“Tồn tại có trước bản chất.” Nếu anh đồng ý với mệnh đề này, anh là một nhà hiện sinh chủ nghĩa. Nếu không, anh vẫn tồn tại, chỉ có điều về bản chất anh nằm ngoài sự tồn tại.
DIMITRI: Tasso ạ, tôi phải thú nhận rằng, đôi khi tôi ước gì mình giống cậu hơn.
TASSO: Nhưng cậu không thể giống tôi được! Theo quan điểm hiện sinh, cậu là con người tự tạo nên chính mình! Cậu là kẻ do cậu tạo ra!
DIMITRI: Thế thì tuyệt quá! Vì tôi lúc nào cũng muốn được cao như cậu.
xXx
Để tiếp cận chủ nghĩa hiện sinh, chúng ta cần nhắc lại đôi chút về chủ nghĩa tuyệt đối ở thế kỷ mười chín của Hegel, quan điểm triết học cho rằng chỉ có thể thấy được bức tranh chân thực của đời sống khi nhìn từ bên ngoài vào. Phải chăng là Rodney Dangerfield từng nói, “Nhiều phần trong một hài kịch xuất sắc nhất có thể tìm thấy ở xung đột giữa cái Tuyệt đối của Hegel và cảm thức tồn tại vong thân của con ngườì?” Có lẽ không phải. Nhưng nếu đó là ông, thì truyện cười kinh điển sau đây có lẽ là điều mà Rodney ngụ ý.
Một anh chàng đang làm tình với vợ bạn thân nhất của mình thì nghe thấy tiếng xe của người chồng về. Anh chàng vội trốn vào tủ áo. Người chồng vào nhà, mở tủ để treo áo thì thấy bạn chí cốt của mình đang đứng trần truồng bên trong. “Lenny, cậu làm gì ở đây vậy?”
Lenny ngượng nghịu nhún vai đáp, “Ai cũng phải ở đâu đó chứ.”
Đó là câu trả lời của trường phái Hegel cho câu hỏi của chủ nghĩa hiện sinh. Người chồng muốn biết tại sao lại là Lenny chứ không phải ai khác ở trong tình huống tồn tại đặc biệt này - trần truồng và ở trong tủ áo của anh! Nhưng người được coi là bạn của anh, Lenny, vì lý do riêng của mình, lại chọn trả lời câu hỏi khác: “Tại sao bất cứ ai cũng phải ở đâu đó, chứ không thể không ở đâu?”, một câu hỏi chỉ có ý nghĩa khi bạn là một triết gia Đức cao siêu cỡ Hegel.
Georg Wilhelm Friedrich Hegel khẳng định lịch sử là “Tinh thần Tuyệt đối” diễn tiến theo thời gian. Tinh thần của một thời đại (chẳng hạn, chủ nghĩa tuân thủ cứng nhắc của thập niên 1950) đã sinh ra phản đề của nó (phong trào hippie ở thập niên 1960) và sự va chạm của chúng tạo nên hợp đề mới (“các hippie giả hiệu” của thập niên 1970 như những chủ nhà băng ở Wall Street với mốt tóc Beatles).
Và cứ thế tiếp diễn, liên tục không ngừng, phép biện chứng của chính đề / phản đề / hợp đề (đang trở thành một chính đề mới...)
Hegel cho rằng ông đã nhảy ra ngoài lịch sử và nhìn xuống “Toàn Thể” từ điểm nhìn siêu nghiệm. Ông gọi điểm nhìn này là cái Tuyệt đối. Và nhìn từ đó, thế giới xem ra không quá tệ. Chiến tranh ư? Chỉ là những vận động biện chứng. Dịch hạch ư? Chỉ là một vận động khác. Bất an ư? Đừng lo. Phép biện chứng đang vận hành, và chúng ta không thể làm gì được cả. Chỉ nên giữ cho chắc và dự phần vào hoạt cảnh. Hegel cho rằng ông đang nhìn vào lịch sử từ điểm nhìn của Chúa!
___oOo___
Hãy nhớ lại ca khúc vàng một thời “From the Distance” của Bette Midler, trong đó Divine Miss M. (Một nghệ danh của nữ ca sĩ Mỹ Bette Midler) tưởng tượng nhìn thế giới từ trên cao, thấy mọi thứ hài hòa và đẹp đẽ. Đó chính là khoảng cách mà từ đó Hegel đã nhìn thế giới. Bài hát kết thúc với hình ảnh Chúa nhìn xuống khung cảnh mênh mông qua đôi vai của Bette. Ai có thể ngờ được rằng Bette Midler là môn đệ của Hegel?
