Con Cúc con Kim kẻ trước người sau lục tục ra đi, quán Đo Đo thiếu người trầm trọng. Con Lệ ra ngồi tính tiền thế con Kim, còn cô Thanh phải đích thân đứng bếp thay con Lệ. Như vậy vẫn thiếu một đứa lặt rau, rửa chén. Con Lan bán đồ khô tạm thời chạy ra chạy vô, thiếu đâu trám đó.
May làm sao, con Kim đi lấy chồng chừng ba bữa, con Cúc đã gửi con Hường theo xe đò vô.
Con Hường xồng xộc vô quán, gặp con Lan, liền túm tay, hỏi:
Cô là cô Thanh hả?
Không! – Con Lan nhìn lom lom con nhỏ lạ – Em tìm cô Thanh có chuyện chi không?
Nghe nói cổ cần người, tui xin vô làm.
Con Hường làm con Lan ngạc nhiên quá:
Em nghe ai nói?
Con Cúc nói. Con Cúc kêu vừa rồi cô Thanh gọi điện ra cho nó, biểu nó kiếm người giùm.
Thằng Lâm nghe tới tên con Cúc, lật đật chạy lại:
Ủa, em ở ngoài Trung vô đây hả?
Ừa.
Em tên gì?
Tui tên Hường. Hường là bông hường đó. Lâm tò mò:
Em là gì của chị Cúc.
Bạn bè cùng xóm thôi, chẳng là chi hết.
Thằng Lâm tính hỏi thăm kỷ hơn về con Cúc nhưng ngặt có con Lan đứng đó, đành tặc lưỡi chỉ tay vô bên trong:
– Cô Thanh đang ở trong bếp kia kìa.
Con Lan nhìn theo con Hường, chúm chím cười:
– Con nhỏ này đi đứng nói năng sao giống con trai quá!
Cô Thanh cũng có cảm giác y như con Lan. Sau khi hỏi han con Hường ba điều bốn chuyện, cô mỉm cười:
– Mi là cái con hay cái thằng vậy?
Con Lệ ngồi phía ngoài ngó vô, nghe cô Thanh hỏi vậy, liền bụm miệng cười hích hích. Nhưng con Hường tỉnh queo:
Con là con gái thiệt đó cô. Con gái mới chơi thân với con Cúc được chớ. Con trai làm răng chơi thân với nó được.
Nghe con Hường lý luận lạ đời, cô Thanh nheo mắt trêu:
Con trai tại sao không chơi thân với con Cúc được?
Chơi thân răng được mà chơi thân! – Con Hường le lưỡi – Ba con Cúc dữ lắm. ổng mà thấy thằng mô đứng nói chuyện với con Cúc, ổng vác rựa ổng chém liền.
Nói tới đây, con Hường toét miệng cười hì hì:
Nếu tụi con trai xóm con không lanh mắt né kịp, tới bữa ni đã bay đầu tám, chín đứa rồi!
Thằng Lâm nãy giờ lò dò theo sau con Hường, đứng nghe trộm. Khi con Hường kể tới chỗ này, thằng Lâm bỗng rùng mình, lưng nổi đầy gai ốc. Nó không ngờ ba con Cúc dữ dằn như vậy.
Bữa trước nghe ba con Cúc gọi điện thoại dặn con Cúc coi chừng “mấy thằng lưu manh trong quán”, Lâm đã run. Bữa nay biết thêm ba con Cúc không chỉ dặn dò suông mà còn sẵn sàng ra tay tàn sát bạn trai của con Cúc không thương tiếc Lâm càng thêm rét.
Nó tính lắng tai nghe xem con Hường có kể thêm chuyện gì rùng rợn nữa không thì cô Thanh đã chỉ tay lên gác:
Con đi đường xa chắc còn mệt, leo lên gác nằm nghỉ đi!
Khỏi, cô! – Con Hường lắc đầu – Con ngồi trên xe ngủ một giấc thẳng cẳng từ ngoài nớ vô trong ni, có mệt mỏi chi mô.
Rồi nó nhanh nhẩu:
Cô có chuyện chi cần sai biểu, cứ nói cho con biết. Con tắm một cái, rồi con ra làm liền.
Thấy con Hường coi mòi lanh lẹ, cô Thanh ưng bụng lắm. Cô chỉ tay lại chỗ sàn nước:
– Nếu con không mệt, lát rửa đống chén bát đó giùm cô!
Con Hường nhỏ loắt choắt nhưng miệng bằng tay, tay bằng miệng. Nó nói tới đâu làm tới đó. Từ ngày có nó, bếp núc gọn gàng hẳn. Không những cô Thanh mà cả con Lệ, con Lan cũng đều thích nó.
Nhưng thích con Hường nhứt phải kể là thằng Lâm. Mỗi lần con Hường chạy ra đằng trước là Lâm bám cứng. Được cái, con Hường dạn dĩ chớ không nhát gan như con Cúc. Hồi mới vô quán, con Cúc suốt ngày chun miết trong bếp. Còn con Hường hễ rảnh rỗi là chạy lơn tơn ra đằng trước chơi. Xem ra con Hường là đứa thích náo nhiệt, thích trò chuyện, thích ngó người ta, xe cộ chạy qua chạy lại trước mặt.
