Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Thuyết Khắc Kỷ

Vấn đề đạo đức mà những nhà khắc kỷ ở thế kỷ thứ tư trước Công nguyên quan tâm là phải phản ứng thế nào với xu thế thống trị của thuyết định mệnh, vốn là đặc trưng cho cuộc sống trong một đế chế bị kiểm soát ngặt nghèo. Họ không thể thay đổi bất kỳ điều gì trong cuộc sống hằng ngày, nên quyết định thay đổi thái độ đối với chính cuộc sống. Họ chỉ còn có cách kiểm soát cá nhân. Phái Khắc kỷ lựa chọn chiến lược tách cảm xúc khỏi cuộc sống. Họ gọi thái độ của họ là apathia (vô cảm xúc), và đối với người khắc kỷ, vô cảm xúc là đức hạnh, mặc dù điều đó biến họ thành trò cười trong các quán rượu địa phương. Những người khắc kỷ tự nguyện chối bỏ một số khoái lạc (tình dục, ma túy, và rượu chè) để tránh những điều bất hạnh mà những đam mê của bản thân mang lại (bệnh tình dục, say xỉn, và nói năng bừa bãi). Họ chỉ hành động theo lý trí, không bao giờ theo đam mê, và coi mình là những người duy nhất thực sự hạnh phúc - mặc dù điều này chỉ nói lên rằng họ không-bất-hạnh.

Trong câu chuyện sau đây, ông Cooper thể hiện một dạng khắc kỷ hiện đại: khắc kỷ qua ủy nhiệm.

Vợ chồng nhà Cooper tới tiệm nha khoa, ở đây ông Cooper cho biết ông đang rất vội. “Khỏi cần dùng mấy thứ rườm rà đó, bác sĩ ạ!” ông yêu cầu. “Không gây tê, không tiêm hay gì gì hết, ông cứ nhổ cái răng ra là được rồi.”

“Ước gì tôi có nhiều bệnh nhân khắc kỷ như ông nhỉ,” nha sĩ thán phục thốt lên. “Đâu, ông nhổ chiếc răng nào?”

Ông Cooper quay sang vợ. “Há miệng ra đi cưng.”

___oOo___

G K. Chesterton từng viết: “Từ ‘tốt’ có nhiều nghĩa. Chẳng hạn, nếu một gã sắp bắn mẹ của hắn từ khoảng cách năm trăm mét, tôi có thể gọi hắn là một tay súng tốt, nhưng không nhất thiết là con người tốt.” Cái hạn định “nhất thiết” kia chứng tỏ Chesterton sử hữu bộ óc triết học thực thụ.

Gilbert Keith Chesterton (1874-1936): nhà văn, nhà thơ, triết gia người Anh.

***