Quán Gò Đi Lên

Chương 2

Ngoài các món ăn thông thường, quán Đo Đo còn bán chả, nem, tré. Người bỏ mối các thứ này là vợ chồng ông Khằng. Vợ chồng ông Khằng người Quảng Nam chính gốc, vô Sài Gòn mười mấy năm nay và sinh sống bằng nghề làm nem, chả, tré, cung cấp cho chợ Phạm Văn Hai, chợ Tân Bình và chợ Bàu Hoa.

Cô Thanh “bổ sung nhân sự” bằng cách nói với ông Khằng:

Anh xem có thằng cháu nào lanh lợi giới thiệu cho tôi một đứa!

Trời, tôi có thằng cháu lanh lắm! Lại dễ thương hết biết! Để ngày mai tôi kêu nó tới làm cho chị!

Chiều hôm sau, những người trong quán thấy một đứa con trai ăn vận tươm tất, mặt mày sáng sủa, tóc tai gọn gàng, xịt keo bóng loáng lò dò bước vô quán. Đó là thằng Lâm, người ông Khằng giới thiệu.

Nhìn bộ tịch bề ngoài, con Lan tưởng thằng Lâm là sinh viên ôn tập nhiều quá nên đói bụng, đang tính mò vô quán bình dân kiếm thứ lót lòng, bèn chạy ra đon đả:

Dạ, mời anh vô trong nhà ngồi cho mát! Thằng Lâm cười:
Tôi muốn gặp bà chủ.

Nụ cười của thằng Lâm đẹp mê hồn làm con Lan ngẩn ngơ. Nó cứ đứng ngó sững, chẳng chịu nhích chân khiến thằng Lâm phải lịch sự nhắc lại:

– Chị làm ơn cho tôi gặp bà chủ.

Tới lúc đó, con Lan mới choàng tỉnh. Nó nói cụt ngủn:

– Anh theo tôi!

Rồi lỏn lẻn quay đầu chạy vô nhà.

Cô Thanh dòm Lâm:

Cháu kiếm cô có chuyện chi không?

Dạ, chú Khằng kêu con tới đây gặp cô!

Cô Thanh ngỡ ngàng “à” lên một tiếng. Thì ra đứa con trai này là cháu ông Khằng. Nhưng ông Khằng nói tiếng Quảng nặng trịch mà sao thằng cháu giọng lại nhẹ tưng, ngộ ghê!

Cô Thanh tò mò hỏi:

Cháu là chi của ông Khằng?

Dạ, chẳng là chi cả!

Cô Thanh ngơ ngác:

Chẳng là chi là sao? Lâm mỉm cười:

Dạ, là không có bà con gì hết, thưa cô! Chú Khằng người Quảng Nam, còn cháu người Tây Ninh.

Trời!

Cô Thanh buột ra một tiếng than, hai tay ôm cứng lấy đầu. Con Lan hớt hải chạy lại:

– Cô trúng gió hả cô?

Cô Thanh không đáp lời Lan. Cô buông tay ra, ngó thằng Lâm, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng:

– Chớ cháu không phải là cháu ông Khằng hả?

– Dạ không ạ!

Lâm ấp úng đáp, nụ cười vừa nở ra trên môi lập tức tắt ngóm. Thái độ của cô

Thanh khiến nó tự dưng cảm thấy áy náy, bèn rụt rè giải thích:

Cháu chú Khằng là bạn học với con. Con hay đến nhà chơi. Mày cô Thanh nhíu lại:
Ủa, cháu còn đang đi học, lấy thì giờ đâu ra mà đi làm?

Dạ, con nghỉ học rồi, thưa cô. Vừa rồi con rớt đại học, sang năm con mới thi lại.

Cô Thanh thở một hơi dài. Rồi cô ngước mắt nhìn ra cửa, bụng nghĩ lung. Thằng này không phải người Quảng Nam nhưng coi bộ lanh lợi, lễ phép, nói chuyện một điều “thưa cô”, hai điều “thưa cô”. Nó là sinh viên hụt nên trông có vẻ “trí thức” nữa. Nhưng “ăn tiền” nhất là miệng nó lúc cười trông tươi rói. Buôn bán mà tươi cười dứt khoát là ăn nên làm ra!

Cô Thanh liếc con Lan:

– Con thấy sao?

Con Lan bị thằng Lâm hớp hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên, còn thấy trăng thấy sao gì nữa. Nó gật đầu cái rụp:

Con thấy được đó cô! Anh Lâm mà làm tiếp viên thì khách thích phải biết!

Chà, mi lẹ quá há! – Mới đó đã biết tên biết tuổi người ta rồi! Còn anh này anh nọ ngọt xớt nữa!

