Cuộc sống là thế, khi bị đứt dây A thì hãy hoàn thành bản nhạc với ba dây còn lại”.
Đó không chỉ là cuộc sống. Nó còn hơn cả cuộc sống. Đó là sự chiến thắng số phận!
Nhằm xây dựng một thái độ tinh thần có thể đem đến sự thanh thản và hạnh phúc, chúng ta hãy làm theo Nguyên tắc 6:
NẾU SỐ PHẬN CHỈ CHO TA MỘT QUẢ CHANH,
HÃY CỐ GẮNG PHA THÀNH LY NƯỚC CHANH.