Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Đạo Đức Tuyệt Đối: Luật Chúa

Luật Chúa làm cho vấn đề đạo đức học thành đơn giản: Nếu Chúa bảo cái gì sai thì nó là sai, trọn vẹn và tuyệt đối. Luật chỉ viết có thế. Nhưng ở đây lại nảy sinh vấn đề phức tạp. Trước hết, làm sao chúng ta có thể biết Chúa thật sự nghĩ gì? Những tín đồ chính thống đáp: Kinh Thánh nói vậy. Nhưng làm sao các nhân vật trong Kinh Thánh biết dấu hiệu họ nhận được thật sự là từ Chúa? Abraham nghĩ ông được Chúa kêu gọi hy sinh đứa con trai trên bàn thờ. Abraham suy nghĩ, “Nếu Chúa nói thế, thì mình hãy làm như thế.” Nghi vấn triết học đầu tiên chúng ta đặt ra cho Abraham là, “Ông sao thế, điên à? Ông nghe ‘Chúa’ khiến ông làm chuyện điên rồ, mà thậm chí ông không cần hỏi để biết có thật là Chúa không?”

Một vấn đề khác của việc tuân theo Luật Chúa nằm ở sự diễn dịch. Nên thể hiện lòng tôn kính đối với cha mẹ như thế nào cho phải? Một tấm thiếp nhân Ngày của Mẹ? Hay kết hôn với anh chàng tẻ nhạt con nhà nha sĩ vì cha mẹ đáng kính của bạn muốn bạn làm vậy? Những câu hỏi này hoàn toàn không phải là đi quá sâu vào chi tiết, khi cậu con nhà nha sĩ cao mét rưỡi và nặng tạ hai.

Đặc tính đầu tiên của Luật Chúa là Chúa luôn luôn có tiếng nói cuối cùng.

Moses lê bước từ đỉnh Sinai xuống, bảng đá trong tay, và loan báo với đám đông đang tụ tập: “Ta có tin lành, và cũng có tin dữ. Tin lành là ta đã khiến Người rút xuống còn mười điều răn. Tin dữ là ‘tội ngoại tình’ vẫn còn đó.”

___oOo___

Thánh Augustine trẻ trung và cường tráng rõ ràng đã cố gắng có cuộc thương lượng tương tự khi thốt lên câu nổi tiếng này, “Lạy Chúa, xin hãy ban cho con sự trinh bạch. Nhưng không phải ngay lúc này!” Rõ ràng Augustine đang hơi cố bắt bẻ tỉ mẩn theo kiểu Talmud. “Con muốn nói rằng, Chúa không nói chính xác khi nào thì đừng phạm tội ngoại tình, phải không?” Nghe như truyện tiếu lâm vậy.

***