Số thằng Lâm mấy bữa nay đúng là số ăn mày. Nó chưa kịp nguôi nỗi buồn con Cúc đã gặp tiếp bao chuyện dở cười dở khóc khác.
Từ ngày bà Fanta xuất hiện và thường xuyên bám trụ tại quán Đo Đo, các ông Tây bà đầm lần lượt noi gương, kéo nhau vô quán.
Con Lan bây giờ thấy khách ngoại quốc bụng đã bớt run nhưng vẫn đùn nhiệm vụ giao tiếp cho “nhà trí thức” Lâm.
Thằng Lâm lăm le thi vô Đại học Kinh tế, hai năm nay chỉ lo ôn luyện toán lý hóa, phần tiếng Anh chẳng rớ vô lấy một chữ. Vì vậy mà vốn liếng ngoại ngữ của nó trước đây vốn chẳng nhiều nhặn gì nay coi như đã hao hụt gần hết.
Chỉ từ khi bà Fanta đặt chân vô quán, nó mới lôi mấy cuốn sách dạy tiếng Anh ra nhẩm tới nhẩm lui để đối phó với hoàn cảnh. Nhưng bà Fanta nói tiếng Việt như sáo, Lâm chẳng có mấy dịp thực tập tiếng Anh.
Mãi đến gần đây, người nước ngoài đi ăn nhiều, thằng Lâm mới có cơ hội bập bẹ “Can I help you?”, “Wait a minute!” một cách oai phong.
Lâm “xổ” tiếng Anh quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy câu đơn giản nhưng đám con Lan, con Cúc phục lăn. Trong bọn có được một đứa biết nói chuyện xí lô xí là với mấy ông Tây bà đầm, “sự kiện” đó khiến tụi lóc chóc trong quán vô cùng hãnh diện và có cảm tưởng giá trị của mình tăng vọt hẳn lên.
Chắc chắn tai họa sẽ không có cớ để xảy ra nếu thằng Lâm cứ trung thành với mấy câu “Ông, bà cần gì?”, “Xin chờ một lát!” quen thuộc kia.
Đằng này, khi không nó ưng làm oai. Một bữa, thấy ông Tây quen dẫn theo hai thằng Tây con khoảng chín, mười tuổi vô quán, nó bước lại:
– Can I help you?
Lâm hỏi cho có lệ, chớ nó biết ông khách này trước nay chỉ ăn mỗi món bún thịt bò xào. Ông Tây cười, giơ ba ngón tay lên và nói lúng búng một câu không dấu:
– Ba-tô-bun.
Lát sau, Lâm bưng ba tô bún ra đặt trước mặt khách. Nếu ngay lúc đó, nó quay đi như mọi khi thì không sao. Đằng này không hiểu cao hứng thế nào, nó lại chỉ tay vô hai thằng nhóc ngồi cạnh ông Tây, vui vẻ hỏi:
– Are they my children?
Lâm muốn hỏi “Chúng có phải là con ông không?”, nhưng thay vì nói “your children” thì nó lại quýnh quáng nói nhằm thành “my children”, thành ra “Chúng có phải là con tôi không?”.
Ngay lúc đó Lâm không nhận ra sai lầm tai hại của mình. Cho nên vừa hỏi xong, thấy ông khách quen sầm mặt xuống và đùng đùng đứng dậy dắt hai đứa con bỏ đi một nước, Lâm ngơ ngác ngó theo, miệng ú ớ không nói được tiếng nào, cũng không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao.
Nó cúi nhìn ba tô bún, coi có con sâu hay con ruồi nào trong đó khiến khách giận dữ bỏ về không nhưng chẳng thấy gì cả.
Lâm đứng đực, vỗ vỗ trán một hồi mới hoảng vía nhớ ra chữ “my children” bá láp trong câu hỏi của mình, liền tái mét mặt “a” lên một tiếng, suýt chút nữa xỉu lăn ra giữa quán. Con Lan thấy lạ, chạy ra:
Có chuyện gì vậy anh Lâm?
À, à, không có gì! – Lâm ấp úng đáp, mặt vẫn còn thất thần. Con Lan nhìn ba tô bún còn y nguyên trên bàn, ngạc nhiên:
Ủa, sao khách không ăn gì hết vậy nè?
Thằng Lâm không đáp, đặt ba tô bún trở lại vô khay, lầm lũi bưng đi.
Cô Thanh nhác thấy, hỏi:
– Sao vậy Lâm?
Lâm cúi gằm đầu, làm thinh đi luôn vô bếp. Một lát nó quay ra chỗ cô Thanh ngồi, móc túi lấy ra tờ hai chục ngàn:
Con trả tiền ba tô bún này nghe cô! Cô Thanh nhíu mày:
Mà chuyện gì vậy?