Lâm bám con Hường, chỉ để hỏi lòng vòng:
Em chơi thân với chị Cúc lắm hả Hường?
Ừa.
Mấy bữa này hai chị em có hay trò chuyện với nhau không?
Có.
Chị Cúc có kể chuyện về quán Đo Đo cho em nghe không?
Có. Ngày mô nó cũng kể.
Chỉ kể chuyện gì vậy?
Kể đủ thứ.
Chỉ có nhắc gì đến anh không?
Anh hả? – Con Hường nhíu mày – Ờ, ờ, tui không nghe nó nhắc gì hết.
Lâm thở dài, tự an ủi: chắc con Cúc mắc cỡ nên giấu biến đó thôi, rồi lảng sang chuyện khác:
Chị Cúc có người yêu chưa hả Hường?
Chưa.
Sao em biết chưa?
Con Hường phồng má:
– Răng không biết! Hễ có giống độc nớ là con Cúc kể cho tui nghe liền.
Chớ mấy anh nào đứng nói chuyện với chị Cúc bị ba chị Cúc rượt chém đó. Con Hường nhăn răng cười:
Mấy đứa nớ là con trai trong xóm, gặp thì đứng nói chuyện chơi chớ bồ bịch chi!
Nghe con Hường xác nhận như vậy, Lâm hơi yên yên trong bụng. Nhưng nó lại lo lắng chuyện khác:
Ba chị Cúc dữ như vậy, ai dám đi hỏi chị Cúc làm vợ?
Dám chớ mắc chi không dám? – Con Hường khẳng định – Trước sau gì cũng phải có người đi hỏi con Cúc chớ.
Lâm rụt cổ:
Ai to gan vậy?
Làm răng tui biết được. Nhưng muốn làm chồng con Cúc thì phải dữ hơn ba con Cúc. Để ông chém thì mình chém lại. Mình phải rèn một cây rựa to gấp đôi cây rựa của ổng, có rứa ổng mới ngán.
Con Hường ăn nói vô tâm nhưng Lâm có cảm tưởng con nhỏ này đang bày cách cho mình. Nhưng cái cách của con Hường làm Lâm phát ớn lạnh. Lấy vợ mà giống như Thạch Sanh chém Chằn tinh, Lâm nhắm bộ mình làm không thấu.
Từ đó Lâm không dám quấn quít con Hường nữa, sợ phải nghe những điều ghê rợn.
Tối tối Lâm nằm bên thằng Cải, chúi đầu ôn tập, thấp thỏm chờ con Cúc trở vô để hỏi cho ra lẽ.
Nhưng ác một nỗi, hôm con Cúc vô thằng Lâm lại nhìn không ra.
Bữa đó Lâm đang ngồi trong quán ngóc cổ ngó ra, thấy một con nhỏ đen thùi lùi, tóc tai quăn queo xách giỏ đi xăm xăm vô quán, liền đứng dậy đon đả:
– Mời chị ngồi.
Thằng Lâm lộn cũng phải. Thằng Cải gần gũi thân thiết với con Cúc là thế, lại đang ngồi ngoài hiên sáng trưng, vậy mà khi con Cúc đi ngang mặt, nó cứ giương mắt ra ngó như ngó một người lạ, biểu thằng Lâm đứng trong nhà làm sao nhìn cho ra.
Con Cúc thấy thằng Lâm mời mọc, cũng không đính chính gì, thản nhiên ngồi vô bàn. Lâm đặt cái khăn lạnh và tờ thực đơn xuống trước mặt con Cúc rồi lui ra sau một bước, lễ phép đứng đợi.
Con Cúc tính chọc thằng Lâm chơi nhưng không dám mở miệng, sợ thằng Lâm nhận ra. Còn thằng Lâm thấy khách trầm ngâm lâu lắc, nghĩ chắc khách phân vân không biết kêu món gì, liền xích lại, vui vẻ “tham mưu”:
– Chị ăn thử mì Quảng đi! Món ruột ở quán này đó.
Con Cúc đang chưa biết tính sao, nghe thằng Lâm “nhắc tuồng”, liền mừng rỡ gật đầu lia. Cứ vậy, con Cúc tỉnh bơ đóng vai khách. Ngay cả khi nó ăn gần hết nửa tô mì, đám loi choi trong quán vẫn chưa biết người ngồi đó là nó.
Con Lệ ngồi bên trong thờ ơ ngó ra, còn con Lan thì lượn tới lượn lui trước mặt con Cúc một cách hờ hững.
Sở dĩ có chuyện như vậy tại vì con Cúc bây giờ chẳng hề giống chút gì với con Cúc nửa tháng trước đó.
Trước khi rời khỏi quán Đo Đo, con Cúc trắng trẻo, xinh xắn bao nhiêu thì khi quay lại nó đen đúa và xấu xí bấy nhiêu. Quần áo nó mặc lụng thà lụng thụng, đầu tóc quăn queo, khô cứng, người ngợm thì khét nghẹt, trông nó như bà già sáu mươi vừa từ dưới bùn lên. Mãi đến khi con Hường từ trong bếp lơn tơn đi ra, con Cúc mới bị phát hiện.
