Quản Lý Thời Gian

Chương 4: Làm Việc Tốt Hơn

Làm việc hiệu quả không chỉ là vấn đề của việc hiểu bản thân bạn và công việc của bạn hay luôn ngăn nắp, chương này có các bí quyết để đặt ra những chiến lược cụ thể giúp bạn thành công và trở nên nổi bật giữa đám đông. Có được những mục tiêu rõ ràng, suy nghĩ sáng tạo, luôn chủ động và học cách để làm đúng ngay từ đầu… tất cả đều cần thiết để giúp bạn tiết kiệm thời gian và làm việc tốt hơn.

4.1 Làm việc thông minh (SMART)

Đặt ra những mục tiêu mơ hồ và phi thực tế là một việc hoàn toàn vô nghĩa. Điều đó có thể tốt cho việc truyền cảm hứng, nhưng để hoàn thành công việc, bạn cần phải tư duy thực tế và rõ ràng hơn. Hãy xác định những mục tiêu cụ thể để chắc chắn rằng chúng thực tế và có thể đạt được.

Một cách tốt nhất để có thể nhớ được điều này là: Mục tiêu nên thông minh (SMART).

  • S = Specific = cụ thể. Không mơ hồ mà phải rõ ràng và thực tế. Xác định rõ ràng những điều mà bạn muốn đạt được. Tập trung chính xác vào những gì bạn muốn làm.
  • M = Measurable = có thể đánh giá được. Những mục tiêu của bạn nên định lượng được theo một cách nào đó, nhờ vậy bạn có thể đánh giá được mình đang ở đâu. Bạn cũng có thể xây dựng những bước trung gian để hoàn thành mục tiêu tổng thể của mình dưới dạng những cột mốc.
  • A = Achivable = có thể đạt được. Bạn cần phải tập trung vào những mục tiêu thực tế và có thể đạt được; chúng nên đòi hỏi nhiều ở bạn, nhưng không nên vượt quá khả năng của bạn đến mức phi thực tế.
  • R = Relevant = phù hợp. Hãy nhìn vào mục tiêu trong bối cảnh kế hoạch lớn hơn của bạn. Mục tiêu đó có góp phần hữu dụng vào viễn cảnh lớn hơn cho những điều bạn muốn đạt được hay không? Bạn có khả năng huy động đủ nguồn lực cho nó hay không?
  • T = Timed = thời gian. Với một khoảng thời gian xác định cho việc hoàn thiện, bạn có thể lập kế hoạch cho những giai đoạn chuyển tiếp mà bạn cần phải đạt được. Điều này sẽ giúp bạn hoàn thành cam kết của mình bằng việc bắt đầu hành động ngay từ bây giờ. Một số chuyên gia còn thêm “ER” để biến nó thành SMARTER (thông minh hơn).
  • E = Evaluated = đánh giá. Việc có đủ khả năng kiểm tra sự tiến triển trong quá trình thực hiện để chắc chắn rằng bạn hoàn thành những mục tiêu của mình là vô cùng quan trọng.
  • R = Reported = báo cáo. Sẽ rất hữu ích nếu các mục tiêu được ghi lại dưới dạng một báo cáo.

“Thế giới tạo ra con đường cho người biết mình đang đi đâu.”

Ralph Waldo Emerson, triết gia Mỹ


Các mục tiêu càng chính xác, bạn càng dễ theo sát và tập trung.

Tình huống: Andrew nhận ra rằng để trở thành một kế toán thực sự giỏi giang, anh cần phải học lên. Tuy nhiên, anh không có đủ tiền, và do vậy anh cần một công việc làm thêm cuối tuần thay vì giảm các chi phí khác. Andrew đã thẳng thắn, thực tế, và bằng cách lập ra những mục tiêu thông minh, anh đạt được mục đích của mình sau vài năm.

4.2 Dành thời gian để tiết kiệm thời gian

Hãy nghĩ về những phương pháp làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả và hiệu suất chung cả toàn công ty hoặc tổ chức của bạn.