Thằng Lâm đỏ mặt liếc con Lan, hạ giọng:
Cô biểu con Lan đi chỗ khác, con mới nói được. Cô Thanh ngó con Lan cười:
Mi đi chỗ khác cho người lớn nói chuyện.
Con Lan bị đuổi, tức mình lắm. Nó nguýt thằng Lâm một cái dài thiệt dài mới chịu hậm hực quay đi.
Đợi con Lan đi tuốt ra xa, cô Thanh quay dòm thằng Lâm lom lom:
– Rồi, con nói đi!
Thằng Lâm tằng hắng bốn năm cái mới đủ can đảm thuật lại câu chuyện oái oăm khi nãy. Lâm kể ngắc nga ngắc ngứ, đến chỗ lộn “con ông” qua “con tôi”, nó nhìn trân trân xuống đất, mặt đỏ lên như tôm luộc.
Còn cô Thanh thì chúi gập trên bàn cuời rung cả người, cười sặc cười sụa, cười đến nỗi đám con Lệ con Cúc ngơ ngẩn nhìn nhau không rõ chuyện chi.
Cười một hồi cô ngồi thẳng lên, quẹt nước mắt, nói:
Con cất tiền đi! Lâm bối rối:
– Cô…
Cô Thanh khoát tay:
Con cứ cất tiền vô đi. Lỗi này đâu phải do con cố ý. Cô chép miệng:
Hơn nữa, cũng tại ông khách kia khó chịu.
Lâm đành nhét tiền vô túi. Nhưng trước khi nó quay đi, cô Thanh nghiêm nghị dặn:
Lần sao con có nói tiếng Tây hay tiếng Tàu phải rà tới rà lui cẩn thận nghe chưa.
Chuyện này thiệt ra không cần cô Thanh dặn. Ngay từ lúc phát hiện ra lầm lẫn tày đình của mình, Lâm đã ngắt tay vô đùi tự hứa với lòng. Rằng sẽ không bao giờ dại dột ra oai thêm một lần nào nữa.
Lâm kiên quyết giữ đúng lời hứa. Từ ngày đó trở đi, gặp khách ngoại quốc, nó dứt khoát chỉ xài những mẫu câu đáng tin cậy như “Can I help you?”, “Wait a minute!” mà thôi… Nhưng khổ nỗi, thằng Lâm tính là một chuyện, còn trời tính giống như nó hay không lại là chuyện khác.
Một hôm, bốn đứa loi choi hai trai hai gái lần trước bỏ chạy khỏi quán bỗng ào ào lục tục kéo vô.
Vừa thấy mặt bốn đứa này, Lâm đã phát bực. Nó không cách chi quên được câu chuyện “bánh nện bánh nổ” hôm nọ.
Dường như muốn làm thằng Lâm bực hơn nữa, vừa ăn xong một chén bánh bèo, đứa con trai trong bọn lôi thuốc ra hút. Hút mà không có hộp quẹt. Nên nó ngoắt Lâm:
– Cho mượn cái hộp quẹt đi anh!
Thấy điếu thuốc trễ một bên mép thằng kia, Lâm ngứa mắt quá chừng. Nhưng phận tiếp viên, khách nhờ đâu phải làm đó, Lâm đâu dám hó hé. Nó chạy ra chỗ thằng Cải ngồi:
Hộp quẹt đâu mày?
Hết ga rồi! – Cải nhún vai – Mày vô bếp mồi đi!
Khách hút chớ tao đâu có hút!
Lâm buông thõng một câu rồi quày quả đi vô.
Thằng kia nhác thấy Lâm, nhướn mắt hỏi:
Có không anh?
Dạ, anh chờ một chút!
Lâm dáo dác dòm quanh, bối rối rồi đáp.
Chợt thấy ông Tây ngồi ở chiếc bàn con kế đó miệng đang phì phèo thuốc lá,
Lâm mừng rỡ bước lại:
– Are you a lighter?
Lâm vừa bực vừa quýnh, động từ “to have”, “to be” dùng lộn tùng phèo. Nó định hỏi “Ông có hộp quẹt không?”, lại lúng túng nói thành “Ông có phải là cái hộp quẹt không?”.
Nhưng may cho Lâm, ở đời bao giờ cũng có kẻ vầy người khác. Ông Tây hôm trước khó tính bao nhiêu thì ông Tây bữa nay vui tính bấy nhiêu.
Trong khi bốn đứa loi choi bàn bên cạnh không nhịn được, ôm bụng cười rúc rích thì ông vẫn tỉnh bơ. Ông nhìn Lâm và trả lời bằng thái độ hết sức nghiêm trang:
– No, I’m not a lighter. I’m an engineer.