Thấy con Cúc ngồi ăn mì tỉnh rụi, con Hường sửng sốt ré lên:
– Í, Cúc! Mi vô hồi mô rứa?
Rồi nó mừng rỡ chạy lại ôm chầm lấy bạn.
Mấy đứa trong quán nghe con Hường la bài hãi, kinh ngạc bu lại.
Con Lan cúi lom khom, dòm con Cúc một hồi rồi ngửa mặt kêu trời:
– Trời đất! Con Cúc thiệt bà con ơi!
Thằng Cải quýnh quíu bay vô nhà, bất kể câu “nam nữ thọ thọ bất thân”, ôm vai con Cúc, lắc như lắc chiếc xe hết xăng:
Cúc ơi là Cúc! Cúc tính gạt Cải, gạt mọi người hả Cúc? Con Lệ thò tay cốc đầu con Cúc:
Giỏi đóng kịch nè! Bữa nào hai ông Thành Lộc và Việt Anh tới đây, chị gửi em cho mấy ổng luôn đó!
Trong bọn chỉ có thằng Lâm là đứng trơ mắt ếch. Nó đứng lấp ló sau lưng con Lan con Lệ, mặt mày tẽn tò.
Xưa nay Lâm luôn miệng nói thương con Cúc, khi con Cúc về quê nó ngày đêm nói nhớ, vậy mà lúc người thương trở vô, nó lại nhận không ra. Phải chi nó đứng xa xa như mấy đứa kia còn đỡ, còn có cớ để thanh minh bào chữa, đằng này nó đứng sát rạt con Cúc chớ đâu. Quê nhứt là nó còn đem khăn lạnh, thực đơn, còn bô bô quảng cáo món mì Quảng với con Cúc. Con Cúc ăn gần hết tô mì, nó vẫn chưa biết người đang ngồi xì xụp kia chính là người nó đem lòng thương nhớ.
Cho nên khi con Hường la lên, Lâm vừa mừng vừa ngượng. Nó đứng chôn chân sau lưng mấy đứa kia, mặt mày Lâm lấm la lấm lét, cứ sợ con Cúc kêu mình là đồ Sở Khanh cần cảnh giác.
Con Cúc đâu có biết thằng Lâm đang lo sốt vó. Khi tụi con Lan con Lệ tản ra, nó ngước nhìn Lâm, mỉm cười:
Ủa, thấy Cúc vô, anh Lâm không mừng hả?
Mừng chớ! – Lâm ngượng ngập.
Mừng răng anh Lâm không nói không rằng chi hết trơn rứa? Lâm bẽn lẽn:
Em làm anh quê quá!
Quê chuyện gì?
Lâm ấp úng:
Lúc nãy anh không nhận ra em. Con Cúc cười:
Một tỉ người không nhận ra chớ đâu phải mình anh Lâm!
Nhưng anh khác.
Khác răng?
Lâm ngó quanh một vòng rồi lí nhí:
Anh thương em. Con Cúc cười hì hì:
Anh Lâm thương là thương con Cúc trắng trẻo kia chớ đâu phải thương con Cúc đen thui ni.
Con Cúc làm thằng Lâm đỏ mặt. Nó không hiểu con Cúc nói vậy là nói chơi hay có ý chi hờn giận. Lâm tính nói “Đen trắng gì anh cũng thương hết” nhưng nó chưa kịp mở miệng thì cô Thanh đã bước ra. Cô nhìn con Cúc, trách yêu:
Nghe con Lệ nói mi về quê có nửa tháng mà đã biết làm xiếc rồi hả?
Con giỡn chơi mà cô!
Cô Thanh trợn mắt nhìn con Cúc từ đầu tới chân rồi từ chân lên đầu, ngạc nhiên hỏi:
Mi về quê ăn giỗ chớ bộ về đi cày sao mà thay đổi quá vậy? Con Cúc vuốt mớ tóc quăn queo:
Con là con gái cày bừa răng nổi, cô!
Chớ sao mi đen thui vậy?
Con đi cấy!
Cấy? – Cô Thanh chưng hửng – Chớ sao mi nói mi về quê ăn giỗ?
Dạ, ăn giỗ xong, con đi cấy! – Con Cúc cười đáp, coi chuyện về quê đi cấy là chuyện tự nhiên, thậm chí nó còn huơ tay khoe – Con Hường đi, con cấy giùm luôn phần của nó nữa đó, cô!
Thằng Lâm đứng nghe, lòng bâng khuâng quá đỗi. Hóa ra con Cúc xin nghỉ phép về quê cốt để phụ ba mẹ nó cấy lúa. Con Cúc đi làm xa, lòng vẫn thương ba mẹ lam lũ. Nó không quản nắng mưa, không lo giữ gìn nhan sắc, suốt ngày lặn lội ngoài đồng hèn chi ngày nó vô không đứa nào trong quán nhận ra. Tội nghiệp nó ghê!