Gần đây, tôi được thuê với tư cách là một nhà tư vấn để xem xét một tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực báo cáo về tai nạn giao thông trong thành phố. Tôi khám phá ra rằng những kỹ sư viết báo cáo dành quá nhiều thời gian để cân nhắc về những chi tiết ít liên quan đến các vụ tai nạn, chẳng hạn như bề mặt đường hay tình trạng xe, chỉ để chính những chi tiết đó bị một kỹ sư cấp cao, người sau đó kiểm tra những bản phác thảo báo cáo xóa đi.

Tôi gợi ý rằng các kỹ sư và người kỹ sư cấp cao nên gặp nhau khi bắt đầu điều tra để quyết định những khía cạnh có liên quan nhiều nhất để theo đuổi. Kết quả là hiệu quả làm việc đã cao hơn: các kỹ sư tập trung hơn vào những khía cạnh cụ thể và người kỹ sư cấp cao phải dành ít thời gian hơn cho việc xóa những chi tiết không quan trọng.

Vậy, hãy dừng lại và suy nghĩ.

  • Tìm cách tiếp cận tốt nhất. Liệu có cách nào tốt hơn cách mà bạn đang thực hiện để có thể hoàn thành mục tiêu và những mục đích của mình?
  • Luôn giữ mục tiêu trong tâm trí. Đừng chỉ tập trung vào những chi tiết của nhiệm vụ; hãy tập trung vào những mục tiêu rộng hơn và tìm những phương pháp sáng tạo để đạt được chúng.
  • Dành thời gian để làm việc hiệu quả. Kế hoạch mới của bạn có thể cần thời gian thiết lập ban đầu, nhưng cuối cùng việc này sẽ tiết kiệm thời gian cho bạn.

“Lý do chúng ta không đạt được phần lớn các mục tiêu là vì chúng ta dành thời gian của mình để làm những việc kém quan trọng trước.”

Robert J. McKain, tác giả


Tập trung vào mục tiêu tổng thể cuối cùng của bạn và nghĩ về những cách sáng tạo hơn để đạt được mục tiêu đó.

Tình huống: Sheila được yêu cầu tổ chức một cuộc họp giữa các đồng nghiệp ở Anh và các đồng nghiệp ở Ấn Độ. Cô dành một ngày để xem xét những lựa chọn khác nhau: tìm kiếm thông tin về giá cả của máy bay và khách sạn ở Anh, so sánh với giá thuê các thiết bị dành cho việc tổ chức hội nghị truyền hình. Thời gian Sheila dành để xem xét các lựa chọn khác nhau đã đem lại hiệu quả tốt: cô thuyết trình tình hình thực tế với ban giám đốc và họ quyết định sẽ tổ chức một cuộc hội nghị truyền hình để sử dụng tốt nhất các nguồn lực. Điều này có nghĩa là các nhân viên sẽ không phải dành quá nhiều thời gian cho việc di chuyển, nhưng vẫn có thể cùng nhau thảo luận trong một cuộc họp trực tuyến.

4.3 Hãy chủ động, đừng chỉ phản ứng lại

Chủ động có nghĩa là hành động có trách nhiệm, quyết định những gì bạn muốn làm và tạo ra những thay đổi nhất định. Phản ứng lại nghĩa là chúng ta hành động theo thói quen, dựa vào những gì đã xảy ra và phản ứng với nó.