Thoạt đầu Lâm chợt ngớ ra, không hiểu sao ông Tây lại nói “Tôi không phải là cái hộp quẹt. Tôi là một kỹ sư”. Nhưng Lâm chỉ ngỡ ngàng một thoáng rồi hiểu ngay. Nó lạnh toát sống lưng khi biết mình lại vừa nói lộn và ông Tây đang giễu.
Sợ ông này nổi dóa bỏ về như ông Tây bữa trước, Lâm hoảng vía lắp bắp:
– Sorry, sorry. Yes, yes. You… are… not… a lighter.
Nhìn vẻ luống cuống của Lâm, ông Tây đang làm nghiêm cũng phải phì cười.
Ông cười và lấy cái hộp quẹt trong túi vui vẻ chìa ra.
Chỉ đến lúc đó, Lâm mới hoàn hồn. Nó bẽn lẽn cầm lấy cái hộp quẹt và “thank you” lia lịa. Nhưng nỗi khổ của Lâm chưa chấm dứt ở đó. Trong bốn đứa khách lóc chóc kia, thằng hút thuốc kia là đứa Lâm ghét nhì. Chính con nhỏ mang kiếng cận hôm trước ngồi hỏi tên hết thứ bánh này đến thứ bánh nọ rồi rú lên như bị ai bóp cổ mới là đứa Lâm ghét nhứt. Đó cũng là con nhỏ mà thằng Cải xuýt xoa khen đẹp.
Khi thằng Lâm chia lộn động từ “to have” qua “to be”, bốn đứa này đều nghe thấy, đều nhe răng khỉ ra cười. Tụi nó ngồi sát rạt bên ông Tây chứ đâu!
Nhưng ba đứa kia cười cho đã lúc đó rồi thôi. Riêng con nhỏ mắt kiếng mấy bữa sau quay lại, ngồi nhìn Lâm cười cười: “I’m not a lighter. I’m a student” khiến Lâm tức muốn ói máu. Sinh viên thì kệ mi chớ, sang năm ông thi đậu ông cũng là sinh viên vậy! Lâm nghiến răng làu bàu, lúc đó tự nhiên nó chẳng muốn yêu iếc, Cúc Kiếc chi cho lôi thôi, nó chỉ muốn học thiệt giỏi, ôn bài thiệt thuộc, thi đâu đậu đó cho con nhỏ quỷ kia biết tay.
Nhưng trước khi ôn toán lý hóa cho nhuyễn để đối phó với kỳ thi sắp tới, Lâm phải è cổ luyện tiếng Anh để trước mắt đối phó với các ông Tây bà đầm vô quán ngày một đông. Cứ nhớ lại hai lần “phát ngôn bậy bạ” của mình là tóc gáy Lâm muốn dựng đứng cả lên.
Khổ nổi, kinh nghiệm cho thằng Lâm biết, gì chớ tiếng nước ngoài dù ôn luyện cách mấy, lúc quýnh lên vẫn có thể lộn một cách trơn tru, thoải mái như thường. Do đó, Lâm chỉ mong gặp được các vị khách ngoại quốc dễ tính như ông “Lighter” nọ. Chớ ai cũng giống như ông “My Children” chắc Lâm bị cô Thanh đuổi việc sớm.
Nhưng loại khách ngoại quốc mà thằng Lâm ưa chuộng nhứt là khách đi theo cặp “Tây-ta” đề huề. Nghĩa là một ông Tây đi kèm với một cô vợ Việt Nam hoặc một bà đầm đi cặp với một ông chồng “nội địa”.
Gặp những cặp khách như vậy, thằng Lâm khỏe re.
Như mới đây, một cô ca sĩ nổi tiếng gốc gác xứ Quảng dẫn ông chồng Tây vô quán Đo Đo.
Lâm dân Tây Ninh, ít có dịp đến các tụ điểm ca nhạc, lại không thường xem ti-vi nên không biết khách là ca sĩ lừng danh Ánh Tuyết.
Thấy khách đi chung với ông Tây, Lâm mừng húm, bước lại “xổ” tiếng… Việt ro ro:
– Mời cô chú ngồi. Dạ, cô chú dùng chi ạ?
Khách cầm lên tờ thực đơn, liếc sơ qua rồi quay nhìn Lâm:
Mì quảng ở đây ngon không?
Dạ, chắc… ngon.
Khách nói giọng Quảng rặt:
Ngon thì ngon chớ răng lại chắc ngon! Ngon nhưng mà có đúng không? Lâm gãi đầu:
Dạ, đúng là sao ạ?
