Bây giờ ta bước sang địa hạt khác: Khi một công dân thường, không do thủ đoạn hiểm ác hay bạo động ghê tởm mà tự nhiên lòng tin yêu của đồng bào đưa lên địa vị chúa tể trong nước, nắm giữ quyền cai trị. Chế độ đó người ta gọi là chế độ dân quyền. Lên được địa vị này không phải vì có ferocita hay vì gặp may mắn, mà chỉ là nhờ tài khôn khéo thi thố đúng thời. Tôi nói như trên rằng một người có thể bước lên ngôi Chúa như vậy hoặc là nhờ ở lòng tin yêu của lớp bình dân hoặc do lòng tin của giai cấp trưởng giả. Bởi vì xã hội nào cũng có hai giai cấp có những tâm trạng khác nhau. Từ đó phát sinh ra tình trạng là giới bình dân thì không chịu để cho bọn trưởng giả cầm đầu, hà hiếp mình, còn bọn trưởng giả thì luôn luôn thèm muốn lãnh đạo và đè nén toàn thể nhân dân. Từ hai tham vọng mâu thuẫn đó xuất phát ra một trong ba hậu quả sau đây, hoặc là chế độ Vương quốc hoặc chế độ Tự do, hoặc tình trạng hỗn độn.
Một Vương quốc có thể xây dựng nên tùy theo thời cơ hoặc do dân chúng hoặc do bọn trưởng giả. Bọn trưởng giả một khi tự biết sức lực mình không chống lại với sức mạnh của toàn khối nhân dân, họ lên địa vị chúa tể, để về sau nấp dưới bóng kẻ này mong thỏa mãn lòng tham. Về phía bình dân cũng vậy, một khi họ biết không có diệu kế nào hơn để đương đầu với bọn trưởng giả, tự tìm chọn và đề cao một nhân vật trong bọn họ rồi bầu lên ngôi chúa tể để bảo vệ che chở cho họ.
Kẻ nào được bọn trưởng giả đưa lên ngôi chúa tể sẽ gặp nhiều khó khăn để giữ vững địa vị hơn kẻ do khối bình dân bầu lên, bởi vì xung quanh mình, toàn là bạn cũ đồng liêu ngang hàng với mình nên chỉ huy không nổi và cũng không thể bắt họ vào khuôn phép được. Trái lại, kẻ nào được dân chúng bầu lên, độc tôn ngồi trên ngai trị vì, ở dưới mình toàn thể nhân dân ai ai cũng phải tuân theo mệnh lệnh răm rắp. Vả chăng, một vị Chúa không thể cứ lương thiện mà làm thỏa mãn lòng tham của bọn trưởng giả được. Và muốn làm vừa lòng họ, tất phải làm thiệt hại đến kẻ khác, kẻ ấy chắc chắn là thằng dân. Nguyện vọng của dân chúng bao giờ cũng lương thiện hợp lý hơn là của trưởng giả, nên bọn này luôn luôn tìm kế giày xéo hà hiếp bọn dân hèn. Nhưng dân hèn lại chẳng bao giờ chịu để người ta hà hiếp.
Thêm nữa, ở trong nước, Chúa chỉ có một, nhân dân thì đông. Nếu toàn thể nhân dân thù nghịch thì địa vị Chúa vững sao được? Đám người trưởng giả không đáng sợ vì chúng ít người còn có thể mua chuộc được. Nếu Chúa ở ngôi trị vì trên một khối nhân dân thù nghịch lúc nào Chúa cũng có thể chờ đón một hiểm họa tối nguy là toàn dân bỏ rơi Chúa. Nhưng đến khi bọn cận thần làm phản thì lại nguy hiểm cho Chúa hơn nhiều. Không những họ bỏ rơi Chúa, vì họ là bọn láu cá trông xa hơn dân đen, nên họ vội kiếm ngay nơi chắc chắn để ẩn mình và bợ đỡ nịnh hót ngay kẻ nào xem ra mạnh hơn, có thể thắng Chúa.