Để chủ động, hãy thực hiện theo ba điểm sau:

  • Có trách nhiệm. Hãy nhận ra rằng bạn không chỉ đơn giản là dành thời gian để “chữa cháy” – nghĩa là, phản ứng với khủng hoảng. Chúng ta quá thường xuyên bị điều khiển bởi những áp lực bên ngoài, và đó là một cách sử dụng thời gian thiếu hiệu quả. Hãy có trách nhiệm với cách bạn sử dụng thời gian của mình, và nếu bạn cần phải có những thay đổi chiến lược để bản thân trở nên hiệu quả hơn, hãy coi đó như là một mục tiêu và nỗ lực hành động cho những thay đổi cần thiết.
  • Hãy nghĩ về những hàm ý và hiệu ứng của các kế hoạch của bạn. Lập một số mục tiêu dài hạn và suy nghĩ về cách để thực hiện trọn vẹn được chúng. Điều này đồng nghĩa với tập trung suy nghĩ và hành động của bạn vào tất cả các khía cạnh của dự án mà bạn tham gia. Chẳng hạn như, nếu bạn đang lập một hệ thống kế toán mới, những điều bạn cần phải nghĩ không chỉ là tất cả những thông tin cần phải đặt vào hệ thống mà còn tất cả những thông tin mà bạn muốn nhận được từ nó, để phục vụ các báo cáo và những vấn đề khác. Hơn nữa, bạn sẽ cần phải nghĩ về việc ai là người cần truy cập dữ liệu, và nó có thể ảnh hưởng đến tính bảo mật của hệ thống như thế nào.
  • Tiên phong. Để đạt được mục tiêu, bạn sẽ cần phải lựa chọn một con đường cụ thể. Điều này có thể sẽ cần đến lòng dũng cảm, vì bạn sẽ đi một con đường mới và có thể sẽ phải đối mặt với những đồng nghiệp phản đối cách lựa chọn về thứ tự ưu tiên của bạn. Hãy tin tưởng vào bản thân mình cũng như những công việc, tích cực mà bạn để làm để đưa ra những lựa chọn của mình.

Hãy nghĩ về cách bạn có thể thay đổi thói quen hiện tại để trở nên chủ động hơn và kiểm soát tương lai của bạn tốt hơn.

Tình huống: Ngay sau khi bắt đầu tổ chức các cuộc hội thảo về phương pháp viết tiếng Anh mạch lạc, tôi nhận ra rằng mình cần phải mở rộng hoạt động để cạnh tranh tốt hơn. Tôi khám phá ra rằng có một nhóm nhất định các nhà lãnh đạo đạt được nhiều nhất từ những cuộc hội thảo của mình: những người lựa chọn một khóa học mà ban đầu không bao hàm việc viết. Cụ thể, tôi xác định khách hàng mục tiêu của mình là các kế toán, và gần đây, đó là một trong số những khu vực phát triển của tôi. Thành công nằm ở việc chủ động: chủ động quyết định một chiến lược mới và chủ động tạo lập một kế hoạch dài hạn mới mẻ để chiếm được một phân khúc cụ thể trong thị trường.

4.4 Xác định những việc quan trọng và những việc cấp thiết

Nếu tận dụng một danh sách hành động (Xem phần 3.5), bạn sẽ có sẵn thói quen đánh giá mức độ quan trọng và cấp thiết của mỗi nhiệm vụ. Giải quyết những nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng nhất ngay lập tức.

Xếp loại mỗi nhiệm vụ bằng cách viết một con số bên cạnh để chỉ ra mức độ quan trọng và cấp thiết của nó – giống như việc thể hiện bằng con số từ 1 đến 4 dưới đây. Có thể lựa chọn sử dụng các chữ cái hoặc các màu sắc khác nhau. Cho dù bạn có sử dụng phương pháp nào thì điều quan trọng vẫn là bạn phải phân biệt:

