Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Phương Pháp Khoa Học

Ngày nay, có lẽ không cần thông minh lắm ta cũng biết rằng toàn bộ tri thức về thế giới bên ngoài đều được lĩnh hội thông qua các giác quan của chúng ta. Nhưng xưa kia thì không phải lúc nào cũng vậy. Trong quá khứ, nhiều triết gia cho rằng có những ý niệm bẩm sinh hiện hữu trong trí óc chúng ta là tiên nghiệm (a priori) - tức là có trước kinh nghiệm. Một số triết gia coi các ý niệm của chúng ta về Chúa là bẩm sinh; nhiều người khác khẳng định rằng tư tưởng của chúng ta về tính nhân quả cũng là bẩm sinh.

Thậm chí bây giờ, khi ai đó nói, “Mọi sự xảy ra đều có lý do”, hay “Tôi tin vào sự đầu thai”, thì mệnh đề anh ta nêu lên đều không thể khẳng định hay phủ định bằng kinh nghiệm. Nhưng phần lớn chúng ta thừa nhận rằng bằng chứng xác tín nhất về tình trạng thế giới bên ngoài là kinh nghiệm thuộc cảm giác, và theo nghĩa đó tất cả chúng ta đều là những nhà chủ nghĩa kinh nghiệm. Tất nhiên, trừ phi chúng ta là vua nước Ba Lan, một ngoại lệ chứng minh cho nguyên tắc sau:

Đức vua Ba Lan cùng đoàn tùy tùng toàn các vị vương hầu bá tước vào rừng săn nai. Đoàn săn hoàng gia vừa đến gần khu rừng, bỗng từ sau một thân cây có gã nông nô chạy vụt ra, vẫy tay rối rít và la lên, “Tôi không phải là một con nai!”

Nhà vua bèn rút cung tên, bắn thủng tim gã nông nô, giết chết hắn trong tích tắc.

“Tâu bệ hạ,” một công tước thưa, “sao ngài tại làm thế? Hắn đã kêu rằng hắn không phải là nai kia mà.”

“Trời ơi,” nhà vua đáp. “Thế mà ta cứ tưởng hắn nói hắn là một con nai.”

Thôi được, giờ ta sẽ so sánh ông vua ấy với một nhà khoa học có đẳng cấp.

Một nhà khoa học cùng vợ chạy xe về nông thôn. Cô vợ nói, “Ô, anh nhìn kìa! Lũ cừu đã được xén lông.”

“Ừ,” nhà khoa học đáp. “Phía bên này thôi.”

Thoạt tiên chúng ta có thể nghĩ rằng người vợ chỉ nói ra một ý kiến dựa trên kinh nghiệm thông thường, còn nhà khoa học thì nêu quan điểm cẩn trọng và mang tính khoa học hơn, từ chối sử dụng bằng chứng không có trong cảm giác của bản thân. Nhưng chúng ta đã lầm. Thật ra chính câu nói của người vợ mới là định thức được đa số các nhà khoa học coi là giả thuyết mang tính khoa học hơn. “Kinh nghiệm” của nhà kinh nghiệm chủ nghĩa không hạn chế trong kinh nghiệm cảm giác trực tiếp. Các nhà khoa học dùng những kinh nghiệm trước đó của mình để tính toán các khả năng và suy ra những nhận định tổng quát hơn. Điều mà người vợ nói thật ra là, “Thứ tôi nhìn thấy là những con cừu đã được xén lông, ít nhất là từ phía bên này. Từ kinh nghiệm trước đây tôi biết rằng người nuôi cừu thường không xén lông cừu chỉ một bên hông, và ngay cả khi họ làm như thế, thì khả năng để lũ cừu tự sắp xếp trên sườn đồi sao cho phần đã xén lông của chúng quay ra đường là vô cùng nhỏ. Nên tôi cảm thấy chắc chắn khi nói rằng, “Lũ cừu kia đã được xén sạch lông.”

Chúng tôi đồ rằng nhà khoa học trong truyện cười này thuộc loại ngộ chữ. Hoặc nói rõ hơn, chúng tôi cho rằng một người không thể suy luận bằng kinh nghiệm sẵn có của mình thì thật tối dạ, hay đúng là một Sardar - theo cách nói của người Ấn Độ.

(Sardar là tước vị phổ biến trong cộng đồng người Sikh (Ấn Độ). Trước khi người Anh chiếm Punjab vào năm 1849, Sardar được dùng để gọi các thủ lĩnh quân sự và đại diện tầng lớp phong kiến người Sikh. Khi châm biếm, hài hước, Sardar đồng nghĩa với “tối dạ, ngốc...”)

Một cảnh sát New Delhi tiến hành sát hạch ba Sardar được huấn luyện làm thám tử. Để khảo sát kỹ năng nhận diện kẻ tình nghi của bọn họ, anh ta cho Sardar thứ nhất xem một bức ảnh trong năm giây rồi giấu đi. “Đây là một kẻ tình nghi. Anh nhận ra hắn bằng cách nào?”