Một điều nữa là Chúa lúc nào cũng phải sống cùng với khối nhân dân bất di bất dịch. Còn đối với bọn quyền thần thuộc hạ, Chúa trong lúc trị vì dân cần phải giữ mãi một bọn. Hàng ngày Ngài có thể thay đổi họ, truất quyền kẻ này, ban quyền cho kẻ kia theo ý muốn.
Sau cùng, nếu ta muốn hiểu rõ điểm này, tôi xin nói rằng bọn triều thần thuộc hạ có thể xếp đại cương làm hai loại chính:
Một loại thì từ cách thi hành công vụ đến toàn thể các hành vi thường nhật họ tận tâm trung thành gắn mình liền với vận mệnh của Chúa, và phục vụ nghiêm chỉnh không tham nhũng bóc lột nhân dân.
Một loại thì chỉ biết phục vụ một cách thờ ơ, lững lờ.
Đối với loại trên Chúa phải ưu ái họ và ban cho họ nhiều danh, nhiều lợi. Còn đối với loại thứ hai Chúa phải suy xét kỹ rồi đối xử với họ theo cách sau đây:
- Hoặc họ là bọn bầy tôi không có tâm hồn, với bản tính ươn hèn thì Chúa vẫn có thể dùng họ được, nhất là kẻ nào có chút tài năng khả dụng. Bởi vì lúc thịnh họ cũng là đoàn người góp công xây dựng uy danh cho Chúa, nhỡ gặp lúc suy họ cũng là người vô hại.
- Hoặc họ là bọn có thái độ không quyết tâm liên kết do óc tính toán và lòng dục vọng, tức là bọn ích kỷ, nghĩ tới mình hơn là nghĩ tới Chúa. Đối với bọn này, Chúa phải phải đề phòng cẩn thận và nên e dè, coi chúng như là những kẻ thù đã ra mặt. Bởi vì lúc vận suy chính họ sẽ là những người hãm hại Chúa.
Thế cho nên kẻ nào nhờ nhân dân mà lên được địa vị Chúa, thì phải luôn luôn giữ tình ưu ái với dân. Việc đó thật dễ thi hành, bởi vì dân không đòi hỏi gì hơn là đừng có áp chế họ? Trái lại, kẻ nào dựa vào lực lượng của bọn quyền thần chống lại nhân dân để lên ngôi Chúa, thì sau này bắt buộc trong hành động nào cũng phải tranh thủ nhân tâm để dân về phía mình. Điều này cũng dễ thành công, chỉ cần lúc nào Chúa cũng có ý muốn bảo vệ, che chở cho nhân dân. Bản tính con người là khi thụ hưởng được ân huệ ban bố do những kẻ mình cứ yên trí chỉ sẵn sàng xử ác với mình, thì sự cảm kích và ghi ơn lại sâu xa hơn nhiều. Vị Chúa nào biết xử trí như vậy sẽ được nhân dân yêu quý thêm, nhất là nếu vị Chúa đó không phải do dân bầu lên. Chúa có thể tranh thủ lòng dân bằng nhiều cách, uyển chuyển tùy theo sự việc lần lượt xảy ra, nên ta không thể đặt trước được một quy luật nhất định. Vậy Chúa phải tùy cơ ứng biến. Tôi chỉ xin kết luận một câu là Chúa phải biết xử sự để lấy lòng ưu ái của dân, nếu không khi có sự bất trắc xảy ra vô phương cứu chữa. Một tỉ dụ lịch sử: Vua Nabis xứ Sparte phải chống cự cuộc tấn công của cả nước Hy Lạp và một đạo quân La Mã rất kiêu căng sau nhiều chiến thắng. Thế mà mình Ngài đủ sức bảo vệ được cả chính Quốc lẫn các thuộc Quốc. Để chống lại nguy cơ ấy Ngài chỉ cần nắm vững trong