  1. Những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Có những nhiệm vụ buộc phải giải quyết khi phải đối phó với một cuộc khủng hoảng hoặc khi sắp đến ngày hết hạn. Đó là những nhiệm vụ bạn phải giải quyết đầu tiên. Tuy nhiên, đôi khi việc liên tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết và quan trọng cũng gây rắc rối, nên sẽ tốt hơn nếu đối phó với các vấn đề quan trọng theo thứ tự và theo cách ít gây cảm giác hoảng sợ nhất. Nếu một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng xuất hiện thường xuyên, cho dù là hàng tháng hay hàng năm, hãy ghi chú vào nhật ký tại một thời điểm phù hợp trước ngày hết hạn, nhờ đó bạn có thể giải quyết nó hiệu quả hơn trong lần tiếp theo.
  2. Những nhiệm vụ ít cấp thiết nhưng quan trọng. Những nhiệm vụ này cấu thành khối lượng công việc chính của bạn, do vậy phần lớn quỹ thời gian của bạn nên dành cho những nhiệm vụ ở cấp độ này. Đây là những nhiệm vụ cần giải quyết sau những nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng. Chúng cũng có liên hệ mật thiết với việc hoàn thành những mục tiêu dài hạn của bạn.
  3. Những nhiệm vụ cấp thiết nhưng ít quan trọng. Như viết thư cho đồng nghiệp, gọi điện... Giảm thiểu những nhiệm vụ này, và ủy thác cho người khác nếu có thể.
  4. Những nhiệm vụ không cấp thiết và không quan trọng. Làm những việc này trong khoảng thời gian bạn làm việc thiếu hiệu quả nhất.

Nếu bạn không biết phải bắt đầu từ đâu với một nhiệm vụ cụ thể, hãy bắt đầu từ phần việc bạn ít mong chờ được thực hiện nhất, hoặc phần dài nhất, khó nhất.

Một phút suy ngẫm: Thu hút sự chú ý của những người mà bạn làm việc với bằng cách yêu cầu họ suy nghĩ về những nhiệm vụ mà họ đang thực hiện hôm nay. Yêu cầu họ liệt kê tầm quan trọng và mức độ cấp thiết của mỗi nhiệm vụ. Sau đó ngồi lại với họ và thảo luận về cách bạn có thể sử dụng hiệu quả hơn thời gian của mọi người.


Hãy chắc chắn rằng phần lớn thời gian được dành cho những công việc quan trọng nhưng không cấp thiết - điều này nên là phần chủ yếu trong công việc của bạn.

4.5 Chia một nhiệm vụ thành nhiều bước nhỏ hơn

Chia một nhiệm vụ thành những phần nhỏ hơn có thể khiến bạn có cảm giác đỡ sợ hoặc lo lắng về cách thức thực hiện nó.

Nếu một nhiệm vụ lớn có vẻ như rất khó thực hiện và bạn không biết phải bắt đầu từ đâu, hãy tạo một sơ đồ mô hình cho nó (Xem phần 1.2). Khi đã chắc chắn hơn về những khía cạnh khác nhau của nhiệm vụ đó, hãy chia nó thành những bước nhỏ và dễ quản lý hơn. Sắp xếp chúng trong một danh sách phản ánh thứ tự của những hành động cần được hoàn thành, sau đó tạo một bảng tính từ danh sách đó. Nếu bạn cần phải hoàn thiện những bước cụ thể vào một thời điểm nhất định, hãy thêm vào bảng hai cột, một cột là: “Ngày dự kiến hoàn thành” và cột còn lại là: “Ngày thực sự hoàn thành.”

“Chia mỗi nhiệm vụ khó khăn thành nhiều phần hết sức có thể để giải quyết nó.”

Rene Descartes, nhà triết học Pháp thế kỷ 17

  • Hoàn thành mỗi bước nhỏ trước khi bạn tiến đến bước tiếp theo. Thực hiện hai hay ba nhiệm vụ cùng một lúc chỉ khiến bạn bối rối thêm!
  • Bắt đầu với nhiệm vụ dài và khó khăn nhất. Trừ khi những hành động cần được hoàn thành theo một thứ tự cụ thể, hãy loại những nhiệm vụ khó khăn nhất ra khỏi con đường trước. Việc này sẽ cho bạn cảm giác được thúc đẩy về mặt tinh thần.
  • Lập một khung thời gian. Hãy nhắm đến việc hoàn thành một lượng công việc nhất định trong một ngày cụ thể hoặc một quãng thời gian cụ thể trong ngày. Điền ngày hoặc thời gian bạn thực sự hoàn thành chúng vào bảng tính của mình.
  • Dừng công việc của mỗi ngày ở một chỗ phù hợp. Tốt nhất là, bạn kết thúc được một hành động cụ thể, do đó bạn có thể dễ dàng bắt đầu một hành động mới trong danh sách khi tiếp tục công việc.

