Trong giai đoạn lịch sử hiện đại, ta chỉ còn cần đề cập đến các lãnh thổ trực thuộc Giáo hội. Đối với các lãnh thổ này những sự khó khăn đều ở thời kỳ trước khi nắm quyền cai trị. Công việc chinh phục những lãnh thổ này cũng phải nhờ, hoặc những kế hoạch ác liệt, hoặc do vận may đưa đến. Nhưng khi đã hoàn tất công cuộc chinh phục, nhờ uy tín lớn lao của Tòa Thánh, việc cai trị trở nên bền vững, không cần đến điều nói trên nữa. Uy tín này và những cơ cấu cai trị lâu đời, bền vững, khiến cho các tân Chúa tại vị được lâu năm dù cách xử trí và sinh hoạt của các Chúa thế nào đi nữa. Có đất đai lệ thuộc mà không phải bảo vệ, có lũ quyền thần dưới trướng mà không cần chỉ huy lãnh đạo: thế mà nước vẫn không mất, quyền thần thuộc hạ vẫn luôn luôn trung thành, không khi nào dám nghĩ chuyện phản loạn, trong hoàn vũ, chỉ những Quốc gia này là được vững bền, sung sướng trong thanh bình. Nhưng đây là những Quốc gia được lãnh đạo do một trí óc cao siêu, thường nhân không thể đạt tới được. Vậy tôi xin miễn bàn. Những Quốc gia đã được Đấng Tối Cao dung dưỡng bảo vệ, mà ta dám bàn tới thì thật táo bạo và kiêu căng quá mức. Nhưng vẫn có người hỏi và bắt tôi giải thích vì sao ảnh hưởng và thế lực đất đai của Giáo hội quá mạnh như vậy? Trước kia, ngay trên đất Ý Đại Lợi, từ những Vua Chúa oai hùng chuyên chế đến một Tiểu vương hay mỗi Hầu tước đều chẳng đếm xỉa gì đến, uy quyền đó của Giáo hội. Thế mà nay một ông Vua nước Pháp phải run sợ trước mặt Giáo hoàng. Đức Giáo hoàng đã có thể trục xuất Vua Pháp ra khỏi đất Ý, làm suy nhược dân tộc Vénitiens. Những sự việc đó đã quá rõ rệt, tôi chỉ cần kể lại đôi ba biến cố.
Tỷ dụ: nước Ý trước khi Vua Pháp Charles tới, toàn cõi dưới quyền trị vì của Đức Giáo hoàng, dân Véniliens, Quốc vương xứ Naples, Công tước xứ Milan, và dân Florentinois, các nhà chuyên chế đó đề phòng hai hiểm họa chính:
- Không để một nhóm ngoại nhân nào đột nhập vào hẳn trong nước.
- Chính quyền xứ nào cai trị xứ ấy, không được lấn chiếm sang xứ khác.