Lan đỏ mặt:

– Cô chỉ chọc con!

Vừa nói con Lan vừa liếc thằng Lâm, thất vọng thấy thằng này đứng nghiêm trang quá. Hai tay Lâm buông thõng bên mép quần, đầu cúi xuống như đang nghĩ ngợi điều chi. Không biết ảnh có nghe thấy câu nói trêu của cô Thanh không hén? Con Lan bâng khuâng nghĩ, ngạc nhiên thấy lòng mình bữa nay sao chộn rộn quá.

Từ bữa đó, quán Đo Đo bổ sung thêm thằng Lâm.

Lâm “ngoại hình bắt mắt”, ai nói gì cũng nhe hàm răng trắng bóng ra cười nên được bố trí chân chạy bàn, gọi văn hoa là tiếp viên.

Nhưng ưu điểm tươi cười của tiếp viên Lâm vẫn không che lấp được khuyết điểm “Tây Ninh” của nó.

Khách hỏi:

– Cháu biết Đo Đo ở đâu không?

Gặp đám con Kim, con Lan, con Lệ hay thằng Cải, chắc chắn tụi nó sẽ lắc đầu “Con không biết”. Nhưng thằng Lâm là đứa hơn người. Nó sắp sửa là sinh viên đại học rồi chớ bộ! Cho nên nó tỉnh bơ:

Dạ, ở ngoài Trung đó chú.

Ở ngoài Trung nhưng ở đâu? Tỉnh nào? Huyện nào?

Tới đây thì Lâm hết thản nhiên được nữa. Nó gãi gáy, lỏn lẻn:

Dạ, cái đó thì con không biết. Khách nhún vai, nặng lời:
Người của quán Đo Đo mà không biết Đo Đo nằm ở đâu! Tốt nhất nên đổi bảng hiệu đi cháu à!

Nghe khách xài xể, thằng Lâm tức như bị bò đá. Mặt xám ngoét, vất vả lắm nó mới nặn ra được một nụ cười gượng gạo.

Khách vừa ra khỏi cửa, nó ba chân bốn cẳng chạy đi kiếm cô Thanh:

Đo Đo nằm ở huyện nào tỉnh nào hở cô? Cô Thanh ngẩn tò te:
Cô đâu có biết!

Lâm như không tin vào tai mình. Mồm nó há hốc:

Cô không nói giỡn đó chớ?

Cô không nói giỡn.

Lâm sửng sốt:

Thế sao cô đặt tên quán là Đo Đo?

Cái này là do ông chồng cô đặt. Ổng kêu ổng sinh ở Đo Đo, đặt cái tên này làm kỉ niệm.

Nguy rồi! – Lâm bứt tai – Cô phải về hỏi chú ngay Đo Đo thuộc tỉnh nào, huyện nào. Khi nãy có một ông khách hỏi Đo Đo ở đâu, con kêu con không biết, ổng liền sẩm mặt biểu mình đổi tên quán.

Lãng xẹt! – Cô Thanh hậm hực nói.

Nhưng cô Thanh chỉ hậm hực lúc đó thôi. Ngày hôm sau, cô tập hợp cả quán lại, nghiêm nghị nói:

Mấy đứa nghe nè! Hôm qua cô “điều tra” ra rồi! Đo Đo là tên một cái làng thuộc xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Mấy đứa ráng nhẩm cho thuộc, khách có hỏi thì biết đường mà trả lời nghe chưa?

Con Lệ lo lắng:

Vừa xã vừa huyện vừa tỉnh khó nhớ lắm cô ơi! Con thấy cô nên bỏ quách xã và huyện đi, chỉ ráng nhớ cái tỉnh thôi!

– Không được! – Thằng Lâm phản đối, nó vẫn còn cay đắng chuyện hôm qua – Chỉ nhớ mỗi tên tỉnh, rủi khách hỏi tới, mình biết đường đâu mà mò?

Con Lan bô bô, mặt tươi hơn hớn vì được dịp bênh thằng Lâm:

Anh Lâm nói đúng đó cô! Phải học đủ hết xã huyện tỉnh, y như trong giấy khai sinh vậy mới được!

Con Lệ “xì” một tiếng:

– Sao không nói là y như trong giấy kết hôn luôn đi!

Thấy con Lệ xỏ xiên mình, mặt con Lan thoạt xanh thoạt đỏ, nhưng nó chưa kịp “phản công”, cô Thanh đã dàn hòa:

– Thôi, cô quyết định bỏ cái xã. Chỉ lấy cái huyện và cái tỉnh thôi!