Kiểm soát công việc của bạn bằng cách chia nhỏ một nhiệm vụ thành những bước có thể quản lý được.

Tình huống: Để thực hiện một dự án mới Ross chia nhỏ nhiệm vụ của mình thành những bước khác nhau: thiết kế và lập kế hoạch, chi phí, hội đồng quản trị phê duyệt và ba giai đoạn của việc hoàn thành dự án thực sự. Anh thêm cột ngày dự kiến hoàn thành tất cả các nhiệm vụ để theo dõi diễn biến của tất cả những phần khác nhau. Khi hoàn thiện sơ đồ mô hình, anh nhận ra rằng anh cần phải nỗ lực hơn trong việc bàn bạc về tiến trình thực hiện dự án với tất cả những người có liên quan. Phân tích công việc theo những bước nhỏ hơn giúp Ross hiểu thấu được từng chi tiết trong tổng thể, và anh cảm thấy mình có thể kiểm soát dự án tốt hơn.

4.6 Làm đúng ngay từ đầu

Bạn có thể cảm thấy mình và công việc của mình không quan trọng, và không ai đánh giá cao bạn, nhưng bạn đóng một vai trò quan trọng trong công ty hay tổ chức. Điều quan trọng là, bất cứ việc gì bạn làm, bạn cũng phải làm tốt và hiệu quả.

Làm đúng ngay từ đầu, cho dù công việc đó có vẻ không quan trọng, sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho công ty và tổ chức của bạn. Nó cũng mang lại lợi ích cho bạn, khi bạn không phải thực hiện những nhiệm vụ buồn tẻ và lặp lại.

Nhưng hãy tưởng tượng một tình huống khi bạn không làm đúng một điều gì đó. Chuyện gì sẽ xảy ra? Ông chủ của bạn có thể sẽ phải xin lỗi khách hàng, hoặc tổ chức một cuộc họp để thảo luận về cách giải quyết tình huống, hoặc lắng nghe những nhân viên khác nhau nói về cách khắc phục sai lầm.

Rất nhiều người phải dành thời gian để cố gắng điều chỉnh mọi việc cho đúng, điều này sẽ làm họ sao nhãng khỏi những trách nhiệm chính, và nguyên nhân là do bạn đã không hoàn thành vai trò của mình một cách thích đáng.

Để thấm nhuần giá trị “làm đúng ngay từ đầu” vào một tổ chức, hãy chắc chắn rằng tất cả mọi nhân viên trong tổ chức đều nhận thức được những vấn đề sau:

  • Họ hiểu được tầm quan trọng của chất lượng.
  • Họ hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình.
  • Họ hiểu rõ người khác mong đợi những gì ở họ.
  • Họ sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chất lượng tồi.
  • Họ hiểu rõ cái giá của chất lượng tồi.
  • Họ luôn làm hết sức mình trong mọi thời điểm.
  • Họ luôn nghĩ về cách để nâng cao chất lượng hơn nữa.

“Sự chuẩn bị tốt nhất để làm việc hiệu quả ngày mai là làm việc tốt ngay từ hôm nay.”

Eibert Hubbard, diễn viên Mỹ


Cho dù nhiệm vụ có là gì, làm đúng ngay từ đầu là cách sử dụng thời gian hiệu quả nhất.