***
Nhưng người cùng thời của Hegel là Søren Kierkegaard đã xuất hiện, và ông thẳng tay sổ toẹt. “Tất cả đều tốt đẹp từ điểm nhìn của cái Tuyệt đối thì có nghĩa lý gì?” Søren hỏi. Đó không phải - và không thể - là điểm nhìn của những cá nhân hiện sinh. Với tuyên bố này, chủ nghĩa hiện sinh ra đời. “Tôi không phải là Chúa,” Søren nói. “Tôi là một cá nhân. Ai quan tâm đến sự thanh bình ở tít trên cao ấy? Tôi đang ở ngay đây, chính trong giây phút này và tôi đang bất an. Tôi đang rơi vào tuyệt vọng. Chính tôi. Sẽ ra sao, nếu vũ trụ vẫn cứ tiếp tục lăn đi - nếu nó luôn đe dọa đè bẹp tôi!”
Vì vậy, nếu Kierkegaard phát hiện ra bạn trong tủ của ông và hỏi, “Anh đang làm gì ở đây vậy?” thì chớ có đáp, “Ai cũng phải ở đâu đó chứ.” Lời khuyên của chúng tôi là: Hãy tùy cơ ứng biến.
Triết gia Pháp thế kỷ hai mươi Jean-Paul Sartre tiếp tục tư tưởng của Kierkegaard về nỗi cô đơn vô vọng của cá nhân và mở rộng các luận điểm về tự do và trách nhiệm của con người. Ông thể hiện tư tưởng chính của mình bằng mệnh đề “tồn tại có trước bản chất”, ý nói con người vốn không có bản chất tiền định, như chiếc mắc áo chẳng hạn. Chúng ta là bất định, luôn tự do tái tạo chính mình.
___oOo___
Jean-Paul Sartre bị lác và nói chung không phải là một anh chàng đẹp mã. Vì vậy, hoàn toàn có khả năng ông đã sửng sốt khi nghe người đồng sự hiện sinh chủ nghĩa Albert Camus mở rộng ý niệm của mình về tự do của con người với phát biểu, “Than ôi, đến một độ tuổi nhất định, mỗi con người phải chịu trách nhiệm về diện mạo của chính mình.” Thật thú vị, vì bản thân Camus có bề ngoài rất giống Humphrey Bogart (Diễn viên huyền thoại Hoa Kỳ, có gương mặt rất điển trai kiểu đàn ông).
***
Nếu chúng ta thấy bản thân mình chỉ như những khách thể có nhận dạng cố định, thì chúng ta ngừng Tồn tại, với chữ T viết hoa. Và có một cách để chúng ta thấy bản thân như những khách thể là thông qua đồng nhất với một vai trò xã hội. Sartre gọi điều đó là mauvaise foi (ngụy tín), hay niềm tin giả, một phương cách không đúng đắn.
Sartre quan sát người hầu bàn trong quán cà phê và nhận xét rằng làm người hầu bàn tức là làm ra vẻ một người hầu bàn. Những người hầu bàn học cách làm thế nào để trở thành hầu bàn bằng cách thể hiện ấn tượng của họ về một người hầu bàn. Những hầu bàn bước đi theo một điệu nhất định, gây ấn tượng bằng một thái độ nhất định, và lựa chọn một điểm nào đó trên cán cân giữa thân mật và thờ ơ xa cách... Điều này đúng đắn, chừng nào người hầu bàn ý thức được rằng đó chỉ là một vai diễn. Nhưng tất cả chúng ta đều biết những người hầu bàn đều tin rằng họ thật sự là hầu bàn, rằng về bản chất họ là kẻ đó. Très mauvaise foi!
Bằng những ví dụ cường điệu phóng đại, các truyện cười cười nhạo khuynh hướng đồng nhất bản thân một cách không suy xét của chúng ta với những thái độ và giá trị của các nhóm xã hội. Đây vốn là một kiểu “thí tốt” trong triết học: reductio ad absurdum (phép hệ quả phi lý hay phép phản chứng).
___oOo___
Reductio ad absurdum là kiểu lập luận logic mở rộng giả thuyết đến điểm phi lý để đi đến khẳng định rằng giả thuyết ngược lại do đó phải đúng, Có một lập luận reductio vẫn lan truyền khá phổ biến gần đây đã đi đến mức: “Nếu chúng ta mở rộng khái niệm hôn nhân đến mức gộp cả những kết hợp đồng giới, thì điều gì ngăn cản chúng ta chấp thuận cả những cuộc hôn nhân giữa người với thú mỏ vịt?”
