Một việc tối quan trọng của Chúa là biết tìm chọn những Tổng bộ trưởng. Bọn này xấu hay tốt tùy thuộc trí óc khôn ngoan của Chúa. Sự xét đoán đầu tiên của nhân dân đối với phẩm cách và trí óc của một vị Vương hầu do lúc trông thấy rõ những nhân vật mà Ngài quy tụ quanh mình. Khi bọn này là những người đầy đủ tài năng và lòng trung thành, người ta sẽ khen Chúa khôn ngoan, đức độ, vì người ta tin Chúa đã hiểu biết được kẻ nào đủ tài năng, kẻ nào giàu lòng trung thực. Trong trường hợp ngược lại, người ta sẽ phê bình rất gắt gao. Bất cứ hành động lầm lỗi đầu tiên nào của chính quyền người ta đều cho là do sự lựa chọn những cộng tác viên của Chúa.
Xin nêu việc sau đây. Không một ai đã biết giá trị của Antoine de Vénafre, một Bộ trưởng của Lãnh chúa Pandolphe Pétrucci xứ Sienne. Không tán tụng vị Lãnh chúa đã tìm mời được nhân vật này ra công tác. Trí óc con người có ba loại: Loại thứ nhất của người tự hiểu các sự việc xảy ra; loại thứ hai của người phải nghe giải thích mới hiểu; loại thứ ba của người không muốn hiểu gì hết. Loại thứ nhất là loại tuyệt hảo hạng, loại thứ hai là hảo hạng, loại thứ ba là loại vô ích. Vương tước Pandolphe nếu không hẳn là loại thứ nhất thì ít ra cũng là loại thứ hai. Nhiều phen người ta thấy Vương tước có đủ trí xét đoán, biết điều hay điều dở do kẻ khác làm hoặc nói ra. Thêm nữa Ngài không tự phát huy được điều gì, nhưnq Ngài biết được cái hay, cái dở của Bộ trưởng cộng tác. Ngài biết tán thưởng cái này, chê trách cái kia. Như vậy, viên Bộ trưởng không hy vọng lạm quyền, mà phải đi theo đường chánh đạo.
Nhưng bằng cách nào Chúa có thể hiểu thấu được tư cách của một vị Bộ trưởng? Sau đây là một phương pháp chính xác nhất: Khi Chúa thấy một Bộ trưởng chỉ nghĩ tới bản thân hơn tới Chúa và thấy trong các hành vi riêng tư cũng như lúc thi hành công vụ, ông ta chỉ nghĩ tới tư lợi, Bộ trưởng ấy chẳng bao giờ đáng giá và Chúa cũng không bao giờ nên tin cẩn ông ta. Đáng lý người nào đã được Chúa ủy quyền cho giữ trọng trách điều khiển một ngành chính quyền, phải quên không bao giờ nghĩ tới mình để luôn luôn nghĩ tới Chúa. Người ấy cũng không bao giờ nên làm bận óc Chúa với những việc lăng nhăng không liên hệ đến trọng trách của Chúa. Mặt khác, nếu muốn dìu dắt Bộ trưởng của mình luôn theo đường chánh đạo, Chúa cũng phải nghĩ tới họ, ban danh vọng tiền bạc, để họ trở nên người thụ ân của Chúa, ở mức họ cảm thấy không thể sống xa Chúa được, vừa đủ thỏa mãn ước vọng, để họ khỏi mong muốn cao sang hơn nữa luôn luôn lo sợ những thay đổi có thể mang bất lợi cho họ. Một khi mối tương quan giữa Chúa và các đại thần được giữ đúng tầm mức ấy, hai bên có thể tin lẫn nhau. Trái lại nếu không được như vậy, về sau thế nào cũng có sự bất lợi cho đàng này hay phía kia.