Tình huống: Một công ty giặt khô là hơi nhận được rất nhiều lời phàn nàn do chất lượng giặt tồi và dịch vụ khách hàng không thỏa đáng, và công ty quyết định sẽ thay đổi phương pháp tổng thể. Tất cả mọi mặt của việc kinh doanh, từ giây phút khách hàng bước vào cửa hàng đến những quyết định của hội đồng quản trị, đều được xem xét chi tiết để ngăn những sai lầm có thể xảy ra. Các nhân viên thường xuyên được nhắc nhở rằng mắc sai lầm sẽ làm mất tiền của công ty. Khách hàng nhận được sự chào đón thân thiện khi họ đến cửa hàng và một danh sách những việc phải đáp ứng được quán triệt với nhân viên để chắc chắn rằng quần áo luôn được làm sạch và trả lại với điều kiện tốt nhất.

4.7 Phản ứng sáng tạo với các vấn đề

Tất cả chúng ta đều đã từng ở trong những hoàn cảnh khi đầu óc hoàn toàn trống rỗng, không thể suy nghĩ gì và không thể giải quyết được vấn đề. Thời gian trôi đi rất nhanh và bạn cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề và đi tiếp. Chúng ta cần phải nhìn khó khăn và các vấn đề như những thách thức phải giải quyết.

Dưới đây là một số cách thức sáng tạo để giúp bạn giải quyết khó khăn.

  • Nói chuyện với đồng nghiệp. Nói với họ, đừng viết thư cho họ. Giải thích khó khăn với họ một cách đơn giản và với càng ít biệt ngữ càng tốt. Điều này sẽ khuyến khích bạn xác định vấn đề và bản chất của nó. Thảo luận vấn đề, không chỉ làm rõ mà còn tìm ra những cách sáng tạo để giúp bạn giải quyết nó. Lắng nghe họ. Thực sự lắng nghe…
  • Tìm sự tư vấn từ chuyên gia. Lý tưởng là, bạn sẽ muốn nói với ai đó đã từng giải quyết thành công kiểu vấn đề này. Người đó có thể gợi ý giúp bạn cách nhìn vấn đề từ một góc độ mà bạn chưa từng nghĩ tới.
  • Nghĩ ra những cách khác nhau để mô tả khó khăn. Vẽ khó khăn. Nghĩ ra một cách tương tự để mô tả nó bằng nghệ thuật, âm nhạc hoặc kịch. Nhờ các đồng nghiệp với nền tảng khác nhau tư vấn. Chẳng hạn như, những người có nền tảng khoa học có thể hỏi những câu hỏi trực tiếp và thực tế hơn những người có nền tảng nghệ thuật.
  • Suy nghĩ sâu sắc về nó. Hãy giải quyết những vấn đề sâu xa, không phải chỉ bề nổi. Nếu bạn đang khởi đầu một sản phẩm mới, đừng có chỉ nghĩ ang áng về thành công của nó. Hãy tự hỏi mình: “Thành công cụ thể sẽ thế nào?”
  • Nghĩ theo nghĩa đen. Viết một sơ đồ mô hình (xem phần 1.2), điều này sẽ giúp bạn suy nghĩ sáng tạo. Một đồng nghiệp cân nhắc việc nuôi gà đã tạo một sơ đồ mô hình để xem xét các vấn đề khác nhau. Cô nhận ra thử thách lớn nhất không phải là bất cứ khía cạnh tài chính nào mà là những ảnh hưởng có thể có đối với hàng xóm. Sử dụng từ điển hoặc từ điển chuyên đề để thu thập các ý tưởng phù hợp, từ và cụm từ, đồng thời nhìn vào những điều đối lập.
  • Nghỉ ngơi. Tạm hoãn lại, nếu thời gian cho phép, và quay lại với vấn đề sau đó.

Một phút suy ngẫm: Hãy nghĩ ra một phép ẩn dụ cho những vấn đề mà bạn đang phải đối mặt. Chẳng hạn như, nếu đó là cách để tăng doanh số, bạn có thể nghĩ đến việc trèo lên một đỉnh núi. Nó có thể dẫn bạn đến việc suy nghĩ về cách chia đội kinh doanh của bạn thành những người giữ trại và hỗ trợ những người leo núi ưu tú. Những cá nhân ưu tú tượng trưng cho những người bán hàng xuất sắc, những người có mục tiêu leo lên tới đỉnh núi. Đó là một cách để suy nghĩ về vấn đề một lần nữa.


