Nhiều Vương hầu muốn nắm vững uy quyền Quốc gia bèn tước hết khí giới của thần dân, cũng có vị giữ lại từng phe từng nhóm ở các Đô thị. Một số Vương hầu lại tự gây những mối ác cảm trong dân chúng. Số khác có lấy lòng những phần tử có thái độ lừng khừng khi mới lên ngôi. Vương hầu này thích xây thành đắp lũy, Vương hầu khác thích san bình địa các thành lũy cũ. Đối với những sự việc kể trên, dù chỉ có thể nhận định riêng theo tính chất của từng Quốc gia, tôi cũng xin phê bình một cách tổng quát theo tính cách tương đồng của đề tài.
Vậy tôi thiết nghĩ, một tân Chúa không bao giờ nên tước khí giới của thần dân. Trái lại, khi thấy họ không có đủ còn phải cung cấp thêm nữa. Chúa có thể tin chắc những dân mới được mang khí giới là lính của mình. Cũng nhờ thế bọn binh sĩ cũ lừng khừng sẽ trở nên trung thành, cho đến bọn khả nghi cũng vậy. Sau cùng tất cả thần dân sẽ trở thành lính của Chúa hết.
Trên thực tế, Chúa không thể nào cấp khí giới cho tất cả thần dân được, nhưng sự khoái trá của thiểu số được cấp phát khí giới sẽ giúp Chúa cai trị số dân còn lại một cách vô cùng vững vàng. Cách đối xử tuy có khác biệt, nhưng toàn thể nhân dân sẽ thông cảm và trở nên một đoàn người mang ơn Chúa. Họ không giận hờn vì họ sẽ xét biết ai được Chúa thi ân cho cầm súng là người có giá trị và phải gánh nhiều trách vụ, nhiều nguy hiểm hơn. Vì vậy nếu Chúa tước hết khí giới, họ sẽ coi như Chúa làm nhục họ. Họ sẽ nghĩ Chúa nghi lòng trung thành của họ, hoặc cho họ là bọn hèn nhát, hay phản loạn. Hai ý nghĩ ấy sẽ gây nên sự oán ghét Chúa. Sự thực Chúa bao giờ cũng phải có lính, nếu không tin dùng dân, Chúa sẽ phải tuyển mộ bọn lính đánh mướn. Giá trị bọn này thế nào, tôi đã trình bày ở một chương trên. Nếu bọn này quả giỏi thật, Chúa liệu có đủ quân số để chống những kẻ thù hùng mạnh và thanh lọc những phần tử khả nghi trong hàng ngũ thần dân không?
Vậy, tân Chúa trị vì một tân Quốc phải luyện nhân dân thành binh sĩ. Lịch sử đã có biết bao thí dụ chứng minh những sự việc trên đây. Nhưng khi Chúa vừa sáp nhập thêm Tỉnh mới vào Chính quốc, thì cần phải tước khí giới bọn quân nhân ở Tỉnh này, trừ những phần tử từ đầu đã tỏ ra trung thành với Chúa. Một thời gian sau, có dịp biến họ thành ươn hàn, yếu đuối dần đi. Để cai trị toàn lãnh thổ, Chúa chỉ cần tới lực lượng quân chính quy được dung dưỡng gần mình tại Chính quốc.
Các bậc tiền nhân mà chúng ta nên tôn sùng như hiền triết đã dạy: Nếu muốn giữ xứ Pistoie là phải gây nên trong nội bộ những cuộc tranh chấp giữa các phe nhóm và nếu muốn giữ xứ Pise, phải xây thành đắp lũy. Cho nên khi muốn đô hộ, chiếm cứ dễ dàng một xứ, tỉnh nào tiền nhân là đều lập mưu gây mối bất hòa trong nội bộ nơi đó. Kế hoạch này có lẽ đã hiệu nghiệm trong thời gian nước Ý đang ở tình trạng nghiêng ngả. Ngày nay, tôi tưởng thủ đoạn chia rẽ để dễ cai trị không có ích lợi gì nữa. Ví dụ địch quân định xâm chiếm một lãnh thổ nào khi mới tiến đến biên thùy đã thấy cảnh nổi loạn rối ren ở trong, chắc chắn xứ này sẽ thất thủ ngay, vì lúc đó phe yếu thế sẵn sàng bắt liên lạc với quân địch. Còn lại phe kia dù có mạnh mấy cũng không thể một mình đương đầu nổi.