Sau cái “quyết định” về “đơn vị hành chính” đó, mấy đứa trong quán đứng đâu, ngồi đâu mồm miệng cũng mấp ma mấp máy y như niệm thần chú: “Đo Đo là tên một cái làng ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam”.

Thằng Cải ngồi ngoài hiên coi xe, con Lệ đứng trong bếp coi nồi nhưng cũng gật gù lẩm nhẩm suốt ngày.

Nhưng cái câu coi bộ ngắn ngủn vậy mà khó thuộc quá chừng. Chỉ có mỗi con Lệ và thằng Lâm là nhập tâm. Nhưng con Lệ coi như không tính, nó đứng suốt ngày bên bếp lò không ló mặt ra ngoài, ai mà hỏi tới nó.

Rốt cuộc chỉ có Lâm là đối đáp trôi chảy.

Còn con Lan, nghe khách hỏi:

Cháu có biết Đo Đo ở đâu không? Nó mừng húm:
Dạ biết ạ.

Ở đâu?

Dạ, Đo Đo là tên một cái làng ở… ở…

Đang đáp ro ro, bỗng nhiên con Lan đâm ngắc ngứ. Nó tụng suốt ngày cái huyện Thăng Bình, cái tỉnh Quảng Nam trên môi, vậy mà khi có người hỏi tới, nó bỗng quên ngang xương.

Khách mỉm cười:

Ở đâu vậy cháu? Con Lan càng quýnh:

Dạ, chú chờ con một chút. Đó là tên một cái làng… ở… ở…

Mắt nó đột nhiên lóe lên:

A, con nhớ ra rồi! Ở Quảng Bình!

Khách mếu xệch miệng:

Sao cháu lại dời cái làng Đo Đo ra tuốt ngoài Quảng Bình? Chú là người làng Đo Đo đây mà!

Ủa, không phải Quảng Bình hả chú? – Con Lan hồn nhiên – Vậy chớ nó nằm ở đâu cà?

Đó là do con Lan chỉ nhớ mang máng mỗi chữ “Bình” và chữ “Quảng” trong “bài học địa lý” của cô Thanh.

Thằng Cải còn tệ hơn.

Khách hỏi nó, nó cúi đầu ngẫm nghĩ một hồi rồi vỗ trán:

– Chậc, cái này cô con dạy rồi mà con học hoài không thuộc chú ơi!

Nghe “lời khai thành thật” của nó, khách đã muốn xô ghế đứng lên. Đã vậy, nó còn hăng hái chỉ tay ra đường:

– Hình như nó ở đâu ngoài Bắc đó chú!

Con Lan bê cái làng Đo Đo từ Quảng Nam đem ra Quảng Bình dù sao cũng không đến nỗi dời xa quá. Quảng Bình vẫn còn thuộc miền Trung, nghĩa là còn châm chước được. Thằng Cải dời tuốt ra miền Bắc thì đúng là quá đáng.

Khách ngửa cổ nhìn lên trần nhà, thống thiết:

– Trời ơi là trời!

Tiếng than của khách nghe mới não nùng làm sao!

Cô Thanh phiền muộn chứng kiến tất tần tật những màn bi hài kịch lâm ly đó.

Không thể để khách ghé quán ăn uống phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn nữa, tối đó cô lại tích cực âm thầm “điều tra”.

Và sáng hôm sau cô lại tập hợp mọi người, thông báo kết quả:

Từ nay trở đi, nếu khách hỏi Đo Đo ở đâu, mấy đứa không cần nói huyện nói tỉnh chi cho dài dòng. Cứ nói ở Quán Gò đi lên là được rồi. Vừa ngắn gọn vừa dễ hiểu.

Con Lệ thắc mắc:

Quán Gò ở đâu hở cô?

Chắc ở loanh quanh đâu chỗ đó. Cô cũng chẳng biết. Ông chồng cô nói vậy thì cô chỉ biết vậy.

Nói xong, cô Thanh cười hì hì. Biết hỏi tới cũng chẳng ăn thua gì, mọi người liền tự động giải tán.

Thực bụng thì chẳng đứa nào tin tưởng cái câu thần chú “Quán Gò đi lên” cho lắm. Một địa danh bí hiểm như Đo Đo mà chỉ giải thích bằng mấy chữ ít ỏi và tầm thường kia thì chắc chẳng kết quả gì.

Không ngờ ngày hôm sau, gặp câu hỏi quen thuộc đó, thằng Lâm rụt rè:

– Dạ, ở Quán Gò đi lên!

Khách liền toét miệng cười hể hả:

Chà, thằng này còn biết cả Quán Gò nữa, giỏi quá ta! Khiến thằng Lâm ngạc nhiên một cách sung sướng.