Giải quyết vấn đề không phải chỉ là về lôgíc cứng nhắc. Đôi khi bạn cần phải sáng tạo trong suy nghĩ của mình.

4.8 Cuộc sống bên ngoài công việc

Phải, trọng tâm chính của cuốn sách này là về việc quản lý thời gian của bạn tốt hơn trong công việc. Nhưng một phần quan trọng của việc làm việc tốt là chăm sóc tổng thể bản thân bạn, và nó bao gồm cả những quãng thời gian nghỉ ngơi trong công việc: không chỉ là tạm ngừng trong ngày làm việc mà còn là nghỉ ngơi sau giờ làm việc và dành thời gian cho những kỳ nghỉ.

Nếu không nghỉ ngơi, bạn sẽ đối mặt với rủi ro của việc quá tải và bị ốm. Có hai lĩnh vực hoạt động cơ bản nên là một phần trong cuộc sống của bạn, cả hai đều nhằm giúp bạn được nghỉ ngơi và cho những phúc lợi lớn hơn của bạn. Chúng là:

  • Các hoạt động xã hội. Chúng bao gồm việc dành thời gian cho gia đình và bạn bè của bạn, đi đến trung tâm chiếu phim, rạp hát và các buổi hòa nhạc, ghé thăm các bảo tàng hay các triển lãm nghệ thuật, tổ chức các buổi quyên góp từ thiện... Tất cả những hoạt động này sẽ giúp kích thích và làm khuây khỏa đầu óc.
  • Tập thể dục. Đặc biệt nếu bạn làm việc trong văn phòng và các môi trường bị giới hạn tương tự, thể dục rất quan trọng trong cuộc sống của bạn. Vận động sẽ giúp cải thiện sức khỏe cả về mặt vật chất lẫn tinh thần bằng cách giải phóng trí não của bạn khỏi công việc.

Lập kế hoạch cho những hoạt động này trong chương trình thường xuyên của bạn. Bất chấp một thực tế là việc nghỉ trưa đã được chứng minh là có thể tăng được hiệu quả làm việc, nó vẫn thường bị lãng quên trong những ngày bận rộn.

Một thứ khác cần phải chú ý đến là thức ăn và đồ uống. Chú ý đến bữa sáng và bữa phụ của bạn. Tránh sử dụng quá nhiều cà phê và thuốc lá, cân nhắc xem bạn có nên giảm rượu bia không. Giảm việc sử dụng đường và chất béo. Đừng ăn một bữa quá bổ dưỡng vào buổi tối. Một chế độ ăn hợp lý và phong cách sống điều độ sẽ có ảnh hưởng tích cực đến công việc của bạn.


Hàng ngày, nhớ dành ra một khoảng thời gian để làm những gì bạn thích.

Tình huống: Trong nhiều năm, gia đình và bạn bè đã cảnh báo tôi về việc tôi đang quá tải, nhưng tôi luôn bỏ ngoài tai. Cuối cùng, tôi đã ra hai quyết định: tham gia vào một phòng tập thể dục địa phương và đăng ký một lớp giảm béo. Tôi phải tự chất vấn động cơ nghèo nàn của mình bằng việc tự hỏi tại sao tôi cứ trì hoãn việc ra những quyết định này. Những điều làm tôi bối rối là: (1) phải dành thời gian để thay quần áo công sở thành quần áo để tập thể dục và (2) tự hỏi mọi người sẽ nghĩ gì về tôi ở phòng tập thể dục. Tôi xử lý vấn đề thứ nhất bằng cách làm việc trong bộ quần áo tập thể dục của mình và với vấn đề thứ hai bằng cách tự nói với bản thân rằng thật là ngốc nghếch khi lo lắng về những gì người khác sẽ nghĩ hoặc không nghĩ. Bằng việc đi những bước đi tích cực này, sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi đã được cải thiện rõ rệt.