Dân tộc Vénitiens từng hiểu những nguyên lý trên đây trong thời gian nắm quyền thống trị nhiều đô thị, đã rắp tâm dung dưỡng hai phe, phe Guelfes và phe Gibelins. Tuy không bao giờ thúc đẩy hai phe chống đối nhau đến đổ máu, nhưng thường xuyên gây mối bất hòa giữa hai phe, với mục đích phá vỡ sự đoàn kết của họ để họ không đủ sức mạnh chống lại mình. Nhưng rốt cuộc kinh nghiệm cho ta thấy thủ đoạn ấy không mang lại kết quả tốt đẹp. Bởi vì, sau khi người Vénitiens bị một phen bại trận trước thành Vaila, một vài xứ dưới quyền đô hộ của họ đã phấn khởi, mạnh bạo nổi dậy tranh thủ lại nền độc lập. Những phương cách đó tố cáo sự yếu kém của một Quốc gia. Một Vương quốc lớn mạnh không bao giờ nên tạo ra những cuộc tranh chấp, rối ren chia rẽ giữa các bè phái. Những thủ đoạn này chỉ dùng được trong thời bình để dễ cầm đầu, sai khiến nhân dân. Đến khi chiến tranh bùng nổ, thủ đoạn này không phải là một kế hoạch bảo đảm thành công.
Điều chắc chắn là Vương hầu, sau khi hoàn tất được nhiều công nghiệp, và diệt trừ được hết những mũi dùi hướng về mình, đương nhiên có uy danh lừng lẫy. Do đó nếu thần số mệnh muốn giúp cho một tân Chúa mau trở thành vĩ nhân, thì xui khiến trong xứ hiện lần những kẻ địch lặt vặt, những âm mưu chống đối, để Chúa có dịp ra tay tiêu diệt, xem như những nấc thang cho Chúa leo dần lên danh vọng tối cao. Nhiều người vẫn còn nghĩ rằng vị Chúa nào khôn ngoan phải tự tạo ra những vụ chống đối để có dịp thẳng tay diệt trừ, ngõ hầu được tiếng tăm và tán thưởng của mọi người.
Các Vương hầu, nhất là các vị tân Vương, lúc vừa nắm quyền thường nghi kỵ một số quần thần mới. Về sau lại thấy bọn này trung kiên hơn bọn cũ đã được tin tưởng lúc đầu. Thí dụ Pandolphe Petrucci, Vương hầu xứ Sienne, cai trị hoàn toàn dựa vào bọn quần thần mà lúc đầu ông nghi ngờ hơn người khác. Nhưng điểm này không thể bất di bất dịch, có thể thay đổi tùy từng trường hợp. Tôi chỉ xin kể việc sau nay: lúc đầu tân Chúa mới lên ngôi, có những kẻ đứng ngay về phe đối lập. Nhưng rồi họ lâm vào thế yếu dần. Khi ấy tất nhiên họ cần phải có kẻ nâng đỡ thì mới sống yên được. Lúc này tân Chúa thu dụng được họ rất dễ dàng, và họ sẽ phải phục vụ với tất cả lòng trung thành. Họ tự xét phải ra sức đoái công chuộc tội để xóa bỏ những thành kiến xấu của mọi người đối với họ. Thu dụng những hạng người này, tân Chúa sẽ có lợi hơn bọn cận thần cũ, là những kẻ nhờ bám vào những địa vị vững chắc rồi, nên phục vụ với tinh thần uể oải tắc trách.