Lúc đó thiên hạ chỉ e sợ Đức Giáo hoàng và dân Vénitiens. Để chế ngự dân Vénitiens, tất cả các xứ đồng lòng đoàn kết đối phó. Thí dụ như khi ngăn cản họ chiếm cứ xứ Ferrare. Để phong tỏa uy quyền Đức Giáo hoàng, người ta lợi dụng uy danh của các nhà quyền thần trong kinh thành La Mã. Bọn này có hai nhóm là Orsini với Colonna. Chính hai nhóm này cũng lục đục mâu thuẫn với nhau. Trước mặt Giáo hoàng, hai nhóm này thường biểu dương lực lượng hùng mạnh của họ, vì thế uy tín của Giáo hoàng cũng bị suy giảm nhiều. Cũng có vị Giáo hoàng đặc biệt can trường như Đức Giáo hoàng Sixte chẳng hạn. Nhưng tình trạng vẫn không thay đổi vì trung bình thời gian trị vì của các vi Giáo hoàng đều ngắn ngủi, mỗi vị chỉ sống trên ngôi được độ mười năm. Trong khoảng thời gian ấy, lập tâm làm suy giảm thế lực của một nhóm lộng quyền đã là khó, lại thường xảy ra những chuyện như sau: Một vị Giáo hoàng đã cố tâm làm suy nhược uy thế của bọn Colonna, khi chết đi; vị khác lên kế vị vốn ghét bọn đối lập Orsini, đã hết lòng nâng đỡ bọn Colonna. Thế rồi vị Giáo hoàng nay cũng chẳng sống lâu để tiêu diệt hẳn bọn Orsini. Vì vậy trong giai đoạn lịch sử này uy quyền thế tục của các vị Giáo hoàng không mấy được tôn trọng trên đất Ý. Tình trạng này kéo dài mãi cho đến triều đại Đức Giáo hoàng Alexandre Đệ lục. Ngài là vị Giáo hoàng độc nhất biết xử dụng tiền tài và sức mạnh để gây uy quyền, với sự trợ lực của Công tước Valentinois và cũng nhờ dịp người Pháp xâm nhập vào đất Ý, như tôi đã kể ở chương trên. Thật ra, thâm tâm Ngài không làm để Giáo hội thụ hưởng quyền lợi, mà để cho con Ngài, Công tước César Borgia, được hưởng uy thế. Nhưng kết cuộc, sau khi Ngài băng hà, và Công tước Borgia tận số, Giáo hội trở nên hùng cường nhờ công nghiệp của Ngài để lại. Người kế vị, tức Giáo hoàng Jules II, nghiễm nhiên thấy Giáo hội có uy quyền mãnh liệt với toàn xứ Romagne bị lệ thuộc, các quyền thần suy nhược, các nhóm đảng bị tiêu diệt. Tất cả đều do công của cựu Giáo hoàng Alexandre. Giáo hoàng Jules II thấy trước mặt con đường đã mở rộng thênh thang, tha hồ vơ vét tài sản, tiền bạc (việc này cố Giáo hoàng Alexandre; không bao giờ nghĩ tới). Giáo hoàng Jules II không những tiếp tục gia tăng hoạt động trên con đường ấy, lại còn âm mưu chiếm cứ thêm xứ Bologne, tiêu diệt dân tộc Vénitiens, tống khứ người Pháp ra khỏi đất Ý; những công cuộc ấy đều thành công mỹ mãn, và đáng được tán thưởng là vì tất cả đã làm gia tăng uy thế Giáo hội chứ không vì quyền lợi cá nhân nào. Đối với hai nhóm Orsini và Colonna, Ngài giữ nguyên tình trạng cũ. Nhiều khi họ cũng thường xích mích với nhau, chực rắc rối. Nhưng có hai điểm đáng ngại cầm chân họ: Thứ nhất là uy quyền của Giáo hội quá lớn khiến họ phải kinh sợ. Thứ hai là cả hai nhóm đều không có một vị Hồng Y nào là người của mình. Đó cũng là nguồn gốc của sự lục đục bất hòa thường xuyên giữa hai nhóm. Tình trạng bất ổn sẽ luôn luôn kéo dài, nếu họ có được trong mỗi phe mấy vị Hồng Y giáo chủ. Các vị này, dù ở trong kinh thành La Mã hay ở ngoài, cũng thường dung dưỡng tình trạng phân ly giữa các nhóm đảng, nên các Tiểu vương, Tiểu chúa đều lâm vào cảnh bắt buộc phải tự bảo vệ các vị Hồng Y đó. Cũng do âm mưu tham vọng của các vị Giáo chủ; bọn quyền tước trong triều ngấm ngầm gây rối chống đối lẫn nhau. Đến thời đại đương kim Đức tân Giáo hoàng Leon lên ngôi, Ngài thấy rõ uy quyền của Tòa Thánh thật hùng cường. Nhân dân thì hy vọng nếu trước kia các vị Tiên Hoàng đã dùng võ lực để bành trướng uy thế, từ nay tân Giáo hoàng sẽ thì ban nhiều thêm ân đức để cho uy quyền Ngài lên cao hơn nữa và xứng đáng với lòng tôn kính của thần dân.