Nhiều người đã tin và luôn luôn tin, trăm sự đều do Thượng đế và số mệnh chi phối định đoạt; con người khôn ngoan đến đâu cũng không uốn nắn sửa chữa được việc đời. Nhiều người cho rằng có đổ mồ hôi khó nhọc cũng không sao chủ động các sự việc được nên đành nhắm mắt để bàn tay số mệnh dìu dắt. Ngày nay thuyết số mệnh đã trở lại ngự trị đầu óc con người, vì trong thời đại này biết bao cuộc thay đổi lớn lao đã xảy ra hằng ngày, ngoài sức ước đoán của ta. Chính tôi đôi khi cũng phải tin vào thuyết đó. Nhưng ta cần phải giữ trí xét đoán khách quan khỏi bị tắt lịm. Tôi thiết nghĩ chỉ nên tin số mệnh định đoạt một phần những công nghiệp của ta và phải dành quyền chủ động phần còn lại. Tôi ví số mệnh như những con sông, gặp mùa mưa nguồn nước chảy cuồn cuộn tràn ngập đồng ruộng, phá hủy nhà cửa cây cối, làm lở sập bờ này mang đất phù sa bồi đắp bờ bên kia. Trước dòng nước chảy ầm ầm, người người bỏ chạy, còn ai nghĩ đến việc đắp đê ngăn cản. Nước lũ có mùa, khi nước cạn dòng sông yên lặng người ta không thong dong nghĩ tới việc xây đê, đắp đập; đến khi nước dâng cao, lòng sông tràn ngập, ta sẽ bớt hãi hùng lo ngại, và tai nạn gây nên sẽ đỡ phần nào thiệt hại. Số mệnh cũng như vậy. Nơi nào không có gì cản trở chống cự được, nó sẽ ra oai dùng sức mạnh tấn công như nước lũ không đập, không đê dựng lên để ngăn cản. Nếu xét kỹ nước Ý, nơi phát khởi bao nhiêu cuộc biến đổi, ta thấy y hệt như một cánh đồng không đê, không đập. Nếu được che chở bằng một chế độ nghiêm khắc như ở các nước Đức, Pháp, Y Pha Nho, trận nước lũ đã không mang lại biết bao biến cố, biết bao sự xáo trộn rối ren cho nước Ý. Tôi chỉ cần nói thế cũng đủ cho ai muốn tìm hiểu phương cách để đương đầu với số mệnh.
Bây giờ xin vào đề tài; ta thấy có vị Vương hầu nay sướng mai khổ mà không hiểu tự nhiên như thế hay vì một duyên cớ nào. Theo ý tôi, như trên kia đã giảng giải, vị Vương hầu ấy chỉ nhắm mắt theo số mệnh, nên khi số mệnh thay chiều, vị ấy ngã theo ngay.
Tôi nghĩ rằng vị nào biết xử sự hợp thời thế sẽ được hưởng sung sướng. Còn vị nào không tiên liệu theo thời tất nhiên sẽ khổ sở. Loài người hoạt động nhằm đạt tới mục đích tối hậu là danh và lợi và đều áp dụng nhiều phương pháp khác biệt: người thận trọng, kẻ hung hăng, người này dùng bạo lực, người kia theo kỹ thuật; có kẻ thật kiên nhẫn, lại có kẻ thật nóng nảy. Bằng cách nào người ta cũng đạt tới mục đích được. Thế nhưng ta thấy hai vị Vương hầu cai trị cùng đường lối thận trọng một vị thành công, một vị lại thất bại. Có khi một vị thận trọng, một vị hung hăng, đường lối làm việc khác hẳn nhau, thế mà cả hai đều thành công. Kết quả như thế cũng bởi những việc làm có hợp hay không hợp thời cơ. Như trên tôi đã nói, có khi hai người làm việc theo phương cách khác biệt có thể cùng tới kết quả, cũng có khi hai người theo cùng một cách làm việc, nhưng một người đạt được tới mức, một người lại thất bại. Thật là cùng một “nhân” mà “quả” lại khác nhau. Nếu một Vương hầu cai trị với trí óc thận trọng kiên nhẫn mà lại gặp thời cơ, sự việc biến chuyển nhịp nhàng, tất nhiên sẽ thành công oanh liệt. Nhưng đến khi thời thế biến đổi, Ngài không biết cách thay đổi cách thức làm việc, thế nào cũng bị hủy diệt. Có những vị Vương hầu thật khôn ngoan, nhưng cố chấp, không chịu mềm dẻo uốn mình theo thời thế, hoặc nghĩ con đường đang theo đã đưa mình đến thịnh đạt, cần gì đổi sang con đường khác. Vậy người có tính quá thận trọng, đến khi cần phải táo bạo không dám làm, tất nhiên sẽ bị bại vong; nếu biết thay tính khí để gió chiều nào che chiều ấy, số mệnh cũng uốn theo mình.