***
Trong truyện vui reductio dưới đây, Sol đã cung cấp cái nhìn mới cho ý niệm ngụy tín liên quan đến sự đồng nhất bản thân với một nhóm.
Abe cùng dạo phố với người bạn của mình là Sol. Họ đi ngang qua một nhà thờ Công giáo, thấy trước cổng có dòng yết thị: “1.000$ cho bất kỳ ai cải đạo.”
Sol quyết định vào bên trong xem thực hư ra sao. Abe đợi ở ngoài. Nhiều giờ trôi qua. Cuối cùng, Sol ló ra.
“Thế nào?” Abe hỏi. “Có chuyện gì vậy?”
“Tớ cải đạo rồi,” Sol nói.
“Đừng đùa!” Abe nói. “Cậu đã nhận một ngàn đô rồi hả?”
Sol nói, “Những người như cậu chỉ nghĩ đến chuyện đó thôi à?”
(Ồ, chúng tội lại đụng chạm mất rồi. Nhưng chúng tôi là triết gia. Có giỏi thì kiện chúng tôi đi!)
Mặt khác, cũng là ngụy tín khi chúng ta hình dung bản thân mình có những khả năng vô hạn, không bị bất kỳ câu thúc nào đối với tự do của chúng ta.
Hai con bò đứng trên đồng cỏ. Một con nói, “Cậu nghĩ thế nào về cái bệnh bò điên này?”
“Tớ quan tâm làm quái gì?” con kia đáp. “Tớ là một chiếc trực thăng.”
Đối với các triết gia hiện sinh, nỗi lo âu đích thực - họ gọi là “angst” (nỗi lo âu hiện sinh) bởi vì khi nói lên nó có vị cay đắng - không phải là một triệu chứng bệnh lý cần trị liệu. Không, nó là phản ứng căn bản của con người đối với chính những trạng thái hiện hữu của con người: cái chết tất yếu của chúng ta, sự bất lực không thể thực hiện trọn vẹn tiềm năng của chúng ta, và sự vô nghĩa nói chung của đời sống. Chỉ riêng điều đó cũng đủ khiến bạn ao ước trở thành một triết gia đầu rỗng thay vì một nhà hiện sinh.
Các nhà hiện sinh phân biệt rất rõ ranh giới giữa “nỗi lo âu hiện sinh”, chẳng hạn nỗi lo âu về cái chết mà họ coi là nền tảng của tồn tại người, với nỗi lo âu thông thường do phản ứng thần kinh, chẳng hạn nỗi lo của Norman:
Trông thấy bác sĩ, Norman thở dốc. “Thưa bác sĩ, tôi chắc chắn mình mắc bệnh gan rồi.”
“Vớ vẩn,” bác sĩ nói. “Nếu mắc bệnh gan thì anh không biết được đâu. Không có bất cứ biểu hiện khó chịu nào cả.”
“Chính xác!” Norman kêu lên. “Đúng là những triệu chứng của tôi đấy.”
Triết gia hiện sinh Đức thế kỷ hai mươi Martin Heidegger hẳn sẽ đáp, “Anh gọi đó là lo âu ư, Norman? Đúng là anh chưa hề sống. ‘Sống’ theo ý tôi nghĩa là mỗi khoảnh khắc đều luôn nghĩ về cái chết!” Heidegger còn đi xa đến mức phát biểu rằng sự tồn tại của con người là tồn-tại-hướng-đến-cái-chết. Để sống đích thực, chúng ta phải đối mặt với sự thật là chúng ta sẽ phải chết, và nhận lấy trách nhiệm sống một cuộc đời có ý nghĩa dưới bóng của cái chết. Chúng ta không được cố tránh thoát nỗi lo âu cá nhân và trách nhiệm cá nhân bằng cách chối bỏ sự thật về cái chết.
Ba người bạn chết trong một tai nạn xe hơi gặp lại nhau tại buổi họp mặt đầu tiên trên thiên đường. Vị thiên sứ chủ trì hỏi họ thích nghe bạn bè thân hữu nói gì về mình nhất khi đang nằm trong linh cữu.
Người thứ nhất nói, “Tôi mong mọi người sẽ nói tôi là một bác sĩ xuất sắc và là người chồng, người cha tốt của gia đình.”
