Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Lập Luận Quy Nạp Theo Phép Loại Suy

Không có gì giống như một lập luận từ phép loại suy. Ờ, có lẽ một con vịt thì giống. Có thể thấy lập luận loại suy được sử dụng trong câu trả lời cho câu hỏi: ai hoặc cái gì đã tạo ra vũ trụ. Một số nhà tư tưởng lý luận rằng: Vì vũ trụ giống như chiếc đồng hồ, nên phải có Đấng chế tạo đồng hồ. Như triết gia Anh theo chủ nghĩa kinh nghiệm thế kỷ mười tám David Hume đã chỉ ra, đó là một lý lẽ không đáng tin cậy, vì không có cái gì hoàn toàn tương tự với cả vũ trụ, trừ phi nó là một vũ trụ khác, do đó chúng ta không nên đi chệch sang bất cứ cái gì vốn chỉ là một phần của vũ trụ này. Tại sao lại là chiếc đồng hồ? Hume đặt câu hỏi. Tại sao không nói vũ trụ tương tự con chuột túi chẳng hạn? Nói cho cùng, thì cả hai đều là những hệ thống gắn kết hữu cơ. Nhưng nếu dùng con chuột túi chúng ta sẽ đi đến một kết luận rất khác về nguồn gốc vũ trụ: đó là, nó được sinh ra từ một vũ trụ khác sau khi vũ trụ khác đó giao phối với một vũ trụ thứ ba. Lập luận loại suy cơ bản dựa trên giả định rằng, vì một số khía cạnh của A tương tự với B, nên các khía cạnh khác của A cũng tương tự với B. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng thế.

___oOo___

Gần đây, lập luận về chiếc đồng hồ và Đấng chế tạo đồng hồ đã quay lại dưới hình thức “lý thuyết” Thiết kế Thông minh. Lý thuyết này cho rằng cấu tạo cực kỳ phức tạp của các vật thể tồn tại trong tự nhiên (như bông tuyết, nhãn cầu, hạt quartz) chứng tỏ phải có một nhà thiết kế siêu thông minh. Khi Hội đồng Giáo dục của thành phố Dover, Pennsylvania được đề nghị đưa Thiết kế Thông minh vào chương trình giảng dạy trong nhà trường như một “lựa chọn thêm” bên cạnh thuyết tiến hóa, ông chủ tịch Hội đồng John Jones III đã khuyên các tác giả của ý tưởng này nên quay trở lại ngồi trên ghế nhà trường. Trong ý kiến trả lời bằng văn bản thường là hóm hỉnh của mình, Jones đã không cưỡng lại được việc châm chọc những chuyên gia phe bảo vệ lý thuyết Thiết kế Thông minh. Chẳng hạn, một vị giáo sư thừa nhân rằng lập luận theo phép loại suy thường có khiếm khuyết, nhưng “nó vẫn hữu hiệu trong các phim khoa học giả tưởng”.

Thế đấy, còn ai tiếp tục bênh vực nữa, xin mời!

***

Lập luận loại suy còn có một vấn đề khác là từ những quan điểm khác nhau bạn sẽ có những cách loại suy hoàn toàn khác nhau.

Ba sinh viên ngành kỹ thuật đang thảo luận về ngành nghề của vị Chúa đã thiết kế cơ thể con người. Sinh viên thứ nhất nói, “Chúa phải là kỹ sư cơ khí. Cứ xem các khớp thì biết.”

Anh thứ hai nói, “Tôi nghĩ Chúa phải là kỹ sư điện. Hệ thần kinh có hàng ngàn mối liên kết điện.”

Người thứ ba nói, “Thật ra, Chúa là kỹ sư xây dựng dân dụng. Ngoài Ngài ấy ra, còn ai có thể đặt đường ống nước thải độc hại đi qua khu vui chơi giải trí nào?”

Nói chung, các lập luận loại suy không thuyết phục lắm. Chúng không cung cấp cho ta độ chắc chắn cần thiết trong những vấn đề liên quan đến những niềm tin cơ bản như sự tồn tại của Chúa. Không gì tệ hơn phép loại suy tồi của một nhà triết học, có lẽ chỉ trừ phép loại suy của một học sinh trung học. Bằng chứng là kết quả cuộc thi “Những câu loại suy dở nhất trong một bài luận trường trung học” do tờ Washington Post tổ chức:

  1. “Bị số phận nghiệt ngã chia cắt lâu ngày, đôi tình nhân bất hạnh băng qua đồng cỏ lao đến gặp nhau như hai đoàn tàu chở hàng, một đoàn tàu rời Cleveland lúc 6:36 chiều, chuyển động với tốc độ 55 dặm một giờ, đoàn tàu kia xuất phát từ Topeka lúc 7:47 tối với tốc độ 35 dặm một giờ”
  2. “John và Mary chưa bao giờ gặp nhau. Họ giống như hai con chim ruồi cũng chưa bao giờ gặp nhau.”
  3. “Con thuyền nhỏ êm đềm trôi qua đầm đúng như cái cách mà một quả bóng bowling không bao giờ có thể trôi.”
  4. Từ trên căn buồng áp mái vọng xuống tiếng hú ghê rợn. Toàn bộ cảnh này có một tính chất ma quái, dị thường - như thể bạn đang đi nghỉ ở một thành phố khác và chương trình Jeopardy lên sóng lúc 7 giờ tối thay vì 7:30.