Nhân đây, tôi muốn nhắc Chúa nhớ, khi dân trong một xứ đã khẩn nài và giúp đỡ để Ngài chiếm cứ xứ họ, phải xét xem họ hành động như vậy vì nguyên do nào. Nếu không phải do tình cảm kính mến tự nhiên của họ đối với Ngài, mà chỉ vì họ bất mãn với chính quyền cũ, thì Ngài rất khó gây tình thân thiện được với họ. Ngài sẽ không làm sao có thể thỏa mãn dục vọng của bọn họ được. Xét kỹ gương lịch sử cổ kim, ta sẽ thấy lý do của những sự kiện này như sau đây: tân Chúa rất dễ gây tình thân hữu với những kẻ đã được chế độ cũ ưu đãi hơn là hạng người bất mãn chế độ cũ đã liên kết giúp Ngài chiếm xứ sở họ.
Thường lệ các Vương hầu muốn giữ vững uy quyền đều xây thành đắp lũy. Trước là trưng dây cương, móc sắt ra trước mặt những kẻ âm mưu chống đối, sau nữa dùng làm nơi trú ẩn khi có cuộc nổi loạn bất thình lình. Thời xưa, kế hoạch này còn có giá trị phần nào. Ngày nay ta lại thấy Vương tước Nicolas Vitelli, cho phá hủy hai thành trì ở tỉnh Castello. Công tước Ubaldo xứ Urbin, sau một thời gian bị César Borgia đánh bật ra khỏi xứ, khi trở lại nắm chính quyền liền ra lệnh san thành bình địa tất cả thành trì trong nước. Ngài xét thấy nếu không có một thành trì, đồn ải nào sẽ không còn sợ bị địch tấn công chiếm cứ gì cả. Họ Bentivogli khi trở lại xứ Bologne cũng hành động như thế. Vậy những đồn ải có lợi hay có hại tùy từng lúc. Nếu nó có lợi cho việc này thì lại hại cho việc khác. Về vấn đề này, ta có thể kết luận như sau: Vị Chúa nào sợ dân hơn quân ngoại xâm, thì phải xây nhiều đồn ải. Trái lại, vị nào sợ quân ngoại xâm hơn dân trong nước thì khỏi phải lo tới vấn đề ấy. Thành Milan mà Công tước Francois Sforza xây cất đã làm hại cho ông và cho cả gia tộc ông hơn bất cứ một cuộc rối loạn nào xảy ra trong xứ. Nói cho cùng, không có thành trì nào vững chắc hơn cách cư xử để nhân dân không oán ghét. Dù Chúa có đóng giữ được đồn ải, nhưng toàn dân vẫn mang lòng oán hờn, họ sẽ không cứu Chúa một khi bọn cận thần quay súng phản loạn. Bọn này lại thường đưa ngoại nhân tới hỗ trợ. Ở thời đại này ta chưa thấy thành quách đã mang lợi ích lớn lao cho Chúa nào, trừ trường hợp nữ Bá tước Forli. Sau ngày Bá tước phu quân (Jérôme) chết, Bà đã ẩn nấu vào một thành trì kiên cố để tránh cơn phẫn nộ của dân chúng; trong khi chờ quân xứ Milan đến cứu mạng và giúp cho Bà lấy lại được quyền chánh. Sự việc đã xảy ra ăn khớp như thế vì không có ngoại nhân tới hỗ trợ phe dân chúng khởi loạn. Sau này, khi quân của César Borgia tấn công thì các thành lũy lại chẳng giúp ích được gì cho Bà, vì địch quân đã âm mưu liên kết với nhân dân, lúc này oán ghét Bà rồi. Ta thấy trong biến cố trên, nếu muốn củng cố địa vị, Bà nên nuôi dưỡng cảm tình, lòng quý mến của nhân dân hơn là xây thành đắp lũy trên toàn xứ.
Vậy sau khi xét kỹ các sự việc trình bày trên, tôi kết luận: Có xây thành đắp lũy hay không, không quan trọng lắm. Nhưng kẻ nào chỉ ỷ lại vào thành lũy không để ý đến sự oán hận của nhân dân thì thật đáng trách.