Trong công cuộc điều khiển việc nước, Đức Giáo hoàng Jules II lúc nào cũng dùng chính sách mạnh mẽ, hùng hồn, rất phù hợp với thời thế, nên luôn luôn hoàn tất được công nghiệp. Tỉ dụ như cuộc chiến thắng đầu tiên chống lại xứ Boogle. Lúc sinh thời Vương tước Giovanni Bentivoglni thấy dân Vénitiens và Vua Y Pha Nho bất mãn, Ngài liền kết thân với nước Pháp, rồi tự mình mạnh dạn xuất quân mở cuộc tấn công. Thế là dân Vénitiens và dân Y Pha Nho thối lui, một đằng thì vì quá kinh sợ, một đằng thì muốn bảo tồn lãnh thổ xứ Naples. Thêm nữa, trong các hành vi bạo động, lúc nào Ngài cũng lôi kéo Pháp vương cùng làm. Vua Pháp thấy Giáo hoàng chuyển binh cũng muốn lợi dụng tình liên kết để hạ uy thế dân Vénitiens, nên không từ chối việc mang quân của mình hỗ trợ Ngài, lại sợ Ngài giận. Vì vậy Giáo hoàng Jules đã dám tiến binh như vũ bão, một việc mà chắc không vị Giáo hoàng nào dám làm trong lúc đó. Nếu chờ đến lúc các Quốc gia vững mạnh, mọi việc đều ổn định, mới dám xuất quân tiến đánh, chắc chẳng bao giờ thành công được. Khi đó, Vua Pháp đã tìm ra hàng vạn duyên cớ để từ chối sự hỗ trợ; còn về phía địch, chắc họ cũng sẽ có hàng vạn kế để thi hành khiến Ngài phải e sợ.
Tôi không kể hết các công nghiệp mà Ngài đã đạt thành công mỹ mãn, không ai có cách chứng minh ngược lại được bởi Ngài đã sớm qua đời.
Giá lúc còn sống, bỗng nhiên thời thế thay đổi đòi hỏi một sự cai trị thận trọng và mền mỏng chắc chắn sự nghiệp của Ngài sẽ suy sụp vì bản tính Ngài luôn luôn hùng hổ, không thể khác được.
Kết luận: số mệnh thay đổi, con người thì hành động cố chấp, gặp lúc hai yếu tố tương đồng hòa hợp, con người sẽ thành công mỹ mãn, gặp lúc trái ngược, con người sẽ thất bại khốn đốn. Thêm nữa, tôi còn tin rằng mạnh dạn tốt hơn thận trọng rụt rè. Số mệnh giống như người thiếu phụ; nếu muốn bắt họ phục tòng, ta phải thường cương quyết chống chọi với họ. Ta thường thấy họ dễ bị chinh phục bởi những người cư xử lạnh lùng với họ. Ta thấy số mệnh cũng như các thiếu phụ, thường quấn quít luyến ái với bọn tráng niên, vì bọn này bao giờ cũng dám mạnh dạn chỉ huy một cách hiên ngang và tàn ác.