Anh chàng Sardar đáp, “Rất dễ, chúng ta sẽ tóm được hắn ngay vì hắn chỉ có một mắt!”

Viên cảnh sát nói, “Anh đúng là Sardar! Đó là bởi vì bức ảnh tôi cho anh xem là hình chụp nghiêng.”

Sau đó, viên cảnh sát lại giơ bức ảnh ra trong năm giây và hỏi Sardar thứ hai, “Đây là một kẻ tình nghi. Anh nhận ra hắn bằng cách nào?”

Sardar thứ hai mỉm cười và nói, “Ha! Bắt hắn quá dễ, vì hắn chỉ có một tai.”

Viên cảnh sát giận dữ, “Hai người các anh làm sao thế? Tất nhiên chỉ có một mắt và một tai lộ ra, vì đây là hình trông nghiêng của hắn! Đó là câu trả lời hay ho nhất mà các anh có được đấy rồi sao?”

Hết sức thất vọng, viên cảnh sát giơ bức ảnh cho Sardar thứ ba, hỏi bằng giọng gay gắt, “Đây là một kẻ tình nghi. Anh nhận ra hắn bằng cách nào?”

Sandar thứ ba nhìn bức ảnh chăm chú một lát rồi nói, “Kẻ tình nghi này mang kính áp tròng.”

Viên cảnh sát giật mình, vì chính anh ta cũng không biết kẻ tình nghi có mang kính áp tròng hay không. “Hay lắm, thật là câu trả lời thú vị,” anh ta nói. “Anh đợi đây một lát để tôi kiểm tra lại hồ sơ của hắn, rồi sẽ thông báo kết quả.”

Anh ta về phòng làm việc của mình, kiểm tra hồ sơ của kẻ tình nghi trong máy tính, rồi quay lại mỉm cười. “Chà! Không thể tin được. Đúng thế đấy! Kẻ tình nghi này quả nhiên có mang kính áp tròng. Giỏi lắm! Làm sao anh có thể quan sát sắc sảo thế?”

“Dễ ợt,” Sardar trả lời. “Hắn không thể đeo kính thường bởi vì hắn chỉ có một mắt và một tai.”

Sự thắng thế của chủ nghĩa kinh nghiệm trong nhận thức luận phương Tây được phản ánh qua thực tế rằng chúng ta mặc nhiên coi nó là phương pháp kiểm tra mà mọi người đều sử dụng:

Ba phụ nữ đang thay quần áo trong phòng thay đồ để chuẩn bị chơi bóng vợt (Racquetball) thì có một người đàn ông trần truồng trùm mỗi cái bao trên đầu chạy qua. Bà thứ nhất nhìn mẩu xúc xích của anh ta và nói, “Không phải chồng tôi.” Bà thứ hai nói, “Không, không phải đâu.” Bà thứ ba nói, “Hắn thậm chí không phải thành viên câu lạc bộ này.”

Tuy vậy, bất chấp sự thắng thế của chủ nghĩa kinh nghiệm và khoa học, nhiều người vẫn tiếp tục lý giải các sự kiện khác thường như là những phép lạ chứ không phải là kết quả của những nguyên nhân tự nhiên. David Hume, triết gia kinh nghiệm chủ nghĩa hoài nghi Anh, phát biểu rằng niềm tin vào phép lạ có thể có cách giải thích hợp lý duy nhất nếu tất cả những phương án khác còn khó tin hơn. Chẳng hạn, một người khăng khăng cho rằng anh ta có cây cọ cảnh biết hát những khúc aria trong vở Aida của Verdi. Điều nào khó tin hơn đây: cây cọ cảnh có khả năng phá vỡ quy luật tự nhiên hay anh chàng này điên, bịa tạc, hoặc ăn phải nấm độc? Câu trả lời của Hume: “Vớ vẩn!” (Chỗ này chúng tôi quả tình có hơi xuyên tạc lời ông ấy!) Do khả năng người kể chuyện bịa đặt hoặc thổi phồng sự thật cao hơn nhiều so với khả năng cây cọ phá vỡ quy luật tự nhiên, Hume hẳn không thấy có cái lý nào để kết luận rằng đã có một phép lạ xảy ra. Ngoài ra, hầu như ai cũng biết cây cọ cảnh thích Puccini hơn Verdi.

Thật thú vị, trong câu chuyện dưới đây, Bill, một người có vẻ giống môn đệ của Hume, đã thẩm định cả điều coi là phép lạ, nhưng rốt cuộc thì đi đến kết luận rằng phương án giải thích khác thậm chí còn khó tin hơn:

Một hôm Bill than phiền với người bạn rằng khuỷu tay anh ta rất đau. Người bạn khuyên anh ta đến gặp vị đạo sư sống trong một cái hang gần đó. “Cậu chỉ việc để lại chút nước tiểu ở ngoài cửa hang, ông ấy sẽ quán tưởng về nó, sẽ chẩn đoán chuẩn xác bệnh của cậu, và nói cho cậu biết phải làm gì. Chỉ mất có mười đô la thôi.”