tay một số thần dân, binh sĩ ít ỏi. Với số này sẽ không sao đủ lực được, nếu bình nhật Ngài bị dân ghét. Muốn chỉ trích ý kiến này của tôi, xin đừng vội nhắc tới câu tục ngữ này: “Người đặt lòng tin nơi nhân dân cũng như người xây nhà lên đất bùn”. Bởi vì câu này có phần nào đúng với trường hợp một người thường dân đặt lòng tin lên nền tảng ấy để tưởng mong rằng nhân dân quanh mình sẽ cứu vớt mình khi bị kẻ thù hay giới công quyền ức hiếp. Tưởng như vậy thường sẽ bị thất vọng. Đó là trường hợp đã xảy ra cho gia đình Gracques ở La Mã và cho Messire Geoges Scali ở Florence. Nếu một Chúa công trị vì biết theo phương pháp dựa vào thế nhân dân, tức là một vị Chúa có tài chỉ huy, có tâm hồn cao cả, không run sợ trước những biến cố nguy nan bất trắc, biết lo xa, chuẩn bị, ban bố hiệu lệnh nghiêm khắc, tỏ trí quả cảm để làm gương cho kẻ quanh mình vững dạ can trường thì Chúa sẽ thấy toàn thể thần dân luôn sát cánh bên mình. Như thế nền tảng uy quyền của Chúa đã được xây đắp vững bền.
Những Quốc gia dân chính này sẽ bị xáo trộn ngay khi mà chính thể đương ở chế độ dân quyền chuyển sang một chế độ độc tài. Bởi vì Chúa hoặc trực tiếp trị dân hoặc tự tách cao lên để giao phó quyền hành cho bọn cận thần. Với chế độ thứ hai này, địa vị của Chúa sẽ yếu đi và bấp bênh, nguy hiểm, vì bắt đầu từ lúc đó Chúa phải hoàn toàn trông cậy vào ý chí của bọn cận thần đã được ngồi vào vị trí quyền uy vững vàng. Bọn này có thể hại Chúa dễ dàng nhất là khi họ bị thất vọng hay bất mãn điều gì, với kế hoạch là liên kết nhau để chống đối lại Chúa. Khi cơn nguy biến đã đến, không phải lúc để Chúa nghĩ tới việc lấy lại quyền hành được nữa. Bởi vì từ nhân dân cho đến kẻ thừa hành đã làm quen thói thần phục trực tiếp vào bọn quyền thần cao sang. Khi gặp khó khăn, họ không còn tâm trí nghĩ ngợi đến bổn phận tuân theo mệnh lệnh trực tiếp của Chúa nữa. Hơn nữa, khi gặp thời thế bấp bênh, Chúa sẽ không thấy quanh mình còn ai là người để tin cậy được nữa.
Như vậy là vì Chúa chỉ biết đặt lòng tin vào những kẻ hiện ra trước mắt trong thời thanh bình, giữa lúc mà thần dân ai cũng đều cần nương tựa vào uy quyền Quốc gia, cũng xum xoe chạy quanh gần Chúa khi họ thấy tử thần còn ở xa lắc xa lơ. Nhưng đến khi thời thế đổi thay, chính quyền nhà Chúa cần tới thần dân giúp đỡ thì than ôi, họ lẩn đâu mất cả. Sự việc kể trên quả là một kinh nghiệm vô cùng nguy hiểm, chỉ một lần xảy ra là tiêu ma sự nghiệp nhà Chúa.
Thế cho nên vị Chúa nào có đủ tài sức, lại phải thi hành phương sách nắm giữ thần dân luôn luôn ở mức họ phải cần tới Chúa và uy quyền của Ngài phải được duy trì trong lúc thịnh cũng như lúc suy. Được như thế, nhân dân mới mãi mãi bền bỉ trung thành với Chúa.