Người thứ hai nói, “Tôi muốn nghe mọi người nói rằng tôi là một thầy giáo đã tạo nên lại những thay đổi lớn trong cuộc đời lũ trẻ.”
Người thứ ba nói, “Tôi thì muốn nghe có ai đó kêu lên, Trông kìa, anh ấy đang động đậy!’”
Đối với Heidegger, sống dưới bóng cái chết không chỉ là can đảm hơn; đó còn là cách sống đích thực duy nhất, bởi vì tận số của chúng ta có thể đến bất cứ lúc nào.
___oOo___
Bức biếm họa này minh họa cho giới hạn tự do của chúng ta. Một người có thể cân nhắc hợp lý việc trở thành một chứng nhân Jehovah, nhưng anh ta liệu có thể cân nhắc nghiêm túc việc biến thành vịt không?
Bức tranh này còn ẩn chứa một câu đố hiện sinh, ấy là “Lũ vịt nghĩ chúng là cái quái gì nhỉ?”
***
Một người hỏi thầy bói, thiên đường trông như thế nào. Thầy bói chăm chú nhìn vào quả cầu pha lê và nói, “Hừ, tôi thấy cả tin vui lẫn tin buồn. Tin vui là trên thiên đường có mấy sân golf đẹp không tưởng tượng được.”
“Chà, tuyệt quá! Thế còn tin buồn?”
“Sáng mai 8:30 ông bắt đầu phải chơi ở đó.”
Bạn vẫn chối bỏ cái chết? Hãy thử đọc thêm câu chuyện sau:
Họa sĩ: Tranh của tôi bán chác thế nào?
Chủ phòng tranh: Ờ, có cả tin hay lẫn tin dở đây. Có một người đến hỏi tôi liệu ông có phải là họa sĩ mà tác phẩm sẽ có giá trị hơn sau khi chết không. Thấy tôi bảo đúng, ông ta đã mua toàn bộ tranh của ông ở đây rồi.
Họa sĩ: “Chà, tuyệt quá! Thế còn tin dở?”
Chủ phòng tranh: “Ông ta là bác sĩ của ông.”
Nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng được nghe những câu chuyện về cái chết mà nhân vật trong đó dám nhìn thẳng vào nỗi sợ hiện sinh tột cùng và cười nhạo nó. Gilda Radner đã có dũng khí để kể câu chuyện dưới đây với khán giả sau khi bà bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối.
Gilda Radner (1946-1989): diễn viên hài nổi tiếng của Mỹ.
Một phụ nữ bị ung thư đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ nói, “Ừm, e rằng chúng tôi cũng hết cách rồi. Cô chỉ còn sống được tám giờ nữa thôi. Hãy về nhà và tận hưởng nốt.”
Người phụ nữ về nhà, báo tin cho chồng, rồi nói, “Anh yêu, chúng ta hãy làm tình với nhau suốt đêm nay nhé.”
Anh chồng đáp, “Em cũng biết là có khi em có hứng làm tình, có khi không phải không? Đúng đêm nay anh lại không có.”
“Chiều em đi,” người vợ cầu xin. “Đây là ước nguyện cuối cùng của em đó, anh yêu.”
“Nhưng mà anh không có hứng,” anh chồng nói.
“Em van anh đấy, anh yêu!”
“Này,” người chồng nói, “em nói thì dễ đấy. Sáng mai em có phải thức dậy đâu!”
Nhấn mạnh sự cần thiết phải đối mặt với nỗi sợ chết, các nhà hiện sinh đã giúp thúc đẩy một phong trào hỗ trợ những người bệnh hấp hối, dựa trên nền tảng triết lý đạo đức sinh học thế kỷ 20 của bác sĩ Elisabeth Kübler-Ross, kêu gọi chấp nhận cái chết một cách trung thực nhất.
Khách trong tiệm ăn: Anh chuẩn bị gà này như thế nào?
Đầu bếp: Ô, chẳng có gì đặc biệt lắm. Chúng tôi chỉ nói với chúng là chúng sắp chết thôi.
xXx
TASSO: Cậu cười cái gì? Tôi đang nói về nỗi sợ hiện sinh trước cái chết. Đấy đâu phải chuyện đáng cười.
DIMITRI: Nhưng có những thứ còn tệ hơn cái chết.
TASSO: Tệ hơn cái chết? Chẳng hạn như cái gì?
DIMITRI: Cậu đã bao giờ phải ngồi nguyên buổi tối với Pythagoras chưa?