Khách mỉm cười:
Đúng là răng mà mi cũng không biết hả? Đúng tức là không lai đó. Rồi thấy thằng Lâm vẫn đứng trơ mắt ếch, khách cụ thể hơn:
Quán Đo Đo có bỏ chả lụa vô tô mì không?
Dạ không ạ. Ở đây chỉ nấu nhưn bằng tôm, thịt heo, thịt gà thôi cô.
Vậy mi cho hai tô.
À, mi làm cho nóng nghe. Mì mà nguội ngắt ăn đau bụng chết đó mi.
Cô yên tâm.
Cổ là ca sĩ đó! – Con Lệ nói. Con Cúc xuýt xoa:
Em thấy cô nớ trên ti-vi mấy lần. Thằng Lâm ngạc nhiên:
Cái gì? Cô khách đó là ca sĩ hả? Con Lệ ra vẻ hiểu biết:
Ca sĩ Ánh Tuyết đó. Cổ hay hát cái bài gì mà “Chúng em xin hái dâng chàng trái đào thơm” đó.
Chuyện dâng đào thơm tính sau! – Lâm cười – Bây giờ Lệ dâng cho cổ hai tô mì lẹ lẹ đi!
Khi Lâm bưng hai tô mì ra đặt trước mặt khách, ca sĩ Ánh Tuyết vừa đụng vào tô mì, đã rụt phắt tay lại:
– Trời ất, mi tính ám sát cô hả?
Gì vậy cô? – Lâm thót bụng lại. Ca sĩ Ánh Tuyết nhìn lom lom tô mì:
Răng nó nóng sôi rứa?
Ủa, cô kêu làm cho nóng mà! – Lâm bối rối đáp, rồi nó rụt rè đề nghị – Vậy cô để con ngâm tô mì vào thau nước đá cho nó nguội bớt.
Mi đừng có nói lung! Bỏ vô nước đá thì còn chi là mì!
Ca sĩ Ánh Tuyết nheo mắt nhìn Lâm khiến nó lúng túng quay mặt đi chỗ khác, bụng nghĩ: Cô này lúc kêu nóng lúc kêu đừng nóng, ngộ ghê!
Một giọng đàn ông thình lình vang lên sau lưng khiến Lâm sửng sốt:
– Kệ, nóng ăn mới ngon!
Nó giật mình quay lại, thấy ca sĩ Ánh Tuyết và ông Tây ngồi cạnh đang cắm cúi ăn mì, mặt bất giác ngẩn ra, không biết ai nói cái câu vừa rồi.
Nó tính hỏi cô Ánh Tuyết xem ai vừa lên tiếng nhưng lại thấy bất lịch sự quá, bèn tặc lưỡi nói sang chuyện khác:
– Cô cần gì thêm nữa không?
Lần này, ca sĩ Ánh Tuyết chưa kịp đáp, ông Tây ngồi cạnh đã vọt miệng:
– Cho tôi và nhà tôi thêm bánh đa, húng lủi, bắp chuối và ớt bột.
Trời đất, Lâm la thầm trong bụng, Tây mà biết kêu húng lủi, bắp chuối, ớt bột, lại còn gọi vợ mình là “nhà tôi” nữa!
Trong khi Lâm đứng trợn mắt như đang thấy ma, ông Tây tỉnh bơ tiếp, vừa nói ông vừa nháy mắt chọc ghẹo Lâm:
Cho thêm hai phần bánh đập mắm nêm nữa. Lấy mắm nguyên chất, đừng pha nghe! Ờ, nhớ thêm vài trái ớt sừng trâu!
Ông Tây càng nói, Lâm càng nghe tai mình ù ù như xay lúa, bụng bảo dạ: Hổng lẽ ông này là Tây lai?
Thấy thằng Lâm muốn xỉu tới nơi, ca sĩ Ánh Tuyết vỗ vai nó:
Có chi mô mà lạ! Ông xã cô là người Pháp, nhưng làm rể Quảng Nam mấy năm rồi. Bây giờ ổng ghiền mắm cái và cá chuồn thính còn hơn cô nữa đó.
Ông Tây xác nhận lời “ca ngợi” của vợ bằng cách lúc ra về, khi thằng Lâm gật đầu:
Chào chú! Ông bắt bẻ liền:
Quán Quảng Nam không nói “chào chú”! Phải nói “chồ chú” mới đúng, biết không mi?
Một lần nữa, thằng Lâm thấy chóng mặt quá. Nói tiếng Việt như bà Fanta đã “độc chiêu”, còn nói tiếng Việt như ông Tây này thì đúng là… rợn tóc gáy!
Vì vậy mà thằng Lâm cứ đứng há hốc miệng ngó theo. Hai vợ chồng ca sĩ Ánh Tuyết đã khuất dạng từ lâu rồi mà miệng nó vẫn chưa ngậm lại được.