Bill nghĩ cũng chẳng tốn kém mấy, nên lấy một ít nước tiểu vào bình rồi đặt ngoài cửa hang cùng tờ mười đô la. Hôm sau, anh quay lại, ở đó đã có mẩu giấy viết sẵn cho anh: “Anh bị đau khuỷu tay. Hãy ngâm cánh tay bằng nước ấm. Tránh nâng vật nặng. Sau hai tuần sẽ đỡ.”

Tối muộn hôm đó Bill mới sực nghi ngờ rằng “phép lạ” của đạo sư chỉ là trò bịp do anh bạn kia bày đặt ra, có thể chính anh ta đã viết mẩu giấy và để ngoài cửa hang. Nghĩ vậy, Bill bèn quyết định chơi lại anh bạn kia. Anh khoắng một chút nước vòi (robinet), một chút phân chó, cùng nước tiểu của vợ và con trai. Anh hoàn tất bằng cách thêm vào đó chút chất thải của chính mình rồi để hỗn hợp trước cửa hang cùng tờ mười đô la. Xong xuôi, anh mới gọi người bạn để bảo anh gặp vài vấn đề nữa về sức khỏe và đã để một mẫu khác cho đạo sư.

Hôm sau, anh quay trở lại hang và thấy một mẩu giấy khác ghi rằng, “Nước vòi nhà anh quá nhiều tạp chất. Hãy kiếm một chiếc máy lọc. Con chó của anh có giun. Cho nó uống thuốc. Con trai anh đã dính cocain. Đưa nó đi cai nghiện. Vợ anh có song thai, con gái. Chúng không phải con anh. Tìm một luật sư. Còn anh nếu không chấm dứt tự sướng, cái tay đau sẽ không bao giờ khỏi.”

Nhưng thông thường trong truyện cười cũng như trong triết học, những lý giải gây hoài nghi vẫn phổ biến hơn.

Ông lang già Bloom, chủ một tiệm đồ sắt trong vùng, nổi tiếng trị bệnh viêm khớp rất thần tình, bệnh nhân xếp hàng dài chờ ngoài cửa, trong đó có một bà già lưng còng, chống gậy lê từng bước.

Khi đến lượt, bà già bước vào phòng, nửa giờ sau đã bước ra, và thật kinh ngạc, lưng thẳng băng, đầu ngẩng cao.

Một bà đang đợi đến lượt mình kêu lên, “Kỳ diệu quá! Bà vào đây lưng còng mà sau nửa giờ bước ra lưng lại thẳng. Thầy lang đã làm gì vậy?”

Bà già đáp, “Ông ấy cho tôi cái gậy dài hơn.”

Một người mù đương nhiên cũng có thể là người kinh nghiệm chủ nghĩa, như anh chàng sau đây, mặc dầu dữ liệu thị giác không có trong kinh nghiệm của anh ta:

Hôm ấy là lễ Quá hải, một người Do Thái đang dùng bữa trưa trong công viên. Chợt một người mù ngồi xuống bên cạnh, người Do Thái bèn mời người mù chia sẻ đồ ăn với mình - một miếng bánh không men. Người mù đón lấy miếng bánh, sờ sẩm một lát rồi hỏi, “Ai viết nhăng cuội gì thế này?”

* Bánh không men (matozh) mỏng như giấy, do cách nướng đặc biệt nên nổi sần lên thành hàng như những hàng chữ khiến người mù tưởng là chữ nổi.

Còn anh chàng trong câu chuyện dưới đây mắc sai lầm ngớ ngẩn khi tưởng rằng người mù không thể kiểm tra thông tin khi sử dụng những giác quan khác:

Một người dắt chó vào quán bar gọi đồ uống. Người pha rượu nói, “Ông không được mang con chó đó vào đây!” Người kia không hề bối rối, đáp, “Nó là con chó dẫn đường của tôi đấy.”

“Ồ, tôi xin lỗi!” người pha rượu nói. “Đây, ly thứ nhất tôi mời nhé.” Người kia cầm lấy ly rượu đến ngồi xuống một bàn gần cửa.

Lại có người nữa dắt chó đi vào quán bar. Người dắt chó lúc nãy ngăn anh ta lại khẽ nhắc, “Anh không được dắt chó vào đây đâu, trừ phi anh bảo với anh ta nó là chó dẫn đường.” Người thứ hai nhã nhặn cám ơn, tiếp tục đi đến quầy và gọi đồ uống. Người pha rượu nói, “Này, ông không được mang con chó đó vào đây!”

Người đàn ông đáp, “Đây là con chó dẫn đường của tôi.”

Người pha rượu nói, “Không, tôi không nghĩ thế. Không ai dùng Chihuahua làm chó dẫn đường cả.”

Người đàn ông thoáng khựng lại nửa giây rồi kêu lên, “Hả?!?! Họ đưa cho tôi một con Chihuahua?!?”